Qua hình bóng khác (Tác Phẩm 09)

02 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 3906)
Qua hình bóng khác (Tác Phẩm 09)

quahinhbongkhac-content

Một,

Có dễ hơn ba năm rồi, tôi mới trở lại con ngõ này, thành phố này, nơi tôi đã thề không bao giờ trở lại, nơi đã chôn vùi tuổi thơ, nơi tôi đã sống những ngày kinh hoàng nhất của tuổi thanh xuân; nơi Tích đã chết, nơi Nhiệm đã bị còng tay dẫn đi rồi chết khi toan vượt ngục, Kế người đàn ông cuối cùng tính cho đến ngày tôi bỏ đi, đem đến cho tôi những phút sống rực rỡ chói lòa nhất và cũng là những ngày tháng thảm thiết nhất, những ngày tháng mà tôi coi như cuối cùng của một thời, cuối cùng của một đoạn, cuối cùng của một đời.

Cũng đoạn đường rợp cây này, ngày xưa tôi đã tìm đến với Kế. Con đường mà Kế gọi đùa là đường nhà xác. Đường nhà xác, sự thực nó cũng không đến nỗi ghê gớm quá thế. Đó là một con đường khá rộng, một bên là nghĩa địa một bên là nhà ở. Nghĩa địa được bao vây bởi một bức tường thấp có nhiều vết rạn, muốn sụp. Đứng trên phương diện vệ sinh chung thì một nghĩa trang nằm ngay trong thành phố mà lại không được trông nom săn sóc kỹ lưỡng quả có phần nguy hiểm cho sức khỏe của dân chúng, nhưng người ta không biết tìm đâu cho ra một khu đất thuận tiện hơn, thêm nữa, dân chúng một mặt khó chịu, nhưng mặt khác lại rất hài lòng nhất là khi có thân nhân hay bà con qua đời. Do đó ty vệ sinh địa phương cũng nhắm mắt làm lơ coi như không biết. Hồi còn Kế, những buổi tối đến với chàng, chúng tôi thường dạo chơi men theo bờ tường này. Có lần, Kế còn rủ tôi vào hẳn trong nghĩa trang, nằm dưới những tàn cây thông già cội, lắng nghe tiếng vi vu của gió thổi qua cành lá và tiếng chim lợn chốc chốc đảo lượn nhiều vòng trên không. Kế bảo tôi loài chim này mặt giống hệt như mặt lợn và nó chuyên ăn thịt người chết. Thêm nữa nó có biệt tài đánh hơi được nơi chốn của kẻ sắp qua đời. Nhà nào có người bệnh mà loại chim này đến đậu trên nóc nhà, kêu uéc uéc thì, sớm muộn gì bệnh nhân cũng qua đời không còn cách nào cứu chữa nổi. Ngồi hoặc nằm nép bên Kế, mặc dù tôi không sợ, nhưng cũng cảm thấy gai người mỗi khi có những con chim này bay ngang. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa một lần nhìn rõ hình thù con chim lợn đó ra sao nhưng hồi ấy, sau mỗi lần chia tay Kế, trở về, tôi thường nằm mơ thấy nó. Lạ một điều, không lần nào tôi thấy nó trong khuôn mặt từa tựa với mặt lợn như Kế nói mà tôi lại thấy mặt nó in hệt mặt con mèo đen, cái con mèo đen mà tôi trông thấy lần đầu, khi ở thềm thư viện bước xuống, hồi còn yêu Tích, và sau đó là cái chết thảm thiết của Tích ở xa lộ. Cũng hai con mắt xanh, tròng đỏ, cũng chùm lông trắng toát ở giữa đỉnh đầu, cũng hai chiếc răng nanh dài làm căng hai lớp môi đỏ máu. Thời gian này là thới gian mà tôi phải đến giáo sư R. mỗi buổi sáng. Ông ta là người Pháp, không biết qua đây đã bao nhiêu năm, chỉ biết có số giờ dạy y khoa và có một phòng mạch chuyên trị bệnh thần kinh ở con đường nhỏ bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi tìm đến ông do một người bạn mách, hồi đó tôi bị ám ảnh thường xuyên về con mèo đen ấy. Ám ảnh này nhiều lúc làm tôi muốn phát rồ dại. Luôn luôn tôi có cảm tưởng như quanh một thái độ thật trịnh trọng, cứ mỗi đoạn buồn-thảm, ông lập lại mấy chữ “tội nghiệp quá” hoặc “xin chia buồn cùng cô”. Trong những lần gặp kế tiếp, khi thì ông ta phát cho tôi mấy tờ giấy trắng, đưa tôi vào một căn phòng nhỏ có cửa sổ vào một miếng vườn bên hông nhà, bảo tôi vẽ cho ông ta một số hình vào mấy tờ giấy đó, bất cứ hình gì cũng được. Khi thì ông ta bảo thôi viết cho ông ta mỗi tờ dăm ba câu, có thể là một đoạn văn, một bài thơ học từ thuở vỡ lòng, một câu nói gì đó mà mẹ tôi ngày xưa hay nói với tôi nhất, hoặc một đoạn văn nào đó trong cuốn nhật ký mà bất chợt tôi nhớ lại. Cũng có những chiều ông rủ tôi ra ngoài vườn nói chuyện với ông về các lãnh vực, nhiều nhất là văn chương nghệ thuật, đôi khi cũng là những câu chuyện đượm tình cảm tâm sự. Ông cho biết ông lập gia đình từ rất sớm, sau khi tốt nghiệp đại học, hai vợ chồng ăn ở với nhau trên mười năm mà vẫn không có con. “Rồi không hiểu buồn bã chuyện gì, vợ tôi thắt cổ tự tử ở ngay dưới ống khói trong nhà bếp, cái chết đột ngột này của vợ tôi đã làm tôi bị phiền phức không ít, tuy nhiên rồi cũng xong”. Lời ông ta nói với tôi. Sau cái chết của vợ, ông ta chán nản bỏ xứ đi du lịch khắp nơi, để tâm nghiên cứu về bệnh thần kinh. “Tôi nghi nhà tôi chết vì bệnh quái nghiệt đó”. Sau khoảng thời gian độ hơn một tháng một buổi tối ông ta mời tôi lại dùng cơm với ông ở nhà và ông bảo “cô có một điều còn dấu tôi”. Tôi ngạc nhiên trợn mắt: “Không, thưa ông, tôi không giữ riêng cho tôi một điều gì. Ông không nên nói thế, làm tôi buồn”. Ông cười nhỏ nhẹ: “Vâng, tôi xin lỗi đã làm cô buồn, nhưng tôi biết chắc chắn có một điều cô dấu tôi, dấu không muốn nói hoặc vô tình, quên không nói”. Tôi bóp trán suy nghĩ mãi mà không nghĩ được điều gì. Cuối cùng tôi lắc đầu: “Chịu, tôi không thể biết”. Vẫn nụ cười nhỏ nhẹ, ông tiếp cho tôi chút rượu vang và xúc thêm cho tôi mấy thìa ra-gu, ông nói: “Cô có khi nào bị ám ảnh bởi ý nghĩ, cô là một thứ đàn bà sát nhân không?" (ông nhún vai tỏ dấu tiếc không thể tìm ra được chữ nào khác hơn để thay thế). "Nói rõ hơn, thì cô có bao giờ nghĩ rằng có một mối tương quan nào đó giữa cái chết của ông Tích và ông Nhiệm, với cô". Tôi “à” một tiếng lớn: “Có. Có chứ. Tôi nghĩ nhiều tôi điều đó. Tôi nghĩ không phải vì tự ý mà vì những người chung quanh gán cho ý đó, gần như buộc tôi phải nghĩ tới. Nghĩ tới nhưng không bao giờ tôi cho mình thuộc loại người như vậy cả. Tôi không tin điều ấy. Một người nào, có thể là nguyên nhân hay trách nhiệm về cái chết của kẻ khác, nhưng trong hai trường hợp Tích và Nhiệm, ông đã thấy rõ, đều trong thời gian chúng tôi đang yêu nhau. Nên không thể nói rằng tôi đã làm họ thất vọng, hay tình yêu đã đưa họ tới chỗ đó. Thâm tâm tôi, cho đến phút này, tôi vẫn không mong gì hơn là quên mình để đem hạnh phúc đến cho người khác. Ông ở nước chúng tôi lâu, chắc ông đã hiểu bản chất người phụ nữ Việt Nam, hầu hết giống nhau ở điểm đó..." Ông ngắt lời tôi: “Vâng, tôi hiểu chứ thưa cô. Không một dân tộc nào có được những người phụ nữ đáng khâm phục và kính trọng như dân Việt Nam. Và tôi còn thấy cô, chính cô, cũng là một trong những người phụ nữ thuộc loại đó, thưa cô”. Lời xưng tụng khéo léo của ông ta làm tôi sung sướng đỏ mặt. Tuy nhiên, tôi cũng nói được với ông ta, rằng, đấy là ông đã vì lòng thương mà quá lời khen chứ thực sự tôi không thể so sánh được với những người phụ nữ khác. Họ hơn tôi nhiều thứ và trên nhiều phương diện.

Tuy làm ra về cứng rắn, trả lời ông ta như vậy, nhưng tôi cũng thầm phục ông đã nhìn thấu tâm trạng tôi. Cái tâm trạng mà chính tôi, luôn lẩn tránh nó, không bao giờ tôi dám nhìn thẳng, dám đối đầu. Mỗi khi ý nghĩ mình là một kẻ sát nhân, một con rắn độc, một thứ yêu quái đội lốt người đến với tôi, tôi vội vàng gạt phắt đi bằng cách, tự nhủ với thời gian, mình sẽ chứng minh được điều đó. Nghĩa là tôi hy vọng, trong tương lai, rồi tôi sẽ có chồng, tôi sẽ có con, người chồng sẽ sống mãi với tôi và y sẽ chết già, chết trên giường, chết bên vợ con đàng hoàng, chứ không như Tích, như Nhiệm. Không, nhất định tôi không chấp nhận điều đó. Tôi không thể là một kẻ sát nhân, tôi không thể là một đứa con gái, một người đàn bà, sinh ra, để giết chết lần lượt, những người đàn ông xấu số, lỡ tìm đến với tôi. Quá khứ tôi đau đớn, nhục nhã như vậy, chưa đủ sao? Số mệnh có muốn khắc nghiệt với tôi hơn nữa cũng không thể làm hơn, những điều tôi đã phải trải qua từ tấm bé. Gần một nửa đời người tôi đã phải cam chịu bất hạnh rồi, không thể kéo dài thêm. Tôi nhớ người ta thường nói “sông có khúc, người có lúc”. Chẳng qua cái “lúc” của đời tôi nó chưa đến đấy, mà thôi. Tôi nói ý nghĩ này cho giáo sư R. nghe. Ông ta gật gù bảo: “Đúng, Đúng. Tôi cũng nghĩ như Cô vậy. Và cũng chính là mục tiêu cuối cùng mà tôi mong sẽ đạt được hay nói khác đi là sẽ đem đến được cho cô, cùng với nỗ lực tự nơi Cô”.

Tôi không nhớ bữa ăn kéo dài tới mấy giờ đêm mới chấm dứt. Nhưng khi bà tàu già trở ra dọn dẹp đĩa bát, tôi chỉ còn cảm thấy một cách mơ hồ là tôi đã say lắm.

Trăng lên cao đã xế đầu người, mùi hương ngọc lan từ vườn trước, gió đưa thoảng đến ngát ngát. Tôi không thể nhớ nổi, những giây phút sau, chúng tôi đã nói chuyện với nhau về những vấn đề gì. Chỉ nhớ đại khái, đúng khi tôi đứng dậy cáo từ để về, tôi đã không vững. Những bước chân tôi lết đi, in là được bàn tay ai đó dìu dỡ, và cả thân thể tôi có lẽ cũng phải nương tựa vào một kẻ nào. Một kẻ nào, mà tôi không dám chắc có phải chính giáo sư R, không? Tôi chỉ nhớ mài mại là sau đó, tôi về đến phòng. Tôi nhìn thấy chiếc giường, cũng tấm drap trắng, cũng cái màn vắt gọn, nhưng sao chiếc giường lại như rộng hơn nhiều lắm. Chiếc bàn viết ai đem kê vào một góc nhà, thay vì ngay trước cửa sổ và tấm màn gió màu tím ai thay vào đó bằng màu xanh nhạt. Nhưng khốn nỗi, tôi nào còn đủ sáng suốt và sức lực để kiểm soát lại những thứ lặt vặt đó! Vừa nhìn thấy chiếc giường là mắt tôi đã muốn xụp xuống, đầu tôi chĩu chúi một bên. Tôi để nguyên quần áo, gieo xuống khoảng trắng nhờ nhờ đang giăng hàng chạy suốt trong mắt.

Tôi mê man cho đến lúc chợt giật mình mở mắt thấy mình ở trong một căn phòng xa lạ. Linh tính báo cho tôi biết một việc gì, thật ghê gớm đã xảy đến. Tôi lẩy bẩy ngồi dậy, ngó xuống người mình. Trong một thoáng rất nhanh, tôi nhớ lại và hiểu hết mọi chuyện. Xấu hổ và nhục nhã quá, tôi úp mặt xuống giường, khóc nức nở.

