Sân Trường Mắt Biếc (Tác Phẩm 11)

19 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 4764)
Sân Trường Mắt Biếc (Tác Phẩm 11)

LỜI GIAO CẢM

Trong một phần tư thế kỷ chiến tranh, chúng tôi – lớp người ba mươi, bốn mươi – đã không có được THIÊN ĐÀNG TUỔI THƠ. Bằng những bước chân đi hoang, tật nguyền, chúng tôi đã bước trên nhiều đỗ vỡ, băng hoại...

Chúng tôi đã thương tiếc cho thời thơ ấu của mình, luôn luôn nghĩ về nó. Và, trong niềm khao khát ấy, chúng tôi thành lập một tủ sách riêng cho tuổi thơ: TỦ SÁCH MÂY HỒNG.

Với những tác phẩm chọn lọc, giá trị của các nhà văn tên tuổi như DUYÊN ANH, NHẬT TIẾN, VŨ HẠNH, MINH QUÂN, VÕ HÀ ANH, DUNG SÀI GÒN, DU TỬ LÊ, NGUYỄN KHẮC LỘC, HOÀNG ĐĂNG CẤP, NGUYỄN THỤY KHUÊ, TRÙNG DƯƠNG, THỤY Ý, VIỄN QUỲNH, HOÀI YÊN LANG, NGỌC – TRÚC v.v... chúng tôi sẽ lần lượt cống hiến các bạn trẻ hôm nay những giây phút giải trí thoải mái, qua các mẫu chuyện tình cảm đậm đà, hay trinh thám ly kỳ, sôi nổi, với nội dung lành mạnh, xây dựng. Phần phụ lục VUI HỌC còn giúp cho tầm kiến thức bạn trẻ được mở rộng.

Ngoài ra, tùy theo lớp tuổi, Tủ Sách Mây Hồng còn in – hành một loại sách đặc biệt dành riêng cho các bạn đang trong tuổi mộng mơ. Trong loại sách này, để đáp ứng nhu cầu cho các bạn sinh – viên, học sinh, dù sao cũng có một tầm nhận thức cao hơn, chúng tôi cũng phải chọn lọc phần truyện cũng như phần phụ lục chân trời lạ để thích hợp với cảm quan thưởng thức của các bạn này.

Bước đầu là khó, nhưng chúng tôi cũng nguyện cố gắng thực hiện để tác phẩm được đều đặn tới tay các bạn trẻ. Tuy nhiên, một con én không tạo nổi mùa xuân, chúng tôi hy vọng việc làm thành tâm thiện chí này sẽ được quí giáo chức, phụ huynh, nhà văn, nhà báo, và tất cả những ai hằng quan tâm đến thế hệ trẻ hôm nay giúp đỡ, khuyến khích và phê bình xây dựng.

TỦ SÁCH MÂY HỒNG


santruongmatbiec_w


Sân Trường Mắt Biếc.


CHƯƠNG MỘT

Tôi không thể hiểu được rằng vì những nguyên cớ nào mà ba tôi không chịu cho tôi chơi với Hạnh. Không những thế, tôi còn có cảm tưởng như người ghét cay gét đắng Hạnh nữa. Trong khi tôi chỉ thấy ở Hạnh những nét dễ thương, dễ mến mà thôi.

Trong lớp tôi, Hạnh là con nhỏ học giỏi nhất lớp. Tôi yêu Hạnh, chẳng phải vì thế thôi đâu. Ngay từ buổi đầu tiên, nhìn thấy Hạnh, tôi đã có cảm tình ngay với Hạnh, mà không hiểu vì sao. Mãi sau, tôi mới nhận ra rằng chắc tại vì đôi mắt đặc biệt của Hạnh.

Phải nói rằng Hạnh có đôi mắt quá đẹp. Cái đôi mắt biếc xanh với tròng đen to tròn và sáng long lanh một vẻ buồn phiền vắng xa thường trực. Trong những giờ ra chơi, đứng nhìn Hạnh thơ thẫn dưới một gốc cây, dưới những tàn lá xanh mướt của sân trường lúc nắng vừa mới lên, những tia nắng đầu ngày chưa kịp đem đi hết những hạt sương mai còn đọng nơi cuống lá, mới thấy được hết tất cả vẻ đẹp đặc biệt nơi mắt Hạnh. Mấy nhỏ lớp tôi đã từng kháo nhau và bầu cho Hạnh là người có đôi mắt đẹp nhất trường, hay văn hoa hơn, có đứa gọi là “mắt hoàng hôn”. Kể nếu có ví von như vậy, tôi cho cũng chẳng có gì là quá đáng. Phải trông thấy tận mắt đôi mắt Hạnh với hàng mi dài cong tự nhiên, với vẻ ủ dột thường xuyên mới hiểu được rằng nhận xét kia, sự sắc phong đó thật chính xác, không quá đáng một chút nào hết. Tôi tiếc rằng tôi chẳng có tài để lột tả được một phần cái vẻ đẹp vừa huyền hoặc, vừa thân thiết gần gũi của đôi mắt Hạnh.

Đã có lần tôi nói đùa với Hạnh rằng:

- Với đôi mắt này, Hạnh không có quyền khóc à nghe.

Hạnh ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao vậy?

- Tại đẹp quá. Hạnh mà khóc lỡ nó sưng vù lên mất đẹp đi, Hà bắt đền đó nghe.

Hạnh mỉm cười khi nghe tôi nói vậy. Hạnh im lặng một lát trước khi trả lời tôi bằng một giọng thấp trùng như một tiếng thở dài:

- Hạnh khóc hoài à. Hà không biết đó thôi.

- Sao vậy?

- Tại Hạnh buồn.

- Sao Hạnh buồn?

Hạnh lắc đầu, tránh tia nhìn thẳng của tôi:

- Không biết nữa. Sao Hạnh ưa buồn quá à. Hà có biết làm cách nào để mình khỏi buồn không?

Tôi cười:

- Có một cách.

- Như thế nào?

Hạnh hỏi với giọng reo vui thành thật thơ ngây. Tôi nói liền:

- Hãy vui.

Hạnh phá lên cười lớn. Tiếng cười trong vắt, cũng trong vắt như màu mắt của Hạnh, nhưng ngay sau đấy, những nét vắng xa cố hữu, lại trở về xếp hàng trên gương mặt và trong đôi mắt Hạnh. Tôi nghĩ rằng chắc gia đình Hạnh có những uẩn khúc, hay dĩ vãng Hạnh có nhiều chuyện không may nào đó, đã ăn sâu vào tiềm thức của Hạnh, khiến Hạnh chẳng bao giờ vui đùa, nghịch ngợm như chúng tôi, mặc dù chúng tôi, những đứa cùng lớp với Hạnh, sàn sàn tuổi nhau.

Đã hơn một lần, tôi dò hỏi Hạnh, nhưng Hạnh khéo léo từ chối trả lời câu hỏi và nói lảng sang chuyện khác.

Thấy tôi im lặng. Hạnh dùng ngọn lá bàng lớn, cào cào sau lưng tôi, cho tôi cái cảm giác nhột nhạt và kéo tôi trở về thực tại.

Tôi quay sang Hạnh:

- Đi ăn chè không Hạnh?

Hạnh lắc đầu:

- Sắp hết giờ ra chơi rồi. Đi ăn không kịp đâu.

Hạnh nói vậy, nhưng tôi hiểu rằng Hạnh thường ngại ngùng trong những lần tôi rủ Hạnh đi ăn chè ở quán của vợ ông quét trường, hay ăn những món quà vặt khác, vì Hạnh không có tiền. Hình như Hạnh đi học chẳng bao giờ có tiền trong túi. Tôi nghĩ chắc gia đình Hạnh nghèo. Riêng tôi, tôi không hề để ý tới chuyện đó. Chẳng qua, tôi mến Hạnh nên muốn rủ Hạnh đi thế thôi. Nhưng Hạnh thì luôn luôn giữ ý giữ tứ.

Tôi nói:

- Còn lâu mới vào học Hạnh à. Mình mới ra chơi mà.

Hạnh vẫn lắc đầu:

- Thôi, hay Hà đi một mình đi, Hạnh vào lớp.

Hạnh nói và quay quay chiếc lá bàng trong tay. Tôi hiểu một khi Hạnh đã nói như vậy, dù có ép mấy cũng chẳng được. Tôi nói:

- Thôi. Nếu Hạnh không đi với Hà, Hà cũng không đi đâu.

Hạnh nắm tay tôi:

- Sao Hà kỳ dị vậy. Hà khát nước thì Hà đi uống nước đi chứ. Hạnh không khát mà. Như mấy lần trước đó, Hạnh khát mà Hà rủ là Hạnh đi liền à.

Tôi cười lắc đầu cho Hạnh yên lòng:

- Hà cũng đâu có khát. Tại muốn đi thế thôi.

Hạnh nghiêng mặt ngó vào mắt tôi:

- Hà nói thiệt đó chớ?

Tôi gật đầu:

- Thiệt mà.

Hạnh tỏ vẻ tin nơi lời tôi. Hạnh nói:

- Ừ, nếu không khát đừng đi, phí tiền Hà.

Để tiền đó làm việc khác, tốt hơn.

Tôi nói lảng sang chuyện khác để Hạnh khỏi nghĩ ngợi:

- Lát nữa có giờ Anh văn, Hạnh soạn bài chưa?

- Rồi. Hà chưa sao?

- Không. Hà cũng soạn rồi.

Tôi nói và làm bộ hỏi Hạnh một vài chữ mới mà tôi không biết nghĩa.

Chuông reo vào lớp. Chúng tôi rời bệ gạch đi ra sân xếp hàng. Tiếng cười ồn ào vang lên ở chung quanh cho thấy rõ hơn sự xa cách và lặng lẽ của Hạnh giữa đám đông. Tôi nghĩ, bằng cách nào, tôi cũng sẽ tìm cho bằng được lý do của nỗi muộn phiền có nơi Hạnh. Tôi không tin rằng đau khổ đã sớm tìm đến với người bạn gái học giỏi nhất lớp, có nước da trắng ngần và dáng điệu dịu dàng dễ thương này. Cùng lúc nhớ lại thái độ của ba tôi, khi biết tôi mỗi buổi tan học thường chở Hạnh về bằng chiếc xe của tôi, người đã cằn nhằn và nói thẳng với tôi rằng không muốn thấy tôi tiếp tục chơi với Hạnh nữa. Ba tôi nói mua xe cho tôi để đi học một mình chứ không phải để chở bạn. Chắc người sợ sự chở thêm Hạnh sẽ làm cho chiếc xe mau hư đi. Tôi nhìn nhận rằng, ba tôi nói rất phải. Nhưng tôi đã thưa lại với người rằng, Hạnh về cùng một đường với tôi và Hạnh không có xe nên luôn luôn đi bộ. Hạnh lại là con nhỏ học giỏi và ngoan nhất lớp. Đó là một đứa bạn nên chơi chứ không phải là một người bạn xấu. Dù đã trình bày như vậy, ba tôi vẫn không bằng lòng. Tôi đành đi đến kết luận là tại tính ích kỷ của ba tôi. Đúng hơn, ba tôi phải khuyến khích tôi nên chơi với Hạnh mới phải.

Tuy ba tôi nói vậy và tôi cũng đã hứa rằng thôi, không chở Hạnh về nữa, nhưng rồi cuối cùng, tôi vẫn chở Hạnh như thường. Tôi không thể nào nhẫn tâm nhìn Hạnh đi dưới cái nắng thiêu đốt giữa trưa với những con đường bụi mù mịt. Thâm tâm tôi còn muốn làm hơn thế nữa, đối với Hạnh, chứ không phải chỉ chừng đó. Nhưng Hạnh là một người rất tự ái. Ngay cả việc chở Hạnh về, tôi cũng đã phải nói với Hạnh nhiều lần, Hạnh mới nhận lời chứ đâu có phải là Hạnh đã tự ý ngỏ lời với tôi.

Tôi nghĩ, không biết có phải không, từ ngày khá giả ba tôi in là bắt đầu thay đổi tính nết. Người không muốn tôi chơi với những đứa con nhà nghèo. Ngay cả những đứa trẻ hàng xóm ba tôi cũng cấm tôi và các em tôi không được chơi với đứa nào hết.

Mong rằng những ý nghĩ đó của tôi không đúng. Đó là một điều sai lầm, về người cha mà tôi kính trọng và yêu mến.

Hai giờ Anh văn qua mau. Đấy là môn học mà tôi thích nhất. Khi chuông báo giờ tan học tôi mới sực nhớ và thu xếp sách vở đi về.

Quay xuống bàn dưới tìm Hạnh, tôi chẳng thấy Hạnh đâu hết. Tôi nghĩ bụng “con nhỏ này hôm nay đói bụng sao mà về lẹ quá vậy”. Tôi ôm cặp và chạy ra nơi để xe, vừa hay thấy Hạnh ra tới cổng trường.

Tôi vừa chạy lại vừa réo to tên Hạnh:

- Hạnh… Hạnh ơi…

Hạnh quay lại, thấy tôi, Hạnh cười, dừng bước. Tôi nói:

- Chờ đó đi, Hà chở về cho.

Hạnh đi lại phía tôi. Nắng soi mỏng chiếc áo trắng đã bạc nhiều chỗ sờn và lủng lỗ, với một vài miếng vá lớn. Hạnh đặt tay lên vai tôi, nói:

- Hà về trước nhà. Hôm nay Hạnh có việc. Hạnh đi cho má Hạnh một chút rồi Hạnh mới về được.

- Đi đâu Hà chở đi cho, gần xa?

- Không xa lắm.

Tôi mau mắn:

- Thế để Hà chở cho rồi về luôn thể.

Hạnh lắc đầu:

- Thôi. Phiền chết. Hơn nữa, Hạnh muốn đi một mình cho tiện.

Hạnh nói và nheo nheo đôi mắt, miệng cố mỉm cười gượng ngạo buồn bã, không dấu nổi âu lo, thảng thốt.

Tôi nói gặng thêm lần nữa, Hạnh vẫn cương quyết từ chối, tôi đành để Hạnh đi một mình.

Lấy xe ra, loay hoay sao, tôi lại thấy Hạnh đi trên con đường nhỏ, dáng tất tả, vội vã. Hạnh đi, mặt cúi nhìn xuống đất. Đôi vai nhịp nhàng với mớ tóc như một cánh bướm lớn đập đập sau lưng. Tôi chợt nẩy ra cái ý nghĩ thử theo Hạnh, xem Hạnh đi đến đâu, và biết đâu chừng, tôi sẽ chẳng tìm ra nguyên cớ nỗi u uẩn và vẻ ủ dột thường xuyên của Hạnh.

Nghĩ vậy, tôi chạy xe thật chậm và giữ một khoảng cách vừa đủ để nếu Hạnh có quay lại, Hạnh cũng không thể nhìn thấy tôi.

Đi hết con đường đó, Hạnh rẽ vào một con đường khác nhỏ hơn. Chạy xe đằng sau Hạnh tôi có cảm tưởng như mình là một thám tử tý hon đang theo dõi để tìm ra thủ phạm trong một vụ án đầy bí ẩn và ly kỳ rùng rợn. Cái ý nghĩ này làm tôi bật cười một mình.

Đi thêm một đỗi xa nữa, Hạnh dừng lại trước ngôi nhà nhỏ trong sân có một dàn hoa tim tím. Tôi ngừng xe lại ở phía xa, đem xe lên lề dựng vào một thân cây và đi bộ lại gần ngôi nhà đó.

Bấm chuông xong, Hạnh đứng thõng người chờ đợi. Tôi lại một gốc cây gần ngôi nhà đó nhất, để quan sát. Hạnh vẫn không hề quay lại phía sau. Chắc Hạnh không ngờ có tôi theo.

