- Tháng tư. Ký ức tôi. Xám.

21 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 4938)
- Tháng tư. Ký ức tôi. Xám.


634098558815310159_143x300 




















Tôi không biết có phải những thỏi nước đá lạnh buốt, đan kết nhau như một tấm lưới lớn, đã giải thoát tôi khỏi những vòi bạch tuộc của ác mộng; sau khi trận mưa xầm xập sấp, ngửa sớm mai, bất ngờ ngưng bặt? Hay đó là lúc ác mộng đã đi gần hết con đường khủng bố, tra tấn như một thuộc tính bệnh hoạn của nó?

Tôi cũng không biết cái trò chơi nghẹt thở, ác mộng kia, có dành cho ai khác, ngoài tôi? Mong là không. Dù tôi chưa hề hỏi nó. (Nếu có hỏi, tôi cũng không tin nó sẽ nói thật mọi điều. Trừ những “thực đơn” kinh hoàng, thay đổi liên tục mà, nó đã tọng vào cổ họng tôi nhiều ngày qua.)

Lần nào ra khỏi ác mộng, tôi cũng thấy tim mình muốn bung khỏi lồng ngực. Miệng tôi khô. Đắng. Các hạch nước miếng trong miệng, dường không đủ xoa dịu cơn cháy, rát. Lần nào, cũng phải vài giây sau, tôi mới thực sự nhận biết: Đó chỉ là ác mộng. Riêng lần mới nhất, tuồng mất nhiều lần hơn, vài giây.

Ác mộng cho tôi sống lại một lần nữa, hình ảnh hỗn loạn của khu bến tầu Bạch Đằng. Chiều 29 tháng 4. Ba mươi lăm năm trước. Những hình ảnh chập nhau. Những hình ảnh tái hiện. Chồng. Chéo.

Đó là lúc mưa đã bắt đầu nặng hạt. Nhưng những cột khói bốc lên từ sân thượng tòa đại sứ Mỹ đường Thống Nhất, vẫn uể oải vươn lên. Như thể chúng chẳng có một liên hệ gần, xa nào với đám người như lũ chuột lở, loét bị hun lửa hai đầu.

Giữa khi ấy, tôi thấy tôi bị Trung tá Xuân, người chỉ huy an ninh của bộ Tư Lệnh Hải Quân xô tôi vào vòng tròn kẽm gai; Sau khi ông đã cột tay tôi bằng những sợi giây dù. (Loại giây vải mà hồi bé, tôi từng mơ ước có được vì tính bền, chắc và, óng ánh mầu sắc, để chơi nhẩy dây với chị Băng tôi.)

Tôi không biết tôi bị giam giữ vì tội gì? Trung tá Xuân và, những người lính Quân Cảnh của ông đã bỏ đi. Trước mặt tôi, chỉ có dòng người di tản lướt, trôi. Như thác.

Họ đổ về cầu tầu. Nơi ba chiếc chiến hạm của Hải Quân chưa tách bến. Tôi ngước đôi mắt tuyệt vọng, cầu cứu…Chẳng những không một ai đoái hoài mà, làm như hình ảnh tôi còn khiến họ thêm sợ hãi, rảo bước.

Trong cuộc chạy đua cắn mức ăn thua giữa sống chết, dường không ai muốn thấy thêm người nhập cuộc!?!

Nhưng, bất ngờ, trong giấc mơ, có một người đã nhìn tôi. Hạnh. Tôi không biết cách nào, tại sao Hạnh lại có thể có mặt trong đám người ồn ào lao tới góc thiên đàng này. Tôi thấy Hạnh ngoái lại với đôi mắt thát thần. Ngơ ngác. Tôi đưa hai bàn tay bị trói về phía Hạnh. Tôi gào tên nàng. Khẩn khoản. Cầu lụy. Như thể Hạnh là Thượng Đế. Đấng cứu chuộc xuất hiện đúng lúc.

Tuy nhiên, tiếng gào thét của tôi, tuồng chỉ khiến Hạnh bước nhanh hơn. Tốc độ di chuyển của Hạnh gia tăng thuận chiều với những đường kẻ bàng hoàng trên gương mặt. Những tia nhìn của Hạnh, cho tôi thấy, trong mắt Hạnh, tôi là một quái vật. Con quái vật thình lình hiện ra giữa buổi chiều. Cơn mưa. Cụm khói nóc tòa đại sứ. Và, bước chân đuổi của thần chết…

Khi hình ảnh Hạnh vừa khuất thì, một hình ảnh khác hiện ra. Cũng trong đám người cuống cuồng đi tìm sự sống kia. Đó là hình ảnh mẹ tôi.

