Chương 17

11 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 6000)
Chương 17

Ngày thi tới làm sự gặp gỡ giữa tôi và chàng thưa thớt hẳn. Trước đây hình như ngày nào chúng tôi cũng phải gặp nhau ít nhất một lần, trong khi bây giờ có bận bốn năm ngày tôi mới lại được nghe tiếng nói của Hãn hay trông thấy mặt chàng trong thoáng chốc. Lúc này mưa thường xuyên hơn với những trận như thác trút. Tôi cũng đã thấy nhiều hơn những cành phượng ối đỏ và bắt đầu tan tác rơi trên những đường đi trong thành phố. Tiếng ve và tiếng dế cũng đã nhiều hơn trong khuya khi cơn mưa vừa rút đi. Đây là thời gian tôi thực sự phải đương đầu với rất nhiều thử thách cùng lúc.

Những ngày sôi bỏng nhất của tình yêu đang chìm lắng để tự nó tìm lấy cho nó những ý nghĩa tồn tại, bền bỉ. Tôi hiểu đã đến lúc tình yêu không còn là sóng nổi. Nó phải có chiều sâu. Nó phải có bề dọc sau khi chiều ngang đã bát ngát.

Lý do chính chàng muốn chúng tôi bớt gặp nhau là để cho tôi có nhiều thì giờ lo bài vở. Nhưng nó còn có những nguyên nhân khác, chẳng hạn như cả hai không thể quấn quít, không thể quay cuồng hoài hoài bên nhau, ngày này nối tiếp ngày khác. Hãn còn phải làm việc. Hãn cần thiết thì giờ để lo tới những thực tế của đời sống. Cũng như tôi, tôi cũng phải nghĩ tới những khó khăn, cái thiếu hụt gây ra từ sự bỏ dạy không dự trù trước của mình. Đây cũng là khoảng thời gian tôi lao chao với những xao động âm thầm nhưng mãnh liệt và dữ dội. Tôi phải cố gắng phấn đấu với chính mình, phấn đấu với thói quen, với tập quán đã thành nếp. Tôi phải tự khép mình vào một kỷ luật nào đó. Một giới hạn, hiểu theo nghĩa tôi đã không còn hoàn toàn tự do như ngày trước. Tôi đã là một người đàn bà. Tôi khôngcòn là con gái. Không còn là thiếu nữ. Mặc dù, là một người đàn bà vẫn lầm lũi đi về một mình. Vẫn đêm đêm, ngủ một mình giữa đống chăn màn và sách vở ngổn ngang, vẫn hàng ngày làm lấy tất cả mọi công việc, và chỉ một mình. Đôi khi đứng trước gương, ngắm nhìn mặt mình vuốt ve thân thể mình, tôi đã nhiều lần hỏi lớn: có quả thực tôi là đàn bà rồi chăng. Có quả thực tôi đã bước sang giai đoạn khác của đời sống. Giai đoạn của những dằn vặt, của những hạnh phúc có thật và tai ương cũng không xa. Tôi đã đứng, đã lên đến cái đỉnh nhọn ghê gớm của đời sống. Chín bậc thềm đời, tôi đã lần lượt đi lên và bao giờ thì đến lượt ba bậc thương đau bước xuống trong lãng quên.

Nhưng dù là đàn bà, theo nghĩa vẫn một mình, chỉ một mình lủi thủi thì điều đó không hẳn là tôi đã không có những đòi hỏi, những khát khao đàn bà… Sự được trở thành đàn bà, đã làm sống dậy ở trong tôi nhiều hơn nữ tính. Hình như tôi đang nói quanh co về việc muốn thố lộ mơ ước của mình. Một đứa con. Phải. Tôi muốn có một đứa con ngay lúc này. Lập tức. Muốn có một đứa con, một chú Hãn nhỏ, và mơ ước đó, ngày càng như lửa ngọn vây quanh, bốn bề thần trí. Nhưng Hãn không muốn, chàng bảo chưa phải lúc. Nến hạn kỳ là năm năm, tôi mới qua được một hai trong năm cửa ải. Tôi mới chỉ tự phấn đấu với thói quen lê la. Bè bạn. Tôi mới chỉ bắt đầu thấy như mình đã trói buộc, đã lệ thuộc vào. Hãn hiểu theo nghĩa vợ chồng và tôi đã không còn nuông chiều, thả lỏng mình với những bốc đồng muốn đi đâu thì đi. Giao tiếp với ai cũng được. Hãn không đời nào tha thứ cho tôi cái thói quen bừa bãi đó. Bạn bè tôi đối với Hãn là một cái gì được nhìn tương đương như những dấu vết khó tẩy sạch. Tôi không được phép vấy bẩn thêm, những thứ đó, trong đời sống mình. Tôi tự nguyện làm theo ý Hãn. Tôi đang lột xác để trở thành một người mới, một người không có bạn. Một người không ra đường, không biết phố, khi bên cạnh không là Hãn. Tôi tập ngồi nhà giờ này qua khắc khác, dù mưa có đập dội bốn vách hồn tôi mê ngất.

Những Báu. Những Kim, những Cự lần lượt nhìn tôi bằng con mắt khác. Có lẽ họ cũng thấy tôi không là xưa. Tôi đã là tôi trong tình yêu của Hãn. Tôi đã là tôi trong tình yêu của chính mình với nghiêm trang và mực thước. Tôi phải sửa soạn, phải sắp sẵn như một hướng đạo sinh, để đón nhận cuộc đời, để đón nhận cảnh đời tự chọn. Tôi hy vọng tôi sẽ chững chạc, đàng hoàng để có thể tự mìnnh đứng như cây. Tự mình đứng như núi. Cho tới một ngày nào, bước qua ngạch cửa này, về một nơi chốn khác, mái hiên, một căn phòng cho nôn nả, đợi chờ. Tôi phải dọn mình từ hôm nay cho ngày đó. Ngày nào đó mới thực là những ngày tháng của tôi, của số phận mình. Đó là lúc chính tôi điều khiển lấy mọi sự, sắp xếp đủ mọi thứ một ngôi nhà sẽ ở. Ngày cũng như đêm, sáng cũng như chiều, tôi ở đó, một mình, không có bóng dáng thấp thoáng của anh em, bố mẹ. Tôi sẽ toàn quyền chỉ định chỗ kê giường ngủ, đặt cái bàn phấn. Tôi sẽ kê thêm đầu giường ngủ một table de nuit. Tôi sẽ mở một ngọn đèn ở đó cho những khuya đọc sách. Tôi sẽ có những bình hoa nhỏ, những bình hoa chỉ vừa để cắm một bông hồng, một nhánh cúc - Hay nhiều lắm là hai. Không thể hơn. Tôi sẽ tự chọn lấy mẫu của những tấm rèn cửa (tất nhiên phải là màu mà Hãn rhích) và sẽ cặm cụi khâu may lấy những lúc rảnh rỗi. Và nhất là khắp nơi trong ngôi nhà, bất cứ mọi xó xỉnh nào cũng mang đầy vết tích của Hãn. Tôi sẽ để gạt tàn thuốc cả dưới bếp, để Hãn, có thể vừa xem tôi làm cơm những khi Hãn đến và ở lại, Tôi sẽ vứt khắp nơi trên chiếc giường mình quần áo, vật dụng mang hơi hướm chàng. Tôi sẽ dán ảnh chàng cùng khắp những mảnh tường. Kê ở phòng khách, duy nhất một chiếc ghế bành nệm dày (Hãn thích ngồi ghế bành nệm dày, có lẽ vì người chàng toàn xương xẩu). Ở chỗ ngồi này, Hãn sẽ thấy mặt buổi sáng dần dần thành mặt mũi. Hãn sẽ được sưởi bằng những tia nắng đầu tiên của một ngày. Ở đây, Hãn sẽ được nhìn mưa (cùng với tôi) qua khung cửa gỗ mở hết cánh và những tấm rèm cũng được vén lên.