Chập sau cửa phòng tôi có tiếng động, tôi chùi mắt ngồi thẳng lên, định tâm sẽ cấu xé hay giết nếu được, tôi khốn nạn, đã lừa gạt tôi. Nhưng xuất hiện ở cửa, không phải là giáo sư R, mà là bà Tàu già. Nhìn vẻ mặt ngớ ngẩn của bà ta, tôi chợt nhận ra cái lố bịch, hấp tấp không đúng lúc của mình. Bà ta nói ngập ngừng: “Giáo sư bảo tôi vào xem cô dậy chưa, mời cô đi rửa mặt và dùng bữa sáng với giáo sư. Giáo sư đợi cô ngoài vườn trước”. Theo chân bà ta vào phòng rửa mặt, tôi không dám nhìn mặt mình trong gương, tôi không đủ can đảm thì đúng hơn. Nước lạnh làm hơi rượu còn đọng trong máu tôi đêm qua, lại bốc nóng. Cái ngây ngất của men rượu như chưa tan hẳn. Tôi không một chút ân hận về chuyện đã xảy ra vượt ngoài dự tính nhưng cái ý nghĩ, trong trường hợ nào, tôi cũng bị nhìn như một phương tiện, một đáp ứng cho sự bản năng làm tôi thấm thía nhục nhã. Hình như chưa bao giờ tình yêu tìm đến với tôi. Tình yêu đối với tôi phải chăng mãi mãi còn là một thế giới, mà bằng cách nào thì tôi cũng không thể đặt chân tới. Hay nó như một trái chín trên cành cao, mà tôi chỉ có thể nhìn, ngước mắt nhìn và tự nhủ không phải của mình. Không bao giờ của mình hết. Mình chỉ là đứa con gái được sinh ra để sắm tiếp cái vai trò của những người đi trước đã bỏ dở. Đó là vai trò giải khuây, lấp đầy một khoảng trống. Và điều cuối cùng người ta có thể tìm thấy trong trường hợp này, cũng không gì khác hơn là sự vô nghĩa và nhạt nhẽo đến ớn lạnh của nó.

Tôi trở ra vườn trước, lúc giáo sư R. đang chăm chú đọc một tờ nhật báo viết bằng tiếng Anh, xuất bản tại đây. Nhìn từ chiếc cổ bạnh, những chân tóc bạc với tấm lưng to phẳng, như một cánh phản, tôi không thể tưởng tượng được rằng, con người đó, đã một lần có liên hệ thể xác với tôi, dù là cưỡng bức. Hình như tất cả chúng, không có một liên lạc gì, không một chút trách nhiệm gì với những hành động đã xảy ra. Một hành động chỉ có ý nghĩa hay chỉ mang một ý nghĩa nào đó đang khi nó xảy ra. Sau đó, nó không là gì hết? Tôi lợm giọng, ghê tởm trước vẻ thản nhiên lạnh lùng của ông ta. Cái lịch duyệt, cái đạo mạo kia, như không nói lên điều gì khác hơn nó là thế. Những viên sỏi lạo xạo dưới gót giầy tôi hụt hẫng, châng lâng. Đợi tôi ngồi xuống ghế, ông ta mới thong thả, hạ thấp tờ báo, đôi con ngươi xanh, nhìn, chậm chạp. Tôi rùng mình nghĩ tới đôi mắt của con mèo đen trong những giấc mơ qua. “Tôi rất đau lòng về chuyện đêm qua”. Lạ chưa kìa, không hiểu sao, tôi lại lên tiếng trước, tôi lại mở miệng nói rất nhỏ nhẹ, cái nhỏ nhẹ đem theo ý hướng của một nhận phần lỗi về mình. Tại sao, tại sao tôi không thể chỉ tay, xỉa xói vào cái mặt ứ thịt bỉ ổi ấy? Tại sao trong cảnh tình đó, tôi lại còn giữ được lịch sự với y? Tại sao? Để làm gì, muốn gì. Muốn gì? Thực tôi cũng chẳng hiểu tôi muốn gì và phải làm gì nữa. Tôi giận tôi vô cùng. Tôi nắm chặt hai tay, tôi nghiến xiết hai hàm răng để vận dụng can đảm, để tăng gồng niềm hận thù, để thổi lớn ngọn lửa khinh bỉ, ý muốn cấu xé băm vằm y, trong tôi bốc bùng cao hơn. Nhưng tôi không làm được. Tôi bất lực, tôi yếu đuối quá. Hay thói quen, cái thói quen lịch sự, nhã nhặn mà đời sống đã dạy khôn tôi, phải luôn đem ra sử dụng với mọi người? Hay mặc cảm hèn hạ của một người phụ nữ, đã ép buộc, đã trói giữ, từ tiềm thức tôi, tất cả mọi mầm mống nổi loạn? Ông nói “Không. Chính tôi, mong cô hiểu cho trường hợp sơ xuất ngoài ý muốn của tôi đêm hôm. Chính tôi, vì nói chuyện với cô, thích thú quá, nên cũng quá chén. Lẽ ra phải tránh cho cô trường hợp đó mới đúng”. “ Thôi, tôi xin ông đừng nhắc tới nữa. Tôi không còn đủ bình tĩnh để nghe bất cứ ai, nhất là ông, nhắc tới chuyện ấy. Bây giờ tôi xin phép ông, tôi về”. Và thế là tôi xăm xăm bước đi, như sợ y đưa tay ra giữ lại.

Bước ra khỏi nhà ông ta, tôi thấy tâm thần thư thái nhẹ nhõm hơn. Nhưng chính lúc đó mới là lúc tôi không còn cách nào lẩn tránh tôi được. Tôi cũng không dám trở về nhà. Tôi đi, đi mãi, cho tới lúc nắng cao chiếu, tôi mới kêu xe trở về nhà trọ. Tôi nằm li bì như thế cho tới lúc sẫm tối. Kế tới thăm và đánh thức tôi dậy. Vừa trông thấy Kế, tôi đã ôm chầm lấy chàng và khóc ngất. Kế không hiểu chuyện gì, chàng gặng hỏi, nhưng tôi cương quyết dấu không cho chàng biết. Tôi không muốn chàng khinh bỉ tôi. Trong đời sống tôi, lúc đó, có lẽ chỉ có mình Kế là còn nhìn tôi bằng con mắt chân thực, tình cảm. Kế còn cho tôi một chỗ đứng nào đó, tương đối không đến nỗi tồi tệ, trong tâm hồn chàng. Tôi không thể để Kế biết vì nếu Kế biết, chắc chắn chàng sẽ không tha thứ cho ông ta. Cái dĩ vãng sôi nổi đấy bí ẩn, với mấy năm đi đầy của Kế cho tôi tin chắc điều này. Chẳng phải là tôi thương hại, hay nhân đức gì với tên khốn nạn kia, nhưng tôi muốn tránh cho tôi cái mặc cảm, thêm một người nữa chết, dính líu tới tôi, dù nguyên nhân cái chết của ông ta, có thể, chỉ tôi và Kế biết. Đời sống đã tập cho tôi có tính chai lì, sức chịu đựng trước mọi tác hại cay nghiệt của dư luận, của thành kiến của đám đông. Nhưng càng ở trên những thứ đó bao nhiêu, thì, tôi lại càng sợ phải đối diện với chính mình bấy nhiêu. Hình như trong tôi luôn có hai con người, một con người muốn đạp đổ, muốn dẫm nát, muốn san bằng tất cả, miễn làm sao đạt được mục đích. Thỏa mãn, chính mình và xoa dịu mối hận thù chất ngất không tên. Và một con người luôn bắt tôi phải chịu cái cực hình mở mắt nhìn rõ con người kia. Mở mắt nhìn, nhìn mãi nhưng không bao giờ thấy rõ hình dạng nó. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp Kế, hồi tôi còn ở trên một căn gác thuê lại của một gia đình mà người chủ làm nghề kín, an ninh hay mật vụ chi đó. Hôm ấy khoảng năm giờ chiều, tôi vừa đi dạy về, Nhiệm hớt hơ hớt hải, dẫn một người cụt tay lên gác. Sau tôi biết người đó là Kế, Cũng từ dịp này, tôi mới biết Nhiệm và Kế cùng tham gia một phong trào cách mạng. Và hôm Nhiệm đưa Kế đến trú ẩn trong nhà tôi là hôm Kế vừa hạ sát tên chủ quán cà phê Mưa, ở cuối con dốc xóm Trúc. Theo lời kể của Nhiệm thì tên chủ quán nguyên là một đồng chí trong tổ chức, nhưng không biết vì lý do gì, y phản bội và đi báo mọi dự định của tổ chức, với nhà chức trách thời đó, thời ông Diệm. Thế là, Kế bị bắt và bị đầy đi Côn đảo. Kế là linh hồn của nhóm, nên khi Kế bị bắt, anh em tự động tan rã. Người trốn về lục tỉnh. Người vượt biên giới. Người đổi tên khác và quay ra những nghề vớ vẩn để ít bị theo dõi. Tuy bắt được Kế nhưng không có tang chứng cụ thể để buộc tội, hơn nữa, sau khi bẻ gẫy một tay và đánh què một chân, nhân viên của ông Diệm cho rằng Kế không còn nguy hiểm, dù có thả về, nên Kế được phóng thích. Vụ phản bội, bán đứng Kế của tên chủ quán cà phê anh em ai cũng biết, nhưng không ai động thủ vì tôn trọng ý Kế, đợi Kế trở về và dành quyền cho Kế, tự tay định đoạt. Do đó, khi Kế về đất liền, việc đầu tiên là Kế tìm đến tên phản bội kia. Sau khi biết y hiện là chủ quán cà phê Mưa, Kế bèn cải dạng, thành một phế binh, chống nạng vào quán kêu cà phê uống. Kế cũng cẩn thận bằng cách quấn kín băng cánh tay bị gẫy, dấu trong tấm băng tréo, treo ngược trước ngực, như cánh tay đó còn nguyên, chưa bị cưa, còn ở trong thời kỳ bó bột. Kế ngồi trầm ngâm uống cà phê, cho tới lúc quán hết khách, vợ tên kia mắc vào bếp làm cơm, Kế mới chống nạng lại quầy trả tiền, và hỏi tên chủ quán: “Có nhận ra ai không?”. Tên kia ngơ ngác lắc đầu, Kế cười đáp “Kế đây” và lập tức Kế giơ cao chiếc nạng thẳng tay đập giữa đầu y. Vì có định trước, nên cây nạng gỗ của Kế đánh trúng giữa trán, y ngã xuống chết ngay không kịp kêu cứu.

Vụ án lúc đầu cũng gây xôn xao dư luận, đa số cho là vì tình, hoặc tiền, không mấy ai biết rõ chuyện. Về phía nhà chức trách sau một thời gian điều tra không ra manh mối, thêm nữa, họ cho đó là một thanh toán nội bộ, nên vài tháng sau cũng xếp bỏ luôn. Kế trốn ở nhà tôi đâu được ba ngày, thì một anh em khác, chắc trong nhóm đến đón Kế đi. Mãi cho đến ngày Nhiệm chết, tôi mới gặp lại Kế hôm đưa đám. Khi còn sống Nhiệm luôn nhắc tới Kế mỗi khi nói chuyện với tôi và trước khi chết, Nhiệm có viết cho Kế một lá thư, gần như lời trối rằng hãy vì Nhiệm, săn sóc tôi, nếu chẳng may bất thần Nhiệm có làm sao. Khởi đi từ liên hệ tình cảm đó, lâu dần, tôi có cảm tưởng như mình bắt đầu yêu Kế. Yêu Kế không phải vì Kế giống Nhiệm, Kế không giống Nhiệm chút nào hết. Nhưng mỗi lần gần Kế, tôi ngỡ như được gần Nhiệm. Sau này khi yêu nhau rồi, tôi cũng nói ý đó với Kế. Không những Kế không lấy thế làm buồn mà Kế còn bảo: “Đó cũng là mong muốn thầm kín nhất của Nhiệm”.

Gió lạnh thông thông thổi hút từ đầu ngõ bên kia, thổi tung vạt áo. Cái lạnh của ngày cuối năm đến thật sớm. Lâu lắm rồi mới lại được hưởng cái lạnh ngọt như thế này. Mùi trầm hương từ những căn nhà khép kín thoảng bay cho tôi cái ý nghĩa của đứa con đi hoang, sau bao nhiêu năm tháng phiêu bạt, nay lại tìm về mái nhà xưa, tìm về để thấy lại, để thở lại một lần, hiếm hoi trong đời, cái không khí đầm ấm của những ngày sắp tết, của những ngày cuối cùng, trước khi bước sang một năm khác, trong khi thấy mình thêm tuổi đã già hẳn đi. Nhưng không. Tôi không có cái may mắn được làm kẻ trở về đó. Không một ai trong ngôi nhà, lát nữa đây, tôi bước vào, trông ngóng. Họ không có một chút liên hệ máu mủ nào với tôi. Hơn thế, biết đâu khi thấy tôi, họ chẳng nhìn tôi như một thứ yêu quái, một quỉ ma chuyên hớp hồn người, bởi dù muốn hay không, họ cũng phải nghĩ rằng, ít nhiều, tôi liên hệ hay là nguyên nhân cái chết của con họ, anh họ. Kế, anh hãy hiểu cho em. Em không biết trông mong vào ai nữa, dù hôm nay anh đã qua đời. Kế. Hãy thương em, hãy giúp em thêm can đảm bước đến trước cái ngưỡng cửa mà ngày xưa em vẫn qua. Kế anh hãy giúp em, cho em đóng trọn vai trò của một kẻ trở về, trở về dưới một mái nhà, không phải của em. Trở về dưới một mái nhà đã vĩnh viễn khuất bóng anh. Kế, hãy giúp em, bao năm rồi, em thèm có một trở về như thế này. Em thèm lắm, trở về, trở về vào những giờ phút cuối cùng của một năm, để em tự lừa em rằng: Ít nhất em cũng có một mái hiên để trú đụt. Để được hít thở phồng căng vuông ngực mình mùi hương trầm ngào ngạt. Để được trông thấy tận mắt những nén hương bốc khói trong một bình hương tàn rơi lả tả. Dù chỉ một lần để không bao giờ có nữa. Hãy giúp em, giúp em, Kế ơi. Em thèm được chắp tay trước một bàn thờ, dù bàn thờ đó không phải là bàn thờ của gia đình em. Hãy cho em được lạy chung. Hãy cho em được thành kính nhìn lên, nhìn ngọn hương cao, sợi khói cao, cao mãi một mùi thơm tản mạn. Kế ơi! em trở về đây, em muốn được nhìn anh, muốn được nhìn anh và lạy anh, một lạy.

