Chương Tư: Thanh Tâm Tuyền

30 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 6927)
Chương Tư: Thanh Tâm Tuyền

 

 

Thanh Tâm Tuyền, Con Ngựa Chứng Của Thi Ca Hôm Nay,

Thanh Tâm Tuyền xuất hiện cùng một lúc với tạp chí Sáng Tạo năm 1955.

Ngay từ buổi đầu ra mắt, ông đã đón nhận được khá nhiều sự chú ý của đám đông quần chúng - với lối thơ Tự Do, đã một dạo được mệnh danh là THƠ HŨ NÚT, tối tăm. Năm 1956, ông cho xuất bản cuốn thơ đầu tay “Tôi không còn cô độc”.

Sự xuất hiện thơ tự do trên Sáng tạo và được tạp chí này phát động rầm rộ, với đa số độc giả Việt Nam còn quá quen thuộc với khuôn nếp cũ, còn quá ư nặng tình với dĩ vãng thi ca, đã là một cái gì “chướng” (mặc dù sự kiện này không phải lần đầu thấy có ở Việt Nam).

Chính Thanh Tâm Tuyền cũng biết điều đó, và dĩ nhiên ông cũng đã nghĩ tới hậu quả của việc làm… Nhưng say sưa với lý tưởng “làm mới nghệ thuật”, ông can đảm, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi phũ phàng, dập vùi. Sự hất hủi, lãnh đạm tất nhiên phải có và kẻ mở đường hay kẻ “Làm Loạn” phải gánh chịu.

Thái độ cương quyết của ông đã làm tôi thầm khâm phục, và muốn tìm hiểu về ông, Mặc dù, có thể, tôi sẽ bị những cái gì đó che mờ ý thức nhận định sáng suốt. Nhưng tôi vững tin nơi sự thành khẩn thiết tha với việc làm, ít nhiều gì, tôi tin rằng sẽ ghi nhận được một vài sắc thái, phải phác vẽ được những nét chính khuôn-mặt-đời và sắc-diện-tâm-hồn ông.

*

DZƯ VĂN TÂM tức Thanh Tâm Tuyền, sinh năm 1936 tại Nghệ An (Vinh). Tuy sinh tại miền Trung nhưng ông lại lớn lên và theo học tại Bắc Việt (Hà Nội). Cho nên, trong các tác phẩm của ông, người ta thường bắt gặp những hình ảnh, những kỷ niệm thuộc về Hà Nội xưa. Điều đó chứng tỏ rằng “chốn ngàn năm vạn vật” với 36 phố phường đã in hằn, khắc sâu trong tiềm thức nhà thơ. Phải chăng dĩ vãng ấu thơ đóng một vai trò quan trọng trong việc sáng tác?

Năm 1955, ông chính thức bước chân vào làng văn nghệ.

Thoạt tiên với tạp chí Sáng Tạo, sau đó, ông cộng tác với một số tờ báo khác cũng như có góp mặt trong một số giai phẩm.

Năm 1957, ông cho in “Bếp lửa” truyện ngắn. Với truyện ngắn này, ông đã có được cảm tình của độc giả vốn sẵn có ác cảm với thơ tự do của ông. Dạo đó, truyện ngắn “Bếp lửa” đã làm tôi say mê tới độ đọc đi, đọc lại nhiều lần.

Năm 1962, ông bị gọi động viên khóa 14.Ra trường năm 1963 ông được tuyển dụng về nha C.T.T.L.

Ông viết cho tờ Bách Khoa với truyện dài “Vũng Lầy” và Văn với truyện dài “Ung Thư”.

Vì chương này được viết trong lúc tác giả đang công tác xa Saigon, do đó phần ghi nhận về khuôn-mặt-đời của Thanh Tâm Tuyền có phần thiếu xót. Nhưng bù lại, phần nói về tiếng thơ của ông lại tương đối đầy đủ hơn cả, vậy xin mời độc giả bước vào căn-nhà-tâm-hồn của người lãnh đạo phong trào thơ hôm nay.

THƠ THANH TÂM TUYỀN

Những ai từng lưu tâm đến nền văn hóa nước nhà đều không khỏi buồn khi nhận thấy: Lịch trình diễn biến của nền văn học nước ta có một lỗ hổng lớn: Đó là khoảng thời gian rỗng không từ kháng chiến chống Pháp năm 1945 tới cuộc chia cắt ô nhục 1954. Đúng hơn, trong khoảng 10 năm đằng đẳng này chỉ có những hoạt động văn hóa đơn lẻ, thiếu tính chất sôi động, cuộn chảy, bừng bốc.

Nếu chịu suy luận một chút, chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân của sự kiện đi xuống, cách khoảng đó. Vì dù muốn hay không, bất cứ trào lưu nào, một khi đã đạt đến mức sung mãn cực thịnh rồi, thì tiếp theo là thời kỳ tàn tạ, suy sụp, nhạt nhòa, mệt mỏi…

Theo một số nhà nghiên cứu, phê bình về quá trình diễn biến của Thi Ca Việt Nam cận đại, đã cho rằng thời gian cực thịnh của thi ca nằm vào khoảng từ 1930 đến 1945. Đây là lúc người ta thấy xuất hiện những Huy Cận với Lửa Thiêng, Xuân Diệu với Thơ Thơ, Lưu Trọng Lưu với Tiếng Thu, Chế Lan Viên với Điêu Tàn, Nguyễn Bính với Lỡ Bước Sang ngang, Bích Khê với Tinh Huyết, Vũ Hoàng Chương với Thơ Say…

