Chương Năm

29 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 5397)
Chương Năm

TÔI KHÔNG MUỐN BÁO TIN CHO chàng biết là tôi đã có giấy gọi đi làm. Điều này là một đau đớn không riêng cho chàng mà với gia đình và cả chính tôi nữa. Lúc đầu tôi nghĩ, việc tôi xin đi làm sẽ giúp ích khá nhiều cho gia đình, nhất là cho người anh lớn của tôi và tin tôi sẽ sung sướng lắm, khi nhận được giấy gọi. Đi làm, hai chữ đó reo vào óc tôi, như một xác nhận tôi đã lớn, tôi đã trưởng thành. Tôi vẽ ra trong óc tôi, không biết bao nhiêu là chương trình, dự tính. Những chương trình, dự tính của người lớn. Tôi nôn nao, mong đợi ngày mà mọi người công nhận tôi, như một người lớn. Tôi nghĩ rằng nếu là người lớn, tôi sẽ có rất nhiều tự do. Anh chị tôi chắc sẽ phải nhìn tôi bằng con mắt khác, ít ra thì cũng không thể muốn la nạt tôi lúc nào thì la nạt, muốn mắng mỏ, muốn quát tháo, sai bảo điều gì cũng được. Nhưng sao hôm nhận được giấy báo, cầm nó trong tay, tôi bỗng rưng rưng bùi ngùi. Cái xúc động thật lạ kỳ. Cái xúc động của một kẻ vừa chợt nhận thấy mình đã đánh mất một báu vật. Tôi đọc kỹ tấm giấy, tôi đọc nhiều lần tên mình với đầy đủ ngày sinh tháng đẻ, nhất là phần “chiếu theo đơn xin đề ngày... của cô”. Tôi muốn khóc ngay lúc đó. Nhưng không. Mắt tôi vẫn ráo hoảnh, dù tay chân tôi run rẩy. Tai tôi ù, trí óc tôi như chỉ còn là một tấm màn căng dãn đến độ muốn toạc rách. Tôi đứng lặng người trước nỗi kinh ngạc, khó hiểu của ông tống thư văn. Tôi không nhớ, mình có kịp cám ơn ông ta một tiếng, trước khi chiếc xe đạp của ông lao đi?

 

Tôi vào nhà, lên gác, không muốn nhìn ai, nói với ai. Suốt ngày đó, tôi không ăn cơm, người bần thần như muốn bệnh. Mẹ tôi ái ngại, dỗ dành tôi, hỏi chuyện gì. Chắc bà cụ đoán tôi buồn chuyện gia đình cản ngăn cuộc tình giữa tôi và Tự. Không những không cải chính, tôi còn lơ luôn chuyện đã nhận được giấy gọi. Tôi nói trống không: hình như con bị cảm. Mẹ tôi âu yếm đặt tay lên trán tôi, hồi này con mẹ yếu lắm, phải làm sao chứ, cứ để mãi vầy nguy hiểm cho sức khỏe của con. Tôi dấu mặt trong ngực mẹ tôi, như ngày nào còn bé, hôm nay mẹ cho con nghỉ học nghe. Mẹ tôi xoa tóc tôi, giọng bà cụ thấp xuống, trầm hơn, buồn và nhẫn nhục, ừ thì con nghỉ, nhưng cần nhất, là có chuyện gì, con phải nói thực hết cho mẹ nghe, mẹ không muốn con dấu mẹ một điều gì cả (mẹ tôi hơi ngập ngừng trước khi tiếp) lâu nay con có gặp thằng Tự không? Tôi lắc đầu, không, không một lần nào sau khi Mẹ và Ba ra lệnh không cho con gặp Tự nữa. Con có oán Ba oán Mẹ không? Sao Mẹ lại nói vậy. Mẹ không muốn chúng con gặp nhau thì con đã làm theo lời Mẹ. Con có nói gì đâu mà sao Mẹ lại hỏi vậy. Mẹ tôi cười, vuốt má tôi, ừ Mẹ hỏi cho biết chừng ấy mà, Mẹ biết con Mẹ ngoan lắm, nếu Ba hoặc Mẹ có cấm cản con thì cũng là vì lo cho hạnh phúc của chính con, chứ nào Ba Mẹ khó khăn gì với con đâu, con thấy không, ba nhận xét đúng lắm... Tôi ngắt ngang lời Mẹ tôi, vâng con cũng nghĩ vậy, nhưng tôi Mẹ đừng đề cập tới chuyện đó nữa con mệt quá, con muốn đi nằm đây. Mẹ tôi dìu tôi lại giường, kê gối cho tôi. Trong một phút, tôi thấy mình bé bỏng và ngu ngơ lạ thường.

 

Hình như dù có thể nào chăng nữa, thì tôi vẫn chỉ là một con bé mới lớn. Một con bé sống luôn với những dại dột của tuổi thơ mình, và sự canh chừng, săn sóc của những người thân chung quanh. Tôi không thể tưởng tượng được tôi mai mốt trong tư cách của công chức, trong một cơ quan của nhà nước, với tất cả, những gì tạo nên vẻ riêng của một cơ quan nhà nước như bàn giấy, quạt máy, những tấm bìa xanh đỏ, đựng hồ sơ. Những cây kim gút những mẩu bút chì, những giỏ rác, đặt ở một góc phòng. Chiếc quạt trần cũ lích kích chạy trên đầu. Những khuôn mặt đã đóng băng, những nét nhăn lặng lờ không còn cảm xúc. Tôi rùng mình với một viễn tượng cứng chết đơ. Tôi không biết rồi tôi sẽ phải làm gì và bằng cách nào cho qua hết những giờ rảnh việc. Tôi không thể mường tượng ra mình trong những phút tụm năm tụm ba với vài nữ đồng nghiệp, xì xầm bàn tán về một kẻ vắng mặt, về ông xếp, về thứ hàng áo mới sang, về thuốc sơn tay, về mốt giày mới có. Tôi nghĩ, không thể để đời mình chưa có đã thui chột.

