Lê Vương Ngọc - Đời Tình Du Tử Lê

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 6421)
Lê Vương Ngọc - Đời Tình Du Tử Lê

 

Cụ Nguyễn Du khi sáng tạo ra hai chữ nòi tình hẳn đã không ngờ lại đi trước ba trăm năm về môn di truyền học (genetics) trong y khoa hiện đại. Theo tôi ý nghĩa bình thường dù rất chính xác của nòi tình như trong gà nòi, ngựa nòi ngoài tính cách di truyền còn thêm ý trong trẻo, nguyên vẹn, không pha trộn. Như vậy kẻ thuộc loại nòi tình ngoài tính cách di truyền đa tình, đa cảm, còn thêm tính cách thuần lương. Nói cách khác, cuộc tình có thể éo le, tan vỡ, đau thương nhưng kẻ nòi tình không hề biết lợi dụng, không hề có ý nghĩ xấu về người tình của mình; và cuối cùng dù xa cách bao lâu cũng không hề mờ phai những kỷ niệm tuyệt vời một thuở.

 

Như vậy xét về phương diện lai lịch kể từ ông nội, ông thân sinh tới các anh, em, con, cháu, Du Tử Lê mang nhiều di truyền về tính luyến ái và cả tính cách tất cả cho cuộc tình bất vụ lợi, chung thủy (theo nghĩa dù đã tan vỡ, vẫn hằng tưởng nhớ, giúp đỡ nhau như những người bạn tốt.) Về tính cách thứ hai này, có thể có nhiều người không đồng ý, nhưng ta không nên quên rằng nhà thơ nào cũng đi tìm cái đẹp tuyệt đỉnh và nhất là các cuộc tình thường được họ thi vị hóa tới mức “chỉ có trong văn chương, thi phú mà thôi.”

 

* Du Tử Lê tìm đến tình yêu và cần nhiều tình yêu để khỏa lấp trong tâm hồn 2 khoảng không, có thể gọi là chân không.

 

- Chân không 1: Du Tử Lê có ông thân sinh rất nghiêm khắc nên thường quấn quít với bà mẹ và người chị lớn (Mẹ cho ăn ngon, chị cho mặc đẹp...) Ông thân sinh và người chị lớn cùng mất khi Du Tử Lê mới 4 tuổi. Bà mẹ từ đó thân xác lao đao, cuộc sống trong chiến tranh thăng trầm, bất trắc. Tâm trạng bất an của bà dội xuống mái đầu xanh với trí óc non nớt dễ bị khích động, có thể đã khiến Du Tử Lê cảm thấy dù tình mẹ thương con bao la, nhưng sự lo âu bất an thường trực trên nét mặt bà đã tạo trong tâm hồn Du Tử Lê một lỗ hổng, một khoảng trống, trọn vẹn, trống không, càng ngày càng lớn cùng với tuổi đời của Du Tử Lê mà tình mẫu tử tuy bao khắp và cần thiết nhưng không còn đủ nữa.

 

- Chân không 2: Từ 6 tuổi tới 11 tuổi, Du Tử Lê di tản 4 lần: 2 lần chạy giặc, một lần về Hà Nội và 1954, theo gia đình di cư vào Đà Nẵng, rồi Hội An; và 1955 vào Saigòn.

 

Ở Saigòn, thời gian đầu, Du Tử Lê cũng không được ở gần mẹ mà phải ở với gia đình anh chị để được kèm học. Năm 1962 Du Tử Lê nhập ngũ, Thủ Đức.

 

Cho tới năm 1975, khi tỵ nạn qua Hoa Kỳ, nỗi trống không của một kẻ khi ở với quê hương thì quê hương điêu tàn, quằn quại, khi xa quê hương lại càng thấy xót thương cho thân phận nhược tiểu - Là kẻ bị đọa đầy trong cảnh lưu vong nhạt tanh, nhàm lợm, Du Tử Lê đã đồng hóa mình với quê hương còn chưa biết tới bao giờ mới hết đầy đọa.