Hai,

Chắc bà cụ cũng không nhận ra tôi. Ngay tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy mẹ Kế xuất hiện ở cửa giữa.

Thời gian đã xô lệch tất cả những đường nét quen thuộc cũ của một người đàn bà mà tôi hằng coi như mẹ mình (người đàn bà nhẫn nại đến mức vượt trên cả ý nghĩa của sự nhẫn nại và sức chịu đựng). Chiếc lưng còm cõi uốn xuống, hai má hóp nâng đôi gò má lên cao thêm lên, nhất là con mắt sâu, lờ đờ, đục đục. Mái tóc của bà cụ như chỉ còn là một mớ rơm khô nhợt, vung vãi luộm thuộm trên chiếc đầu đã thấy cả lớp da thếch mốc, chiếc bóng hắt trên nền gạch hoa thấm lạnh.

Sau lương tôi, buổi chiều mỏng tan như một dợn khói yếu. Bóng tối, căn phòng, sự đổi khác đã nhấc bổng tôi, đã ném rụt tôi vào cái hoang mang của một thoáng xa lạ chưa từng.

Tôi đứng sững, cắn môi. Xúc động làm tôi bại liệt tay chân, điếng dại thần trí. Bà cụ lại gần. Gần hơn nữa, rồi dừng khựng, trân trân ngó. Bà nhướng đôi mày thưa, kéo những nếp nhăn ở cuối mắt, chạy tõe về hai phía thái dương. Tôi bứt rứt muốn có được một hành động nào, thí dụ, tiến tới, choàng tay ôm lấy mẹ Kế, nói một câu, hoặc hơn nữa, nếu được thì khóc. Nhưng hình như giữa tôi và người đàn bà gần chấm dứt đời sống kia, đã có một cái gì cách ngăn ở giữa. Một cái gì cho tôi cảm giác nhạt nhẽo, lờ đờ, không khích động. Thật nực cười khi sự thể diễn ra đã trái ngược hoàn toàn với phỏng đoán của tôi, lúc hăm hở trên đường về đây.

Nhớ khi quyết định trở về nhà Kế, tôi đã mường tượng tới một cảnh thật cảm động, thật bùi ngùi. Mẹ Kế, tất nhiên không dễ gì nhận ngay ra tôi. Nhưng tôi kìa, chắc tôi sẽ không khỏi cảm động lúc thấy mẹ Kế. Tôi sẽ ôm lấy bà. Tôi sẽ khóc nức nở. Tôi sẽ xưng con. Xưng con và gọi mẹ một cách không ngượng ngập, như ngày nào Kế bắt tôi phải gọi bà bằng "mẹ" xưng "con". Tôi đã không thể nghe lời chàng. Đó là điều duy nhất, tôi làm trái ý Kế. Tôi chỉ có thể xưng "con" gọi bằng "Bác". Bác, cái tiếng xưng hô của miền Nam, đôi khi cũng tiện và cũng không thiếu ý nghĩa hàm xúc. Tôi cũng tưởng tới lúc mẹ Kế sẽ ôm tôi vào lòng. Bà cụ sẽ lặng người đi vì nhớ đến đứa con trai, (Đứa con trai cả của bà. Cái thằng trời đánh, thánh vật không chết đó). Cái thằng con trai lêu lổng mà bà biết rõ ràng là nó yêu tôi. Đấy cũng là điều rõ ràng duy nhất bà biết được về con bà sau ngày nó ra đi, trở về. Tôi mường tượng đến nhiều hình ảnh, nhiều cảnh tượng lắm. Nhưng giờ đây tôi đang đứng trong ngôi nhà cũ này, trước mặt người đàng bà đau khổ, kẻ đã sinh ra người con trai, tôi yêu, và đã chết. Cái chết của Kế có nghĩa ngang như một ngọn gió tắt phụt đóm lửa tin tưởng vừa lóe sáng lòng tôi. Tôi không biết phải nói sao nghĩ cách nào về cái chết đó. Nhưng mà thôi. Hãy khoan đã, chuyện còn dài, cứ từ từ, đâu sẽ có đó, phải không? Có chi đâu mà phải gấp. Hãy trở về với hện tại trước mặt. Hãy đối diện với ước mơ thấp thoáng của mầy. Căn nhà. Bà mẹ. Chiếc bàn. Cái ghế. Hàng cây. Con ngõ. Tất cả vốn ở đó. Còn nguyên đó, như muôn đời bất di dịch. Nhưng mày đã không còn là mày.

Tất cả mọi tìm về chỉ cho ta thấy rõ, ta đã khác xưa. Ta đã không còn là ta nữa, một kẻ nào đó, xa lạ và què quặt.

Mẹ Kế với tay bật nút điện. Tôi tiến tới gần hơn nữa cùng với tiếng thốt kêu của bà cụ. Tôi a người ôm lấy chiếc thân choắc cheo, nhẹ tếch của bà. Bà hỏi, con ở đâu về đây. Làm gì. Sao mất mặt mấy năm nay. Có hay tin gì không? Tôi gật đầu trước tất cả mọi câu hỏi của mẹ Kế. Hình như tôi đang thực sự trải qua cơn xúc động nhẹ nhàng, dịu nhạt. Hình như tôi đã lấy lại được bình tĩnh.

Tôi lơ láo trước mối cảm hoài của mẹ Kế khi bà kể lại cho tôi nghe những ngày cuối của đời chàng. Rồi tôi nói về đời tôi, những ngày qua, bằng một giọng nào đó, không phải của tôi. Một giọng mũi, một giọng nghe được từ cuốn băng nhựa, quay lại đều đặn và có phần hơi rè. Tôi không có ý biện minh hay mặc khoác cho thời gian lưu lạc vừa qua một ý nghĩa nào hết. Tôi lập lại nó như một sự kiện thất thế. Nhưng tôi chắc bà cụ cũng không nhận ra một điều là những hành vi của tôi, của bà, trên một phương diện nào đó, đã gặp nhau, đấy là sự thèm khát quên mình cho hạnh phúc người thân yêu. Nhưng ngay ở điểm này, cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy, chỉ là ảo tưởng. Ngu xuẫn. Một lầm lẫn hay một sự dối gạt trẻ con ngu ngơ. Hạnh phúc chỉ là tiếng phản nghĩa của đau khổ, là điều không bao giờ có thực. Nó là chiếc bóng. Chiếc bóng chúng ta có thể nhìn ngắm, nhưng không bao giờ sờ mó hay cắn nuốt được.

Mẹ Kế giữ tôi lại ăn cơm, chờ Trừ về. Theo bà cụ xuống bếp rửa mặt, lúc trở lên, tôi thấy Trừ đã ngồi sẵn ở salon, như có ý chờ tôi.

Trừ là em ruột Kế. Trong suốt thời gian yêu Kế, chưa bao giờ tôi thắc mắc về Trừ. Tuy đôi lần lại nhà Kế tôi có nhận ra thái độ khó chịu của Trừ.

Có lẽ bởi Trừ lúc đó còn nhỏ. Hình như Trừ kém tôi tới bốn, năm tuổi lận. Tôi cho rằng sở dĩ Trừ có thái độ đó đối với tôi vì Trừ không muốn Kế chơi với tôi, hoặc vì Trừ có nghe một vài dư luận xấu về tôi. Cho đến một buổi tối lại tìm Kế có việc gấp, Kế đi vắng, Trừ đề nghị chở tôi đi tìm, dọc đường nói chuyện, Trừ có ý trách tôi vô tình, tàn nhẫn. Tôi không rõ Trừ muốn nói gì, nhưng linh tính báo cho tôi biết, có một sự gì đó, không bình thường đã nảy sinh trong tâm hồn Trừ, Tôi nhớ là tôi đã thẳng thắn khuyên Trừ: Đừng vội, ai cũng thế. Tuổi trẻ dễ lầm lẫn. Rồi tất cả sẽ qua đi. Nên kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn đó sẽ đem thành tựu đến cho mình. Mà thành tựu đó mới thực gần với mơ ước. Trừ đã giận dữ, vùng vằng, bảo: Nói như chị chằng hóa ra vấn đề giản dị thế. Tôi chữa: Không hẳn vậy. Ý tôi muốn nói khác. Làm gì có vấn đề dễ dàng hay giản dị trong đời sống. Sống không thôi, một đời sống thuộc tùy nơi những sợi dây giật của xã hội và thói quen, cũng đã là cả một khó khăn, khúc mắc rồi.

Huống hồ chỉ muốn sống theo mình. Trừ hỏi tôi có yêu Kế không? Câu hỏi bất thần làm tôi ngơ ngác. Có bao giờ tôi nghĩ Trừ dám hỏi tôi một câu đại loại vậy. Tại sao Trừ lại dành cho tôi câu hỏi đó. Tôi hỏi lại Trừ, Trừ cười gằn: Để biết. - Vậy Trừ muốn thấy tôi trả lời như thế nào? Làm sao mà muốn được, phần trả lời là của chị. Chị chứ không phải tôi. Trừ nhấn mạnh – Đồng ý thế, nhưng trước khi trả lời, tôi muốn hỏi, Trừ nghĩ gì về liên hệ giữa tôi và Kế. Trừ đáp không suy nghĩ: Anh Kế yêu chị, mà chị...- Mà tôi thì sao? Mà chị, chị không hẳn là đã yêu anh ấy, hay nếu có thì cũng không bằng tình yêu mà anh ấy đã dành cho chị. Tôi tái người. Căn cứ vào đâu để Trừ có nhận xét đó? Chẳng vào đâu hết, hay cũng có thể do tôi nhận thấy như vậy. Tôi cố cười lớn, cắt ngang câu nói của Trừ, bảo chở thẳng tôi về nhà, không đi tìm Kế nữa.

Đêm ấy tôi không ngủ được vì những lời nói của Trừ. Những lời nói như những chiếc lưỡi câu có ngạnh, móc sâu vào da thịt tôi, chốc chốc lại lay động làm tôi đau đớn, nhức nhối.

Nhận xét của Trừ, vô tình đã đánh thức, đã mở tung một phần đời ẩn sâu một cánh cửa mà tôi đã khóa trái. Một ám ảnh. Một mặc cảm mà không bao giờ tôi để cho nó có cơ hội vẩn lên trong trí mình. Có thật không, tôi đã yêu Kế. Có thật không, tôi yêu Kế chỉ vì Kế là Kế. Vì Kế đã đem đến cho tôi chút ý nghĩa nào đó về một đời sống đã mất. Vì Kế chính là một mảnh đời tôi thất lạc. Có thật không? Có đúng không? Tình cảm mà tôi dành cho Kế tên gọi là tình yêu. Hay đó chỉ là ảo tưởng? Chỉ vì Kế là bạn Tích, bạn Nhiệm. Hay vai trò đích thực của Kế, chỉ là vai trò của một anh hề, của một kịch sĩ lấp khỏa những khoảng trống vắng hãi hùng của đời sống tôi. Với người con gái, tình yêu thực sự chỉ có một lần yêu trong trọn một đời người là tình yêu, ngoại giả, đều là ảo tưởng có từ những thói quen, do sự đụng chạm thường xuyên. Đó là nhu cầu khuây khỏa, do hình bóng phảng phất, do sự trùng tựa từ dĩ vãng. Tôi đã phải cố dập tắt những nghi vấn, những dấu hỏi thật lớn về cuộc tình giữa tôi và Kế. Tôi không muốn phải xét lại mình. Hơn nữa, không ai đặt vấn đề với người đã khuất. Tôi không thể nhẫn tâm làm việc đó. Tôi muốn sống, sống thực với tâm hồn tôi, với trái tim tôi, thần trí tôi, và với những khát khao trùng trùng, tiếp tiếp...

Tôi không thể mãi là tôi của phút đã qua và giờ sẽ tới. Ngay phút đang qua đây, tôi cũng đã không còn nguyên vẹn tôi nữa. Tôi luân lưu. Tôi gần, tôi xa với chính tôi, từng giây, từng phút.

Tôi cũng thầm oán trách. Trừ không ít. Trừ nói câu ấy với tôi, để làm gì? Tôi tự hỏi. Nó muốn gì ở nơi tôi.

Tôi thiếp ngủ giữa những câu hỏi hằn học, bùng nhùng trong óc tôi khốc khô nghẹt đặc.

Buổi sáng muộn, Kế đến. Đi ăn điểm tâm. Trở về, chúng tôi yêu nhau. Trong cơn thống khoái, câu nói của Trừ lại vẩn lên. Tôi xiết ghì lấy Kế. Kế. Tôi yêu anh. Tôi yêu Kế. Kế ngơ ngác. Em nói gì? Tôi cười: Em đang muốn quên. Tôi trả lời. Em mong tình yêu của anh, sẽ giúp em, quên hết. Quên cả chính mình, luôn tình yêu, đang có. Em không muốn giữ gì cho em, trong em. Tương lai luôn luôn mang theo nó những âm vang, những hình bóng đã qua, chính quá khứ ấy làm nên những vết nhăn, những sợi tóc bạc trên khuôn mặt, trên da đầu chúng ta chứ không phải thời gian.

Kế bảo tôi, em điên. Tôi gật đầu. Chàng nâng mặt tôi lên cao, ghé gần, ghim thẳng những tia nhìn tra khảo. Tôi nhắm nghiền mắt.

Nắng hầm căn gác tôi tối thấp. Lát sau, tôi trở dậy, xuống phố mua ít báo và đồ ăn nguội trở về Kế đã ngủ say. Tôi ngồi đọc báo một mình. Khoảng giữa trưa, chàng choàng mắt tỉnh dậy. Chúng tôi lặng lẽ ăn...

Từ đấy mỗi lần lại nhà, Trừ đều tìm cách lánh mặt tôi. Chắc Trừ nghĩ tôi đã nói hết mọi chuyện với Kế.

