Địu Em Trước Ngực

08 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 4426)
Địu Em Trước Ngực

Bóng tối nhễ nhại loang nhiễu tới chân trời. Khu phi trường với ngọn đèn trên nóc cao, thả xuống lớp ánh sáng vàng nghệ quây thành một hình tròn méo. Lũ đèn vuông, cúi thấp, thở ngược lên bầu mây từng vũng sương muối sệt sệt, tựa chứa nhiều tro xám. Phi trường giống hòn đảo nhỏ treo lơ lửng giữa tầng trời. Gió lớn. Từng cơn thổi qua, lay dạt sương muối. Hòn đảo đu đưa tuồng bị sóng đánh. Với thời tiết này, tôi không tin chuyến bay có thể tới sơm hơn lịch trình, như lời dặn dò của Miện. Tôi cho Miện hốt hoảng (nhiều phần kinh hoàng,) bởi chính quyết định của nàng. Một quyết định táo tợn? Một quyết định sập cửa? Một chọn lựa địa ngục? Một định tâm bôi xóa đường về. Hoặc như một gặp cuối, cho ngày mai, là thù hận, lạ mặt? Điều đáng nói, thực ra, không phải Miện. Mà, chính tôi. Chính tim tôi thắt bóp từng hồi, từ lúc nhận được giờ bay, chuyến bay. Tôi không nhớ mình nói gì với Miện, trước đó. Tôi không nhớ, tôi đã thuyết phục Miện bao lâu, cách nào? Tôi tin Miện hiểu, có những chuyến đi mang ý nghĩa mất/ còn/ sinh/ tử. Nhiều đêm, lồng ngực tôi như mặt trống muốn nứt vỡ bởi từng hồi dùi đập vội. “Phầu biết mà! Em không còn tiếng hát.” Tiếng hát của chính Miện. Miện biết mình hát không hay. Miện biết mình sinh ra, không để làm ca sĩ. Đó là việc của người khác. Của T., của C., của H., chẳng hạn. Nhưng tiếng hát, và mái tóc, là hai người thầy đầu, dậy Miện những bài học vỡ lòng về niềm thủy chung/ mơ mộng dậy thì/ lãng mạn thiếu nữ. Tự những ấu thơ xưa/ nội trú biệt lập/ xa nhà mịt mù..., tới không còn biết mình là ai. Miện cũng chỉ có mái tóc, tiếng hát, như người khác, ở trong Miện, trò chuyện. Tự những đêm úp mặt ngửi tóc mình, Miện ngửi được mùi hương, uống được vị ngọt của tình yêu, người khác phái trong cảm nhận rộn ràng trái tim nắng, gió. Những đêm cất tiếng hát trong bóng tối nội trú, tưởng tiếng hát là những đôi cánh đam mê bay bổng nghìn cao ngất ngất... tới một ngày thình lình, bị đuổi xua khỏi ngôi trường, mái nhà thực sự của tuổi thơ Miện.

Miện, bạn bè nàng, như bầy chim non, chưa một lần rồi tổ, thử đôi cánh tơ, đã bị ném vào thác đời, vứt quăng lên đỉnh đầu sóng dữ. Bước chân thứ nhất, loạng choạng xuống đời, là Miện tháng tư, máu chảy. Bước chân thứ nhất, run rẩy xuống đời, là Miện, lúc đó. Mười sáu tuổi, khi bão. Mười sáu tuổi. Là Miện, lúc đó. Mười sáu tuổi, khi người nam đầu tiên, tìm đến, nói yêu, Miện còn chưa kịp nghe rõ rúng động. Đón nhận nụ hôn, chưa kịp nhìn tỏ chân dung, mầu sắc tình ái. Lúc đó, anh ở đâu? Dù ở đâu! Anh cũng không hề biết đời sống không chỉ cướp đi ở Miện tuổi thơ; đời sống đã giựt khỏi tâm hồn Miện; thơ mộng/ thánh thiện/ hồn nhiên/ dự tính/... Anh đâu biết những búp đời chưa nở đã ngâm nhúng chàm đen. Anh đâu biết, những tờ giấy trắng chưa vẩn bụi nhân gian, một đêm tỉnh lại, đã là những mảnh rác hôi tanh. Miện công nhận, có những kẻ hân hoan với chọn lựa lầy lụa, bọc ngoài bởi những nhân danh, hy sinh, to lớn. Nhưng, cũng không thiếu, những nghiến răng, cắn lưỡi, đưa chân... Anh nghĩ đi! Anh hình dung xem! Miện sẽ phải làm gì, lúc đó? Không ai còn bàn tay nguyên lành cho kẻ khác, vịn bám. Không còn ai trái tim sạch trong, cho kẻ khác, đi về. Không ai còn tấm lòng tử tế đủ rộng cho kẻ khác, nương náu. Đời sống không cho Miện, không cho bạn Miện một chọn lựa nào, ngoài lao mình ra đường phố. Lao mình vào những cuộc hôn nhân vội vàng, bất xứng. Miện cũng sẽ chẳng khác hơn Tuyết/ Hương/ Hồng/ Xuyến..., nếu không trở thành chợ trời, trở thành phố xá. Và, mất mát đầu tiên, mất mát đầu đời, Miện là mái tóc. Miện không còn lãng mạn để chọn một nơi chốn cất mái tóc, như chôn cất đời con gái, chôn cất thời mộng mơ mình! Miện cũng chẳng có anh, lúc đó, để trao gửi, như trao gửi phần máu huyết tinh ròng, đời Miện.

