Qui Nhơn, Trở Lại Một lần Nào,

06 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 5416)
Qui Nhơn, Trở Lại Một lần Nào,

Chị Tiếng, nhận được thư này, tô chắc chị sẽ ngạc nhiên và sửng sốt không ít. Chính tôi, cũng cảm thấy mình quá đường đột khi chọn chị để lá thư này tới. Tôi cũng không thể tự mình tìm lấy một lý do vững chắc nào biện minh cho việc này của mình. Tôi cũng không thể nhân danh tình thân, một thứ nhân danh dễ dàng nhất (kể cả việc để dễ dàng làm phiền nhau), vì giữa tôi và chị chưa có được những sợi dây liên lạc khả dĩ cho phép tôi được biên thư tới chị, đều qua Châu. Một trung gian. Một người  thứ ba.Tuy thế, tôi vẫn tự cho phép mình nghĩ rằng đã hiểu được khá nhiều về chị.

Đúng ra tên chị không phải vậy. Châu nói thế. Tôi nghĩ nhân viên hộ tịch đã ghi tên chị vào sổ bộ đời với một chữ thừa. Chữ “g”. Đúng ra, tên chị là Tiến. Phải. Tiến mới đúng. Nhưng riêng tôi, tôi thích cái tên có thừa mẫu tự hơn. Mặc dù lúc chào đời, chị đã được dư thừa ngay tự cái tên của mình, để rồi lớn lên, tuổi tác và những cảnh đời đã sống, cho chị thấy rõ hơn, chỉ một điều: sự thiếu thốn và lòng u uẩn. Mấy lúc sau này Châu thường nói chuyện với tôi về chị, nhiều hơn những người bạn khác của Châu. Và hình như cũng từ đó, tôi mơ hồ cảm thấy như mình bị ám ảnh bởi những điều tình cờ được biết. Trong những điều tình cờ đến và ở lại trong tôi, có một địa danh, một nơi chốn. Một nơi chị đã đi qua và còn mong trở lại. Tôi muốn nói, quả thực, chị còn may mắn. Xin chị đừng vội mở lớn đôi mắt hoài nghi. Chị cứ cho phép tôi được nói hết những ý nghĩ của tôi. Vâng, chưa bao giờ bằng lúc này, tôi thèm được nói hết ra, những ý nghĩ chợt đến với đầu óc mình. Có lẽ cũng cần phải nói thêm để chị hiểu sự thèm khát của tôi đến mức nào, khi chị biết đã bao tháng nay, tôi không ngồi vào bàn viết. Thời gian, hạnh phúc, đau khổ, túng thiếu…tất cả những thứ đó, như đã rút khô tôi, hay ắp đẩy tôi, đến độ tôi chỉ còn nhận ra mình lười biếng trườn trôi trong đó. Nhưng đột nhiên gần đây, tôi cảm thấy lòng mình quá đỗi dạt dào, tâm hồn mình ứ căng quá nhiều ý nghĩ. Và một trong những ý nghĩ thôi thúc tôi mãnh liệt nhất, đó là một thành phố. Một nơi chốn. Và trớ trêu thay, nó cũng lại là cái thành phố mà chị đã đi qua và còn mong trở lại.

Bây giờ tôi xin nói với chị về cái mà tôi gọi là may mắn. Sự thực, trong đời sống của mỗi người, may mắn hay bất hạnh nó cũng chỉ mang một ý nghĩ giới hạn, bởi vốn dĩ nó cũng chỉ là những ý niệm… Có những điều tôi cho là may mắn, chị lại có thể nhìn như là một bất hạnh. Bởi thế, tôi nghĩ có lẽ tôi phải nói rõ hơn ý mình.