Mấy hôm sau, mọi người trong gia đình tôi đều hay tin tôi sắp đi làm. Mỗi người một ý kiến, nhưng tựu trung ai cũng tỏ dấu không muốn thấy tôi bỏ học. Thật kỳ quặc. Tôi không hiểu những người này muốn gì. Khi ý nghĩ cần phải đi làm, cần phải kiếm ra tiền, ám ảnh tôi do chính lời mai mỉa cay nghiệt, ty tiện của các anh các chị tôi, chính họ là những người đã nuôi dưỡng ý niệm không thể sống nổi, không thể muối mặt nuốt những hạt cơm chua xót, từ sau vụ buôn bán thất bại liên tiếp của ba tôi. Sự sa sút đã hiện rõ trên khuôn mặt mẹ tôi, với những nét nhăn mỗi lúc một nhiều, với những đêm trằn trọc, những tiếng thở dài nặng nề, tôi bắt gặp trong những lần tỉnh giấc. Chính anh chị tôi, chính họ đã lần lần, bắt tôi phải cảm thấy nhục nhã mỗi khi cầm bát cơm đưa lên miệng, dù sự thực, tình cảnh gia đình tôi, chưa đến nỗi thảm thiết thế. Nghĩa là tôi chưa phải sống bằng những đồng tiền do anh chị tôi kiếm được. Nhưng chính những người này đã cho tôi cái ý niệm tiền là tất cả. Tiền chi phối không những đời sống mà nó còn quyết định đến cả tình ruột thịt.

 

Lúc tôi kịp nhận ra tuổi trẻ của mình cũng là lúc tôi thấy nó đã bị đầu độc, bị bôi đen, bị chàm nám. Tôi không học được ở các anh các chị tôi một điều gì khác hơn những bài học ty tiện, những đua chen nhỏ nhen, những thù hằn cấu xé lẫn nhau, những quan niệm về một đời sống được xây dựng trên căn bản thuần túy vật chất. Phải giàu có, dù bằng cách nào, nếu cần phải tàn nhẫn, nếu cần phải để lương tâm tới chỗ tán tận. Tôi không nhớ, ai đã nói với tôi điều đó. Nhưng đấy là đại khái, là một phần nhỏ, nhỏ thôi, những bài học do những người thân yêu đem đến cho tôi, và từ lúc nào không biết, chúng đã làm hoen ố tâm hồn tôi. Nói vậy không có nghĩa là tôi muốn trách cứ bất luận ai trong gia đình tôi. Mặc dù, nếu truy nguyên đầu mối của thảm cảnh này, lỗi do nơi cha tôi. Cha tôi với bản chất nghệ sĩ, cái mà mẹ tôi gọi gọn bằng một chữ “gàn”. Nếu ba tôi không “gàn”; nếu ba tôi thực tế và nghĩ xa hơn, đến tôi, các em tôi, ba tôi tiếp tục đi làm, chắc gia đình tôi cũng không đến nỗi xào xáo thế này. Tôi cũng không một chút oán trách thái độ hằn học của anh chị tôi (cái hằn học tôi nghĩ, không thể có được ở anh chị tôi, những người có học). Không phải ra đời kiếm ăn, bị thực tế phũ phàng quất vụt, về đến nhà, quay lại hành hạ, dày vò các em. Tôi có tật ít cãi lại và luôn im lặng trước mọi lời nhiếc móc xỉ nhục. Nhưng cái im lặng của tôi là im lặng của cương quyết lì lợm. Tôi khăng khăng với ý định đầu tiên của mình. Sở dĩ, tôi phải để cho ba má tôi biết chuyện tôi sắp đi làm, vì tôi định sẽ đi chơi mấy ngày ở một thành phố biển, nơi tôi có một người chú đang buôn bán tại đó. Tôi viện lý do sức khỏe và mai mốt đi làm rồi, sẽ không dễ gì có những ngày rảnh rỗi nữa. Ba tôi bằng lòng ngay. Mẹ tôi có vẻ ngần ngại, trù trừ. Bà cụ bảo, để con đi một mình, mẹ không yên tâm chút nào hết, mà mẹ cũng không thể đi cùng con. Tôi nói, con lớn rồi, đâu còn nhỏ dại gì, hơn thế, con đi cùng với bạn con, con Nhự đó mẹ, ra ngoài ấy, con sẽ đến nhà chú Thượng. Mẹ nhớ chú Thượng không? Mẹ tôi gật đầu. Tôi nói tiếp, nhiều lần chú Thượng đến chơi nhà mình, vẫn bảo có dịp nào con ra ngoài đó dăm bữa với chú thím đó, mẹ.

 

Trong số mấy chị em chúng tôi, có lẽ tôi là người được chú thím yêu nhất. Chú Thượng bảo tôi giống hệt một người cô, em ruột của ba tôi và chú Thượng, ngày xưa. Cô tôi qua đời đã lâu, hình như vào năm cô mười bốn tuổi, bị trúng bom, trong một vụ oanh tạc lầm. Mẹ tôi vẫn còn tỏ dấu phân vân, ngập ngừng, nhưng cái phân vân có ngầm chứa một phần đồng ý. Tôi ra công nì nèo, năn nỉ. Ba tôi cũng nói thêm vào. Ông cụ bảo. Ba sẽ viết cho chú Thượng một lá thư tay, dặn chú thím trông nom con cẩn thận. Tôi gật đầu, vâng, với lại không ở nhà chú Thượng thì con cũng đâu có biết ở đâu. Cuối cùng, mẹ tôi miễn cưỡng bằng lòng cho tôi đi nhưng rút thời gian một tuần xuống còn bốn ngày, là tối đa. Tôi mừng rỡ nghĩ tới việc báo cho chàng biết chương trình dự trù của hai đứa, tiến triển tốt đẹp.

 

Tôi đến nhà Tự khoảng năm giờ chiều. Doãn bảo chàng vào trại từ sáng, trưa không thấy về. Tôi viết tấm giấy nhờ Doãn đưa lại. Dắt xe ra, tôi nhớ đến Nhự và lại thẳng nhà nó.

 

Nhự cũng đi vắng. Mấy đứa em Nhự chạy ra reo lên kéo tôi xềnh xệch vào nhà. Má Nhự đang dở tay lặt bó rau cải dưới bếp. Bà cụ gọi tôi xuống. Tôi ngồi lặt giúp bà cụ ít cọng cải và nghe bà cụ nói chuyện về Nhự gần đây có vẻ khang khác. Bác nghi con nhỏ nó có bồ bịch gì đó cháu ơi, cháu có nghe nó nói gì không? Tôi bấm bụng, nhịn cười, làm bộ ngơ ngác, vậy hả bác, sao con không nghe Nhự nói gì hết, con nhỏ này thế này thì không được, dấu ai chứ không lẽ nói lại dấu cháu. Má Nhự ngừng tay, nhìn sâu vào mắt tôi, cười có giả đò không đó Thục? Tôi cũng cười, cháu nói thiệt đó mà, bác không tin sao? Má Nhự buông thõng tay trên đầu gối, ừ, có lẽ cháu chưa nghe nó nói đâu, mới đây thôi, chừng non hơn tháng hà. Tôi hỏi dồn:

- Vậy chớ, ai nói bác nghe?