 

Từ di tích nòi tình tới nhu cầu khỏa lấp hai khoảng chân không, Du Tử Lê đã chìm đắm, nổi trôi trong những cuộc tình có khi nhiều cuộc tình cùng một thời gian, y như một dòng thác lũ đổ từ núi cao, cuồn cuộn, ào ạt, xoáy sâu, cuốn ngược, rẽ ngang, chảy dọc... một thôi dài, thật dài như quãng đời Du Tử Lê từ khi nhập ngũ tại Thủ Đức đến khi lưu ngụ tại Houston chữa bệnh - năm 1993, lành bệnh, Du Tử Lê trở về lại quận Cam. Dòng thác lắng dịu dần ở khúc quanh này, sắp nhập vào biển rộng. Đời sống tình cảm của Du Tử Lê từ năm 1994 cũng trở nên bình an dần sau khi lo cho một người tình xưa từ Việt Nam qua HK, chung sống êm đềm, chuẩn bị cho một hành trình chót của cuộc đời!

 

* Du Tử Lê và những éo le, oan trái...

 

Một người bình thường có số đào hoa đã rắc rối khá nhiều trong tình trường huống chi một thi nhân mà thơ văn được thưởng thức mến chuộng rộng rãi trong giới yêu thơ văn như Du Tử Lê:

 

 Chém cha cái số đào hoa

 Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.

 

Tôi sẽ bắt đầu kể lại các cuộc tình của Du Tử Lê bằng cuộc tình xảy ra tại Bến Chương Dương khi Du Tử Lê đang còn là sinh viên sĩ quan tại quân trường Thủ Đức. Người nữ sinh thơ ngây đối tượng của tình yêu này là con một bà chủ tiệm thực phẩm. Chàng với một tuần lễ làm sinh viên Hỏa Thực hàng ngày tới chợ, ghé tiệm của cô nữ sinh. Tuy thời gian gặp nhau ngắn ngủi mà mối tình sau này lại sâu đậm, éo le nên tôi nghĩ có lẽ cả hai cùng bị tiếng sét ái tình. Khi gia đình cô gái biết chuyện, nàng bị ngăn giữ không cho gặp Du Tử Lê với lý do Du Tử Lê là... Bắc kỳ. Nàng thổ lộ ba má nàng bắt nàng lấy một người “đồng hương” lúc đó mới theo học ngành y khoa. Sự chia cách vì lý do Nam-Bắc đã đưa tới hậu quả: cô gái thơ ngây vào dòng tu, lên Đà Lạt, rồi làm nghề gõ đầu trẻ.

 

Chàng thanh niên tuyệt vọng tìm quên trong một cuộc sống chung ngắn ngủi với một người con gái khác và chỉ vài năm sau thì đổ vỡ. Lâu lâu hai người tìm hỏi tin nhau qua không gian bát ngát đầy nuối tiếc, như trong bài thơ sau đây, viết từ năm 1967

 

hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn

trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng

bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám

trời xanh xao chân nhỏ cũng không về

cây mộng nở từng ngón tay lá nõn

nôi tương tư cỏ ấm thịt da người

(trích 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu)

 

Tưởng cũng nên ghi nhận rằng ngay từ năm 1967, Du Tử Lê đã đem nhân xưng đại danh tự tôi, ngôi thứ nhất, đặt sau một tính từ.

 

Ngoài bài thơ trên, Du Tử Lê cũng còn nhiều bài thơ khác, viết về bến Chương Dương, vĩnh viễn định ngôi cho mối tình đầu này.

 

- Khi thơ văn xuất hiện nhiều trên các tạp chí và được in thành sách, giữa vụ Tết Mậu Thân 1968, Du Tử Lê gặp một nữ sinh viên vừa mới bước chân lên đại học. Cuộc tình mãnh liệt, đích thực hai người mau chóng hình thành. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại lúc đầu, (trong đó, cũng lại có yếu tố Nam-Bắc,) cuối cùng người anh lớn của Du Tử Lê đứng ra thu xếp, giải quyết và, cuộc tình này đã đi tới hôn nhân chính thức một cách tốt đẹp vào năm 1970. Người tình này của Du Tử Lê cũng mang tên một loại ngọc, rất mực thông minh, lãng mạn và đam mê, nên đã để lại khá nhiều xúc động trong thơ văn Du Tử Lê. Điển hình như những bài Khúc Thụy Du, Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau, còn được biết dưới tên Ơn Em và tác phẩm quan trọng Thơ Du Tử Lê 1967-1972, là kết quả cụ thể của mối tình này.

