Sầu người bon bon

06 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 5282)
Sầu người bon bon

Khi tôi kiếm ra được khu vực mà ngôi trường thầy Khâm tọa lạc thì trời về chiều và muốn sụp tối.

Khu vực của thầy Khâm, quả đúng như lời người dân ở đây cho biết, nó chiếm cứ cả một vùng rộng lớn. Ăn từ ngọn đồi này qua thấu ngọn đồi khác. Tuy nhiên ngay từ bước chân đầu tiên lọt vào vòng rào của khu vực thầy Khâm, người ta đã có thể nhìn thấy khu nhà chính lợp tôn, bao quanh một ngôi nhà ngói đỏ ở lưng chừng một sườn đồi. Khu nhà này ngó mặt vào sườn đồi của một ngọn đồi phía bên kia. Ở trên đỉnh nhọn đồi bên, là một dãy chuồng ngựa, với vài căn nhà nhỏ hơn, hình như dành cho gia nhân của thầy Khâm. Trời sẩm tối. Đường đi không có đèn, nhưng đường đất sỏi đỏ cũng dễ đi, không khó khăn lắm. Chỉ có một điều khiến cho những người không quen thuộc như tôi phân vân và có phần nào hơi hoang mang là sao con đường dài quá. Con đường ngòng ngoèo với những ngã rẻ bất ngờ. Những ngã rẽ đều cho cái cảm tưởng như đổi hướng vào dãy nhà chính. Thêm vào đó là bày chó dữ có tiếng của thầy Khâm. Người dân địa phương dặn tôi rằng vào đó, sau sáu giờ tối phải coi chừng những con chó lực lưỡng của ông ta. Đó là bày cọp thì đúng hơn bày chó. Chúng sẵn sàng nhảy lên cổ bất cứ một kẻ lạ mặt lạc vào. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ được tiếp đón một cách thảm hại, và lố bịch đến thế. Dù sao, phải, dù sao tôi cũng vẫn chỉ là một người khách lạ. Một người khách tới thăm trường đi kiếm một người quen. Có thế thôi. Tuy đã nhủ lòng như vậy, tôi vẫn không tránh khỏi cái cảm giác rờn rợn khi nghe được chính những bước chân rón rén, những bước chân không mấy tự nhiên của mình, dội lại chính tai mình, những âm thanh nghe rất khác thường, lẫn với tiếng gió rít qua những tàn cây tùng và tiếng suối róc rách ở đâu đó. Có lẽ trong thâm tâm tôi, đã nhen nhúm ít nhiều hối hận. Vâng. Tôi nghĩ phải chi tôi đừng xuống xe. Tôi cứ ngồi lại trên chiếc xe đò đó và quay trở lại thị trấn. Có sao đâu. Nếu chậm một ngày. Ừ. Kể cũng khỉ thật. Quỷ ma nào đã xui khiến tôi háo hức tìm đến khu vực này vào cái giờ mà chỉ cần đi ngang qua, người ta cũng đã có cảm giác rờn rợn như sự có mặt thoáng chốc của mình đang bị hàng trăm cặp mắt xanh lè hay đỏ cạch đang theo dõi một cách bí mật, và đe dọa. Mặc dù lần đầu tiên tìm đến thị trấn này, nhưng người dân ở đây, hầu như ai cũng biết một cách mơ hồ, mơ hồ thôi, về những việc làm khó hiểu của thây Khâm. Dư luận về ông ta kể ra không hết. Nhưng tựu trung thì toàn là những điều tai tiếng, kèm theo không ít bí mật với nghi hoặc cần phải đề cao cảnh giác. Người ta nói rằng thầy Khâm rất ít khi rời khỏi khu vực của ông. Hầu như cả năm ông chỉ rời khỏi nơi chốn đó một đôi lần trong những dịp hết sức đặc biệt. Và mỗi khi có việc phải rời khỏi khu vực riêng, như một lãnh địa đó, bao giờ ông cũng dùng xe riêng để ra khỏi thị trấn hay ra thẳng phi trường về Sàigon. Những ngày vắng mặt tại đây, quyền cai quản khu vực được ông giao cho một người đầy tớ thân tín. Đó là một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi. Y có dáng người lùn chắc như một con gấu rừng và cái đáng nói hơn hết là y vừa câm lại vừa điếc. Người ta bảo y trung thành với thầy Khâm còn hơn cả bầy chó trung thành với ông ta nữa. Có lẽ, chính vì thế mà thầy Khâm tin dùng y, và luôn cho y ở bên cạnh ông, như một vệ sĩ. Không một ai biết đích xác thời gian. Kể cả những người dân cư ngụ gần khu vực đó cũng đành chịu, không thể xác định được thời gian nào. Người ta chỉ biết rằng khu vực đó nguyên là khu đồn điền cà phê của một ông cha người Pháp. Sau này ông cha người Pháp về Tây. Đồn điền bỏ không và giữa khi không còn ai thắc mắc về đồn điền này thì người ta bắt đầu thấy có một người đến phát quang, đốn hết những gốc cà phê còn lại. Đám người này, trong suốt những ngày làm việc tại đây, cũng không một ai rời khỏi đồn điền. Và một ngày nào không rõ, họ đột nhiên biến đi hết. Họ biến đi, cũng đột ngột như khi họ tới. Và ít lâu sau, một đôi kẻ tò mò, nhận thấy trong khu đồn điền mênh mông kia có một người đàn ông thỉnh thoảng xuất hiện, đó là gã đàn ông vừa câm vừa điếc. Y thường xuất hiện thấp thoáng trong đồn điền với một bầy chó, và một đàn ngựa ở đỉnh đồi bên kia. Một thời gian yên lặng nữa trôi qua. Khi người dân địa phương đã quen sự có mặt của gã đàn ông kỳ dị đó thì thầy Khâm xuất hiện. Thầy xuất hiện cùng với cái thông cáo dán ngoài cửa đồn điền rằng thầy mở một số lớp học, thày dạy miễn phí cho một số em trong vùng. Với lối ăn mặc và cách sống bí ẩn của thầy Khâm, dăm ba người hiểu chuyện nói rằng đáng lẽ thầy đã ra linh mục từ lâu rồi, nhưng khi lên chức thầy cả, thầy bị chuyện gia đình riêng tư sao đó, thầy bỏ tu viện ra ngoài. Và từ đó thầy sống đời sống của một người nửa trần tục nửa tu sĩ.

