Từ thơ thể loại “Hành,” tới thi ca một thời của Phạm Ngọc Lư

15 Tháng Sáu 201612:00 SA(Xem: 14234)
Từ thơ thể loại “Hành,” tới thi ca một thời của Phạm Ngọc Lư

Từ thơ thể loại “Hành,” tới thi ca một thời của Phạm Ngọc Lư

 

 

Trước khi bước vào bài thơ nhan đề “Biên Cương Hành” nổi tiếng của nhà thơ Phạm Ngọc Lư, trong dòng văn học miền Nam, 20 năm, xuất hiện giai đoạn dầu sôi lửa bỏng nhất của cuộc chiến; tôi trộm nghĩ, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua thể thơ có tên là “Hành” - - Một thể loại thơ không phổ thông lắm, nhưng nó từng giữ một vị trí đáng kể trong lịch sử thi ca Việt.

 

Về những thể thơ được gọi là “cổ phong” có từ đời Đường của truyền thống thi ca Trung Hoa, một số nhà phân tích, phê bình văn học cổ đã xếp thể loại “Hành” cùng với những thể cổ phong khác như “Ca, ngâm, hành, từ, khúc…”

 

Để phân biệt tính chất của từng loại thơ cổ phong vừa kể, tác giả Triều Nguyên, trong biên khảo nhan đề Ý Nghĩa Của Ca, Ngâm, Hành, Từ, Khúc Trong Nhan Đề Thơ Cổ, ghi nhận:

 

“… Ca: bài thơ (có thể dùng để hát), thường đề cập đến vấn đề lớn lao của tự nhiên, cộng đồng, cuộc sống;… tác giả thường dùng cách kể với tâm trạng hào sảng, cảm xúc mạnh mẽ và thể thơ cổ phong khoáng đạt.

 

Khúc và ngâm được dùng tương đương về nghĩa, hoặc theo cách kết hợp: ngâm khúc.

Ngâm khúc: Tác phẩm bằng văn vần, thường để bày tỏ niềm riêng, nỗi đau buồn về một vấn đề bức xúc trong cuộc sống; thể thơ cổ phong, thơ song thất lục bát với dung lượng đáng kể, được sử dụng để chuyển tải nỗi niềm ấy (Phân biệt với cách hiểu ngâm, khúc ở thơ Đường qua bảng trên).

 

Hành: bài thơ, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến; thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc.

 

Từ: ít sử dụng (theo cách đặt nhan đề) trong thơ Việt cổ. Với thơ Đường, thì Từ là bài thơ thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, có tính chất cộng đồng, chủ thể trữ tình thường thiên về tả với tâm trạng hào sảng; do đối tượng được đề cập chỉ cần phác họa vài nét cần thiết, nên từ thường sử dụng các thể thơ ngắn (như tứ tuyệt)…” (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư Mở)

 

Về sự xuất hiện của thể loại “Hành” sớm sủa nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam, tác giả Triều Nguyên trích dẫn một tư liệu in trong tác phẩm Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam (Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1976), như sau:

 

“… Các nhà thơ Việt ít dùng từ để đặt tên bài thơ của mình, khúc cũng không nhiều (lại có thể hiểu như ngâm khúc). Riêng ngâm, chúng ta có hai tác phẩm lớn (Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, 470 dòng thơ cổ phong; Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, 356 dòng thơ thể song thất lục bát), trong lúc 4 bài ngâm ở thơ Đường (Giang Thượng Ngâm, Bạch Đầu Ngâm – Lý Bạch; Tiết Phụ Ngâm – Trương Tịch; Du Tử Ngâm – Mạnh Giao) cộng lại chỉ 58 dòng thơ. Tác phẩm có cung cách như thơ Đường rất ít. Trong lúc đó, ca và hành được dùng nhiều hơn. Riêng Cao Bá Quát, trong 29 bài thơ được tuyển vào tập Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam (sđd), có 4 bài ca, 1 bài hành; Nguyễn Du, trong Bắc Hành Tạp Lục (tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du, sđd), có 2 bài ca, 4 bài hành; trừ 1 bài (“Thương Ngô Trúc Chi Ca,” gồm 15 đơn vị, viết bằng thể thất ngôn tứ tuyệt, của Nguyễn Du), tất cả số ca, hành này đều theo thể cổ phong, có đối tượng được đề cập là những sự kiện, vấn đề gây cảm xúc mạnh, và khó phân biệt giữa chúng…) (Nđd)

 

Y cứ theo tư liệu của tác phẩm Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam chúng ta được biết Cao Bá Quát và Nguyễn Du là hai tác giả thời Cổ văn, là những người sớm sủa nhất, để lại cho đời sau, một số bài “hành” tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương vĩ đại của mình.

 

Nếu so sánh “Hành” với những thể thơ khác ở giai đoạn Thơ mới kể từ đầu thập niên 1930 (còn được biết đến dưới tên “Thơ Tiền Chiến”), như thơ năm chữ, bảy chữ, tám chữ… (ảnh hưởng trường phái thơ Tây phương) thì thể “Hành” ở giai đoạn này đã không được phổ cập lắm.

