Tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây

20 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 5742)
Tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây

dongsongkyuc40x40-content-content

và, px. nguyên.

“đời tẻ nhạt liếm môi mình cũng nhạt.

tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây.”

(thơ dtl.)

1.

Chiếc xe hối hả như muốn chạy đua cùng mặt trời đang bị những sợi dây vô hình vội vã kéo lên cao. Nắng sớm từng chùm lọt qua cành, nhánh những rặng xoài nặng trái. Nhác trông, như những chiếc võng xanh ương, treo lửng, đu đưa bởi gió đồng.

Trên những thửa ruộng lúp xúp chân lúa mới gặt, nước đọng từng vũng do sự nấn, nuối của những trận mưa rào mấy ngày trước. Xa xa, đôi ba cánh cò trắng soải chân, buồn bã, bay. Tựa chúng không chút bận tâm về việc hình ảnh chúng bị hắt lại từ những tấm kính không gian trong suốt, dựng theo chiều thẳng đứng; được chia lô bởi những thân cổ thụ cụt đầu, đã khô quắt; nhưng vẫn muốn phô diễn lần cuối, sự có mặt ngạo nghễ (dẫu tuyệt vọng) của mình.

Nếu không kể tài xế, chiếc xe có bốn người cho ba hàng ghế.

Hai phụ nữ. Một trung niên. Tóc ngắn. Bề ngoài, cô cho thấy là một người đã miễn nhiễm với tất cả mọi biến động thời thế, xã hội. Nhưng đôi mắt nửa nghiêm khắc, nửa tinh anh của cô, lại cánh giác những ai sáng ý rằng, đó là một người nhạy cảm mà, cái tâm từ của cô, lúc nào cũng sẵn sàng đào những hố, hầm cho cô sập bẫy-xót-xa. Ta cũng có thể nói, đó là người phụ nữ được sinh ra để quên mình, sống cho kẻ khác.

Người còn lại, tóc dài. Còn trẻ. Nhưng dường như mái tóc của cô cũng tự hiểu rằng, nó không đủ tiềm năng cạnh tranh với chiều cao của cô. Chiều cao của một cây… liễu. Đó là một phụ nữ có nét đẹp sang cả của khối… nước đá. (Loại nước đá không tan dù cho bạn có phơi nó dưới ánh nắng hay, sức nóng ở độ nào!)

Họ rì rầm nơi băng ghế áp chót. Chỉ trời hiểu họ nói gì, với nhau!?!

Nơi băng ghế ngay sau lưng tài xế, là phần đất “quy hoạch” của hai người đàn ông. Người trẻ, ở khoảng tuổi trên dưới dưới bốn mươi. Nhưng những nếp nhăn đã thấp thoáng, không chỉ trên vầng trán bướng bỉnh mà, cả nơi đuôi mắt. (Tôi xin nói riêng với bạn mà không sợ sai rằng, đó là loại thanh niên đánh bạn sớm với những con rết nhiều chân.)

Dù ở tư thế nào: Cúi xuống, nhìn thẳng hay ngước lên, người thanh niên đánh bạn sớm với những con rết nhiều chân, vẫn là cái nhìn ưu uất, nhức nhối nhiều thất lỡ? (Có thể tôi đã có cảm nhận không đúng lắm về anh. Nhưng tôi tin, nhiều phần, ngay anh, cũng không đọc hết được chính mình!)


Người đàn ông còn lại ở khoảng tuổi trên dưới bảy mươi. Một ông già hiền từ, ngu, ngơ, như đa số những ông già khi đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh,” thường có khuynh hướng trở lại chu kỳ đầu. Chu kỳ tuổi thơ. (Với ông già này, thưa bạn, tôi lại thấy cần phải nói thêm rằng “Ngó vậy mà không phải vậy! Hay… đúng vậy! Tùy người đối diện…”)

Là kẻ bên lề, tôi chỉ biết, chiếc xe vẫn hối hả như muốn chạy đua cùng mặt trời đang bị những sợi dây vô hình vội vã kéo lên cao. Nắng sớm vẫn từng chùm lọt qua cành, nhánh những rặng xoài nặng trái. Nhác trông, như những chiếc võng xanh ương, treo lửng, đu đưa bởi gió đồng.