Mặc dù hành tung của thầy Khâm có vẻ chứa đựng nhiều điều bí ẩn và khó hiểu, nhưng người dân địa phương, sau một thời gian thấy thày Khâm không những không làm gì phiền phức tới họ mà trái lại còn giúp cho con cái họ khỏi thất học cho nên dần dần họ cũng không còn xì xầm bàn tán nhiều về thầy Khâm. Họ nhìn thầy như một ân nhân, một người cha tinh thần là đàng khác, nếu không có chuyện không hay xẩy ra, đó là sự mất tích của một cô giáo tên Phúc. Cô Phúc không phải là người dân địa phương, thầy Khâm tuyển cô từ đâu đó, in là miệt Sài Gòn hay miệt lục tỉnh, đem lên dạy cho trường của thầy. Cô Phúc dạy cho thầy Khâm đâu mới được hơn nửa năm thì mất tích. Câu chuyện lẽ ra cũng chẳng ai hay biết, nếu không có thân nhân của cô Phúc lên tìm kiếm và làm ồn ào câu chuyện lên. Mọi người đã tưởng thầy Khâm bị phiền phức không ít về chuyện cô Phúc, nếu không muốn nói rằng ông sẽ bị tù. Ấy thế mà rồi ông cũng chẳng sao hết vì trước nhất là không có một văn kiện gì chứng minh có sự hợp tác giữa ông và cô Phúc. Thứ hai nữa là ông chứng minh được rằng cô Phúc đã rời thị trấn về quê quán với tên có trong danh sách những người đáp chuyến bay của hãng hàng không. Cuối cùng, câu chuyện lẳng nhẳng một thời gian rồi cũng êm luôn. Ở một thành phố nhỏ, chuyện gì cũng có thể xé to nhưng ngược lại chuyện gì dù to lớn đến đâu rồi cũng mau được quên đi. Vụ cô Phúc xẩy ra, tuy nhiên cũng khiến cho thầy Khâm mất một số học trò. Những gia đình này tự động đem con về, không dám cho con học nữa, nhất là số gia đình có con gái. Nhưng sau vụ cô Phúc người ta nhận thấy hầu như chẳng bao giờ ông Khâm chường mặt ra ngoài. Ông ít xuất hiện tới tới độ người ta có cái cảm tưởng ông đã không còn ở đó nữa, hay ít ra, ông cũng đi đâu đó, và chưa thấy trở về.