Ở những thi sĩ này, vang bóng của một Tô Đông Pha, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Khuất Nguyên, Bạch Cư Dị… đã thiếu vắng. Người đọc được thở hít một bầu không khí mới, sôi bỏng - đắm đuối - hối hả - cuồng điên - ray rứt - nhức nhối - bi thương. Một bầu không khí mê man, gọi réo thảm sầu, thâm trầm, phảng phất vóc dáng những tài hoa lãng tử Tây Phương, ngây ngất men rượu cuộc đời, đắng cay vị tình ái. Và nhất là phong thái chếnh choáng nghiêng ngửa, khật khưỡng của bộ ba Verlaine - Rimbaud - Mallarmé. Ba ông Hoàng Tử được coi là tiên phong đồng thời cũng là nòng cốt của thi phái tượng trưng Pháp, xuất hiện hồi hậu bán thế kỷ 20, cho lớp thi sĩ hậu sinh soi dáng…

Khi cuộc đại chiến lần thứ II khai diễn năm 1939 đã kéo theo cả một thời đại vàng son, huy hoàng của trào lưu thi ca mới du nhập Việt Nam. Sự tàn rữa của đợt sóng thi ca mới này nhen khởi từ 1940 và kéo dài tới 1954. Cho đến 1955, tại Thủ Đô miền Nam tự do, một tạp chí Văn Nghệ xuất bản hàng tháng lấy tên là Sáng Tạo xuất hiện với một chủ trương rõ rệt: “Văn chương nhập cuộc, Khảo tra cuộc sống”. (1)

Sự có mặt của tạp chí Sáng Tạo và nhóm người chủ trương đã làm thức dậy, xao xuyến giòng nghệ thuật từ lâu thiếp giấc, ngưng đọng.

Nếu trì trệ để cuồng xiết, lắng xuống để bùng cao, u mê, đắm chìm để vươn thoát vũ bão cuồng nhiệt hơn - thì quả những Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Vương Tân, Cung Trầm Tưởng, Trần Lê Nguyễn, Quách Thoại, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Nguyên Sa, Nguyễn Sỹ Tế… đã có công khai quật, mở thông mạch nguồn.

Vì xô dồn giòng cuồng lưu tư tưởng, xóa bỏ dĩ vãng, đập tan khuôn mẫu xưa cũ, để phối dựng một vũ trụ, sáng tạo một ý thức hệ mới, nên giông bão, gió mưa đã loạn một vùng trời đất.

Thảm kịch khai diễn ngay khi màn nhung hé mở. Một diễn viên và cũng là nạn nhân được hân hạnh nhận lãnh nhiều tiếng xấu nhất là Thanh Tâm Tuyền với thi phẩm đầu tay: Tôi Không Còn Cô Độc (2)

Ở đây, ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng Thanh Tâm Tuyền là một trong những nhà cách mạng tiền phong của thơ Tự Do.

Cái công của Ông không phải là công du nhập thể thơ tự do vào Việt Nam. Vì ngày xưa sân khấu văn học Việt Nam đã xuất hiện cả một nhóm XUÂN THU NHÃ TẬP mà linh hồn của nhóm là Nguyễn Xuân Sanh, một Phan Khôi với bài Tình già, một Triều Sơn với Chiều Mưa (3)…

Nhưng cái công của Ông nói riêng, của nhóm Sáng Tạo nói chung, là khơi động mạch nguồn và dũng mãnh bước những bước chân ngạo nghễ trên dư luận chống đối, đả phá kịch liệt của một thành phần vô cùng đông đảo, gồm những người quan niệm thơ phải có vần có điệu hay ít nhất đọc lên cũng có thể hiểu được, chứ thơ không thể nào tối tăm bí hiểm, hũ nút, lập dị của lý trí, tiểu xảo ngôn ngữ chắp ghép…

Tôi còn nhớ phong trào chống đối này được phát động mạnh mẽ nhất nơi tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong và nhật báo Tự Do. Riêng ở Văn Nghệ Tiền Phong trong mục Hội Thơ, kỳ đặc biệt giới thiệu những bài thơ tự do của vài ba cây bút trẻ, còn xa lạ – Nhưng như lời người phụ trách thì: Với những bài thơ tự do được giới thiệu khiến người ta có thể tin tưởng vào tương lai thơ tự do sẽ sáng sủa hơn. Trên đó, phần mở đầu Hội Thơ, người phụ trách trích đăng mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền như: “Chiếc xe đạp không vành không bánh” và “Tôi đi chân tôi trên tay tôi” với mấy bức hí họa kèm bên.

Đây chỉ là một dẫn chứng nhỏ trong vô vàn hình thức diễu cợt mai mỉa thơ tự do (mà bao giờ đối tượng cũng là Thanh Tâm Tuyền).

Chính vì thế, mỗi khi nhắc bàn tới thơ tự do, người ta thường liên tưởng ngay tới Thanh Tâm Tuyền.