Chúng tôi sẽ có hai chiếc chìa khóa để Hãn có thể đến bất cứ lúc nào, và tôi sẽ được hưởng cái hạnh phúc bất ngờ, mở ra đã sẵn Hãn trong đó. Chắc là tôi sẽ giật mình, sẽ đứng tim luôn, trong những lần bất chợt ấy.

Rồi trong ngôi nhà đó, đứa con, niềm mơ ước cuối cùng của một kiếp sống ra đời. Nó sẽ lớn lên tại đó. Và thời gian sẽ thả lần lần vào tâm hồn nó những sợi giây tơ hiểu biết. Những mùa đời qua đi, sẽ lần lượt mở ra cho nó những cánh cửa con người sẽ hiểu, mẹ nó đã yêu bố nó như thế nào. Mẹ nó đã phải chịu đựng bao nhiêu tháng năm cô quạnh nhục nhằn để nó ra đời. Tình yêu của bố nó phải đam mê, phải đắm ngất tới mức nào, mới có thể dìu được mẹ nó, đi trên những con đường gai, bước bằng những bước máu. Chính sự nhẫn nhục, chính nước mắt, chính ê chề tủi hổ đau thương đã tạo nên nó. Và dù khi ấy, còn tôi hay không, có chàng hay chăng, tôi tin, nó vẫn có thể nối tiếp cái đời sống của bố mẹ trong niềm hãnh diện như một vốn liếng quí báu và giầu có nhất để vào đời. Nó sẽ hiểu tình yêu một đời mà mẹ đã dành cho bố. Lẽ sống một kiếp mà mẹ đã phó mặc nơi cha. Một phó mặc không điều kiện, không suy tính thiệt hơn.

Nó sẽ hiểu chất ngất kia, đó là một báu vật của thời đại này. Và tự nó, nó sẽ thấy cái bất toàn nơi bố mẹ, chính là cái mà tôi đã phải hy sinh danh dự, gia đình để gìn giữ, để nâng niu và để có nó. Nghĩ tới chú Hãn con, tôi rung động cả người. Nghĩ tới con, tôi thường lặng đi trong một cảm xúc thật lạ lùng. Trạng thái này, tôi chỉ tìm thấy trong những lần nghĩ về đứa con tôi sẽ có mà thôi. Đã có lần Hãn hoảng hốt bắt gặp tôi trong cơn mê sảng ấy. Nhưng lúc ấy, Hãn chỉ biết nắm lấy tay tôi, hay ôm ghì lấy tôi với những tiếng gọi kêu lay tỉnh. Em. Em…

Tôi đứng lên rờ bàn học. Sự cố gắng giữ mình trên ghế trong buổi chiều này chỉ là một cố gắng vô ích. Tôi không học được một chữ. Trang sách nguyên đó. Tập giấy nguyên đó. Tôi xuống bếp rửa mặt, nước lạnh làm tôi tỉnh táo. Mẹ tôi đang xào thịt bò với những lát hành tây xắt lớn và những khoang cà chua chín đỏ. Mấy hôm nay, bà không cho tôi đụng tới bếp núc. Bà biết chỉ còn năm ba ngày nữa tôi đi thi, Món thịt bò sốt cà là món tôi thích nhất. Nhìn gương mặt bà đỏ lên vì gần bếp lửa, những sợi tóc như tơ trắng dính bết hai bên thái dương. Đôi bàn tay thoăn thoắt, đôi bàn tay không ngơi nghỉ mấy chục năm liên tiếp, tôi bỗng động lòng. Tôi muốn ôm và hôn lên mặt bà (cử chỉ tôi đã sớm bỏ từ khi mới lên bảy). Tôi ngẩn ngơ im lặng. Mẹ tôi dừng tay. Bà nhìn tôi. Cái nhìn ngơ ngác, kinh ngạc. Bà mấp máy môi. Tôi nói trước:

- Con đi đây chút nghe mẹ.

Khi tiếng nói đã thoát ra, tôi mới biết tôi nói gì. Và tôi không hiểu tôi sẽ đi đâu, làm gì sau đấy. Nhưng tôi nghe như có một cái gì đó bứt rứt, có một cái gì đó bồn chồn khiến tôi không thể không ra khỏi nhà. Tôi phải ra khỏi nhà ngay lập tức, để còn kịp giữ lại những gọt lệ tủi phiền muốn trào ứa. Tôi sợ tôi sẽ không giữ nổi bình tĩnh, tôi sẽ dập phá, xé sách vở, hay sẽ khai hết mọi chuyện giữa tôi và Hãn cho mọi người nghe. Và đó là điều không thể được. Chẳng khi nào. Bởi mẹ tôi có thể chất ngay khi tôi chưa kịp nói. Bố tôi có thể điên ngay khi tôi vừa dứt lời.

Buổi chiều, ở bên ngoài với cơn mưa chờn vờn hình như khiến cho tôi không còn kiểm soát được mình. Tôi mất tự chủ. Tôi đang sống với thần trí của một kẻ nào khác. Không phải tôi. Không phải đứa con gái duy nhất trong bảy anh chị em, còn ở lại bên bố mẹ và được các người trút hết tin tưởng, gửi hết hy vọng.

Tại sao mẹ lại chọn con mà không phải là Ích. Tại sao bố chọn con mà không phải là anh Hữu, anh Long. Còn biết bao nhiêu người con khác nữa của bố. Đâu dó, chị Kim, chị Quyến, chị Trúc. Những người đó, có đầy đủ hoàn cảnh, điều kiện hơn con. Tại sao vậy? Tại sao lại chọn đứa con gái gán chịu bất hạnh nhiều nhất rtong nhà này, ngay từ khi nó vừa được sinh ra. Vết chàm. Ôi vết chàm. Tôi lại nhớ đến nó. Phải , tôi muốn quên nó, như quân cái ám ảnh thường xuyên ác nghiệt của định mệnh. Tôi muốn quên nó, như quên Hãn. Quên Hãn để trở lại cái đời sống vô vị của tháng ngày cũ. Nhưng cũng như vết chàm trên mặt này. Hãn đã có đấy. Chàng đã có đấy từ ngọn tóc, tới ngón chân. Chàng có đầy từ tỉnh thức của lý trí tới cõi mịt mù của vô thức. Chàng có đấy như vết chàm đang ăn lan xuống mũi.