Tôi không nghĩ rằng Đông Nghi cũng rơi vào đúng trường hợp của cô Phúc. Nhưng sự liên lạc giữa chúng tôi đang khi không đột nhiên mất hẳn tin tức. Sự chờ đợi nôn nóng trong hơn một tháng liền đã khiến tôi không còn đủ can đảm chờ đợi. Thêm nữa cùng với mùa đông đã tới ở thị trấn này, đem theo mấy chiếc áo lạnh mà Đông Nghi đã bỏ lại ở nhà. Lẽ ra Nghi phải trở về Sài Gòn từ tháng trước để lấy áo lạnh như Nghi đã viết thư báo trước. Nói tới mấy chiếc áo lạnh tôi mới nhớ rằng chút xíu nữa, tôi đã bỏ quên chúng ở nhà trọ, khi ra xe đến đây. Tôi chỉ nhớ được điều đó, khi đã đi được nửa đường từ nhà tới bến xe. Tôi quay trở lại và có thể chính vì sự lộn lại này đã khiến tôi phải đáp chuyến xe cuối cùng ngang qua khu vực này, trước khi trời tối hẳn.

Trời miền núi, lại thêm vào mùa đông nên bóng đêm bao giờ cũng xuống thật nhanh. Chỉ mới thoáng đó mà tất cả cảnh vật như đã chìm vào trong cái màu đen sánh đặc của bầu trời xám thấp và những hơi sương lạnh phà lên từ những lớp đất đỏ trộn lẫn sỏi đá. Bước chân tôi cũng vì thế mà không nhanh được như lúc đầu nữa. Bây giờ, mỗi bước chân đi là một giây ngập ngừng đắn đo với đôi mắt mở lớn để có thể có được cái chăm chú tối đa hầu tránh những gốc cây khô hai bên đường đi, những bụi cỏ lau, những đám tranh mọc cao ngang thân mình với những khía sắc, bén như dao.

Cuối cùng khi tôi tìm được đường xuống tới khu nhà ở gần cuối sườn đồi thì cả khu vực đã chìm hẫng vào cái im lặng lạnh lẽo của một ngày mùa đông. Lại gần hơn, tôi mới nhận ra rằng ở ngay trước cửa ngôi nhà ngói đỏ, một đống củi lớn đang bốc cháy lách tách. Bóng tối với ánh lửa hắc ra chờn vờn, không cho tôi nhìn rõ số người bao quanh đống lửa đó. Nhưng tôi biết chắc là có một số người và đó là một số người không nhỏ. Hình như còn có cả một số trẻ con. Họ ngồi sát nhau quanh đống lửa và có lẽ họ đang cùng nhau tham dự một trò chơi gì đó. Lại gần hơn chút nữa, tôi mới chợt nhận ra rằng họ đang cùng hát một bài hát đạo. Cái bài hợp ca thường nghe được ở trong thánh đường vào những ngày gần giáng sinh.


Không biết bởi nguyên cớ nào, mà bước chân tôi bỗng khựng lại. Tôi không thể bước được nữa, mặc dù ngay lúc đó, tôi cũng chẳng hiểu tôi đứng lại để làm gì. Có lẽ tại tôi phân vân không biết tiến tới trong trường hợp đó, tôi sẽ phải nói gì, ra làm sao. Gói quần áo của Nghi ôm trước ngực, tôi khoanh tay nhìn trân trối cảnh tượng vừa gần gụi quen thuộc, mà cũng vừa như xa lạ, cổ quái. Cả một đám người chỉ trông thấy những chiếc lưng cong xuống, những bàn tay giơ gần ngọn lửa. Những tiếng hát phát ra cùng lúc, nhịp nhàng, và ngoài tiếng hát, ngoài những âm thanh lúc lên cao vút, lúc thấp xuống ì ì... không cón có một hoạt động nào cho thấy rằng đó là những sinh vật sống động hết.