Đứng trước những diễu cợt, mỉa mai của quần chúng, thoạt tiên Thanh Tâm Tuyền, còn giữ thái độ im lặng, nhẫn nại, chịu đựng. Kiểu im lặng là khinh bỉ, hay “chó sủa mặt chó, đoàn người cứ đi”. Sau phong trào đả kích càng ngày càng lan rộng, giới hâm mộ thơ tự do ngày một thêm thắc mắc, hoang mang, không biết nên có một thái độ như thế nào! Tiếp nhận hay quay lưng? Giữa trạng thái lơ lửng nan giải đó, dường như các lý thuyết gia của nhóm Sáng Tạo cảm thấy không thể im lặng hơn được nữa. Cho nên, thoạt tiên Trần Thanh Hiệp lên tiếng biện minh và xác nhận vấn đề, lập trường đối với thơ Tự do. Kế tiếp Thanh Tâm Tuyền, rồi lại Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền. Nhưng riêng hai bài của Thanh Tâm Tuyền với nhan đề “Trèo lên cây bưởi hái hoa”. (Sáng Tạo số 7), tháng 4-1956) và “Nỗi buồn trong thơ hôm nay” (Sáng Tạo số 31, tháng 5-1959) được dư luận chú ý và bàn nhắc nhiều hơn cả.

Dưới đây, chúng tôi xin trích một vài đoạn trong những bài đó.

Tất nhiên là tôi không thể nào chối một phần cái sự “tối tăm” của thơ Tự Do. Vì như tôi đã có dịp trình bày: Bản vị của một bài thơ Tự Do không nằm trên mỗi câu như ở thơ cũ (chữ cũ gồm cả cho thơ mới) mà đặt trên mọi từ khúc - Đừng tìm ý nghĩa và tiết điệu của bài thơ theo mỗi câu mà hãy nắm gọn từng từ khúc một. Mỗi từ khúc là một toàn thể về ý nghĩa cũng như tiết điệu, ở đấy người làm thơ liên kết những hình ảnh xô đến để diễn một ý lớn và một điều trọn vẹn. Chính ở chỗ này người làm thơ mở cửa tâm hồn tiếp đón rất nhiều hình ảnh cho từ khúc. Khiến thoáng ngó, người đọc cảm thấy ý tưởng bị ngắt quãng vì những hình ảnh đứng bên nhau với cái lướt mắt sơ sài tưởng không liên lạc gì với nhau. Cho nên người đọc phải tìm được sự thống nhất khắng khít của những hình ảnh ấy.

Nguyên tắc chính của thơ Tự Do là tránh giảng giải phân trần, bài thơ tự nói bằng hình ảnh”.

Trèo lên cây bưởi hái hoa, Thanh Tâm Tuyền

Sáng tạo số 7 tháng 4 năm 1956

“Thêm một lần nữa tôi trở lại vấn đề THƠ TỰ DO. Tuy nhiên câu chuyện sẽ không mang những ồn ào của một cuộc tranh chấp ảnh hưởng và địa vị trên văn đàn. Công việc ấy không cần thiết đối với tôi mà cũng không là một lý do chánh đáng để có thể làm mất thì giờ của bạn đọc. Nhưng chẳng lẽ đành lòng để cho một vài ý niệm rất đơn giản, sơ đẳng về thi ca, một vài tâm trạng đố kỵ, ít nhiều thiên khiến thiếu tinh thần vô tư ngang nhiên tác hại công việc phê bình văn nghệ ở đây sao? Vả chăng còn phải vọng hồi âm tới những đòi hỏi của các bạn yêu thơ tha thiết ưu tư về trình độ thưởng ngoạn của mình. Trong cả hai trường hợp, im lặng có nghĩa như một thiếu sót đáng tiếc.

….

Trở về với thi ca thuần túy, tiếng thơ Tự Do đã chối bỏ không ít thi phẩm công thức hiện tại, đã xa cách nhiều nhà thơ khô cạn, công thức, hủy hoại thi ca để biến thành tù nhân của hình ảnh chế tạo, của vần và của điệu. Thơ Tự Do cô độc hay đúng hơn, độc đáo vì điểm khởi hành của nó.…

Lại có người lớn tiếng trách rằng thơ Tự Do là một sản phẩm của xã hội Tây phương nhập cảng vào Việt Nam. Chúng ta không thể không công nhận một sự thật; Văn hóa Tây phương đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chúng ta. Chỉ cần tìm xem chúng ta có đủ bản lĩnh chế biến văn hóa Tây phương để tự bồi dưỡng hay không mà thôi”.

(Vài diểm gợi ý về thơ Tự Do- Trần Thanh Hiệp)

Rất nhiều người thường lên tiếng khuyên dạy các nhà thơ hôm nay chỉ nên làm thơ phá thể mà thôi, trong ý họ, câu thơ vẫn được tự do mà giữ được nhạc điệu. Những người ấy không thể hiểu nổi rằng thơ phá thể chính là biểu hiệu của “thơ mới” ở ngõ cụt, nhạc điệu của thơ phá thể là thứ nhạc điệu nghèo nàn và giả tạo nhất.…

Bởi thế thơ hôm nay không đứng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do.

Người ta bất mãn là đúng, với thơ hôm nay, thơ rời khỏi ngôi báu thiêng liêng từ ngàn xưa để họ dùng cho cuộc đời tầm thường quá sức.

Tình ái cũng bị dùng làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức. Chọn một người trong đám đông không phải để phá hủy cô đơn vô ích mà để so đọ cô đơn ở mỗi người”.