Tôi bỏ lên nhà trên. Mở tủ, quơ vội một chiếc áo dài mặc vào người. Mẹ tôi bỏ dở công việc theo lên đứng nhìn với đôi mắt kinh hãi. Kinh hãi chứ không còn là ngơ ngác nữa.

- Chờ ăn cơm đã con, muốn mưa mà đi đâu vậy?

Tôi không quay lại. Tôi đờ đẫn. Tiếng nói dịu dàng của bà, chỉ cho tôi thấy mình thật không xứng đáng với tình thương yêu câm nín và chịu đựng của bà. Tôi đăm đăm nhìn ảnh tôi in mờ nơi tấm kính suốt trong của tủ áo.

- Con ra đây chút, con về ngay mà.

- Mẹ có làm món con thích. Để mẹ mau tay xong rồi hẵng đi.

Tôi quay lại. Giơ tay định chụp ôm lấy bà, nhưng tôi dừng kịp cái cử chỉ thình lình kia. Tay rơi xuôi theo vạt áo.

- Con sao vậy?

Mẹ tội nắm lấy vai tôi. Tôi lắc đầu và gượng cười:

- Con không sao hết. Con muốn nói mẹ đừng có lo cơm nước cho con nhiều quá. Con không thích, với lại con cũng chả ăn uống bao nhiêu.

Mẹ tôi chống chế:

- Ờ, ờ.. có gì đâu. Lâu lâumà…

Mẹ tôi ngừng ở đấy. Tôi hiểu bà không muốn nói rõ hơn tình cảnh gia đình. Bà chớp đôi mắt vàng đục màu khoai tây. Tôi không kềm giữ được nước mắt. Tôi bước vội ra khỏi nhà. Tôi thoát đi thật mau chóng, gian nhà đó, hiện tại này. Tôi không thể sống mãi trong cái âm u kia. Tôi không thể chịu đựng tiếp cái lặng lờ trì trệ này. Tôi muốn mọi sự hãy xảy đến với tôi. Một lần. Cho tan nát hết. Tôi mong (một cách rồ dại) gặp Thiện. Tôi sẽ nói thẳng với nàng. Tôi yêu Hãn. Tôi yêu Hãn đắm đuối và Hãn cũng yêu tôi. Tuy nhiên, chị đừng lo, tôi không hề nghĩ tới chuyện cướp Hãn ra khỏi gia đình chị. Và tất nhiên tôi không thể phỏng đoán phản ứng Thiện. Tôi chưa hề giáp mặt người đàn bà đó. Có thể Thiện sẽ nổi cơn ghen điên dại. Có thể nàng sẽ chọn thái độ khinh bỉ quay đi, Có thể nàng sẽ dùng lời an ủi. Và sau đó, tôi sẽ nói hết mọi chuyện với gia đình, với mọi người. Tôi cũng sẽ cùng lúc có thai, với Hãn. Điều đó, không có nghĩa là cái cớ cho tôi thêm cam đảm, liều lĩnh hay để cột chàng vào tôi. Không bao giờ. Tôi đã nói với chàng nhiều lần: bất cứ lúc nào anh quay lưng lại với tình yêu của em, em sẽ chết, và tất cả mọi ràng buộc trách nhiệm đối với em đều trở thành vô nghĩa. Với tôi, chết không đáng sợ mà sợ chết mới chính là điều đáng sợ. Nhưng tôi mong tất cả mọi thứ kia, cùng xảy ra một lúc. Như ngọn lửa nổi lên ở khắp nơi. Như cơn bão có từ bốn phía. Tôi muốn trút bỏ, muốn thoát ra, trong khoảng khắc cái ám ảnh mơ hồ của một tai họa, một thảm khốc, nghiệt ngã. Tôi muốn Hãn bỏ tôi ngay bây giờ, lúc này để tôi giải quyết được tức thì sự sống của mình.

Nhưng tất cả những điều đó chưa xẩy ra. Và tôi vẫn phải sống trong cái lập lờ đè nặng của ám ảnh âu lo thảng thốt. Và tôi vẫn còn phải đeo đẳng nó, như chiếc bóng bên mình.

Tôi chạy xe qua những nơi chốn nghĩ là có thể có Hãn. Đây là một việc làm vô ích. Tôi biết vậy. Không hẹn trước, chẳng bao giờ tôi gặp được Hãn. Đời sống mỗi ngày một khó khăn. Hãn nói thế. Từng ra đời, tôi hiểu lắm cái mặt trái của đời. Tôi hiểu những gì mà một người như Hãn, phải chịu đựng, phải đối phó để dành lấy cho mình chút ánh sáng, chút không khí. Bởi vậy, nhưng giờ phút ngắn ngủi bên nhau, tôi chỉ ước một điều: làm Hãn vui. Tôi chỉ muốn một thứ: nụ cười trên môi Hãn. Nhưng tôi đã không làm được điều đó. Đúng hơn tôi làm Hãn buồn nhiều hơn vui. Dĩ vãng tôi. Những ngày ở thị trấn, Quá khứ chưa xa của tôi đấy, những ngày tháng đầu của bước chân đại học. Hậu quả của một thời hoang mang, bế tắc. Đó là sự dễ dãi buông thả trong việc giao thiệp bạn bè, mặc dù, cho tới khi gặp Hãn, tôi chưa hề bước một nửa bước qua khỏi cái phạm vi bằng hữu, mặc dù trong mắt tôi, những Bách, những Cự, những Dũng, những Kim chỉ là những chú nhỏ, những thanh niên con nít. Những người bạn chỉ để cho tôi giải khuây với những hò hét trong lớp. Những quấy phá ở hội quá, những buổi chạy xe phong phong ở ngoài đường. Mặc dù tôi không phải là đứa con gái duy nhất trong đám này. Còn có Tứ, còn có Ngọc, còn có Mậu… Nhưng Hãn vẫn nhìn quá khứ đó bằng một mắt nhìn nghiêm khắc và đôi khi khinh bỉ. Nhưng Hãn vẫn nhìn cái đám đàn ông, thanh niên theo đuổi tôi những ngày ở thị trấn, bằng cái nhìn ghê tởm gớm ghiếc. Lẽ ra, tôi có thể tránh cho tôi những mất mát tình cảm ở nơi Hãn, nhưng tôi không muốn thế. Tôi ngay thẳng. Tôi thành thực. Tôi đã làm đúng lời khuyên của chị Quyến. Tôi kể tất cả, dù chuyện nhỏ nhặt nhất. Tôi nói tất cả, dù chuyện khó nói nhất. Bao nhiêu nhật ký tôi đã gửi hết cho chàng. Tôi ngay thẳng và trong suốt, trong tình yêu của chàng. Tôi tự tin nơi tâm hồn và tình yêu đầu tiên của đời mình. Tôi tự tin và bình tĩnh với giải pháp duy nhất tôi đã định sẵn cho mình, nếu Hãn không thể nhìn quá khứ đó, như một cái gì ở ngoài ý muốn… Nếu Hãn nhìn những thứ đó như một xúc phạm nặng nề tới sự trinh bạch và thiêng liêng của tình yêu, tôi sẽ dành cho chàng, cái chết để chứng mình với chàng, tinh thần tôi chưa một lần hoen ố. Tâm hồn tôi chưa một lần vấy bùn. Tuy nhiên khi làm công việc đó, tôi đã trông mong hy vọng nơi tình yêu, và lòng độ lượng của Hãn. Khi làm công việc đó, tôi trông mong Hãn hiểu cho hoàn cảnh của tôi, sống gia đình, những ngày thơ ấy, sự tan tác của anh em, cái túng thiếu của bố mẹ và nhất là, ám ảnh của một định mệnh ngắn ngủi: vết chàm giữa trán, khiến tôi không còn thiết gì nữa. Quả thực, tôi không hề hy vọng một ngày nào đó, tôi được gặp chàng. Quả thự tôi vẫn nghĩ, tôi sẽ sống trong cái trơ tráo lạnh lùng và cái kiêu ngạo âm thầm ở tôi cho đến một lúc nào đó, khi đã chán đến tận cổ, đã ngấy đến tận mang tai, tôi sẽ chấm dứt, êm ả, thanh thản đời mình.

