hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
môi thâm khô từ thuở định xin hôn
ngày tháng hạ khi không mà trở rét
em khi không mà trở mặt điêu ngoa
tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa thở ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
lời ai say cho trời đất lại gần
kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người
tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên
(*) Từ Công Phụng soạn thành ca khúc.
_________
Bài thơ, nguyên bản, có tên là “67, khúc thêm cho Huyền Châu.” 67 tức là năm 1967. Tôi in lại bài thơ đó, trong tập thơ “Tay gõ cửa đời,” xuất bản năm 1967. Hai năm sau, một người bạn của tôi, anh Nguyễn Thiệp chơi thân với nhạc sĩ Từ Công Phụng, giới thiệu bài thơ với nhạc sĩ Từ Công Phụng. Theo anh Nguyễn Thiệp, thì đó là một bài thơ hay. Anh Phụng đọc và, soạn thành ca khúc. Mãi về sau, tôi mới được biết “ngọn nguồn” này. Khi phổ xong, anh Phụng mang bản thảo ra café La Pagode, nơi tôi hay ngồi, hát cho tôi nghe; và đề nghị tôi chọn một cái tên khác, cho bản nhạc. Anh Phụng nói, nếu để nguyên nhan đề thì, nó có vẻ cá nhân quá, riêng biệt quá. Sẽ khó được đón nhận. Tôi đồng ý và đề nghị đổi lại là “Trên ngọn tình sầu.” Tôi đâu ngờ, khi ra đời, ca khúc này lại có được cho nó cái định mệnh tốt lành đến như thế. Tiếc một điều anh Nguyễn Thiệp, người “mối lái” cho cuộc hôn phối giữa thơ tôi và nhạc anh Phụng, đã bị bắn chết từ năm 1978, khi anh vượt ngục ở một trại tù ở miền Nam! Anh Nguyễn Thiệp có một hai người con hiện ở Mỹ. Tôi hy vọng các cháu, nghe / đọc được.
Linh hồn chính của bài thơ là một cô giáo - Huyền Châu. Có thể coi đây là mối tình đầu của nhà thơ Du Tử Lê. Họ không đi đến hôn nhân được vì sự khác biệt giữa hai gia đình Nam Bắc. Năm 1975 nhà thơ Du Tử Lê định cư ở Mỹ, Huyền Châu còn ở lại Việt Nam. Hai mươi sáu năm sau, 1991, ông về thăm lại người yêu cũ, và có ý định đem Huyền Châu đi. Nhưng vì còn cha mẹ già. Cô từ chối. Hiện nay cô vẫn còn độc thân và vẫn còn cư ngụ tại căn nhà cũ ở Bến Chương Dương. (Du Tử Lê)