 

Tuy nhiên, không vì thế mà thể loại “Hành” không được ghi nhận một cách trân trọng.

 

Cụ thể, với hai bài “Hành” hiện diện giữa giai đoạn Thơ Tiền chiến cũng đã có được ngôi vị nguy nga trong ký ức nhiều thế hệ người đọc. Đó là bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm, viết năm 1940 và, “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính, sáng tác năm 1943, tại Đa Kao, Sài Gòn.

 

Sau đây là nguyên văn hai bài “hành” nổi tiếng nhất thời Thơ mới đó:

 

Tống Biệt Hành

 

Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy

Một giã gia đình, một dửng dưng...

 

- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,

Chí nhớn chưa về bàn tay không,

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

 

Ta biết người buồn chiều hôm trước:

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

Một chị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót. (*)

 

Ta biết người buồn sáng hôm nay:

Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

 

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say.

 

Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**)

Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.

Ly khách ven trời nghe muốn khóc,

Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm. (***)

 

 

(*) Có bản chép là “dòng lệ xót”

(**) Có bản chép là “giá lên trăng”

(***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo Văn Hóa Việt Nam Tổng Hợp 1989-1995 (Hà Nội, 1989), trong một bản in Tiểu thuyết thứ Bảy (1940) có đoạn này. (Nđd).

 

Và:

 

Hành Phương Nam

 

Gửi T.Kh.

 

Hai ta lưu lạc phương Nam này,

Trải mấy mùa qua én nhạn bay.

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở,

Riêng ta với ngươi, buồn vậy thay.

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu,

Mà không uống cạn mà không say.

Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã.

Mà áo khinh cừu chưa ai may,

Ngươi giam chí lớn vòng cơm áo.

Ta trói thân vào lụy nước mây.

Ai biết thương nhau từ thuở trước,

Bây giờ gặp nhau trong phút giây.

Nợ thề trả chưa tròn một món.

Sòng đời thua đến trắng hai tay:

Quê nhà xa lắc xa lơ đó,

Trông lại tha hồ mây trắng bay.

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc,

Ly tán vì cơn gió bụi này.

Ngươi ơi! Buồn lắm mà không khóc,

Mà vẫn cười qua chén rượu đầy,

Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết,

Ngày mai ra sao rồi hãy hay.

Ngày mai sáng lạn vì non nước,

Cốt nhất làm sao tự buổi nay,

Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn

Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay.

Hỡi ơi! Nhiếp Chính mà băm mặt

Giữa chợ ai người khóc nhận thây.

Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén.

Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?

Mơ gì ấp tiết thiêu văn tự,

Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây.

Ta đi? Nhưng biết về đâu chứ?

Đã dấy phong yên khắp bốn trời,

Thà cứ ở đây, ngồi giữa chợ,

Uống say mà gọi thế nhân ôi!

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ,

Ta với nhà ngươi cả tiếng cười,

Ngươi ơi! Hề! Ngươi ơi!

Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.

 

Đa Kao, 1943 (Nđd) (1)

 

Bẵng một thời gian dài, kể từ khi toàn dân nổi dậy kháng chiến chống Pháp, sinh hoạt thi ca của chúng ta, không có chỗ cho thể loại Hành. Phải chăng, vì đặc tính của thể thơ này, đa phần phản ảnh khẩu khí của cá nhân tác giả: bất mãn, thất vọng trước xã hội, thời thế? Vì thế, mãi tới đầu thập niên 1970, ở miền Nam, độc giả mới lại được thưởng thức “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư. Một bài Hành, không chỉ nói lên tâm trạng não nề, tuyệt vọng của họ Phạm. Mà, nó còn ghi lại được toàn cảnh chiến tranh, phân ly, tang chế do cuộc chiến tranh phi nhân chụp xuống, bao trùm thân phận nghiệt ngã của toàn thể dân Việt.

 

 

 

“Biên Cương Hành,” địa-chấn-thi-ca Phạm Ngọc Lư

 

Như hai bài “Hành” nổi tiếng từ thời thơ Tiền chiến của Thâm Tâm và, Nguyễn Bính, 27 năm sau, Phạm Ngọc Lư cũng dùng thể loại cổ thi có từ đời Đường của văn học Trung Hoa này, để diễn tả, gửi gắm tâm cảm mình trước nhiễu nhương, nghịch cảnh lịch sử…

 

Giống hai tác giả thời trước, Phạm không dùng nhân xưng đại danh tự ngôi thứ nhất nào, khác hơn chữ “ta”, để phát lộ tính chất khinh bạc, khẩu khí bất mãn, thất vọng thời thế,… một yếu tính của thể thơ cổ phong này.

 

 

Biên Cương Hành

 

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Trông núi có khi lầm bóng vợ

Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương!

Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông

Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm

Mùa mưa về báo hiệu tai ương

Quân len lỏi dưới tàn lá dữ

Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn

Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc

Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi đã hoá thành thú muông

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương!