Đang chăm chú nghe, bỗng có tiếng động thật nhẹ ở sau lưng. Tôi giật mình quay lại. Cảm giác buốt lạnh ở hai tai. Tôi nhìn thấy đám cây mù u ở cách chỗ tôi đứng khoảng chừng ba bước chân. Cái phản ứng tự nhiên của tôi là định lao nhanh về đấy và núp vào bụi cây.

Nhưng ngay khi đầu óc tôi có được ý nghĩ chạy trốn đó thì một bóng người đã chặn ngang mặt tôi. Đó là một thiếu nữ. Cô ta xuất hiện bất thần, nhẹ ngàng khiến tôi tưởng như cô đã bay, đã lướt trên mặt đất hay cô đã theo dõi sát tôi từng bước từ ngay cửa vào khu vực. Không biết tôi có nên nói rằng mặc dù là đàn ông, mặc dù đã có đôi lần sát kề với hiểm nguy, với cái chết, nhưng tôi đã không giữ được sự run rẩy, và những hạt mồ hôi vã ra ở trên trán, rồi thành dòng ở sau lưng. Người con gái nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi cũng nhìn lại cô. Nhưng cái nhìn của tôi là cái nhìn chết cứng. Cái nhìn không ghi nhận gì được ngoại trừ mái tóc cô thả dài và cái áo dài lụng thụng như áo chùng màu tro xám cô mặc trên người.

Cũng có thể là cô gái đã kinh ngạc về sự có mặt bất ngờ của tôi. Tôi nghĩ vậy. Vì sự im lặng đã kéo dài vài giây giữa chúng tôi. Sự im lặng làm gia tăng thêm nỗi kinh hoàng và run rẫy toát ra từng lỗ chân lông, nơi giọng tôi ấp úng định phân trần với cô rằng tôi đi kiếm người em. Em gái tôi. Đông Nghi. Nhưng tôi đã không nói thành tiếng. Tất cả sự cố gắng của tôi chỉ bật thành những tiếng ú ớ nho nhỏ, như cổ họng đã bị ai bóp lại rất nghẹn.

Ngay khi ấy người con gái quắc mắt nhìn tôi và đưa tay lên ngang môi ra dấu cho tôi ngậm miệng lại. Tôi tròn mắt làm theo lệnh cô. Và cùng với cái ngoắt tay ra dấu đi theo. Tôi bước theo cô như cái xác không hồn. Một cái xác toát lạnh, hơn cả nhiệt độ đang xuống thấp ở giữa khu đồi rì rào tiếng rứng và tiếng suối xa xôi dội lại.

Người thiếu nữ như quen thuộc với đường đi ở trong khu vực. Tôi thấy cô bước phăng phăng, qua những khu vực đầy bóng tối, dưới những cây lá đan nhau, che ngang trên đầu như một cái dù lớn. Những bước chân tôi hấp tấp theo sau. Bây giờ niềm kinh hĩa của tôi là không còn là một cái gì mơ hồ nữa. Nó rõ rệt. Trong óc, tôi nghĩ tới một ngục tối, một căn nhà giam ở khuất nẻo dưới một lùm cây nào. Và sẽ không có một ai biết tới số phận của tôi nữa. Có thể tôi sẽ phải chết mục xương ở đó. Có thể tôi sẽ bị tra khảo như một kẻ manh tâm lọt vào lãnh địa để phá hoại hay để phanh phui những bí mật mà chính những kẻ sinh sống ở đây, chưa chắc đã biết rõ tất cả. Có thể có người sẽ cho rằng tôi nói quá đáng. Nhưng phải là tôi, giữa một khu vực, đồi tiếp đồi mênh mông, phải là tôi, giữa một bầy chó dữ cả trăm con rình rập ở đâu đó, quý vị mới hiểu nỗi kinh hoàng ghê rợn kia chẳn phải là một cái gì quá đáng.