Phải không anh. Anh yêu dấu. Nếu em đuợc sinh trưởng trong một hoàn cảnh khác. Nếu bố đừng quá thanh liêm để đốn nỗi về hưu không có được một dúm của cải nào ngoài số tiền hưu trí còm cõi. Nếu anh Hữu biết nghĩ tới gia đình. Nếu những người con lớn khác của bố, biết nghĩ tới gia đình một chút, sự đùm bọc sẽ tránh được chia tan. Ích sẽ không phải sớm đi lính. Và nhất là nếu ai đó, đừng đóng dấu lên mặt em, chắc đời em sẽ khác. Em sẽ khác hẳn. Anh tin không? Khi ấy, em sẽ đến với anh trong vóc dáng kiêu kỳ của một tiểu thư đài các. Khi ấy em sẽ đến với anh, bằng phong cách của một đứa con gái trong nhung lụa, trong ngọc ngà. Nhưng liệu, với cách đó, anh có yêu thương em như bây giờ anh đang yêu thương em? Điều đó, chắc còn phải xét lại. Còn phải xét lại, phải thế không anh. Bởi tâm hồn em, trong tưởng tượng đó chắc chắn sẽ không là cái tâm hồn em đang có đây. Một tâm hồn của trùng điệp những hạt mưa bay ngang không dứt.

Đường phố lên đèn cùng với những hạt mưa đầu tiên lác đác. Tôi vòng xe về Mậu.

Gia đình Mậu đang ăn cơm. Chị Ly đứng lên lấy bát, trong khi Mậu kéo ghế vào ngồi. Ba Mậu trực trong trại. Anh Kiếm ở Quảng Trị chưa về. Út Minh và vội miếng cơm, reo:

- Mưa gió đã đem chị Phiến đến đây, Eo ôi.

Mậu nạt em trong lúc tôi rủ áo mưa và vắt lên yên xe của Út Minh:

- Eo ôi cái gì? Cám ơn mưa đi chứ. Sao lại eo ôi.

Út Minh cười lúm đồng tiền trên đôi má phúng phính, buông đũa bát xuống, lim dim mắt, trịnh trọng như cầu kinh:

- Cám ơn mưa. Và gió nữa.

Ba chị em phá lên cười. Tiếng cười ròn rã vô tư của họ, rung rinh cả ánh điện sáng và át hẳn tiếng mưa ào ạt ngoài hiên. Tôi bước lại chiếc ghế được kéo sẵn, tiện tay cốc đầu Út Minh một cái:

- Khỏi phải cám ơn ai hết.

- Tại sao vậy? Út Minh nói. Tôi soi mái tóc ướt của mình trong tấm kính sau lưng Út Minh.

- Tại không mưa thì chị cũng đến đây.

- Chứ không phải đi chơi với chàng về bị mưa ghé lại sao? Mậu nói. Tôi lắc đầu. Chị Ly xới cơm vào bát cho tôi.

- Ăn. Ăn đi đã. Còn thì giờ hàn huyên mà.

Tôi gượng cườøi nhìn chị Ly.

- Lúc nào chị cũng vui.

- Chứ không lẽ khóc?

Chị Ly trước khi lấy chồng cũng trải qua một thời gian sống với nước mắt và nhục nhã. Chị yêu anh Kiếm từ ngày anh còn đi học. Khi anh đi lính ra trường xin cưới, gia đình chị không bằng lòng. Lý do hai bên khác tôn giáo, thêm nữa, cha mẹ anhKiếm chỉ chịu đi cưới với điều kiện đám cưới phải diễn ra theo tục lệ bên Phật, nghĩa là có lập bàn thờ tổ tiên và không cho phép cưới ở nhà thờ. Lằng nhằng cả năm. Vì tự ái, không bên nào chịu bên nào. Trong khi đó anh Kiếm phải đi hành quân liên miên., Thỉnh thoảng về phép gia đìnnh chị Ly cấm cửa. Chị Ly cam đảm bỏ nhà đi theo. Sống lây lất hết vùng này tới vùng khác với anh Kiếm, cuối cùng chị Ly sinh được một đứa con. Bên nội nhìn cháu, bắt về nhưng không nhìn dâu. Mãi khi đứa nhỏ được năm tuổi, bố anh Kiếm mất, hai bên mới nhân cái chết kia dung hòa xung đột bằng một đám hỏi, đúng hơn một bữa tiệc nhỏ, gọi là hợp thức hóa tình trạng cho hai người.

Từ đấy chị Ly mới trở về nhà và sống với bố mẹ. Anh Kiếm vẫn tiếp tục đời sống của một người lính. Đôi khi nghe chị Ly than phiền tình cảm vợ chồng của hai người mà thấy tộâi. Chị bảo ngày còn sống lén lút với nhau, thế mà lại sướng hơn. Chồng đâu vợ đó. Tới khi được chính thức rồi, thì cả nửa năm mới được gặp nhau vài ngày. Vợ chồng mà cứ như vợ chồng Ngâu ấy. Cô xem (Tôi chơi với Mậu từ ngày mới vào trung học. Cả gia đình Mậu coi tôi như người trong nhà. Mẹ tôi cũng thương Mậu lắm. Bà bảo Mậu chịu thương chịu khổ mà lại ngoan và ít nói. Bà đâu có biết khi chúng tôi gặp nhau ngoài đường xá. Mậu cũng nghịch một mũi).