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

Rừng núi ơi ta đến chia buồn

Buồn quá giả làm con vượn hú

Nào ngờ ta con thú bị thương

Chiều hôm bắt tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương?

Em đâu, quê nhà chong mắt đợi

Hồn theo mây trắng ra biên cương

Thôi em, yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về không hẹn ngày hôn lễ

Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông

Thôi em, chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch

Kinh Kha đời nay cả vạn muôn

Há một mình ta xuôi biên tái

“Nhất khứ bất phục phản” là thường!

 

Thôi em, còn chi ta mà đợi

Ngày về: thân cạn máu khô xương

Ngày về: hôn lễ hay tang lễ

Hề chi! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

5/1972

 

 

Tuy nhiên, ngay khổ thơ đầu tiên mở vào bài thơ của mình, người đọc đã sớm nhận ra sự khác biệt lớn giữa “Hành” của Phạm Ngọc Lư và “Hành” của Thâm Tâm, Nguyễn Bính.

 

Ở cả hai bài hành có từ thời tiền chiến, tự những dòng chữ đầu, ngữ cảnh hai bài thơ đã minh thị tính cá nhân cùng, giới hạn của không gian thơ.

 

Đây là Thâm Tâm, với “Tống Biệt Hành”

 

Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? (Nđd)

 

Và, đây là Nguyễn Bính với “Hành Phương Nam”

 

Hai ta lưu lạc phương Nam này,

Trải mấy mùa qua én nhạn bay.

Xuân đến khắp trời hoa rượu nở,

Riêng ta với ngươi, buồn vậy thay. (Nđd)

 

Với 4 câu bảy chữ, từ khởi điểm, Thâm Tâm không “giới thiệu” nhân vật đối tượng của bài thơ, như Nguyễn Bính (cụ thể qua câu “Hai ta lưu lạc phương Nam này.” Nhưng ở câu thứ tư “Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” thì, người đọc liên tưởng ngay tới đối tượng (nhân vật thứ hai) bài thơ là một người nữ.

 

Phạm Ngọc Lư với “Biên Cương Hành,” khác biệt hẳn. Đối tượng (hay nhân vật) của ông, không là một cá nhân (hay vài cá nhân) mà, chính là… “biên cương!”

 

Biên cương nhiễu nhương. Biên cương máu nuôi rừng. Biên cương dãy mồ chôn:

 

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn (Nđd)

 

Từ đối tượng là một (hay vài cá nhân), từ không gian là buổi chiều, hoàng hôn (Thâm Tâm), hoặc mùa xuân ở phương Nam (Nguyễn Bính), đối tượng và, không gian ở “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư, là cả một thế hệ bị vùi dập; cả một không gian bạt ngàn tang chế, tai ương…

 

Tôi không biết họ Phạm vô tình (hay cố ý) áp dụng một trong những kỹ thuật điện ảnh là đi từ viễn-cảnh (wide shot) về dần cận-cảnh (close up shot) với những câu thơ tả thực, gần như chưa từng có trong lịch sử thi ca chiến tranh Việt Nam - - Nhờ thế sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài thơ đã được nâng cấp một cách mạnh mẽ:

 

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường (Nđd)

 

Đoạn thơ 14 câu này, ngoài những câu cực tả hiện thực, tựa đó là một trong những nét tiêu biểu cho cuộc chiến miền Nam, như:

 

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường…

 

(Thì) tôi rất thích tính từ “gớm” (tác giả nói với riêng mình?) Và, tính từ “rậm” (rậm đám) trong câu “Ta về theo cho rậm chiến trường” - - Xác định tác giả không hề thấy mình là một thứ “tráng sĩ”, sinh bất phùng thời; hoặc thất chí vì ước mơ phất cao ngọn cờ “thế thiên hành đạo” không thành, như nội dung của hai bài hành thời tiền chiến. Mà họ Phạm tự thấy mình tầm thường, lạc lõng, có khi còn làm quẩn chân cho những người lính bị đầy nơi biên ải!.!

 

Bản năng sinh tồn được Phạm Ngọc Lư thể hiện minh bạch, không chút mặc cảm, không lên gân trước sống/ chết…, tôi cho đó cũng là một thể hiện khiêm tốn, đáng trân trọng của bản chất thi sĩ, nơi tài năng đặc biệt này.

 

Dấn thêm một bước nữa, để mô tả cảnh tượng chiến địa, nơi những đời trai là nguồn gốc tạo thành hình ảnh những “đá vọng phu”, những “chưa hết thanh xuân đã cùng đường” là lũ “cô hồn nơi quan tái,” Phạm viết:

 

… Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc

Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi đã hoá thành thú muông

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng (Nđd)

 

Và, không thể đau lòng, nhưng cũng không thể con người hơn, khi lũ cô hồn nơi biên cương, đã có lúc:

 

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

 

Bước qua phần thứ hai của “Biên Cương Hành” như một thứ “đàn tràng chiêu hồn tử sĩ” thời đại mới, Phạm Ngọc Lư vẫn thú nhận ông đã kinh hoàng, sợ hãi biết bao, qua cụm từ “ghê thay biên cương!”:

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương!