2.

Mặt trời vươn vai. Cao hơn. Khoảng cách giữa chiếc xe và, chân trời dường ngắn lại chút ít. Bỗng, người thanh niên đánh bạn sớm với những con rết nhiều chân cất tiếng.

Giọng nói khê cứng cơm cháy, trộn lẫn sự kẹo quánh khói thuốc của anh, không liên quan gì tới những thửa ruộng lúp xúp chân lúa mới gặt và, nước đọng từng vũng do sự nấn, nuối của những trận mưa rào mấy ngày trước. Có liên quan chăng là, đôi ba cánh cò trắng soải chân, buồn bã, bay. Tựa chúng không chút bận tâm về việc hình ảnh chúng bị hắt lại từ những tấm kính không gian trong suốt, dựng theo chiều thẳng đứng; được chia lô bởi những thân cổ thụ cụt đầu, đã khô quắt; nhưng vẫn muốn phô diễn lần cuối, sự có mặt ngạo nghễ (dẫu tuyệt vọng) của mình.

Anh kể, tới giờ, dù đã hơn ba mươi năm trôi qua, thỉnh thoảng, trong mơ, anh vẫn gặp hình ảnh chị Chi, người chị lớn, mới chớm thanh xuân, sau tháng 4-1975, xõa tóc, thùng thình trong bộ quân phục đại lễ trắng của cha anh. Với cầu vai đen, hai chiếc ngù, đôi hàng giây tua óng ánh đỏ, nửa đêm chị bước tới bể nước, tự dội cho mình liên tiếp những gáo nước lạnh, như khởi đầu một lễ tấn phong hay, một cuộc tế thần linh, kỳ dị.

“Trong trí óc non nớt với tưởng tượng thô thiển của một đứa nhỏ sáu, bảy tuổi là tôi thuở đó, tôi không biết có phải chị tôi đang cử hành một lễ tế sống cha tôi trong trại tù cải tạo? Hay đó là hình thức mời gọi những linh hồn oan khuất, vất vưởng đâu đó, tụ về chứng giám cái chết oan khốc đang được tính từng ngày của chị?

“Tôi chỉ nhớ, trong ánh trăng trắng nhợt như những tấm da heo đã được cạo sạch, nước biến mái tóc thiếu nữ của chị tôi thành những con rắn đũa, lúc nhúc thả chiếc đuôi đen bóng của chúng xuống đôi vai thanh xuân sớm gầy guộc. Trong khi những giây tua óng ánh đỏ, dính bệt nhau, thành những con đỉa máu trương bụng, trườn mình trên cánh tay chị tôi, nứa lép; là hình ảnh ma quái, ghê rợn nhất thơ ấu tôi…

“Cuộc đời đã chào đón tôi, như thế. Định mệnh nghìn tay, nghìn búa, đã bổ xuống đầu tôi, như thế! Như thế đó, định mệnh nghìn tay, nghìn búa dòng bao nhiêu năm, đã không bỏ sót một người nào trong gia đình tôi. Ngay mẹ tôi, một người đàn bà nếu bước lên bàn cân, với tất cả quần áo, giầy dép cũng chỉ có trên ba mươi kí, cũng không được oan nghiệt nới tay. Hơn thế, tôi cảm tưởng bà còn đưa đầu, nhô vai nhận lãnh bớt những nhát búa hận thù, tủi nhục thay cho chúng tôi…”

(Người thanh niên không cao giọng, không phẫn khí. Anh nói đều đều như thể đó là những vang âm từ một thế giới nào khác. Của một người nào khác. Tôi không biết có phải vì thế mà chiếc xe tuồng đã rùng mình. Chậm lại? Ông già ngu, ngơ đặt tay mình lên bàn tay xương xẩu của người thanh niên. Cái bàn tay đang nắm lại, tựa ra sức bóp chết một sinh vật nào đó, (thí dụ những con đỉa máu?)