Một lát sau, cánh cửa hé mở. Một người đàn bà ló mặt ra xong quay vào ngay. Hạnh vẫn đứng im không nhúc nhích. Một lúc nữa, nặng nề trôi qua, cánh cửa lay động. Lần này là một người đàn ông tầm thước, da ngăm đen, với đôi lông mày rậm, vẻ mặt lầm lì hung dữ.

Nhìn thấy Hạnh, mặt người đàn ông nhăn lại, ông ta nói một hơi những gì tôi không nghe được dù hết sức lắng tai. Những nếp nhăn xếp hàng trên vầng trán ông ta thu hẹp, cho thấy ông ta đang vô cùng giận dữ, bực bội. Không biết Hạnh có nói gì không, tôi chỉ thấy đôi vai Hạnh rung rung.

Người đàn ông quay vào, đóng xập cửa lại. Hạnh tần ngần nhìn theo, ngẩn ngơ một lát nữa rồi mới quay ra.

Cảnh tượng quá bất ngờ và khó hiểu đối với tôi, khiến tôi không kịp phản ứng gì hết. Tôi trân trối nhìn, cho tới khi thấy Hạnh quay mặt ra với hai con mắt đỏ hoe và hàng lệ đang dàn dụa chảy, tôi mới giật thót người lại, vừa cảm thấy thương, vừa lo sợ Hạnh nhìn thấy. Tôi thụt người lại nấp đằng sau cây.

Chờ cho cái bóng thất thểu của Hạnh khuất lấp đầu đường rồi, tôi mới rời gốc cây ra trở về nhà.

Khuôn mặt người đàn ông, dáng điệu thất thiểu, tội nghiệp của Hạnh, nửa mặt người đàn bà vừa ló ló ra đã thụt vào ngay đã ám ảnh tôi suốt dọc đường về.

Tôi nghĩ có lẽ chìa khóa của tất cả những bí ẩn về cuộc đời Hạnh, về gia đình người con gái có đôi mắt được mệnh danh là “mắt hoàng hôn” ở trong căn nhà kín cửa đó. Tất cả đầu mối ở đó. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ lần lần tìm ra đầu dây mối nhợ bắt đầu từ nơi đó.

Về tới nhà, cất xe vào nhà xe, tôi mới nhận ra rằng mình về nhà quá trễ. Có lẽ đã tới một giờ trưa. Cái nắng xói mà tôi đã phải chịu trong hơn hai tiếng đồng hồ qua, bây giờ tôi mới cảm thấy khó chịu. Người tôi rã rượi và mệt mỏi. Tôi uể oải, đi muốn không muốn vững, bước từng bước lên cái thang gác cao. Vừa đẩy cửa vào nhà, tôi đã thấy ba tôi đang hầm hầm ngồi ở bộ salon. Tôi linh cảm thấy rằng ba tôi ngồi đó chỉ có một mục đích duy nhất là chờ tôi mà thôi.

Quả nhiên, tôi đoán không sai. Ngay khi tôi vừa nhí lí chào ba tôi thì người đã quát lớn:

- Học hành gì giờ này mới về hả con kia? Đi đâu? Đi đâu cho đến giờ này mới chịu về?

Tôi bủn rủn tay chân trước giọng nói giận dữ, nóng nảy của người. Tôi có cảm tưởng như ba tôi sắp sửa nhào tới và dáng vào mặt tôi những cái tát tối tăm mặt mày.

Tôi ấp úng:

- Dạ con bị hư xe.

- Hư xe? Hừ. Tao đã nói bao nhiêu lần rồi có sai đâu. Chở hết con này đến con khác. Một mình mày phá xe chưa đủ sao mà còn rủ rê thêm chúng nó phá hại xe nữa. Tao nói cho mày biết trước mà liệu cái thần hồn, một lần nào khác nữa, tao còn thấy mày chở bất cứ một đứa nào, thì mày đừng có trách rằng tại sao tao không bảo trước. Tao đi làm cực khổ để có tiền nuôi chúng mày ăn học, chứ không phải để cho chúng mày phá của nghe không.

Tôi đứng chết trân giữa nhà. Sự hằn học của ba tôi, khiến tôi muốn òa khóc.

Thật quá đáng. Tôi nghĩ. Nếu tôi có vì chở bạn mà hư xe thật thì ba tôi cũng chẳng nên dùng lời lẽ nặng nề đó đối với tôi, trong một việc cỏn con như vậy.


Ngừng lại một lát như để lấy hơi, ba tôi lại nói tiếp:


- Tao thấy từ ngày mày chơi với con Hạnh con Hiếc nào đó, mày hư thân mất nết nhiều lắm rồi đó. Mới nứt mắt ra mà đã bày đặt đàn đúm, đi sớm về trễ.
Nhà tao không có thứ mất dạy như vậy đâu nhé. Tao nói trước đấy.


Tôi cảm thấy tủi hổ dù Hạnh không có ở đây. Tôi định nói với ba tôi rằng, sự thực bạn con nó không mất dạy như ba tưởng đâu. Dù cho nó nghèo đến đâu chăng nữa. Nhưng vừa hay lúc này, mẹ tôi ở trong nhà bếp chạy ra. Chắc bà nghe tiếng quát tháo của ba tôi.

Mẹ tôi vội vàng nắm tay tôi, lôi xềnh xệch vào trong buồng và đóng ngay cửa lại.

Mẹ tôi hiểu rằng tuy tôi còn nhỏ nhưng tính tôi không chịu đựng được những lời nói quá đáng, nhất là dành cho bạn tôi, kẻ vắng mặt, với những ý nghĩa có tính cách sỉ nhục.

Vào tới trong buồng rồi, ngồi trên giường mà người tôi còn run lên vì giận ba tôi. Mặt tôi đỏ bừng. Tim tôi đập mạnh.

Mẹ tôi vừa hấp tấp cất cặp sách cho tôi vừa nói giọng hối hả lo âu:

- Con. Hà. Con phải nghe mẹ. Không được cãi lời ba. Ba nóng, ba nói gì thì nói, xong thôi. Con không được phép giận ba nghe không con. Tại ba thấy con về trễ quá, ba lo lắng, ba đã bảo thằng Chương lấy xe đến trường tìm con thử xem có chuyện gì không. May là thằng Chương nó chưa kịp đi đó.

Vừa nói, mẹ tôi vừa cúi xuống, cởi giầy cho tôi và đưa tôi tấm áo cánh bảo:

- Thay ra cho mát, đi rửa mặt rồi ăn cơm thôi, mẹ có phần cơm riêng cho con.

Những cử chỉ săn đón, vội vã, tràn đầy thương yêu của mẹ tôi đã khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Tôi lặng lẽ làm theo lời bà mà nước mắt cứ dàn dụa tuôn rơi.

Mẹ tôi ngồi trên giường ngắm nhìn tôi thay quần áo với vẻ mặt đầy lo lắng vừa xót xa, tội nghiệp.

Chờ tôi thay áo xong, mẹ tôi kéo tôi ngồi xuống cạnh người và bà dùng bàn tay mát rượi, chùi nước mắt cho tôi. Nhưng ngay khi bàn tay mẹ tôi vừa lướt qua, mắt tôi lại ứa ra những hạt lệ tủi thân khác.

Mẹ tôi ngây người, lắc vai tôi, nói:

- Hà. Không nghe mẹ sao? Không được khóc nữa. Ra ngoài kia rửa mặt xong đi ăn cơm.

Tôi vẫn ngồi im không nhúc nhích.

Tuy mẹ tôi dục thế, nhưng người cũng không đứng lên. Bà vuốt ve mái tóc tôi và dỗ dành nhỏ nhẹ:

- Lần sau con đừng về trễ như vậy nữa nghe. Tan học xong con phải về nhà ngay, cho ba mẹ khỏi sốt ruột. Cứ về nhà đi đã, xong con muốn đi đâu, nói cho mẹ hay, mẹ sẽ nói ba cho con đi. Có bao giờ mẹ cản không cho con đi đâu.

Tôi muốn ngã người vào lòng mẹ tôi, nhưng nghĩ sao, tôi lại gắng gượng ngồi thẳng người, chống hai tay xuống giường và bậm môi không nói.

Mẹ tôi vẫn tiếp tục giọng nói ngọt ngào.

- Xe con bị hư gì? Nói mẹ nghe đi. Chiều mẹ nhờ chú Út đem đi sửa cho con. Không có gì phải buồn cả. Mẹ không thích con nhè như vậy đâu. Ba thương con lắm nên ba mới lo âu và giận giữ như vậy. Đấy, cứ như em Chương, nó cũng có khi về trễ cả tiếng đồng hồ mà ba có mắng gì nhiều đâu. Nếu có, ba chỉ nói sơ sơ rồi thôi. Tại ba thương con nhất nhà. Cả nhà chỉ có một mình con là gái thôi. Nào, mau con gái cưng của mẹ. Lớn rồi. Không có nhè nữa. Nhè hoài hàng xóm họ biết họ cười cho. Đi rửa mặt rồi còn ăn cơm cho chị Hai dọn, đi con…

Tôi lắc đầu, cố gắng nói với mẹ tôi rằng tôi không muốn ăn cơm, tôi mệt và tôi chỉ muốn nằm ngủ mà thôi.

Mẹ tôi tưởng tôi còn giận ba tôi, bà năn nỉ:

- Thôi mà. Hà. Mẹ đã nói với con rằng, con không được phép giận ba. Ba nóng, ba nói gì ba nói, ngay cả mẹ đây này, những lúc ba nóng ba còn mắng mẹ như tát nước, ba còn nhiếc móc mẹ chẳng ra làm sao hết mà mẹ cũng đâu có giận ba. Con phải hiểu rằng chẳng qua chỉ vì ba thương và lo cho con, thế thôi…

Tôi ngắt ngang lời mẹ tôi:

- Không. Con hết giận ba rồi.

Mẹ tôi tát khẽ vào má tôi, cười sung sướng, hỏi lại.

- Thiệt không?

Tôi gật đầu quả quyết:

- Thiệt mà. Mẹ cứ về phòng mẹ đi, mặc con. Con muốn ngủ một lát.

Mẹ tôi đặt tay lên trán tôi. Im lặng một lát, bỗng mẹ tôi kêu khẽ.

- Con nóng đầu hả?

Tôi ngơ ngác ngước nhìn mẹ tôi. Mẹ tôivẫn đặt nguyên bàn tay người trên vầng trán tôi hâm hấp nóng:

- Con nóng thiệt đó. Chắc con đi nắng đấy.

Mẹ tôi đổi giọng cằn nhằn:

- Mẹ đã nói bao lần rồi, đi học nhớ mang nón theo mà có bao giờ con chịu nghe lời mẹ đâu. Con hư quá.

Có lẽ tôi muốn đau. Tôi nghe người nôn nao khó chịu. Miệng tôi nhạt nhạt, và cái đầu nặng nghiêng về một phía. Tôi nhắm mắt lại và thấy dồn dập những hình ảnh đủ màu sắc quay mòng mòng.

Tôi nằm xuống giường và nhắm mắt.

Tôi nghe tiếng dép mẹ tôi tất tả đi ra. Lát sau mẹ tôi trở vào. Tôi mở mắt.

Mẹ tôi có vẻ hơi ngạc nhiên nói:

- Con chưa ngủ sao?

Tôi lắc đầu:

- Dạ chưa.

- Con nghe trong người thế nào?

Tôi mỉm cười:

- Tỉnh táo lắm.

Mẹ tôi đưa ly nước và hai viên thuốc cho tôi:

- Thuốc đây. Con uống đi.

Tôi ngần ngại không muốn cầm. Một trong những thứ mà tôi chúa ghét là uống thuốc. Cứ nghĩ tới những viên thuốc chua lè hay đắng nổi lềnh bềnh cùng với nước trong miệng, tôi đã muốn ói ra.

Tôi nói:

- Con có sau đâu mà uống thuốc, mẹ?

- Còn không sao nữa. Con bị cảm nắng rồi đó. Uống đi. Uống chặn trước là hơn. Chớ đợi đến lúc sốt thật thì con vừa uống nhiều thuốc hơn mà còn có thể phải chích nữa.

Mẹ tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nắng gay gắt lấp ló ngoài tấm màn vải dày, nói trống không:

- Trời đất này, thế mà độc địa.

Tôi cầm hai viên thuốc trong tay, với lấy ly nước nghĩ thầm, thôi chẳng thà uống hai viên còn hơn là phải chích. Tôi biết tính mẹ tôi hễ bọn tôi hơi có một chút gì là bà làm um lên, cứ như sắp chết đến nơi rồi ấy. Nhưng nếu đứa nào chịu khó uống ngay một hai viên thuốc, bà yên tâm rồi thì mọi sự sẽ từ từ được quên lãng đi, còn không thì ôi thôi, vào sờ trán, ra nắm tay.

Tôi nhắm mắt uống một lúc hai viên thuốc, với một ly nước đầy ứ.

Nhìn tôi uống thuốc, mẹ tôi có vẻ hài lòng lắm. Tôi gửi trả ly nước lại cho mẹ và nằm xuống nhắm mắt tiếp.

Mẹ tôi đẩy cửa đi ra sau khi đã bảo cho tôi biết rằng chị Hai đã đặt lên bếp cho tôi một nồi cháo hoa.

Tôi ân hận về sự về trễ của mình, tuy vẫn còn giận những lời nói quá đáng của ba tôi. Những ý nghĩ mâu thuẫn này đã theo với giấc ngủ vào sâu trong tiềm thức tôi.

Trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy tôi trở lại căn nhà Hạnh đã đến hồi trưa. Người đàn ông có nước da ngăm đen và đôi hàng lông mày rậm tiếp tôi rất lịch sự ở trong phòng khách.

Qua vài câu chuyện, không hiểu sao, người đàn ông lại cho tôi biết chính ông ta là cha ruột của Hạnh. Nhưng hai người đã xa nhau, khi Hạnh chưa đầy một tuổi mà lý do là mẹ Hạnh không đàng hoàng và nhất là ông ta có ý nghi ngờ, chưa chắc gì Hạnh đã là con ruột của ông.

Tôi tỉnh dậy khi người đàn ông tiễn tôi ra cửa và nói rằng nếu có gặp Hạnh hãy bảo Hạnh trở lại thăm ông ta sau khi tôi cho ông ta biết Hạnh hiện sống với người mẹ rất nghèo trong một khu lao động. Ý tôi muốn kêu gọi ở ông ta lòng nhân từ. Nếu ông không thể có tình phụ tử đối với Hạnh.

Lúc đã chợt tỉnh rồi tôi vẫn còn cảm thấy như mình đang còn trong giấc mơ kia, là một điềm báo cho tôi biết sự thực về đời Hạnh đúng như vậy? Và vấn đề còn lại đối với tôi là làm sao để nói với Hạnh rằng tôi đã biết tất cả sự thực và yêu cầu Hạnh xác nhận lại. Nếu quả như vậy, tôi sẽ nói với Hạnh nên trở lại nhà người đàn ông da ngăm đen và có đôi lông mày rậm.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã bốn giờ hơn. Giờ đó, tôi nghĩ, chắc ba tôi đã đi làm. Tôi mở cửa bước ra khỏi phòng.

Những vạt nắng chói chang của buổi trưa đã không còn. Từ trên gác cao nhìn xuống thấp, tôi thấy nắng vàng óng trên thảm cỏ xanh và trên ngọn những hàng cây trứng cá trồng ở hai bên lối đi. Xa hơn nữa, những đứa trẻ đang cười nô với những chiếc cần câu nhỏ nơi cái lạch nước chảy ngang qua bên hông nhà. Tôi tự hỏi, liệu em tôi. Chương, có mặt trong cái đám trẻ nhỏ đó không?

Gió chiều từng cơn, lướt nhanh qua mặt tôi, đem đi những hạt nước còn đọng trên da mặt, Tôi nghe ở trong lòng mình một nỗi khoan khoái dịu nhẹ và êm đềm.