Một lần Kế đề cập về sự đổi khác của Trừ, tôi bảo, em có cảm tưởng Trừ không ưa em. Anh cũng cho là thế. Chàng nói. Nhưng không sao. Em cứ yên tâm. Nó có đời nó. Anh có đời anh. Sợ chàng nghĩ ngợi thêm, tôi đã nói ngay: Không đâu, anh. Dù Trừ thế nào, em vẫn quí Trừ và coi cậu ấy như em, vì hiển nhiên, Trừ là em anh. Chàng tỏ dấu hài lòng, hôn lên trán tôi nói, làm sao không yêu em cho được.

Bây giờ Trừ ngồi đó vẫn dáng xưa co rút. Vẫn mắt nhìn lặng phẳng. Vẫn những nét gẫy, tạo cho khuôn mặt Trừ cái vẻ khắc khổ, cằn cỗi quá sớm. Nhưng dẫu sao, Trừ cũng đã không còn là cậu học sinh như ngày nào.

Cái lúng túng, cái vụng về trong mỗi lần mắt nhìn, đã mất. Bộ quần áo lính, mái tóc cao, đôi tay khẳng khiu, đen bóng, với những sợi gân, để bình thường cũng nổi rõ, cho tôi ý nghĩ khác về Trừ.

Ý nghĩ đó, dẫn đến những lạ lẫm, rụt rè. Tôi lúc này, mới chính là kẻ bị bối rối, mất bình tĩnh. Thời gian đã hoán chuyển vị trí của chúng tôi. Mặc cảm lén lút, trở về tìm lại dấu tích đời, trong một khung cảnh đã lâu không còn ghi nhận bóng dáng mình, làm tôi tủi thân. Tôi gật đầu chào. Đôi mắt Trừ vẫn cứng sắc, lạnh lùng đến thản nhiên, như đôi mắt của một người chết đuối.

Cơn bàng hoàng thoáng qua. Tôi và Trừ, như cùng vụt thoái khỏi giây phút u mê của vô thức. Trừ hơi nhích người, đáp: Chào chị mời chị ngồi. Trừ giơ tay chỉ chiếc ghế đối diện. Tôi vuốt vạt áo, ngồi xuồng, cố gắng lấy giọng tự nhiên: Trừ đi lính lâu chưa? Sau khi chị dời khỏi thành phố này được một tháng. Tôi tròn mắt: Sao không nghe tin tức gì hết. Trừ lắc đầu bảo: Đến anh Kế cũng còn không biết. Trừ ngập ngừng: Chị kinh ngạc? Tôi gật đầu: Tình nguyện?

Trừ nhắc lại: Tôi thật tình không hiểu chuyến đi đột ngột của chị. Tôi bảo chính tôi cũng không hiểu duyên cớ sự ra đi của tôi, hơn nữa, tôi ở đâu thì cũng vậy. Ai không mong có được một nơi cầm giữ chân mình. Tôi đi, vì không có được may mắn đó. Tôi muốn hiểu nguyên nhân? Trừ nói: Thì cứ tạm coi như vậy. Tôi đáp: Cũng được. - Nhưng giờ này thì chị đã tìm được chốn để đến? Tôi lắc đầu bảo: Không, nên hôm nay mới trở lại đây. Trừ nói nhanh: Như vậy không có nghĩa là chị trở về vì anh Kế đã chết. Tôi cười chậm rãi; cả hai, phải, cả hai cộng lại mới đủ vững cho sự trở về này. Trừ hỏi tôi biết tin Kế chết tự bao giờ? Tôi kể chuyện tình cờ gặp một người cùng hoạt động với Kế ngày xưa.

Trừ có vẻ xúc động nhiều, và ý như muốn trách móc tôi. Trừ kể phút cuối cùng của đời Kế, không có ai ở bên, ngoài bà mẹ và Trừ. Không có một giọt nước mắt nào cho Kế, lúc hạ huyệt. Bà cụ đau đớn, đến điên dại không khóc thành tiếng. Còn Trừ? Tôi hỏi. Trừ bảo: Tôi không thích khóc trước mặt ai dù là mẹ tôi, và trước vong linh anh Kế (Trừ nhấn từng tiếng) tôi không quen giả dối. Nếu tôi khóc là khóc cho tôi. Tôi kẻ còn lại mới đáng thương, chứ không phải anh Kế, người nằm xuống, kẻ sung sướng nhất, lúc này.

Trong cái im lặng chập chờn giữa cừu oán không rõ mặt, giữa đắng cay, tuyệt vọng mơ hồ, sượng sần của những lẩn quất quá khứ thắp lên, giữa mặc cảm mù mờ về một thực tại chín rữa, tiếng chân dép kéo lê của mẹ Kế đột ngột vẩn lên khô khan như bước chân về trên lá của một thứ gì không là người, cũng không là vật. Chúng tôi cùng lặng lẽ cúi xuống.

Tôi hỏi thăm Trừ, bây giờ đóng ở đâu. Trừ rút thuốc hút, không đáp. Tôi không tin Trừ không nghe thấy lời thôi. Thái độ của Trừ làm tôi thấy tự ái bị chạm. Tôi ngồi im thu mình trở về cái thế của một con ốc mượn vỏ. Cần phải có thái độ đối với Trừ. Dẫu sao mình cũng từng là người yêu của Kế – anh Trừ, Trừ không thể có thái độ đó. Tôi lấy bình tĩnh nhìn thẳng mặt Trừ. Trừ nhìn lại đăm đăm, không chớp. Khói thuốc và bóng tối phủ quanh mặt Trừ cho tôi cảm giác rợn rợn, như Kế. Kế hiện về. Kế đang ngồi đó. Đôi mắt đỏ, đỏ lừ. Đôi môi mím. Chiếc cằm bạnh. Không thể được. Tôi nắm chặt hai bàn tay. Trừ không có quyền nhìn tôi ngạo mạn thế. Trừ không được phép nhìn tôi bằng cái nhìn kẻ cả, cúi xuống. Cái nhìn khảo tra. Soi mói. Không một ai có quyền xét xử đời tôi. Tôi không có một sở hữu nào, cho riêng mình, ngoài những dĩ vãng kết thành vòng hoa trắng, quấn quanh cổ tôi, thành những sợi tóc, tôi đang nuôi dài. Dĩ vãng như những sợi tóc trên đầu của mỗi người. Chúng ta đội nó, như tôn thờ, một cái gì linh thiêng, cao cả và cũng như một lấp che, một dấu kín, một bóng mát buồn bã của riêng ta. Tôi muốn nói chính nó, đã nuôi tôi sống đến ngày nay.

-Chị mệt? Trừ lên tiếng đột ngột.

-Không.

Trừ dập tắt điếu thuốc đang hút dở trong chiếc gạt tàn sứ, rồi bật diêm châm tiếp một điếu khác. “Tôi muốn đưa chị đi thăm mộ anh Kế, trong lúc chờ cơm,” tôi nhìn ngoài trờ “muộn rồi” “- Có gì phiền chăng?” “Chẳng có gì phiền cả”

“Nghĩa trang có điện, vả lại nếu tôi không lầm, chị đã từng đến nơi đó, nhiều lần với anh tôi”. Tôi gật đầu “phải nhiều lần ở đó, với Kế”. Tôi nghĩ có lẽ tôi nên sớm thoát khỏi cái không khí âm âm, nhức nhức này. Tôi định nói một lời gì đó, nhưng chưa kịp thì có tiếng chân bước vọng từ bếp lên. Không ngước nhưng chúng tôi cùng cảm thấy chiếc bóng đên còm cõi của mẹ Kế đè nặng trên ngực. Phải chăng mẹ Kế cũng bị khựng lại vì sự êm lặng ngạt ngạt, hay sự có mặt đột ngột của Trừ trong căn phòng. Bà cụ hỏi Trừ về lúc nào. Trừ đáp con mới về. Bà cụ kể lúc tôi đến và nói tôi đã nhận lời ở lại ăn cơm. Giọng bà cụ vẫn còn xúc động như cái chết của Kế đang bừng bừng thắp lên trong tâm trí già nua của người. Tôi thoáng thấy Trừ, khuôn mặt Trừ nhăn lại. Những nếp nhăn trên gương mặt còn non nớt. Trừ nói: “Để con đưa chị ấy ra nghĩa trang thăm mộ anh Kế nha mẹ”. Mẹ Kế gật đầu, ừ đưa chị con ra thăm nó một chút, không tội nghiệp nó. Trước khi chết, nó nhắc đến cháu hoài. Bà cụ quay sang tôi.

Chúng tôi đứng dậy. Mẹ Kế tần ngần tay vịn vào chiếc bàn viết, kê ở cạnh cửa sổ, gần lối ra vào. Trừ quay lại dặn với: “Mẹ cứ sẵn sàng cơm nước con về ngay. Tính để mai, nhưng mai con vào trại sớm, ai đưa chị ấy đi cho được”. Tôi nghe như có tiếng mẹ Kế thở dài. “Thôi đi mau đi. À mà mang theo mấy nén hương này con. Thắp cho nó. Bà cụ quay vào, lấy ra cho chúng tôi một thẻ hương. Tôi đỡ thẻ hương từ tay bà theo Trừ ra khỏi ngõ.

Chiều cuối năm, lạnh và mang dáng vẻ khác hơn ngày thường. Bầu trời thấp, sát trên những mái nhà cao. Gió chạy xạc xào trong những lùm cây khuynh diệp sần sùi thẳng tắp. Tiếng giầy Trừ gõ nặng trên mặt xi măng, nghe lạ và thảng thốt. Tôi không nhận ra một dấu vết quen thuộc. Tất cả đã đổi khác. Con ngõ, đã mất vẻ nghèo nàn. Những vỏ đồ hộp vứt vung vãi dọc theo con lộ tráng nhựa mới. Rác rưới cũng in hình và chữ Mỹ.

Men theo con lộ chính, chúng tôi rẽ tay trái. Ngã tư. Mấy chiếc xe ngựa lạc lõng về không, lắc lư những mui cong, thấp thoáng người xà ích ngồi bên hông xe, thò chân nhịp đôi trên lưng ngựa, ca vọng cổ. Buổi chiều như rời tách từng mảnh nhỏ. Cái sinh hoạt chung thật gượng gạo rời rạc vì được ghép lại một cách bất đắc dĩ, giữa những cảnh sắc riêng giống những tảng mầu nguyên chất, trét trên một mảnh lụa tốt. Trừ đi như mải đuổi bắt ý nghĩ riêng. Chốc chốc tôi phải chạy rảo cẳng mới theo kịp.

Chúng tôi vào nghĩa địa bằng ngả tường bị xe nhà binh húc đổ. Từ những năm đầu khi tôi mới đến đây cỏ mọc dưới chân đi thành một đường nhỏ ngoằng nghoèo. Những cánh lá cỏ sắc đâm ngang, cứa cọ vào chân tôi, không đau, nhưng nhột nhạt. Trừ dẫn tôi đi ngang qua hàng mộ mới đắp. Đất đỏ chưa se. Miếng cỏ tươi đặt giữa mộ chưa ăn lấn xuống chung quanh.

“Ngày xưa, khi anh Kế và chị còn ở đây, hàng mộ này chưa có” Trừ nói. “Vâng, chưa có. Chắc mới” Tôi đáp “Chị có thấy những ngôi mộ này khác với các ngôi mộ cũ không?” Tôi lắc đầu: “Mộ nào chả giống nhau. Cũng một người”. Trừ cười, tiếng nhỏ. Gió tạt về sau, lạnh và nhọn hoắt, như những mũi kim châm. “Chị không thấy nó thấp hơn các ngôi mộ cũ à? Mới đắp mà đã như vậy, mai mốt chỉ cần vài trận mưa là trôi hết”. Tôi à, à. Phải. Trừ tiếp “giờ nhiều người chết quá, người ta không kịp đào sâu cũng không có thì giờ vun đắp cho cao cho kỹ nữa. Họ cứ vùi xuống miễn sao không trông thấy quan tài là được”. “Thân nhân những người này không phản đối sao?” “Phản đối gì? Được chôn cất là may mắn rồi. Tôi cũng chỉ mong có thế”, “Thế nghĩa là gì?” “Là lúc tôi chết đó, nay mai, hay bất cứ một phút nào có gì để kinh ngạc nữa đâu?” Trừ nói, giọng chua chát. Rồi mỉm cười trong bóng tôi. “Trừ bắt đầu bi quan rồi đấy. Tôi thấy Trừ thay đổi nhiều, khác hẳn xưa” Trừ dừng bước quay lại nhìn, nói: “Không ai có thể làm khác hơn những gì mà đời sống bắt họ phải thế. Hoàn cảnh hết”. Sau cái chết của ông anh, cậu này có vẻ triết lý tợn. Tôi nghĩ thầm, bảo Trừ, gần tới chưa, cũng sắp, sau lưng nhà quàn quan tài, dưới cây thông, nơi chị ngày xưa vẫn ngồi. Ai cho Trừ biết điều đó? Anh tôi, sau khi chị bỏ đây đi. Kế có nói nhiều với Trừ về tôi không? Ít lắm. Thảng hoặc. Hơn nữa, chính tôi cũng không muốn hỏi anh ấy về chuyện đó. Sao vậy? Tại tôi không thích xen vào chuyện riêng của người khác, nhất là người thân. Tôi kỵ phải nghe ai tâm sự, cũng như tôi, không thích tâm sự với ai. Tôi bảo, tôi ngược lại. Tâm sự cũng là cách giải tỏa những dồn nén của đời sống. Trừ cướp lời, bảo, chị, đàn bà. Tôi ít thích tâm sự một phần tại tôi không có gì để tâm sự, hay có quá nhiều thì cũng thế. Tôi nói đùa, thế thôi, chứ không phải tại một lý do nào khác?

Trừ chỉ ngôi mộ ngay dưới gốc cây thông đâu lưng vào lòng thành phố, đây ngôi mộ anh ấy.