Người ta chỉ lớn tiếng, cao giọng kết án kẻ giết người. Người ta có thói quen tranh đấu, kêu đòi phục hồi danh dự cho những người đã chết. Hiếm ai lên tiếng cho những cuộc đời thơ dại, dú non! Em chưa thấy một kẻ nào đặt vấn đề tội ác với những kẻ phạt ngang, thổi tắt ngọn lửa niên thiếu. Phải chăng lịch sử chỉ dành chỗ cho những tro tàn mà, không có nơi cho những lỡ dở, treo ngành, lây lất?

Những khuya khoắt trở về từ đường phố. Miện chỉ còn tiếng hát, để vẽ lại chân dung/ ước mơ/ rung động dậy thì... Bây giờ, không, đã lâu, lâu lắm rồi. Lâu lắm cơ... Lâu lắm như thuở Miện chưa gặp Phầu, lâu lắc như một chuyện cổ tích nào mà, không ai còn nhớ nữa... Miện không còn cùng lúc, mái tóc và, tiếng hát: Chiếc gương soi thấu suốt đời mình. Căn bệnh gì? Phầu đừng hỏi. Cuộc giải phẫu nào? Sao Phầu mau quên quá vậy? Anh không nhớ, Phầu chả bao giờ nhớ được điều gì. Anh chỉ nhớ, những gì Miện kể... Những phần thịt da tróc khỏi thân thể. Những phần xương tủy bị lóc khỏi đời sống. Những phần máu huyết mất đi khỏi trái tim. Ôi Phầu, Phầu chả nhớ gì cả. Chuyện đó hả? Miện kể Phầu nghe rồi. Phầu nhớ, khi ông bác sĩ mang vào phòng Miện một bó hồng... Ông hôn trán Miện. Ông bảo đừng buồn. Ông bảo đừng khóc, baby. Không sao đâu. Cuộc đời là một xâu chuỗi bắt đầu. Ừ, đừng ghen chứ Phầu. Anh quên tuốt luốt rồi. Trí nhớ anh vậy đó, lấy gì cho Miện tin là Phầu nhớ Miện... lấy gì cho Miện tin, khi Phầu bảo Phầu yêu em...? Miện nói gì cơ. Miện kể Phầu nghe rồi mà. Đó là một ông bác sĩ già. Ổng già rồi. Ổng thương Miện như con. Ơ mà, cái gì nhỉ? Có phải Miện đang kể, ông bảo Miện đừng khóc. Ông gọi Miện là baby. Gì cũng được. Baby ư? Thích chứ anh! Miện vẫn nghĩ mình già rồi. Mẹ bảo, “Con này già chát, già đanh không lấy chồng mau đi chỉ có nước ở giá!” Anh nhớ không? Miện mới kể đó thôi. Chỉ có ông bác sĩ già, chỉ có Phầu gọi Miện bằng baby. Miện thích lắm. Miện muốn lúc chết, (Miện muốn Miện chết trước), Phầu không cần khóc, Phầu không cần hứa hẹn thề bồi. Phầu chỉ cần ném xuống lòng huyệt cho Miện một bông hoa. Xong Phầu bảo, “này nhé bé con, đừng hư. Hoa của bé con đó.” Không hiểu sao, mỗi lần Miện nghe anh bảo “bé con. Đừng hư,” Miện lại muốn tức thì mình bé lại. Miện lại muốn mình phải “hư,” “thật hư,” mới được. “Hư,” liền một khi. “Hư,” trong vòng tay anh. “Hư,” trong mắt anh. “Hư,” trong hơi thở anh gấp gáp. Trong từng tấc thịt da Miện, lúc về còn nhớ những ngón tay anh mau quên, mất tích. Nhưng... Phải không. Miện mới chỉ “hư,” với Phầu, bằng đôi mắt Miện. Đôi mắt Miện đã nhạt mầu xanh. Đôi mắt Miện. Phầu bảo, tuồng rất “nắng gió” tuồng rất “mưa qua”. Sẽ có một ngày. Miện “hư” như chờ đợi của Phầu. Như khao khát của Miện hằng nén xuống, Như chia tay lần đầu, lấy hết can đảm. Miện kể, “đêm qua, em định... hôn anh.” Khi ấy, có thể Miện sẽ “hư,” hơn cả chờ đợi của Phầu. Phầu sẽ sợ. Phầu sẽ chạy, sẽ trốn Miện mất...