- Hòa bình rồi sao anh Kiếm còn đi hoài vậy chị?

Chị Ly gắp thức ăn bỏ vào bát cho tôi:

- Hòa bình cái con khỉ? Em không thấy đánh ầm ầm đó sao?

- Cũng tùy nơi Phiến à. Mậu nói góp.

- Bình Đình là Qui Nhơn há chị. Không biế Út Minh hỏi ai, nhưng tôi cũng gật đầu bừa: ừ, nó tiếp:

- Ở đó đang đánh nhau đó chị Phiến ơi. Chị Ly lo lắm. Chả đêm nào ngủ được. Chị ấy cứ lịch kịch cả đêm, chiều thì chị ấy thắp nhang khấn trời Phật. Đêm lại lâm râm cầu Chúa..

- Có im không nào. Mày thì biết gì mà nói.

Út Minh cười nhe mấy chiếc răng chưa kịp mọc. Tôi nói:

- Ăn cơm đi cô. Đọc gì vậy?

Út Minh lại líu lo:

- Truyện. Truyện trẻ con chị “Mùa thu Hoa Cúc”.. Chị đọc chưa?

Tôi cười, nghĩ thèm cái không khí ấm cúng của gia đình Mậu.

Tôi ăn một chén cơm xong buông đũa. Chị Ly hỏi ăn gì như ăn nhín vậy. Tôi nói dối em ăn quà rồi. Chị lắc đầu không tin. Mậu đứng lên lấy cho tôi một trái chuối. Nó nhìn tôi đăm đăm. Tôi lừ mắt nhìn lại, Mậu nghiêng đầu hỏi nhỏ:

- Có chuyện gì hả?

Tôi lắc đầu.

- Chiều nay có gặp Hãn không?

- Không.

- Sao kỳ vậy?

Tôi ngạc nhiên:

- Có gì kỳ?

Mậu chợt nhận ra sự vô lý của mình. Nó cười:

- Ừ nhỉ?

Tuy nhiên Mậu không ngừng dò xét tôi cho đến lúc xong bữa ăn.

Mưa mù mịt mảnh sân lởm chởm đất và rác của cư xá. Những cây sao không lớn được, mang những cành cây nặng nề. Gió thỉnh thoảng ném những trái sao lên mái tôn, nghe như gạch ngói rớt.

Chị Lý trở trời cám cảnh điều chi đó dành phần rửa bát, cho Mậu tiếp chuyện tôi, Mậu đem hai chiếc ghế kê ngoài hiên tối. Chúng tôi ngồi bên nhau, lắng nghe mưa và thỉnh thoảng run lạnh vì những hạt nước mưa bắn tới.

Mậu nói thầm thào:

- Ngọc bỏ nhà đi rồi mày biết chưa? Trong tối tôi không nhìn rõ mặt Mậu, nhưng có thể hình dung đôi mắt tròn xoe, mở lớn, chiếc mũi hỉnh lên, hai hàm răng đều và hé mở. Bao giờ Mậu cũng có một bộ mặt ấy mỗi khi bày tỏ sự kinh ngạc hay thán phục, Tôi nghĩ cả hai điều có ở Mậu lúc này.

Thấy tôi inm lặng, Mậu lắc nhẹ:

- Mày không nghe?

- Có.

- Sao không nói gì?

- Mắc nghĩ.

- Sao?

- Thấy khó hiểu. Nhất là lại có thêm con Tứ.

- Vậy là mày cũng biết rồi?

Tôi gật đầu cho mậu biết hôm qua, em Ngọc đến tìm Ngọc ở nhà tôi. Nhìn vẻ mặt hớt hải của nó, tôi gặng hỏi. Nó thú thật “Chị Ngọc bỏ nhà đi rồi”. Tôi hỏi từ bao giờ. Nó đáp không biết. Vì gần đây Ngọc ít ngủ nhà, lấy lý do học thi để đến tôi hay Mậu. Mậu bảo Mậu mới biết ngày hôm qua. Chắc con nhỏ tới mày rồi tới tao. May nhà không có ai. Tao không dám cho chị Ly biết. Chị Ly khoái những vụ ra đi bất tử như thế lắm. Và chị ấy khoái rồi là cả nhà sẽ biết. Tao không muốn ba tao nghĩ ngợi.

Mậu nói thấp giọng hơn nữa, Mưa át đi khiến tôi nghe tiếng còn tiếng mất.

- Mày có biết lý do gì không? Tôi hỏi.

- Đâu tại vì thằng cha anh rể của nó. Mậu đáp.

- Thằng cha loắt choắt môi thâm xì đó phải không?

- Chứ còn ai vào đó nữa.

- Thật bậy.

- Mày nói gì?

Tôi lắc đầu:

-Không.

Sự thực tôi cũng chẳng hiểu mình đã nói gì nữa. Tôi đang nghĩ tới gia đình Ngọc. Ngọc là đứa thứ sáu trong tám chị em. Mẹ Ngọc chết cách đây hai năm. Khi bà còn sống, tình trạng gia đình Ngọc cũng không lấy gì làm êm thắm, tuy nhiên, có bà bà, kỷ cương trong nhà còn giữ được phần nào. Bà chết vào lúc ba Ngọc làm nhà in lỗ lã. Nhà in đóng cửa. Ông cụ bán nhà in. Trà riền này nọ. Còn một ít lo ma chay. Xong ma chay, vừa hay cạn sạch. Gia đình Ngọc bắt đầu rơi vào tình trạng rối rắm. Điều này cũng dễ hiểu khi mà cả tám chị em, chỉ có một người con trai lại áp út. Thằng Ất ở Thủ Đức ra, hay tin mẹ chết về chịu tang xong bỏ đi luôn. Ngày giỗ đầu đó cũng không về. Còn lại bảy chị em gái, trong khi chỉ mới có một người lập gia đình, người thứ ba, chị Hải lấy một anh thầy giáo bỏ nghề, chạy áp phe. Cả gia đình, chừng ấy miệng ăn, chỉ trông vào chị Hải và anh giáo. Tôi cũng không biết y tên gì (nhà Ngọc quen gọi y là anh giáo). Hai chị lớn có đi làm nhưng lương tư chức không bao nhiêu, lại còn phải dành dụm làm của hồi môn phòng khi lấy được chồng, dù cả hai cũng đã gấn bốn mươi. Để cứu vãn tình thế và đồng thời cũng để tránh phải nghe những lời đay nghiến trì chiết của vợ chồng chị Hải, Ngọc nghỉ học để đem đơn xin đi làm. May mắn, cuối năm đó Ngọc đậu nốt phần tú tài còn lại. Nhưng cũng từ chỗ lo lắng cho gia đình mà Ngọc khám phá được sự đi lại bẩn thỉu giữa anh Giáo và chị Hải. Hơn thế, tên này còn có ý muốn tán tỉnh dụ dỗ cả nhỏ Thơm, đứa em gái út của Ngọc. Ngọc đem chuyện biết được nói với ông cụ. Ông cụ không những gạt đi lại còn mắng Ngọc nhiều chuyện. Chị Hải cũng chửi Ngọc bằng những lời thật nhơ nhớp. Ngọc hiểu ba mình đang chọn nghề khai thác gỗ với bạn ở Long Khánh bằng tiền vốn con rể cho mượn. Nhưng thái độ của chị Hải thì thật là quá đáng. Chị bảo Ngọc là muốn không được nên đổ vấy cho Thơm. Ngọc tủi nhục bỏ về bên ngoại ở một thời gian, sau lại trở về nhà mình.