Trừ ngồi xuống một rễ cây lớn, bò trên mặt đất. Tôi hỏi xin lửa thắp nén hương. Lúc que diêm đánh lên tôi thấy rất rõ hai bàn tay mình rung động. Ánh sáng cũng soi tỏ khuôn mặt Trừ gần sát nhợt nhạt. Mồ hôi lấm tấm trên vầng trán Trừ có vết sẹo nhỏ nhưng dài chạy từ góc trên xuống gần tới thái dương.

Tôi trao bao quẹt lại cho Trừ. Trừ phải dùng tới que diêm thứ ba mới châm được mấy nén hương. Trừ có vẻ lúng túng “gió quá”, tôi im lặng thản nhiên. Lúc cúi xuống, cắm mấy nén hương trên mộ Kế tôi định có một vài cử chỉ thành kính, dành cho người quá cố, nhưng chân tay tôi cứng đơ, óc tôi khô kiệt. Trái với lúc ra đi, tưởng lúc đứng trước mộ Kế tôi sẽ xúc động ghê gớm lắm. Có thể tôi sẽ khóc. Biết đâu chừng. Mà sự thực phút này lòng tôi dửng dưng, nguội ngắt. Tôi không nhận ra một điều gì, khác hơn, mùi hương thơm, thật thơm, ngạt ngào tỏa khắp.

Ánh điện từ trong ngôi nhà quàn xác, hắt từng vụng sáng về gần chỗ đứng. Chợt mắt tôi chạm phải chiếc rễ cây mà ngày xưa Kế vẫn ngồi, ôm tôi. Tôi chọn đúng chỗ ngồi cũ. Day mặt về phía thành phố song song với Trừ. Trừ lại hút thuốc, tay kia, nhặt đá, ném vu vơ vào con đường nhỏ, vừa đi qua. Tiếng động dội lại rơi hẫng vào khoảng không ngượng nghịu. “Chúng ta không có gì để nói với nhau sao?” Tôi lên tiếng chọc màn yên lặng. Trừ không nhúc nhích “không hay có quá nhiều?”

Kẻ thứ ba, đến phút nằm sâu dưới lòng đất, vẫn còn là một khó chịu, một vướng mắc cho ta. Tôi mỉm cười với ý nghĩ của mình, Tôi hỏi xin Trừ một điếu thuốc. Trừ rút thuốc, đưa cho tôi, hỏi “Chị cũng hút thuốc đấy à?” Tôi đáp, đang tập. “Tập làm gì thói quen này”. Tôi bảo Trừ, phần lớn những hứng thú của đời sống, do thói quen kết thành”. Dám chắc nếu từ bỏ mọi thói quen, người ta sẽ không còn gì để sống. Vì lúc đó chúng ta chỉ còn những thừa thãi, những trống vắng không gì bù lấp. Thói quen, làm đầy nhiều, nhiều lắm những lỗ hổng đời ta.

Trừ cười thành tiếng. Làm vẻ thành thạo, tôi gắn lệch điếu thuốc ở bên môi. Trừ bảo: “Chị khác xưa”. Thì tôi cũng vừa có nhận xét đó về Trừ:, “Ừ nhỉ”. Tôi chợt nhớ mình dỗ dỗ đầu thuốc (như Kế vẫn làm). Tôi gỡ điếu thuốc khỏi môi cẩn thận dỗ dỗ xuống rễ cây xong mới gắn lại lên môi. Trừ nhích sát tôi đánh diêm. Tôi cúi mặt giữa đôi bàn tay Trừ khum khum cản gió. Sợ que diêm bị gió thổi tắt tôi, ghé mặt sát mãi, tới lúc vô tình chạm phải tay Trừ lạnh ngắt. Trừ luống cuốn Chị, chị Tải... Tải... tôi hơi mất bình tĩnh trước giọng thảng thốt của Trừ. Nhưng chỉ chớp mắt, tôi trấn tĩnh được tôi ngay và đem Trừ lên khỏi vực thẳm mê sảng bằng câu nói thật tự nhiên: “Thuốc gì mà đắng quá vậy Trừ”. Giọng Trừ vẫn còn trong độ rung ngầy ngật “Thuốc... đen”. “Hèn chi”. Tôi thở mạnh hơi khói đầu tiên, cảm tưởng trút đẩy được, theo nó, một cái gì vừa ấn nặng.

Tôi mừng, mừng cho chính tôi chứ không riêng gì Trừ, đã giữ được thăng bằng bên miệng vực sâu. Nhưng có lẽ vì thế nỗi sượng sùng cũng bắt đầu nhen lên, rõ rệt giữa chúng tôi. Tôi mong kiếm được một chuyện gì khả dĩ có thể khỏa lấp được sự kiện đó. Trừ tỏ ra bức rức và lúng túng thêm. Trừ nói lan man những chuyện không đâu, quanh việc chọn kiểu mộ cho Kế, cùng những lộn xộn thời cuộc sau đó. Tôi ra vẻ chăm chú lắng tai nghe.

Gió xào xạc trên không. Tôi như có ý trông đợi một cánh chim lượn qua, như ngày nào, với Kế và Lãng, theo tiếng bén cháy lép bép của những sợi thuốc đen, cong lên trong lớp giấy rộp ám.

Trừ vẫn nói, giọng lên xuống bất thường.

Tôi thả mặc cho tư tưởng quay những vòng bất định hay mở ra, những khung cảnh bất chợt rời rạc, hỗn độn của trí nhớ mù mịt khói đen.

Không hiểu sao, ngồi bên mộ Kế mà tôi lại nghĩ đến Tích, Đến ông bà Thực, đến ông Kiểm, đến mẹ tôi, đến những người ít, nhiều, trực hay gián tiếp đã để lại dấu vết trong đời tôi. Cũng không hiểu sao, cứ mỗi lần nghĩ đến mẹ, tôi lại có kèm theo đó cái khao khát, cái ý thức tự hối thúc, tự giục giã mình phải làm một cái gì. Mà một cái gì, ở đây, lại là cái mơ hồ, mờ nhạt nhất. Phải làm một cái gì, thế mãi, không biết lần thứ bao nhiêu, tôi nhắc nhở tôi mỗi khi buồn nản, mỗi khi tuyệt vọng chán chường đã như sóng lấn sát đến bờ, chân tôi muốn quỵ và sự hối thúc réo kêu này, thường dừng lại, trước khi tự động tan đi, khi tôi cảm thấy ghê ghê, lạnh lạnh ở hai tai, ở hai má, ở ngay trên thịt da tôi nhầu nhão.

Cũng thiệt kỳ, giữa sự xô dạt, nổi trôi bập bềnh của những hình ảnh kia, cha tôi thường rất ít khi ra mặt. Càng ngày những ghi nhận của tôi về người càng mờ nhạt, càng rớt rơi lần lần. Tôi không nhìn đó như một bất hạnh, hay ngược lại, một hân hoan. Xét cho cùng thì sự sớm khuất của cha tôi, có thể coi như một may mắn. Ừ. Ít ra thì cũng là một may mắn. Bởi nếu cha tôi còn sống chắc đâu người đã khác hơn ông Thực. Một công chức thâm niên, gương mẫu. Nhưng dù thâm niên hay gương mẫu đến đâu thì số lương công chức hiện tại cũng không thế nào đủ chi dùng cho một gia đình đông con. Và ông Thực thay vì để vợ con đi bán bar, đi làm bồi phòng, làm sở Mỹ, ông đã chọn lựa sự thiệt thòi cho ông, đó là nghề rước khách mỗi tối bằng chiếc xe Honda, mua được sau nhiều bát hụi hốt non. Tuy nhiên là một trong số hiếm hoi, những người còn chút nhân phẩm, tự trọng ông đã dấu nhẹm chuyện này bằng cách nói dối vợ con là đi làm thêm cho hãng tư. Mãi cho đến khi ông bị một ngoại kiều say rượu rút súng bắn chết tươi, giữa lúc ông đang trên đường đưa tên đó về nơi hắn trú ngụ, câu chuyện mới vỡ lẽ.

Chuyện xảy ra quá đột ngột. Tôi chắc ông cũng không kịp nhận ra là mình sắp chết. Tuy nhiên, theo một số đồng bào chứng kiến tận mắt thảm cảnh trên, thì trước khi ngã vắt người ngang qua chiếc Honda mới tinh, ông ta còn kịp đưa tay kéo xụp thêm chiếc mũ rộng vành, che kín khuôn mặt răn rùm hốc hác vì thiếu ăn. Ôi đến giờ phút cuối cùng đó, người công chức thâm niên gương mẫu kia, còn cố gắng một cách tuyệt vọng, che dấu mặt mình cho lũ con dại khỏi tủi hổ là đã có một người cha, phải đi chở khách mướn kiếm thêm tiền nuôi chúng ăn học. Hôm sau báo chí đăng tải tin trên với suy luận là chắc gã ngoại kiều trong cơn say chạm phải một vật gì trong người nạn nhân và lầm rằng nạn nhân mang súng nên y đã ra tay trước và tẩu thoát ngay sau đấy. Bây giờ thì các người đã hiểu lý do tại sao tôi cho rằng cha tôi mất sớm biết đâu chẳng là một may mắn. Tôi biết có nhiều người sẽ phỉ nhổ tôi vì ý trung thực này.

Tôi tự ví tôi như một con vụ, một con vụ, trong tay đứa trẻ có sợi dây quái ác, nó quất tôi quay tít, quay tít, quay mãi mãi, mà không một phút nghỉ tay, để tôi kịp nhận ra tôi, kịp tôi thấy tôi đang ở đâu, tại sao thế nào.

Tôi nghĩ, tôi sẽ còn quay, còn quay mãi trong chính cái ủy mị của đời mình, cho đến một phút nào, không thể định trước, tôi sẽ ngã. Không, tôi sẽ cố gắng, gượng quay thêm một vài vòng lảo đảo, trước khi lăn ngã. Phải rồi, Đúng thế. Và ở phút nào, đời mình, tôi sẽ làm được, cái mà tôi vẫn hàng mơ ước kia – Một cái gì? Cái gì thật quyến rũ – ghê gớm – mà cũng thật là sảng khoái. Phải thế không?

Hỡi cái gì mà tôi chưa tìm nhận được mặt.

Ý nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ nằm xuống – tênh hênh, nằm xuống – một mình, nằm xuống, không một liên hệ, một ràng buộc gần xa với đám đông, với chung quanh, khiến tôi rùng mình. Nhắm mắt.

-Chị mệt? Về chưa?

Tôi choàng mắt ngơ ngác, tự bao giờ, Trừ đã cầm lấy tay tôi. Tôi rùng mình giựt tay ra. Nhưng những ngón tay Trừ bấm trên thịt da tôi cứng buốt.

-Đừng Trừ. Trừ không nên làm thế, Anh Kế sẽ...

Gió thổi tắt tiếng kêu tuyệt vọng của tôi.

Cơn cuồng điên trong Trừ vỡ bật. Trừ chồm người lên: nhanh và gọn như một con thú đói mồi miệng, mở, tôi muốn la lớn, nhưng không kêu thành tiếng được nữa. Tôi thấy như xương hàm tôi bị bẻ trẹo đi, mắt mở trừng, mà sao tôi không phân biệt được từng sự vật. Sự thể diễn ra quá nhanh. Tôi cảm thấy mình chới với; muốn gập ngã về phía sau.

Rễ cây cấn vào lưng tôi đau đớn, tôi rên rĩ trong tưởng tượng, không thực. Tất cả, chỉ thực trong hơi thở tắt nghẽn. Trừ nghiến răng cắn rách áo tôi, miệng không ngớt càu nhàu, như tiếng gầm gừ của một con thú dại “Tôi thù chị chính vì chị mà anh tôi chết. Nhưng tôi cũng không hơn gì anh Kế. Tôi yêu chị. Tôi yêu cái con hồ tinh. Con hồ ly tinh.” Trừ cao giọng như thét trước khi giáng xuống giữa mặt tôi một cái tát trọn cả bàn tay. Tôi lả dần trong tiếng nói của Trừ lảm nhảm...”Tôi đây. Thằng Trừ con nít trong mắt chị ngày nào đây. Thằng Trừ của những đêm bò trên bờ thành nghĩa địa này. Tôi biết hết. Tôi đã mục kích hết. Tôi không quên. Không thể quên. Nó... Nó ám ảnh tôi...”

Tôi tỉnh dậy giữa lúc con chim lợn bay ngang ngập ngừng kêu giữa trời không.

Ba,

Tôi mở mắt, vươn vai, chưa muốn ngồi dậy, những mệt mỏi còn đằm đằm lặn tan trong thân thể. Tôi nghe thân thể mình buồn buồn, nhột nhột, như có những con sâu nhỏ, thật nhỏ, đang cọ quậy bò trong hạnh phúc của lười biếng, trễ nải. Tôi không thể phân biệt được mình đang tỉnh hay mê. Cảnh vật chung quanh tôi tại sao lại không phải là cái nghĩa địa mà đã nhiều lần tôi đến với Kế và vừa xong tôi trở lại với Trừ? Không, tôi đang ở đây đó, một căn phòng quen thuộc lắm, phải rồi tôi đã nhận ra. Tôi đang nằm trong căn phòng nhỏ của gia đình bà Thực, dành cho tôi. Qua khung cửa sổ mở hết, thấy như là ngày đang lên cao. Căn nhà chìm nghiêng trong im vắng. Cái im vắng chứa chan ánh sáng ấm áp. Tôi vuốt dọc đùi mình. Máu chảy rân ran dưới lớp da mịn mát.

Tôi xoay người, dựng cao chiếc gối, kê lên đầu. Ở vị thế đặc biệt này, tôi có thể nhìn xéo qua cửa sổ quan sát được tất cả mọi vật trong sân nhỏ.