Tôi tiếc rằng tôi đã không hỏi kỹ địa chỉ nhà của Hạnh để có thể đến ngay với Hạnh, mặc dù có đến ngay bây giờ, tôi cũng sẽ chẳng biết phải nói gì với Hạnh. Nhưng trước sau gì, thì tôi cũng sẽ gặp Hạnh. Phải. Tôi tin rằng, tôi có thể giúp được điều gì đó, cho người bạn mà tôi yêu mến, có lẽ chỉ vì đôi mắt quá đẹp. Đôi mắt biếc như lá xanh ở sân trường. Tôi cũng nghĩ tới vẻ kinh ngạc tột độ của Hạnh, khi tôi cho Hạnh biết những sự thực ghê gớm mà Hạnh chưa một lần hé răng nói với tôi.

Tôi mỉm cười một mình và lấy làm bằng lòng với phát giác kia. Trong khi tôi quên khuấy rằng, điều tôi biết được, chỉ là một giấc mơ và chưa hề được kiểm chứng, cũng như chẳng có dữ kiện nào khả dĩ có thể dựa vào đó để lấy làm chắc chắn.

Tôi xuống nhà bếp khi nghe tiếng gọi vọng tới của mẹ tôi.


CHƯƠNG HAI

Mấy ngày liền, trời luôn ẩm đục với những đám mây chứa đầy hơi nước, trĩu nặng trên đầu ngọn cây. Những cơn mưa thật bất thường khiến không ai có thể đoán trước được. Có sớm, mở mắt ra, thì thấy trời đã mưa, và chừng đó mới hay rằng cơn mưa đã đổ xuống thành phố suốt từ nửa đêm trước. Những đám mây mọng nước trên bầu trời đã cho thành phố một khuôn mặt khác. Khuôn mặt âm u, với những cơn gió lạnh thỉnh thoảng len qua những hàng cây, thả cái rét xuống những làn da, cho người ta cái cảm giác gai gai lành lạnh, buồn buồn, một cách thật là vô cớ.

Báo nói rằng ảnh hưởng của một trận bão từ Phi Luật Tân thổi tới, và thành phố sẽ luôn có những trận mưa rào bất thường hoặc những đám mưa bụi, như phấn mỏng rắc đều lên cảnh vật.

Mẹ tôi nói trời này giống như mùa thu ngoài Bắc. Tôi không biết mùa thu nơi quê hương của mẹ tôi ra sao, bởi tôi được sinh ra ở trong miền Nam này, tôi chỉ quen những mùa nắng và tiếp theo là mùa mưa, có thể kể từ ngày tôi chớm lớn và chớm có nhận xét.

Tuy nhiên, dẫu sao cảnh vật thành phố trong những ngày xanh xám này, cũng phù hợp phần nào với trạng thái tâm hồn tôi.

- Hạnh nghỉ học!

Sự nghỉ học của bất kỳ một bạn nào trong lớp chẳng phải là một biến cố, một cái gì quan trọng đến nỗi phải kinh ngạc và nhắc nhở. Nhưng riêng với tôi, sự vắng mặt ba ngày liền của Hạnh tiếp theo những dữ kiện tôi biết được một cách tình cờ khi theo dõi Hạnh buổi trưa hôm nào, đã là một cái gì gây băn khoăn và thắc mắc, thường xuyên ám ảnh tôi. Hơn nữa trong lớp tôi không thân với ai ngoài Hạnh. Trong lớp học, Hạnh là khung cửa sổ giúp tôi liên lạc với bên ngoài. Vắng Hạnh tôi thấy mình như xa lạ với chung quanh. Đã ba buổi trưa liền, một mình thui thủi qua những con đường nắng, tôi tự hỏi là mình cần Hạnh đến như vậy ư? rồi tôi thấy mình như mệt mỏi và ủ rũ khác thường.

Tôi càng ân hận hơn nữa, khi nghĩ rằng không biết có phải vì thái độ khiếm nhã của ba tôi, khi ông bắt gặp tôi chở Hạnh đi học về trong buổi trưa trước ngày Hạnh nghỉ?

Thực tình tôi không ngờ ba tôi lại theo sát tôi đến thế. Sau khi bị cảnh cáo lần trước. Tôi đã hết sức đề phòng. Tôi trở về nhà bằng một con đường khác, xa hơn. Con đường đi vòng. Hạnh đã hỏi tôi rằng sao không đi đường cũ cho nhanh? Tôi nói dối là đi đường mới xa hơn một chút nhưng ít xe và do đó đỡ nguy hiểm hơn.

Dù đã đổi lộ trình vậy mà tôi vẫn bị ba tôi bắt gặp. Ông chặn xe tôi lại giữa đường và nhiếc mắng tôi không tiếc lời trước mặt Hạnh. Mặc dù ông không nói thẳng một lời nào với Hạnh. Nhưng qua những gì mà ba tôi nói, hẳn nhiên Hạnh hiểu rằng tôi bị rầy la chỉ vì đã chở Hạnh về.

Ngay giữa lúc ba tôi còn quát mắng tôi, Hạnh đã đứng ra, nói một câu duy nhất:

- Cháu xin lỗi bác. Đã làm phiền tới Hà và làm phiền bác.

Hạnh chỉ nói có thế, và quay lưng đi ngay, không để cho ba tôi kịp nói gì. Giữa trưa nắng, tôi đứng nhìn theo cái bóng Hạnh gầy gò đổ nghiêng trên con đường trơ trụi những gốc cây bị đốn mà chảy nước mắt.

Tôi đã lên xe phóng về nhà ngay lập tức và tôi cũng không nói một lời nào với ba tôi. Sự tức giận ở nơi tôi đã lên đến cực độ, khiến tôi ríu lưỡi lại, không thể nói được gì.

Về tới nhà, tôi chạy ngay vào buồng, khóa trái cửa lại, và mặc sức úp mặt xuống gối khóc. Mẹ tôi không hiểu chuyện gì, đập cửa và réo gọi ầm ĩ, tôi cũng nhất định không mở.

Mấy ngày qua rồi, bây giờ thì tôi không còn giận ba tôi nữa, mà trong lòng tôi chỉ còn nỗi băn khoăn thắc mắc về Hạnh mà thôi. Tôi nghĩ ngày hôm nay nữa mà Hạnh không đi học, chắc bằng mọi cách, tôi sẽ tìm đến chỗ ở của Hạnh cho được.

Trong giờ ra chơi lúc này, tôi đã xuống văn phòng bà Tổng giám thị và tôi đã lấy được địa chỉ nơi Hạnh ở. Khi tôi có ý định tới thăm Hạnh, bà Tổng nói với tôi rằng cho bà gửi lời thăm sức khỏe của Hạnh. Bà Tổng cũng thương Hạnh lắm vì Hạnh học giỏi nhất lớp tôi.

Tôi không tin lý do mà Hạnh xin nghỉ mấy bữa nay ở trường: đau nặng.

Cái linh tính bén nhậy của tôi biết như vậy. Đó chỉ là cái cớ để che dấu một sự thực khác. Một sự thực mà chưa chắc gì khi tìm ra nhà Hạnh, gặp Hạnh rồi, mà tôi đã được biết.

Nhưng cứ đến. Tôi nhủ thầm với lòng mình như vậy. Và nếu có cơ hội thuận tiện, tôi sẽ hỏi dò Hạnh về chuyện gia đình của Hạnh. Biết đâu chừng giấc mộng đêm trước của tôi chẳng đúng như ở ngoài đời. Ý nghĩ này làm tôi nôn nao.

Chuông báo hết giờ học. Tôi lấy xe chạy thẳng về nhà.

Không biết vẻ mặt tôi có gì khác thường không mà mẹ tôi nhìn tôi chăm chú và cười cười. Tôi mắc cỡ, hỏi người:

- Gì mà mẹ cười con?

Mẹ tôi gật đầu:

- Con có chuyện gì vui phải không?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao mẹ hỏi con vậy?

Mẹ tôi đỡ lấy cặp sách trong tay tôi.

- Tại mẹ thấy mặt con có vẻ hớn hở, phải rồi. Mẹ tôi có nhận xét thật tinh tế. Chẳng qua là suốt dọc đường tôi cứ nghĩ hoài về chuyện của Hạnh với cái cảm tưởng thật mơ hồ, tôi sẽ giúp được Hạnh. Ít ra thì cũng để Hạnh có thể đi học trở lại. Tôi nói:

- Chuyện vui thì không đúng. Nhưng chuyện buồn cũng không hẵn. Mấy hôm nay chính ra là con buồn đấy chứ.

Mẹ tôi tỏ dấu lo lắng:

- Con buồn chuyện gì sao không nói mẹ nghe?

- Chuyện riêng của con mà.

Mẹ tôi trợn mắt:

- Trời ơi, con bây giờ cũng bày đặt có chuyện riêng, chuyện tư đấy sao?

Giọng hốt hoảng của mẹ tôi làm tôi muốn bật cười. Tôi nói đùa thêm xem thử thái độ của mẹ tôi ra sao:

- Bộ mẹ tưởng con không thể có chuyện riêng được sao. Con lớn rồi mà.

Đang đi, mẹ tôi dừng bước lại, ngó tôi chăm chăm, như ngó nhìn một vật lạ. Tôi cố nhịn cười.

Mẹ tôi nói:

- Con biết con bao nhiêu tuổi không?

- Mười ba.

- Vậy là lớn lắm rồi hay sao?

Tôi vẫn nói giọng khơi khơi:

- Ít ra thì con cũng lớn nhất trong cái nhà này, trừ ba má. Con là đầu đàn chớ bộ ít sao.

Mẹ tôi dơ tay như định cú vào đầu tôi. Tôi đứng nghiêm, nhắm mắt chờ đợi. Tôi biết rằng chẳng đời nào mẹ tôi cú đầu tôi hết.

Mẹ tôi bật cười, nói:

- Mở mắt ra, con khỉ.

Tôi cũng cười lớn, mở mắt ra và ôm choàng lấy mẹ tôi.

Vào tới phòng, tôi mới nói cho mẹ tôi biết chuyện Hạnh bị đau phải nghỉ học mấy bữa liền. Và tôi cũng nói luôn với người ý định của tôi là chiều nay sẽ lại thăm Hạnh.

Tưởng khi nghe nhắc đến cái tên Hạnh, mẹ tôi sẽ khó chịu, nhưng không, mẹ tôi không những không tỏ dấu phản đối mà còn nói:

- Con có định cho bạn con cái gì không?

Nghe mẹ nói, tôi mới nhớ ra rằng, tôi đã quên không nghĩ tới việc nên đem cho Hạnh cái gì, dù sự thực Hạnh có đau hay không.

Tôi nói:

- Con quên mất. Con không nghĩ ra.

Mẹ tôi gật đầu dịu dàng:

- Con nên mua quà cho bạn con.

- Con tính con sẽ mua cho nó mấy quả cam.

Sợ mẹ tôi nghĩ ngợi, tôi nói thêm ngay:

- Con sẽ mua cam cho Hạnh bằng tiền con để dành được.

Mẹ tôi lắc đầu:

- Thôi. Con giữ đó mà tiêu, để mẹ mua cho.

Tôi nhìn mẹ, sung sướng. Thái độ ân cần của mẹ dành cho một đứa bạn thân nhất của tôi đã khiến tôi cảm động. Thật trái ngược với tính của ba tôi.

Tôi nói:

- Mẹ không cằn nhằn chuyện con lại thăm Hạnh là con mừng rồi. Còn quà cho bạn con, mẹ để con lo. Con có tiền mà. Lúc sau này, tiền mẹ cho con để ăn quà, con ít có ăn lắm. Con để dành được khá nhiều mà mẹ không biết đó.

- Để dành làm gì mà sao không tiêu hả con?

- Để sửa xe mỗi khi xe hỏng.

Nói rồi tôi ân hận ngay về câu nói của mình, nhưng mặt khác trong lòng, tôi lại cảm thấy hân hoan, như thể đó là một cách chống đối lại thái độ quá đáng của ba tôi.

Mẹ tôi nói:

- Con vẫn còn giận ba nhiều lắm phải không?

Tôi lắc đầu, trong khi mắt thì lại muốn khóc.

- Không. Con chẳng giận gì ba hết.

Mẹ tôi thở dài:

- Con phải hiểu ba mới được. Không hiểu tính ba, con sẽ giận ba hoài à. Việc ba ngăn cấm con chở bạn con, không phải chỉ vì lý do xe hỏng đâu. Ba con nói chuyện với mẹ rằng, con còn quá nhỏ, để con chạy xe một mình, ba con đã chẳng yên lòng chút nào, nay con chở thêm bạn con nữa, nguy hiểm lắm. Lỡ có chuyện gì rồi làm sao?

Tôi không muốn nói gì thêm về chuyện đó. Bởi hễ cứ nói đến chuyện đó là tôi lại tủi thân. Nhưng những lời giải thích của mẹ tôi cho tôi thấy ba tôi cũng đã có lý một phần nào. Trong sự ngăn cấm tôi.

Tôi thay quần áo đi rửa mặt và xuống bếp làm phụ mấy thứ lặt vặt với mẹ tôi và chị Hai.

Khi nghe thấy tiếng xe trở về của ba tôi ở dưới thấp vẳng lên, tôi nghĩ, để tỏ bày thái độ “thân thiện, mở đầu lại cho một giao hảo tốt đẹp. giữa hai cha con”, tôi sẽ đón ba tôi ở đầu cầu thang bằng một vẻ mặt tươi cười hân hoan.

Tôi chắc ba tôi, người sẽ ngạc nhiên không ít về nụ cười đột ngột trên nét mặt tôi rạng rỡ sau những ngày ủ dột vì hờn dỗi và băn khoăn.


CHƯƠNG BA

Tôi tưởng trời sẽ chẳng bao giờ dứt cơn mưa, và trong trường hợp đó, chẳng đời nào mẹ tôi lại chịu cho tôi ra khỏi nhà.

Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ, trời cũng động lòng trước sự mong mỏi và nôn nóng của tôi, nên cơn mưa dần dần đã dứt. Trời chiều đã muộn. Cũng khoảng hơn bốn giờ, nhưng mưa dứt như thế là may mắn lắm rồi.

Tôi thay quần áo vội vàng và xin phép mẹ tôi đi ngay. Cho tới lúc leo lên yên xe, tôi tôi vẫn còn ngay ngáy lo lỡ trời sụp mưa bất thần, khi ấy mới thật là phiền.

Buổi chiều, sau cơn mưa, bầu trời sáng lên với những đám mây mang nhiều màu tươi đỏ.

Nắng quái hiện ra ở đường chân trời bên một đoạn mây ngũ sắc, hình cầu vồng.

Từ chỗ tôi ở đến xóm của Hạnh, không xa lắm. Nhưng vấn đề khó khăn cho tôi là phải làm sao để tìm ra nhà Hạnh, giữa một khu xóm chẳng chịt những ngõ ngách và nhà cửa lụp xụp, na ná nhau.

Càng đi vào sâu, càng thấy nhiều con hẻm nhỏ khác hơn và chằng chịt hơn. Tôi có cảm tưởng như mình đã đi lạc, và nếu có tìm được đường trở ra đường cái thì chắc trời cũng đã tối mịt.

Tuy nhiên, chẳng lẽ đã cất công lặn lội vào tận giữa xóm như thế này rồi mà lại trở ra, về không? Tôi nghĩ tiếc và tiếp tục cuộc tìm kiếm với cái cảm tưởng không gì gian nan, hồi hộp hơn.

