Chương 1

11 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 6692)
Chương 1

Chuyến bay đem tôi trở về phố núi là chuyến bay đầu tiên trong ngày, khi những hạt sương đêm chưa kịp tan hết trong phi trường. Tôi ra đi một mình, không ai đưa tiễn. Trước lúc đi chỉ có mẹ tôi đứng đón xe với tôi một lát dưới ngọn đèn điện thành phố ngơ ngác, ngái ngủ.

Hơn một giờ bay qua đi trong cái mớ hỗn độn của hồi tưởng và áy náy hiện tại. Hình như từ lúc ra khỏi nhà, thân xác và cảm giác đã ra ngoài sự kiểm soát của trí óc. Tất cả những gì xảy đến với tôi còn nguyên vẹn đó. Nóng hổi, giá buốt, bàng hoàng. Những nụ hôn, những tay xiết, những ánh mắt, những hẹn hò, những băng ghế, những ngôi quán, những chỗ ngồi bên những lề đường, những bát phở, những đĩa bánh cuốn, những ly đá chanh, những hàng cây, những góc phố… như còn nguyên đấy. Còn nguyên đấy, căn phòng tối, chiếc hành lang sâu, những bậc thang trải thảm… Tôi không dám chắc phải chính tôi cái con nhỏ sáng nào còng lủi thủi trên những con đường đầy sương muối, tới những lớp học như tới với một bãi cát thênh thang, mỗi lúc một lún sâu hơn đời mình tẻ nhạt. Phải chính tôi, con nhỏ mới chiều nào còn nghe bước chân mình dội vang những tiếng giày lạc lõng hiu quạnh, trở về một căn nhà, sống với một gian phòng gỗ thông bốn phía. Những chồng bài xếp cao tới cổ, những rác rến lều bều của đám đàn ông vây quanh.

Tôi không dám tin những biến chuyển kia. Những biến chuyển ngược đảo tất cả. Những biến chuyển nhhư những cơn bão lớn ập tới và nhổ bật lên những thân cổ thụ ù lì trong cánh rừng thâm u đời tôi khuất lấp. Những biến chuyển như một cơn địa chấn, ném xuống miệng vực thẳm hai mươi năm đời người quạnh quẽ đi qua. Tôi không dám tin làn môi kia, đã táp xuống mặt tôi lạnh lẽo, ánh mắt tôi đã xoáy vào trái tim tôi phong kín. Tôi thấy như đó chỉ là ảo giác. Tôi nghe như đó chỉ là những cơn sóng vỗ mênh mông vào bờ thành những cơn mê rời rã. Cái ảo giác của một người sắp chết khát trong sa mạc, thấy nước ở phía trước, mưa ở trên đầu. Cái ảo giác của đắm say đưa tôi tới biên giới của điên cuồng hạnh phúc và hoan lạc.

Phi trường vắng, còn đẫm sương. Có lẽ đây là chuyến bay đầu tiên được đáp xuống. Anh Quyến cho xe ra đón. Tôi hơi loạng choạng khi chui ra khỏi lòng phi cơ vì cái lạnh và một chân bị tê cóng. Chú Tín, tài xế, hỏi thăm tôi những ngày ở Saigon. Tôi ừ trả lời cho qua chuyện. Những con đường cũ hiện ra. Cảnh đời xưa diễn lại, bật lên vỡ ra với những chán nản ùa tới, ăn loang và nhuộm tím hồn tôi trong khoảng khắc. Tôi tự hỏi, không lẽ tôi trở về đây để tiếp tục kéo dài thêm một cuộc sống lây lất trên những con đường này, trong những lớp học nọ!Không lẽ cánh cửa đời tôi chỉ mở ra và khép lại trong một nháy mắt mịt mù, thấp thoáng? Không. Tôi trở lại để thanh toán một lần cho gọn ghẽ, cho dứt khoát những vướng mắc, những liên hệ tối tăm, vô nghĩa với thị trấn này. Tôi muốn lúc ra đi, cũng như khi tôi trở về, thanh thản, không nợ nần, lạnh nhạt, không vương vấn. Tôi muốn ra đi với mặt ngước cao, mắt nhìn thẳng. Cái vẻ khó chịu bực bội đối với mọi người. Đó là con đường duy nhất tôi phải tới. Đó là việc làm cần thiết nhất, đối với tôi trong lúc này. Tôi không thể quên được nét mặt khắc khổ của Hãn, với những đường nhăn cắt ngang vầng trán rộng: không bao giờ anh trở lại thành phố đó, ngày nào em còn ở đấy. Hoặc em bỏ hết để trở về. Hoặc em ở lại, để nhận giữ những gì thị trấn đã và đã đem lại cho em. Ai cũng quen sống với những mặt nạ của mình. Em và anh, cũng vậy. Nhưng em hãy thử một lần, tháo gỡ nó, nhìn anh sau khi đã nhìn thẳng vào chính mình. Tất cả sự sống hay lẽ chết, hạnh phúc hay tủi nhục, chỉ có thể mang một ý nghĩa nào đó tùy thuộc nơi thái độ thẳng thắn, cam đảm của mình.