Người phụ nữ như được sinh ra để quên mình, sống cho kẻ khác, nhoài người lên băng ghế trước, vỗ vỗ nhánh vai so của người thanh niên. Người phụ nữ có nét đẹp sang cả của một khối …nước đá, nhắm mắt. Cá nhân tôi, cũng đành quay mặt.)

Chiếc xe như đuối sức sau cuộc rượt đuổi bất cân xứng với mặt trời. Người tài xế cho thấy rõ ý định tìm hàng quán, nghỉ chân. Trong lúc người thanh niên sớm đánh bạn với những con rết nhiều chân, kể tiếp:

“Bây giờ chị Chi tôi đã có gia đình. Hàng ngày chị vẫn ngược xuôi trên những con đường mà, cách đây hơn ba mươi năm, chị từng kéo lê cơn điên lùng nhùng trong bộ quân phục đại lễ trắng, chiếc ngù đỏ, để bán từng chai nước tương phụ chồng nuôi con. Bây giờ chị tôi đã là một người khác. Một người không liên quan dù chỉ một chút, tới những lễ tấn phong hay, những buổi tế thần linh. Quá khứ. Nhưng không vì thế mà tôi dám hỏi chị về những đêm trăng. Bầy rắn đũa. Đám đỉa máu. Có thể tôi, chính tôi (không phải chị Chi) sợ sự sống lại của chúng.

“Bước vào tuổi bốn mươi, tôi hiểu: Nếu có những kỷ niệm chúng ta thường xuyên muốn gặp lại, thì cũng có những kỷ niệm, chúng ta phải dỗ dành, phải nằn nì nó:

“Hãy ngủ! Hãy ngủ! Hãy ngủ! Rán ngủ, nghe con!”

Chiếc xe dường hối hả hơn trong cuộc chạy đua với mặt trời sắp đứng bóng. Tôi muốn nói, nó thở hào hển hơn. Nhưng cảm giác ưu uất lại có phần gia tăng trong lòng xe. Không một người nào trong đám họ, hút thuốc. Cũng không một người nào dám thở mạnh. Vậy mà, độ kẹo quánh khói thuốc ám trong tiếng nói khê cứng cơm cháy của người thanh niên, vẫn bị đẩy tới mức cao nhất.

Đó là lúc những người bạn rết nhiều chân của anh hiện ra, chạy nhầu khắp khuôn mặt đá, sỏi. Đó là lúc anh kể về anh Tuấn, người thứ ba của mình:

“Anh Tuấn tôi chọn sự đánh mất mình, sau cuộc đổi đời. Anh bỏ học, cúi xuống chiếc bóng và đôi chân mười tám, hai mươi sớm nứt, nẻ, cày bừa thay cha nuôi em. Để thấy mình còn là con người, nhiều khuya khoắt, anh tôi ra bờ suối gần nhà. Với cây đàn guitar đã bước vào giai đoạn mục nát và, những tập nhạc mỗi khi mở ra, những trang sách như những cánh bướm rách rưới, cùng tiếng rì rào không nguôi của suối đêm, anh hát bằng giọng của ai đó, như những nhát cuốc đào sâu thêm chiếc huyệt phần số đời mình! Ngặt thay, những ca khúc anh chọn, không chừa cho tôi một khe hở, để có thể phân biệt giữa ca từ và bóng tối…”

Những ca khúc u mị mà, ‘con dế buồn’... đã-sống-từ-cái-chết-của-nó, nơi vô thức của đứa trẻ sáu, bảy tuổi là người thanh niên sớm đánh bạn với những con rết nhiều chân hôm nay, vẫn còn thoi thóp. Thở.