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu (Nđd)

 

Tuy thế, Phạm vẫn đến với “biên cương” trong tâm thái của một người muốn chia sớt phần nào những bất hạnh tận cùng của đám “cô hồn” sớm “hóa thành muông thú”:

 

Rừng núi ơi ta đến chia buồn

 

Nhưng rồi, lập tức Phạm nhận ra, cách gì, ông cũng chỉ là “con thú bị thương;” cô đơn trước sơn cùng thủy tận, tự hỏi liệu có còn ai “tiếc máu xương”:

 

Buồn quá giả làm con vượn hú

Nào ngờ ta con thú bị thương

Chiều hôm bắt tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương? (Nđd)

 

Và, Phạm cũng không thể chân thành, thẳng thắn hơn, khi nghĩ tới một nửa kia của đời mình:

 

Em đâu, quê nhà chong mắt đợi

Hồn theo mây trắng ra biên cương

Thôi em, yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về không hẹn ngày hôn lễ

Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông

Thôi em, chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch

Kinh Kha đời nay cả vạn muôn

Há một mình ta xuôi biên tái

“Nhất khứ bất phục phản” là thường!

 

(Trong 66 câu thơ làm thành một thứ “đàn tràng chiêu hồn tử sĩ” thời đại mới thì, 4 câu thơ sau cùng của phân đoạn này, tác giả mượn điển tích Kinh Kha sang Tần. Theo tôi, điển tích Kinh Kha sang Tần vốn đã được phổ cập hóa trong dân gian, nên không vì thế mà mạch chảy của bài thơ bị giảm, chậm?)

 

Vẫn thành khẩn, không phóng tâm thoát khỏi đời thường, không tự thấy mình lớn lao, ghê gớm hơn người, Phạm viết tiếp, như trăng trối cuối cùng không chỉ cho riêng người người yêu của ông mà, cho tất cả những người phụ nữ sớm biến thành “đá vọng phu;” hay “chưa hết thanh xuân đã cùng đường”:

 

Thôi em, còn chi ta mà đợi

Ngày về: thân cạn máu khô xương

Ngày về: hôn lễ hay tang lễ

Hề chi! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương. (Nđd). (2)

 

 

Kiếp-nạn chiến tranh của Việt tộc qua thơ Phạm Ngọc Lư

 

 

Tôi vẫn nghĩ, một tác phẩm văn chương, hay một bài thơ chỉ có thể thoát khỏi định luật lãng quên cay nghiệt, để trụ lại được với thời gian, khi tác phẩm đó phản ảnh được ít/ nhiều tâm cảnh một thời đại - - dù cho cách nói có khác nhau, ở bất cứ lãnh vực nào: tình cảm, xã hội, chính trị, buồn/ vui đời thường… Tôi muốn nhấn mạnh rằng: tự thân sáng tác nọ phải thấm, nhập được hồn vía (nét đặc thù) thời đại đó.

 

Như lịch sử Văn học Nghệ thuật, giai đoạn Tiền chiến là giai đoạn Văn học Nghệ thuật của chúng ta, một mặt ào ạt, hưng phấn tiếp thu ảnh của Văn học Nghệ thuật Tây phương; cùng lúc giới văn nghệ sĩ của chúng ta thời đó, cũng ề chề, nhục nhã trước thực trạng cả đất nước bị đô hộ, thống trị, phân chia bởi thực dân Pháp!… Vì thế, rất nhiều sáng tác của Văn học Nghệ thuật ta ở giai đoạn đó, đã phản ảnh tâm-thái riêng của thời đại, qua một số sáng tác, còn lưu truyền tới hôm nay. Đơn cử như bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ, ghi lại tâm cảnh nô lệ của một dân tộc bị ngoại xâm:

 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới?

Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những buổi chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt,

Để chiếm lấy phần tối tăm bí mật?

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? (Nđd)

 

Hoặc bài “Anh Hùng Vô Danh”

 

… Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng

Đã xông vào khói lửa quyết liều thân

Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc (Nđd) (3)

 

Đó là tinh thần, tấm lòng yêu nước của người dân trong giai đoạn đất nước bị đô hộ!

 

Cùng thời điểm, ở mặt khác, mặt tiêu cực, chúng ta cũng có những sáng tác đáp ứng nhu cầu tinh thần sâu kín của giới thưởng ngoạn. Mẫu số chung của của khuynh hướng tiêu cực này là tinh thần chán chường, bất lực trước thực trạng bi đát của Tổ quốc. (Nên) Thi ca cũng như âm nhạc chọn con đường ném mình vào trào lưu tiêu cực, lãng mạn… Tựa phản ứng “giận lẫy,” “dỗi hờn” của những tâm hồn yếu đuối, bất lực trước thực trạng…

 

Ở khuynh hướng chạy trốn sự thật này, về thi ca, nhiều người nhớ tới bài thơ “Phương Xa” của Vũ Hoàng Chương:

 

Lũ chúng ta, lạc loài dăm bảy đứa,

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,

(…)

Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ

Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,

Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,

Thuyền ơi thuyền! xin ghé bến hoang sơ (Nđd)

 

Lãnh vực âm nhạc cũng vậy, đến nay, một số ca khúc vẫn còn được chỗ đứng đáng kể trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Đó là những ca khúc phản ảnh được tâm cảnh của một giai đoạn “tuyệt vọng,” lạc lõng.