Những con chuột thập thò ở lỗ cống, hin hin chiếc mõm nhọn làm rung rinh mấy sợi ria mép cứng xuôi về phía sau. Ngắm nhìn chúng với tôi là một thú giải trí hân hoan kỳ lạ. Có lẽ tôi bị mê hoặc bởi cái vẻ điếm đàng, quyến rũ một cách trí thức, từng trải, duyên dáng đó. Tôi cười với ý nghĩ lẩm cẩm của mình. Bà Thực đã đi chợ. Lũ trẻ con chắc đã được ông Thực dẫn đi ăn phở. Sáng Chủ Nhật nào cũng thế, ông Thực đóng vai một người chồng gương mẫu đưa bầy con năm đứa đi ăn sáng.

Sau đó đi sở thú hoặc ra vườn hoa. Bà Thực tiếp tục công việc thường nhật của mình. Đi chợ, làm cơm và dọn sẵn chờ chồng con trở về. Chợt mắt tôi dừng khựng nơi mầu tím của chiếc áo dài trên ghế gần bàn học. Chiếc áo đêm qua tôi đã mặc đi ciné với Tích.

Tích là em bà Thực. Tích thường lân la hỏi chuyện trong lúc tôi kèm thêm cho mấy đứa con của bà Thực.

Tích có tính hay tâm sự. Có lẽ, ở điểm này, phần nào, Tích gần với bản chất phụ nữ. Tích ưa kể cho tôi nghe thời thơ ấu của Tích. Đôi khi Tích cũng kể những giai thoại liên quan đến một số văn nghệ sĩ tiền chiến, nhất là mấy ông làm nhạc. Chẳng biết Tích lượm được ở đâu, những mẩu chuyện vụn vặt đó, nhưng riêng tôi, tôi nghe với tất cả lòng tin và hâm mộ sẵn có. Theo lời bà Thực thì Tích là con trai duy nhất của một gia đình trung lưu, chỉ có hai chị em. Bà Thực lấy ông Thực từ năm 19. Tích sống riêng với ông bà cụ. Ba Tích là một công chức hồi hưu. Bà cụ không buôn bán gì, nhưng có gầy một số sở hụi, nhờ đó vấn đề tiêu pha trong gia đình cũng không đến nỗi thiếu hụt. Lại thêm bà Thực lâu lâu về thăm giúp cho cái này, cái khác. Khi lên đại học, Tích định nghe lời ông bà già học y khoa, nhưng sau hai năm liền thi trượt, chàng quay ra thi vào đại học sư phạm.

Lúc đầu, tôi tiếp chuyện Tích như một bổn phận, một bắt buộc vì Tích là em bà Thực, thế thôi, thực tình, thâm tâm, tôi không mấy ưa chàng. Tôi có thành kiến với những người đeo kính trắng. Cặp kính cận thị trên mắt họ không chứng tỏ được gì ngoài cái vẻ trí thức lồ lộ. Nhưng sau mấy lần tiếp xúc với Tích, cách xử sự tế nhị, hiểu biết của Tích đã làm mờ dần thành kiến có thể là lầm lẫn không đẹp của tôi, và không biết từ lúc nào, tôi đã nhen nhúm tình cảm với Tích.

Thoạt tiên Tích còn dè dặt, mỗi tuần chàng đến thăm bà Thực một lần vào ngày Chủ Nhật. Sau đến hai lần một tuần, rồi cuối cùng, bất thường. Nói là bất thường chứ Tích chỉ đến thăm vào buổi sáng hoặc buổi tối là những khoảng thời gian mà tôi có mặt ở nhà. Một lần, trong bữa ăn, bà Thực chú mục vào tôi, làm tôi sượng sùng không biết chuyện gì, cái nét nhìn khang khác, như có chứa rất nhiều mũi kim châm chích vào bản năng rụt rè, sợ sệt của tôi. Lúc đó, tôi có cảm tưởng mình hệt như một con sâu rúm co thân thể khi bị hơi nóng phà tới. Lát sau, bà ta quay sang phía ông Thực: “Anh này, hình như nhà mình từ ngày có cô Tải, tụi nhóc được cậu Tích lại thăm luôn. Chà bù với thời gian trước, có đến cả hai ba tháng cũng không thấy ghé một lần”. Ông Thực không đáp, nhìn tôi cười, lặng lẽ. Nụ cười nửa miệng, hóm hỉnh của ông chờn vờn trước mặt tôi, như có một tấm màn nhỏ lay động, làm tôi không còn đủ bình tĩnh tiếp tục bữa ăn. Từ đó, mỗi lần Tích đến tôi lại phải tìm cách lánh mặt. Tôi nhớ là tôi đã tránh mặt Tích được một tuần hay hơn chi đó. Trong suốt thời gian ấy trớ trêu thay, tôi lại cảm thấy buồn buồn, trống trải. In là tôi nhớ nhung, luyến tiếc một cái gì. Một cái gì chưa thành hình đã tan loãng. Một lần Tích vừa ra về, thằng Thắng, đứa con trai lớn của bà Thực chạy vào phòng tôi. Tôi gợi chuyện để nói về Tích. Nó bảo: Mấy hôm nay, cậu Tích giận dữ cái gì nên không vui như mọi bận nữa. Cậu ấy hay gắt với tụi cháu và thỉnh thoảng lại thở dài. Cháu hỏi sao vậy. Cậu ấy bảo mệt. Cháu bảo mệt rồi sao cậu còn đi chơi. Cậu ấy mắng cháu: “Mày nhỏ biết gì, hỏi lăng nhăng không à”.

Những lời kể ngây ngô của thằng Thắng làm tôi bâng khuâng. Tôi hỏi Thắng: “Cậu Tích có nói bao giờ trở lại không?” Nó bảo: “Chắc lâu lắm, cậu ấy mới lại thăm tụi cháu”.

Tôi xao xuyến đưa tay vuốt tóc Thắng và kéo xiết nó vào lòng. Mấy đứa con của bà Thực, đứa nào cũng ngoan cả, nhưng tôi thích nhất là thằng Thắng. Có lẽ tại Thắng lớn nhất nhà. Ngoài những giờ đi học, về đến nhà tôi không biết nói chuyện với ai ngoài Thắng. Trong vô thức, mặc nhiên, tôi đã coi nó như một người bạn nhỏ. Một người bạn để tôi có thể nói, nói bất cứ một điều gì, dù nó không hiểu, những lúc tôi cảm thấy cô đơn và trống trải. Một lần nó hỏi tôi: “Sao cô không có bố mẹ như cháu? Cô mồ côi à”. Tôi gật đầu: “Ừ, cô mồ côi”. Nó hỏi tiếp: “Thế sao cô lại mồ côi? Mồ côi có phải là không có cha mẹ không cô?” Tôi cười, tát khẽ vào má nó. “Ứ, mồ côi không có cha mẹ, hay có cha mẹ, nhưng cha mẹ mất sớm hoặc bị thất lạc”. “Thế trường hợp cô thì ba má cô mất sớm hay đi lạc?” “Mất sớm Thắng à, nhưng thôi Thắng đừng hỏi cô về chuyện ấy nữa. Thắng đã học thuộc bài cách trí chưa?” Nó phụng phịu: “rồi”. Tôi không muốn nó gợi lại những chuyện mà tôi đã cố quên. Bao lâu, tôi đã cố tập để đừng bao giờ cho những chuyện ấy vẩn lên trong ký ức. Tôi luôn nhủ thầm, tôi tình cờ được sinh ra – tình cờ có mặt và không một liên hệ máu mủ thân thích nào với ai. Tôi ví tôi như một cái cây, mọc lên, trơ vơ trên một khoảng đất nhỏ, cằn cỗi. Những chiếc rễ đã ăn sâu bám cứng vào lòng đất, ở đấy là quá khứ, mà tự tay tôi, tôi đã chặt đứt. Tôi chặt lìa tôi nhưng vẫn sống. Sống cuộc đời của tầm gửi? Sống một cuộc đời chờ đợi héo khô, chờ đợi tàn lụi. Vì tự coi hay cố coi mình không có quá khứ nên tôi nghĩ tôi cũng không thể có tương lai.

Tương lai tôi là một giếng khô. Cái giếng khô cạn vì đào không trúng thủy mạch. Tôi cũng không chút ân hận nào về sự mất tăm đời sống đó. Buổi chiều hôm đó, đến lớp, tôi kể cho Kim nghe về chuyện Tích. Kim khuyên tôi không nên để người ta quá thất vọng, nhất là mày cũng có cảm tình với người ta (Phải nói là sự lẩn mặt, đã cho tôi thấy tôi rõ hơn. Không những tôi đã có cảm tình với Tích, mà cái cảm tình đó, trong tôi, đã bắt đầu sâu đậm. Một tuần tự giam hãm mình, tự cấm cản mình không được phép gặp Tích, không được phép nghe giọng nói nhỏ nhẹ, mơn trớn của chàng, đã bật lên, trong từng khoảnh khắc, ở một góc sâu kín nhất của tâm hồn, nỗi nhớ nhung, niềm bâng khuâng xao xuyến). Tại sao mày lại tìm cách giết chết tình cảm tự nhiên của mày, chỉ vì một câu nói bông đùa của người khác? Hãy sống đúng đời mình, để khỏi trùng với dung nhan kẻ khác. Tình cảm dù thế nào, tự nó cũng không là một tội lỗi. Hãy cố nhìn cho rõ mặt. Vì chỉ có nó, mới đem lại cho đời mình những giây phút đáng sống. Hơn thế, tại sao mày không nghĩ rằng sự lẩn tránh của mày, chính là một tố cáo hiển nhiên cho sự bất bình thường của tâm hồn mày. Tôi ngẩn nghơ nghe Kim nói. Nó có vẻ thành thạo hợp lý, xuôi tai. Tôi thở dài. Nhưng tao thấy nó làm sao ấy. Tao vẫn sờ sợ. Tao linh cảm một kết cuộc không hay... Kim ngắt lời tôi: “Sống hay chết, do nơi mày. Kết cuộc ra sao, cũng do nơi mày hết. Chưa bước vào rừng sao mày đã biết được rằng sẽ gặp thú dữ hay hoa lạ. Hãy đi để biết nơi nào mình sẽ đến. Những lời nói vô tình của Kim đã toa rập với ước ao thầm lén, gặp lại chàng, thường vẩn dềnh lên trong tôi, nhiều đêm khó ngủ. Phải, cứ gặp đi chứ. Ăn thua gì. Có gì mà ngượng. Tình cảm, tự nó, dù thế nào cũng không là một tội lỗi. Kim nói đúng, tôi sẽ nghe nó. Tôi sẽ gặp Tích. Tôi sẽ nghe trong im lặng, những gì chàng không diễn tả thành lời. Tôi sẽ nói, tôi sẽ phát biểu cảm tình mình cũng trong niềm im lặng đó.

Lúc đã dứt khoát lập trường, lại là lúc tôi băn khoăn lo lắng không biết Tích có trở lại? Nếu chàng không trở lại? Ừ, nếu chàng không trở lại, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ làm cách nào để bảo cho chàng biết rằng tôi đã chấp nhận sự gặp chàng, như thú nhận một nhu cầu cần thiết. Thứ nhu cầu thuộc loại nhắm mắt đưa chân. Kim đã hiểu lầm ý tôi, khi nghe tôi nói, tôi vẫn mơ hồ cảm thấy sợ sệt. Sự thực, tôi không sợ tan vỡ, tôi không sợ thua thiệt, tôi cũng không sợ mất mát, đau khổ, nghĩa là tôi không có ý lo lắng một ngày kia Tích sẽ bỏ tôi, chàng sẽ đi với một người khác, hay người mà chàng lấy làm vợ, sẽ không phải là tôi. Tôi luôn sẵn sàng để nhận mọi thiệt thòi về phía mình. Ấy thế mà không hiểu vì đâu, tôi vẫn sợ. Cái lo sợ vẩn vơ, không duyên cớ. Cái lo sợ ám ảnh, rình rập tôi qua suốt một tuần liền, tắt đèn, ngó bóng. Tôi cố tìm hiểu xem nỗi lo sợ đó là nỗi lo sợ gì. Nhưng mọi cố gắng của tôi, cuối cùng, đều vô hiệu, Tôi không thể nhìn thấy nó, mặc dù, rõ ràng là nó có. Nó chờn vờn. Nó ẩn hiện.

Nó phạt nhanh, nó thổi tắt, nó dìm ngập những mơ mộng viển vông vừa dềnh lên trong trí tưởng tôi, mỗi khi nghĩ về Tích. Tôi đã kể cho Kim nghe, tôi không có ý lo sợ đổ vỡ nào tìm đến. Nhưng sao vẫn lo sợ, lo sợ một cái gì, nó ở ngoài, ở trên. “Mày mâu thuẫn với mày như vậy, làm sao, tao nói gì được”. Tôi cười; “Ừ, tao cũng thấy tao kỳ quá”. “Còn kỳ gì nữa, mày là đồ ngốc”. “Ừ, tao ngốc thật mày ạ”. Kim phát mạnh vào tay tôi, cười: “Nói chuyện với mày chán thấy mồ.”

Buổi chiều, tôi trở về trễ hơn thường lệ. Con dốc ngược, đồng lõa với trạng thái biếng nhác, uể oải của tâm hồn. Tôi dắt xe, ngược lên con dốc ấy.

Chiều chỉ còn là những vệt sóng của mấy đám mây trắng, trên đỉnh những ngọn gạo cao. Hàng rào găng xanh thẫm, quấn quanh một khu vườn cây lớn. Tiếng rống của con cọp già khọm đã rụng hết lông, từ chuồng sắt, theo gió, vọng đến tai tôi, như một tiếng thở dài không bao giờ dứt, não nuột.