Những đám trẻ con trong xóm, phần lớn ở trần truồng, đứa lớn một chút ôm giữ đứa bé, chạy chơi và ngồi nằm tràn lan cả ngõ. Tôi phải hết sức cẩn thận chăm chú để khỏi đụng ngã chúng. Những người đàn bà lam lũ với những khuôn mặt bủng nước, lom khom trước cửa ngó nhìn tôi bằng con mắt xa lạ, không một chút thiện cảm.

Tôi hỏi thăm từng đoạn ngắn. Vào tới hết xóm, cùng đường, là một con đường hỏa xa bỏ hoang. Cỏ mọc lan trên hai con đường sắt hoen rỉ này. Bên kia thiết lộ là bãi rác mênh mông cao như một ngọn núi nhỏ, với mùi tanh nồng nặc, người không quen như tôi, ngửi phải là bắt buồn nôn và hắt hơi ngay lập tức.

Đứng tần ngần một lát. Tôi cầm bằng như chỉ còn có nước hỏi thăm đường đi ra, thì may sao, tôi gặp được một người, chắc là có bà con hay quen biết gì đó với gia đình Hạnh. Bà ta thấy tôi ngơ ngác, chắc dáng điệu và vẻ mặt của tôi khi ấy trông nó kỳ cục, buồn cười lắm, nên hỏi tôi muốn kiếm nhà ai.

Tôi nói:

- Cháu muốn kiếm nhà người bạn mà không thấy.

Người đàn bà nhìn tôi khá lâu, mắt dừng trên người tôi làm tôi cảm thấy lo ngại. Những ý nghĩ đen tối. Khiếp đảm chạy xẹt nhanh trong óc tôi.

Người đàn bà nói, giọng dịu dàng và tử tế:

- Bạn cháu tên chi?

Tôi ngập ngừng không biết có nên nói không hay chỉ nên lặng lẽ đi ra và hỏi thăm người khác đường ra về.

Ngập ngừng một lát, rồi cuối cùng, tôi nghĩ mình có nói ra thì cũng chẳng sao. Trong ngõ này đông người, sợ gì.

Tôi đáp:

- Dạ tên Hạnh.

Người đàn bà nói ngay:

- Có phải là con gái của bà Ba làm nón không?

Tôi ngơ ngác, bởi tôi đâu có biết mẹ Hạnh làm nón và tên Ba hay Tư gì đâu.

Tôi chưa kịp nói gì, người đàn bà đã mau mắn tiếp liền:

- Phải con nhỏ đó học trường… đó. Không?

Tôi mừng rỡ:

- Dạ. Đúng vậy, thưa bà. Cháu học cùng lớp với Hạnh. Mấy bữa thấy bạn cháu nghỉ nên hôm nay lại thăm coi sao.

Người đàn bà làm như không chú ý lắm tới lời nói của tôi, bà lại tiếp:

- Nếu đúng nhà con nhỏ đó thì đi theo tui. Nó ở gần nhà tui.

Nói xong, người đàn bà te tái bước đi, không cần nhìn xem phản ứng tôi ra sao.

Nghe nói bà ta biết nhà Hạnh, tôi mừng quá, nên cũng chẳng cần đắn đo, dắt xe bước vội theo bà ta cho kịp.

Người đàn bà đi trước, bà ta đi rất nhanh, tôi lẽo đẽo theo sao, chốc chốc phải rảo cẳng mới bắp kịp. Phần đường đi trong ngõ hẻm quá hẹp và gồ ghề, phần tôi dắt bộ không quen và phải chú ý tránh lách những mái hiên, những đám trẻ con và đồ đạc gồm cả giường, chõng, người ta kè bừa cả ra ngoài lối đi.

Tôi không thể ghi nhận được rằng đã đi qua bao nhiêu ngõ ngách, vì nó quá ngoặc nghẹo. Nhưng phỏng đoán theo hướng đi thì tôi có cảm tưởng như chúng tôi tiến xích ra ngoài đường lộ.

Người đàn bà không nói chuyện gì thêm với tôi như thế trong vòng nửa tiếng, hoặc có thể là ít hơn, không chừng.

Cuối cùng bà ta ngừng lại ngay trước cửa một ngôi nhà lụp xụp, với một chiếc chõng tre kê ngay dưới mái hiên hẹp, giữa một khung cửa sổ làm bằng những miếng gỗ gỡ ra từ những chiếc thùng đựng đạn. Vách nhà là những miếng tôn nhỏ mà người ta thường gọi là “tôn cao bồi”, trên đó có in đủ các thứ hình và nhiều mầu chói mắt.

Tôi ngừng xe, theo người đàn bà, trong khi người đàn bà khom lưng, ngó mặt vào căn nhà tối thầm thầm, nói lớn:

- Con Hạnh có nhà không? Có người kiếm đây nè.

Tôi chắc mẩm rằng đây đúng là nhà của Hạnh. Và cùng lúc, ở trong tôi, một nỗi kinh ngạc không thể giải thích. Tôi không thể tưởng tượng được rằng, một người có đôi mắt và làn da với cung cách thật sang, thật quý phái, dễ thương lại là con của một người mẹ lao động, ở trong một xóm ổ chuột, chui rúc như thế này.

Trong khi tôi chưa hết kinh ngạc thì Hạnh thò đầu ra. Tôi dựng xe đợi.

Thấy tôi, Hạnh tròn xoe mắt. Miệng Hạnh mở, mà không nghe được một tiếng nói nào.

Chắc con nhỏ cũng kinh ngạc không kém gì mình. Tôi nghĩ thầm.

Hai đứa giương mắt nhìn nhau một lúc lâu, rồi không dưng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, như hai chị em thất lạc sau bao nhiêu ngày, giờ mới tình cờ gặp lại.

Hạnh nói, hỏi rối rít làm tôi không kịp trả lời nữa. Tôi chỉ biết cười trừ và nhìn Hạnh với tất cả nỗi xúc động thành thật và tội nghiệp.

Trong lúc hai đứa tiu tít với nhau, người đàn bà chỉ đường giúp tôi vẫn còn đứng đó. Bà ta nói:

- Con nhỏ này, sao không mời cô ấy vào nhà chơi?

Chúng tôi cùng quay ra nhìn bà.

Tôi nói:

- Cảm ơn bác đã chỉ giúp đường cho.

Hạnh nói:

- Dạ, dì về giờ đó sao? Để cháu bảo bạn cháu vào nhà.

Người đàn bà gật đầu:

- Ừ. Thôi, ở lại chơi nha. Tui về.

Tôi chắc câu nói đó dành cho tôi. Tôi vội gật đầu đáp lại.

Người đàn bà bước thẳng hướng ra ngoài ngõ. Chúng tôi cùng nhìn theo.

Tôi hỏi Hạnh:

- Ai mà tốt quá vậy?

Hạnh nắm lấy tay tôi:

- Một người quen cùng xóm.

- Không bà con gì với Hạnh hết sao?

- Không Hà à. Gia đình Hạnh ở đây, không có bà con nào hết. Họ ở nơi khác…

Hạnh ngừng nói. Câu nói đó, tôi nghĩ rằng nói chưa hết. Chắc Hạnh ngại ngùng muốn dấu.

Tôi gợi chuyện tiếp:

- Ở giữa nơi xa lạ như vậy rồi lỡ mình có chuyện chi rồi sao? Có người thân ở gần bao giờ cũng hơn chứ Hạnh?

Hạnh mỉm cười, gật đầu. Đôi mắt “hoàng hôn” của Hạnh long lanh.

Hạnh nói:

- Bà con nào họ chịu vào ở trong cái xóm như thế này. Hơn nữa, mẹ mình bảo mình nghèo, hóa cho nên hầu như từ ngày lớn lên, Hạnh chỉ biết có mỗi một gia đình người cậu, em ruột của mẹ Hạnh mà thôi.

Tôi vừa định hỏi gia đình người cậu của Hạnh ở đâu thì Hạnh đã nói ngay sang chuyện khác. Hạnh hỏi:

- Thế ra bà vừa rồi chỉ đường cho Hà đấy hả?

Tôi gật đâu:

- Không có bà ta chắc Hà đành phải về không rồi.

Hạnh cười ròn:

- Hèn chi. Hạnh ngạc nhiên tưởng mình mơ ngủ khi trông thấy Hà ngay trước cửa nhà. Đường vào nhà Hạnh, như đi vào chiến khu ấy phải không Hà? Nếu không có người chỉ dẫn thì chẳng những không tìm ra nhà mà còn lạc mất luôn cả lối ra nữa. Hà đi tới đâu thì gặp bà ta?

Tôi chỉ tay vào phía trong cùng của con ngõ:

- Tới đường rầy xe lửa.

Hạnh kêu lên:

- Trời ơi. Như vậy là cùng đường rồi còn gì. Đến đó là hết đường. Là bãi rác rồi đó Hà à.

Tôi nhìn Hạnh cười cười:

- Hà đã hơi lo không biết làm cách nào để trở ra rồi đấy chứ.

Hạnh vuốt ve mái tóc thả lỏng sau lưng tôi, nói:

- Ai bảo! Ai bảo đi tìm nhà Hạnh mà không cho Hạnh biết trước.

Tôi lườm yêu người bạn dễ thương thân thiết nhất của mình:

- Xí. Hạnh nghỉ ở nhà, làm sao thông báo cho được. Hơn nữa, nếu nói trước, chưa chắc gì Hạnh đã chỉ nhà cho Hà. Hạnh kỳ thấy mồ.

Hạnh cúi mặt, như nhận lời trách của tôi là đúng.

Hạnh im lặng một lát rồi nói:

- Tại nhà Hạnh có ra nhà đâu, hóa cho nên Hạnh chẳng muốn cho ai biết hết.

- Hạnh nói thế sao được. Hạnh.

- Hạnh nói thực đó Hà. Không phải tại Hạnh không quý, không yêu bạn bè đâu.

Câu nói của Hạnh làm thức dậy mối trắc ẩn trong tâm hồn tôi.

Tôi muốn nói sang chuyện khác, để Hạnh đừng nghĩ ngợi thêm về chuyện đó nữa.

Tôi ngắm nhìn Hạnh một lát, xong tự dưng tôi bật cười.

Hạnh ngạc nhiên hỏi:

- Hà cười gì Hạnh vậy?

Tôi càng cười lớn hơn. Trên nét mặt dịu dàng thoáng động nhiều nét u hoài của Hạnh biện rõ vẻ bối rối.

Cuối cùng, tôi mới nói:

- Trông Hạnh chẳng có gì là ốm nặng hết. Vậy mà bà Tổng bảo gửi lời thăm sức khỏe của Hạnh đó.

Nghe tôi nói, Hạnh hiểu ra và cũng bật cười, rồi đáp:

- Sao Hà biết Hạnh nghỉ học vì đau bệnh?

Tôi lúc lắc cái đầu:

- Thế mới tài chứ.

Tôi sửa lại cái cổ áo xốc xếch cho Hạnh và nói tiếp:

- Nói chơi vậy thôi. Hạnh biết không… Hạnh nghỉ liên tiếp mấy ngày, làm Hà sốt ruột và Hà… nhớ quá. Không biết làm sao để biết tin về Hạnh, Hà đành phải hỏi thăm bà Các. Bà giám thị lớp mình đó Hạnh. Chính bà Các bảo cho Hà biết Hạnh nghỉ học vì đau nặng đó chứ.

Hạnh cười bẽn lẽn. Có lẽ Hạnh hơi ngượng ngập về sự nói dối của mình. Hạnh nói tiếp:

- Rồi Hà lấy địa chỉ ở đâu?

- Ở bà Tổng.

Hạnh le lưỡi:

- Hà dám gặp và Tổng cơ à?

Thường chúng tôi rất ngại gặp bà Tổng giám thị. Đứa nào bà Tổng gọi lên là y như có chuyện bị bố, bị rầy la. Bà già rồi và thật là nghiêm khắc. Hễ cứ thấy cái dáng khệ nệ của bà từ đằng xa, là chúng tôi tự động “tan hàng” lảng đi chỗ khác chơi. Hóa cho nên, Hạnh ngạc nhiên khi nghe tôi dám gặp bà ta.

Tôi nói:

- Gặp bà Tổng! Hà thấy bà cũng dễ chịu. Bà có chi khó khăn lắm đâu. Không những bà cho Hà địa chỉ mà bà còn hỏi thăm Hạnh nữa chứ.

Hạnh cười, đôi mắt biếc sáng của Hạnh như ngước lên và ngó về phía xa.

Hạnh nói:

- Chắc tại Hạnh có làm sổ cuối năm cho bà Tổng hồi năm ngoái cho nên bà nhớ Hạnh.

Hạnh hỏi thăm luôn tôi về tất cả các giáo sư và một số bạn học mà Hạnh nhớ tên. Tôi nói về từng người một, với một vẻ tức tối vì không nhớ rõ mặt.

Nghe xong Hạnh bảo:

- Sao Hạnh mới nghỉ có ba ngày mà Hạnh đã có cảm tưởng như Hạnh đã xa cách lớp học của mình lâu lắm rồi không bằng í.

- Rồi chừng nào Hạnh đi học lại?

Hạnh lắc đầu buồn bã:

- Hạnh cũng chưa biết chắc nữa, Hà à. Nói dứt câu, Hạnh quay nhìn vào trong nhà. Như chợt nhớ ra là đã để tôi đứng ngoài lối đi khá lâu, Hạnh nắm lấy tay tôi:

- Chết thật. Hạnh đoảng quá. Gặp Hà rồi mừng quýnh lên, tíu tít, quên cả mời Hà vào nhà.

Hạnh bước đi và kéo lôi tôi theo.

Vừa cúi người khom lưng chui vào nhà của Hạnh, Hạnh đã nói:

- Nói là nhà cho nó sang chứ thực ra nó chẳng hơn gì một cái lều cỏ giữa đồng hoang. Phải không Hà?

Trong bóng tối nhờ nhờ của căn nhà tối tăm và ẩm thấp, tôi thấy đôi mắt Hạnh như hai vì sao rực sáng và được tráng một lớp nước mỏng.

Tôi nghe lòng mình tê buốt với một cảm giác bùi ngùi, thảm thảm.

Tôi nói nhỏ với cái nhìn dừng lại khá lâu nơi hai vì sao long lanh chớp chớp lóng lánh như ở trên tít ngọn cao của một bầu trời nhiều mây tím thẫm ấy.

- Đừng nói như thế nữa với Hà. Hạnh. Hạnh không chú ý tới lời nói của tôi. Hay là Hạnh có để ý mà tôi không biết, vì giữa lúc đó, tôi thấy Hạnh lấy tay quệt ngang mặt.

Hạnh phủi phủi một khoảng trên chiếc đi văng nhỏ kê ngay ở bên cửa ra vào nói với tôi:

- Hà ngồi chơi đỡ đây nha. Để Hạnh đi rót nước trà cho Hà uống.

Hạnh cười lớn. Giọng cười vang âm căn phòng. Không có lối thoát, khiến tôi có cảm tưởng như nó chạy quanh và vang dội nhiều lần trong tai tôi. Cái giọng cười gượng gạo không mấy tự nhiên.

Hạnh nói, giọng kịch:

- Chả mấy khi rồng đến nhà tôm.

Tôi cười:

- Phải nói là tệ xá chứ.

Hạnh gật gù, đáp:

- Phải rồi. Đúng là “tệ tệ xá”.

Hạnh nhấn mạnh mấy tiếng sau. Tôi cười lớn hơn để khỏa lấp màng lưới chua chát vừa được giăng ra một cách vô tình giữa hai chúng tôi.

Một khoảng khắc im lặng ngắn xen giữa hai đứa. Tôi lên tiếng trước để đánh tan sự im lặng sượng sần này. Tôi nói:

- Bác có nhà không, Hạnh?

Hạnh gật đầu:

- Mẹ Hạnh đau.

Tôi à lớn một tiếng. Tôi đã hiểu lý do tại sao Hạnh phải nghỉ học.