 

hãy nói về cuộc đời

khi tôi không còn nữa

sẽ lấy được những gì

về bên kia thế giới

ngoài trống vắng mà thôi

thụy ơi và tình ơi.

 

(Trích Khúc Thụy Du)

 

Hoặc:

 

ơn em ngực ngải môi trầm

cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan

ơn em hơi thoảng chỗ nằm

dấu quanh quẩn dấu nỗi buồn một nơi

 

(Trích Kiếp Sau Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau)

 

Cho tới khi chính thức chia tay nhau, Du Tử Lê và T.C. có được hai con.

Thực ra như đã trình bày ở trên, Du Tử Lê thường hay sống cùng lúc với tình yêu đa phương, cho nên sau khi đã lập gia đình với T.C. rồi, vài năm sau, Du Tử Lê lại có thêm một cô giáo ở vùng Cao Nguyên yêu chàng và một nữ sinh viên Sư phạm Huế. Hai cuộc tình này cũng ảnh hưởng rất đậm nét trong một số tác phẩm của Du Tử Lê như cuốn Đời Mãi Ở Phương Đông, xuất bản ở Việt Nam, trước tháng 4-75 và Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, xuất bản ở hải ngoại 1999, vân vân...

 

Cuộc tình với cô giáo dạy ở vùng cao nguyên mang lại cho Du Tử Lê chữ nhỏ, để chỉ người yêu và chữ ấy về sau trở thành quen thuộc, phổ thông trong thơ văn.

 

- Tháng 4-75, đưa tiễn gia đình người anh lớn ra bến Bạch Đằng, do hoàn cảnh thay đổi bất ngờ vào phút chót, Du Tử Lê trong vai trò người đi tiễn, trở thành người “di tản” thực sự. Chính vì thế mà khi T.C. trở lại điểm hẹn, sau khi đã mang con về gửi bên ngoại, thì Du Tử Lê đã lên tầu, ra khơi. Tuy nhiên vì T.C. có quốc tịch Pháp cho nên chỉ hai năm sau, T.C. qua được Pháp và năm 1978, đoàn tụ với Lê ở Hoa Kỳ.

 

Tới trại tỵ nạn Camp Pendleton, tình cờ Du Tử Lê gặp lại người yêu cũ, tức cô giáo ở vùng cao nguyên là T.N., Du Tử Lê ra trại chung sống với T.N. ở thành phố Costa Mesa, cho tới khi T.C. qua được từ Pháp.

 

* Đưa Mẹ Về Biển Đông/Thi Vị Hóa Kinh Điển Trong Hai Mối Tình Rất Đạo:

Đời sống khắc nghiệt ở xứ sở này không cho phép người đàn ông có thể duy trì một cuộc sống một cảnh hai ba quê, cho nên cuối cùng T.N. ra đi. Nhưng kịp khi T.N. ra đi thì Du Tử Lê lại rơi vào một mối tình đam mê khác. Mối tình với một cô gái người Trung Hoa; rồi tiếp đến là mối tình khá ồn ào với một nữ ca sĩ. Chính sự việc này, khiến T.C. không còn sức chịu đựng nữa. C. và Lê chia tay nhau. Nhưng dù vậy, ảnh hưởng của T.C. vẫn âm ỉ, đôi khi rất mạnh mẽ trong thơ văn của Du Tử Lê cho tới hiện tại.

 

Thời gian Lê chung sống với người ca sĩ này cũng là thời gian mà bà thân sinh của Du Tử Lê qua đời.

 

Sự qua đời của bà thân sinh ra Du Tử Lê, có lẽ là một biến cố dữ dội nhất trong đời sống tinh thần của Lê. Khủng hoảng này để lại cho người đọc: Trường khúc: Mẹ Về Biển Đông. Một trường khúc mà dư luận ngoài cũng như trong nước lượng giá là một trong vài trường khúc giá trị nhất trong văn học Việt Nam hiện đại.

