Bước Lên Thềm Đời

06 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 6211)
Bước Lên Thềm Đời

Ngoạn bình tĩnh lạ thường, cái bình tĩnh đến độ lạnh lùng trơ trơ như tai nàng chưa hề nghe một lời nào đau đớn, như mắt nàng chưa hề thấy rõ dáng điệu điên cuồng của người cha, vẻ hiu hiu tự đắc khôi hài của người anh, mặc dù óc nàng vẫn con sống động hình ảnh Phổ im chịu trong cơn thịnh nộ của tất cả người thân trong gia đình nàng. Tất cả mọi sự đã xảy ra, Ngoạn nghĩ, một lần trung tóe hết. Bây giờ không còn thời gian để ngắm nhìn, để xét duyệt những sự kiện đó nữa. Ngoạn không còn thì giờ. Quyết định đã là quyết định. Chỉ còn không đầy sáu tiếng đồng hồ nữa, trời sẽ sáng. Mặt trời sẽ lên cao, và một lần thêm, một lần cuối cùng nàng nhìn mọi người trong ngôi nhà bao năm đã sống, để rồi ra đi. Đi và không bao giờ trở lại. Phía trước mặt, con đường mờ mịt đau thươg hay chói lòa hạnh phúc, đã là một réo gọi, một mời mọc âm thầm những quyến rũ. Phía trước mặt, chỉ có những bước chân đi tới, mới hy vọng tìm thấy những mảnh trời, mới hy vọng mở ra những vùng ánh sáng…

Ngoạn xếp cẩn thận những tấm áo của gia đình may cho, thành một chồng riêng. Nàng chỉ lấy ra khỏi tủ, những quần áo do tiền của nàng mà có. Những chồng sách thân yêu của những năm cô đơn. Trằn trọc cũng được di chuyển lần đầu tiên khỏi vị trí cố hữu. Những con vật bằng đất nung cũng được Ngoạn bỏ riêng vào một bao giấy. Đó là những kỷ vật gần gũi duy nhất còn sót lại, mang dấu tích lủi thủi của những ngày trẻ thơ của đời Ngoạn.

Khi thu dẹp xong tất cả những vật dụng định sẽ đem đi, người Ngoạn cũng đã mệt nhoài, rã rượi. Lúc này nhìn những gói áo quần, những chồng sách, những túm giầy dép nằm khuất kín trong một góc nhà kho, Ngoạn mới thấy lòng mình khi không chùng xuống. Những cảm xúc, những ý nghĩ tủi thân đánh võng tâm hồn Ngoạn làm những giọt lệ từ từ rung chảy. Mãi tới giờ phút đó, Ngoạn mới thấy khóc được. Những giọt nước mắt như bị bỏ quên, nay mới có dịp lao xao, xào xạt, hối hả xô nhau.

Ngoạn ngồi bệt trên bệ gạch của mái hiên nhà sau, chân thả xuống nền đất.

Bóng Ngoạn ngả xiên về một phía, rúm co, lùng bùng như một cái bao tải được móc trên một cây gậy nhỏ. Con chó Lu từ sân trước trở vào, ngửi ngửi đôi chân Ngoạn để trần trước khi dịu dàng nằm né cạnh một bên. Ngoạn đưa tay vuốt ve những sợi lông mềm ướt rịn sương đêm trên lưng nó. Ngoạn muốn nói với nó rằng, ngày mai, sáng mai là Ngoạn sẽ không còn ở đây nữa. Lu sẽ không còn một dịp thêm trông thấy Ngoạn. Lu cũng sẽ không bao giờ được ăn những dĩa cơm với thật nhiều thức ăn thừa do Ngoạn đem cho. Ngoạn tưởng tượng những câu hỏi mà con Lu sẽ hỏi Ngoạn. Và Ngoạn trả lời nó. Rằng Ngoạn cũng không biết Ngoạn sẽ đi đâu, sẽ ăn uống, sẽ làm việc, sẽ sống như thế nào. Nhưng dù sao thì Ngoạn cũng không ở đây nữa. Đó là điều duy nhất, chắc chắn. Ngoạn trả lời với con Lu rằng Ngoạn phải ra khỏi nhà, bởi không một ai trong ngôi nhà này còn muốn thấy mặt Ngoạn. Ngoạn là cái gai nằm sâu trong mắt mọi người. Ngoạn là cái nhọt mưng mủ đã tới hồi tấy sưng, gây nhức nhối cho mọi người. Ngoạn cũng không còn trông mong ai, bất kể cả ba Ngoạn, hiểu cho Ngoạn nữa, Ngoạn cũng không phủ nhận cái hữu lý của mọi người, khi bắt Ngoạn phải chấm dứt liên hệ với Phổ.