Hạnh nói tiếp:

- Mẹ Hạnh bị đau mắt, bà cụ không đi đâu được, nhà lại không có ai ngoài Hạnh, nên Hạnh phải ở nhà, vừa trông coi nhà cửa, vừa lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ Hạnh.

- Mùa này có nhiều người bị đau mắt lắm. Hạnh coi chừng đó. Kẻo mắt đau nặng khó chữa.

Nghe tôi nói. Hạnh gật đầu:

- Hạnh có nghe người ta nói về một chứng bệnh đau mắt mới. Nhưng trường hợp mẹ Hạnh, Hạnh biết không phải tại thời khí bây giờ gây ra.

Tôi tò mò muốn biết nguyên do nhưng chỉ nhìn Hạnh ra ý hỏi mà không nói.

Hạnh ngập ngừng, nhìn vào trong nhà xong quay ra nhìn tôi. Hạnh nói nhỏ, như thầm thào chỉ đủ cho một mình tôi nghe:

- Hà biết không, tại nhà Hạnh ở thiếu ánh sáng. Đèn điện lại không có. Đêm tối chỉ thắp đèn dầu, mà mẹ Hạnh làm nghề đan nón. Hà biết không? đan nón cực lắm. Mắt cứ phải dí sát vào những tấm lá dứa để đơm những mũi chỉ, thêm nữa, nguyên do chính là tại cứ đến mùa mưa là mẹ Hạnh hay buồn lắm.

- Khóc hoài à. Vì thế cho nên thường cứ mỗi năm có một thời gian mẹ Hạnh bị đau mắt như thế này. Hạnh đã nói cả trăm lần để mẹ Hạnh đừng có buồn nghĩ vơ vẫn, nhất là đừng có hà tiện chút dầu, dù ban ngày, nếu trời có tối, cũng nên thắp đèn cho sáng mà làm việc nhưng mẹ Hạnh không nghe…

Hạnh thở dài nghẹn ngào không nói được nữa. Tôi cũng bùi ngùi xúc động, im lặng, tôi ngồi xuống phản, và kéo Hạnh ngồi xuống theo, nhưng Hạnh gỡ tay tôi ra, Hạnh nói:

- Để Hạnh vào trong này chút.

- Đừng có rót nước cho Hà nghe Hạnh. Hà không khát đâu. Hà chỉ muốn đi thăm Hạnh, giờ gặp được Hạnh rồi, Hà mừng lắm. Thế là đủ rồi. Hà ngồi đây chơi một lát với Hạnh rồi Hà phải về. Cũng trễ rồi. Mai mốt Hà lại với Hạnh lâu hơn.

Hạnh đứng thẳng người, tần ngần:

- Hà không thể ngồi lâu lâu với Hạnh được sao?

Tôi nhìn Hạnh ái ngại:

- Để lần khác. Sắp tối rồi. Chút xíu nữa là Hà phải về, không có ở nhà mẹ Hà trông.

Hạnh như chợt nhớ ra điều gì đó, mặt Hạnh thoáng một vài nét đau đớn, buồn tủi.

Hạnh nói:

- Ờ, mà thôi. Hạnh không dám giữ Hà ở lại đâu. Lỡ có chuyện gì lại khổ cho Hà nữa.

Tôi hiểu, Hạnh muốn nói tới chuyện xẩy ra cách đây mấy bữa, khi ba tôi gặp tôi chở Hạnh ở giữa đường.

Tôi không biết nói sao để cho Hạnh đừng giận, đừng buồn ba tôi, vì sự thực ba tôi chỉ lo cho tôi chứ chẳng phải là vì ghét bỏ gì Hạnh cả. Thêm nữa, đó là do tính người.

Nhưng tôi ngập ngừng không biết có nên nhớ lại câu chuyện đó không. Tôi nghĩ nhắc lại, nếu Hạnh không thông cảm mà Hạnh còn buồn hơn thì thật chẳng nên chút nào.

Tôi nắm tay Hạnh và nhất định kéo Hạnh ngồi xuống phản.

Hạnh dùng dằng, nhưng cuối cùng, rồi Hạnh cũng chìu theo ý tôi. Hạnh ngồi sát bên cạnh tôi.

Tôi nói:

- Hạnh có thương Hà không?

Có lẽ câu hỏi của tôi quá đột ngột, nên Hạnh hơi dang xa một chút, Hạnh nhìn chăm chắm, lộ vẻ khó hiểu. Tôi lay động cánh tay Hạnh và lập lại câu hỏi của mình.

Hạnh nhìn đi chổ khác, đáp:

- Hà tử tế lắm, Hà tử tế với Hạnh nhất trong những người bạn cùng lớp với Hạnh. Làm sao Hạnh không mến Hà cho được. Nhưng…

Tôi vội chặn ngang lời Hạnh:

- Không có nhưng gì hết. Hạnh đã thương Hà, như Hà thương Hạnh, thì Hạnh không có được giận hờn hay nghĩ ngợi gì cả. Chuyện đáng tiếc hôm nọ xẩy ra là tại Hà. Hà không nghe lời ba. Ba Hà sợ Hà nhỏ quá lại đèo thêm Hạnh nữa, rồi lỡ có chuyện gì xẩy ra, như tai nạn chẳng hạn, thì khổ cho cả hai đứa. Tất cả chỉ vì lý do đó. Nhưng tính ba Hà nóng nẩy nên ba Hà đã mắng Hà ngay khi có mặt Hạnh. Mà Hạnh phải hiểu rằng ba Hà giận Hà bởi vì ba Hà đã lưu ý Hà nhiều lần về việc đó, mà Hà không nghe. Tuy nhiên ngay khi về đến nhà ba Hà có nói với Hà rằng, nếu có gặp Hạnh thì bảo Hạnh đừng buồn gì cả. Ba Hà quá nóng nên ba Hà la rầy Hà, thế thôi chứ ba Hà không có ý gì hết. Hạnh đừng để tâm.

Tôi nói một hơi và tôi bịa luôn cả lời ba tôi nói nữa cho Hạnh đỡ tủi thân, chứ thực tình ba tôi chẳng nói gì hết. Hình như trong thâm tâm ba tôi vẫn còn ghét Hạnh ghê gớm lắm. Đó là điều khó hiểu mà tôi chưa đoán được nguyên nhân sâu xa của sự kiện đó. Phải. Tôi không thể nào hiểu được. Bởi tôi nghĩ không ai có thể ghét bỏ Hạnh được một khi đã gặp Hạnh.

Những lời nói của tôi, không ngờ đã có một kết quả tốt đẹp. Hạnh lắng nghe tôi nói và im lặng, không nói thêm gì nữa.

Tôi cũng thế. Sự giả dối trong lời nói của chính mình làm tôi cảm thấy bực dọc với ba tôi đôi chút.

Hạnh đứng lên, sau khi bảo tôi:

- Sự thực thì Hạnh cũng chẳng có quyền gì để giận hờn bác hết. Nhưng dẫu sao thì lời nói vừa rồi của Hà cũng làm cho Hạnh thấy bớt tủi thân một phần nào. Thôi để Hạnh vào rót nước cho Hà với lại thưa với mẹ Hạnh rằng có Hà lại chơi. Mẹ Hạnh mà nghe có Hà tới, chắc bà cụ vui lắm. Hạnh nói chuyện về Hà với mẹ Hạnh hoài à.

Tôi hỏi.

- Bác có nhà sao?

- Có. Trong kia. Chắc mẹ Hạnh đang ngủ.

- Vậy thôi, Hạnh à. Hạnh để bác ngủ yên. Đừng nói gì hết. Hà về giờ Hạnh ơi. Mai mốt gì Hà sẽ lại Hạnh chơi nữa cơ mà. Hà biết nhà rồi, Hà sẽ lại luôn cho mà xem. Chừng đó đừng có than là chị Hà quấy rầy nghe hông?

Hạnh cười. Tiếng cười reo vui thơ dại. Có lẽ lúc gặp Hạnh đến giờ tôi mới nghe được một tiếng cười tự nhiên như thế.

Hạnh nói:

- Còn lâu Hạnh mới nghĩ thế… Chỉ sợ Hà đi tìm nhà Hạnh một lần rồi Hà tởn, lần sau có mời Hà cũng không thèm tới ấy chứ.

Tôi cũng cười:

- Ai chứ riêng Hà thì Hạnh khỏi cần mời. Tin không?

Hạnh lắc đầu:

- Không. Chừng nào Hà lại hoài với Hạnh kia, Hạnh mới tin.

Hạnh nói và đi vào trong. Tôi ngồi nhìn theo cái bóng mờ mờ của Hạnh di động trong tối, như một bóng dáng hư ảo hoang đường. Tôi cố hình dung ra gương mặt của mẹ Hạnh đằng sau tấm màn gió màu nước dưa thả thõng quây quanh một chiếc giường gỗ kê ở góc trong cùng của nhà.

Tôi thấy Hạnh đi ngang qua đó và dừng lại vén tấm màn lên, đứng im lặng nhìn một lát rồi lại bỏ xuống, đi thẳng vào nhà bếp.

Tôi thầm nghĩ bà cụ phải là người đàn bà đẹp như thế nào thì mới có thể có một người con gái như Hạnh được. Chỉ tiếc rằng cái nghèo của gia đình Hạnh, phần nào, đã làm mất cái tươi trẻ thơ ngây của Hạnh. Tôi tưởng tượng rằng nếu Hạnh sinh trưởng trong một gia đình giàu có hay trung lưu thôi, không biết rồi Hạnh sẽ được nâng niu chìu chuộng tới mức nào, một khi Hạnh lại thông minh, học giỏi và siêng năng ngoan ngoãn như thế kia.

Đang nghĩ vẩn vơ thì Hạnh bước ra với một ly nước trà trên tay còn nghi ngút khói.

Đưa cho tôi, Hạnh nói:

- Mẹ Hạnh đang ngủ.

Tôi gật đầu:

- Hà đã nói rồi. Hãy để bác ngủ yên. Hạnh có mua thuốc về nhỏ mắt cho bác không?

Hạnh gật đầu:

- Có. Mấy thứ lận. Mà sao hình như kỳ này mẹ Hạnh bị đau nặng hơn mọi năm hay sao ấy. Nó không bớt gì cả.

- Vậy phải mua thuốc khác cho bác chứ?

Hạnh ngập ngừng:

- Hạnh cũng nghĩ vậy. Hạnh tính chờ thêm một hai ngày nữa mà không hết, chắc Hạnh phải mua thuốc khác, một loại nặng hơn. Lọ thuốc mà Hạnh đang tra cho bà cụ cũng thuộc loại nặng và đắt tiền lắm.

Tôi đưa ý kiến:

- Hay Hạnh thử đưa bác vào nhà thương cho người ta coi xem sao, chứ để nhà lâu ngày, chữa không khỏi còn phiền thêm.

Hạnh lắc đầu:

- Hạnh có nói mà bà cụ không chịu. Bà cụ cứ gạt phắt đi và bảo không có sao hết. Dăm ba ngày rồi nó khỏi.

Tôi cười:

- Bao giờ cũng thế. Mấy cụ nhiều tuổi rồi, thường ngại lui tới nhà thương. Nghe nhà thương, nhà thuốc là các cụ đã sợ rồi.

Hạnh cười nhìn tôi:

- Hà đoán thử xem mẹ Hạnh bao nhiêu tuổi?

Tôi nhìn Hạnh thăm dò, nhưng không thể nhìn thấy số tuổi của mẹ Hạnh trên mặt Hạnh, tôi lắc đầu:

- Chịu. Nhưng Hà đoán chắc bác cũng đã khá nhiều tuổi.

- Nhiều là chừng bao nhiều chứ?

Tôi nói đại:

- Ngoài bốn mươi không?

Hạnh cười vang:

- Hà đoán đúng đấy. Nếu trông bề ngoài thì mẹ Hạnh khoảng ngoài bốn mươi rồi, nhưng sự thực mẹ Hạnh mới ba mươi sáu tuổi thôi, Hà à.

- Bác còn trẻ vậy sao? Như vậy là bác cũng xấp xỉ ngang với mẹ Hà đó.

- Bác nhà bao nhiêu?

Tôi nheo mắt cố nhớ tuổi đích xác của mẹ tôi.

- Ba mươi tư.

- Vậy là bác thua mẹ Hạnh hai tuổi. Nhưng chắc chắn là bác nhà trẻ hơn mẹ Hạnh nhiều. Tại mẹ Hạnh vất vả, khổ sở từ lúc mới lớn nên mẹ Hạnh già trước tuổi nhiều.

Tôi nghĩ tới việc thăm dò quá khứ của gia đình Hạnh, nhưng nghĩ lại, lại thôi.

Để dịp khác. Cũng chẳng gấp gì. Có những việc khác cấp bách hơn, chẳng hạn như làm thế nào để có thể giúp Hạnh chữa mắt cho mẹ Hạnh, để bà cụ mau khỏi cho Hạnh có thể đi học trở lại.

Tôi cũng không hiểu sao, tôi lại có nhiều lo lắng như vậy dành cho Hạnh.

Tôi nói:

- Thôi để Hà về. Mai Hà trở lại, nếu Hạnh còn nghỉ học.

Hạnh hơi buồn khi nghe tôi nói phải về.

Hạnh nói:

- Chắc là mai Hạnh cũng vẫn chưa thể đi học được đâu. Nếu Hà có đến Hạnh, Hà nhớ mang tập cho Hạnh mượn, Hạnh chép bài nha Hà.

Tôi gật đầu và tự trách mình sao không nghỉ ngay tới việc đó mà để Hạnh phải nói trước.

Tôi đáp:

- Ừ. Để mai Hà đem vở đến cho Hạnh mượn. Cũng chẳng có bao nhiêu bài đâu Hạnh à.

Tôi đứng lên và hướng mắt nhìn vào trong nhà. Hạnh hiểu ý, nói:

- Thôi được, Hà. Mẹ Hạnh đang ngủ. Hà cứ về đi. Lát mẹ Hạnh tỉnh lại, Hạnh sẽ nói cho mẹ Hạnh hay. Chắc là mẹ Hạnh sẽ mắng Hạnh sao không gọi bà cụ dậy rồi đó.

Tôi cười cười:

- Mai Hà lại nữa, lo gì!

- Ừ, Nhá! Thế nào mai Hà cũng lại nhà. Hạnh chờ đó.

Hạnh nói và xiết chặt tay tôi.

Cử chỉ của Hạnh làm cho tôi cảm động. Tôi để im tay mình trong bàn tay nhơm nhớp mồ hôi của Hạnh.

Lát sau, Hạnh thả tay tôi ra và chỉ cho tôi lối để đi ra tới đường cái dễ và gần nhất.

Đến khúc quanh, nhìn lại, tôi vẫn còn như trông thấy dáng Hạnh gầy guộc in trên mái lá với đôi mắt huyền mơ của ca dao ngọt ngào.

Buổi chiều, sáng ở trên cao, với những đám mây trắng xốp. Những cơn gió từ đâu đó thổi tới, mang theo trong nó, những tiếng rì rào của lá cây, của thân cỏ.

Tôi nghĩ, không biết trời có dành sẵn một số đặc ân nào đó không cho những người nghèo khổ, những người kém may mắn như gia đình Hạnh, trong những năm tháng dài sẽ tới?

Đèn đường đã bật khi tôi ra tới lộ chính. Những ồn ào nối tiếp của dòng xe cộ không dứt, như không hề biết rằng chẳng cách bao nhiêu, ngay sau lưng những dãy nhà cao to, sang trọng là cả một thế giới mù mịt, cùng khổ của hàng ngàn con người đang sống lẩn lút như những con chuột trong những cái hang đất sâu hoắm và hôi hám ẩm thấp.