- Nào, có ai nói đâu.

- Ủa, sao bác biết tài vậy?

Bà cụ đứng lên bắc dời siêu nước xuống, đặt nồi khác lên:

- Thì bác mới cảm thấy vầy vậy đó mà.

Tôi đùa:

- Vầy vậy là sao bác nói cháu nghe đi.

- Ừ, ừ... thì bác thấy hồi này nó cứ xin phép bác đi chơi hoài à. Mà nó cũng sinh chứng làm dáng, làm điệu, ngó đầu ngó óc trong gương luôn đó. Trước đây nó đâu có vậy. Nó ngoan lắm cơ. Đi học về đến nhà quẳng sách quẳng vở là vào bếp ngay. Suốt ngày có bao giờ nó bước ra khỏi cửa. Chỉ trừ những lần nó đến cháu hoặc đi chơi với cháu.

- Có vậy mà bác cũng sinh nghi sao?

- Ờ, thì thấy nó khác khác, bác đoán non đoán già vậy đó.

 

Như chợt nghĩ ra, điều gì, má Nhự đứng sững một lát, xong lại gần tôi, nói nhỏ:

- Mà cháu đừng nói cho nó nghe rằng bác nghi nó có bồ có bịch nha. Cháu là bạn thân của nó, cháu thử dò la xem sao trước đã. Có gì cháu nói cho bác hay.

Tôi gật đầu:

- Vâng, vụ này bác cứ để cháu. Nhưng nếu Nhự nó có bồ thiệt thì bác tính sao?

Má Nhự ngập ngừng:

- Thì bác đâu có cấm. Con gái con lứa mà, nó cũng lớn rồi, nếu bác thấy đàng hoàng bác sẽ để cho nó tự nhiên còn bằng không bác sẽ... Bà cụ bỏ lửng câu nói ở đây.

Tôi định hỏi tiếp, chợt nghe tiếng trẻ la ngoài cửa: Chị Nhự về... Chị Nhự về... Có chị Thục lại đó chị...

Má Nhự dục tôi rửa tay lên nhà.

Tôi bước ra nhà ngoài, lúc Nhự đang loay hoay dựng xe, chiếc nón quàng ở ghi đông đập vào xe kêu lạch cạch.

Nhự tròn mắt khi nhìn thấy tôi, reo lên và ôm chầm lấy, làm tôi nhột nhạt, ngượng nghịu trước mắt nhìn của đám em Nhự. Tôi gỡ tay Nhự ra:

- Đừng giỡn à nghe bồ.

Nhự cười lớn, đẩy dũi tôi ngồi xuống chiếc ghế salon chạy ùa vào trong nhà.

- Thục chờ Nhự chút xíu nha. Vào trình diện bà bô đã.

 

Tôi nhìn theo Ngự và cảm thấy lây chung niềm hân hoan, hạnh phúc của Nhự.

Tình yêu đã cải biến Nhự thành một đứa con gái khác. Nhự không còn là một con Nhự co ro, ủ rũ ngày nào. Tình yêu đã thổi vào tâm hồn Nhự, đời sống Nhự, một nguồn sống dạt dào, đẫm ướt ý nghĩa. Nhự không còn bước bằng những bước chân nặng nề, dúi về phía trước. Nhự đã có những phút giây ngửa mặt nhìn trời. Nhự đã có những bước chân trong hia bảy dặm. Nhự đã thấy thấp thoáng, ở đâu đó, ở chung quanh những cảnh tượng rực rỡ về một tương lai trong tầm Nhự đã thấy ít nhất đời sống cũng đã mở ra, cho Nhự, một cánh cửa riêng, riêng cho Nhự, Nhự và người tình, Nhự và Hiệp, Nhự và tất cả những mơ ước khát khao. Nhự và ý nghĩa đời sống thực sự, đầu tiên hiển hiện. Không hiểu sao, tôi vẫn hằng đinh ninh rằng, nếu Nhự yêu, Nhự sẽ sung sướng, sẽ hưởng được hạnh phúc nhiều hơn tôi. Có lẽ tại hoàn cảnh và tâm tình của hai đứa, trái ngược nhau. Nếu tôi nhút nhát, e dè và sợ sệt bao nhiêu thì Nhự lại liều lĩnh táo bạo hơn tôi bấy nhiêu. Chính Nhự, ngày nào đã nói với tôi: khi yêu ai, Nhự sẽ không cần gì hết. Nhự bất chấp tất cả, ngay cả gia đình nếu cần. Nó cũng sẵn sàng chết, chết để bảo toàn tình yêu của nó. Là con đầu đàn, nhưng Nhự được cha mẹ rất mực chiều chuộng. Đôi lần cả bà cụ lẫn ông cụ cũng bày tỏ thái độ sẽ để mặc Nhự chọn lấy người bạn đường của mình: Tất nhiên, gia đình cũng có ý kiến, nhưng ý kiến đó, không có nghĩa là một bắt buộc cưỡng ép Nhự phải chiều theo ý mọi người. Ông cụ bảo “thời buổi này thanh niên trai gái chúng nó ghê lắm. Đến một tuổi nào đó, mình phải thấy vai trò của mình chỉ là vai trò của một người hướng dẫn thôi. Vì đó là lúc, chúng đã đến giai đoạn tự định đoạt lấy đời sống của chúng. Nhất là chuyện chồng vợ, trăm năm. Quan niệm xưa, chỉ xô đẩy chúng đến chỗ liều mạng. Chừng ấy, không những mình ân hận về việc làm của mình mà còn vô tình giết hại đời nó, hoặc gây cho nó một mối oán hận cha mẹ không sao gạt bỏ được. Tùy ý à, con Nhự nhà này, mai mốt mà nó lỡ có thương ai, nếu tui có không bằng lòng mà sau nhiều lần khuyên giải không được, tui sẽ cho chúng nó lấy nhau. Vậy để sau này, có sao, chúng cũng không thể oán trách gì tui được. Thà như vậy còn coi được hơn là ngăn cản chúng. Ngăn cản cuối cùng, cũng không xong mà rồi lại chả làm sao hết”. Tôi nghĩ Ba Nhự đã có lý. Cái lầm lẫn ghê gớm nhất của những bậc làm cha mẹ là cái lầm lẫn về một ảo tưởng có thể làm đầy, có thể làm thỏa mãn được tất cả mọi nhu cầu đời sống của con cái, cũng như luôn luôn nghĩ mình dùng hay có lý trong tất cả mọi trường hợp. Trong khi sự thực với một số nhu cầu nào đó, cha mẹ dù có lòng thương con tràn trề đến mấy cũng không thể thay thế, cũng không thể khỏa lấp những trống vắng, những lẻ loi, những hiu quạnh, những réo gọi âm thầm, mơ hồ, trong đời sống tinh thần của con cái. Đó là giai đoạn của một cần thiết tình yêu đôi lứa. Điều này, nó tự nhiên như khí trời, vu vơ như gió nổi và cũng đằm đằm mãnh liệt như những đầu sóng bạc, như những mạch nước ngầm dưới đáy sâu! Không biết sau này về già, tôi có đối xử với con cái giống như đa số những bậc cha mẹ hiện nay không? Nhưng, quả là tôi không hiểu được các cụ, khi các cụ, thời xưa, còn trẻ, cũng đã từng trải qua những cơ cực, những đau thương với những cuộc tình chất ngất. Lẽ ra, các cụ phải dễ dàng, phải cởi mở, phải cảm thông với con cái của các cụ sau này mới phải chứ. Sao lại ngược thế? Thay vì ngày xưa các cụ không được phép chọn lựa lấy đời mình, nên bây giờ các cụ cũng quay lại đúng những vòng quay của chiếc bánh xe căm hận từ tiềm thức đó?