Có ai không nhân danh lẽ phải, tình thương yêu để chặt đứt sự sống của một người khác đâu. Ngoạn cũng không thể phủ nhận những điều mà mọi người coi như là những phát giác kinh hoàng về Phổ là không đúng. Đúng lắm. Hoàn toàn đúng. Vì Ngoạn đã biết những điều đó trước mọi người. Ngoạn cũng không coi sự còn lui tới giữa Phổ và người đàn bà có con với chàng trước khi gặp Ngoạn là một chuyện tầm thường. Trái lại, đó là một chuyện quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp và mãnh liệt tới hạnh phúc của đời sống Ngoạn sau này. Nhưng vấn đề là ở Ngoạn. Là thái độ và trách nhiệm về một chọn lựa tự ý của mình. Mọi người kể cả ba Ngoạn (người duy nhất trong ngôi nhà Ngoạn đang sống, tỏ ra hiểu Ngoạn nhiều hơn cả), cũng đã không thể thấu hiểu tâm trạng của Ngoạn. Cái tâm trạng của một đứa con gái, tuy nhỏ tuổi, nhưng đã sớm hiểu biết, sớm nhận ra mình chỉ là mình, qua những cá biệt đó, mọi người không thể nhìn thấy một cách thấu đáo con người thực của Ngoạn. Một con người sinh ra vốn đã ấp đầy những cao ngạo và tự tin. Không cần đợi lúc va chạm với thực tế ở ngoài đời, Ngoạn cũng đã sớm thiết kế riêng cho mình những quan điểm bất di bất dịch về đời sống, về tình yêu, về hôn nhân, về hạnh phúc. Ngoạn vẫn đinh ninh rằng người phụ nữ không thể có cuộc đời thứ hai, để dành cho tình yêu thứ hai. Mỗi kẻ có thể có nhiều lần chạm mặt với tình yêu, nhưng chắc chắn chỉ một lần sống được tận cùng với nó. Những lần khác, chỉ hư ảo. Ngoạn không thể quan niệm rằng Ngoạn có thể gây dựng lại một cuộc tình nào khác, với một người đàn ông nào khác mà Ngoạn sẽ gặp. Một khi người ta không thể có được một tình yêu thứ hai để ứng dụng cái kinh nghiệm đã gặt hái được ở lần đầu, thì cách hay nhất, là sống thật với cái mà mình đã nhìn nhận đó, như một tình yêu đích thực. Nếu chẳng may đó là một lầm lẫn, thì ít ra cũng là một lầm lẫn rực rỡ, một lầm lẫn đã cháy sáng, đã huy hoàng một trái tim ta, một quảng đời ta, dù chỉ riêng ở phía ta mà thôi. Chỉ có những phản bội chính tự nơi mình mới làm ta cúi mặt. Những lầm lẩn (nếu quả thế) trong đam mê, trong rung động mặc nhiên, chân thực, luôn luôn nâng ta lên, dù cùng với mắt ngước, là những đớn đau, những ê chề nhục nhã.

Làm sao mọi người có thể nghĩ rằng. Ngoạn yêu Phổ chính vì cái dĩ vãng mù lòa của chàng. Ngoạn không thể chịu được những loại người đàn ông không có dĩ vãng. Người đàn ông chưa khốn quẫn ít nhất một lần trong tình trường, dù ở tuổi nào, cũng chỉ là một trẻ vị thành niên. Đó là một nhánh cây chưa đủ sức mang lấy chính nó với những cành lá hoặc xum xuê, hoặc xác xơ, cháy nám. Bởi thế theo Ngoạn, phần quan trọng còn lại là thái độ và trách nhiệm của y đối với quá khứ. Và đó cũng là môi trường, là một thách thức đầu tiên, lẫm liệt thảm khốc (có thể) đặt trước một người con gái, với tình yêu của cô ta. Hoặc cô ta vượt qua được để thấy tình yêu của mình chất ngất thánh thần, hoặc không, vì đó là đất lở, là cát bồi, để cô ta tự đào lấy cho mình một huyệt sâu của đau thương, tăm tối. Nhưng ở trường hợp nào thì người con gái kia cũng vẫn còn được giữ lấy cho mình một niềm kiêu hãnh. Đó là thái độ dứt khoát của một lựa chọn sống chết.