Anh nói:

“Nhiều đêm, tôi không biết tiếng đàn, tiếng hát của anh Tuấn, hay do tiếng rung cánh mơ hồ của ‘con dế buồn’ đã thôi thúc tôi lần ra bờ suối tìm anh. Nhưng, dù bởi nguyên cớ nào, điều tôi nhớ, vẫn là những vòng tay anh Tuấn quàng qua tôi. Anh ôm tôi. Xiết ghì. Như ôm nỗi ghẻ lạnh mà, thời thế đã giáng xuống đầu chúng tôi, giữa khi mái tóc anh em tôi còn xanh, sữa. Cũng có thể anh Tuấn muốn thay cha, truyền chút hơi ấm của người cho tôi! Những phút đó, tôi không rõ anh Tuấn có biết rằng tôi đã khóc?!. Tôi khóc, vì tủi thân. Tôi khóc, vì những giọt nước mắt của anh rớt xuống mặt tôi. Những giọt nước mắt mang theo sự tuyệt vọng, côi cút, của chúng tôi. Của gia đình. Của mẹ tôi và, có thể, cũng là của cha tôi trong tù, nữa!”

Chiếc xe vẫn lao tới như thể đó là định mệnh bất khả chuyển của nó. Trong khi hai người nơi băng ghế sau, tôi nghĩ, nếu không kiềm hãm, có thể họ cũng đã bật khóc.

Tôi hiểu, như chiếc xe, họ không thể khác khi người thanh niên sớm đánh bạn với những con rết nhiều chân, tiếp tục kể về hai người anh còn lại của mình. Anh Trâm và anh Thuần. Hai người anh còn lại, như hai khối thương tâm khác, cùng đi ra từ một gốc cổ thụ. Cụt đầu!!!

(Bạn tôi, xin bạn cho tôi được hỏi: Bằng ngay thẳng tối thiểu, bạn có tin, trong chúng ta, liệu có kẻ nào tự thân không là một khối thương tâm?!?)

Người thanh niên chấm đứt câu chuyện của mình vừa lúc mặt trời đứng bóng. Đó cũng là lúc đám cò trắng đã nhúng đôi chân vào những vũng nước, như sự nấn, nuối của những trận mưa vài ngày trước. Mặc dù chúng vẫn không chút bận tâm về việc: Có phải hình ảnh chúng bị hắt lại từ những tấm kính không gian trong suốt, dựng theo chiều thẳng đứng...?

3.

Biển bị phân cách bởi bức tường đá dài, khiến những chiếc tầu ngoài khơi như những cánh tay dơ cao ngọn đèn đỏ, không ngừng chớp, tắt. Tôi không biết lúc nào thì tín hiệu SOS kia, được đám đông bên này bức tường đáp ứng. Nhưng tôi nghĩ, ta không nên trách họ. Bởi mỗi người cũng vốn là một ốc đảo. Họ bị cắt rời thành từng miểng. Như buổi tối bị cắt thành từng miểng, lúc bàn tay tinh nghịch nào đã vẩy thêm ít, nhiều hắc ín cho bóng đêm.

Trong đám người thả bộ dọc bờ biển, tôi không thấy người tài xế. Có thể anh đã tìm được chỗ ngả lưng, để chuẩn bị cho hành trình ngày mai. Tôi chỉ thấy người phụ nữ được sinh ra như để quên mình sống cho kẻ khác, sánh vai người thanh niên đánh bạn sớm với những con rết nhiều chân. Rất khó đoán họ nói gì với nhau. Tôi đồ chừng có thể họ tiếp tục câu chuyện bị ngưng trên xe, lúc mặt trời đứng bóng. Cũng có thể người phụ nữ nói về quá khứ của cô. Một quá khứ có phần dữ dội, bi thảm hơn quá khứ của người thanh niên mà, tháng Tư, 75, là điểm khởi. Nhưng đó là chuyện tôi sẽ kể với bạn vào một dịp khác, khi hoàn cảnh cho phép. Ngay lúc này, tôi chỉ muốn nói tới người phụ nữ có nét đẹp sang cả của khối… nước đá và, ông già ngu, ngơ ngu, đi sau.