 

Xin trích dẫn một vài đoạn làm thí dụ:

 

tôi tìm ra nhà quàn dễ dàng hơn tôi tưởng

nơi đó không lâu

tôi đã tới thăm một người bạn bị cháy

mười năm sau cái chết của Ngạc

lần thứ hai tôi tìm tới một nhà quàn

tôi tới lần này, không phải để nhìn xác con hay xác bạn

mà để tìm xác mẹ tôi

cây nhân thế đã đâm chồi thất lạc

và nhân gian chung một vết thương.

……

trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy

ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ

có chiếc ngó xuống tám mươi lăm năm làm người u ám

tám mươi lăm năm lầm than

tám mươi lăm năm họa hiếm

nửa đêm tỉnh dậy

đôi mắt già nua của mẹ tôi không ngấn lệ

trí nhớ tôi có cánh cửa

ngó xuống ngôi nhà tôi đã ở

ngôi nhà ngày một mất đi những đứa con

ngôi nhà tản cư tới Do Lễ, trở về

những nền xi măng cháy lỗ mỗ

như miếng da trâu thui chỗ trắng chỗ đen

mẹ tôi ngồi xoa mãi đôi tay

trên xác của những con chó bị bắn chết

….

khi tôi tới, những bông bird flower ngửa mặt nở ối

tôi nghe ai, một người nào khác

không phải tôi vật xuống cỏ

những bàn tay bằng hữu thân thiết đặt lên vai

một người nói. Nói.

Một người nói. Nói.

tôi không biết cách nào người ta thả chiếc quan tài mẹ tôi xuống huyệt

ai đó dúi vào tay tôi cành huệ trắng

người con gái nói: vứt xuống

tôi nghe dội đập liên hồi trong óc: vứt xuống. Vứt xuống. Vứt xuống. Vứt xuống.

tôi nhoài người ôm lấy đôi vai bần bật của chị tôi

đất bắt đầu ném lên nắp áo quan

bật khô hồi kinh cộc

đất. Đất. Đất. Đất...

…...

 

Tâm cảm của Du Tử Lê biến chuyển như những đợt sóng ngầm tại một hợp lưu của ba giòng tình yêu ngay sau khi mẹ chết, dàn trải trong một trận đồ vô thường qua phần đầu của tập thơ Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Nhan đề này đã nói lên một sự chống đỡ sinh tồn sau chót trước chỉ trích cay nghiệt của thế nhân trước một tình trạng đa đoan, nguy ngập cả về tinh thần lẫn thể xác của nhà thơ:

 

ở chỗ nhân gian không thể hiểu

ly biệt từng đêm tôi với tôi

ở chỗ nhân gian không thể hiểu

người về máu chảy buốt trong gương

...

ở chỗ nhân gian không thể hiểu

trí nhớ nào vân lên thủy tinh

ở chỗ nhân gian không thể hiểu

nát đá. Tan vàng. Lá bỏ cây

sớm mai đã sẵn nghìn bia mộ

không ngọn nến nào cháy trên tay.

...

 

Hoặc:

 

tôi không thể nghĩ rằng em đã khuất

mất hay còn? - chưa hẳn đã khác đâu.

 

Hoặc nữa:

 

bằn bặt tin nhau niềm xót bạn

ruột gan từng miếng đứt lìa con

giữa trưa có kẻ cuồng điên khóc

tê điếng lòng hơn nhớ nước non

 

(Trích Giữa Trưa Có Kẻ Cuồng Điên Khóc)

 

Du Tử Lê có thể cùng lúc có nhiều người tình nhưng chàng lại rất bất công khi tuyệt đối không chấp nhận cho người tình có bất cứ một liên hệ mật thiết nào với người khác phái. Đây cũng là thành kiến cố hữu của Du Tử Lê khiến chàng khó tái hồi được với người tình cũ...