(Nỗi buồn trong thơ hôm nay của TTT)

Bây giờ, chín mười năm đã trôi qua. Bao nhiêu vật đổi sao dời - những xung đột - những tương tranh giữa cũ và mới đã chia xa, đã lùi sâu vào dĩ vãng. Sự hình thành của giòng nghệ thuật mới, hôm nay đã vươn mạnh và đang lao đi, tiến tới sung mãn hưng thịnh, những tập thơ tự do đã liên tiếp xuất hiện trên các giá sách, cũng như tràn ngập trên các chương báo. THANH TÂM TUYỀN một lần nữa lại xuất hiện trong khuôn dáng độc đáo cố hữu với Mặt Trời Tìm Thấy (4)

Phần lớn những thi bản của tập thơ thứ hai này được sáng tạo trong khoảng thời gian từ 1956 - 1960. Thoạt tiên nó được khoác danh “BÀI NGỢI CA TÌNH YÊU” . Theo tác giả thì khi chọn lựa tựa đề đó - Ông đã liên tưởng tới “GIÒNG THƠ TÌNH BẤT HỦ KIỂU LE CANTIQUE DES CANTIQUES CỦA THÁNH KINH”. Sau được dự định đổi thành LIÊN THƠ (5) và lẽ ra đã trình làng từ năm 1960, nhưng mãi tới 4 năm sau mới thực hiện được với tựa đề Mặt Trời Tìm Thấy.

Thoạt tiên, tôi có ý định đi vào THANH TÂM TUYỀN bằng lối ngõ “Mặt Trời Tìm Thấy”, chứ không bằng “TÔI KHÔNG CÒN CÔ ĐỘC”, (mặc dù nhiều người thường quan niệm rằng tập thơ đầu tay bao giờ cũng là tập thơ kết tinh bởi cao độ đam mê thuần khiết nhất. Như một thứ ‘tình đầu” với tất cả những ngỡ ngàng, sơ sót ngây dại, như náo nức, mê man, nồng nàn, thành khẩn đắm đuối hơn cả). Vì ở những nhà thơ tự do hay hôm nay, thơ không còn ý nghĩa một ngọn suối mát, ngọt ngào, một vùng tình yêu yên nghĩ, một cõi hư vô trầm tĩnh với một ngôi sao thần tượng rực rỡ thánh thiện mà là: “… tên ăn mày lẫn giữa đám đông khốn cùng với một mẩu tự do sót lại. Đám đông bị lôi cuốn đi trong cơn lốc tối tăm khủng khiếp, rất gần gũi nhau để hiện lên cô đơn trong từng kẻ một. Người làm thơ hôm nay không trông từ ngôi cao vĩnh viễn, hẳn có mặt và cùng cô đơn, cô đơn hơn ai hết. Không chuyển cô đơn lên một bầu trời bình yên để hòa đồng trong tĩnh mịch trường cửu, hẳn gục mặt vào cô đơn giữa một giòng náo động bi phẫn đòi gần gũi trước mắt nhau”.

Cũng vì tiếng thơ hôm nay không còn là thơ thuần nhiên nữa, nó là những trận gió bão loạn cuồng giữa một vùng ý thức vật vã, khắc khoải, những tủi nhục, ươn hèn, những bĩ ổi, tội lỗi, những chém giết vô nghĩa, nhầy nhụa đọa lạc, vất vưởng của thân kiếp bất lực trước bao nhiêu thảm kịch dồn dập, xô cuốn - cái đau xót, uất nghẹn của tiếng thơ hôm nay là những “đau như thứ dữ cháy rừng” (Thơ TTT) hoặc thảm thiết của những “rưng rưng mùa hoa gạo - lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo” (thơ QT). Nên giá trị của nó, nằm ngay nơi từng mẩu vụn đời sống, từng cơn lốc phẫn nộ mê sảng của ý thức, tôi nghĩ không nhất thiết phải căn cứ vào những gì có trong “Mặt Trời Tìm Thấy” - hơn nữa với “Tôi không còn cô độc” - vì với thi phẩm này, tác giả tự nhận: trong “tôi không còn cô độc”, tôi đã mơ hồ nhận thức điều ấy khi viết: “xin đừng ai gọi tôi là thi sĩ” - Điều ấy T.T.T muốn nói: “với những người làm thơ hôm nay, thơ không còn là một mục đích cuối cùng của một số kiếp hay ngôi báu thiêng liêng mà thi nhân muốn vươn tới - mà chỉ mang ý nghĩa một phương tiện dẫn tới vùng ý thứ sâu thẳm để khai quật, thâm nhập soi sáng đời sống…

Từ đó, tôi đi vào vùng bão biển, rừng cháy, của tâm hồn Thanh Tâm Tuyền bằng tất cả cố tình không máy móc, không tuần tự, hệ thống, giới hạn trong một phạm vi cố định. Bằng ý thứ bất chợt, một thoáng nhìn, thoắt gặp - Bằng sự mở tung, mọi cửa ngõ cảm quan, tâm hồn thành thiết nhập cuộc với cao độ say mê. Cuồng lưu ảnh hình đã lôi cuốn tôi dềnh trôi vào vũ trụ mang tên Thanh Tâm Tuyền. Giữa một khoảng trời hồn người và vật giới giao thoa hay trùng khít nỗi thấm cảm bọt bèo.

Vứt mẫu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
mà lòng minh phơi trên kè đá
con thuyền xuôi
chiều không xanh không tím, không hồng
những ống khói tầu mệt lả
(Bao giờ)

Mẩu thuốc tắt, giòng sông trôi, con thuyền trôi - buổi chiều ấm ức thở bằng nhịp chán chường hấp hối của một thân tầu hay một tâm hồn, một thân xác đơn chiếc trong một hoàn cảnh ghẻ lạnh.