Từ lâu tôi vẫn quan niệm rằng, thực may mắn cho một kẻ nào có được một nơi chốn gửi gấm trọn vẹn tình yêu đắm đuối, tinh khiết dành cho một nơi chốn. Nơi chốn ở đây, có thể là một phố, một con sông, một hè đường. Nơi chốn với một tình yêu hồng nõn đó, thường là nơi ta đã gửi lại một phần đời… Ta đã giấu đi hay trải ra, ở đó, những nồng nàn, những rộn rã của trái tim ta, để khi ra đi, ta tưởng như đã đem theo cùng với bóng mình tất cả nó. Tôi nghĩ thật dễ hiểu, khi người ta yêu mến nơi được sinh ra và lớn lên. Tôi gọi đó là tình đầu. Đó mới chính là tình đầu. Đó là cánh cửa lớn mở ra những vùng trời của những tình yêu kế tiếp… Đó là bậc tam cấp, bắt buộc để ta phải nhón gót bước lên, trước khi đi về phía mặt trời hồng, hay run rẩy bước xuống vũng lầy để bắt đầu cuộc hành trình trầm thân vào bóng tối. Một tâm hồn không có nó, là một tâm hồn đáng tội nghiệp. Một đời người không có nó, là một đời người thiếu rễ cái cắm sâu. Nó cần thiết như quá khứ làm nên tương lai. Nó quan trọng như kỷ niệm làm vốn liếng cho ta và đời. Tôi không nói, nó là tất cả, nhưng tôi muốn hỏi chi, khu vườn ước mơ ta, sẽ ra sao, nếu trong đó thiếu vắng những bông hoa ước mơ một nơi chốn trở về. Những bông hoa rực rỡ hương tình đầu.Những bông hoa, làm não lòng ta trong một phút giây bàng hoàng nhớ lại. Những bông hoa làm não lòng ta, trước một tình cờ đọc được, một tình cờ nghe thấy.

Ôi, nơi chốn, nấm mồ lớn ủ giữ hương tình đầu.

Tôi là kẻ không có được cái may mắn đó. Chắc chị không biết rằng suốt quãng đời đã qua, tôi không có được một nơi để yêu dấu, như người ta nâng niu mối tình đầu của đời mình.

Những người dời bỏ Hà Nội ở tuổi hai mươi trở lên, họ đã đem theo cả một Hà Nội với tất cả những gì tạo nên Hà Nội. Họ có được trong họ mối thiết tha và lòng tương tư mong ngày trở lại. Nhưng tôi thì không. Khi dời bỏ Hà Nội tôi còn quá nhỏ. Tôi cũng muốn yêu Hà Nội như yêu một người tình, như nhớ một dung nhan không thể kiếm tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác dưới vòm trời. Nhưng thành thực, rất thành thực, với mình, nếu so sánh Hà Nội với con đường đá tảng dẫn xuống một bến đò trên dòng sông Đáy, nơi tôi đã được sinh ra và mẹ tôi đã vục lên từ đó những lượng nước đầu tiên tắm xối cho tôi mở mắt vào đời. Nếu so sánh Hà Nội với những tháng ở trong rừng mơ, sau khi chạy tản cư qua Đồng Lạc, trở về ngủ tạm những đêm ầm tiếng bom đạn của máy bay Pháp giữa chùa Đanh, Hà Nội chỉ là bóng lá nhỏ so với những tàn lớn tỏa mát của những nơi chốn trên. Nhưng ngay cả những nơi này, với tôi cũng chưa là hiện thân của tình yêu. Phải chăng thời gian ngắn ngủi cùng ý thức thơ trẻ đã không ghi vạch trong tôi những nét đậm sắc. Rồi di cư. Máy bay thả tôi xuống thành phố cũ. Xứ dân nghèo. Đêm trong Thành Nội, với những gánh bún bò đỏ chát ớt cay, đã khiến tôi chỉ ăn được một thìa mặc dù lòng đã trống sau khúc bánh mì chả gậm tại phi trường Gia Lâm lẫn với những sương mù và những giọt lệ ngậm ngùi che ngang của những người sắp bước chân vào quãng đời sầu cố quận.

Qua một đêm nằm trong Thành Nội, năm giờ sáng hôm sau, khi những cây sầu đông còn trĩu nặng những giọt huyền bí, tôi đã được nhét lên cabine của một chiếc GMC để bắt đầu cuộc hành trình vượt qua đèo Hải Vân trở vào Đà Nẵng. Tôi không thể xác định với chị, tôi đã sống dưới những hàng phượng vĩ đỏ ối của mùa hè bốc lửa Đà Nẵng dọc theo con đường Bạch Đằng và bao lần ngâm mình trong con sông Đà với những đám hào cậy được từ vỏ sắt của chiếc tàu Nhật lật úp gần bờ.