 

- Sau khi tích cực tiếp tay Lê, lo cho bà cụ, người nữ ca sĩ lập lại đòi hỏi hợp thức hóa mối liên hệ giữa hai người. Thời gian này Du Tử Lê bị khủng hoảng tinh thần về rất nhiều mặt. Có thể bệnh Thyroid phát xuất từ thời điểm này. Giữa khủng hoảng kia, một người nữ khác xuất hiện, cũng là một người xuất thân trong giới nghệ sĩ. Chính người nữ này đã mang đến cho Du Tử Lê sự ham mê tìm hiểu kinh và đạo Phật. Hai chữ Bồ Tát mà Du Tử Lê mang vào trong thơ đầu tiên vào năm 1989, nhằm chỉ người đàn bà đó.

 

Cuộc tình này vừa mới chớm nở thì bị người ca sĩ nói trên phát hiện. Du Tử Lê đành phải nhận chịu sự hiểu lầm của người đàn bà mà cháng gọi là Bồ Tát, để đổi lại, Du Tử Lê và người ca sĩ kia thỏa thuận chia tay nhau; điều mà Du Tử Lê đã đề nghị trước đó nhiều lần nhưng không được chấp nhận.

 

Cả hai người phụ nữ này với những cá tính đặc biệt của họ, đều mang lại cho thơ văn Du Tử Lê một số sáng tác quan trọng hiểu theo nghĩa mang nhiều giá trị đáng kể.

 

Dưới đây là một vài thí dụ về ảnh hưởng cùng ngôn ngữ Phật Giáo trong thơ Du Tử Lê qua mối tình với Bồ Tát này:

 

tôi đây. Bạn cũ. Từ nay hết

chẳng nắng mưa nào chia biệt ta

cảm ơn huệ nhãn em khai mở

tiền kiếp xưa mình đã có nhau

 

bạn cũ. Còn đây đêm rất thấp

tóc nồng da thịt. Phần son thơm

hôm nay quỳ dưới chân Bồ Tát

tụng một pho tình-yêu-hoa-nghiêm

 

Hoặc:

 

thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em

kinh kệ nghìn pho có một tên

viết hoa một chữ không ai hiểu

Phật bảo kinh mà không phải kinh.

 

Hoặc:

 

Bồ Tát! Lòng khuya lá gọi cây

con đường trí nhớ đầy heo may

cánh chim nghi hoặc rừng oan khổ

tôi sẽ trường chay. Nhận lạy này.

 

Trong thời gian còn đắm chìm trong cuộc tình với người ca sĩ, có một chiếc bóng (rất đúng nghĩa là chiếc bóng) lúc nào cũng đi bên cạnh ngày tháng, sinh hoạt của Du Tử Lê. Đó là một người con gái mới lớn, rất tinh khiết. Đó là Thánh Nữ. Thánh Nữ cũng là hai chữ đầu tiên của người con gái. Cô tên T.N.

 

Vì luôn luôn theo dõi mọi sinh hoạt của Du Tử Lê nên ngay khi Du Tử Lê vừa ra khỏi được cuộc tình nhiều năm với người ca sĩ kia, TN đã hiện ra như một nguồn cứu rỗi lớn lao cho tinh thần của Du Tử Lê. Tiếc rằng nguồn cứu rỗi này cũng không kéo dài được bao lâu vì TN phát hiện ra căn bệnh nan y trong cơ thể nàng. Căn bệnh tàn phá nhan sắc T.N. một cách thô bạo... Tây y bó tay, T.N. chọn về Việt Nam chữa theo thuốc nam. Không muốn cho Du Tử Lê phải khổ vì mình, qua một người bạn chung là T.H., tức nhà thơ HTD, T.N. đã khuyên Du Tử Lê nên chọn một đời sống khác, với một người nào khác. Như bài thơ sau đây là một thí dụ:

 

mưa gió đã vùi chôn hồn Thánh Nữ

có điều gì như thể sắp chia tan

chiều rửa tội trong mắt người cứu rỗi

nhận hay xua? - Tôi cũng đã tân tòng.