Điều đáng nói, không phải Miện. Mà, thực ra, chính tôi. Những đáy đêm, thức giấc, nghe thân thể mình nóng hổi. Những ngọn lửa lãng quên đâu đó, âm ỉ cháy ngầm khắp châu thân. Ngọn lửa chia lìa. Ngọn lửa biệt ly. Ngọn lửa thắp từ đôi môi Miện lầm than. Ngọn lửa thắp từ ngón tay Miện nẻ nứt nguyện cầu. Ngọn lửa khủng bố. Ngọn lửa đe dọa cháy quanh chỗ nằm tôi đìu hiu, thiếu vắng. Tôi biết, cùng lúc tôi có và, mất Miện. Tôi biết, cùng lúc Miện thuộc về tôi và cũng vĩnh viễn thuộc-về-tôi-trong-vòng-tay-kẻ-khác. Tôi biết, như mỗi khuya khoắt tỉnh dậy, còn nghe âm vang giọng nói, hình ảnh Miện. Hình ảnh Miện, trở về, tra chiếc chìa vào ổ. Vặn nửa vòng. Thỏi sắt bật về một phía. Căn phòng trống. Đồ vật, như tâm hồn, như đời sống Miện, đâu vẫn đó. Vẫn nguyên vẹn đó, chiếc bàn thấp. Ly sữa buổi sáng, uống vội trước khi đi làm. Thỏi son quên đậy nắp, lăn lóc bên chiếc gương cầm tay. Những sợi tóc sâu uể oải, lười biếng kẹt dắt giữa những chân răng chiếc lược lõi tròn... vẫn nằm đó. Mọi thứ, nguyên vẹn. Như sự ù lì một đời người không biến động. Một bờ biển không sóng vỗ/ rừng cây không gió cuốn/ bầu trời không bão rớt/ không chim muông. Vẫn nguyên vẹn đó. Một đời người. Một chiếc bóng. Lẻ loi giữa quây quần chiếc bóng. Hệt như cuộc đời, những kẻ không ngừng, biến động. Cũng thế. Tôi biết, những thói quen của Miện, như Miện biết những đường máu luân lưu trong cơ thể nàng. Tôi biết. Miện sẽ ném chiếc xách tay xuống mặt bàn, hay mặt sofa. Miện đi thẳng vào bếp. Nàng sẽ cầm lên chiếc điện thoại. Nàng bấm. Những con số không cần hỏi lại trí nhớ. Trí nhớ thừa, khi thói quen thành phản xạ. Miện gọi tôi. Nàng kể một ngày làm việc không ngơi tay, (trước hay sau một điệp khúc gập gềnh theo hơi thở của nàng) “em nhớ anh. Em nhớ anh. Em nhớ Phầu quá. Nhớ quá đi. Phầu ơi.” Tôi sẽ hỏi Miện, những câu hỏi nhàm chán. Những câu hỏi, như phản xạ, cạn, nhạt ý nghĩa. Miện ăn cơm chưa/ Miện mới về hả/ Miện mệt không/ Miện đang làm gì đó/ Anh đây/ vân vân... Miện sẽ kể tôi nghe một chuyện gì đó, ngắn thôi, về những ngày quê cũ.