Tôi cho là chàng đã phải dùng tới nhiều cố gắng trong câu nói kia, vì khi nói xong tôi nghe chàng thở nhẹ. Chàng trùng người xuống với hai cánh tay xuôi thõng. Điếu thuốc cháy dở, hững hờ, tuột rơi khỏi mấy ngón tay chàng rung động. Tôi không có một lời nào cho chàng lúc ấy. Chàng không dòi hỏi tôi phải tỏ bày ngay lập tức, như tôi cũng không muốn nói sớm cái ý định manh nha trong óc từ sau buổi chiều trên building. Hình n hư ngay sau buổi chiều của đời sống khoảng khắc đó, tôi đã định cho tôi một con đường. Tôi đã chọn lấy cho tôi một thái độ. Nói một cách khác, tôi đã như một mũi tên thoát bay khỏi giây cung. Tôi đã như một đường gươm rút ra khỏi bao kiếm. Có thể tôi chưa thực sự lên đường, nhưng hồn tôi đã ra khơi. Có thể tôi chưa thực sự khởi hành, nhưng hồn tôi đã vút lên tới chín tầng, tan nát.

Và trở lại này, thật đúng với ý nghĩa sửa soạn xuống núi. Xuống núi không phải để về rừng, xuống núi để ra khơi, để tìm tới đại dương, để chết đi trong một ý nghĩa nào đó, cái phần đời thực sự, cái phần đời bấy lâu chỉ có trong mơ ước bâng khuâng, trong tiềm thức đục mờ sương khói.

Chị Quyến đón tôi dưới thềm nhà. Ánh mắt chị còn reo vui hơn cả nụ cười hân hoan trên môi, nhưng tôi lại nghe lòng thực dửng dưng, hồn thật xa lạ. Phải chăng vì tình yêu chàng đã như lửa ngọc, thiêu cháy, và hóa thân tôi thành một người khác. Tôi rùng mình. Tôi run sợ trước tất cả mọi nhắc nhở chuỗi ngày xa cũ. Cái chuỗi ngày của con đà điểu dúi đầu trong cát.

Tôi nói thay cho lời chào:

- Anh chị vẫn thường?

Chắc chị Quyến không kịp đọc thấy những đổi khác đột ngột nơi tôi. Chị vẫn cười, đỡ lấy chiếc xách tay:

- Không thường cũng chẳng được. Sao cô lên chậm quá vậy? Trường họ mới cho người lại cô đấy. Tôi cũng chẳng biết phải nói sao nữa. Chị ngừng một giây. Ở nhà có chuyện gì không? Và chị như quan sát tôi chăm chú hơn.

Tôi lắc đầu, đáp không. Chú Tín đã đem va li vào phòng khách. Tôi soạn ra những thứ chị dặn mua, cùng ít bộ quần áo và đồ chơi cho lũ trẻ. Xong, tới xách tay, là đồ ăn, quà bánh của mẹ tôi gửi lên. Chị Quyến reo vui như một đứa trẻ với từng món đồ được bày ra, làm như thể chưa bao giờ được trông thấy chúng. Tôi tránh nhìn chị để khỏi ái ngại, xót xa. Mười năm sống với chồng, với anh Quyến, thực tế đã biến dổi chị từ một nữ sinh đẹp có tiếng của một trường nữ danh tiếng trở thành một thiếu phụ già nua, xốc xếch. Trông chị ở hiện tại, không ai có thể nghĩ một thời chị là cái đinh của những buổi họp mặt. Đã một thời, chị là mặt trời nhỏ cùa con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ai có thể tưởng tượng người thiếu nữ đã từng làm cháy rát bao trái tim thanh niên, từng gây điên dại bao tâm hồn đắm say, nóng hổi, nay ngồi kia, giữa những món đồ tạp nhạp, giữa những chiếc bánh, những lọ, những chai, những gói lỉnh kỉnh. Tôi không tin hôn nhân là cách thế hay nhất để duy trì, để thăng hoa tình yêu hạnh phúc. Tình yêu dù đẹp ngần nào, tâm hồn dù say đắm bao nhiêu, khi tiếp giáp với thực tế hàng ngày, hàng tháng, hàng năm thì tình yêu nào rồi cũng phai nhạt, mộng mơ nào rồi cũng phải phai. Đấy là chưa nói tới nhiều lúc những đứa con lần lượt ra đời ngoài ý muốn, đưa tới những vấn đề cơm áo từng giờ, thúc bách. Liệu người ta khi ấy, có tránh khỏi héo hon dần đi, như lá úa. Liệu người ta có tránh khỏi nhược suy đi, như nước xuống! Khi ấy, còn gió đâu cho hồn bay chín cõi? Còn nước đâu cho sóng dội nghìn trùng? Còn biếc xanh đâu mà cho xạc xào mưa thơm lối lá?