 

Trong ánh sáng của mối tình T.N. Du Tử Lê đã ngày một vào sâu hơn kinh điển của đạo Thiên Chúa. Kinh điển sự tích của Thiên Chúa Giáo đã mang nhiều hứng khởi cho thơ văn của Du Tử Lê rất nhiều. Điển hình là tập thơ Đi Với Về Cũng Một Nghĩa Như Nhau và một số bài thơ trong những tập trước và sau đó. Như:

 

cây thánh giá có một đầu rất nhẹ

Chúa không kêu ai vác hộ bao giờ

có khấn nguyện chớ để lòng biết rõ

vì điều gì cũng tự xóa bôi đi

 

em quay mặt khước tình tên ngoại giáo

đâu biết rằng Chúa khổ biết bao nhiêu

 

(Thập tự nàng)

 

Hoặc:

 

bằng tin kính của tông đồ thứ nhất

tôi xấp mình đón đợi bước em qua

rừng thảm thiết nghiêng đầu nghe gió tạt

núi nghìn năm còn đợi đá thêm khô

em đã nói cho đi mà chẳng nhận

chim không về. Biển thẫm bóng Nô-Ê

tôi thồ ngựa tìm đường lên núi Sọ

gặp hồn mình treo cổ giữa truông ma.

 

bằng tin kính của tín đồ khổ lụy

nhận tôi đi. Em ạ. Chớ quay đầu.

 

(Phúc âm ngoại giáo.)

 

Hoặc nữa:

 

tôi xin nhận lãnh từ tay Chúa

chén đắng trần gian, hộ một người

 

Tuyệt vọng trước mối tình với T.N., khi gặp lại một người học trò cũ của cô giáo dạy học ở Pleiku, từ trại tỵ nạn qua tìm; hiểu được mối tình thầm kín mà cô bé này đã dành cho Du Tử Lê từ năm cô mới học lớp đệ ngũ; nghe được những bất hạnh mà cô bé trải qua sau buổi gặp gỡ giữa Du Tử Lê và cô bé ở hội trường trường Tuyên Đức Pleiku, (trong Tuần Lễ Văn Hóa Pleiku, năm 1972, khi Du Tử Lê là một trong mấy nhà văn thuyết trình ở hội trường này;) biết được những nhục nhằn ê chề của cô trên đường vượt biển, có lẽ vì đã nhiễm tinh thần từ bi hay bác ái của hai tôn giáo lớn, nên Du Tử Lê quyết định chung sống với cô, như mơ ước thầm kín mà cô bé hằng ôm ấp từ khi còn rất nhỏ. Chàng tin quyết định của chàng sẽ mang sự bình ổn, ý nghĩa đời sống trở lại cho tâm hồn người con gái bất hạnh này.

 

* Cuộc tình Austin, Dallas, Houston và Tulips.

Những ngày về Houston để được bác sĩ H.T.Ph. chữa bệnh và chu tất cho mọi y phí, dù đang sống với người con gái từng gọi nhau bằng thầy, trò, Du Tử Lê gặp lại một thiếu phụ trẻ từng ái mộ thơ văn chàng, trong một buổi giới thiệu sách tại Fortwoth, cuộc tình bốc cháy dữ dội. Có nhiều lý do để giải thích cho cuộc tình mà trong thơ, văn, Du Tử Lê gọi là Tulip, một loại hoa được trồng nhiều ở Tiểu bang Texas. Ngoài lý do nhan sắc, Tulip còn được ghi nhận là cực kỳ thông minh, nhạy cảm lãng mạn, liều lĩnh, táo bạo... cũng đã mang lại cho Du Tử Lê những cảm xúc mạnh mẽ, sắc đậm:

 

ngực tháng ba mai phục

những đời / nắng / mưa / riêng

máu tươm thời dấu mặt;

tay lấp mồ thanh, tân

 

ký ức em: ấu trùng

đục gốc mùa hạ cũ

trưa cao / liền / tiếng chim

cây dướn mình uống gió

tự điển những đời sau

định nghĩa / em / thần thoại.