Tôi không thể nhớ được người thiếu nữ đã dẫn tôi đi qua những con đường nào, hướng nào. Nhưng cuối cùng, nàng đưa tôi tới trước một căn nhà tôn mà bên trong không có ánh đèn. Nàng loay hoay mở cửa và nhường một bên cho tôi lách vào. Ngườ con gái bước vào liền sau đấy. Nàng bậc một que diêm và soi nó lên vách. Nàng tìm ra mẫu nến còn lại cắm trên vách tường. Ánh sáng vừa lóe cho tôi thấy một căn phòng nhỏ, với mấy chiếc ghế bành cũ kê quanh một chiếc bàn gỗ vuông và một góc phòng là chiếc giường nệm dày. Người con gái chỉ tôi ngồi xuống một trong những chiếc ghế ấy. Tôi ngoan ngoãn và rón rén làm theo. Tới giờ tôi mới nhận thấy là nàng có chít một chiếc khăn lụa và khi nàng cởi mở nó ra, tôi nhìn thấy hai bên má nàng au đỏ. Đôi mắt nàng to, nhưng cái sự mở lớn phảng phất mộ niềm bí mật, xa lạ thường trực.

Người con gái vẫn chưa hỏi tôi một tiếng. Nàng đi lại góc nhà nơi có kê một chiếc bàn nhỏ hơn, rót cho tôi một ly nước trà đầy và nàng một ly khác trên tay. Tôi đón ly nước của nàng với một cái nhìn biết ơn và một chút an ổn bắt đầu dấy lên trong lòng. Không đợi nàng hỏi, tôi nói ngay:

-Tôi đến đây để tìm người em gái tôi. Nó dạy học ở đây. Lâu quá tôi không được tin của nó…

Người thiếu nữ khoát tay, ngắt ngang lời tôi. Bằng một giọng lạnh lùng nhưng trong suốt và rõ từng tiếng một:

-Tôi biết ông tìm kiếm Đông Nghi. Nhưng tôi thành thực khuyên ông, ông nên dời khỏi ngay nơi này. Ông đừng ở thêm một chút nào nữa.

Tôi kinh ngạc:

-Thưa sao vậy?

Tôi không thể nói nhiều hơn. Có điều ông còn may mắn. Nếu ông không gặp tôi, tôi không biết rằng những gì sẽ xảy ra cho ông trong đêm nay.