 

Ở khuynh hướng chán nản, buông trôi này thì bài thơ “Mưa… Mưa Mãi” của Lưu Trọng Lư là một trong khá nhiều thí dụ:

 

… Mưa chi mưa mãi!

Lòng nhớ nhung hoài!

Nào biết nhớ nhung ai!

 

Mưa chi mưa mãi

Buồn hết nửa đời xuân!

Mộng vàng không kịp hái (Nđd)

 

Tác giả “Lửa Thiêng” Huy Cận cũng lạc lõng, bơ vơ,… quay qua đặt câu hỏi (đổ lỗi) cho thượng đế khi tạo sinh con người:

 

… Nếu Chúa biết bao nhiêu hồn ly tán,

Vì đã nâng bình lửa ấp lên môi:

Thì hẳn Chúa cũng thẹn thùng hối hận,

Đã sinh ra thân thể của con người.

(Trích “Thân Thể”, Nđd) 

 

Ở lãnh vực âm nhạc, chúng ta cũng có một “Trương Chi” của Văn Cao:

 

… Ngồi đây ta gõ ván thuyền,

Ta ca trái đất còn riêng ta.

Đàn đêm thâu

Trách ai khinh nghèo quên nhau,

Đôi lứa bên giang đầu.

Người ra đi với cuộc phân ly…

Đâu bóng thuyền Trương Chi (Nđd).

 

Để khuây nguôi, Phạm Duy Nhượng cũng tự ném mình vào chuyện tình cực kỳ lãng mạn Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như, qua ca khúc “Tà Áo Văn Quân”:

 

Tư Mã chàng ơi, dừng đàn bên Văn Quân

Nâng phím hào hoa, kề làn môi giai nhân

Dựng nhà bên suối, cung đàn ấp má đào

Mộng chưa tàn khúc, Phượng Cầu lưu luyến nhau

Phượng ôi! đàn vắng

Tìm chim Hoàng nơi nào? (Nđd) (4)

 

Hai bài “hành” thời tiền chiến của Thâm Tâm và Nguyễn Bính cũng có một mẫu số chung; đó là khẩu khí của những người kẻ ôm mộng lớn, sinh bất phùng thời. Chúng như những hớp rượu hào khí ngất trời, vốn tiềm ẩn trong mơ ước, khát khao vô thức muốn trở thành anh hùng cứu quốc của nhiều người!?! Phản ảnh tâm lý chung của thanh niên thời Tổ quốc khốn cùng…(5)

 

Trong khi bài “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư cũng phần nào phản ảnh tâm lý chung của thanh niên miền Nam ở thời điểm cuối 1960, đầu thập niên 1970. (6)

 

Nếu hai bài hành của Thâm Tâm và Nguyễn Bính như những chén rượu có độ-cồn-hào-khí ngất trời (dẫu buồn bã) thì, “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư lại như chén rượu lạt hay, bát nước vối của một dân dã, không hề có tham vọng chọc trời khuấy nước - - Mà, chỉ như một kẻ lớn lên trong chiến tranh, vì quá yêu đời nên sinh lòng thất vọng vì đời!!!

 

Với tôi, đó là hai mặt của một đồng tiền tâm cảnh. Phản ảnh hai thời kỳ lịch sử của đất nước. Và, tùy tâm-thái mỗi cá nhân đã (hay sẽ) tiếp nhận ba bài “hành” đặc biệt này, theo cách nào đấy!.!

 

 

Phạm Ngọc Lư, “Ai trong muôn dặm không về nữa”?

 

Trong năm 1972, Phạm Ngọc Lư không chỉ có “Biên Cương Hành” mà, ông còn có thêm bài “Cố Lý Hành”.

 

Cố Lý Hành

 

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp

Nước đua chen đớp bọt nắng tàn

Đò qua sông đìu hiu bến đợi

Buồn rút lên bờ cây khai quang

Mây đổ xù lông như chó ốm

Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang

Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp

Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

 

Có biết ta về không cố lý?

Mười năm chưa lạ mặt xóm làng

Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín

Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han

Cổng khép rào vây vườn cỏ dại

Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang

 

Ngõ vắng bàn chân như hụt đất

Tre già đang kể chuyện chôn măng

Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể

Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng?

Khóc làm sao vừa lòng cố lý?

Phải đây là cố lý ta chăng?

Đâu bóng mẹ già sau khung cửa

Và những người em mặt trái xoan

Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ

Bên luống cà xanh liếp cải vàng

 

Đất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng

Cố lý mười năm ngày trở lại

Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!