Miện sẽ kể tôi nghe, một chuyện gì đó, ngắn thôi, về những nhớ nhung, những suy nghĩ mà Miện, lúc làm việc/ cuộc tình hai đứa/ tôi/ những người đàn bà đã qua/ ... Thế nào Miện cũng đá gà một chút về Hùng, người đàn ông mà, ân nghĩa, Miện nhận được, như một ám ảnh tội lỗi và trong sạch. Mưu mô và thẳng thắn. Miện sẽ kể tôi nghe, chuyện Long, người đàn ông, cuối cùng, lấy vợ. Anh đi lấy vợ, với tin tưởng còn là hình ảnh, ở nơi sâu kín trái tim Miện. Miện sẽ đi tắm. Miện sẽ bảo: “Anh đợi em chút. Em phải đi tắm. Phải tắm mất thôi. Tiếc không ai cho anh đôi cánh. Để làm gì cơ? Để bay. Tắm cho em? Anh mà cũng biết tắm cho người khác? Biết mà. Anh nghề lắm. Nghề vô cùng. Tại em chưa biết đó. Em sẽ chờ. Ừ. Cứ chờ. Rồi cũng sẽ có một ngày chứ, phải không anh? Chắc chắn. Sẽ có một ngày. Một ngày, em hôi rình. Em nói gì? Không em nói, em phải đi tắm. Phải tắm ngay thôi. Anh chờ. Một ngày, em nhớp nháp. Cho em tắm. Ừ tắm. Đợi em nha. Ừ đợi. Tắm. Ừ. Tắm. Nhớ anh? Vâng. Nhớ anh. Em nhớ mà. Ngay lúc tắm? Vâng, ngay lúc tắm. Nhớ. Dạ. Nhất là lúc tắm? Dạ. Giữa khi đang tắm? Dạ, giữa khi đang tắm. Tắm. Tắm. Tắm. Anh hiểu? Anh hiểu rồi. Anh nhớ mà? Sao nhiều chuyện khác anh quên? Làm sao biết. Để anh tập lại. Anh tập gì? Trí nhớ? Trí nhớ? Miện. Miện? Chứ còn ai? Ủa. Cái gì? Nhớ nhau cũng phải tập sao? Phải tập chứ. Đến tình yêu cũng phải tập, nữa là trí nhớ. Thiệt vậy chứ. Đúng chóc. Hồi nào giờ nhân loại không biết yêu. Tất cả? Tất cả, trừ... Ai? Thi sĩ. Thi sĩ? Phải, chỉ thi sĩ biết yêu. Vì sao? Họ hiểu tình yêu là gì? Còn anh? Anh khác. Khác chỗ nào? Chỗ anh đồng ý với Miện: ông Adam dở ẹc, Miện không thích ông Adam? Thì Miện nói rồi cơ mà. Ừ, anh nhớ Miện có nói. Anh nên lập lại. Rồi sao nữa? Thì anh khác ông Adam. Anh có cần con rắn không? Không bao giờ. Anh có cần trái táo không? Cần gì táo. Tại sao? Em đã là trái táo khổng lồ, nhiều đời anh chẳng thể ăn hết. Thiệt nha? Thiệt mà. Miện thích lắm. Miện ghét ông Adam. Em chẳng bao giờ là bà Eva. Anh biết. Đừng nói nữa. Tắm đi. Tắm xong, gọi lại anh. Gọi lại ông Adam, người-không-là-Eva... Tắm. Tắm. Tắm.”

Tôi biết, như Miện biết rõ chu kỳ máu huyết của thân thể nàng. Những quãng đời gió bão đi qua. Những hạnh phúc, như nắng. Những khổ đau, như gió. 
Những mơ ước, như mưa. Những khát khao, thương nhớ, như cây. Sẽ phải còn lớn mãi. Lớn mãi. Tôi biết, lớn mãi.

Tôi biết, Miện sẽ gọi lại ngay khi nàng tắm xong. Tôi sẽ hỏi, vẫn những câu hỏi thừa thãi/ phản xạ, cạn, nhạt ý nghĩa. “Miện hả. Anh đây. Tắm rồi hả? Anh đang coi ti vi/ đang đọc sách/ đang nói chuyện với bạn/ đang có điện thoại của T./ đang nằm/ muốn ngủ/ nhớ Miện/ Nhớ quay quắt/ Nhớ xây xẩm/ Nhớ điên rồ/ Nhớ. Nhớ. Miện chết đi...” Và đầu dây bên kia, sẽ là... “Tội nghiệp em. Tội nghiệp Miện mà. Đừng oán em. Đừng hờn em. Đừng dỗi em. Hãy cho em được chết, trong tay anh. Cha mẹ sinh thành ra Miện. Nhưng người kết liễu đời Miện, Miện muốn là anh. Là anh. Là Phầu. Thực ra, Phầu đã giết em. Một nghĩa nào. Phầu đã giết em, lâu rồi. Có thể, trước khi ta gặp nhau. Có thể, trước khi Phầu biết em. Mà, Phầu không biết đó thôi… Tội nghiệp em. Tội nghiệp em. Tội nghiệp bản nhạc của em. Tội nghiệp, cuốn sách của em. Tội nghiệp. Tội nghiệp...”

Tôi yêu hai chữ “tội nghiệp” của Miện, hai chữ này, khi được nói bởi Miện, tôi thấy, không thể tội nghiệp hơn và, cũng không thể dễ thương hơn. Tựa hai chữ “tội nghiệp” phát âm bởi Miện, tôi có thể “uống” được nghĩa, và “ăn” được chữ.

Bóng tối nhễ nhại, loang nhiễu tới chân trời. Cây gió đứng. Đám đèn vuông, cúi xuống, thôi thở lên bầu trời những vũng sương muối sệt đặc, như chứa nhiều phần tro xám. Không khí oi bức, đột ngột. Vòm trời đen. Vần vụ mây chì. Tôi không nghĩ chuyến bay chở Miện, đến sớm hơn lịch trình, với thời tiết bất thường này. Người cảnh sát rọi đèn bấm vào những chiếc xe đậu trước cửa phi trường, khu hành khách tới. Anh chuẩn bị biên phạt hay, có tin báo về một vụ đặt bom? Tôi mong trời mưa. Lậy trời. Mưa. Hãy mưa. Hãy nổ.