Hình ảnh Hạnh với người mẹ già trước mắt tôi theo nhịp xóc của bánh xe lăn nhanh…


CHƯƠNG BỐN

Tôi không biết nên nói thế nào về những điều tôi đã làm được cho Hạnh, tuy những điều đó đồng thời đã dẫn tới mối nghi ngờ va lòng ghét bỏ ngày càng cao thêm ở trong đầu óc của ba tôi về Hạnh.

Tôi muốn nói ngay rằng ba tôi đã không công bằng khi quá yêu thương tôi mà cho rằng Hạnh đã dụ dỗ, đã lợi dụng tôi. Mặc dù tất cả những sự giúp đỡ của tôi dành cho Hạnh, ba tôi đều không biết, hay nói một cách đúng hơn là người chỉ biết một cách lờ mờ do phỏng đoán mà thôi.

Để giúp Hạnh không bị ngắt quãng bởi những ngày phải nghỉ học ở nhà trông nom săn sóc cho đôi mắt của mẹ và thay mẹ trong công việc khâu đan những chiếc nón, nguồn lợi chính từ lâu đã nuôi sống gia đình Hạnh, cứ cách một ngày, tôi lại đến Hạnh một lần với những tập vở cho Hạnh chép lại và cả hai cùng học.

Tôi cũng đã lén ba mẹ tôi giúp đỡ Hạnh bằng những vật dụng cần thiết mà tôi mua bằng tiền riêng của tôi. Khi thì chai thuốc đau mắt, khi thì mấy quả cam, khi thì ống thuốc đánh răng v.v…

Hạnh đã quyết liệt từ chối những sự giúp đỡ cỏn con này của tôi mặc dù Hạnh cũng thừa hiểu đó là tất cả lòng chân thành tha thiết yêu thương bạn và tự nguyện hoàn toàn của tôi.

Ngay cả mẹ Hạnh, bà cụ cũng tỏ ra áy náy không ít trước tình cảm mà tôi dành cho Hạnh.

Bà nói:

- Con đến với gia đình bác như thế này là quý hóa lắm rồi. Con đừng có nay đem cho cái này, mai đem cho cái kia, bác không yên lòng chút nào hết. Riết rồi lỡ gia đình con biết, gia đình con sẽ nghĩ sao về Hạnh và bác…

Tôi phải viện dẫn nhiều lý lẽ và những câu nói đa số bịa đặt để nói với mẹ Hạnh cho bà đừng quá bận tâm.

Nhờ những ngày lui tới với Hạnh, tôi đã hiểu phần nào sự thực về gia đình Hạnh. Những điều mà trước đây tôi tưởng mình đoán đúng đã hoàn toàn sai lạc. Chẳng hạn như người đàn ông mặt đen xạm với đôi lông mày rậm mà tôi nghĩ rằng có thể là cha của Hạnh, sự thực là người cậu ruột của Hạnh. Người cậu mà Hạnh đã nói với tôi rằng đó là người bà con duy nhất mà Hạnh biết địa chỉ và có ít nhiều liên lạc với nhau.

Hạnh kể lại rằng hôm Hạnh tới nhà người cậu để hỏi mượn tiền về mua thuốc cho mẹ, buổi trưa mà tôi đã lén theo Hạnh và về nhà trễ đến đỗi bị ba tôi mắng cho một trận tối tăm mặt mày, nhưng người cậu không có và đã nói với Hạnh những lời đay nghiến khiến Hạnh ửa nước mắt. Nhưng dầu sao thì đó cũng là người cậu duy nhất, thương mẹ Hạnh và còn nhìn nhận mẹ Hạnh là một người chị, kể từ sau khi chuyện mẹ Hạnh yêu ba Hạnh rồi có thai với ba Hạnh và sau đó ba Hạnh đã bỏ rơi mẹ Hạnh để đi lấy một người vợ khác con nhà giàu và có thế lực. Gia đình mẹ Hạnh đã từ mẹ Hạnh ngay sau đó và mẹ Hạnh vì tự ái đã bỏ nhà ra đi, không hề liên lạc với bất cứ ai trong gia đình.

Tôi hỏi Hạnh có biết mặt ba không thì Hạnh đáp rằng không biết, chỉ nghe mẹ nói rằng ba Hạnh vẫn còn sống tại đây và lúc sau này rất khá giả.

Sau khi sinh Hạnh trong nhà thương thí, mẹ Hạnh đã quyết định ở vậy nuôi Hạnh, mặc dù có rất nhiều người đàn ông theo đuổi mẹ Hạnh và nhất định đòi cưới mẹ Hạnh vì cái nhan sắc diễm tuyệt của bà.

Nhưng không một người nào lay chuyển được lòng dạ sắt đá của mẹ Hạnh, bà nhất định ở vậy nuôi con, dù đã không còn một liên lạc nào với người đàn ông đầu tiên đã đến với đời bà.

Để giảm bớt những săn đón, những chú ý và tán tỉnh của những người đàn ông biết mẹ Hạnh, bà đã cố tình làm cho nhan sắc tàn tạ mau đi bằng những việc làm lam lũ và những buồn rầu, những suy nghĩ đau đớn đã giúp thêm một tay nữa, thật đắc lực trong việc tàn phá thật nhanh nhan sắc của bà.

Tuy thế, tôi vẫn nhận thấy rằng mẹ Hạnh còn đẹp lắm. Những nét thanh tú vẫn còn phảng phất trên gương mặt bà dù sự nghèo khổ đã kéo nhiều nếp nhăn nheo trên vầng trán và ở nơi đuôi mắt. Nhất là đôi mắt bà, tuy nó không thể có cái trong sáng, cái long lanh như đôi mắt của Hạnh, nhưng quả thực, nếu nhìn lâu, người ta vẫn nhận ra cái vẻ đặc biệt quyến rũ của nó.

Khi biết rõ chuyện, tôi đã không khỏi thầm cảm phục mẹ Hạnh. Một người đàn bà như mẹ Hạnh, trong thời buổi này quả thật là khó kiếm.

Có lẽ khi đi từ lòng cảm phục và quý mến chân thành, tôi đã gọi mẹ Hạnh bằng bác, xưng con. Lúc đầu mẹ Hạnh không gọi tôi bằng lối xưng hô đó, nhưng rồi sau, bà cũng kêu tôi bằng con và coi tôi như Hạnh.

Điều này với tôi là một cái gì sung sướng hân hoan khó tả. Tôi cảm thấy như mẹ Hạnh là một người đàn bà thứ hai, gần gũi với tôi nhất sau mẹ tôi.

Có điều là từ khi giữa tôi và gia đình Hạnh, có những liên lạc mật thiết và một thứ tình cảm càng ngày càng gắn bó thêm, tôi đã không kể hết mọi chuyện với mẹ tôi. Tôi nghĩ đó là sự cần thiết để mẹ tôi còn giữ chút cảm tình sẵn có dành cho Hạnh. Tôi nghĩ, nếu mẹ tôi biết tôi thương mẹ Hạnh, không kém gì mẹ tôi, thì chưa chắc gì người đã còn giữ cảm tình cũ, có thể người sẽ chẳng cho tôi lui tới nhà Hạnh nữa cũng không chừng.

Đang nghĩ vẩn vơ, thì em tôi ở dưới nhà gọi vọng lên:

- Chị Hà xong chưa? Xuống mau đi, tới giờ rồi.

Tôi bỏ chiếc lược xuống bàn, ngắm lại mình một lần nữa trong gương xong chạy như bay xuống thang gác.

Chẳng là hôm nay ba tôi cho tụi tôi đi coi một phim ciné dành cho trẻ con. Đó là phim “Đứa trẻ mồ côi”.

Tôi xuống vừa hay lúc mọi người đang sửa soạn để ra xe.

Tôi leo lên băng sau ngồi với các em. Ba mẹ tôi ngồi đẳng trước.

Vừa lái xe ba tôi vừa nói chuyện với mẹ tôi về công việc nhà và nhắc tới tên của vợ chồng một vài người bạn thường lại nhà chơi.

Tôi ghé sát mặt ra ngoài thành xe.

Gió đêm lùa vào lòng xe mát lạnh. Những hàng cây vun vút bị bỏ lại. Mấy đứa em tôi thì nao nức về cuốn phim sẽ xem. Chúng nói chuyện và cãi nhau ỏm tỏi. Tôi im lặng hoàn toàn. Hình như kể từ ngày biết rõ hoàn cảnh của Hạnh, tôi bắt đầu có những ý nghĩ khác hơn về đời sống, về tình cảnh, ngay cả tình cảnh của gia đình tôi. Tôi luôn nghĩ về Hạnh. Làm như gia đình Hạnh đã trở thành một ám ảnh không ngớt dày vò tâm trí tôi. Tôi vẫn ao ước có một buổi nào đó rủ Hạnh đi ciné cùng nhưng chưa có dịp. Có thể là cả năm, chưa chắc Hạnh đã bước chân vào một rạp chiếu bóng. Tôi nghĩ lẩm cẩm. Kể ra thì Hạnh làm gì có thì giờ để mà đi đâu nữa? Sáng Hạnh dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và đun nước pha trà cho mẹ, xong là sửa soạn để đi học. Đi học về, Hạnh lại lăn vào bếp làm cơm. Cơm nước xong Hạnh phụ giúp với mẹ làm nón cho tới ba bốn giờ thì Hạnh quay ra lo học bài và làm bài ở nhà trường. Hạnh chỉ có khoảng ba tiếng là tối đa, để lo việc học hành, bài vở. Hạnh nói thế. Sau đó là tới bửa cơm chiều, và tối Hạnh lại cắm cúi đan lát hoặc chằm những chiếc nón dở dang cho mẹ. Hạnh bảo vậy mà gia đình Hạnh vẫn không đủ sống. Hàng tháng sự thiếu hụt luôn đe dọa hai mẹ con Hạnh. Nhưng bù lại, Hạnh nói, hai mẹ con rất thương yêu và quấn quýt nhau. Hạnh là nguồn sống của mẹ và ngược lại, mẹ Hạnh là lý do giúp Hạnh có thể tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó và gắng sức học.

Tôi không nhớ xe đã chạy qua được mấy con đường. Bỗng dưng cả hai, ba mẹ tôi cùng im lặng.

Sự im lặng thình lình, ngắt quãng những ý nghĩ vớ vẩn trong đầu tôi. Nó kéo tôi trở về chú ý tới chính sự im lặng đó.

Bỗng dưng ba tôi hơi nghiêng người, day mặt về phía sau xe, hỏi:

- Con hôm nay không được khỏe hay sau, Hà?

Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao hôm nay ba tôi lại có vẻ chú ý tới tôi hơn thường lệ.

Tôi nói vọng ra phía trước, giữa tiếng ù ù của những con gió tiếp nhau lùa thổi vào lòng xe:

- Dạ không. Con có sao đâu?

- Sao ba không thấy con nói chuyện?

Tôi cười trên băng sau, và chắc rằng ba tôi sẽ chẳng thể nào nhìn thấy nụ cười của tôi.

Tôi đáp:

- Tại con chẳng biết nói gì.

Ba tôi cười thành tiếng và quay sang bên mẹ tôi. Người nói, như nói với mẹ tôi:

- Thì nói chuyện với các em chứ nói với ai mà không biết nói gì.

Thằng út nghe thấy ba tôi nói vậy, vội nói leo:

- Chị ấy nhìn ngoài đường ba ơi. Chắc chị ấy đang buồn.

Mẹ tôi cười, quay hẳn đầu lại, vuốt vuốt đầu thằng út, bảo:

- Chị ấy buồn cái gì? Buồn ngủ hả?

Út nhe hàm răng sún ra cười toe. Tôi cũng bật cười theo.

Chiếc xe như mang theo tiếng cười chạy chậm lại trên một khoảng đường khá dài.

Ba tôi gửi xe và chúng tôi vào rạp vừa lúc bắt đầu chiếu tới phim thời sự.

Mẹ tôi nói:

- Như vậy là không được coi chiếu thử những phim sẽ chiếu, hoài của.

Mẹ tôi nói với giọng tiếc rẻ thật tình.

Bao giờ cũng vậy, tôi có cảm tưởng như mẹ tôi luôn có những cái cảm giác tiếc rẻ và không thỏa mãn với những vấn đề. Ngay cả với việc đi ciné, nếu vào rạp trễ là y như mẹ tôi có cái ý nghĩ là đã tiêu phí mất một khoản tiền không vào đâu hết. Tôi thì chẳng hề quan tâm tới những việc như thế.

Có thể chính vì những lẽ đó mà nhiều người cho rằng tôi nhỏ mà như một bà cụ non ấy. Cô Tước cũng từng phê bình tôi rằng mới có mười ba tuổi đầu mà sao Hà ăn nói cứ như người lớn í.

Cô Tước nói câu này với nụ cười trên môi. Nhưng tôi hiểu đó là một lời chê chứ không phải là một lời khen, hay ít ra thì cô tôi muốn nhắc nhở tôi rằng đó là một khuyết điểm cần phải được sửa chữa sớm.

Dẫu sao thì tôi cũng vẫn chỉ có thể nhìn việc ấy như một cái tính bẩm sinh. Trời sinh ra như vậy. Tôi sớm tự bắt tội mình phải suy nghĩ, phải băn khoăn, nhiều khi tới những vấn đề không thuộc quyền hạn hay phù hợp với tuổi tác của mình.

Cũng có thể đây cũng một khía cạnh khác mà giờ tôi mới chợt nhận ra rằng, tôi rất gần với Hạnh. Hạnh cũng có cùng chung với tôi một lối nói, và những suy nghĩ quá sớm cho một cái đầu óc mới được mười ba mười bốn năm.

Cuốn phim thực hay. Thực cảm động. Nó quyến rũ tôi tới độ tôi say mê quên hết cả thời gian và suốt trong lúc đó, đầu óc tôi không vấn vương môt ý nghĩ nào khác hơn theo rõi, hồi hộp, thương xót và ngậm ngùi cho thằng nhỏ trong phim. Tới khi đèn phựt sáng, tôi mới giật mình trở lại thực tại.

Hình như cuốn phim đã không chỉ có một tác dụng mạnh mẽ, sâu xa nơi tôi mà ngay cả nơi ba và mẹ tôi nữa. Mấy em tôi thì chẳng nói làm chi. Thằng út ngủ ngay sau khi phim chiếu được chừng nửa tiếng, mặc dù nó là thằng nhỏ ồn ào và nói nhiều nhất vào những lúc thức.

Ra tới xe và ngay cả khi xe đã bắt đầu trên đường về, ba tôi không nói một tiếng nào với mẹ tôi hay với tôi. Đó là một điều trái ngược hẳn với thường lệ.

Tôi nhớ là bao giờ khi xem xong một cuốn phim, nếu có mẹ tôi đi cùng, ba tôi thế nào cũng nói chuyện với mẹ tôi về cuốn phim đó. Hoặc ba tôi nói tới những đoạn tế nhị, đặc biệt của phim mà ba tôi nghĩ có thể mẹ tôi không hiểu gì hết. Hoặc ba tôi nói về ý nghĩa tổng quát của cuôn phim ba hỏi cảm tưởng của mẹ tôi về cuốn phim đó.

Nhưng riêng lần này thì không. Tôi nhận thấy ba tôi có vẻ đăm chiêu. Gương mặt người trầm hẳn xuống với những nếp nhăn thành hàng trên vầng trán.

Tôi không thấy vẻ dữ tợn trong những trường hợp như vậy, mặc dù người ta thường nói khi ai đó có điều gì để suy nghĩ hay băn khoăn lo lắng, họ thường có vẻ mặt cau có, dữ tợn. Trái lại ở ba tôi, những lúc như vậy, người thường có vẻ gì buồn buồn một cách rất dịu dàng, xa xăm.

- Hồi này con còn chơi với con Hạnh không, Hà?

Tôi ngập ngừng một lát để suy tính thử xem trong câu hỏi bất ngờ kia, ba tôi có ý định gì?