 

Nhự trở lên trong tấm áo cánh xanh mỏng, viền ren trắng. Giải lụa, lụa nâu thắt thành cái nơ, hai đầu thõng xuống, rung rinh theo nhịp bước như đôi cánh lớn của một con bướm lạ trên nền cỏ non. Nhự cười:

- Nhìn chi dữ vậy. Bộ lạ lắm sao?

Tôi nắm tay Nhự:

- Vừa gặp Hiệp phải không?

Nhự đưa tay lên môi ra dấu bảo nói nhỏ và liếc mắt nhìn mấy đứa em ngoài hàng hiên:

- Ừa. Gặp Tự chưa? Hiệp nói Tự cần gặp Thục lắm đó.

Tôi lắc đầu:

- Có lại mà không gặp. Doãn bảo đi từ sáng, trưa không về.

 

Nhự đưa tay nghịch hai búi tóc ngắn cột bằng hai sợi thung. Những cọng tóc vênh vểnh như hai cái tai thỏ. Tôi bảo Nhự hồi này trông đẹp hẳn ra. Có... có khác. Nhự cười khanh khách, đập vai tôi:

- Lại nói nhảm rồi. Hổng chịu đâu.

- Chịu quá đi chứ không chịu. Giả bộ hoài.

- Ấy. Nhự hất mặt ngúng nguẩy.

- Đến đâu rồi?

- Ly kỳ lắm. Nhự ghé sát tai tôi. Nhưng không thể kể lúc này được để bữa nào đi chơi, có giờ rảnh mình sẽ kể cho Thục nghe.

- Ừ.

- Còn chuyện của bồ sao?

Tôi bắt đầu chán ngán:

- Nản lắm. Tưởng thời gian sẽ làm dịu lần, không ngờ mỗi ngày mỗi thêm rối ren, khốn đốn.

Chợt Nhự hỏi tôi:

- Mày còn nhớ Sương không?

Tôi ngơ ngác:

- Sương nào?

- Sương ngày xưa học cùng lớp mà mình vẫn gọi đùa nó là Sương tồ đó.

Tôi reo lên:

- À, nhớ rồi. Giờ nó làm gì. Còn đi học không?

- Không. Nó nghỉ rồi. Đi làm sở Mỹ, sở Mẽo chi đó.

- Sao mày lại nhắc đến nó.

- Tại tao gặp nó hôm qua trên phố, nó hỏi về mày. Tao nói sơ nó nghe. Nó bảo đứa ao ước thì không được. Đứa có thì lại chả ra làm sao. Tao mà là con Thục thì...

- Thì sao?

- Nó bảo, thì nó khác mày.

Tôi cười buồn bã:

- Mỗi đứa một đời riêng. Làm sao suy diễn như vậy được.

 

Nhự cũng thở dài, mắt xa xăm không khí im lặng như chụp đè xuống hai đứa một lát, im lặng qua, tôi kể cho Nhự nghe một vài nét chính của những diễn biến quan trọng, từ sau khi chuyện chúng tôi yêu nhau bị phát giác. Nhự hỏi:

- Tự có biết những điều đó không?

Tôi gật đầu:

- Có chứ. Thục có kể lại cho Tự nghe, tất nhiên cũng có những điều Thục dấu. Dấu vì không muốn Tự buồn, cũng như để Tự khỏi có thêm ác cảm hay lòng khinh khi đối với những người thân của Thục. Điều mình nghĩ tới là làm sao để sau này còn nhìn mặt nhau chứ nếu dẹp bỏ tất cả, thì vấn đề dễ giải quyết quá.

- Thế ý kiến của Tự ra sao?

- Tự tránh có ý kiến. Thường Tự chỉ im lặng, hay cười, cái nụ cười nửa miệng của Tự thì Nhự đã biết, không thể hiểu được rằng sau nụ cười ấy là những ý nghĩ, những cảm tưởng gì. (Tôi thở ra). Làm như Tự cố tình tránh có ý kiến, để mình sáng suốt, nhìn thấu trọn vẹn, cả hai phía. Thái độ này của Tự đôi khi cũng làm mình buồn bực khó xử.

- Bây giờ Thục tính sao?

- Còn biết tính sao? Chả tính gì hết. Có điều sức chịu đựng dù nhiều đến đâu, cũng có giới hạn của nó. Chừng không kham nổi nữa, mình sẽ mặc, cho nó tung tóe, muốn ra sao thì ra.