Giống như Hạnh, mẹ tôi thất thần, bước thấp, bước cao về phía những chiếc tầu còn neo trong bến. Tôi thấy bà có chậm lại. Bà có ngoái nhìn tôi đôi lần. Nhưng vẫn với đôi mắt kinh hòang, dành cho một ác quỷ!

Thấy bà, tôi lại gào lên. Tôi cầu cứu. Nhưng tiếng kêu của tôi, dường cũng chỉ khiến bà tăng thêm hốt hỏang, lùi xa tôi hơn mà thôi.

Trong giấc mơ, tôi nghĩ, Hạnh có thể bỏ tôi. Bất cứ một người tình nào, cũng có thể bỏ tôi. Riêng mẹ tôi thì không. Tôi tin, nếu bà không thể chết vì tôi thì, chí ít, bà cũng sẽ không bỏ rơi tôi, giữa tình cảnh này…

Tiếp theo hình ảnh mẹ tôi là, hình ảnh Thục. Tôi thấy tôi đi tìm Thục giữa một Vũng Tàu, tháng Tư, bãi trước. Những cây bàng có tuổi thọ nhiều lần hơn tôi, bị ai đó chặt đầu. Phạt ngang thân. Có cây bị đốn tới tận gốc. Tôi phải trèo qua chúng. Tôi nhắm mắt, liều lĩnh lao về phía biển; khi hình ảnh Thục và những đứa con của anh chị Tiến, trên một chiếc tầu buôn, xa dần.
Tôi cảm được nước biển ngang lưng. Ngang ngực…Khi nước xộc vào mũi, khiến tôi không thể thở được thì, đó cũng là lúc hình ảnh Thục mất hẳn.

Bây giờ tôi không nhớ, sau Thục là ai? Những người thân nào? Tôi chỉ nhớ, nhiều lắm. Chập, trùng. Chòng. Chéo…

Tôi chỉ nhớ trong một giây nhãng quên, hoặc do bản năng sinh tồn đẩy, thúc tôi vùng chạy về cuối đường. Tôi vói đôi tay bị trói về phía của những người thân. Phía của Hạnh. Phía mẹ tôi…

Nhưng cuộn thép gai cao ngang tầm ngực, chận tôi lại. Rồi máu. Tôi không biết máu ở đâu? Từ những phần cơ thể nào? Bục vỡ. Thành vòi. Bỗng ai đó, sau lưng tôi, nhấc bổng tôi lên. Y ném tôi vắt ngang người trên cuộn thép gai. Như người ta hờ hững vứt lên nó, một miếng giẻ. Rách.

Không biết phải mất bao nhiêu giây sau, tôi mới hoàn hồn, nhận ra rằng: Không. Bến tầu Bạch Đằng, chiều 29 tháng 4 đã lùi xa. Đã ba mươi lăm năm khuất. Lấp.

Không. Trung tá Xuân, người chỉ huy an ninh bộ Tư Lệnh Hải Quân, chiều hôm đó, chính là người đã ra lệnh cho những Quân Cảnh dưới quyền ông, kéo con ngựa kẽm gai, mở hé một lối thoát đủ rộng, cho tôi cùng anh chị và, các cháu tôi nhào về phía cầu tầu...

Không. Sự thật, Hạnh đã kẹt lại. 

Sáng 29, nhờ có thẻ báo chí và, giấy phép đi trong giờ giới nghiêm, tôi chở Hồ Trường An bị thương đêm trước, từ Làng Báo Chí ở bên kia cầu Xa Lộ đến bệnh xá của Tiểu đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị, băng bó vết thương cho anh. Trở ra, chúng tôi chạy xe thênh thang giữa một Saigòn thoi thóp, như bị đánh thuốc mê quá liều lượng.

Saigòn giới nghiêm. Quán xá đóng cửa. Hồ Trường An nói, thèm một ly cà phê. Tôi đáp, tôi cũng vậy. Tôi bảo anh, yên trí. Tôi sẽ có một ly cà phê cho anh. Tôi chở thẳng Hồ Trường An tới cư xá Thanh Đa, nơi Hạnh từ Pleiku, sống sót sau nhiều lần thoát chết trong cuộc tháo chạy trên liên tỉnh lộ 7B. Về Saigòn tìm tôi, Hạnh ở tạm nhà người cậu.