Người phụ nữ khoác tay ông già. Hình ảnh cha, con? Tôi tin nhiều người sẽ nghĩ thế.

Riêng tôi biết, có dễ cũng nhờ tương quan này mà, người phụ nữ kể được những gì cô muốn nói.

Bắt đầu từ đây, để dễ dàng cho người kể chuyện là tôi, xin bạn cho phép tôi ghi lại điều tôi nghe được, ở dạng độc thoại. Nghĩa là người phụ nữ có nét đẹp sang cả của khối… nước đá, sẽ xưng “tôi.Ông già ngu, ngơ, sẽ vắng mặt. Bạn hãy coi ông như một miểng rời, bị bóng tối cắt ra và, ném đi. Mất tích.

Tôi là đứa con thứ hai trong số 3 chị em gái của ba, mẹ tôi. Tôi sinh ra ở Đà lạt, hai năm sau biến cố tháng 4-75. Tuy không phải là con gái út, nhưng cha tôi lại chọn tôi, để trút tất cả tình thương ông có được. Tôi không nghĩ trong mắt nhìn của ông, tôi đẹp hơn chị Hai hoặc bé Út. Tôi định bụng, sau này, khi lớn khôn, có dịp, tôi sẽ hỏi ông về tình yêu ấy.

Nhưng trước nhất, hiển nhiên nhờ tình yêu thương đặc biệt ông dành cho tôi, như những cánh rừng thông bạt ngàn và, những con suối quanh năm chỉ nói những lời ân cần, dịu dàng mà, tôi được dạy dỗ nhiều điều, ngay khi còn rất nhỏ. Một trong những điều tôi nhận được từ ông, là âm nhạc. Tôi biết, thuộc khá nhiều nhạc xưa. Loại nhạc một thời người ta gọi là “nhạc vàng.” Tôi vẫn thầm biết ơn ông xiết bao! Cũng như tôi những tưởng mình sẽ mãi được là cô “công chúa nhỏ,” trong vòng tay bảo bọc hết mực của cha mình.

Nhưng một ngày kia, thảm kịch bất ngờ, gõ cửa gia đình tôi.

Đó là một buổi tối, đi công việc về, cha tôi bắt gặp hai người em sinh đôi của người, uống rượu say, la lối, đập phá trong phòng. Không dằn được cơn giận, cha tôi lớn tiếng với các chú. Sự kiện này, với tôi, không mới mẻ hay, ghê gớm gì. Nó đã xẩy ra nhiều rồi, trước đấy.

Tôi nhớ hơn một lần cha tôi giải thích với tôi rằng, biến cố tháng 4-75 đảo lộn tất cả một trật tự xã hội, đạo đức… Chỉ không may cho hai chú tôi, ở tuổi vừa trưởng thành, họ đã bị xã hội gạt ra lề đường! Họ trở thành một thứ rác rưởi, cặn bã trong chế độ mới. Mặc cảm ký sinh trùng, sống nhờ, sống bám vào lòng thương hại của ông anh và người chị dâu, dù có tế nhị mấy, cũng vẫn khiến các chú có những cơn điên của con thú bị thúc ké. Khi rẻ.

Nhưng cha tôi bảo:

“Con an tâm. Ba nghĩ từ từ rồi hai chú sẽ vượt qua được khó khăn đó. Khi họ nhận ra rằng tình thương ba, mẹ dành cho hai chú, là tình thương chân thật của máu mủ, ruột thịt. Chưa kể rồi đây, ba sẽ cố gắng thu xếp một vài công việc thích hợp cho các chú…”

Tôi tin lời cha tôi. Như tôi hằng tin bất cứ điều gì ông nói.