 

Hễ cứ nhắc đến chuyện của hai đứa là tôi lại muốn khóc. Có bao giờ tôi tưởng tượng tới lúc, đời tôi phải chịu đựng đau đớn khổ sở đến thế này đâu. Dẫu từ xưa tôi vẫn linh cảm thấy, rồi đời tôi sẽ khổ, số tôi lận đận long đong. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy, chứ tôi không hề mường tượng tới ngày nay. Tới cái ngày mà tôi phải chịu đựng thường xuyên từng giờ, từng phút những cái bĩu môi nhún vai, những lời bóng gió xa xôi, đôi khi đê tiện của những người thân yêu về cuộc tình tôi và sự im lặng trong mắt nhìn đăm đăm cùng nụ cười nửa miệng của chàng, thấp thoáng cái dáng vẻ khinh bạc ngạo mạn. Nỗi xót xa khôn cùng của tôi, cũng ở chỗ đó. Ở chỗ vì yêu tôi, vì quá yêu tôi, chàng phải chịu đựng biết bao ê chề, nhục nhã. “Đời anh, có lẽ đây là lần thứ nhất nhục nhã như thế này. Cái nhục nhã khiến anh không còn đủ can đảm ngước mặt lên nhìn ai, cũng như không dám nhìn vào chính mình nữa. Thực anh cũng không thể hiểu vì đâu, anh lại yêu em đến độ có thể chịu đựng được đến như vậy.” Chàng nói thế, với tôi khi ngồi hàng ghế đầu của một rạp hát tối tăm, nhớp nhúa, trong lần đi Ciné gần nhất. Tôi bảo “em khóc đây, anh đừng nói nữa đừng nói nữa.” Chàng im bặt. Nhưng nước mắt tôi, lúc đó, không dưng cũng đã ứa quanh tròng. Tự kéo đầu tôi ngã vào ngực chàng. Tôi nhắm mắt muốn tan hết đi, những buồn thảm trong đầu cùng với dòng lệ tủi. Tự kê cằm lên tóc tôi, tay chàng xoa nhẹ trên mẩu xương vai tôi nhô cao. Chàng bảo, em gầy quá, anh không biết phải làm sao bây giờ. Anh thế nào cũng chịu đựng được hết, nhưng thấy em tiều tụy anh cầm lòng không được, cứ nội nghĩ tới chuyện em khổ sở suốt tuần qua, anh đã muốn điên lên. Anh muốn phá tung, muốn đập vỡ hết, không cần giữ gìn gì nữa. Tôi lần tay trên mặt Tự. Chàng nâng cằm tôi lên, ghé sát mặt hỏi: Yêu anh không? Mấy hôm nay Bé có nhớ anh chút nào không? Tôi lắc đầu cười dấu mặt trong ngực chàng. Tự mím môi, nghiến răng ghì xiết lấy tôi.

 

Liệu có thể có một trường hợp thứ hai, đau đớn, cay cực hơn trong trường hợp hai đứa tôi yêu nhau không? Tôi tự hỏi.

Nhự ghé ngồi trên vai ghế tay đặt nhẹ trên đầu tôi, cời cợt mái tóc:

- Tóc Thục dài ngang vai rồi đó. Nuôi từ bao giờ mà mau ghê há.

Tôi kéo tay Nhự xuống, ấp giữa hai bàn tay của mình.

- Gần được một năm rồi đó, Nhự.

- Nhự thèm có mái tóc giống Thục ghê.

 

Tôi cười:

- Hiệp thích tóc dài hay sao?

- Không. Hiệp bảo Nhự để tóc như thế này trông trẻ thơ dễ thương, nhưng Nhự vẫn thích tóc mình dài hơn.

- Thì Nhự chịu khó nuôi một thời gian đi.

- Cũng muốn vậy mà tóc Nhự ít quá. Thưa thấy mồ, nuôi gì nổi.

- Vừa rồi hai người đi đâu?

 

Nhự ngập ngừng:

- Đi ciné, Thục.

- Phim hay không?

 

Nhự ngắt vai tôi:

- Chọc người ta hoài.

Tôi bật cười:

- Ơ kìa, người ta hỏi phim hay không chớ nói gì sao mà ngắt người ta.

Nhự bịt miệng tôi:

- Nho nhỏ chứ. Bà cụ ở nhà sau nghe thấy là chết cả bọn đó. Không chơi đâu.

 

Tôi vẫn cười:

- Lạy người ta đi, người ta tha cho, không có người ta hét ầm lên bây giờ.

Nhự van vỉ:

- Dạ, thôi thì em lạy cô. Cô tha cho em. Cô không tha cho em thì...

- Thì sao?

- Thì em lại ngắt cô nữa cho mà xem.

Hai đứa đang ôm nhau cười ngặt nghẽo. Má Nhự đi lên. Bà cụ nhìn con gái, âu yếm, quay sang tôi nói:

- Ở lại ăn cơm với bác nghe con.

Tôi dẫy nẩy:

- Dạ thôi. Dạ thôi. Xin bác. Con phải về bây giờ. Không nói trước ở nhà. Mẹ con lo. Con không thể ở lại được đâu bác.

Nhự chêm vào:

- Má mời làm gì, cô ấy chê cơm nhà mình không có thức ăn đó má.

- Bậy nào. Tôi phát vào chân Nhự.

Má Nhự cười:

- Cái con nhỏ này. Thôi không ăn thì thôi, bữa khác nhưng cứ ở đây chơi đã. Còn sớm lắm mà, về chi vội. Bác hỏi trước vậy để nếu có bác còn liệu.

- Vâng, thôi bác cho con bữa khác đi bác.

Má Nhự quay vào nhà. Tôi chờ tiếng dép của bà cụ tắt hẳn, mới bảo Nhự:

- Thôi, Thục đi đây Nhự ơi.

- Đi đâu?

- Ghé nhà Tự một lần nữa xem sao?

- Ừa, đến Tự thì mình chả dám giữ. Giữ trễ việc của bồ rồi ông bà lại oán tui mất công lắm.

 

Tôi ra khỏi nhà đem theo cái vui của Nhự.