Đọc đoạn thơ trên, người ta có cảm tưởng đang phải đối diện với khuôn mặt lạnh lùng, với những vết hằn thâm u, lợm chán - Sa lầy trong vũng cô đơn quánh đặc, trước mắt thi nhân, tất cả hầu như đã rời xa, không còn rễ bám trong cùng sâu tâm thức, tất cả đã rữa tàn, qua đi, qua đi thoáng nhẹ, lạnh lẽo như một lời từ biệt, như một thanh âm cùng thấp chưa rung đã hòa lãng - chưa bay đã gẫy rập…

Như mắt
như ngõ hoang hồn này
hôm nay
nghe lời hát quen quen
người đàn bà ấy mang tên…
lời từ biệt.
Trên sân ga vắng
tiếng kèn trầm cùa một chuyến ô tô ray
đầy dĩ vãng

chiếc xe vẫn chỉ thuộc một mình
như kẻ say rót rượu lấy mà uống.

Những hình ảnh tiếp theo nhau đi vào tận cùng chán nản. Cái cảm giác lợm giọng đến độ muốn nôn mửa, muốn xé nát vùi chôn cuộc đời, thân xác trong thế giới hiện hữu tối tăm, bủa vây bởi những hệ thống giáo điều những thương đau phẫn uất, những máu, những thép, những hôm qua bất mãn, hôm nay nhầy nhụa. Giữa một cuộc sống mà tất cả mọi khuôn nếp cổ xưa đã bị đục khoét từ cội rễ. Sự sâu mọt rỗng mòn này, đã xô ném ý thức tới ngưỡng cửa bi thảm.

Mang cơn dông trong một hồn đầy những nhớ thương
cùng dĩ vãng
chiều thứ bẩy có nhớ thành phố tươi cười vườn cây trái mương tràn sông hoa điên cỏ dại
còn muốn sống như nguồn nước đổ, sao em trả lời bằng bệnh viện mắt kín mưa đêm

(Những người gặp một lần)

Ở Thanh Tâm Tuyền, người ta thường chợt bắt gặp, chợt nắm được cái lý trí băng hoại rách rưới. Tâm hồn ông là cả một bãi chiến trường của những tương xung nội tại và ngoại giới. Chính những xung đột, tranh chấp này đã mở lối, khơi màng cho thi nhân nhìn thấy mình. Nhìn thấy khuôn mặt mình, với những dáng vẻ nhữnhg nếp xếp gẫy đổ thê thiết của thân phận bé mọn mà vốn liếng không ngoài lòng thành khẩn, hành trang không ngoài cô đơn cùng những tham vọng ủ kín dưới đáy sâu tiềm thức. Và, trước mặt là cả một thành trì kiên cố của những tập quán, thành kiến, những tị hiềm đố kỵ, những đường mòn dẫn tới ngõ cụt, và trên đầu một vòng trời trĩu nặng thâm u.

Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu, của tủy, của hồn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lối dừng mãi trống không
Ném mình, ném đám đông vào trần truồng tủi cực xác thịt
Tan vỡ hôm qua, hôm nay, kể gì ngày mai

Người ta không thể trách cứ cũng không thể nặng lời kết án những nhà thơ tự do, nếu ta không muốn quay lưng lại thực trạng nhơ nhuốc, nếu chúng ta không thể tự lừa dối chúng ta, tự bôi phấn vẽ mặt, ra sân, diễn xuất như một tài tử chuyên nghiệp thượng thặng trên sân-khấu-rộng-lớn-cuộc-đời. Chúng ta phải nhìn nhận, phải tự thú: Cuộc sống hôm nay của chúng ta không hề được mặc áo khoác một ý nghĩa cao đẹp nào, cũng không một giá trị tinh thần nào, còn giữ nguyên ngôi vị, nuôi dưỡng ấp ủ trong nhịp sống quay đảo, cuồng điên hối hả.

Trạng huống đó lại bị sa lầy trong hố sâu của lý trí phù phiếm, bất lực. Chiến tranh, tai họa là những tấn kịch muôn đời còn nghiến ngấu con người, còn là những vòng dây oan nghiệt, trói buộc chúng ta trong không-gian-nước-mắt, thời-gian-máu-se:

Bắt đầu chảy máu những thầm kín khóc cổ họng mình
Ngón tay cấu lấy ống kèn, như một bùa thiêng
Chọn ngoài thể xác ngoài thương yêu ngoài dữ tợn
Chọn thế giới va chạm những loài chim réo gọi
Thời gian mềm
Không gặp thời gian
Không gian quay thành những vòng kỷ niệm
Rồi một buổi bào Blues hiện về xanh
(Đen)

Điệu Blue nào hiện về không xanh? Thế giới nào đã lùi xa? Khát vọng nào chỉ là những thanh âm nức nở, nát tan? Tình thương nào được nhen dậy hình thành bằng bóng tối đặc dầy hiện tại:

Bây giờ mùa Thu trời xuống thấp buồn vô cùng
Những kiếp hơi thở còn quyện lấy mọi hồn
Người vắng mặt, có mặt âm thầm ôm đêm tối
Ta ngó thời gian như soi gương
Cuộc đời bao giờ cũng chỉ là một.
(Thánh ca những người đã chết)

Là một với những:

Chuyến xe buýt chạy trong buổi chiều trời mưa
Mưa ngoài châu thành
Không tìm thấy bến không đỗ lại.