Sau Đà Nẵng là Hội An, cái thành phố nổi tiếng với chùa Cầu, với căn nhà trống lốc bốn phía ở ngoại ô, nơi đặt bàn thờ và bộ xương rã mục của một ông cá Voi. Tôi đã chập chững làm quen với sinh hoạt miền Trung. Tôi đi học lại. Tôi tập nghe tiếng được tiếng mất. Thành phố xưa cũ kia như sắp sửa cho tôi những thân mật, những kỷ niệm thì tôi lại phải ra đi. Lại dời bỏ, Một chuyến tàu, (chuyến tàu thủy đầu tiên trong đời tôi). Chiếc Ville de Hải Phòng, phải chính nó, đem tôi vào Sài Gòn, Với Sài Gòn tôi lại tập tành từ đầu bài học làm quen. Tôi lại tập bước, những bước đi đầu tiên, giữa những hè lộ thênh thang của một thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhưng dẫu sao, Sài Gòn có lẽ là nơi chốn duy nhất mà tôi đã sinh sống, đã hít thở, đã chứng kiến, đã thâu thập được nhiều dưỡng chất tươi thơm cũng như ủng thối của đời sống. Những ngày ở Trần Hưng Đạo, trong cái cư xá Hòa Bình, với hai hàng cây sao thẳng vút, tắp cao. Ở đó, tuổi thiếu niên của tôi đi qua và có thể nói được chăng, bắt đầu thui chột, Ở đó, một căn nhà trong dãy nhà cư xá đó, từ ngạch cửa, trên bậc thềm, tôi đã bước xuống, tôi đã ra đi để trở vào một đời sống khác. Một đời sống của lãng mạn trẻ con: gác trọ. Rổi chiến tranh. Rồi đi lính. Và từ những bước chân đều bước theo nhịp đếm ở quân trường, tôi đã đi khắp nơi. Đã qua nhiều chốn.

Chắ chị không biết, tôi đã về tới Kiến Phong Cao Lãnh. Tôi đã lại nhiều ngày trên con lộ 14, (con lộ mà trong hơn một tháng nay, máu đã chan hòa), con lộ nối liền Pleiku Kontum. Tôi đã trở dậy với những sáng đầy sương muối của cao nguyên. Buổi sáng mở ra cùng sương mù và mùi thơm thoảng ngái của những hàng khuynh diệp. Tôi đã trở lại Huế. Tôi đã xuống đò… Tôi đã về Hội An. Tôi trở lại và đứng trên bến cũ của sông Đà, nhìn lại chiếc tàu Nhật lật úp gần bờ. Tôi đã ra tới Gio Linh, đã về thấu Quảng Trị. Rồi Phan Thiết, Nha Trang, Cam Ranh. Tôi đã sống những ngày lính tráng đầu tiên trong một chiếc ấp hẻo lánh ở sát chân núi Trường Sơn. Tôi đã đeo súng suốt ngày để tới với đồng bào và làm quen với họ, ngay sát mật khu Châu Râu. Tôi đã về Tuy Hòa, đã qua ga Mường Mán. Tôi đã đứng chôn chân trên chiếc cầu cong bắc ngang sông Trà Khúc của một Quảng Ngãi thổ sản đường phổi. Ở mỗi nơi chốn đi qua, tôi đã có ít nhiều kỷ niệm. Ở mỗi nơi đặt chân tôi đã gửi lại ít nhiều vụn vặt. Những phần hồn rớt rơi đến giờ này, còn dằn vặt, còn dày vò tôi vào những khuya, hay những ngày ô tục. Tuổi thanh niên, tôi đã đi, đã qua, còn nhiều nơi nữa. Đêm ở tỉnh Tân An trưa ngồi băng ghế nơi công viên tỉnh Bình Dương ăn bánh mì và ngắm nhìn những người con gái áo trắng của tỉnh lỵ ôm cặp tới trường. Nói tóm lại, hầu như chưa một nơi nào tôi chưa đến. Không một chốn nào, chưa qua. Nhưng, chị Tiếng, tôi đã không thể có được một nơi chốn, như chị đã thiết tha mong mỏi trở về. Giờ này, ở tôi, tuổi thơ đã qua xa, tuổi niên thiếu cũng không còn, và tuổi thanh niên thì hầu như cũng đã đang trên con đường về với tàn tạ. Giờ đây, ở tôi, có còn chăng chỉ là những mệt mỏi, chán chường, uể oải và quay quắt. Trái tim tôi đã khô, tâm hồn tôi đã lắng. Tôi không còn hy vọng để có được những rung động tinh khiết, thánh thiện về một tình yêu dành cho một nơi chốn nữa.