2.

Cô tiếp viên hàng không nhắc nhở hành khách cột dây nịt an toàn. Thành phố tựa một đảo ánh sáng, dưới cánh. Phi công trưởng cho biết nhiệt độ đang xuống thấp. Mưa và, gió thổi với tốc độ cao. Máy bay phải đục nốt những trần mây và màn mưa đan xít. Tầu chòng chành, như tâm hồn tôi đang chòng chành, và quá nhiều gió bão. Tôi sợ mình không cầm được nước mắt, lúc thấy Phầu. Cũng không rõ điều gì đã mang lại tôi cảm tưởng này. Vì lâu không gặp nhau? Chẳng phải, chúng tôi mới gặp nhau tuần trước. Tuần trước, tôi mới a vào vòng tay Phầu mở rộng và, run rẩy. Chúng tôi mới có với nhau một buổi chiều, nắng mật ong. Thành phố tôi ở, vừa chia tay những ngày bão rớt. Đất đai, phố phường, cây cối tuồng cùng lúc mọc da non. Hoa cà phê nở trắng trời, điểm xuyết bởi những búp dong như những bông hoa đào, dưới thấp, dầy bản, mạnh mẽ, đỏ gắt. Tôi ngửi được mùi thuốc lá khét khét từ những ngón tay khô héo, nhăn nhúm của Phầu, lúc chàng đặt trên mặt bàn. Tôi áp bàn tay hiu quạnh, tội nghiệp của mình lên chúng. Rút tay về, bưng mặt mình, tôi nói: “Đừng nhìn. Em sợ. Đừng nhìn. Em. Như thế. Anh. Em sợ. Đôi mắt. Đôi mắt dữ dằn. Mắt quân dữ. Ôi quân dữ. Đừng nhìn em.” Từ những ngón tay tôi, tội nghiệp, mùi thuốc lá chàng thốc tháo khứu giác. Tôi nghe được hơi thở, từ tốn, kéo dài từ lồng ngực chàng. Tôi nghe được gai ốc đồng loạt mọc lên dọc theo đường tay Phầu vuốt ve trên cổ tôi/ gáy tôi/ tai tôi/ lưng tôi/ ngực tôi. Tôi nghe được tiếng mình nói khó khăn lướt thoát khỏi kẽ tay. Tôi nghe được tiếng nói Phầu phả vào mặt. Những mẩu đối thoại đứt quãng. Những mẩu đối thoại không đầu đuôi. Vô nghĩa. Hay chúng chỉ có nghĩa, như những tiếng kêu lạc giọng, tựa những viên sỏi hờ hững rơi xuống một mặt nước xa lạ, không can dự. “Anh. Người ta kìa. Ai? Người ta. Miện? Không. Người ta. Anh? Chung quanh. Ai? Kẻ ngoài ta. Kẻ trong ta? Không. Chung quanh. Khách. Cô bồi bàn. Người đứng quầy. Cặp vợ chồng người Mỹ đen. Đám thanh niên Mễ, xâm hình. Người đàn ông râu xồm đọc báo. Họ? Phải. Sao em thấy? Em thấy mà. Em tài ghê. Tài gì? Nhắm mắt mà vẫn thấy. Anh. Ừ. Lại chọc em. Ôi! Đừng. Không. Đừng. Không. Em điên mất. Ai? Em. Anh điên? Không, anh không... Em chịu không nổi. Đừng anh. Em van anh. Vâng. Van anh. Đừng xuống nữa. Cái gì? Đừng xuống. Ở đâu? Đâu? Người ta? Không. Anh đó. Đừng xuống. Xuống? Không. Xuống? Đừng. Em chịu sao nổi. Cái gì? Em hết chịu nổi. Đã sao? Em cắn anh bây giờ? Em? Dạ, em. Em muốn ăn... Anh? Dạ, anh. Em muốn nuốt chửng anh. Ngay? Dạ, vâng. Lập tức? Vâng. Thì cứ. Mà không. Ôi anh. Cái gì? Ôi anh, Phầu. Em chết mất... Tại sao? Hàng trăm nghìn con mắt. Hàng trăm nghìn tiếng cười. Tiếng vỗ tay. Anh. Ừ. Bảo họ. Bảo gì? Đừng nhìn. Đừng cười. Đừng vỗ tay nữa. Ôi! Anh. Em chết mất...”