Đang nói, người con gái chợt khựng lại. Cùng lúc với vẻ lắng nghe của chiếc tai xinh xinh tiếng vó ngựa vẳng đưa trong sương mù, nghe mỗi lúc một gần hơn. Cùng với nhịp gõ dồn dập của những móng ngựa sắt đập vỗ xuống nền đất sỏi tôi cảm thấy như người con gái lộ dần vẻ hoảng hốt lo sợ. Cô đưa tay chặn ngang ngực, đồng thời cô thổi phù ngọn đèn trên vách. Bóng tối hùa tới hung hãn và chớp nhoáng như một cơn lũ, cuốn xóa nhanh mọi vệt chung quanh. Riêng tôi không hiểu bởi đâu, tôi lại bình tĩnh lạ thường, thật trái ngược, khó hiểu. Tôi đặt gói áo lạnh của Đông Nghi lên bàn và rón rén bước lại hướng người con gái. Thiếu nữ như không biết sự có mặt sát bên cạnh của tôi. Nàng ghé sát mắt vào khe hở của vách ván. Tiếng chân ngựa nghe đã rõ và tôi nhận ra ngay rằng nó đang nhắm hướng chúng tôi ẩn núp để tới. Ánh sáng nhợt nhạt ló lẽ của mấy vì sao èo uột nào đó trên bầu trời xám, hắt xuống những khoảng trống vắng. Tiếng suối róc rách lúc này cũng nghe được rõ hơn. Và tiếng thông reo vi vu như một hơi thở dài không dứt của một người bệnh nằm phơi ngoài sương lạnh len qua những khe ván dội thẳng vào ngực tôi, cái cảm giác đe dọa. Rồi bóng ngựa hiện ra, đen thẩm như một khối đá khổng lồ biết chuyển động. Tôi không nhìn thấy, người ngồi trên lưng ngựa. Có lẽ tại cái đầu ngựa ngóc cao hay người ngồi trên nó quá nhỏ, hóa cho nên chỉ thấy cái đầu gật gù với ít khói trắng, từ miệng con vật thở ra phì phò. Đang trên đà phóng tới, tưởng như lao thẳng và chồm lên hay băng qua căn nhà gỗ mỏng manh, thì bỗng nhiên con ngựa bị giật khựng lại. Nó đứng vững trên nền cỏ, nhưng cả thân thì gần như bị chao đi dập dềnh, như một con thuyền bị sóng đánh. Con ngựa chỉ cách chỗ chúng tôi đứng khoảng ba bước ngắn. Tim tôi ngừng đập với cái ý nghĩ hai con mắt to lồi của con ngựa đã chạm phải nhãn tuyến của tôi và vừa lúc đó, nó hí lên những tiếng ngắn cùng hai chân đạp cào trên lên nền đất lấp lánh những hạt sương sáng trắng. Một cánh tay ngắn ngủn đưa ra, vỗ nhè nhẹ vào đầu con vật. Tôi cho đó là một ám hiệu mà chỉ có người cưỡi và chính con vật đó hiểu. Tôi bắt đầu thấy mình không còn đứng vững trên hai chân mình. Máu dồn trở lại ngực, khiến hơi thở nặng nhọc. Cổ như đeo gông xiềng khiến cho đầu phải cúi xuống. Hoa điện bắt dầu tóe nháng những tia lửa xanh vàng. Và tự bao giờ, chúng tôi siết chặt tay nhau. Hai bàn tay cùng lạnh buốt. Hơi thở người con gái dồn dập. Những ngón tay nàng run rẩy trong bàn tay tôi và rịn ra từ đó những lớp mồ hôi lép nhép. Trước tai họa người ta khuynh hướng xáp lại gần nhau hơn. Và trong tình cảnh này, tự dưng, bản chất đàn ông ở tôi nổi lên, như sương mù tràn trên mặt cỏ. Tôi siết chặt tay nàng với cái ý nghĩ dứt khoát trong đầu: Sẵn sàng che chở cho nàng.

Nhưng rồi cuối cùng, con ngựa đập mạnh hai chân xuống đất, đầu hất cao, bờm dựng đứng như một cánh buồm nhỏ bật bật bọc gió và quay gót. Có lẽ tôi là người thở ra nhẹ nhõm hơn cả cô gái nữa. Qua một thoáng, như lúc xuất hiện, người ngựa đã chỉ còn là một chấm đen nhỏ và tan biến ngay vào màn sương.

Người con gái rút tay về, trong khi tôi còn muốn giữ chặt lấy. Nàng kêu nhỏ những tiếng gì đó trong miệng. Tôi kéo nàng về gần sát mình hơn. Nàng lập cập trước khi tựa vào người tôi như một tàu lá héo. Nàng rên nhỏ, bỏ tôi ra. Tôi im lặng và chợt thấy mình trơ trụi, ngơ ngác như con ngựa lúc đang phi bị giựt kìm chân lại. Tôi buông tay nàng ra. Ngọn nến được thắp lên. Chúng tôi nhìn nhau như thể hai con quái vật cùng mới thấy nhau lần đầu.

Người con gái khuyên tôi nên dời khỏi khu vực của thầy Khâm trước khi trời sáng rõ. Tôi nằm thẳng hút thuốc và hỏi lại vì sao nàng lại có ý muốn cứu tôi. Người con gái nằm nghiêng. Nàng gầy mỏng như một thân cây bị xẻ đôi. Những lọn tóc dài được kéo ngang mặt chắc để che cái nửa phần còn đang sượng sần vì cảm xúc mãnh liệt vừa trào qua. Ướt, lạnh. Người con gái trả lời có thể nàng bị cái ân hận, ray rức nào đó mà nàng không gọi thành tên được. Nàng kể cho tôi nghe lai lịch của nàng, khi tôi bắt đầu hút điếu thứ hai.