Buổi tối khi thảm kịch kia xẩy ra trước mắt tôi, thì đó là lần đầu tiên và, cũng là lần cuối cùng niềm tin những gì cha tôi nói, đã hoàn toàn sụp đổ. Nó bị bôi xóa bằng máu của cha tôi, bởi đôi tay của các chú!

Đó là lúc họ như hai con thú điên, lao vào cha tôi, với chai lọ, ghế, bàn có sẵn trong phòng. Họ không ngớt trút xuống đầu cha tôi, những trận mưa thù hận mà, tôi nghĩ, ngay cha tôi, cũng không tài nào hiểu được.

Rất nhanh, vâng, rất nhanh, cha tôi đổ xuống như một thân chuối nát bấy, với đôi mắt mở lớn. Kinh ngạc. Tôi muốn nói, cũng như tôi, có thể đó là điều đầu tiên và, cuối cùng, ông không tin, có thể xẩy ra trong gia đình tôi. Tôi biết, ông càng không tin, nó có thể xẩy ra, cho chính ông!!!

Khi đó, tôi vừa bước vào tuổi mười ba! Cha tôi mới băm ba!

Thảm kịch như lời chúc dữ chứa trong cơn bão lớn, quét sạch mọi thứ. Tôi nhấn mạnh, mọi thứ. Không chỉ đời sống hàng ngày mà, luôn cả đời sống tinh thần của chúng tôi.

Chồng chết, mẹ tôi, cũng mới băm ba tuổi, đã phải bôi mặt, xông ra đường phố, xuôi, ngược buôn bán nuôi con. Không còn cha, chị Hai tôi theo mẹ mỗi ngày ra chợ. Bày hàng. Từ sáng tới khuya khoắt.

Mười ba tuổi, tôi thay mẹ, thay cha lo cho bé Út. Như một thân cây non, được cưng dưỡng trong chậu quý, chờ ngày đơm bông; vậy mà, chỉ một chớp mắt, tôi trở thành cây dại, sau vườn! Nắng, mưa đời thường, phũ phàng biến đổi tôi. Cuồng lũ năm, tháng, suồng sã lột da tôi.

Để tồn tại, để lo được cho em và, sau này, lo cả cho mẹ, tôi không có chọn lựa nào khác hơn: Đổi khác. Từ một đứa con gái được cưng chiều, dễ khóc, quen nhõng nhẽo với cha, tôi trở thành một cô gái lạnh lùng. Tựa… đá. Tôi gần như không cho phép mình được ủy mị suốt thời thiếu nữ. Trong tôi, phần nam tính, kể từ hậu thảm kịch, như nấm sau mưa.

Hơn ai hết, tôi hiểu, tôi biết rất rõ, những người chung quanh nhìn tôi ra sao, thế nào. Không thiếu người đã gọi tôi là “Thằng con trai giả gái!” Không thiếu người đã nửa đùa, nửa thật, bảo tôi, “Nên đi đổi… giống!”

Tôi biết chứ! Đâu phải tôi không tự thấy cái cứng còng, cái khô rốc, khô rác nơi gương mặt, cử chỉ của mình. Nhưng, như đã nói, tôi không có chọn lựa nào khác. Tôi nghĩ, tôi phải tồn tại. Tôi nghĩ, tôi phải sống. Tôi phải sống thay cho phần đời sống bị ngắt đi quá sớm của cha tôi. Mà, muốn tồn tại, muốn sống còn, tôi không thể không có cho mình chiếc mặt nạ, cái áo giáp cần thiết ấy.

