Chương 23

12 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 5675)
Chương 23

Quán cà phê nằm dưới một con dốc, bên trong một hàng rào hoa vàng. Bậc tam cấp dẫn xuống xây bằng đá tổ ong. Cửa vào quán mô phỏng theo kiểu của những hầm rượu tại Âu Châu vào hồi đầu thế kỷ. Chiếc đèn lòng thả xuống, gió đong đưa, ánh sáng yếu tạt qua, tạt lại. Tiếng nhạc thật dịu từ trong vẳng ra. Khung cảnh bên ngoài chưa gì đã gợi vẻ ấm cúng. Khách đến lác đác nhưng xe để chật một sân và trên mặt lộ. Tôi bảo Hãn:

- Quán thích quá hả anh?

Hãn bước thận trọng và quan sát kỹ lưỡng. Chàng nói:

- Cũng có vẻ đông đấy em à.

Một thanh niên chào chúng tôi ở ngoài cửa. Hãn nói tên. Người thanh niên tỏ dấu vui vẻ bảo:

- Anh chị Phước có ý chờ anh.

- Chương trình bắt đầu lâu chưa? Hãn hỏi.

- Thưa cũng được chừng ba mươi phút.

Tôi bảo Hãn, hỏi thử còn chỗ không. Người thanh niên nhanh nhẩu:

- Dạ, dù hết chỗ cũng phải kiếm cho anh chị chứ. Anh Phước mời anh chị mà.

Anh ta nói và hé mở cánh cửa cho chúng tôi lách vào. Quán đông đặc. Mùi khói thuốc và hơi người nồng nặc. Hai vợ chồng Phước đang đứng trênsân khấu ở cuối phòng trên bục gỗ. Đèn chớp tắt. Tôi bám Hãn. Hãn theo bước chân người thanh niên lách qua hàng người đứng lố nhố. Chợt có tiếng người kêu lớn.

- Ông Hãn.

Chúng tôi dừng lại.

- Anh Các. Tôi buột miệng.

- Không ngờ gặp ông bà ở đây.

Trong tối, tôi thấy hai người ôm lấy nhau.

- Ngồi đây. Ngồi đây luôn đi.

Anh Các đứng lên, cúi xuống nói với hai người bên cạnh anh xích ghế lại. Người thanh niên kiếm đâu ra hai chiếc ghế nhỏ, kê vào khoảng trống vừa hở. Hãn tíu tít. Anh Các cũng ồn ào. Thật vui khi gặp anh Các ở đây. Tôi giữ lấy tay Hãn và chăm chú nhìn lên bục gỗ.

Vợ chồng Phước vừa hát xong bản nhạc gì đó. Vợ Phước bước xuống và khuất trong cánh cửa bên hông sân khấu. Phước nói chương trình được tiếp tục với phần đọc thơ của anh Các. Tôi nói:

- Thôi Hãn. Để anh Các lên sân khấu đã. Kẻo người ta chờ.

Tiếng vỗ tay lốp bốp nổi lên từng nhóm. Anh Các đứng dậy. Khó khăn lắm anh mới đem được cái bụng bự của anh qua khỏi đám người ngồi chung quanh.

Vừa đi, anh Các quay lại bảo:

- Sau tôi là ông đấy nhé.

Hãn xua tay:

- Thôi mà. Tội quá.

- Đâu được.

Anh Các ra tới con đường nhỏ giáp giữa hai hàng ghế chia đôi căn phòng.

Tiếng rì rào chen lẫn đôi ba giọng cười khúc khích, lẫn với lời giới thiệu giật gân của anh Phước về sự anh Các đang từ từ tiến đến bục gỗ.

Nhận micro, anh Các nói mấy lời cám ơn xong anh loan báo ngay là sau anh sẽ tới Hãn. Một người bạn thân của anh và anh Phước mới ở Saigon lên. Tiếng xì xào bặt im vài giây. Rồi ào, vỡ. Nhiều khuôn mặt hướng về phía chúng tôi. Trong tối mà tôi vẫn đỏ nhừ cả người vì ngượng. Hãn cũng lúng túng. Chàng nói nhỏ bên tai tôi.

- Bạn ta hại ta rồi.

Trên bục gỗ, anh Các tiếp tục say sưa.