Tôi cân nhắc bởi tôi nghĩ, biết đâu chừng câu trả lời thực thà của tôi sẽ chẳng là cái mồi lửa không đúng lúc đối với những bực dọc âm thầm trong lòng ba tôi lúc này.

Nhưng tôi có cảm tưởng điều lo sợ, đề phòng đó, ở lần này không hẳn đã đúng vậy. Bởi trong giọng nói kia có mang theo một cái gì dịu dàng thân mật và nhiều thiện cảm.

Phải rồi. Tôi nghĩ. Có thể ba tôi bị ảnh hưởng cuốn phim vừa xem xong. Bởi cuốn phim nói về một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống côi cút với bà nó, một người đàn bà đã trên bảy mươi tuổi, đi đứng đã phải chống gậy, với cái lưng còng như muốn gãy gặp làm hai.

Tôi ngập ngừng trong giọng nói của mình khi trả lời ba tôi:

- Dạ… Con vẫn… chơi với nó.

- Mẹ nó làm nghề gì?

- Làm nghề đan nón.

Mẹ tôi nói xem vào giữa câu chuyện:

- Nghe con nói thì con nhỏ đó học khá lắm anh.

Mẹ tôi nhìn sang phía ba tôi.

Sau tay lái, ba tôi vẫn ngồi ngay người và nhìn thẳng như không hề chú ý tới câu chuyện mà còn mải nhìn đường.

Ba tôi gật đầu:

- Thế hả.

Tôi khấp khởi mừng vì sau khi nghe tôi thú nhận rằng vẫn tiếp tục chơi với Hạnh mà người không những không mắng át như mọi lần mà còn có vẻ như bắt đầu chịu nghe chuyện về Hạnh.

Tôi nói thêm:

- Nó học nhất lớp đó ba.

- Vậy là con đứng dưới hạng con Hạnh.

- Vâng. Bao lần con muốn lên thay thế chổ nó mà không được. Chỉ có tháng vừa rồi là con lên hạng nhất.

- Tại sao?

Ba tôi hỏi tiếp.

- Tại nó nghỉ hoài nên mất điểm.

- Làm gì mà nó phải nghỉ học?

Ba tôi hỏi thêm, vẫn cái giọng nhát ngừng phẳng lặng như chẳng chú trọng mấy.

- Tại mẹ nó bị đau mắt nặng nên nó phải ở nhà làm nón thay cho mẹ nó và trông nom nhà cửa luôn thể.

Không hiểu sao tôi cảm thấy mình hào hứng trong việc được ba tôi hỏi thăm về Hạnh. Tôi nói luôn không cần ba tôi hỏi tiếp.

- Nó kể chuyện kỳ lắm. Thường cứ tới mùa mưa là mẹ nó khóc nhiều. Và cứ khóc nhiều như vậy là y như bị đau mắt. Bị ngày thì chăm chú đan khâu nón, đêm không ngủ được mà cứ khóc thầm khóc vụng hoài nên mắt mẹ nó sưng lên và vài ngày sau là đau.

Mẹ tôi có vẻ thích thú khi nghe chuyện gia đình của Hạnh. Ba tôi hình như cũng không khác lắm. Tôi có cảm tưởng như ba tôi lắng nghe hơn mẹ tôi nữa và thỉnh thoảng người lại đưa mắt liếc nhìn mẹ tôi ngồi bên cạnh.

Mẹ tôi nói:

- Kể cũng lạ đấy chứ. Giữa thời buổi này còn có những người đàn bà chung tình đến như vậy quả thực là hiếm có. Mà mẹ con Hạnh có đẹp không con?

Mẹ tôi quay lại nhìn tôi.

Tôi gật đầu:

- Mẹ nó còn đẹp lắm mẹ à. Nhất là đôi mắt, đôi mắt mà con nghĩ rằng không thể có người thứ hai bằng tuổi bà mà còn đẹp sáng, và long lanh như bà ta. Đấy là bà ta cứ bị đau hoài đó. Nếu không còn đẹp nữa. Mẹ không thể tưởng tượng được về vẻ huyền hoặc kỳ ảo của đôi mắt mẹ nó đâu. Đôi mắt lạ lắm. Con không thể diễn tả được.

Mẹ tôi cười, nhìn ba tôi, bảo:

- Ba nó coi kìa, nội cứ nghe cái miệng nó không cũng đủ phát mê rồi.

Ba tôi không cười. Người vẫn giữ nguyên vẻ đăm chiêu, lạnh lùng.

Lát sau ba tôi quay về sau nói:

- Ba con nhỏ đó ngày xưa tại sao lại bỏ mẹ nó?

- Con Hạnh nó nói cho con biết rằng ngày xưa ba nó yêu mẹ nó lắm. Hai người yêu nhau và chính vì tình yêu đó, mẹ nó bị gia đình từ bỏ, không ai nhìn nhận mẹ nó hết. Thế rồi khi mẹ nó có thai với ba nó, tức là nó đó ba, thì ba nó đột ngột đi lấy vợ. Nó bảo nghe nói ba nó có vợ giầu lắm.

Ba tôi cười khan, ngắt ngang lời nói của tôi:

- Thôi. Ba hiểu chuyện rồi. Đừng nói nữa. Tôi không thể hiểu cái thái độ bất thường của ba tôi. Đang kể ngon lành, và ba tôi, nếu tôi không lầm thì cũng có vẻ thích thú với câu chuyện lắm, bỗng lại cắt ngang.

Lời nói của ba tôi đã làm tôi cụt hứng và tôi lại bắt đầu có cái cảm giác sợ sự bực dọc của ba tôi về sự tiết lộ quá nhiều về gia đình Hạnh.

Tôi lo sợ rằng một khi ba tôi biết rõ gia đình Hạnh không những nghèo mà Hạnh lại không có ba, thì đó chính là lý do khiến cho ba tôi cương quyết cấm tôi giao du tiếp với Hạnh.

Tôi ngồi co người lại ở băng sau xe với những ý nghĩ thật hoang mang và lộn xộn.

Gió khuya thật lạnh. Các em tôi đã dựa vào nhau, ngủ gà ngủ gật. Mẹ tôi cũng im lặng, có thể là người cũng bắt đầu buồn ngủ. Tôi thấy mẹ tôi đưa tay che miệng ngáp một hơi dài.

Chỉ có ba tôi là vẫn còn vẻ tỉnh táo như lúc mới ra khỏi nhà.

Tôi thấy ba tôi rút cái tẩu thuốc để trong cốp xe ra và bật lửa hút. Mùi thuốc bảy mươi chín thơm lừng, ngào ngạt ươm đầy lòng xe.

Cái mùi thật quen thuộc, thật dễ ưa và muốn ăn, nghe như mùi son phấn của phụ nữ. Tôi khoái cái mùi này lắm. Đã có lần tôi nói với ba tôi như vậy.

Nhưng điều tôi muốn nói tới không phải cái mùi thuốc đặc biệt kia đâu. Tôi muốn nói tới cái tương quan đặc biệt, hầu như đó là cái cố tật của ba tôi, mỗi khi có điều gì vui mừng, hoặc cần phải lo nghĩ, ba tôi thường đem ống vố ra hút. Còn bình thường thì không. Hóa cho nên mặc dù ba tôi nói rằng nghiện thuốc lá chứ thực ra người rất ít hút, chỉ trừ những trường hợp như vừa nói. Không biết mẹ tôi có nhận ra điểm này không? Riêng tôi, không hiểu sao, mỗi cố tật của ba và mẹ tôi, tôi điều rõ hết.

Xe vào sân vừa hay tới giờ giới nghiêm. Chung quanh hàng phố đã ngủ cả.

Nghe tiếng xe, chị Hai chạy ra mở cửa.

Tôi phụ với mẹ đánh thức và ẵm thằng Út vào nhà.

Cho tới lúc vào phòng của mình, tôi vẫn còn thấy ba tôi ngồi ngoài phòng khách và hút thuốc tiếp.

Tôi không dám hỏi và hơn nữa, tôi đã quá mệt. Tôi chỉ còn đủ sức thay quần áo rửa mặt và leo lên giường ngủ. Hình như mẹ tôi cũng đã lên giường sau khi đặt thằng Út vào chỗ của nó.

Không biết rằng ba tôi thức tới mấy giờ hôm đó.


CHƯƠNG NĂM

Hôm nay là ngày Chủ Nhật. Có thể nói là ngày chủ nhật thích thú nhất của tôi. Tôi chẳng hiểu phải nói thế nào để các bạn hiểu được nổi sung sướng hân hoan ứ tràn trong tâm hồn tôi. Tôi có cảm tưởng như niềm vui sướng đã tràn lan cả vào từng mạch máu trong người tôi. Tôi có thể nghe được nỗi vui mừng đó nhẩy đập thánh thót trong ngực tôi. Tôi có cảm tưởng như có thể sờ thấy, có thể nắm được, vì nó đã tràn ứ cả từng sợi tóc, ở từng ngón tay, ở trên chóp mũi, ở ngay trong đôi mắt mà tôi nhìn thấy trong gương. Tôi chỉ có thể nói đó là một niềm hân hoan cùng cực. Một sung sướng muốn chạy băng băng xuống đường đứng chặn tất cả mọi người tôi sẽ gặp để chỉ nói với họ một câu thôi: “tôi sung sướng. Tôi sung sướng quá!” Tôi dậy thực sớm. Đúng hơn là cả đêm trước tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi có cảm tưởng như tôi ngủ quên, sáng ra, mọi sự sẽ đổi khác. Những gì tôi nghĩ sẽ được tận hưởng sẽ tiêu tan ngay cùng với những hạt sương tan trên những cọng lá bởi ánh nắng chói chang của một bình minh rực rỡ.

Nhưng không, tôi đã trở dậy trước nhất trong ngôi nhà. Tôi đã làm xong tất cả mọi công việc buổi sáng của tôi mà mọi người không ai hay biết. Tôi ra đứng bên cửa sổ, nhìn xuống miếng sàn cỏ sau một đêm không mưa, những hạt sương còn đọng lại nguyên đó, chưa tan.

Cũng có tới mười phút hay hơn thế, mẹ tôi mới tỉnh dậy, rồi tới lượt ba tôi.

Hình như mẹ tôi đã quá đỗi kinh ngạc khi thấy tôi ngay ngắn gọn ghẽ tự bao giờ nơi cửa sổ.

Mẹ tôi hỏi tôi bằng cái giọng còn ngái ngủ:

- Con Hà đấy à. Dậy chi sớm quá vậy? Hôm này Chủ Nhật mà?

Tôi cười cười, âu yếm ngắm nhìn mẹ tôi tươi mát sau một giấc ngủ đầy.

Tôi nói:

- Vâng, sáng nay Chủ Nhật.

- Mọi bữa, gọi con như gọi đò con còn không dậy nữa, sao bữa nay lạ quá vậy?

Tôi đùa cợt mẹ tôi bằng lối nói úp mở:

- Vâng, lạ lắm thưa mẹ.

Mẹ tôi bước lại gần và ngắm nghía tôi như muốn tìm sự bí mật nào đó dấu trên người tôi. Tôi làm vẻ nghiêm chỉnh trong cái thế đứng ngay người của mấy ông lính trình diện xếp.

Mẹ tôi phì cười cú nhẹ lên đầu tôi, nói:

- Cái gì mà mới mở mắt ra đã lạ?

Tôi cười thành tiếng:

- Mà mẹ đã chịu thua chưa?

Mẹ tôi cũng cười và dịu mặt nói:

- Mẹ vừa mới ngủ dậy, có biết ất giáp gì đâu mà còn hỏi thua với được?

- Mẹ có chịu thua con mới nói, tại sao hôm nay con dậy sớm.

Mẹ tôi gật đầu:

- Gớm thôi. Bao nhiêu năm mới dậy sớm được một bữa mà tàng gớm á.

Tôi cười khoái trí, ghé tai mẹ tôi nói nhỏ:

- Ba cho con đi chơi sáng nay.

Thấy tôi nói thầm, mẹ tôi không hiểu gì, cũng hỏi lại bằng cái giọng chỉ vừa đủ cho một mình tôi nghe thấy:

- Mình con thôi? Không có các em?

Tôi gật đầu sung sướng, không trả lời và chỉ dơ một ngón tay chĩa thẳng lên trời.

Mẹ tôi phá lên cười lớn.

- Có thế thôi mà tưởng cái gì ghê gớm, bí mật lắm.

Tôi làm bộ xịu mặt lại:

- Vậy mà không ghê gớm sao? Ba chỉ cho có một mình con đi chơi mà thôi.

Mẹ tôi xoa đầu tôi:

- Ừ thì ghê gớm. Thôi đi xuống bếp xem, làm đồ ăn sáng đi rồi còn đi đâu thì đi.

Mẹ tôi nói xong đi vào phòng rửa mặt.

Tôi nhảy chân sáo xuống nhà bếp.

Khi tôi chiên xong mấy cái trứng cho mọi người, ba tôi mới từ trong phòng đi ra. Người có vẻ mệt mỏi và bơ phờ.

Tôi bưng mấy đĩa trứng đặt lên bàn ăn trong khi ba tôi ngồi ngả lưng ngoài salon, tôi lại gần, ghé tai ba tôi, nói:

- Mẹ mới hỏi con.

Ba tôi trừng mắt nhìn tôi:

- Con nói sao?

- Con nói y như ba dặn.

Ba tôi vẫn như không tin tưởng nơi tôi lắm, người hỏi thêm.

- Con nói sao?

- Con nói sáng nay ba cho con đi chơi.

- Thế thôi?

- Vâng, thế thôi, À có…

Ba tôi có vẻ hơi áy náy, người nói ngay:

- Nói gì nữa?

Tôi vội vàng:

- Dạ, nói rằng chỉ có một mình con mà không có các em.

Ba tôi cười, xong lại nghiêm mặt ngay.

Người bảo:

- Thôi. Đi lo công chuyện đi. Chừng nào đi, ba gọi.

- Dạ vâng.

Tôi nói và quay lui định trở vào bếp, chợt ba tôi gọi giật lại:

- Này.

- Dạ.

- Lại đây ba bảo.

Tôi lại gần người, ba tôi dặn thêm tôi rằng lát nữa hãy cứ sửa soạn quần áo sẵn và xuống nhà xe trước để các em tôi chúng khỏi thấy và đòi theo, ba tôi sẽ xuống sau.

Tôi gật đầu nhanh nhẹn.

Tôi đi xuống bếp lại và có cảm tưởng như ba tôi đã nhìn theo tôi đàng sau.

Tôi nghĩ thầm không hiểu lý do gì mà ba tôi hôm nay lại có vẻ thương yêu tôi một cách đặc biệt. Phải chi ngày nào ba tôi cũng dễ chịu như ngày hôm nay thì thích biết mấy.

Tôi mỉm cười với ý nghĩ thầm kín trong đầu mình.

Tôi ăn sáng xong, vào phòng thay quần áo liền và lừa lúc các em tôi không để ý, tôi lẽn ngay xuống nhà xe.

Tụi nhóc con không một đứa nào hay biết gì hết. Tôi lướt đi nhanh như một thám tử đại tài, không bỏ lại dấu vết nào cho bọn gian theo dõi được.

Nói vậy chứ thực sự, có mẹ tôi nhìn thấy và chị Hai gặp tôi ở chân cầu thang khi chị đem phở về cho ba tôi.

Giữa lúc chị Hai còn tròn xoe mắt kinh ngạc, tôi đã dơ tay làm dấu cho chị đừng có “mở cái máy phóng thanh oang oang của chị” mà hư hết công trình của tôi.

Tôi nói thầm vào tai chị:

- Em được đi chơi với ba em. Chị đừng có cho bọn nhóc biết nha. Nó biết nó đòi theo là em bắt đền chị đó.