Tôi hiểu chuyện gia đình Ngọc đại khái như vậy. Nhưng còn Tứ. Tứ thì trái ngược hẳn. Tứ là đứa giầu nhất trong cả bọn. Còn đi học, Tứ đã có vốn liếng riêng. Mẹ Tứ mở cho Tứ một trương mục tại nhà băng với số tiền hai triệu đồng. Mẹ Tứ còn rêu rao, ai lấy Tứ, bà ta sẽ cấp thêm cho một cái nhà và một cái xe nữa. Đã vậy Tứ còn là một đứa con gái thông minh, khỏe mạnh và duyên dáng. Nó có rất nhiều bạn trai, cũng cả chục anh công ăn việc làm đàng hoàng theo đuổi.

- Sao mày thừ người ra vậy?

Mậu ghé sát mặt tôi. Tôi ngả người vào lưng ghế.

- Con Tứ

- Tứ cũng đi với con Ngọc mà.

- Bởi vậy tao mới không hiểu.

- Mày không hiểu cái gì?

- Lý do?

- Cần gì phải lý do. Bộ mày nghĩ cứ phải có lý do mới bỏ nhà ra đi được sao? Tao biết nhiều đứa sung sướng, đầy đủ gấp trăm vạn lần mình vẫn bỏ nhà ra đi như thường.

Tôi rùng mìnn. Mậu tiếp:

- Ngay tao, đôi khi tao cũng muốn bỏ đi cho khuất mặt khuất mày. Có điều chưa có dịp, chưa đến lúc đấy mà thôi. Sống mãi những ngày tháng lờ lờ lững lững thế này, tao chán quá. Đôi khi tao muốn phát điên lên vì không biết mình sống để làm gì, chờ đợi cái gì đây?

Tôi chụp lấy tay Mậu xiết lại. Lần đầu tiên sau gần mười năm chơi với nhau, tôi mới nghe từ Mậu một câu nói ghê gớm như vậy.

Mậu say sưa:

- Mày ngạc nhiên quá đỗi phải không?

Và không đợi tôi phản ứng:

- Tao biết. Mày vẫn tưởng tao sung sướng, tao hạnh phúc chứ gì? Mày nhầm. Tất cả chỉ là cái bề ngoài giả dối, gượng gạo. Sự thực, chỉ có tao mới biết mà thôi. Hơn nữa. Người ta sống đâu phải cần hàng ngày mọi người chung quanh đều cười nói vui vẻ, với mình là đủ. Tao cần cái khác. Thứ khác. Cái tao cần, gia đình không mang đến được. Tao cũng không thể tự đi tìm kiếm. Tao chỉ có thể chờ đợi. Và chờ đợi đến bao giờ? Ngày nào? Ở đâu? Tao sắp già rồi. Phụ nữ mình mau già lắm. Mày biết không?

Tôi bấu những móng nhọn xuống bàn tay mềm của Mậu.

- Thôi Mậu. Tao sợ.

Mưa dịu hạt và như rời xa hàng hiên. Bóng tối loãng. Hơi mưa nhạt.

Mậu trở lại thế ngồi ngay ngắn. Vẻ mặt cũ.Khép kín. Đôi mắt cũ, lạnh lùng. Bàn tay cũ trơ vơ trên hai đầu gối lặng. Xa vắng ở đâu đó, bài “Sombre dimanche”. Lát sau, tiếng hát dứt. Dư âm chiều tan trong mưa. Bóng tối như bị xô lệch, chao nghiêng trước khi trở lại nguyên vị và im lặng. Tôi nói - Hát đi Mậu. Sombre dimanche. Mậu lắc đầu:

- Lâu tao không gặp Hãn.

Tôi không hiểu ý Mậu, nhưng cũng trả lời lơ lửng.

- Vẫn vậy.

- Mày cũng hay. Ít ra, còn có lý do để sống. Dù thế nào.

Tôi cười nhạt. Mậu tiếp, giọng còn đượm ngậm ngùi vướng vất:

- Tao không có may mắn.

Mậu thành thật nhưng tôi đau đớn.

Mậu không để ý.

- Tao có cái kiêu ngạo của tao, mày cũng biết đàn ông để ý tao không phải là không có. Nhiều nữa. Nhưng tao không thể chịu được những cái đầu óc rỗng đó. Tao đi tìm một cái gì khác hơn một hứa hẹn tương lai bảo đảm.Tao không mơ ước những thứ mà mấy đứa con gái khác mơ ước và cái đám đàn ông, thanh niên lúc nhúc kia có thể đem lại. Tao mơ tưởng một cái gì thật mơ hồ, mơ hồ đến chính tao cũng không gọi được đích danh.

Tôi ngắt lời Mậu:

- Mày nói tao may mắn làm tao buồn. Mặc dù tao không hy vọng, không chờ đợi may mắn đến với tao. Nếu tao có thể biết chắc chắn một điều gì về đời mình thì đó chính là vô vọng, điều tao biết được một cách chắc nhất.

Mậu nhìn tôi như để đánh giá sự thành thực trong lời nói của tôi qua nét mặt. Tôi tiếp:

- Hãn thường nhắc nhở tao, những khốn nhục sẽ đến, trước sau gì, cũng đến, trong cuộc tình của hai đứa. Nhưng tao biết, Hãn không tin, tao không một chút kinh hoảng trước những đe dọa vây khổn của thực tế phũ phàng kia. Kinh hoảng chỉ có khi đó là điều mình không biết trước, đây tao biết trước và không tránh được. Trong khi đó, tao lại sợ cái khác. Và đó mới là cái tao không thể chịu đựng được.

Mậu lắng nghe. Đôi mắt Mậu rực sáng, hướng vào đốm đèn bên kia miếng sân vuông qua màn mưa.

- Tao muốn nói đến sự nhạt đi, trong tình yêu của Hãn. Tao muốn nói đến sự kinh thường ghẻ lạnh của Hãn. Tao sợ nhất, điều đó. Bởi mày biết đấy tao không còn đường lui. Tao không còn giữ lấy cho mình bí mật nào, vốn liếng nào, để làm một khởi hành khác. Và giả sử, có còn nguyên vẹn, tao cũng chẳng thể… Người ta không thể sống ngay trong sự kinh bỉ ghê tởm của chính họ.