Và:

Thành phố ngã như con vật kiệt sức
Người ta nằm im trên vỉa hè, trong lỗ cống, dưới gầm cầu lòng sông ngoài đất trống
Người ta nằm im, những phiến đá sau cơn địa chấn
Không ai dọn dẹp, không ai chôn cất, không ai vắng mặt

(Khai từ một bản Anh hùng ca)

Và:

Ô! Budapest Budapest Budapest
Người ngồi ở đâu? Hà Nội hay Paris? Newyork hay Varsovie
Ồ! Budapest Budapest Budapest
Nhìn lên sân khấu học thuộc lòng mỗi lời

Ở phần đất thi ca mới mẻ này, người ta ghi nhận được những hình ảnh mới, ngôn từ mới, không theo một quy luật nhất thiết nào. Những hình ảnh, những ngôn từ đó đã dựng tạo thành một không gian phức biệt lạ lùng, nhiều khi đến độ tối tăm, kỳ bí. Chính sự vượt khỏi tầm nhận thức nhẵn quen, đã trở thành những định kiến ăn sâu trong thái độ thuởng ngoạnm trong thể cách đón nhận rung cảm của quần chúng, cho nên thơ tự do bước khởi đầu đã là bước lạc lõng cô đơn, trước mắt nhìn lãnh đạm, nhạt nhẽo khinh khi của đám đông. Và, Thanh Tâm Tuyền trong một giây phút chân thành khẩn thiết nào đó, đã phải thốt lên lời chán nản:

Tôi nhận rằng thơ vô ích như những trận mưa
Như những cái hôn - bóng gió, những giấc mộng đêm hè
Như tiếng hát họa mi hay chim ca đầu xóm
Bàn lưu ly thảo luyến luyến
Bàn tay hò hẹn đón mình ở ngã tư
Căn nhà cũ không kỷ niệm không thân tình thời gian

Ý thức bất lực là ý thức soi sáng viễn trình đi vào cuộc thế - thái độ nhìn nhận là thái độ tránh thoát ảo tưởng, vấp ngã, để trút bỏ mặc cảm, để tiến tới, để hô hào, gọi kêu những tâm hồn chí nguyện.

Thanh Tâm Tuyền đã nhập cuộc bằng con đường nghệ thuật Dionysos. Nói đến nghệ thuật Dionysos người ta thường nghĩ ngay tới nghệ thuật Apollpon, vì đó là nhận định của Nietzsche rút từ những tấn bi kịch Hy Lạp. Theo quan niệm của F. Nietzsche thì nghệ thuật Apollon là nghệ thuật được hình thành bởi những lệ luật cân đối, tròn trịa, sự trung hòa giữa ý thức trong sáng và vẻ đẹp thuần nhiên. Không điên loạn, không chà đạp chối bỏ, không bão bùng dấy loạn. Còn nghệ thuật Dionysos là nghệ thuật được tác thành bởi những phẫn nộ, những dằn vặt của ý thức thống khổ cùng quẫn, giữa những khuôn mẫu hệ thống cũ cần phải được đập nát, xóa nhòa.

Vì tiếng thơ Thanh Tâm Tuyền là những mảnh vụn của ý thức bị dồn nén, của kiếp sống đè nặng trong vùng tâm thức nổi loạn, nổ tung, giòng thơ vút đi, cuộn xiết. Tất cả bị phá vỡ, phủ nhận. Dĩ vãng chỉ còn là chuổi dài ươn hèn, sầu não, mơ mộng ảo huyền. Để đặt định lại, bắt đầu lại, bằng bước chân dũng mãnh, hơi thở nồng nàn chan chứa nhiệt tình, náo động khao khát đào xới, tìm kiếm, xây dựng một niềm tin, một ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người hôm nay, cho ngày mai cho tất cả những tấm lòng hướng vọng về một vùng trời cao rộng, phóng khoáng, về một vùng biển mênh mang.

Tôi vốn là một Thi sĩ nghèo hèn
Không gia tài không địa vị không khí giới
Đến đây cất lời kêu gọi
Người nào không có ánh sáng tôi có tiếng kêu ánh sáng
(Và bình minh và mây trắng trời xanh)

Người nào không có ngày mai đây danh dự ngày mai
(Và nhà cửa và trẻ thơ và đầm ấm)

Người nào thiếu tình yêu thiếu tự do
Thì chút mắt, chút môi, chút thở
Tôi mang theo tôi một thế giới
Hoa cỏ chim muôn thời gian vũ trụ
Lòng hy vọng niềm tin tình bằng hữu chiến đấu

Dù khe khắt đến đâu, dù thành kiến bao nhiêu, ta cũng phải nhìn nhận một điều ở Thanh Tâm Tuyền, đó là nồng độ thành khẩn trông ngóng về cuộc đời với ý thức tự hiến, với tâm hồn thiết tha ôm choàng xã hội. Một xã hội đầy đẫy thảm kịch đau thương - Tất nhiên - của một dân tộc quá nhiều thương tiếc.