Gió đêm đuổi những tàn lá trứng cá chạy nhảy trong sân cũng như khoảng tối thẩm gây nên bởi tàn lá vú sữa di chuyển trong một khoảng sân đã bắt đầu lạnh ướt sương khuya.

Vượt khỏi hang rào dâm bụt thấp là những khóm tre còng xuống với những chiếc lá dài màu ngà đong đưa tiếng ru kẽo kẹt của căn nhà bên kia. Xa hơn nữa, thành lính với những bức tường thấp xám, cách quãng đều, có những lô-cốt, từ đó những ngọn đèn pha, chốc chốc rực sáng quét đi quét lại trong một vùng nhà cửa im lìm với những mái lụp xụp, lùn như những tháng năm còi cọc.

Con Lu ngếch miệng lên nghe ngóng động tĩnh. Vầng trăng hạ tuần đã lên cao khỏi bức tường thành.

Con Lu dụi dụi chiếc mõm vào ống chân Ngoạn và nhay nhay ống quần nàng như nói: Thôi cô đừng đi. Cô hãy ở lại đây với con. Ngoạn cúi nhìn nó, Nàng vuốt ve cái đầu cứng, thì thào:

-Nhưng dẫu thế nào thì ta cũng phải đi Lu à,

Ngoạn thấy con Lu có vẻ lắc đầu, tỏ dấu không tin:

-Chắc gì ông đã để cô đi. Ừ, cả ông, cả bà, không dễ gì để cho cô đi đâu.

-Nhưng đã nói thì làm, tính ta như vậy.

-Cô không sợ ông làm phiền đến cậu hay sao?

-Có, ta có nghĩ đến chứ. Nhưng ông làm gì thì làm. Cùng quá ta chết chứ gì.

Ngoạn có cảm tưởng như con Lu le lưỡi dài kinh hãi. Nó nói:

-Cô chỉ được cái nói dại. Con là loài thú bốn chân, ăn bẩn mà con còn tha thiết sống, huống hồ chi cô…

Ngoạn ngắt lời nó:

-Con nói đúng. Con là loài thú bốn chân, con ăn bẩn nhưng con còn biết đi bằng bốn chân con nhận con ăn đồ bẩn, trong khi cái giống tên gọi là người dù đi bằng hai chân, dù không ăn đồ dơ bẩn, nhưng sự thực họ đi cả chân lẫn tay, họ ăn uống xác thân đồng loại, họ hèn mạt, họ đê tiện và cái thảm hại là họ đã không biết họ là như thế.

Con Lu rùng mình. Nó ngúc ngoắc cái đầu:

-Nghe cô nói thấy mà ghê.

Ngoạn gật đầu

-Bời thế cho nên bao giờ người ta cũng bọc đường cho mọi sự thật. Và ngay cả tình yêu nữa.

Ngoạn nghĩ tới Phổ… Anh có bọc đường viên kẹo tình yêu anh cho em. Và lớp đường đó, với thời gian bao lâu sẽ tan hết trong miệng em?

Con Lu đang nằm bỗng chồm đứng lên, nó ngơ ngác sủa vu vơ vài tiếng khi thấy vầng trăng quá tỏ soi sáng trước mặt.

Trong khi ấy, ở một gian phòng, trên cao, của một building, một người đàn ông còn thức và đang cặm cụi viết. Viết.

1972

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 13254)
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 10694)
02 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 9441)
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 9450)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4766)
22 Tháng Chín 2015(Xem: 14654)
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 15960)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17078)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12287)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19018)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9196)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8362)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1187)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22483)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14025)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19192)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7911)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8826)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8509)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11074)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30727)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20823)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25522)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22918)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21742)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19802)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18064)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19262)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16928)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16120)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24520)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31964)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34939)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,