Bánh xe chạm vào phi đạo lạt sạt như có trải đầy cát. Con tầu rùng mình, muốn vỡ. Tôi rùng mình, muốn tan. Thần trí tôi nóng hổi, tựa nó đang là cục than hồng trong lò sưởi. Tôi nghe ẩm ướt, nghe nhớp nháp. Sự khó chịu cũng nóng hổi, như một nửa thân thể nhúng nước và, nửa còn lại trên lửa. Tôi nhắm mắt, đưa tay chận ngực. Tôi muốn nôn? Tôi say sóng? Airsick? Không. Tôi nghẹt thở. Ký ức là cánh tay bạch tuộc, quấn xiết, nghiền bóp tôi thành bụi. Ký ức là ống giác hơi, hút, rút, không khí quanh tôi. Ký ức là thịt da, đôi lúc cũng phải cất tiếng hỏi: sao buồn quá đỗi? Sao lạnh tự xương? Sao hoang vắng tự máu? Sao nhớ nhung, tuyệt vọng lại bào sinh như, những loại tế bào đơn giản, cứ bào sinh mãi vậy? Sao tôi chỉ thấy tôi là người lúc ở cạnh chàng? Sao tôi lại thấy tôi là gỗ đá/ cỏ cây/ đồ vật/ cọng rác, lúc chia xa? Sao đời tôi là đời chàng mà, quá khứ lại làm thành bởi những người chủ khác. Kẻ khác. Luôn luôn, có quá nhiều kẻ khác, trong ta, giữa chúng ta. Muôn đời ta chẳng thể hiểu tình yêu: vì kẻ khác?

Lòng tầu bật sáng. Những khuôn mặt mệt mỏi. Những ánh mắt hớn hở. Những tiếng nói uồm uồm, như gió, như sóng vỗ đâu đó. Vỗ đâu đó, một bãi bờ, không thật. Vỗ đâu đó, một bãi bờ thấp thoáng, trong mơ hồ. Tôi hình dung khuôn mặt chàng hớn hở/ mệt mỏi/ phờ phạc/ gay gắt/ cay nghiệt/ oán hận/ khinh bỉ/ quát tháo/ gài độ/ móc máy/ nham hiểm... Tôi hình dung giọng nói chàng uồm uồm. Như gió. Như sóng vỗ một bãi bờ nào, rất thật. Tôi ước mong. Tôi khao khát. Bởi tôi quá mệt mỏi. Tôi đang rã rời. Tôi chỉ muốn được gieo mình, nguyên vẹn quần áo/ va li/ sắc tay/ ... xuống một bờ bãi. Tôi muốn được nhắm mắt. Nhắm mắt. Và, giọng nói chàng, uồm uồm, như gió. Rồi, sóng. Tôi muốn yên nghỉ. Bông hoa. Lời nói ngắn. Đừng hư! Bé con. Tôi muốn yên nghỉ. Một mình. Không một ai. Ngay Phầu, dù cho đó là cánh cửa đời tôi, phút cuối.

3.

Giống như tựa lưng vào tấm màn cửa, người con gái đứng trong tư thế chân so le. Mặt ngước. Không phải nàng muốn khoe ngấn cổ dài, đôi vai thuôn như người nữ thường thấy trong tranh của Modigliani. Với đôi môi mím chặt, với khuôn mặt ngước lên, nàng nghĩ nàng có thể ngăn không cho những dòng lệ lăn khỏi đôi mắt, úa. Người đàn ông bước tới. Với đôi tay dang, xòe trong cung cách của một người muốn phân trần, anh định phân trần điều gì đó.


Bên ngoài, gió mang tiếng sóng và những hạt mưa lớn đập vào khung kính. Tiếng mưa và sóng tựa một vòng cầu lớn bao bọc ngôi khách sạn. Người đàn ông dừng lại (vẫn trong tư thế như muốn phân trần điều gì). Người con gái ngước mắt cao hơn nhìn trần nhà. Không ai biết nàng sẽ tìm được điều gì trên trần phẳng. Chỉ thấy nước mắt nàng lăn xuống, thành hàng. Những giọt lệ lăn nhanh, như đôi vai nàng bần bật, rung động. Người đàn ông xuôi tay, đứng sững. Anh gọi khẽ. Gọi khẽ. Nàng đổ xuống như một thân cây mục đã lâu ngày. Người đàn ông đỡ nàng. Họ cùng ngã xuống thảm. (Gió mang tiếng sóng và những hạt mưa lớn đánh vào kính.) Nàng vẫn nhắm mắt: “Em đã cho anh.” Người đàn ông ghì đầu nàng vào ngực mình. “Anh biết.” Nàng xoay người nằm nghiêng. Người đàn ông nghiêng theo. “Chẳng lẽ vì thế ta chẳng còn điều gì để nói?” “Còn chứ. Nhiều lắm chứ!” Người đàn ông đáp. Anh nhoài người, vói tay quờ quạng mặt bàn thấp. Nàng nhỏm dậy. “Để em lấy cho.” “Cái gì?” “Dạ thuốc của anh.” “Em biết?” “Dạ, em biết.”