Trời chiều bừng bừng xe cộ. Bụi mù với những vạt nắng còn rơi rớt trên các khu xóm thấp. Gió nhẹ chạy dọc theo con lộ hẹp. Bóng tôi hắt xuống mặt hè mờ nhạt và gẫy gấp thành từng cạnh. Chả biết Tự có nhà không? Đi đâu mà đi hoài thế này không biết nữa.

 

Ông tướng lại dám viện cớ buồn bã để đi chơi cho đã. Ừ, cứ đi chơi bừa đi, em lại nhà ba lần liền mà không có, em sẽ không bao giờ lại nữa. Em cũng thèm nói gì đâu. Cạy răng cũng chẳng thèm nói. Chừng đó đừng có năn nỉ.

Tôi mỉm cười một mình, nghĩ lát nữa, sẽ nói với chàng như vậy.

Vừa đẩy cửa vào sân, chưa kịp hỏi Doãn xem Tự có nhà không, chàng đã chạy ra, mừng rỡ:

- Lúc nãy em lại anh phải không?

Tôi gật đầu:

- Anh đi đâu mà ghê quá vậy. Trưa cũng không về.

- Đâu có. Anh ở trong trại, trưa định về thì có bạn rủ đi chơi. Chàng nói, mắt nhìn đi nơi khác. Anh lại nói dối em rồi. Tôi nghĩ nhưng không nói ra.

 

Buổi chiều đã đầy trong hàng hiên. Gió lay động đám lá trên cao. Những cây hoa quỳnh uốn xuống. Chàng ra khép cửa, xong, chúng tôi vào phòng. Chưa kịp nói năng gì, Tự đã ôm lấy tôi, hôn vùi, những nụ hôn làm tôi tối tăm cả mặt mũi. Mấy hôm nay, Yến có lại anh không? Tôi hỏi, chàng lắc đầu, không, không thấy. Tôi lại bàn, cúi xuống, cầm khuôn ảnh lộng hình tôi. Có lẽ chưa lần nào nhìn chính mặt mình mà tôi lại thấy buồn bã như vậy. Tôi không thể nghĩ được rằng đứa con gái đang cười trong tấm ảnh này lại chính là tôi. Không. Không phải mày đâu, Thục à. Đó là một người khác. Một kẻ đã chết. Một dĩ vãng đã xa, đã khuất. Ít nhất thì đứa con gái kia, cũng đã chết trong mày. Có còn chăng, chỉ là một đứt quãng hoàn toàn, giữa những ngày đã qua và thời gian đang tới. Tôi đã mất, đã mất không còn lấy một mảy may vô tư, từ ngày yêu chàng. Tôi đã mất, mất hết, đến nhẵn tay, những ngây thơ còn vương vất trên gương mặt tôi, mới ngày nào tưởng chừng như có thể búng ra sữa. Tôi không còn là một con bé bất cứ, lúc nào, thế nào, cũng có thể nhoẻn miệng cười, một cách dễ dàng nữa. Sự thực tình yêu không thảm thiết thế, tự nó. Nhưng những gì bên ngoài nó, những gì ở chung quanh, ở dưới chân nó, đã hủy hoại, đã phá vỡ, đã nhổ đi tận gốc rễ những mầm nhánh tươi mát của tâm hồn tôi, của đời sống tôi. Tôi muốn tin, muốn bằng vào lời chàng, để tự an ủi, để tự dỗ dành thêm can đảm, chì trí “dù thế nào chúng mình vẫn còn nhiều thời gian để đền bù cho nhau”. Khốn nỗi những lúc một mình, những lúc phải đối đầu với bao lời mỉa mai, châm biếm của người thân trong gia đình, tôi lại trở về nguyên vị trí của một đứa con gái mới lớn, nhút nhát, nghi hoặc, e ngại, trước một tương lai mà các anh các chị tôi vẽ ra, đầy bất trắc. Tôi không thể víu bấu vào đâu để trấn tĩnh tinh thần mình. Tôi hoang mang, tôi giao động tới cùng cực. Nhiều lúc tôi đã định thần nhắm mắt, buông trôi ý nghĩ, biết đâu những lời nói của các người đó chẳng đúng. Có thể biết đâu, vì họ ở ngoài, họ sáng suốt hơn mình và nhất là khi tôi nghĩ sở dĩ mọi người phản đối kịch liệt cuộc tình chung giữa tôi và Tự, cũng chỉ vì họ lo cho tương lai của tôi. Cũng chỉ vì họ thương tôi, cũng chỉ vì họ sợ rồi sau này tôi sẽ khổ tôi sẽ ân hận một đời với quyết định quá nông nổi của mình. Tựu trung dù họ có cay nghiệt, có quá đáng với tôi, cũng là trên căn bản, làm sao để ngày sau tôi được sung sướng được hạnh phúc và ý nghĩ này, đã đưa tư tưởng tôi đến gần với quyết định, hay là xa Tự. Hay là thôi không yêu Tự nữa. Hay là hãy quên Tự đi. Quên chàng đi, để có được một cuộc tình đẹp, đẹp ở chỗ nó dang dở, đẹp ở chỗ nó đứt đoạn tan nát. Ba tôi bảo thế. Sao con không làm như vậy.

 

Văn chương, còn đến bây giờ cũng rất nhiều câu ngợi ca sự tuyệt vời của những mối tình không có đoạn kết. Ba tôi còn đọc hai câu thơ đã đưa Hồ Dzếnh lên hàng bất tử:

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.

 