- … Đó là người có giọng đọc thơ “tối tân” nhất trong số bạn bè của chúng tôi. Xin quí vị chào mừng trước giọng đọc thơ tình “tối tân” nhất đó. Một tràng pháo tay. Thế là ào ào. Phòng rung rinh. Những tấm kính rung rinh. Tôi nghe được khá nhiều tiếng nện chân giầy trên sàn gạch. Anh Phước tìm ra chỗ chúng tôi ngồi, càng khiến chung quanh chú ý. Anh Phước trách:

- Tưởng ông bà không tới.

Hãn phác một cử chỉ xin lỗi. Chàng đổ lỗi trời mưa, không có xe và không nhớ đường. Người thanh niên lúc này trở lại đem cho chúng tôi hai chai coca và hai cái ống hút. Anh ta nói nhỏ vào tai anh Phước chuyện gì đó. Anh Phước bắt tay Hãn, xin lỗi và lẫn vào đám đông.

Trên bục gỗ, anh Các bắt đầu đọc thơ. Đó là bài Khi tôi về. Một bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, đồng thời đó cũng là bài gợi ý cho ông Phạm Duy viết tâm ca. Tuy nhiên lại rất ít người biết đó là thơ của anh Các. Trong lúc đọc thơ, anh Các thỉnh thoảng nhìn chúng tôi, cười. Chẳng biết có phải vì mãi cười với chúng tôi mà bài thơ anh Các đọc bị ngắc ngứ nhiều lần? Nhưng rồi anh cũng đọc hết bài thơ và Hãn bảo với tôi là bạn ta đọc lung tung xèng. Đoạn nọ lộn đoạn kia:

- Cũng may.

Những năm gần đây, phong trào đọc thơ có vẻ được phát động mạnh mẽ khắp nơi, cùng với nhịp độ gia tăng của chiến cuộc. Trên cao nguyên, một lần tôi có đi dự đêm thơ nhạc với Hãn. Đó là buổi đi chơi đầu tiên của hai đứa. Nhưng chúng tôi đã phải ra về khi chương trình vừa bắt đầu. Lý do vì thi sĩ đeo kính đen xùm xụp trên mặt, dù là trong phòng tối thui, cãi nhau chí chóe và chửi thề tùm lum với nhạc sĩ mặt méo. Là quan khách danh dự, chúng tôi được ngồi gần hai vị. Thấy khiếp quá, Hãn bảo tôi: “Thôi, có yêu nghệ thuật mấy chăng nữa, cũng phải rút lui ngay. Ở nán lại, quí vị nện nhau, chai lọ, ly tách lại bay vào mặt mình mất công”. Buổi tối đó, cũng có anh Các và mấy người bạn. Chúng tôi đến quán cà phê quen của anh Các ngồi một lát rồi Hãn đưa tôi về. Từ đó, tôi và Hãn đâm ngại tất cả những vụ gọi là đêm thơ nhạc tại quán xá.

- Ông Hãn đâu. Ông Hãn.

Anh Các hét vào micro và cười ầm ầm trước khi mắc lại micro vào cây sắt. Hãn vẫn ngồi không nhúc nhích. Thoạt một vài giọng rụt rè nhắc Hãn, sau nhiều tiếng to dần, xuất phát từ đám đông ngồi sát bục gỗ.

Anh Các về chỗ, nắm tay Hãn bắt đứng dậy. Trên bục gỗ, anh Phước lại hiện ra. Anh trịnh trọng giới thiệu Hãn với mọi người. Hãn biết chàng đã ở trong thế chẳng đặng đừng được rồi, đành phải đứng lên. Tôi vẫn nắm tay Hãn. Hãn nhìn tôi.

- Hãn. Tôi thì thào. Hôn em đi.

Hãn cúi hôn lên trán tôi và chàng thoát khỏi đám đông.