Nàng ngồi bệt xuống thảm, cạnh anh, thong thả rút thuốc, bật diêm và hút. Đốm lửa bén nhanh, không đều. Nàng đưa thuốc cho người đàn ông giữa lúc sặc sụa ho. Người đàn ông nằm ngửa. Anh thở khói mù đục, tiếp, “Em đâu biết, điều lớn lao em đã cho anh, chính là những gì không thể cho.” Người con gái tròn đôi mắt còn ngấn lệ. Nàng dịu dàng nằm xuống. Nàng nằm xuống cạnh người đàn ông, nhẹ nhàng như con mèo không bao giờ vô ý gây một tiếng động nhỏ. Nàng cũng nằm ngửa, gối đầu lên cánh tay người đàn ông. “Em không hiểu!” “Đúng thế,” người đàn ông đáp. “Điều ta không biết mình có và, không có thường nhiều hơn điều ta biết...!” Người con gái nghiêng mình. Nàng chống tay nhìn vào người đàn ông. Bộ ngực nàng chảy về một phía. Thân thể nàng như tượng. Anh tiếc anh không là họa sĩ với một ký ức tốt. Anh nhớ bức tranh khỏa thân trong xưởng vẽ của người bạn ở Hoa Thịnh Đốn. Cả một mặt trời rực rỡ giữa nơi, chỉ cần nói tới thôi, đủ khiến các nhà đạo đức phải nhăn mặt, khinh bỉ. Địa ngục và thiên đàng/ khổ đau và hạnh phúc/ Thơ mộng và tục tĩu/ Lãng mạn và thực tế  Chủ nghĩa và chính thể/ Tự do và ngục tù... Tất cả, cuối cùng, rồi cũng hư không. Hư không hết. Ngay ý niệm hư không.

“Em không hiểu.” Nàng nói. Chàng gật đầu. “Cũng chẳng cần phải hiểu, em ạ.” “Tại sao?” “Bởi hiểu chưa chắc đã là tốt.” Nàng bật cười. “Vậy cần gì người ta phải nói?” “Tại sao?” “Bởi chưa chắc đã là điều tốt.” Chàng bật cười theo. “Khi nói đã là điều không tốt thì hỏi, đáp liệu có cần chăng?” Người con gái nói nhanh. “Cần lắm chứ anh. Nhờ nó mà người ta biết được điều... chưa chắc đã là cần thiết...” Họ cười. Lần này họ thấy nụ cười người này hiện rõ trong mắt người kia.

Gió mang tiếng sóng và những hạt mưa đập từng chập vào khung kính. Người đàn ông rít vội thêm vài hơi thuốc nữa. Anh xoay người, nghiêng vào nàng. Người con gái lùa tay trong mái tóc thưa, phần trắng bạc đã nhiều hơn phần đen óng. Mẩu đối thoại vui không đủ sức chọc thủng bầu không khí nặng nề vây bọc họ. Những mệt mỏi, rã rời còn thơm hương thương yêu khắp thân thể. Nhưng, thời gian cũng không quên mang lại cho họ một mùi hương khác. Hương chia ly/ đoạn lìa/ tận tuyệt. Người đàn ông thở ra. Người con gái hỏi. “Anh nghĩ gì?” Người đàn ông đáp gọn: “Hùng.” “Anh nghĩ Hùng biết?” Người đàn ông gật đầu. “Anh nghĩ thế.” “Anh mong vậy?” “Đúng và sai.” “Tại sao?” Chừng thấy không cần thiết phải nghe câu trả lời của người đàn ông, người con gái tiếp ngay, “Tốt thôi. Em hiểu.” “Em hiểu?” “Dạ, em hiểu.” “Như thế nào?” “Tiện. Cũng tiện. Cho anh và cho cả Hùng nữa.”