Đã mấy ai không ước đời mình có được một mối tình đẹp, tất nhiên. Tôi cũng thế. Nhưng rồi khi cơn giao động tan đi, khi một mình với những buổi sáng nắng hừng cao khu vườn, những buổi trưa ngồi rửa bát, những đêm cúi đầu trên trang sách, tôi lại thấy rõ ràng, đời mình không thể khác hơn. Sự cần thiết có chàng trong đời sống tôi, nếu nói được, bằng một cách nào khác, đã là một nhu cầu một nhu cầu tất yếu như bất cứ một nhu cầu tất yếu nào khác, của đời sống. “Đời nó không thể biết đến một người đàn ông thứ hai. Đó là định mệnh. Có ép buộc mấy cũng chỉ vô ích mà thôi.” Tôi nhớ, cậu tôi đã nói vậy, trong dịp ghé thăm gia đình tôi và xem tử vi cho tôi. Tôi không phải là kẻ dễ tin nơi bói toán hay tướng số. Tôi cũng không hề bị ám ảnh bởi lời giảng giải của cậu tôi về lá số tử vi của tôi, vì tôi nghe câu ấy lúc tôi mới mười lăm tuổi. Lúc mà tôi không có một chút ý niệm vào về sự liên hệ giữa nam, nữ. Tôi đã cười và nhủ thầm, cậu nói sai rồi cậu ơi. Quả thực hồi đó, và ngay đến khoảng thời gian trước khi gặp Tự, tôi vẫn còn nghĩ, tới giải đoán của cậu tôi hoàn toàn sai, sai bét, bởi tôi không nghĩ gì khác hơn việc học. Tôi muốn sau này tôi sẽ nổi tiếng trong tư cách một nhà bác học, một nữ bác học chứ, và suốt thời gian đó, ba tôi cũng không nói chuyện gì với tôi, khác hơn chuyện học hành. Cho đến tôi gặp chàng. Gặp chàng cũng là lúc tôi chợt thấy cái bản thể nữ của mình. Tôi đã bàng hoàng không ít, khi nhận ra mình, căn bản vẫn là một phụ nữ. Phụ nữ là gì, làm gì chăng nữa, cũng không thể xóa bỏ được bản chất nữ tính của mình. Cái bi đát, cái đau đớn, day dứt nhất của đời tôi trước những biến chuyển lớn lao đầu đời mình, cũng hệt tại chỗ tôi không thể nào vượt qua được cái tôi là. Không phải tôi không yêu bà, yêu mẹ tôi. Không phải tôi cãi lại ý chung của những người thân trong gia đình. Càng không phải nếu gán cho tôi cái tiếng bất hiếu, bất mục. Nhưng từ một mặt nào khác, tôi thấy rõ tôi hơn ai hết. Tôi không muốn sau này, tôi sẽ rơi vào đúng vết xe đã dẫm. Nghĩa là tôi luôn tha thiết mong làm vừa lòng cha mẹ tôi, nhưng cũng chính thế, tôi không muốn, sau này, chính tôi lại là kẻ hơn ai hết, oán trách cha mẹ tôi. Tôi không muốn tôi là một chị Bân thứ hai trong gia đình, đắm dìm mình trong tuyệt vọng, trong thả trôi với ý nghĩ hờn oán luôn ầm ĩ trong tâm hồn. Tôi biết rõ tôi hơn ai hết, ở chỗ tôi thấy trước, tôi không thể để một người đàn ông nào, khác hơn chàng, ôm ấp. Chỉ nội nghĩ tới, kẻ nào, một ngày kia, sẽ ghé gần mặt và kề môi hôn tôi, tôi cũng rùng mình lợm giọng. Tôi không thể tưởng tượng rằng tôi sẽ chịu đựng nỗi điều đó. Tất cả những gì đụng chạm đến tôi, trừ chàng đều khiến tôi ghê tởm, ghê tởm, và có thể hơn nữa như một xúc phạm nhục nhã không thể tha thứ được dù là tha thứ cho chính mình. Tôi cũng không thể quan niệm “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, về điểm này có lẽ tôi thực tế hơn ai hết. Tôi không một chút lãng mạn. Phải đúng thế không? Mặc dầu mọi người trong gia đình tôi cứ khăng khăng bảo tôi lãng mạn. Không. Tôi đâu có lãng mạn. Tôi không hề. Bởi chỉ cần một chút lãng mạn thôi, tôi có thể chấp nhận cái mà mọi người đã coi gần như định lệ trên. Tự an ủi, dù nói bằng cách nào, lối nào, cũng không mang ý nghĩa gì khác hơn sự tự phỉnh gạt, tự lừa dối. Tôi thù ghét tất cả mọi giả dối phỉnh phờ. Tôi thích nhìn thẳng vào sự thực.

 

Sự thực, ở đây, của tôi, là đang làm buồn lòng ba, mẹ tôi. Sự thực, ở đây là tôi đã, đang và sẽ vĩnh viễn còn yêu chàng, còn yêu Tự, dù cho mai kia chàng có phản bội tôi dù cho mai kia chàng có hết yêu tôi. Dù cho có vì tình yêu đó, mà tôi bị nguyền rủa, bị mang tiếng, bị hàm oan. Nhưng đó là chuyện mai sau, vấn đề quan trọng không ở đó, mà ở chỗ tôi đã yêu. Tôi đã yêu chàng. Tôi đã tự nguyện hiến dâng đời tôi cho chàng. Tôi đã tự nguyện mãi mãi là kẻ đem bóng mát đến cho đời chàng. Tôi xây dựng chúng, trên căn bản thân xác của tâm hồn tôi, của đời sống tôi, của những điều kiện vây quanh hay có ở đời riêng của mỗi đứa.

 

Tự cầm khung ảnh đặt xuống chỗ cũ. Chàng vòng tay ngang lưng tôi bế xốc lên, đặt xuống giường. Tôi rẫy rụa rồi co rúm người lại như con sâu đo. Tự ghé nằm cạnh. Mặt chàng nghiêm trang.

- Chuyện mình ra sao Thục? Có tia hy vọng nào không?

Tôi lắc đầu:

- Em sắp đi làm. Có giấy rồi.

Tự nhỏm dậy, sửng sốt:

- Đi làm?

- Thì Thục đã nói với anh lâu rồi mà.

 

Chàng ngơ ngẩn:

- Anh tưởng nói vậy chứ còn lâu. (Chàng thở dài, nằm xuống, đăm chiêu nhìn lên trần nhà). Đi làm. Đi làm, như vậy Thục bỏ học. Bắt đầu kiếm ra tiền. Thục sẽ khác. Đồng tiền sẽ biến đổi người ta mau lắm. Chàng yên lặng, mím môi một lát rồi bỗng nhiên xoay người, nắm chặt đôi vai tôi.

- Thục.

- Dạ.

- Em không thể khoan đi làm được sao?

- Không anh. Em muốn thoát khỏi cái khung cảnh này, em không chịu nổi nữa.

- Anh sợ.

- Anh sợ gì?

- Anh sợ đồng tiền sẽ làm hỏng em. Hỏng tâm hồn em.

 

Hỏng đời sống em, và có thể, nó sẽ là đầu mối của những nứt rạn tương lai hai đứa.

Tôi nhìn thẳng vào mắt chàng:

- Anh không tin em sao?

- Tin.

- Không. Anh không tin em. Anh nghi ngờ cả em nữa?