Đường hoe vắng. Những chiếc lá me xanh sớm rụng, lất phất bay, chập chờn như những hạt mưa sa. Con sông sau lưng tôi, cũng dội lại, những tiếng lao xao của những vạt nước táp vào thân cây và kè đá. Những âm thanh bật lên, vang mở trong cảnh chiều hẫng chân đi, đã gợi lên bất ngờ, lộn xộn, trong óc tôi, hình ảnh ông Kiểm, mẹ tôi, chị Hai, thằng Tuấn, con chung của mẹ tôi và ông Kiểm. Những con người ấy, xếp thành một hàng ngang trước mắt tôi. Trước một cái nền là căn nhà hai tầng, ở bên, một con hẻm lớn. Trong một thoáng, tôi kinh ngạc thấy tôi, những ngày thơ đã mất. Những ngày thơ tôi gắn liền với cái chết của ba tôi, người mà mới ngày nào, mẹ tôi còn đưa ống tay áo quệt ngang nước mắt, mỗi khi trả lời câu hỏi của tôi: “Bao giờ ba về, mẹ”...” Sao mãi ba không về, mẹ?...” hay “ba không còn nữa, mẹ?”...

Ngày ấy, bây giờ đã lùi xa lắm rồi, đối với tôi. Hay nó vẫn còn đứng đấy và đời sống đã thay đổi quá nhanh, quanh nó. Từ chỗ mẹ tôi đi thêm bước nữa, tới khi tôi bước chân ra khỏi nhà ông Kiểm. Tất cả sự kiện xảy ra có hơi chậm nếu tính bằng giờ khắc, nhưng lại đột ngột, chóng vánh đối với tình người, lòng người. Nó đã qua đi như một cơn mưa trái mùa, vào khuya nào ngắt vắng. Một cơn mưa mà tôi chỉ thấy được khi nó đã dứt, lúc giật mình trở giấc.

Sự thực, chúng ta không có ý thức về đời sống hiện tại mà chỉ có hoài niệm quá khứ và viển vông ở tương lai.

Tôi lên xe, lúc ngày đã thâm tái. Bóng tôi xóa dần những đỉnh cao, làm thành một vệt đen dài, chảy miết tới cuối đường, như một con trăn lớn.

Tôi dắt xe vào nhà giữa tiếng hí hí hệch của ông Thực, hòa lẫn tiếng cười của lũ nhỏ. Chiếc hiên hẹp và tối. Cánh cửa hé. Ánh sáng xẻ xéo một đường dài yếu ớt.

Tôi ôm tập sách, lách mình bước vào. Mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn. Ông Thực ngồi quay mặt ra. Tích xây lưng lại. Mọi người làm như có ý chờ tôi. Tôi cúi đầu lí nhí chào. Ông Thực reo: “A, cô Tải về đây rồi. Hay quá” vừa đúng lúc Tích quay lại. Ánh mắt chúng tôi vừa chập nhau đã vội chia xa trong ngượng ngập. Tôi rảo bước qua phòng khách gặp lúc bà Thực bưng bát canh đi lên. “Hôm nay học thêm giờ nên tôi về muộn thưa Bà.” Bà Thực gật đầu, cười, mắt vẫn không rời tô canh sánh mỡ. “Ờ, thế hả. Thôi thay quần áo lẹ đi, rồi rửa mặt mũi ra ăn cơm, em.” (Những lúc vui, bà ta thường xưng hô với tôi như vậy). Chắc bà đang có chuyện đắc ý. Tôi “dạ” tiếng nhỏ, phân vân.

Lúc ấp khăn lên mặt, tôi mới vỡ nhẽ là bữa cơm tối nay, có Tích, bất thần nhớ lại những gì đã nói với Kim. Tôi tự hứa lần sau, không tuệch toạc thế nữa. Và bỗng dưng tôi lại thấy giận Tích, khi không đến ăn cơm. Thấy ghét.

Em không mong gặp anh giữa mặt mọi người. Tình yêu không phải là một đóa hoa, một kỳ quan hay một cái gì chung, khả dĩ có thể để mọi người quan chiêm. Không ai có quyền đó. Trừ những kẻ trong cuộc, bởi chính anh và em đã chắc nhìn thấy nó chưa, hay, chính chúng ta đã chìm ngập trong nó. Anh có biết em không thích chăng? A, phải rồi. Chưa một lần nào em nói với anh điều đó. Chưa mà. Đúng rồi. Chưa anh ạ. Nhưng mà rồi đây, rồi đây, em sẽ nói với anh rất nhiều, nhiều điều lắm. Trong đó có cả những gì em vẫn hằng dấu kín vì có thể, cũng là những điều anh đang ước ao nghe.

Gió làm se làn nước mỏng hờ trên da thịt tôi. Nó làm bay luôn, trơn tuột những ý nghĩ vừa nhen. Tôi như lại nhìn thấy rõ mình, khô khan, cằn cỗi. Da mặt tôi lại căng thẳng cho vẻ lạnh lùng cứng đơ trồi lên.

Tôi bước lên nhà, chậm rãi và tự tin như một người đã biết mình sắp chết không còn gì để xúc động được, trái tim đã héo, tâm hồn đã rỗng và những ước muốn cũng trôi vu vơ, lạc lõng.

Trái với dự đoán của tôi, bữa cơm qua trong không khí đằm thắm, cởi mở. Suốt bữa ăn bà Thực là người nói nhiều nhất. Bà dành cho mình vai trò của một hoạt náo viên, chỉ tội nghiệp cho Ông Thực, nếu bà Thực nói nhiều, thì ông ta lại hầu như không hé răng lấy một tiếng. Luôn luôn ông ta thủ vai hưởng ứng, “cổ võ viên” cho nhưng câu pha trò của vợ. Ông ta hưởng ứng một cách say sưa, nhiệt tình, đến đỗi tôi nghĩ rằng ông đã hài lòng với những câu pha trò hơn chính cả người nói. Tích cũng có phần khác mọi bữa. Chàng tự nhiên trút bỏ được cái vẻ tư lự thường ngày. Chốc chốc, Tích liếc nhìn tôi kín đáo, với ngụ ý rủ rê tôi thoát bay ra khỏi khung cảnh chung đó. Tôi cố giữ bình tĩnh, và tránh không một lời bàn góp. Tôi phụ với Bà Thực, dọn bàn khi bữa cơm dứt, Tích và ông Thực kéo nhau ra salon. Bà Thực không cho tôi tham dự vào việc rửa chén bát. Bà bảo tôi pha giùm mấy ly cà phê. Lúc tôi đem hai ly cà phê ra, ông Thực nói: “Cô không uống sao? Pha thêm đi, cho cô và nhà tôi uống luôn, cô Tải”. Tôi cám ơn bảo không dám uống sợ quen. “Ăn thua gì, lâu lâu, một chút, cho nó điều hòa cơ thể.” Bà Thực trở lên đặt tay trên vai tôi bảo ngồi xuống nói chuyện một lát. Không dừng được, tôi lúng túng ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành thênh thang. Tích rạng rỡ. Tôi nghẹn thở vì ánh mắt của chàng và ông Thực, chỉ khác một điểm là ông Thực không dấu được vẻ lén lút khi nhìn tôi. Qua làn khói thuốc đục đục, bốc lên từ những ngón tay Tích, tôi thấy mình rụt rè nhỏ bé và mất tăm cùng những tiếng cười nói lung tung bên tai. Chưa bao giờ, bằng lúc đó tôi có cảm tưởng mình như một vật gì xa lạ, xa lạ hoàn toàn, không ăn nhập gì tới sinh hoạt của ngôi nhà ấy, khung cảnh ấy. Tôi luôn ở ngoài mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp. Tôi đã có ý nghĩ lẩm cẩm ví mình như một con bướm dại, bay lạc vào khu vườn, có những bông hoa là tình yêu thoảng hương ngào ngạt. Nó có thể giữ chân tôi, níu cánh tôi, nhưng quyết nó không phải là chính mùi hương thoảng đưa đó.

Mùa thi đến nhanh cùng những biến chuyển mau chóng trong cuộc tình tôi với Tích. Chàng ít lại nhà Bà Thực hơn vì, chúng tôi đã có với nhau một nơi hẹn hò nhất định; Thư Viện. Sáng nào, chúng tôi cũng gặp nhau ở đấy. Tất nhiên là mỗi đứa phải ngồi riêng một xó để học. Nhưng cũng có những buổi cao hứng, hai đứa rủ nhau đi lang thang. Chiếc Honda cũ của Tích đã đưa tôi đi qua những con đường rợp bóng, những hàng me xanh mướt thương yêu. Ở bên Tích, đi đến đâu, nhìn thấy vật gì tôi cũng có cảm tưởng như chúng đã đổi khác. Tình yêu của chúng tôi đã gửi đến cho chúng, mỗi sự vật, mỗi cảnh tượng, mỗi trái tim. Một trái tim cùng nhịp đập với trái tim tôi. Đôi khi chúng tôi cũng hẹn nhau vào buổi chiều. Buổi chiều thì hai đứa có thể chui vào ciné hay kéo nhau ra ngoại ô. Bà Thực hầu như không hề hay biết. Thêm nữa, cái thai trong bụng bà đã lớn, chắc cũng gần ngày sinh, bà ta trở nên chậm chạp, kém sắc mắc và ưa nằm một chỗ. Đây cũng là cơ hội tốt cho ông Thực luẩn quẩn bên tôi nhiều hơn, trong giờ học tối của con Ông. Thời gian này cũng là thời gian mà ông Thực để lộ nhiều sự khác thường đối với tôi. Tuy nhiên, cho đến phút đó, ông Thực vẫn chưa có một hành vi quá lố nào, nên tôi đành ngậm tăm coi như không hay biết và cũng chẳng nói cho Tích nghe. Dầu sao, sự kiện ấy cũng làm tôi thêm tin tưởng nơi mình và hãnh diện đôi chút.

Sự đụng chạm tay chân, những nụ hôn vội, những vuốt ve, những ghì xiết của Tích đã biến đổi hẳn thân thể, tình cảm và đời sống riêng của tôi. Con Kim đã phải bảo, “bỗng dưng ngó bộ mày đẹp ra.” Tôi cũng thấy vậy. Cơ hồ thân thể tôi nẩy nở hơn trước. Tôi đã nghiệm thấy rõ ràng ngực căng hơn, tóc dài thêm và da dẻ trở nên mịn màng một cách không ngờ.

Sự chăm sóc tóc tai, áo quần đã bắt đầu choán mất nhiều thì giờ trong ngày. Những giấc ngủ cũng chập chờn và nhiều mộng mị hơn. Nói cách khác, có vẻ văn chương tiểu thuyết một tí, thì Tích đã mở dùm tôi những cánh cửa bí mật trong tâm hồn mà chính tôi chưa một lần nghĩ tới và có thể cũng không hề biết mình có được. Chàng đã cho tôi những đêm trằn trọc, thấp thỏm. Những nhớ nhung, nghĩ ngợi về chàng, làm tôi nóng ran người, ớn lạnh cả tay chân. Cũng có lúc, tôi mơ màng tưởng chàng đang nằm bên cạnh và ôm xiết, mặc cho tôi rùng mình, oằn oại. Những lúc giật mình tỉnh dậy, tôi lại ngượng và thẹn với chính mình. Khi ấy, tôi thường trật đầu lấy chiếc gối che mặt. Và lần nào tôi cũng cảm thấy hương tóc tôi xa lạ phủ mềm lên da thịt, cùng những giọt lệ, bất giác lăn đi, xuôi xuống.

Bốn,

Con chim lợn đảo lại một vòng nữa. Lần này, nó bay sát ngọn cây chỗ tôi đang ngồi. Tiếng kêu “uéc uéc” của nó, đánh thức tôi khỏi trạng thái hôn mê. Nó ném tôi trở về với hiện tại sần sùi, lõa lồ tủi hổ.

Bóng tối đầm đìa chung quanh. Chỉ những ngôi mộ còn nhận được nhờ mầu trắng của vôi mới quét và những nhánh thập tự lác đác, nhấp nhô không đều trong cái vắng lạnh đặc biệt của nghĩa địa. Ánh sáng nhợt vàng từ ngọn đèn duy nhất nơi ngôi nhà quàng xác như bị thu hẹp lại.

Tôi gắng gượng đứng dậy, thất thểu bước từng bước nặng. Tôi cảm thấy cỏ, rác bẩn, và đất cát, còn dính bám trên người mình. Những bước đi lết trong nhớp nháp nhầy nhụa. Tôi không nhìn thấy tôi lúc này, nhưng tôi biết tôi không khác bao nhiêu nếu so sánh với hình ảnh của một con mẹ dại.

Tôi nghe tôi vật vờ một hồn xác chia xa. Tôi nghe tôi nhẹ hều như một giải khói, một bóng cây, một cành khô lá động. Tôi, ôi tôi nghẹn ngào chua xót. Tôi, ôi tôi nhà nát đau thương...

Ra khỏi nghĩa địa, tôi tự hỏi mình đi đâu bây giờ. Làm gì để có thể khỏa lấp, để có thể che kín, để có thể bôi nhòa ám ảnh về chuyện vừa xảy ra. Tôi tiếc mình sao sớm thoát khỏi cơn mơ. Tôi giận mình sao chưa đủ can đảm, làm một công việc nhẹ nhàng, thè lưỡi, giữa hai hàm răng và nghiến lại... Sống thêm nữa, để làm gì? Vì hiển nhiên, bây giờ tôi đã không thể trở về ngôi nhà cũ mà mới mấy tiếng trước đây, tôi vừa bước khỏi. Tôi không thể và cũng không biết phải làm gì khi gặp lại Trừ (mà cũng không thể không có hành động, nếu gặp lại Trừ). Tôi không còn lời gì để nói với mẹ Kế?

Hay chính Kế, đã run rủi, đã xui khiến chuyện kia xẩy ra, để tôi không còn một nơi về, dù trong lát giây, dù trong tạm bợ. Nơi chốn cuối cùng cho tôi hy vọng trở về đã tắc nghẽn. Mơ ước cuối cùng của đời tôi đã trào ra theo cơn dục vọng của Trừ, tan đi.