Nàng nói nàng được lấy ra từ một trại mồ côi. Và nàng trở thành đứa con nuôi chính thức của thầy Khâm nghĩa là có làm giấy tờ tại tòa án. Nàng sống bên cạnh người cha nuôi kỳ dị, khó hiểu từ những năm lên mười. Và chính vì thế mà nàng là người duy nhất biết được khá nhiều những gì mà thầy Khâm nghĩ chẳng thể có một người thứ hai, ngoài ông biết được. Nàng nói nàng không yêu người cha nuôi của mình, nhưng nàng luôn dành cho ông một niềm tôn kính và biết ơn thành thực. Tuy nhiên, từ ngày xảy ra chuyện cô Phúc, nàng bắt đầu thấy không thể sống với người cha nuôi đó nữa. Có lẽ thầy Khâm cũng đoán được những ý thầm kín nơi tâm hồn đứa con gái yêu dấu của mình, cho nên ông đã ngầm ra lệnh cho cận vệ theo sát nàng. Và giữa tình cảnh ngột ngạt đó. Chuyện Đông Nghi xảy ra. Như bị thôi thúc bởi một động lực huyền bí, mãnh liệt, nàng đã giúp Đông Nghi ra khỏi khu vực trước khi tất cả mọi chuyện trở thành quá muộn. Và câu cuối cùng của nàng, thế cho kết luận là nàng không còn cái ý nghĩ vượt ra khỏi nơi này nữa. Nàng phải ở lại, hay muốn ở lại, để nhận chịu hậu quả của những việc nàng đã làm.

Lúc đầu tôi nghe chuyện nàng với đôi tai của một người lớn nghe một đứa trẻ con líu lo về những điều nó ghi nhận được trong giấc mơ. Nhưng sau rồi tôi cảm thấy rõ ràng là mình bị hút cuốn vào câu chuyện với quá nhiều điều mập mờ. Nhưng những nghi vấn của tôi được nàng trả lời bằng một câu giản dị: “Cách hay nhất là anh đừng hỏi.”

Hay: “Đấy chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Như thể là anh mơ một giấc mơ. Cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi, việc chúng ta đang nằm đây với nhau.”

Tất nhiên là tôi không quá dễ dàng để chịu ngừng câu chuyện ở chỗ dở dang đó. Tôi cảm thấy có một điều gì bất nhẫn, phải, vô cùng bất nhẫn khi nàng nói rằng đừng bao giờ tôi tìm cách trở lại đây, dù để gặp nàng. Bởi có thể trước khi mặt trời mọc sáng mai, nàng đã không còn nữa. Tôi tin ở cái khả năng nói quanh co, hỏi dò dẫm của mình, với hy vọng nhờ đó , biết đâu tôi chẳng tìm ra được đầu mối của câu chuyện. Nhưng những cố gắng của tôi chỉ là những cố gắng tuyệt vọng. Những cố gắng của một kẻ đứng trên miệng vực thẳm, chốc chốc, lại ném những hòn sỏi nhỏ vào cái vực đó và chờ đợi, nghe ngóng tiếng dội vang mất hút. Tôi chỉ biết thêm được một điều là chuyện Đông Nghi đã bị tên câm của thầy Khâm tình cờ biết được. Tôi nói người ta bảo y là một tên cuồng tín. Một con chó trung thành hơn bất cứ một con chó nào đối với chủ. Nàng đáp đúng thế…

Tôi cười khan vì khâm phục cách dụng người quỷ quyệt của thầy Khâm. Tôi nói, phải chính vì thế mà thầy Khâm đã giao cho y cái công việc theo dõi cô? Người con gái gật dầu. Nàng bảo: Bởi thế, mà đêm nay tôi còn ở đây. Tôi cố gắng khuyến dụ nàng cùng ra khỏi khu vực này với tôi trước khi trời sáng, và tôi hứa với nàng rằng chuyện của thầy Khâm sẽ chẳng một ai hay biết, âu đó cũng là một cách trả ơn công nuôi dưỡng của ông dành cho cô. Người con gái lắc đầu. Nàng bảo vô ích. Nàng bảo không phải đợi tới lúc anh nói tôi mới nghĩ tới. Tôi đã nghĩ tới và đã nói với anh. Nhưng tôi phải dành cái ân huệ cuối cùng đó cho Đông Nghi…