Chị Hai nghe xong đâu đấy, nhoẻn miệng cười toe một cái. Tôi cũng cười với chị với ngụ ý bảo chị rằng mình là bồ tèo với nhau há chị Hai! Không biết chị Hai có hiểu cái thông điệp ngầm đó không. Nhưng tôi thấy chị gật gật cái đầu.

Ngồi sẵn trong xe chừng mười lăm phút sau thì ba tôi xuống.

Tôi nằm phủ phục ở băng sau, cho tới khi xe ra khỏi nhà và chính thức vào lòng đường tôi mới nhỏm dậy và bật cười một mình.

Ba tôi nói:

- Con leo lên băng trước cùng với ba này.

Tôi ngoan ngoãn làm theo lời người.

Ba tôi nói tiếp:

- Con hẹn con Hạnh ở đâu?

- Ở vườn hoa Nguyễn Hoàng. Ba biết cái vườn hoa đó chứ?

Ba tôi gật:

- Tại sao con lại chọn vườn hoa đó?

Tôi đáp nhanh:

- Tại từ nhà nó đi bộ ra đó là gần hơn

- Con có nói cho nó biết hôm nay ba gặp nó không?

Tôi lắc đầu:

- Không ba. Ba dặn con là đừng nói trước gì hết mà?

Ba tôi có vẻ hài lòng nói:

- Ừ. Ba hỏi lại vậy thôi.

Sau mấy câu đối đáp giữa hai cha con, ba tôi im lặng. Sự im lặng kéo dài được một lát trong cái nôn nóng và hồi hộp mỗi phút giây một cao thêm ở trong tôi. Tôi áy náy và lo lắng không biết Hạnh có đúng hẹn không. Không biết đêm qua nhà Hạnh có chuyện gì không? Nếu Hạnh không ra chắc tôi chết mất. Hẹn với ba tôi chứ có phải hẹn với tôi đâu. Cái gì mà đụng đến ba tôi là phải đàng hoàng không phải chuyện trò trẻ.

Giữa lúc tôi đang hoang mang thì ba tôi lại nói:

- Con muốn ngồi đó nói chuyện với bạn con, hay mình kiếm tiệm kem nào đó đi ăn kem luôn?

Tất nhiên là tôi khoái lắm cái món cà lem, món ruột của tôi mà. Nhưng tôi lại ngập ngừng dè dặt. Không hiểu sao tôi lại chẳng dám nói ngay ý muốn của mình.

Tôi nói lấp lửng:

- Ba tính thế nào cũng được. Nếu mình đi ăn kem thì càng tốt. Cho nó ăn luôn. Con chắc bạn con ít có dịp vào tiệm kem như mình.

Ba tôi quay sang nhìn tôi một lát, xong mỉm cười.

Tôi chẳng hiểu gì về nụ cười đó của ba tôi, nhưng nó đã làm tôi ngượng ngùng, mắc cở. Tôi ngó xéo ra ngoài đường.

Nắng đã lên cao và xế ngang qua những thân cây cổ thụ ở hai bên đường. Những chiếc lá rụng hôm qua cuốn theo bánh xe của chiếc xe chạy trước, tung lên cao.

Tôi nghĩ, có lẽ nào cảnh vật cũng cùng chung một tâm trạng reo vui như tôi, trong buổi sáng này?

Công viên Nguyễn Hoàng trong nháy mắt đã hiện ra trong mắt thấy. Dưới một gốc dương liễu, trên băng ghế đá, tôi đã nhận ra ngay cái bóng dáng quen thuộc của người bạn gái thân thiết nhất, người bạn gái có đôi mắt biếc của những buổi sáng trong sân trường mấy niên học qua.

Tôi chỉ tay cho ba tôi thấy:

- Đó. Hạnh đó, ba. Cái con nhỏ mặc cái áo tím cu cũ, ngồi trên băng ghế đá phía tay phải đó ba.

Ba tôi nheo mắt nhìn và bớt ga, chạy chậm lại.

Ba tôi dơ tay ra dấu để cho xe ép sát vào lề đường.

Hình như ba tôi có vẻ lúng túng khi người đã tắt máy xe và hỏi tôi:

- Con xuống một mình hay cả ba nữa?

Tôi đề nghị:

- Ba xuống luôn. Ba có gặp bạn con mấy lần rồi mà.

Ba tôi ngập ngừng trong lúc mắt người không rời khỏi Hạnh đang vân vê cái gì đó trong tay.

- Ba có gặp mấy lần, nhưng ba không có trông rõ mặt lắm.

Qua câu nói ấy, tôi hiểu rằng ba tôi đã xuôi lòng, có thể ông sẽ xuống xe cùng tôi. Tôi nói dấn thêm một câu nữa:

- Thì thôi, ba xuống xe luôn với con. Ba tôi nhăn trán nghĩ ngợi một lát, xong người khoát tay, nói:

- Ừ. Thôi để ba xuống cùng con.

Hạnh không để ý tới hai chúng tôi. Chắc Hạnh không thể ngờ rằng tôi lại đi cùng ba tôi. Cho tới khi chúng tôi lại gần sát, Hạnh mới ngước lên, thấy ba tôi, Hạnh vội đứng dậy và lùi một chân về phía sau, như muốn quay gót chạy trốn.

Tôi vội nói:

- Hạnh, ba Hà đấy mà.

Hạnh cười gượng gạo cụi đầu chào ba tôi.

- Lạy bác ạ.

Ba tôi nhìn Hạnh chăm chăm, trong khi Hạnh không hề ngước mắt lên, Hạnh cúi gầm mặt xuống nhìn đất.

Ba tôi nói:

- Hạnh lại đợi em Hà lâu chưa?

Hạnh đáp lí nhí:

- Dạ thưa mới ạ.

Tôi nắm tay Hạnh nói nhỏ:

- Bồ giận tôi không?

Hạnh không đáp. Hai má Hạnh ửng đỏ. Tay Hạnh run run trong tay tôi. Hạnh chỉ hơi ngước nhìn tôi, có vẻ trách móc, xong lại cúi xuống như cũ.

Thái độ của Hạnh làm tôi cũng lúng túng.

Ba tôi hình như cũng ngượng ngập, có lẽ người nhớ tới những lần gặp trước, người đã có những lời nói khiếm nhã với người con gái nhỏ bé này.

Ba tôi nói:

- Nghe em nó nói tới Hạnh hoài. Hôm nay mới có dịp rảnh, tôi bảo Hà rủ Hạnh đi chơi luôn với em cho vui.

Tôi nói tiếp liền:

- Hạnh đi chơi với Hà nghe?

Hạnh lắc đầu:

- Chắc Hạnh phải về. Hạnh không đi lâu được. Để lần khác đi Hà…

Tôi biết Hạnh từ chối vì sự có mặt của ba tôi.

Giữa lúc tôi còn hoang mang chưa biết phải xử trí như thế nào, thì may quá ba tôi đã lên tiếng giúp cho tôi.

Ba tôi nói:

- Sự thực là bác có chút việc cần nhờ tới Hạnh. Hóa cho nên nhân tiện đây, Hạnh đi chơi luôn với em Hà và bác.

Nghe nói có chút việc, Hạnh ngạc nhiên ngước mặt nhìn ba tôi.

Là kẻ đứng ngoài, tôi có cảm giác như khi bốn mắt giao nhau, cả hai người cùng bị một giao động bất thần nào đó và ngay sau đấy, cả hai cùng quay đi.

Ở Hạnh, có thể giải thích được về cái cử chỉ này, nhưng ở ba tôi thì quả thực là tôi không thể nào hiểu nổi. Không lý lớn như ba tôi mà người cũng còn ngượng ngùng khi nói chuyện với bạn tôi.

Tôi nói, như một cái máy, và nắm chặt tay Hạnh hơn:

- Ba Hà hôm qua nói rằng ba Hà có chuyện quan trọng muốn hỏi Hạnh, nên Hạnh cố gắng đi với Hà một chút đi. Chút xíu thôi, xong ba Hà đưa Hạnh về ngay.

Vừa nói dứt câu, tôi kéo Hạnh đi liền, làm như Hạnh đã đồng ý.

Giữa lúc đó, ba tôi cũng đã quay lưng và lững thững bước trở lại nơi đậu xe. Trước một tình cảnh gần như cưỡng ép Hạnh đành miễn cưỡng bước theo tôi. Hai đứa không nói với nhau một lời nào. Tôi cũng cảm thấy mình chẳng ra làm sao hết. Trong khi đó, tôi nghe rõ nhịp máu đập nhanh nơi cổ tay Hạnh và bàn tay Hạnh thật lạnh.

Ba tôi chọn một tiệm kem ở một góc khuất trong một con phố thưa thớt. Một nơi hoàn toàn xa lạ, tôi chưa từng được người cho đến đó bao giờ.

Ba tôi gọi cho hai đứa chúng tôi hai cốc kem và riêng ba tôi thì là một ly cà phê sữa. Tôi nói:

- Sao ba không cùng ăn kem với tụi con mà lại uống cà phê? Ở nhà ba mới uống xong mà?

Hình như sự láu táu của tôi đã khiến ba tôi hơi bực mình. Ba tôi lừ mắt nhìn tôi không nói trong khi người tiếp tục nhồi thuốc vào trong cái ống vố. Cho tới lúc người bồi bàn mang đồ uống ra, ba tôi không nói một tiếng nào hết, người ngồi lặng lẽ hút thuốc và chốc chốc lại quan sát Hạnh một cách kín đáo. Hạnh cũng im lặng. Chỉ có tôi là cứ phải loay hoay tìm những câu hỏi để nói với Hạnh và buộc Hạnh phải trả lời.

Cái không khí hình như nó bị sượng sần tới độ, tôi nhận ra cả sự ngô nghê, vô duyên của những câu hỏi do tôi nói ra.

Hạnh chỉ trả lời tôi từng câu hỏi một mà cũng không nói gì thêm.

Những lúc im lặng, Hạnh đưa mắt nhìn ra ngoài đường.

Những giây phút nặng nề trôi qua, cho tới khi hai ly kem chảy nhão và ly cà phê của ba tôi cũng đã nguội ngắt.

Ba tôi nhắc hai đứa ăn kem đi, chúng tôi cũng chỉ múc một vài thìa kem ăn chiếu lệ.

Không khí ngột ngạt quá, khiến tôi chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.

Một lúc sau đó, ba tôi đột nhiên thở dài và bảo tôi:

- Hà cầm tiền ra kia mua cho ba một gói thuốc basto.

Tôi kinh ngạc tột độ bởi tôi biết chắc chắn rằng ba tôi không hề hút thuốc điếu, hơn nữa, người cũng đâu có bỏ quên cái tẩu thuốc ở nhà.

Nhưng sau câu nói phẳng lặng, lạnh lùng của ba tôi là cái nhìn dữ dội, xoáy buốt vào mắt tôi khiến tôi không còn kịp thắc mắc gì hết. Tôi cầm tiền rời nhanh khỏi bàn quên cả bảo Hạnh ngồi đó chờ tôi quay lại. Suốt con đường không có lấy một hàng quầy thuốc lẻ nào hết. Tuy nhiên tôi đâu có dám trở về tay không và nói với ba tôi rằng không có thuốc. Bằng cách nào thì tôi cũng phải tìm cho ra nơi bán thuốc mới được. Tôi nghĩ thầm và rảo cẳng bước mãi. Tôi nhớ rằng tôi đã đi qua tới ba ngã tư, tới đoạn giữa của ngã tư thứ ba và thứ tư, tôi mới gặp một quầy bán thuốc lẻ. Quầy thuốc này hình như cũng mới được bày ra, ngay trước cửa một cái bar Mỹ.

Tôi phải đợi cho bà bán thuốc bày xong những loại thuốc của bà ta trên mặt quầy kính, lúc đó, tôi mới chỉ gói thuốc mà ba tôi dặn mua.

Tôi đã sốt ruột và lo lắng sợ ba tôi mắng về tội đi lâu quá rồi, mà xui xẻo thêm nữa là bà bán thuốc không có tiền thối. Tôi lại phải đứng chờ cũng có tới mười phút để bà ta đi đổi tiền.

Khi nhận tiền thối và bắt đầu quay trở về tiệm kem, tính ra tôi đã đi mất ba mươi phút. Thêm mười lăm phút nữa để tới được tiệm kem như vậy là gần một tiếng đồng hồ rồi còn gì.

Tôi đi như chạy, mồ hôi vã ra với nỗi lo lắng rằng thế nào cũng bị ba tôi gắt mắng.

Nhưng khi tôi vừa đẩy cửa bước vào tiệm, không biết tôi có trông lầm không Hạnh đang ôm mặt khóc ngất. Ba tôi mắt cũng đỏ hoe.

Tôi đứng chôn chân ngoài cửa tiệm.

Trí tưởng tôi quay cuồng, đầu óc tôi muốn nổ tung vì không thể hiểu được chuyện gì xẩy ra.

Nghe tiếng cửa động. Hạnh buông bàn tay bưng mặt và ngước đôi mắt đẫm nhìn lên, khi đã nhận ra tôi, Hạnh xô ghế chạy nhào về phía tôi, miệng không ngớt gọi tên bằng cái giọng lạc thẩn.

Ba tôi lặng lẽ nhìn hai đứa tôi ôm nhau. Tôi không hiểu chuyện gì nhưng nước mắt đâu cũng ứa chảy.

Đến đây thì chắc các bạn đã hiểu chuyện gì xảy ra cho chúng tôi?

Thưa, đó là chuyện Ba tôi chính là người đàn ông đã làm khổ mẹ con Hạnh. Ba tôi chính là người đã tạo ra Hạnh và đã bỏ Hạnh khi Hạnh mới chỉ là một hạt máu trong bụng người thiếu nữ mới ngoài hai mươi tuổi đầu.

Lý do thầm kín của sự việc đáng tiếc này, sau này ba tôi mới nói ra rằng, hồi đó, có người nói đến tai ba tôi rằng giọt máu trong bụng mẹ Hạnh, không phải là của ba tôi, và nguồn tin kia còn cho ba tôi hiểu rằng mẹ Hạnh là một người đàn bà không đứng đắn. Nông nổi vì quá yêu mẹ Hạnh, ba tôi bảo rằng người đã bị phụ bạc một cách trắng trợn và khốn nạn, nên người đã cắt liên hệ với mẹ Hạnh.

Bốn năm năm sau, khi ba tôi tìm hiểu ra cả sự thực, không phải như vậy, mà đó là một mưu mô của một kẻ muốn phá đi đời mẹ Hạnh và ba tôi vì ghen tức với hạnh phúc của hai người, thì ba tôi đã có tôi.

Tuy thế, ba tôi vẫn để ý tìm kiếm tin tức của mẹ con Hạnh mà không ra, mãi cho tới khi nghe chuyện tôi kể, trong một buổi tối đi ciné về nhà. Và hẳn bạn cũng thừa biết rằng tôi và Hạnh còn thương yêu nhau đến đâu nữa. Sau buổi sáng trong tiệm kem hôm đó.

Cũng từ đấy, cả lớp tôi, và có lẽ cả trường biết rằng tôi và Hạnh là hai chị em. Và tôi đã sung sướng hãnh diện có một người chị có đôi mắt được mệnh danh là “đôi mắt hoàng hôn”. Thực ra thì kể từ ngày đó, mặt chị tôi không còn là cả một buổi hoàng hôn thu nhỏ lại nữa, mà phải nói rằng đó là cả một bình minh rực rỡ, tươi mát của những giây phút đầu ngày. Nhưng khốn nỗi mọi người đã quen gọi như vậy, và chúng tôi cũng chẳng thấy cần thiết phải đòi hỏi đổi lại mỹ danh này.

Có phải thế không Hạnh, chị Hạnh của Hà, từ ngày chúng ta nhận ra nhau?

DU TỬ LÊ
(7-71)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 611)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,