Tôi không nhớ Hạnh có cho chúng tôi ăn gì không? Nhưng cà phê thì có. Tôi nói với Hạnh về chuyện ra đi. Hạnh ngập ngừng. Cuối cùng, Hạnh bảo, thôi để Hạnh ở lại…

Tôi muốn nói, tôi biết chắc chắn, Hạnh không thể có mặt trong đám người cuống cuồng tràn về bến Bạch Đằng hôm đó.

 

Chia tay Hạnh, tôi thả Hồ Trường An giữa Saigòn không dưỡng khí. Quay xe trở lại cục Tâm Lý Chiến, trên bàn làm việc của mình, tôi thấy mảnh giấy viết vội của chị Băng. Chị bảo, mẹ tôi rất lo. Không biết tôi sống chết ra sao! Ở đâu thì tôi cũng phải về ngay Trương Minh Giảng. Để bà thấy mặt. 

Cho tới lúc bến Bạch Đằng mưa nặng hạt và, những cột khói bốc cao từ sân thượng Tòa đại sứ Mỹ đường Thống Nhất, tôi chưa gặp mẹ tôi. Tôi không tin bà có mặt trong đám người di tản kia, với bất cứ lý do gì!

Khi trấn tĩnh được mình, tôi cũng nhớ lại, trong mười năm đầu của cuộc đời tỵ nạn, tôi đã viết xuống, lần lượt chuyện Hạnh. Thục. Chị Băng. Và, mẹ tôi. Tôi không hiểu lý do gì, thuở đó, tôi lại ghi là truyện ngắn. Trong khi chúng là hồi ký hay, một loại tự sự kể.

Riêng chuyện về Trung tá Xuân, ân nhân cứu tử toàn thể gia đình người anh lớn của tôi, gia đình bác Lộc (bạn cùng ngõ với anh tôi,) Nguyễn Xuân Quỳnh, bạn của cháu tôi và, đám thanh niên bu theo…tôi cũng đã viết xuống, in ra, như một nhớ lại ngậm ngùi ân nghĩa.

Tôi biết…Biết…

Trước khi khép lại câu chuyện về Trung tá Xuân, tôi viết, tôi hy vọng sau khi lo cho mọi người, Trung tá Xuân cùng những người lính Quân Cảnh của ông, cuối cùng cũng lên tầu.

Trường hợp này, ở đâu đó, xin ông nhận ở nơi tôi, lời cảm ơn cứu tử của tôi, và những người đã theo tôi vào được bến. Lên tầu, thoát đi. Buổi tối. Saigòn, cũ.

Tới nay, đã ba mươi lăm năm, tôi không được một tin tức nào từ ông. Luôn cả đồng đội Hải Quân, những người biết ông, cũng trả lời tôi, họ không có một chút tin tức nào về ông; khi những chiếc chiến hạm cuối cùng của Hải Quân, rời bến Bạch Đằng…

Tôi cũng không biết gia đình bác Lộc, bây giờ ra sao? Hai người con gái của bác, còn ở Seattle? Một người bạn của tôi ở Seattle cho biết bác Lộc trai đã mất!

Riêng Nguyễn Xuân Quỳnh chết cách đây nhiều năm ở Texas, vì tại nạn xe cộ. (Chỉ một thời gian ngắn, sau khi Quỳnh điều chỉnh được bằng bác sĩ y khoa.)

Tôi biết Hồ Trường An vượt biên rất sớm. Anh chọn định cư ở Pháp. Thành phố Troy. Nghe nói gần đây, sức khỏe của anh, không được tốt.

Tôi biết cuối cùng, Thục cũng đi được, từ Vũng Tàu, cùng đám cháu, con của anh chị Tiến. (Cách đây vài năm, Thục đã bỏ những năm tháng ở Ý, để tái định cư ở Canada với người bạn đời gốc Canada của Thục…)

Tôi biết…Và nhớ…

Tôi nhớ ít ngày trước đây, một buổi sáng, tôi than với Hạnh, không hiểu tại sao, gần đây tôi luôn thấy mình “thất lạc.” Tôi thấy tôi bị “bỏ rơi” trong những cơn ác mộng liên tiếp của mình.

Bây giờ, tôi hiểu. Tôi hiểu, dù đã ba mươi lăm năm trôi qua, tháng 4 vẫn ở với tôi, cách của nó. Như kỷ niệm. Như ký ức. Chúng có đời sống riêng. Chúng độc lập. Chúng vô can!

Chúng chỉ mượn tôi, để duy trì hơi thở riêng. Dù cho chúng chính là:

Tháng tư. Ký ức tôi. Xám. 

Du Tử Lê,

(Calif. April 2010.) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17066)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12274)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18997)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9180)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8359)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 994)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1184)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22478)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14015)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8821)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25517)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,