Đã mấy ai (ngay mẹ tôi, chị Hai, bé Út) biết rằng, nhiều đêm một mình, tôi nghe những dòng lệ tủi chảy ngang môi. Những giọt lệ tôi tin, sẽ không thể chảy xuống chính môi tôi, nếu không muốn nói là chúng sẽ không có cơ hội trào ra, nếu cha tôi còn sống. Nếu hai chú tôi nương tay một chút thôi…trên đầu, trên mặt, trên thân thể cha tôi (cũng là người anh máu mủ nuôi, nấng hai chú!)

Nếu. Nếu. Nếu…

Nhưng, thôi. Dẫu có nói gì thêm, nói bao nhiêu nữa, thì mỗi con người, mỗi chúng ta, cũng chỉ là một miểng rời, bị bóng tối (sau khi được vẩy thêm ít, nhiều hắc ín,) cắt, chia thành từng miểng phân, ly!?!.

4.

Nhà hàng trên mặt hồ, như kết quả của những kiễng chân, nhón gót quá trớn của chính nó. Nơi chiếc bàn hình chữ nhật, có tất cả sáu nhân vật. Tôi dùng hai chữ “nhân vật” cho có vẻ trịnh trọng. Sự thực, đó là bốn người của buổi tối trước ở biển. Hai người mới, một là em gái của người phụ nữ được sinh ra, dường để sống cho kẻ khác. Cô có vẻ mau mắn, như nụ cười sởi lởi luôn có trên môi. Người thứ hai là một người đàn ông đã bước qua tuổi trung niên. Ông phục phịch, bệu bạo một cách đáng nghi ngại, với khuôn mặt hồng hào của một thứ “hồng hài nhi.”

Gió từng cơn luông tuồng khua khoắng nhà hàng bốn phía không vách ngăn, mang theo trong nó nhiều nhắn nhủ không thành tiếng. Đêm trải từng lớp sương mỏng, như giấy quyến lên mặt hồ. Khá xa, nơi bờ bên kia, những tòa nhà cao tầng sáng đèn, không in bóng xuống mặt nước. Người ta cũng không nghe được tiếng rì rầm của xe cộ chạy trên con lộ bên tay trái nhà hàng. Nhờ thế, khi người đàn ông có khuôn mặt hồng hai nhi kể chuyện bằng giọng Quảng Trị, đôi lúc như bị nghẹt, ríu vì xúc động, mọi người vẫn nghe được.

Ông kể, sau mười năm, ba tháng tù trở về, ông tá túc nơi nhà bà chị. Qua giai đoạn đạp xích lô, ông biết mình thất bại vì không đủ sức. Đối đế, ông viết một bức thư, cho người vợ vượt biên đã lâu, mang theo mấy đứa con chung.

Lá thư được viết một cách rất ý tứ, phòng xa lọt vào tay người đàn ông mà, vợ ông đang chung sống. Ông cẩn trọng gọi vợ ông bằng “chị.” Ông kể cho chị biết, ông mới ra tù. Ông nhắc chút ít tình nghĩa những ngày chung sống, cũ. Mọi sự kiện được đề cập trong lá thư, chỉ nhằm mục đích dẫn đến việc ông xin chị giúp ông năm trăm bạc, để ông có phương tiện làm lại cuộc đời. Trong thư, có đoạn:

“Năm trăm đồng tôi biết với chị chẳng là bao. Nhưng với tôi, trong hoàn cảnh của một người mới ra tù và trong hiện trạng của đất nước mình hiện nay, thì đó lại là một số tiền rất lớn. Mong chị hiểu cho rằng, vạn bất đắc dĩ, tôi mới phải viết thư này. Xin chị an tâm, tự hậu, chị sẽ không bao giờ nhận được từ nơi tôi, một lá thư nào khác…”

 

Người đàn ông phục phịch, bệu bạo một cách đáng ngại, đọc đoạn thư viết cho người vợ cũ, bằng giọng lên bổng, xuống trầm; lưu loát như thể ông đã đọc nó cả nghìn lần trong hơn hai chục năm qua. (Tôi muốn nói, nếu ông không đọc cho ai đó nghe thì, chí ít ông cũng đọc cho… chính ông, những lúc một mình?)