Tôi nghĩ ai kia, đã lên án tiếng thơ Thanh Tâm Tuyền và cho là những tiếng gào thét vô nghĩa của một kẻ điên, phản ảnh của một tham vọng làm dáng trí thức, làm bật nổi một sắc diện, vốn bất lực, để che dấu những mặc cảm, những tỵ hiềm nhỏ nhen cuồng dại trước những khuôn vóc lẫm liệt đã đi vào lịch sử văn học; nếu đọc đoạn thơ dưới đây sẽ thấy thương chàng, cảm thông cùng những ước vọng thật người, thật thơ, và cùng thật đau đớn xót xa vì nó là ảnh hình của thực trạng u ám, của đời sống bất trắc, thắm thiết thế hệ chúng ta - Trước những bấp bênh, dềnh nổi những nhơ nhuốc vẩn đục của giòng hiện tại, những phi lý thật vô cùng phi lý.

Tôi là mưa gió xuống những tâm hồn khô nẻ
Đốt lửa cháy những tâm hồn lạnh lẽo
Và sinh ra để ngợi ca cuộc đời, ngợi ca loài người
Tôi nói tiếng yêu đương cùng tương lai
Nhưng hát lời nổi loạn chống kẻ địch

Và:

Anh bảo đừng ngủ em chống mắt lên chờ kẻ địch
Đừng ngủ em, trời sắp sáng, đừng ngủ em
Anh trở xuống lấn vào đám cao ướt sắp vượt đầu
Và lại nghe hát khúc hát mỏng như tơ sợi rét dăng ngang mặt
(Tuần gác. Văn số 18)

Bằng vào những hình ảnh thoạt tưởng như đứt đoạn rạc rời, những ngôn ngữ thoạt tưởng không mang một ý nghĩa; bằng vào những mảnh vụn, những đứt khoảng đó, Thanh Tâm Tuyền đã tạo cho mình một khuôn mặt mà, với đám đông vô cùng lơ láo, nhợt nhạt, thất sắc - nhưng đó là khuôn mặt Thanh Tâm Tuyền: độc đáo, lẻ loi, bi thảm, phẫn nộ. Thế giới của chàng là thế giới của bão loạn suy tư trong hiện tại, hoài nghi ở tương lai và đoạn tuyệt với quá khứ. Từ thế giới cô đơn lẻ chiếc này, phải chăng chàng đã tự nguyện chọn hiu quạnh, bóng tối như mặc nhiên nhìn nhận sự hiện hữu của mình để từ đó vươn lên, ngó xuống đời mình:

Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ:
Thanh Tâm Tuyền
Còn gì kênh kiệu, ngạo mạn hơn, mà cũng còn gì đau đớn, tủi hờn hơn!

Có người cho rằng đó là thái độ giận lẫy của kẻ đã trót lỡ lầm hiến dâng tất cả nhiệt tình, tâm hồn, đổ trút tất cả vốn liếng trong cuộc thách đố, đỏ đen với định mệnh, với quá khứ hầu tranh ngôi độc sáng, cướp lại nguồn lực sáng tạo nơi tay thành kiến, khuôn mẫu cũ. Nhưng với những lãnh đạm, những quay lưng khiến thi nhân ngó lại cuộc viễn trình đơn độc, chợt thấy rằng mình đã bước những bước chân hẫng hụt giữa khoảng không hư ảo…

Nhưng chê hay khen, ghét hay yêu, chúng ta cũng không thể phủ nhận được sự có mặt của Thanh Tâm Tuyền trong danh sách những nhà thơ có công khai phóng một khuynh hướng nghệ thuật mới.

Nếu xưa, trào lưu văn chương tượng trưng Pháp, đã phối dựng cho chúng ta một Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lưu… thì trào lưu tư tưởng hiện đại cũng đem đến cho chúng ta một Quách Thoại, Vương Tân, Nguyên Sa, Thế Phong, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền…

Nhưng điều quan trọng vẫn là: “Liệu các khuôn mặt đó có còn mãi mãi với cuộc đời hay không?” Vì thế, chúng ta cần phải soi rọi thực chất tiếng thơ Thanh Tâm Tuyền trước khi có một thái độ dứt khoát về ông. Ở “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, ông đã viết: “Theo tôi những người làm thơ hôm nay không muốn được gọi là thi nhân vì thơ đối với họ không phải cứu cánh của cuộc sống, thơ chỉ còn là phương tiện để họ vào sâu trong ý thức, gặp mình, gặp được đời sống và may ra gặp được hồn người. Nên nó không mơ mộng nghĩa là không tạo những hình dáng cho cuộc đời vốn đã là hình dáng. Họ muốn nhìn vào thực tế bằng con mắt trọn tròn căng thẳng, phá vỡ hết mọi hình dáng để sự vật hiện ra với cái thực chất hỗn loạn không che đậy”.

Nhìn suốt hai thi tập “Tôi không còn cô độc” (1956) và “Mặt trời tìm thấy” (1964) - Quả Thanh Tâm Tuyền đã không còn nâng niu ve vuốt những mộng ước hão huyền, những nhớ thương vu vơ than mây khóc gió, những kết hoa, ép bướm, những mái tóc lơi lả, những đôi môi đào mọng, những ngón tay thiên thần, những áo xanh trích tiên, những canh khuya Tầm Dương. Người ta thấy ông rời xa miền tình yêu, cõi trú ẩn viên mãn của hầu hết các thi nhân lớn, bé… Mà người ta chỉ bắt gặp trong ông những ghế đá công viên, những cột đèn hè phố, những bến tầu kè đá, những trận địa bom đạn, những thép gai móc sắt, những thành phố thây ma, máu, lửa, nước mắt… từ những hình ảnh đó, tôi thầm nghĩ: Thanh Tâm Tuyền đã xô ném, dìm đắm thân xác trong cuộc sống thực chát chúa đó chưa? Khi mà những chất liệu nếm trải được từ giòng đời, bao giờ cũng là điều kiện tiên quyết đem đến cho nghệ thuật những hơi thở nồng nàn, sống động, bừng bừng sinh khí…