1972

 

Tôi không biết bài nào sáng tác trước, bài nào sau? Chỉ thấy, họ Phạm vẫn dùng kỹ thuật lung-khởi cho phần “intro” “Cố Lý Hành”:

 

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp

Nước đua chen đớp bọt nắng tàn

Đò qua sông đìu hiu bến đợi

Buồn rút lên bờ cây khai quang

Mây đổ xù lông như chó ốm

Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang

Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp

Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn (Nđd)

 

Trong 8 câu mở đầu “Cố Lý Hành,” với tôi, ba câu:

 

“Mây đổ xù lông như chó ốm/ Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang” và “Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn”, là ba câu thơ vừa đẹp về phương diện liên-tưởng, lại vừa gần nhất với phong vị “hành.”

 

Nhìn chung, “Cố Lý Hành” vẫn là tâm cảnh của một cá nhân (thi sĩ) trong đời thường, như bất cứ một cá nhân bình thường nào khác - - Hiểu theo nghĩa tác giả không mượn… “hành” để ký thác, ta thán tâm cảnh thất chí của kẻ sĩ sinh bất phùng thời: mộng lớn không thành! Đời còn cũng sớm cạn kiệt nghĩa sống!!!

 

Ở phân đoạn kế tiếp, Phạm vẫn chờ đợi người đọc chia sẻ với ông, cái thân thế chênh chao, thất lạc của một cá nhân nhỏ bé trước không gian và thời gian. Phạm vẫn muốn được đất trời “cố thổ”, nhận ra tấm lòng gắn bó thao thiết với nơi chốn của ông; dù thời thế nhiễu nhương, tao loạn đã ném ông (chiếc lá bị bứt khỏi cành), tán lạc cùng trời cuối đất:

 

“Mười năm chưa lạ mặt xóm làng”

 

Câu thơ phản ảnh truyền thống “cóc chết ba năm còn quay đầu về núi” của người Việt Nam. Nhưng “cố thổ” lại quay lưng, xua đuổi ông. Tựa chiến tranh, thảm kịch đã…“đoạn bào,” cắt áo, chia tay với chính máu mủ, thịt xương mình:

 

Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín

Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han

Cổng khép rào vây vườn cỏ dại

Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang

 

Ngõ vắng bàn chân như hụt đất

Tre già đang kể chuyện chôn măng (Nđd)

 

Tôi vẫn nghĩ, một trong những di-truyền-tính của nhân loại là tính tìm về, từ khởi thủy của loài người. Đó là nhu cầu (thói quen) tìm về hang ổ của tổ tiên chúng ta, thời còn ăn lông ở lỗ. Họ phải tìm về nơi chốn tự đó đã ra đi, trước khi trời sụp tối - - Hầu ngăn ngừa sự lạc đường, mất dấu (?) Cũng như để bảo vệ mạng sống trước mọi đe dọa của thú dữ, tai ương (?)

 

Có dễ vì thế mà lịch sử thi ca cũng như âm nhạc, tính tới hôm nay, đã cho chúng ta khá nhiều sáng tác cảm động chung quanh chủ đề này.

 

Tôi muốn nói, mỗi thời kỳ Văn học Nghệ thuật, lại cho chúng ta những rung cảm phản ảnh đặc tính từng giai đoạn lịch sử mà, con người đã kinh qua!

 

Cụ thể, ở thời kỳ chiến tranh miền Nam, 20 năm, bản năng tìm về qua thơ Phạm Ngọc Lư không còn là hình ảnh: “Về đây nhìn mây nước bơ vơ/ Về đây nhìn cây lá xác xơ/ Về đây mong tìm bóng chiều mơ/ Mong tìm mái tranh chờ/ Mong tìm thấy người xưa…” như trong ca khúc “Ngày Về” của Châu Kỳ. Hoặc “Ngày Trở Về” của Phạm Duy với hình ảnh: “Mẹ lần mò, ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ/ Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…”

 

Mà là:

 

Tre già đang kể chuyện chôn măng

 

Hoặc:

 

Đâu bóng mẹ già sau khung cửa

Và những người em mặt trái xoan

Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ

Bên luống cà xanh liếp cải vàng

 

Đất đá thở ra mùi u uất

Bốn bề hun hút rợn màu tang

Ai chết quanh đây mà cú rúc

Mà cơn gió lạnh réo hồn oan

Ai trong muôn dặm không về nữa

Cố lý mười năm mộng bẽ bàng (Nđd)

 

Tôi không biết, có phải “Cố Lý Hành” tự thân, chẳng những đã không có cho nó cái khẩu khí của tráng sĩ muốn “đội đá vá trời,” mà lại có khá nhiều những ẩn dụ, nhân cách hóa, liên tưởng mới mẻ… đã giới hạn cảm nhận của người đọc, khi họ không “thấy có mình” trong văn bản (?)


Nhưng cách gì thì thơ Phạm Ngọc Lư, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, hôm nay, vẫn còn được một số

người tìm đọc. Điển hình, nhà văn Đỗ Trường ở Leipzig (Đức quốc), trong một bài viết ghi tháng 6 năm 2015, có đoạn:

 

“… Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho Văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.