Tôi không lãng mạn tới độ nghĩ chia lìa là đích đến cuối cùng của tình yêu. Tôi không lý tưởng đến mức tin yêu là cùng nhìn về một phía. Với tôi, yêu nhau là nhìn thẳng vào nhau, và chỉ nhìn nhau mà thôi. Với tôi, yêu là sống, sống cái đời sống không thể có khi một mình. Sống cái đời sống lãm liệt uy nghiêm (dù cho buồn thảm) trên lưng những khắc nghiệt, những đớn đau ê chề của định mệnh. Cái quan niệm nhìn về một phía, cái lãng mạn tiền chiến cần tan vỡ cho tình yêu thành hoa, thành gấm, xưa quá rồi. Nó có vẻ tiểu thuyết hay màn ảnh cải lương. Với tôi, tất cả vấn đề là đắm mình vào, để từ đó sống hết, cho một dời, cạn hết, cho một người. Với tôi, không một điều kiện hay một ước định nào cho chọn lựa tàn khốc đó. Tôi đã sống như thế với Hãn. Tôi đã làm như thế, trong tình yêu tôi. Nếu sự cạn hết đời tôi, cháy tiêu hồn mình, để nhận được ở Hãn, một ngày nào, những phụ rẫy ê chề, những phỉ nhổ nhơ nhuốc khi ấy tôi sẽ sống cách sống khác. Cách của tự tử. Cách của hoàn tất, xóa sạch, êm thấm nhất.

Sự chết, phải thế không anh? Ở phần đầu, em đã hành động như những gì em đã nói, thì ở phần còn lại, chắc anh không thể nghĩ rằng em sẽ ngại ngần, vì tới đó, vấn đề chỉ còn như một dấu chấm. Một dấu ngắt, cho một câu văn hết nghĩa, một lời nói đã trọn ý. Có khó gì một dấu chấm, phải không anh? Còn tiếc nuối làm chi khi đường ta đi đã cụt, cửa mở vào đời ta cũng khép. Và cái xác thân còn lại, khi ấy, cũng chẳng thể có, được một nghĩa gì khác hơn những mảnh vụn của một viên ngọc nát.

Chị Quyến hỏi thăm tôi những ngày qua. Tôi trả lời nhát gừng. Chị hỏi tôi về Hãn, tôi nói như trả lời một bài học thuộc lòng: không có gì đáng nói hết. Và sau đó tôi kêu mệt để xin phép về phòng mình.

Tôi gieo người xuống giường. Sự nhắc nhở, thăm hỏi của chị Quyến, vô tình khiến tôi muốn khóc.

Tôi muốn khóc vì tủi thân, vì một cái gì đó, tôi đã không thể thẳng thắn nói với Hãn trước khi chia tay. Có lẽ đó là một niềm chua xót của một đứa con gái sớm phải bước chân vào đời. Nếu tôi được sinh trưởng trong một gia đình giàu có, nếu tôi được như những đứa con gái trong những gia đình quyền thế, vết nhơ nào chạm được tới gót chân tôi? Dư luận nà dám chọn tôi như một con vật tế thần (dù bùn nhơ chưa thực sự vấy được vào khoảng trắng thanh tân của tâm hồn tôi ắp đầy khinh miệt). Nhưng Hãn đã nhìn những va chạm, những dòm ngó, săn đón, nhắc nhở kia như một xúc phạm khó quên, một đớn đau khó nói, một vấy bẩn không còn hy vọng tẩy xóa. Dù Hãn biết tôi không thể làm gì khác hơn, khi chưa gặp chàng. Tôi không thể không bước ra khỏi nhà, khi cái không khí gia đình tôi là cái không khí chỉ thích hợp cho những ra đi, những tan tác. Tôi không thể bước ra khỏi nhà, khi hàng ngày, sự túng thiếu, đã là những mũi kim chích sâu vào những đầu giây thần kinh tôi căng thẳng. Cái không may cho riêng tôi (và phải chăng cả chàng) là ý thức đã đếnvới tôi quá sơm. Trách nhiệm tự nguyện tìm tới với tôi khi tôi chưa tới tuổi để nghĩ và lo lắng. Và tinh thần hy sinh, tinh thần phản kháng tiêu cực chống đối hàm hồ, đã xô đẩy tôi trong những bước chân hụt hẫng vào một bầu khí nhiễm độc, một vùng của móng vuốt thâm hiểm. Anh có quá đáng chăng khi đã nhìn những va chạm không thể tránh được đó, như những vết bầm, một dấu đen trong tuổi hai mươi của đời em.