Trên bục gỗ, Hãn bình tĩnh trái với nỗi lo lắng của tôi. Chàng phân trần thuộc rất ít thơ và giọng đọc của chàng chẳng có gì là “tối tân” như anh Các giới thiệu cả. Một giọng nào đó, từ dưới ném lên “Không ‘tối tân’ cũng được. Thơ tình đi”. Hãn nheo mắt nhìn tôi. Chàng nói: “Vâng. Tôi xin đọc hiến quí vị một bài thơ tình mà tôi thuộc trọn vẹn. Một bài thơ tình khá dài. Xin quí vị chuẩn bị tinh thần để khỏi… ngáp trong lúc nghe. Về bài thơ này, tôi xin được công khai ngỏ ý rằng tôi chọn đọc, vì thiếu nữ đi với tôi trong đêm nay thích…”

Lại nhiều tiếng hét và tiếng cười ào vỡ cắt ngang lời Hãn. Hãn giơ ngón tay lên trời ý bảo tôi “nhất em đấy”. Nhiều tiếng cười lại ào ào bốc lên. Hãn lập nghiêm bằng đôi mắt sắc nhìn xuống, chung quanh dần dần dịu lại rồi im hẳn…

Hãn đọc “Đồng dao mới”. Anh Các nghiêng người sang tôi nói khẽ “tôi cũng thích bài này lắm”.

Giọng Hãn thay đổi theo nhịp diễn tả của bài thơ. Lúc dỗ dành ngọt ngào. Khi hùng hồn, sảng khoái. Qua ít câu đầu, càng tiếp sâu, chàng càng như tan lẫn vào bài thơ.

Em cũng biết phải không tình vốn chát
Như môi ta lạnh xót đêm nào
Như chim đi theo đường gió nghẹn ngào
Sương với lá trong lòng nhau quấn quít
Sông với núi không bao giờ cách biệt
Đêm với ngày, sự thực chẳng chia tay
Những cánhh rừng yên ngủ với heo may
Nhưng có phải, trái tim nồng vẫn đập
Năm với tháng chia nhau mầm khốn nhục
Vui với buồn cùng một mặt gương soi
Ra với đời cũng chỉ một ta thôi
Và em nữa vẫn là em tội nghiệp
Máu vẫn chảy nên tình còn oan nghiệt
Sông vẫn đi nên mưa vẫn quay về
 Biển vẫn xanh nên sóng vẫn vỗ về
Em cứ ngủ dù ngày mai bão tố
Em cứ gởi hồn em trong cõi trú
Mộng sẽ về kịp lúc gió lay cây
Trăng sẽ về đúng lúc tóc em bay
Anh sẽ bảo cả đời anh bến nhỏ
Đêm vẫn nở những đóa quỳnh rực rỡ
Em cứ buồn trắng ngát cả canh thâu
Khóc với cười chẳng khác chi nhau
Và chúng chỉ cho thấy tình ta thực
Ngực ngây ngất dậy hương lần thứ nhất
Trên vai thơm ngập xuống một lần
Trên môi non hồn hé nụ ân cần
Máu như chỉ kim thâu tình mãn kiếp
Ta đứng thẳng trong tình ta lẫm liệt
Núi chưa từng khuất phục gió mưa sa
Chim lìa đời còn đập cánh thiết tha
Ngực vẫn chảy tận cùng hơi thở cuối
Em cứ hát những-lời-xanh-bóng-tối
Những lời thầm lả tả nỗi đau riêng
Lửa sẽ về trong hồn lạnh đêm nghiêm
Em sẽ thấy thời gian như dát bạc
Đời hung hiểm muốn tình ta tan nát
Nhưng sông thề với núi chẳng chia tay
Nhưng mưa thề với biển sẽ ra khơi
Cây với cỏ có bao giờ tạm biệt
Than với củi sống chung cùng một phút
Nhưng tàn tro chẳng thể có hai đời
Như que diêm chỉ có một tiếng cười
Như ta chỉ có một đời tiêu phí 

Em đắm đuối đến vô cùng ủy mị
Em đam mê như hơi thở vơi đầy
Như chiều vàng thích đứng trên ngọn cây
Như anh thích những đời mưa luống tuổi
Ta nín lặng sống cùng đau đớn, mới
 Trong yêu thương ta chấp nhận cực hình
Khi vung gươm ta đợi đón đầu mình
Và khinh bỉ chung quanh đầy ác thú 

Đời vốn thế con thò lò xấp ngửa
Bận tâm chi tình nghĩa thế gian này
Em chớ buồn kẻo tàn tạ thơ ngây
Kẻo đêm rụng thêm chìm đau đớn, cũ
Ôi tóc lạnh xuống môi thờ thẫn nhớ
Em vì ta héo úa một mùa hương
Em vì ta sớm bỏ một màu son
Như sông sớm bỏ nguồn ra biển 