 

“Nhà thơ Phạm Ngọc Lư (1946-2017) sinh tại một làng nhỏ vùng duyên hải thuộc huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên cách thành phố Huế khoảng 30 cây số về hướng Đông Nam, trong một gia đình thuần nông. Ngay từ thuở ấu thơ Phạm Ngọc Lư đã được cha và người bác truyền dạy chữ Hán. Ông là cựu học sinh Quốc Học, sinh viên Viện Hán học và Đại học Văn Khoa Huế. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Qui Nhơn, ông về dạy học ở Tuy Hòa. Năm sau, 1968, ông bị (được?) động viên nhập ngũ khóa 5/68 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Chỉ một thời gian ngắn tập luyện ở quân trường, ông lại được biệt phái trở về ngành giáo dục. Nhưng sau năm 1975, ông bỏ nghề. Từ đây, hoàn cảnh, xã hội đã đẩy Phạm Ngọc Lư phiêu bạt nhiều nơi, có những lúc cuộc sống, tâm hồn tuyệt vọng, tưởng chừng ông đã đoạn tuyệt với thi ca. Nhưng rồi chính nó lại là điểm tựa, giúp ông vượt qua những đắng cay, tủi nhục ấy. Và Đà Nẵng mới là nơi hội tụ, điểm dừng chân cuối, không chỉ riêng ông, mà còn của nhiều thi nhân lỡ bước khác.

 

“Phạm Ngọc Lư xuất hiện trên thi đàn rất sớm. Từ năm 17 tuổi (1963) ông bắt đầu tập viết và vài ba năm sau đó đã có thơ và truyện đăng trên các báo, nguyệt san: Nghệ Thuật, Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, Ý Thức, Tuổi Ngọc… Thơ Phạm Ngọc Lư mang đậm chất cổ thi và sử dụng nhiều điển tích cũng như từ ngữ Hán Việt. Do vậy, thơ ông cổ kính sang trọng, nhưng khi đọc lên tưởng chừng rất dễ vỡ.

 

“Quả, khi đọc, nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, đôi khi ta bắt gặp một vài thủ pháp nghệ thuật sử dụng hình ảnh, câu từ khá tương đồng với cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Bởi, có lẽ hai thi sĩ đều có điểm chung, học chữ Hán và có nền tảng cổ văn khá vững, ngay từ thuở thiếu thời chăng? Tuy là vậy, nhưng tư tưởng, hồn vía trong thơ lại có những khúc rẽ rất khác nhau.

 

“Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước không có một ngày bình yên, do vậy Phạm Ngọc Lư thấm được nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh và nỗi thống khổ sau cuộc chiến. Là nhà giáo, không phải cầm súng nơi chiến trường, nhưng với ngòi bút của mình, người thi sĩ trẻ ấy đã bóc trần sự thật của chiến tranh. Có thể nói, ‘Biên Cương Hành’ là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất Việt. Đa số những bài viết về đề tài chiến tranh, hay cổ động chiến tranh thường có giá trị nhất thời. Nhưng ‘Biên Cương Hành’ lại có sức sống dẻo dai và sự lan tỏa mạnh mẽ, bởi ngoài sự thật tàn khốc của chiến tranh, nó còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao…” (6).

 

Tôi chọn kết thúc loạt bài về thơ Phạm Ngọc Lư bằng vài trích đoạn ngắn, từ bài viết dài, công phu của nhà văn Đỗ Trường, đề cập tới nhiều khía cạnh thi ca Phạm Ngọc Lư, gồm luôn cả phần tiểu sử, tôi cho là tương đối đầy đủ nhất về tác giả này.

 

____________

 

Chú thích:

 

(1) Dù cùng được ghi nhận như hai viên ngọc của thể loại “Hành,” nhưng vì bài “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính có nhiều điển cố, điển tích, lại dài nhiều lần hơn bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm; nên không có nhiều người thuộc trọn bài của Nguyễn Bính.

 

(2) Để hiển lộ phong vị “Hành,” hầu như những bài thơ viết theo thể loại này, thường không thiếu chữ “Hề”. Chữ này đôi khi cũng xuất hiện trong những bài thơ không cùng thể loại! Theo Đại Từ Điển Việt Nam do Nguyễn Như Ý chủ biên (Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, ấn hành năm 1998) thì: “Hề là từ dùng làm tiếng đệm để ngắt câu trong các bài từ của văn học cổ…”

Trước khi chấm dứt bài thơ của mình, Phạm Ngọc Lư hai lần dùng chữ “hề.” Nhưng là “hề chi.” Theo tôi, chúng không phải là chữ đệm mà, “hề chi” có nghĩa: có gì ghê khiếp lắm đâu! Cũng thường thôi!… Nhưng cũng chính vì thế mà, tính bi kịch được nhân lên nhiều bậc…   

 

(3) Theo tất cả sách giáo khoa được xuất bản trước năm 1975, ở Saigon, thì tác giả bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” được ghi chú là Vô Danh. Nhưng sau 1975, trong thi phẩm Thơ Đằng Phương, xuất bản tại hải ngoại, bài thơ lại được ghi là của Đằng Phương (bút hiệu của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy).