Chị Ly ra. Chưa bước tới hiên nhưng giọng nói của chị đã tới trước.

- Không bật đèn lên cho sáng. Làm gì ngồi thu lu như ăn trộm vậy.

Tôi nói:

- Khỏi chị. Em thích ngồi thế này. Một lát, em về.

Chị Ly đứng giữa cửa. Ngọn điện phía trong hắt xấp bóng chị xuống hiên dài thắng ra ngoài sân mưa.

- Thi chưa? Phiến.

Tôi thở ra ngao ngán:

- Còn ba ngày nữa.

- Học hết rồi chứ?

- Hết thì em đã chẳng đi chơi.

Chị Ly cười. Chắc chị cười lối trả lời ngược đời của tôi. Tôi nói với chị là tôi nói thực. Tôi không học được cours nào hoàn toàn. Cours nào cũng vào chương lại bỏ đó. Chị khuyên tôi có chuyện gì cũng nên xếp lại. Học cái đã. Thi xong rồi tính. Đâu còn đó. Vội gì. Tôi muốn nói với chị nếu có chuyện cho thành chuyện thì đã dễ. Đằng này, tôi không có chuyện gì mà lại là những chuyện không thể dẹp bỏ sang một bên được. Tôi im lặng. Chị Ly đứng nhìn mưa một lát xong bỏ vào. Chị kêu ớn lạnh.

Mậu hỏi tôi uống cà phê không. Tôi lắc đầu, Mậu bảo:

- Tối mà trời mưa là tao hay uống lắm. Mùa mưa lại thường nhằmvào mùa thi, thành ra cũng đỡ. Mình có cớ để nuông chiều mình mà không áy náy.

Mậu đứng dậy, vào nhà. Ngồi lại một mình trong hiên tối thênh thang, mưa lất phất một khoảng không gian trống trải, dãy nhà bên kia sân chừng xa thêm và nhỏ lại, tôi nghe trong người một nỗi nhớ xốn xang, cồn cào. Chủ nhật hết. Không có Hãn. Nghĩ tới lúc trở về. Gian nhà yên lặng, mẹ tôi loay hoay lặng lẽ với một công việc gì. Bố chắc nằm trong chỗ nằm cố định của ông. Cuốn truyện tàu cặp kính lão hoặc một giấc ngủ chập chờn. Tôi tự hỏi, rồi tôi sẽ trở về mãi mãi, với cái hình ảnh đó. Cho đến hết đời mình? Anh không thể đem em ra khỏi nơi chốn đó sao? Ngay cả khi em đã có anh, có tình yêu, có mục đích để sống, em vẫn không thể khác hơn, những gì đã như thế? Phải chăng đó chính là mặt thực của định mệnh em? Không, nếu anh không đem em đi, thì nương vào tình yêu, em cũng sẽ tự làm lấy việc đó.

Mậu trở ra, đem cho tôi một tách trà nóng. ôi hớp từng hớp xong đưa lại cho Mậu. Tôi nói:

- Tao về.

Mậu cầm tách trà trong tay.

- Mưa mà.

- Thì mưa chứ sao.

Mậu cười:

- Tao mong tối mai mưa nữa để mày đến.

Tôi cũng cười:

- Hình như tao hay đến nhà mày vào những lúc trời mưa.

- Còn hình như gì nữa. Lần trước mày đến tao, cũng mưa.

Tôi mặc áo mưa, dắt xe trước vào vùng ánh sáng của ngọn đèn hắt ra từ cửa chính.

Đứng trong hiên, Mậu nói:

- Gặp Hãn, bảo tao hỏi thăm.

Tôi đáp:

- Cám ơn mày.

Ra khỏi cư xá tôi chợt nhớ quên không nói lại với Mậu lời hỏi thăm của Hãn “Tới chức gì rồi, nữ tu, giòng tu hở”.

Về đến nhà, tôi nhận được thư tay của Hãn, không biết ai đem tới. Tôi xem ngay trong lúc Bách ngồi chờ ở salon. Thư Hãn vỏn vẹn mấy giòng: “Cô liệu mà học đấy. Mưa hoài từ chiều cho tới lúc tôi viết thư này cho cô. Mong thư không phải chờ tới lúc dứt mưa mới được mở ra và đọc tới. Ngày mai, mười hai giờ, chỗ cũ. Có ông K. Mưa có ngọt như… Không?”

Tôi cười. Hãn nói đúng. Tôi không thể nời nhà trong khi ngoài kia, mưa. Nhưng thôi, từ ngày mai, em sẽ không ra khỏi nhà những lúc mưa nữa. Tôi nói thầm với những lượng máu rạt rào, nóng lên khắp người tôi.

Bách khó chịu hỏi:

- Thư ai đó?

Tôi chợt nhớ đến sự hiệndiện của Bách. Bách muốn giữ cung cách xưa khi cả bọn còn đi chơi với nhau. Nhưng bây giờ tôi thấy khó chịu. Đã tới lúc tôi phải thẳng thắn cho Bách biết tôi đã có đời sống khác. Không thể trông đợi ở họ sự tử tế, tự hiểu.

Tôi nói, giọng nặng:

- Thư.

- Của ai?

Bách giữ nguyên giọng cũ. Tôi không chịu nổi:

- Bách hỏi làm gì?

- Cho biết

Bách cười gượng gạo. Tôi thấy phải tiếp tục ngay.

- Thư riêng của tôi. Lần sau Bách đừng hỏi như vậy. Tôi không thích và không bằng lòng điều đó chút nào hết.

Bách ngỡ ngàng:

- Bách… tưởng?

- Không. Lần sau Bách đừng tưởng như thế nữa.

Bách nhún vai, khoát tay. Dáng điệu rất tây. Chỉ tiếc Bách quá nhỏ và mặt non sượng.

- À. Tôi hiểu.

Cử chỉ của Bách làm tôi nực cười và bực hơn.

- Lẽ ra Bách phải hiểu từ lâu rồi mới đúng.

Bách trợn mắt. Cặp mắt cho thấy nhiều lòng trắng. Bách lại giơ tay nhưng rồi hạ xuống ngay sau đấy.

- Tôi đến đây chỉ muốn báo tin với Phiến rằng Cự, Kim, ngày mai nhập ngũ.