Nhưng tôi đã chẳng có chút oán hờn nào về việc này. Nó cũng mặc nhiên cũng nằm ngoài ý muốn, nằm ngoài chọn lựa như vết chàm tôi đang trên mặt. Và hơn thế, lẽ ra tôi phải cám ơn phố núi, cám ơn thị trấn, cám ơn những con đường khuynh diệp, cám ơn những thung lũng, sương mù, cám ơn lớp học, cám ơn những em nhỏ thắm tươi như những trái hồng, trái quất, và cám ơn luôn định mệtnh, vì từ đó, tôi đã gặp chàng, vì ở đó, đời đã mở ra chín cấp bậc đi lên. Nhưng đủ rồi, thế là đã quá đủ. Vâng, đã đến lúc tôi phải xuống núi. Kẻ tội đồ đã mãn cái hạn kỳ thẳm thiết tự nguyện. Đã đến lúc tôi phải được quyền thấy mặt trời, thấy trăng sao, thấy cả những ngày mưa đi ngang trên mái đầu hai đứa trước khi đời chưa thành từng nhánh ly tan. Trước khi tôi về cuối một giòng lũ cuốn. Trước khi tôi chìm dưới một đáy sông sâu. Trước khi tôi Trương Chi về với một bóng thuyền, êm như một giòng chảy ngậm nín một tình câm.

Buổi trưa, trong bữa ăn, tôi loan báo quyết định dứt khoát của mình:

- Cuối tuần, em trở về Saigon.

Chị Quyến buông đũa. Anh Quyến nghẹn với miếng cơm vừa nuốt.

- Thế nghĩa là gì?

- Cho cháu về với. Cháu về với bà.

Chị Quyến trợn mắt, bé Ty hấp tấp lập lại:

- Cho con về với. Con về với bà.

Anh Quyến nhìn tôi, như nhìn một quái vật từ trái đất chui lên:

- Em bỏ dạy.

- Cô điên rồi!

Chị Quyến nói sau một lát im lặng nặng nề. Anh Quyến lo ngại. Ánh mắt anh là lạ.

- Cô đau?

Tôi cười tươi nhìn (như nhìn lần đầu) gương mặt người anh rể với quá nhiều vết nhăn xếp ở hai bên mắt và kéo thành góc ở hai bên mép. Mái tóc hoa râm rung rinh, anh lắc đầu:

- Tôi nghĩ, nếu đau, mìnhn có thể xin phép một hai tuần. Trường chắc họ cũng chẳng nỡ làm khó đâu. Ở đây, tỉnh nhỏ, quen biết nhau hết mà.

Ý anh Quyến muốn nói anh sẵn sàng can thiệp cho tôi tạm nghỉ một thời gian. Tôi đáp ngay:

- Em có đau gì đâu.

Chị Quyến muốn bật tung khỏi chỗ. Chị chống đũa, giọng đã được nén lại, nhưng vẫn còn nhiều bực dọc.

- Tôi không hiểu cô rồi đấy. Cô định cái gì? Cái gì mới được chứ? Cô đã nói chuyện với bố mẹ chưa?

Tôi và nuốt miếng cơm còn trong bát.

- Em đã nói với mẹ. Chính bố và anh Long cũng muốn em về đi học lại.

Tôi đứng lên. Chị Quyến giơ hai tay lên, tỏ dấu tuyệt vọng. Tôi về phòng nằm,. Buổi trưa nhưng không khí vẫn còn se lạnh. Tôi nghe được tiếng vi vu của những gốc thông phía sau nhà, và tiếng suối đổ chậm ở phía bên kia con dốc. Thỉnh thoảng, tiếng một trái thông khô rơi xuống mái tôn, lăn những vòng lóc cóc trước khi rơi tới đất, càng làm cho buổi trưa thêm xa vắng và mịt mờ, hiu hắt.

Lúc này đầu óc tôi rỗng không. Điều quan trọng nhất, tôi đã nói được. Cái khó khăn đã trút. Cái ám ảnh nặng nề phân vân, u ẩn đã qua. Thế là xong. Thế là hết. Tôi đã tự cởi bỏ cho mình bản án lưu xứ. Tôi đã ra ngoài tôi và trên bục quan tòa, tôi đã rưng rưng tuyên lấy cho mình một bản án chung thẩm. Không có xét xử lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 9011)
23 Tháng Tư 2015(Xem: 5655)
04 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7796)
08 Tháng Chín 2014(Xem: 8685)
31 Tháng Năm 2010(Xem: 3150)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17072)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19003)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9187)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14022)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7907)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30725)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18062)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,