 

(4) Bách Khoa Toàn Thơ Mở cho biết, Tư Mã Tương Như  tự Tràng Khanh  (179 TCN-117 TCN), người ở Thành Đô đời nhà Hán; đa tài, văn hay, đàn giỏi… Lìa quê lên Trường An để lập công danh, ông mua được một chức quan nhỏ, làm quan ít lâu, cáo bệnh, qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu. Khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như được Vương Cát, quan lệnh ở huyện, mời cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, vốn là viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho nghe một bài. Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Văn Quân, mới 17 tuổi mà đã góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc “Phượng Cầu Hoàng.” Dịch nghĩa:

“Chim phượng, chim phượng về cố hương/ Ngao du bốn bể tìm chim hoàng/ Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng/ Hôm nay bước đến chốn thênh thang/ Có cô gái đẹp ở đài trang/ Nhà gần người xa não tâm tràng/ Ước gì giao kết đôi uyên ương/ Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.”

Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, đương đêm bỏ nhà đi theo Tương Như. Trác ông tức giận, quyết định từ con. Đôi trai gái mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm ăn. Sau Hán Vũ Đế đọc bài “Tử Hư Phú” của Tương Như, khen tài, vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng. Nhưng làm quan ít lâu, ông lại chán, cáo bệnh lui về quê. (Nđd)

 

 (5) Mặc dù 10 người đọc “Hành Phương Nam” thì hết 9 người không biết Nhiếp Chính là ai? Cũng không mấy ai nhớ tên “… kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay” trong truyện tích Kinh Kha sang Tần…

 

(6) Về phương diện Tu từ học (Rheroric), có người chỉ ra rằng nhân xưng đại danh tự “em”, ngôi thứ hai trong những câu thơ cuối của “Biên Cương Hành” của Phạm Ngọc Lư, không thích hợp với phong vị, ngữ cảnh của loại thơ khẩu khí này. Ngôi thứ hai, ứng hợp nhất là “ngươi” hoặc “người” - - Cũng có thể đổi thành “bay,” “bọn bay” hay “bạn” nếu muốn gần với cách nói đương đại. Nhưng không thể là “em” hoặc “nàng” (?)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Hai 20223:31 CH(Xem: 2702)
ông… “Lá Bối” không hề quen biết dịch giả Nguyễn Hiến Lê trước đó. Và, ông cũng không muốn nhờ ai giới thiệu.
28 Tháng Giêng 20225:37 SA(Xem: 2498)
Tôi vẫn nghĩ, cái giá mà một người nổi tiếng phải trả, chính là những tin đồn, những dư luận xấu/ tốt thêu dệt bên cạnh hào quang của người ấy. Nhất là với các nghệ sĩ ở lãnh vực âm nhạc và trình diễn.
12 Tháng Mười Hai 202112:00 SA(Xem: 8053)
ca khúc này, là một thứ kinh-nguyện-riêng của những người yêu nhau, bất hạnh. Trong số những người yêu nhau, bất hạnh, có anh C. của chúng tôi.
10 Tháng Chín 202112:00 SA(Xem: 9572)
Nhu cầu tìm về với đồng hương máu mủ, với ruột thịt nguồn cội, vẫn là một nhu cầu thiêng liêng không thể phủ nhận.
09 Tháng Chín 202112:00 SA(Xem: 7018)
Theo họa sĩ Phạm Tăng thì, từ tế-bào đầu tiên là cái tôi nguyên thủy, ông đi dần tới sự tập hợp của hàng triệu tế bào tuần tự nẩy sinh,
08 Tháng Chín 202112:00 SA(Xem: 6776)
Đó là một số ghi nhận của các tác giả về thế giới tạo hình của danh họa Phạm Tăng
07 Tháng Chín 202112:00 SA(Xem: 8117)
Tôi không ngoa ngôn đâu, tôi tự hào là người đầu tiên mở được con đường để người xem tranh có thể tham dự vào bức tranh của tôi…
06 Tháng Chín 202112:00 SA(Xem: 6248)
Bầu trời Paris xám, tiếp tục nôn thốc những trận mưa nặng hạt hơn và, gió cũng giận dữ, ghim trong lòng nó nhiều hơn những mũi kim rét, buốt, khi chúng tôi trở lại trạm xe buýt ở quảng trường Bonneuil Sur-Marne.
05 Tháng Chín 202112:00 SA(Xem: 8248)
Người đàn ông xuất hiện, chắn ngang khung cửa hẹp đó, là họa sĩ Phạm Tăn
14 Tháng Bảy 202112:00 SA(Xem: 22338)
Một trong những cây bút nữ, khiến chúng ta phải nghiêng mình, trân trọng trước tài năng, đó là Bùi Bích Hà, truyện ngắn.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16814)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12051)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18831)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9026)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8125)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 452)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 820)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1020)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22340)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13900)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19086)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8695)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10937)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30588)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20743)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25364)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24371)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31807)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,