Đoạn thư của người đàn ông có khuôn mặt hồng hài nhi làm đốm thuốc nơi tay người thanh niên đánh bạn sớm với những con rết nhiều chân, bất dộng. Những người còn lại cúi xuống bàn tay vô duyên, lạc lõng trên mặt bàn của họ. Chỉ riêng người con gái mau mắn, với nụ cười xởi lởi luôn nở trên môi là nhấp nhổm, bứt rứt.

Không thể nín, đợi lâu hơn, cô hỏi:

“Rồi sao anh? Chị ấy gửi ngay tiền cho anh chứ?”

Người đàn ông phục phịch, bệu bạo một cách đáng ngại, lắc đầu. Ông châm cho mình điếu thuốc khác. Không nhìn ai, ông chậm rãi:

“Ngày ấy, nếu có được năm trăm của bà ấy, cuộc đời tôi đã khác. Chắc chắn tôi đã không nhận làm công việc mà, đến hôm nay, tôi biết, anh em, bạn bè cũ vẫn còn khinh tôi. Họ nhìn tôi như một kẻ ‘sớm đầu tối đánh!’ Mà cũng đúng thôi! Họ có cái lý của họ. Chỉ tôi biết, tôi cùng đường. Tôi quá đói!

Nghề mạt hạng là đạp xích lô thì tôi không có sức. Sau chừng đó năm tù, được thả ra tôi đã mang theo trong người hàng chục thứ bệnh… Tôi cũng có nghĩ tới chuyện ăn chực một số bạn bè chứ! Nhưng nhà nào, dù có tốt mấy, họ cũng chỉ có thể cưu mang tôi dăm ba bữa! Thời đó, mọi người còn đói lắm. Họ cũng bữa đói, bữa no. Chưa kể còn vợ, con họ…

“Nói thế, không có nghĩa tôi quên ơn người giúp tôi. Anh từng bị anh em tôi ngày xưa, coi là kẻ thù. Giữa lúc tôi sắp chết đói, thì anh ta cho tôi chén cơm… Nhờ thế, tôi còn sống đến ngày hôm nay. Dù sao, tôi cũng không bao giờ quên cái ơn ấy…”

Người đàn ông ngừng lại để thở. Kéo thêm một hơi thuốc, ông tiếp:

“Khi anh ta không còn, tôi cũng nghỉ việc.” Ông thở ra.

“Nhưng cách gì thì tay tôi cũng đã nhúng chàm!” Ông kết thúc câu chuyện.

Tới đây, người con gái mau mắn, với nụ cười xởi lởi luôn nở trên môi không biết nói gì. Tới phiên cô cúi xuống. Cô chẻ những ngón tay mình ra để sau đó, đan vào nhau, một cách ngượng nghịu.

Gió vẫn từng cơn luông tuồng khua khoắng nhà hàng bốn phía không vách ngăn. Về khuya, dường nó mang theo nhiều hơn những nhắn nhủ không thành tiếng. Đêm cũng trải dầy thêm, những lớp sương mỏng, như giấy quyến lên mặt hồ.

Trước khi chia tay, người phụ nữ được sinh ra, để sống cho kẻ khác hí hoáy viết ít dòng trên tấm khăn giấy. Cô chuyển nó cho ông già ngu, ngơ:

“Bất hạnh là thuộc từ của đời sống. Cuộc sống sẽ khác đi biết bao, nếu ta có thể đem lòng biết ơn cả những bất hạnh mà nó đã đem đến cho ta. Dù cho ‘đời tẻ nhạt, liếm môi mình cũng nhạt/ tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây.”

Đọc xong, ông già gật đầu. Mỉm cười.

Nhưng, liệu ông có hiểu?

Du Tử Lê

(Calf. Mar. 19 2011.)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17068)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12276)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14019)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21739)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19798)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,