Tôi im lặng vì biết không thể thuyết phục được người con gái kỳ lạ này. Nhưng chính vì thế mà tôi không thể ngủ được…

Gần sáng, có lẽ khoảng ba hay bốn giờ gì đó, lúc người con gái thở những hơi thở đều đặn trong một giấc ngủ thản nhiên, lạnh lùng lúc vầng trăng khuya cũng đã lên cao trên ngọn thông và hắt một thứ ánh sáng như bột phấn vào phòng, thì một bóng người xuất hiện nơi ngoài khung kính. Tôi rùng mình với vành rộng của chiếc mũ đội chụp che khuất mặt. Tôi bấm nhẹ người con gái. Nàng cựa mình rất tự nhiên như vẫn còn đang thức để chờ đợi sự xuất hiện kia. Nàng nhỏm người ngồi dậy. Bóng nàng hắt vào vách tường thành một khối đen méo mó và im lặng. Bóng người, đúng hơn chỉ có cái đầu lờ mờ ngoài khung cửa biến nhanh. Tôi nghe mồ hôi vã ra hai bên thái dương. Lát sau, tiếng ngựa nổi lên mơ hồ và như không có thật.

Người con gái nằm xuống thở dài, tôi buộc miệng:

-Thầy Khâm?

-Sao ông biết? người con gái hỏi lại.

Có lẽ nàng đã lỡ lời. Nhưng tôi nhanh hơn, và không để lỡ cơ hội:

-Cô có nghĩ rằng đã có một cái gì đó, không bình thường giữa thầy Khâm và cô?

Nàng làm bộ không hiểu:

-Trước sau tôi vẫn là nghĩa nữ của ông. Và tôi tin ở ogn6 cũng là cái ý nghĩ bất di bất dịch đó, dù có thể ông cho lệnh thằng khốn kiếp giết trong nay mai.

-Tôi không tin thế.

-Ông muốn nghĩ thế nào?

-Tôi nghĩ, không tôi dự đoán, có lẽ…

Tôi ngần ngừ và cảm thấy chính cái giọng run run của tôi đã khiến cho tôi không chút tin tưởng nào nơi điều mình sẽ nói.

Người con gái lạnh lùng:

-Sao? Ông cứ nói.

-Tôi ngờ rằng, có thể thầy Khâm…

Tôi cũng rơi vào khoảng không mênh mông như thể tôi đang là viên sỏi được ném xuống cái vực thẳm không đáy, mà chính tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng vọng dội của mình.

Một lúc khá lâu sau, người con gái trở lại giọng bình tĩnh, lạnh lùng:

-Kẻ nào biết điều đó sẽ chẳng bao giờ ra khỏi được nơi này.

-Đó là lý do giải thích cho những trường hợp Phúc và Đông Nghi?

Trong bóng đêm nhòe nhoẹt, choe choét ánh trăng vàng nhão, người con gái cười khan. Lần đầu tiên nàng cười. Tiếng cười như không phải của nàng. Cô nói:

-Ngay cả ông. Và cả tôi.

Đêm bỗng như một miếng thịt để lâu trong tủ lạnh và ai đó đột ngột đặt ngay ngắn lên giữa mặt tôi. Hơi thở tôi như bị chẹn lại. Và tôi thấy rõ hai tay mình đang vùng vẫy, khua khoắng trong khoảng không rỗng, trống.

Tiếng vó ngựa dồn dập nổi lên ở đâu đó. ở chung quanh. Và qua tiếng chân ngựa người ta có cảm tưởng như trên mình nó có một thân hình nào nằm co quắp, tả tơi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 4755)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 16590)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4171)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3157)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3727)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 2450)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17082)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12292)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19021)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9197)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8362)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 627)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 999)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1189)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22487)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14031)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19192)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7913)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8828)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8510)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11076)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30730)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20823)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25524)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22919)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21746)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19805)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18065)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19263)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16928)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16120)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24521)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31966)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34940)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,