Tôi muốn nhân đây, dành cho cậu nhỏ một bài học xử thế. Tôi nói:

- Bách làm việc đó hơi thừa. Bởi nếu cần, tôi đã hỏi chuyện ấy tại trường. Có cần chị phải chờ tới hôm nay. Và tiếp, điều đó, không quan trọng gì cả đối với tôi. Ngay cả trước đây cũng vậy. Chúng ta chơi với nhau chẳng qua cho nó đầy cái khoảng trống ở trường mà thôi. Giữa chúng ta không có một liên hệ nào khác hơn điều đó. Và như vậy thì phải thấy tới lúc sự ắp đầy thừa thãi kia không cần nữa. Và khi ấy, đừng làm phiền nhau. Đừng cố tình không hiểu…

Bách đỏ mặt, hai bàn tay buông ra nắm lại. Tôi biết hắn phải cố gắng lắm mới dằn được cơn tức giận. Tôi cười. Đồng ý hắn có thể giận vì những lời nói thẳng của tôi. Nhưng chính hắn muốn thế, bởi hắn không tự hiểu khi tôi để chàng đến đón tôi ở trường, ở ngay cửa lớp thì sự kiện đó, tự nó đã nói hết rồi. Y có thể giận tôi hơn nữa. Y có thể điên lên. Nhưng không lẽ y chửi tôi. Tôi lại mỉm cười với ý nghĩ quá trẻ con của mình. Bách xô ghế đứng dậy, đi thẳng. Tôi không nhìn theo, ngồi xuống và bình thản đọc lại thư Hãn.

Bây giờ tôi hiểu sự phiền phức mà Hãn đã nhiều lần cảnh cáo vì sự dễ dãi trong việc giao tiếp với bạn bè. Hãn có lý. Hãn còn nói với tôi nhiều nữa về hậu quả của lầm lỡ gây nên bởi sự thiếu nhìn xa của tôi. Cả bọn Bách, chỉ nội trong vài ngày nữa, sẽ đi nói xấu tôi khắp trường, họ có thể dựng lên nhiều chuyện ghê gớm khác và gán cho tôi. Tôi không sợ điều đó. Chẳng có điều gì khiến cho tôi phải sợ sệt e ngại. Tuy nhiên, nếu họ đem chuyện riêng của Hãn ra để truyền miệng cho mọi người, thì đó cũng là một phiền toái không nhỏ. Chuyện đời sống riêng của Hãn ra sao, chẳng phải là một điều bí mật gì, nhiều người biết rõ, hơn cả tôi. Nhưng tại họ cùng học với tôi. Còn anh Hữu. Tôi không muốn chuyện đó đến tai anh Hữu. Ít ra là trong lúc này. Nhưng thử hỏi, tôi còn cách nào khác hơn không? Tất cả mọi dây dưa của quá khứ có thể đưa tới những hiểu lầm, những ngộ nhận gây tổn thương cho tình yêu, cần phải thẳng tay chặt đứt. Tôi hiểu điều căn bản đó. Hơn nữ, với Hãn, đó không phải là chuyện thường. Hãn khe khắt và quyết liệt với những điều thoạt tưởng là nhỏ nhặt đó. Có những người sẵn lòng bao dung dành cho những phạm tội tày trời nhưng lại không thể tha thứ cho những điều nhỏ nhặt nhất. Hãn là loại người đó. Vả, nếu Hãn không tỏ ý gì hết, tôi cũng phải làm. Không lý khi mà gia đình, bố, mẹ, những người sinh thành ra mình, nếu cần, trong một chọn lựa đau đớn nào, tôi cũng đành nhận chịu tiếng bất hiếu để giữ lấy hay chứng tỏ, tình yêu của mình. Thì lẽ nào những cái giải khoai kia tôi lại phải ngập ngừng hay e ngại lúc giựt đứt.

Mẹ tôi bước ra, đứng sau lưng từ lúc nào tôi không hay. Bà cụ tằng hắng lấy giọng:

- Có chuyện gì vậy?

Chắc mẹ tôi đã nghe hết chuyện giữa tôi và Bách. Tôi lắc đầu:

- Không gì cả. Lần sau, bọn này có tới, mẹ nói con không có nhà, hay cứ nói có nhà mà không tiếp cũng được.

- Tất cả. Mẹ tôi ngạc nhiên.

- Vâng. Tất cả. Trừ Hãn.

- Trừ Hãn. Bà cụ không dấu được vẻ sửng sốt. Tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ tôi:

- Thì sao mẹ?

Mẹ tôi nhìn đi hướng khác. Bà dịu giọng.

- Có sao. Tao hỏi cho biếùt.

Từ ngày mọi người ra đi, chỉ còn lại một mình tôi, đôi khi tôi thấy tôi bắt nạt mẹ tôi ra mặt. Có lẽ sự nhẫn nhục chịu đựng hết chồng, tới con là một trong những nét đặc thù nhất của những bà mẹ Việt Nam xưa. Thường là ngay sau khi lấn lướt bà, thấy vẻ chịu đựng của bà, tôi lại hối hận. Tôi lại tự dày vò và muốn ôm bà để xin tha thứ, nhưng chưa bao giờ tôi làm được cái phần tiếp theo đó. Tôi hy vọng bà hiểu. Đôi khi tôi cũng có những bực dọc, những đau đớn ngấm ngầm, những bất mãn vu vơ không biết trút bỏ đi đâu, vào ai, nên quay ra cau có với bà. Phải chi còn Ích ở nhà, để tôi có thể trút lên đầu nó, như ngày xưa theo thứ tự, các anh các chị tôi đã bắt tôi phải chịu những cái vô lý nhất của họ. Nhờ hiểu vậy, nên rất thường tôi chịu đựng những trận mắng chửi thậm tệ của mẹ, dù tôi không có lỗi hay có lỗi đó, chẳng đáng gì hết. Duy một điều, tôi không bao giờ dám có thái độ ấy với bố. Ông cụ vẫn còn là một thứ gì trên hết và khả kính.

Mẹ tôi đổi giọng dịu dàng:

- Này, ăn cơm chưa?

Tôi cúi mặt:

- Con ăn rồi.

Bà ngập ngừng:

- Mẹ có để phần thịt bào xào hành tây, cà chua chín đấy!

Tôi thấy không đủ cam đảm nói thật. Tôi đáp:

- Mẹ để đó. Mẹ đi ngủ đi. Khuya đói, con sẽ ăn.

Bà cụ quay lui. Tôi không ngoảnh lại nhưng thấy chiếc bóng bà rút dần xa khỏi tôi.

Sau lưng tôi, sâu khuất bên trong, tiếng ông cụ ho khan từng hồi một. Giọng bà cụ như một câu hát cũ từ bao năm không thay đổi, không lên xuống:

- Ông cố ngủ chút đi. Cần gì tôi thì bảo.

Đó là hình ảnh cụ thể nhất của một tình yêu được kết thúc bằng hôn nhân. Và đấy là một hôn nhân thành tựu bền bỉ, chưa nói tới có những trường hợp đổ vỡ nửa chừng. Tan nát giữa đường đi. Còn thảm thiết hơn thế, biết chừng nào. Sự sống không chỉ bị đe dọa bởi cái chết mà còn bị đe dọa bóp nghẹt bởi tuổi già. Tôi nghĩ mình có lý hơn bao giờ, khi nghĩ lỡ có chết ngay ngày mai cũng được.

Tôi ép mẩu giấy của chàng vào cuốn sách và tiếp tục bài học ban chiều.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17037)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8333)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,