Tôi vẫn nghĩ hoa hy vọng không thể nở trong một hoàng hôn ám khói, lá rung động khó thể đâm chồi giữa một khu vườn dông gió hoài hoài đi ngang. Tôi muốn nói tôi đã già rồi. Phải. Tôi đã già rồi, chị Tiếng. Đúng ra tôi đã nám đen, đã quắt khô ngay tự bước chân đầu tiên khi bước xuống bậc thềm cư xá Hòa Bình, để bước vào dòng đời, lúc tôi vừa tới tuổi mười bốn, Bây giờ, ngay bây giờ, nhịp tim tôi cũng đã thấy khó khăn để có thể hòa điệu (một cách mơ hồ) với những lời kêu rêu của kẻ lãng du trong bài Trở Về Mái Nhà xưa. Có lẽ, tôi muốn nói với chị, tôi đã hết cái khả năng cuối cùng: đánh lừa mình ngay trong mơ ước mù lòa của tiềm thức bâng khuâng xa vắng.

Ấy vậy mà, hôm nay, chị Tiếng, bỗng dưng tôi lại nghe lòng mình rạt rào một ham muốn thiết tha, nói về một thành phố, một nơi chốn, của chị. Phải, của chị. Tôi muốn nhấn mạnh điểm đó. Bởi, hình như sự tha thiết, lòng đăm đuối và tình yêu rực rỡ (buốn thảm?) của chị, đã khích động nơi tôi thoáng men say chếnh choáng. Một chút bùi ngùi rẩy nhẹ trong tâm hồn, như những vạt nắng quái cuối cùng bỗng lóe lên trên một bờ bãi tàn hoang, cổ độ.

Chị Tiếng, tôi muốn nói với chị về Quy Nhơn. Phải, Quy Nhơn, chính đó. Cái thành phố mà tôi cũng như chị, không được sinh ra, được lớn lên cùng với tiếng í ào, vỗ về những bước chân thơ, những mắt nhìn ấu dại, Tôi muốn nói với chị về cái thành phố mà tôi, chỉ là một khách vãng lai. Một kẻ lạ mặt. Một người khi đến cũng như lúc ra đi đã chẳng đem theo được trong tâm hồn mình những vốn liếng làm giàu có thêm tơ tưởng. Cái thành phố mà lúc này, hơn bao giờ hết thường xuyên được nhắc nhở trên mọi cửa miệng người Việt Nam, trên các trang nhất với những cột dài quan trọng của hầu hết các nhật báo. Cái thành phố mà chị đã biết, đầy người tỵ nạn… Viết tới những dòng chữ này, tôi mới chợt nhận ra rằng, có thể những địa danh kia, những đổ nát đó đã khiến tôi nghĩ nhiều về nó. Và có thể, đó mới chính là cái lý do thôi thúc tôi, viết thư này cho chị.

Chị Tiếng, có cần không nhỉ, nói với chị chút ghi nhận nghèo nàn của tôi về thành phố đó? Tôi phân vân, thực tình tôi phân vân, không biết có nên kể lại.

Ở đây, những cảm nghĩ đầu tiên của tôi, khi biết đến cái thành phố, cái nơi chốn cũ giữ hương tình đầu của chị (!).

Tôi đến thành phố này cách đây đã lâu. Lâu lắm rồi. Có thể vào cuối năm 67 hoặc đầu năm 68. Nhưng có một điều tôi nhớ rõ, đó là thời gian mà những người lính Đại Hàn đặt chân lên đất nước chúng ta và chọn Quy Nhơn làm nơi cụ thể hóa sự ủng hộ của họ trước đe dọa xâm lăng của cộng sản. Tôi nhớ kỹ được như vậy, vì chính sự có mặt của họ, mà có chuyến đi của tôi. Số là khi ấy tôi được lệnh đi thăm viếng nơi đóng quân của những người lính Sư Đoàn Mãnh Hổ, để viết về một phóng sự với mục tiêu rõ ràng: Đề cao tình hữu nghị Việt Hàn. Tôi đã đi dọc theo đường số I, để tới Phù Mỹ, Phù Cát. Tôi đã tới, đã ăn cơm, đã ngủ lại nhiều đêm ở bản doanh của sư đoàn nước bạn đồng minh. Tôi đã theo chân những toán Dân Sự Vụ của họ vào sâu những khu làng hoang vắng của một Quy Nhơn, tôi đã ngồi trên những chiếc chõng tre ọp ẹp để nói chuyện với những bà mẹ già mắt lòa, những người thiếu phụ trẻ, góa bụa. Tôi đã đùa chơi với đám trẻ trần truồng, trơ xương ở hai bờ quốc lộ. Và khi trở về, một ông xếp đã phê bình tôi một câu mà sau này, càng ngày tôi càng thấy đúng: “Ông hăng nó vừa vừa chứ.” Phải tôi hăng quá khi ấy, tất nhiên. Có lẽ tôi phải kể thêm với chị một chuyện nhỏ này để chị thấy nó rõ hơn, cái phổi bò, cái tiết vịt của tôi…