 

(trích Em Đẻ Ra Tôi: Mới)

 

Hay:

 

(đúng rồi)

chúng ta sẽ tuyên đọc rõ to

tuyên ngôn mới

một tuyên ngôn khác hơn nhân quyền

(nhân quyền gì!?!)

khi em chưa về

được sống một ngày no kềnh mơ ước)

 

(Trích Tuyên Ngôn Của Những Người Không Cần Kiếp Sau)

Thành công trong thương trường nhưng thất bại trong hôn nhân vì cuộc hôn nhân xảy ra khi Tulip còn quá nhỏ, lại được tác thành để giải quyết phần nào khó khăn kinh tế, một vài năm sau biến cố 30-4-75 xảy ra. Cho nên, sau khi vượt biên tới Mỹ, cuộc hôn nhân này tan vỡ. Tuy nhiên vì cả hai cùng là người Công Giáo cho nên hôn phối về mặt đạo của khi hai người phải đợi tới ngày Tulip gặp lại Du Tử Lê, lúc đó mới nỗ lực vận động từ nhiều nơi, nhiều phía, để cuối cùng, được sự chấp thuận ly dị từ Tòa Thánh La Mã.

 

* Chấm dứt luân hồi: em bước ra

 

Thực sự câu thơ rất gợi cảm này mang nặng tính chất tượng trưng: ra khỏi luân hồi coi như được thoát khỏi bao nhiêu tầng địa ngục đầy ải, điêu linh của các kiếp! Trong tập thơ mang nhan đề trên, tôi đọc thấy sự chung thủy của Du Tử Lê và sự tìm kiếm lại vang bóng một thời tình yêu xưa.

 

chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt

mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ

chẻ đôi nhân thế: mù tăm tích

ta nghĩa trang nào? chôn, cất nhau!?

 

chẻ đôi tâm thất: kênh, mương cạn

hương tóc truy tầm vai thất tung

tưởng ai oan khuất vừa quay gót

xương, thịt, đời sau, máu rất buồn

(trích Khúc Hạnh Tuyền, Núi Sông)

 

Tôi đã đề cập tới người tình của Du Tử Lê thời đầu thập niên 70, cùng lúc với người mang tên ngọc lành (sau này là vợ chính thức của Du Tử Lê,) và với cô giáo dạy học tại Cao nguyên (cũng chung sống với Lê tại Hoa Kỳ trong khi T.C. còn kẹt ở Saigòn.) Người đó là sinh viên sư phạm mang tên một dòng suối trong. Tôi không được biết nhiều về mối tình này. Nhưng suy luận theo các sự kiện xảy ra thì hiển nhiên mối tình rất êm đềm, không có hay hiếm họa có sóng gió, trong một khung cảnh Huế rất nên thơ và tiếng nói của con gái Huế rất mặn mà, âm giai như chim hót khiến Du Tử Lê ngày đêm nghĩ cách lo cho nàng rời khỏi Canada vào Hoa Kỳ. Họ đã chính thức ra mắt lứa đôi với gia đình và bằng hữu vào mùa xuân năm 1994.

 

Rất nhiều thơ dành cho H.T. ở cuốn sách này làm trong khoảng 91, 92, 93 và họ đã nối lại cuộc tình dở dang trong khuôn thước mới, lắng dịu hơn, chầm chậm và êm ả hơn như họ đang sống ở một căn nhà nhỏ, với mảnh vườn bao la và hoang dã, có hồ cá, có vườn hồng, có khế, có lựu...

 

Từ tái nhập với HT, nếp sống Du Tử Lê đã thay đổi như trên. Tâm tư Du Tử Lê cũng thay đổi nhiều. Bằng chứng là mấy tác phẩm xuất bản sau 1994 khai thác các nguồn cảm hứng về bằng hữu, về lẽ sống, về quê hương, về những mặt trái của tiến bộ kỹ thuật... Thảng hoặc vẫn còn có những bài dành cho kỷ niệm xa xưa với ít nhiều ngậm ngùi, tuy nhiên nhẹ nhàng hơn. Thi sĩ đã làm lành với chính mình, với các người tình hiện diện nơi đây hay đang xa vắng. Và người tình đặc biệt cũng là người tình chót này đang giúp Du Tử Lê chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng, chuyến đi ra biển, trở về nguồn!

 

LÊ VƯƠNG NGỌC

(Aliso Viejo, 8-19-97)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Bảy 2022(Xem: 4747)
23 Tháng Tư 2022(Xem: 16576)
23 Tháng Sáu 2021(Xem: 4170)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3151)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 3719)
22 Tháng Sáu 2021(Xem: 2449)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9178)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11068)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,