Tôi nhớ một đoạn văn: “Tuyền làm lính, ca tụng khói lửa, nhưng là sự sóng gió của tài tử chỉ có trên màn ảnh và trong Studio mà thôi, chứ Tuyền đâu có đủ là một con chim mỏ già đời để ra mặt trận và những loài chim mỏ trắng chỉ ca tụng bằng môi mép về sự gian lao” (6) và “Cuộc sống dẫy rũa đến độ trần truồng như một Lautréamont thì ông là sự vụn đổ mang những thảm trạng kinh hoàng (thì đấy là có hiện diện nghệ thuật Dionysos) rồi đến thảm kịch xẩy ra qua sự nghiệp âm nhạc của Wager cũng như sự vùng vẫy để đưa con người lên cao cả như một Nietzsche… Đều mang hình hài của sự sống thực thêm vào óc não đi trước nhân loại của vỹ nhân. Cho nên Lautréamont, Wagner, Nietzsche đã bất tử” (7). Với những viện dẫn này, tôi chỉ muốn nói tiếng thơ Thanh Tâm Tuyền còn thiếu vắng một sức sống bừng bốc, tương xứng với nồng độ tha thiết đam mê có thừa hay đủ cho ông hình thành một tác phẩm có chiều sâu nhưng thiếu sức chiêu dụ, lôi kéo người đọc đi vào thế giới trơ trụi, đầy mâu thuẫn, đầy dằn vặt đau đớn. Bởi đúng như tác giả “11 nhà thơ Việt Nam tự do” “đã nhận định”: “Nghệ thuật Apollon hay Dionysos đều làm cho thi nhân bất tử nếu có sự thực có thiên tài và lấy đời sống làm chất liệu cho thiên tài nẩy nở”.

Nếu một VERLAINE không từng vào tù ra khám, làm sao có thể cảm động nổi người đọc với thi phẩm SAGESSE một DOSTOIEVSKY không từng bị lên án tử hình, không từng bê tha bạc bài trụy lạc, làm sao có thể bất tử với LESFRÈRES KARAMAZOV, và uy danh vượt trên cả một TOLSTOI: lẫm liệt, hoặc phổ quát hơn một LAMARTINE không từng điên loạn vì ELVIRE, kẻ hồng nhan bạc mệnh, làm sao còn lưu truyền được tới nay với một thiên tình ca bất hủ: LE LAC. Từ đó, tôi liên tưởng ở bước khởi hành, với cao độ thành thiết, Thanh Tâm Tuyền đã vượt lên mọi trở ngại, cản chắn, bưng bít, vùi dập của thành kiến, hệ thống đã từ mấy nghìn năm đâm rễ. Để có ngày hôm nay giòng thơ tự do cuộn chảy vũ bão, bừng bừng xô dạt tới chân trời hưng thịnh…

Nguyên điểm này cũng khiến ta phải ghi công đầu cho Thanh Tâm Tuyền khi tìm về nguyên ủy của sự thoát bốc dũng mãnh của tiếng thơ tự do. Nhưng liệu Thanh Tâm Tuyền còn bắt kịp cuồng lưu đó không? Một khi những kẻ song hành với ông như Tô Thùy Yên, Vương Tân Cung Trầm Tưởng… Và một số khuôn mặt trẻ khác như Nguyễn Đình Toàn, Vương Đức Lệ, Trần Thi Nhã Ca, Trần Đức Uyển.v.v… đang vươn lên bức phá, với nhịp sống quay cuồng lặn ngụp, nổi trôi giữa giòng đời thăm thẳm, với ưu điểm là cường lực đam mê, đắm đuối nhiệt tình và đã quá trầy trụa cuộc đời.

Tôi tin rằng, không những ông còn là Thanh Tâm Tuyền và sẽ là một Thanh Tâm Tuyền độc đáo, rực sáng, khả ái hơn. Nếu năng khiếu bẩm sinh được giao hòa, tôi luyện cùng đời sống nghiêng ngửa cân xứng, tôi chắc sau này, người ghi chép lịch sử văn học sẽ không còn ngập ngừng so đo, phong cho ông ngôi vị hoàng tử thơ tự do.
______

Chú Thích:

(1) Sáng tạo do Mai Thảo chủ trương - số 1 ra tháng 10 -1955, số chót 31 ra tháng 9 năm 1959 với sự trợ giúp tài chánh của một cơ quan văn hóa ngoại quốc, là hậu thân của Người Việt cũ.

(2) Sáng Tạo xuất bản 1956

(3) Xem Văn số 34

(4) Sáng Tạo xuất bản 1964.

(5) Liên tên một người yêu đã mất của TTT

(6) Thế Phong. Nhà văn tác phẩm cuộc đời: ĐNVH xuất bản 1965.

(7) XI nhà thơ Việt Nam Tự Do của Cao Đan Hồ, Tiết 10, Trang 47

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12049)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18829)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9024)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8123)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1019)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22338)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19086)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8695)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30588)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20743)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25364)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24371)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31807)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,