- Không. Tin mà.

- Thế sao anh nói vậy?

- Không biết nữa.

- Anh nghĩ vậy là anh khinh em.

- Không.

- Có. Bỗng dưng tôi cảm thấy tủi thân, đau đớn, không ai hiểu mình. Cả chàng nữa. Tôi thảng thốt kêu lên cùng lúc nước mắt ở đâu bỗng dưng bật chảy. Hình như những giọt lệ bị dồn nén từ bao ngày, nay mới có dịp thoát ra. Tôi khóc tức tưởi. Chàng vỗ về tôi nhưng cuối cùng, cũng khóc theo.

 

Lát sau, tôi lau mắt ngồi nhỏm dậy bảo, anh cho Thục về. Muộn rồi. Bao giờ mình gặp lại nhau? Chàng hỏi, tìm chiếc lược đưa cho tôi gỡ tóc. Tôi nghiêng đầu cho tóc chảy về một phía, thứ bảy này, anh nhớ lo vé máy bay, sao cho kịp đi vào sáng thứ hai. Em xin phép được rồi hả? Tôi gật đầu. Chúng tôi nhìn nhau, bằng những con mắt hoe đỏ. Tôi mắc cỡ quay đi. Chàng vít đầu tôi xuống, hôn nhẹ lên trán và mắt. Lúc buông tôi ra, chàng nói dạo này anh hay bị hoảng hốt quá. Đêm không ngủ được. Hễ cứ chợp mắt là nằm mơ thấy toàn chuyện ghê gớm gì đâu không hà. Tôi cười; chứ không phải thấy cô này cô kia sao? Chàng nghiêm sắc mặt, giọng phẳng lặng, bậy nào, hình như càng ngày anh càng bị ám ảnh bởi ý tưởng một ngày nào, anh sẽ mất em, một ngày nào đó, chúng mình sẽ vĩnh viễn xa nhau, em sẽ bỏ anh.

 

Tôi đưa chiếc lược lại cho chàng, áp người vào ngực chàng, vòng tay vuốt đôi má chàng gầy hóp, anh chỉ được mỗi cái nghĩ vẫn vơ là không ai bằng. Chàng cãi, không thật đó. Bé ơi (chàng vẫn thường gọi tôi lẫn lộn giữa hai tên này) em biết không ngay trong giấc mơ, có nhiều lần giật mình tỉnh dậy anh lạnh người, khi thấy hai bàn tay mình run run chụm lại, như đang muốn bóp cổ ai, sau phút ấy, anh mệt lả và thấy khó thở ở ngực. Nghe anh nói Thục sợ quá à, bữa nào anh cũng bóp cổ em như vậy, chắc em chết mất. Tự cười, nụ cười chàng áo não quá. Tôi không đủ can đảm nhìn lâu vào nụ cười lạnh cứng như một nhánh hoa héo, đẫm nước. Trong tôi, bỗng không ánh lên một hoang mang, lo lắng bồng bồng. Có lẽ chàng đã nói thật. Tự đã nói thật. Cái chết, giải pháp cuối cùng mà chàng đã quyết định chọn lựa cho cuộc tình này, phải chăng đã trở thành một ám ảnh thường xuyên trong tâm trí Tự. Nó đã chìm vào tiềm thức. Nó đã lẫn tan trong cả những giây phút của vô thức. Chàng sẽ phát điên, chàng sẽ hóa rồ hóa dại nếu ám ảnh này không có một lối thoát, nếu tình trạng dồn nén của hiện tại, cảnh tình chúng tôi, không phá vỡ, không xẻ vạch được một sinh lộ. Trong trường hợp đó, chính tôi, là thủ phạm giết hại đời chàng. Chính mày sao, Thục? Chính em ư anh. Chính em đã hủy hoại đời anh? Chính em đã xô vùi anh tới đáy cùng của thảm cảnh tuyệt vọng? Không. Không phải em chứ anh. Không. Không thể thế được. Em yêu anh, em sẽ chết cùng anh. Em không thể sống nếu không có anh. Em đã hoàn toàn lệ thuộc nơi anh từ tinh thần đến thể xác. Chúng ta đã hòa tan làm một. Anh hay em chết đi, là sự tắt theo nguồn lực của kẻ ở lại. Là hết. Là không còn gì, kể cả cái thể xác vô tri này. Em sẽ không bao giờ để anh như vậy. Bằng cách nào thì em cũng sẽ là người đưa anh ra khỏi cơn nguy kịch kia. Bằng không, chúng ta cùng... Tôi lẩm bẩm. Chàng rút thuốc, anh sợ quá bóng tối, bóng tối, sự yên lặng và ngay cả những tiếng động mơ hồ của nó. Anh sợ lắm. Anh sợ cả tiếng trở mình của anh, anh sợ cả hai bàn tay khi anh tự chúng, nắm lấy nhau. Anh khổ quá Bé ơi. Em phải có những thời gian dài mất ngủ liên tiếp, mới hiểu nổi tâm trạng hãi hùng của những kẻ một mình trong bóng đêm, một mình trong im lặng bằn bặt, một mình giữa những tiếng động không tên, không phương hướng, không điểm khởi, thình lình mở ra, thình lình bật vỡ, thình lình đồng vọng, vây quanh.

 

Tôi xiết tay chàng, ấp vào ngực. Tôi không thể nghe chàng nói tiếp, óc tôi quay cuồng, thân tôi rời rã, thần trí tôi tê liệt. Cái tê liệt của một đau đớn, xót xa, bất lực. Cái tê liệt có giữa một trắc ẩn và một ý thức trách nhiệm hay tự khứng nhận. Tôi đưa tay chàng lên gần môi hôn. Mùi thuốc khét lẹt, cháy thơm một cách quen thuộc êm dịu. Tôi đợi chàng dứt lời, bảo, thôi anh cho em về, muộn quá. Tối mù rồi anh ơi.

 

Bóng tối đã chập choạng ngoài khung cửa sổ. Qua những thanh sắt rỉ, tôi thấy thấp thoáng, mầu trắng của mấy tấm áo cánh, ai phơi trong hàng dậu kẽm, nhà bên cạnh.

 

Có tiếng dép của Doãn đi trên mặt đá lạnh, cùng điệu sáo miệng theo một bản nhạc tình, cũ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19001)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9184)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19190)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21740)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,