Tình giông bão xá gì hơn với thiệt
Đúng hay sai ta chẳng phải phân trần
Nhục nhã ư? Ta uống chẳng ngại ngần
Hạnh phúc hiếm ta cùng nhau san sẻ
Em yêu dấu hết đời anh có lẽ
Không còn gì để gửi lại cho ai
Không còn gì để giữ cho ngày mai
Em lấy hết, từ lâu đời sống đó

Cả phòng như chết lặng trong một không khí nín thở. Ngay tôi, dù đã thuộc làu cũng không thể ngoi lên khỏi cái triều sóng mênh mang xô dập của tinh thần bài thơ và giọng đọc tha thiết, nồng xót của Hãn. Bao nhiêu năm yêu nhau. Lần đầu tiên tôi biết, Hãn có một giọng đọc thơ số một. Giọng của chàng lúc đọc thơ và nói chuyện là hai phía khác nhau, không tương phản, nhưng dị biệt. Và tôi dù chết chìm trong đó, cũng không thể mô tả lại được. Chỉ biết rằng mọi người đã lặng đi có đến vài giây, trước khi hò la rung chuyển. Khi Hãn về chỗ, tôi không biết nói gì với chàng. Tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và mang ơn chàng bằng cách nâng tay chàng lên môi mình. Anh Các hài lòng với thành công của Hãn. Hãn đã chứng minh được lời giới thiệu trước của anh Các là không quá đáng. Hãn hỏi:

- Em nghe sao?

Bây giờ tôi mới mở miệng được:

- Em sung sướng.

Chương trình tiếp tục bằng một giọng ca sinh viên với một bản nhạc thịnh hành. Và sau đấy, anh Phước tuyên bố chấm dứt.

Đèn bật sáng. Nhiều người vây quanh Hãn. Tôi lùi lại phía sau như dấu hiệu của một người vợ đông phương không bao giờ là vật cản đường đi tới của chàng.

Anh chị Phước giữ chúng tôi ở lại uống trà, đồng thời chờ xe một người bạn trở lại đón. Anh Các nói định trở về đơn vị vào sớm mai nhưng gặp Hãn rồi sẽ không về nữa. Có thể anh sẽ ở lại và về Saigon cùng chúng tôi. Giữa không khí bằng hữu, ngồi bên Hãn, nói chuyện với anh chị Phước, tôi thấy mình mặc nhiên đã trở thành vợ Hãn. Nhớ lại cảm giác trong quán ăn, tôi nghĩ mình thật nhảm. Tinh thần mình như thế nào, sẽ cho mình cảm giác như vậy. Hình như tôi đã tìm ra chân lý. Đúng thế, ăn thua tinh thần mình. Tôi nghĩ và mỉm cười với chị Phước khi chị nói.

- Hồi tối muốn nói chuyện với chị quá nhưng phải về để lo quán. Anh chị còn ở đây lúc nào rảnh rỗi mời anh chị ghé chơi.

Tôi đáp.

- Vâng để em nói với anh Hãn.

Hãn và mấy người đàn ông nói chuyện văn nghệ.

Xe thả chúng tôi xuống phố chợ. Anh Các rủ đi ăn khuya. Hãn gật đầu ngay.

- Nên lắm.

Chúng tôi ngồi ở xe xôi gà, chờ anh Các đi đón chị Thảo.

Năm phút trước còi hụ giới nghiêm, chúng tôi mới về. Trong đêm mưa, lên xuống những con dốc, bóng chúng tôi hắt xuống mặt nhựa ướt. Tiếng cười nói của Hãn và anh Các vang đi bốn phía. Chị Thảo bắt đầu hát nhỏ một bài nhạc tiền chiến nổi tiếng. Thu đi cho lá vàng bay. Lá rơi cho đám cưới về. Ngày mai người em nhỏ bé, ngồi trong thuyền hoa… Tôi chỉ nhìn xuống mũi giầy, thấy những hạt nước long lanh trên đó, không biết mưa hay sương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 2010(Xem: 2899)
31 Tháng Năm 2010(Xem: 2951)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17066)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12274)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18997)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9180)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8359)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 994)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1183)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22478)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14015)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25517)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,