Người đàn ông ngồi hẳn dậy. Anh đặt đầu người con gái lên đùi anh, sau khi gỡ cánh tay chống cằm của nàng. Tới phiên anh lùa những ngón tay mình trong mái tóc nàng cắt ngắn. Đôi mắt người đàn ông đăm đăm nhìn về cuối phòng. “Anh thường vuốt tóc ai nhất?” Người đàn ông ngỡ ngàng. Anh không chờ đợi giữa giây phút này, người con gái hỏi một câu liên quan tới người vắng mặt. Những người ra khỏi đời sống chàng, đã lâu. Những người không hề nắm giữ một mối dây ảnh hưởng nào, tới nàng. Người đàn ông lắc đầu. “Anh không nhớ.” “Vì quá lâu.” “Có lẽ!” “Sao lại có lẽ? Vì không muốn nhớ?” “Không. Anh sợ trí nhớ phản bội anh.” Người con gái lắc đầu. “Như một ngày nào, trí nhớ rồi cũng sẽ phản bội anh. Sau khi trong trí nhớ anh, không còn em?” Người đàn ông rút tay về, tát vào mặt người con gái. “Lại hư đi. Lém vừa chứ.” Người con gái cười. Nàng cười cả bằng mắt/ tóc/ cổ/ vai/ ngực/ bụng/ tay/ chân/ thân thể. Lát sau, tựa những con sông thình lình rút ra khỏi bờ cát, bãi biển im. Hàng cây im. Những con dã tràng bất động trước những đụn cát tí hon. “Em khác.” Chàng nói. Tiếng nói chàng cất lên vô duyên, lạc lõng như một lời nói dối trơ trẽn. Nàng lặng thinh. Tuồng nàng vẫn chưa vùng thoát khỏi vùng im lặng đột ngột của cảnh vật và sự hoang vắng của chính nàng. Có dễ anh cũng cảm được sự trơ trẽn do âm thanh giả dối dội đập lại. Người đàn ông tiếp, giọng kém phần tự tin, nặng bào chữa: “Em khác vì, sẽ không có lần thứ hai. Hoặc, vĩnh viễn có...” “Điều nào tốt hơn với anh?” Người đàn ông ngập ngừng trước khi trả lời. “Cả hai. Điều nào, nhận được với anh, cũng đều tốt cả.” Người con gái cười buồn. Nàng nhìn thẳng vào khuôn mặt nhăn nhúm, đang cúi xuống, của anh. Nàng tiếp: “Mà thôi, em hỏi thế thôi. Em hiểu, tự em hiểu, trực giác cho em biết rõ, với anh, điều nào tốt nhất.” Người đàn ông luồn tay dưới tóc người con gái. Anh nâng đầu nàng lên, gần sát với mặt anh. Anh cắn chóp mũi nàng: “Ví dụ, em biết đúng, thì, điều gì đưa tới cho em sự biết đó?” Người con gái không trả lời. Nàng vòng tay qua lưng người đàn ông. Nàng kéo anh ngã đè xuống, đúng lúc nàng trở mình nằm thẳng lại. Những ngón tay người con gái chạy buồn trên tấm lưng trần của người đàn ông. Hơi thở nàng thơm nơi cổ anh. Những cọng tóc còn giữ được mùi thơm của thuốc gội đầu. Anh ngửi được mùi thơm của mỗi nơi chốn, mỗi phần thân thể nàng. Mùi hương biệt ly. Mùi hương chia lìa. Mùi hương tận tuyệt. Nàng ghì xiết chàng. Tuồng nàng đang ra sức vắt cạn những hạt lệ còn trốn sâu đâu đó, trong mắt. Anh nghe ướt nơi mặt. Anh nghe ướt nơi cổ. Anh nghe ướt ướt vai. Anh nghe ướt cùng khắp. Cùng khắp. Cùng khắp.

Cùng khắp căn phòng/ khắp không gian, tiếng còi hụ của chiếc xe cấp cứu. Tiếng còi cấp cứu thường xuyên hiện diện trong đời sống ta. Như thể, nó là một phần đời, gắn chặt vào ngày tháng ta. Tiếng còi cấp cứu. Cấp cứu. Cấp cứu. Người đàn ông nghe hạt lệ bốc hơi trên từng phần thịt da ấm lại, rồi nóng dần. Nóng dần. Hơi nóng từ đâu đó trong cơ thể, theo sự cọ sát, tăng dần... Những hạt lệ bốc hơi. Bốc hơi luôn, ý thức. Bốc hơi luôn, ý niệm. Bốc hơi. Bốc hơi. Bốc hơi luôn. Tiếng nói khô bỏng của nàng: “Em biết... Đừng anh. Em biết. Khoan đã anh... Ngay lúc em vừa... Ơ anh… Ôi anh... Lúc... Lúc... Thấy anh, thấy... đôi mắt anh, đầu hành lang... Cửa... Cửa… Anh... Cửa phi cơ... Em biết. Em biết... Anh. Đừng... Đừng xa em...”


4.

Em yêu dấu. Mọi phục sinh, vĩnh cửu chỉ sống lại, đứng lên từ đứt lìa, hủy diệt. Cũng tựa điều đáng kể, không nằm nơi những gì em đã gửi trao mà; ở nơi, những gì em chẳng thể. Như trí nhớ có phản bội ta thì, gió vẫn đem tiếng sóng và những hạt mưa lớn đập vào khung kính phẳng. Đập vào, mãi. Mãi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 4743)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 16569)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4166)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3146)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3716)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 2448)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17038)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8334)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11062)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,