Chị Tiếng, không biết hồi đó, chị đã có mặt ở Quy Nhơn? Và nếu có, biết chị còn nhớ (?) mẩu tin đăng trên nhật báo S. đã gây sôi nổi dư luận ở Quy Nhơn. Cái tin nói về một vị trung úy, đêm đêm ăn hàng đồ Mỹ. Cái tin đó, do tôi loan. Phải, chính tôi đã viết tin ấy; sau khi được nghe ông trưởng ty cảnh sát sở tại tường thuật tỉ mỉ chi tiết. Và chị biết sao không? Chỉ trong một đường tơ kẽ tóc, tôi đã gửi xác, tại cái thành phố mà ngày nay chị đang mong trở về. Khi về đến Sài Gòn, tưởng đã thoát được mối đe dọa của một cuộc trả thù thanh toán nhưng vẫn chưa yên. Liên tiếp tòa soạn nhật báo S. nhận được thư hăm dọa và bắt phải đính chính cũng như không tiết lộ chỗ ở và danh tính thực của tôi.

Việc này đã ám ảnh tôi gần một năm trời, ngày cũng như đêm, ở đâu, chỗ nào, tôi cũng bị đe dọa bởi một ám ảnh rùng rợn, Một bóng người, Một mũi súng, Một băng đạn.

Bây giờ, thời gian đã trôi qua. Vị trung úy nào đó, nếu còn sống chắc cũng chẳng còn nghĩ về tôi với một oán hận chất ngất nữa.

Nhưng, chị Tiếng, đấy cái thành phố dấu yêu, Quy Nhơn, nơi chị hoài hoài ước mong trở về, nó như thế đấy, thời gian đầu tiên, tìm đến. Nó như thế đấy, trong hồi tưởng hôm nay của tôi. Vậy mà chị Tiếng, không hiểu sao, tôi lại vẫn muốn nói về nó. Hình như một góc tối nào, tình thương mến đã dậy hương. Có thể chăng, mặt sáng bên kia của lòng kinh tởm, hận thù, là gần gũi xót xa và niềm nhớ thương lén lút.

Quy Nhơn, cái thành phố mà người Mỹ đã rút đi, Đại Hàn cũng còn ít, cái thành phố đã chứa chấp những người con gái Việt Nam làm nghề không vốn, cũng đã đi sau khi từ mười phương đổ lại. Tất cả đã không mong trở về. Quy Nhơn, cái thành phố mà hôm nay, Tam Quan, Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân đã hết còn bay nồng mùi phấn hương. Quy Nhơn, cái thành phố mà tôi vẫn cảm thấy mình gần gũi hơn bao giờ hết với những người đàn bà Việt Nam ở hai bên quốc lộ, những người đàn bà hứng chịu cả trăm ngàn oan trái, tai ương. Quy Nhơn, cái thành phố kỳ dị. Cái thành phố như một tấm gương luôn hắt chiếu lại chúng ta cùng lúc hai hình ảnh tương phản. Quy Nhơn, phải Quy Nhơn, cái thành phố còn những người như chị vẫn mong mỏi được trở về một lần. Quy Nhơn, vẫn còn những người như chị, nhắc nhở tới như một mối tình đầu, gọi tới như gọi tên một người đời đời yêu dấu. Quy Nhơn, thành phố mà giữa lòng là bùn nhơ, nhưng chung quanh lại là suối ngọt, Quy Nhơn, thành phố như mang cùng lúc hai mặt sấp ngửa của một đồng tiền quay tít. Quay tít…

Chị Tiếng, phải giờ này chị đã tới nơi, đã trở về?

Trong bóng đêm, dưới thấp, chị có ngước nhìn lên ngọn núi bà Hỏa, con mắt thần rực đỏ, trong đêm nay, chị nghĩ gì? Chị có nói gì không? Và điều nữa, tôi muốn hỏi, trái tim chị có hòa nhập dễ dàng với khúc hát của người lãng du trong Trở Về Mái Nhà Xưa?

Chị Tiếng, cho phép tôi nói với chị một câu cuối cùng; tôi ước ao được là chị. Ít ra, trong bước chân của người trở về, giữa nấm mộ lớn, ủ kín hương tình đầu. Cái tình yêu không thể thánh thiện hơn và đồng thời, cũng không thể buồn bã hơn.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21729)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,