Ngay trong khát khao nhỏ mọn và chân thiết nhất của tôi, ngay trong bám víu cuối cùng của thèm ước hạnh phúc mượn vay, tôi cũng không thể được nhìn khác sao? Tôi cũng vẫn chỉ là một thứ đồ chơi trong tay định mệnh khắc nghiệt? Tôi vẫn chỉ được nhìn như một thứ giải khuây hèn hạ và bẩn thỉu ngay trong mắt nhìn ruột thịt của người yêu tôi.

Kế, tôi làm sao để sống? Kế, anh nghe em gọi không?

Trở ngược lại con đường hồi chập tối đã qua, tôi đi, đi mãi, cho tới lúc chợt nghe được tiếng sóng vỗ ở đâu đó. In là bên trái tôi. Tiếng sóng vỗ nghe quyến rũ, êm đềm như những lời phủ dụ ngọt ngào của hư vô chìm đắm.

Tôi rẽ theo hướng có tiếng sóng vỗ. Bến sông hiện mỗi lúc một rõ.

Trong những trường hợp quẫn cùng của đời sống, tôi có cảm tưởng như sông nước gần gũi tôi như một người bạn thủy chung, duy nhất, như một điều gì vô cùng dịu dàng luôn đến với tôi, từ bên ngoài ý thức.

Tôi nhận ra dáng vẻ quen thuộc của bến sông, như đã hơn một lần dạt đến. Như đã hơn một lần từng tìm tới. Tôi lẽo đẽo theo bờ sông, mặt nước sánh đen như một bể dầu lớn, hiền lành ở dưới thấp.

Cái ý nghĩ phải chi mình có thể trầm mình trong cái biển dầu loáng loáng, nhẫy đen kia, chắc không thể có một hạnh phúc nào sánh được, với tôi, trong lúc này, xô nhanh trong đầu óc tôi, như những con sóng đang vỗ nhẹ vào kè đá. Chiếc cầu uốn vòng trên cao với dãy đèn làm thành một dọc sáng nhắc nhở tôi, ngày nào, cách đây đã năm sáu năm, khi tôi vùng chạy thoát khỏi bàn tay ông Kiểm. Phải rồi, cũng giòng sông này, cũng mặt nước này, cũng chiếc cầu kia, đã âm thầm chứng kiến những giây phút mở đời, kéo theo những tháng năm u buồn tủi nhục. Và, tôi có ngờ đâu, cũng giòng sông này cũng mặt nước này, cũng chiếc cầu kia, lại là những vật chứng âm thầm (muôn nghìn năm âm thầm) cho phút giây mãn kiếp của đời mình. Không. Tôi chưa thể chết. Tôi chưa muốn chết, trong lúc này. Không phải vì tôi còn quá trẻ. Cũng chẳng thể vì tôi còn chút hy vọng hão huyền nào đó, để bám víu. Tôi đã già rồi. Tôi đã hai mươi ba. Cái tuổi tràn đầy nhựa sống với ai, tôi không biết, nhưng đã cạn cùng héo úa, đối với riêng tôi. Cái tuổi quá nhỏ, để phải gánh chịu những ê chề mà định mệnh đã buộc tôi phải khoát đeo nơi cổ, phải vẽ trên lưng, phải vạch nơi bụng, phải khắc trong đầu.

Tôi biết chắc là nếu tôi chết ngay phút giây này, tôi sẽ không thể nào nhắm mắt được. Tôi phải làm được cái gì đó, trước khi tự hủy đời mình. Tôi vẫn nghe được tiếng réo gọi dịu dàng ngào ngọt của ám ảnh bao năm “phải làm được một cái gì”. Một cái gì, nghe mới êm ái làm sao. Một cái gì, nghe dễ dàng như thế, mà sao tôi không nhìn rõ được mặt nó. Sao tôi không thể làm được việc đó. Vô lý. Không, không thể đến phút cuối cùng lại còn phải chịu sự vô lý kia. Tôi vung mạnh cánh tay, như phác một cử chỉ cương quyết, nguyền thề với chính mình. Tôi linh cảm thấy mình sắp sửa nhìn ra được cái khuôn mặt đích thực, mỹ miều, của ám ảnh bao năm kia. Cảm tưởng này làm tâm trí tôi dịu lại. Tôi nghe tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn, như chỉ trong một khoảng khắc ngắn nữa thôi, tôi sẽ được chạm mặt với mơ ước. Tôi bước chậm lại trong niềm tin mới đột khởi. Tôi thấy mình như chưa bao giờ tỉnh táo và sáng suốt đến thế.

Chợt nhớ đến số tiền đem theo trong người, tôi nhẩm tính và nghĩ mình phải tiêu hết nó, nội trong đêm nay, trước khi khuôn mặt kia vụt sáng. Tôi cũng mơ hồ nhận ra cái tôi vẫn hằng mong uốc, sẽ là một hành động gì đó, ghê gớm lắm. Ghê gớm càng ghê gớm bao nhiêu, nó càng đòi hỏi tôi phải quyết định, phải hành động mau chóng bấy nhiêu. Bởi tôi có linh tính như nếu để chậm, nó sẽ tan biến đi, nếu không, tôi cũng sẽ không còn đủ nghị lực để thực hiện. Tôi biết tôi lắm chứ. Dù thế nào thì tôi cũng vẫn chỉ là đàn bà. Và luôn luôn nữ tính sẽ thức dậy trong tôi, ở những giây phút chập chờn giữa biên giới ấy.

Tôi vào một ngôi quán, làm ra trên mặt sóng. Một nhà hàng, tôi nghĩ chắc là sang lắm, với những thực khách mầu áo phô trương và những anh, chị bồi người Tàu mặc đồng phục trắng.

Khi không, tôi mỉm cười một mình, sửa lại dáng điệu cho tự nhiên. Tôi lừ đừ tiến thẳng đến chiếc bàn ngoài bìa còn sót lại. Những khuôn mặt thịt ngừng cúi xuống, để ngẩng lên, những cánh tay ngừng đũa gắp, những khuôn mặt lệch, những cái mồm há hốc, nhìn theo. Tôi rất bằng lòng được đi giữa cảnh tượng khôi hài này.

Chiếc bàn nằm khuất trong bóng tối, sát với lan can sắt.

Ngồi quay mặt về hướng cây cầu bắc vòng từ bên này thành phố nối với khu thương cảng bên kia, dẫn ra ngoại ô. Chốc chốc những chiếc tầu tuần của Hải Quân ngang qua, pha đèn, quét những lớp bạc sáng trên mặt nước sâu đen. Mấy tấm biển quảng cáo thuốc lá và thuốc tây với loại đèn chớp, tắt, chớp, tắt, cho tôi nhận ra bờ sông bên kia. Khu vực này, nghe đâu còn trong tình trạng tối tăm, quê mùa, mặc dù chỉ cách khu này có một con sông và hàng ngày những chuyến phà chở khách không ngớt cập bến bên kia.

Anh bồi đem cho tôi chiếc khăn mặt nóng, thơm gắt mùi nước hoa rẻ tiền. Tuy nhiên, sức nóng của nó cũng giúp tôi sảng khoải và tỉnh táo hẳn.

Tôi gọi ly trà đá và những món ăn với sự góp ý kiến của anh bồi lễ phép, mau mắn. Những món ăn mà chưa một lần nào trong đời, tôi đã gọi. Ngay cả nhà hàng này, với tôi, cũng là lần đầu tiên lạc tới.

Mấy tháng trước khi tôi đi nhận một chân dạy học trên cao nguyên, là thời gian đằm thắm nhất của tôi và Kế, chàng đã đưa tôi đi rất nhiều nơi nhưng cũng chưa bao giờ Kế đem tôi lại những nơi như thế này. Phần tính Kế không thích mấy địa điểm có nhiều lính ngoại quốc, phần chính tôi, tôi cũng không ưa những nơi đông đảo, ồn ào. Ngoài nghĩa địa gần nhà, Kế thường rủ tôi đến ngôi quán cà phê nằm lọt thỏm trong một con ngõ sâu hút. Ngôi quán này đặc biệt chỉ mở cửa vào buổi chiều và tối. Chủ quán là một cô gái có tật ở chân. Một người con gái có dáng ngoài già nua, xấu xí. Theo nhận xét của tôi, mặc dù Kế không bao giờ nói, thì hình như Kế có quen biết với cô ta. Ngay từ lần đến đầu, tôi đã có cảm tình với cô chủ quán vì cái vẻ trầm lặng ít nói của cô ấy. Hầu như cô ta không bao giờ nói với chúng tôi nhiều hơn câu “ông bà dùng chi?”. Rồi “cám ơn”,

khi chúng tôi trả tiền. Cái không khí đặc biệt của ngôi quán, cùng những đĩa nhạc chọn lọc khiến cả tôi lẫn chàng, dần dần trở nên 'nghiện” cái chỗ ngồi ấy. Tôi đã nhắc chàng, nếu lâu lâu chàng không đưa tôi lại đó. Có những buổi chiều chúng tôi là hai người khách duy nhất, ngồi nhìn nắng uốn qua tàn vú sữa, phơi vàng trên mặt sân lá, rồi leo bò lên vách tường rêu cho tới lúc mất hẳn ở phía bên kia dãy nhà ngang. Gió thì thầm trên cao, chúng tôi ngồi trong một góc khuất, cảm tưởng được sống trong một thế giới riêng, xa lạ, cách biệt hoàn toàn với những bon chen, tỵ hiềm vật dục của thế giới bên ngoài.

Những ngày tháng tiếp theo, những ngày tháng cuối cùng, trước khi Kế đồng ý cho tôi bỏ thành phố này, với mục đích, sau một thời gian xa nhau, tôi sẽ có một món tiền khá khá, làm vốn giắt lưng, khả dĩ, có thể mở được một tiệm sách nhỏ, đủ bảo đảm cho tương lai, tôi sẽ có con với Kế, đồng thời cũng để Kế rảnh rang lo cho xong hẳn công việc riêng của Kế, trước khi chàng có thể yên tâm sống bình thản, và chỉ lo cho hạnh phúc của gia đình, chàng đã đưa tôi lại ngôi quán đó, nhiều hơn lệ thường. Nhưng kỳ lắm, ở những lần đến quán sau cùng này, bỗng dưng tôi cảm thấy mất hẳn cái không khí thoải mái cũ. Tôi linh cảm thấy như giữa Kế và cô chủ quán có tật ở chân kia, đã nẩy sinh một sự gì không thường. Tôi không thể đoán biết chắc chắn là chuyện gì, ra sao, thế nào, nhưng tôi vẫn mơ hồ cảm thấy là có. Có một sự gì đó, đang lạnh lùng diễn ra giữa hai người, mặc dù bề ngoài, chàng vẫn không đổi khác, vẫn dáng điệu lừ đừ, lằng lặng, mệt mỏi, và cô chủ quán cũng vẫn không đổi khác, vẫn không nói gì nhiều hơn câu “ông bà dùng chi”. Rồi “cám ơn”, dĩ nhiên, câu này cô nói lúc nhận tiền. Ấy vậy mà tôi vẫn nhận ra vẻ khác khác giữa hai người, mỗi khi ánh mắt họ chạm nhau. Hơn thế mấy lần trở lại sau cùng, trước khi tôi rời đấy, cô chủ quán, không hiểu cố ý hay vô tình, không tự tay đem đồ uống ra cho chúng tôi nữa. Cô để người em trai làm thay cho cô. Phải nói thực rằng nhẽ ra tôi chẳng quan tâm tới những chi tiết vặt vãnh đó đâu, nếu không có lần tình cờ tôi thấy một mảnh giấy trắng nhỏ kẹp giữa mấy tờ giấy bạc mà cô ta thối lại cho Kế (riêng lần đó, thay vì để tiền thừa trên chiếc đĩa nhựa như thường bận, cô ta lại đưa tận tay cho Kế). Lúc ra về tôi có hỏi Kế ngay về chuyện đó, Kế không trả lời tôi, mà lại hỏi: “Em có tin anh không?” “Dĩ nhiên là có.” Kế cười tát nhẹ vào má tôi: “Vậy thì đừng thắc mắc. Em chỉ nên biết mỗi một điều là anh yêu em, trên hết tất cả mọi thứ”. Ngay đêm đó, tôi nằm mơ thấy một lần nữa, con mèo đen đuôi cụt. Tôi hoảng hốt, lo sẽ có chuyện không may xảy ra cho Kế. Tôi dấu Kế chuyện này, và quyết định hoãn ngày đi thêm một tháng nữa. Một tháng nặng nề thảng thốt qua trong bình yên không ngờ. Tôi nghĩ có lẽ định mệnh đời tôi đã đổi khác. Tôi mừng rỡ nói với Kế những hy vọng mai sau của đời tôi, có chàng bên cạnh. Kế cũng không dấu được vẻ hân hoan khi thấy tôi hoàn toàn tin tưởng nơi tương lai, nơi tình yêu của chàng. Kế bảo tôi cứ yên tâm mà đi, chàng sẽ viết thư thường cho tôi. Có thể nếu chàng thu xếp việc riêng xong sớm, chàng sẽ báo cho tôi biết, và rất nhiều hy vọng tôi sẽ trở về đấy để chung sống với chàng, trước thời hạn đã định, hai năm.

Một tuần trước ngày ra đi của tôi, là một tuần trọn vẹn chúng tôi sống cho nhau. Đúng một tuần lễ, tôi không bước ra khỏi cửa. Trừ những trường hợp cần thiết như mua đồ ăn, báo chí, chàng mới rời tôi, đi lâu nhất là một tiếng đồng hồ. Buổi sáng hôm tôi ra đi, chàng tiễn chân tôi đến tận phi trường. Chúng tôi đã hôn nhau, trong sương mù buổi sớm và những giọt lệ nhoẹt nhòe trên mặt hai đứa. Những giọt lệ chứa chan hy vọng.

Tôi đâu ngờ, đó là nụ hôn cuối cùng chàng dành cho tôi.

Anh bồi trở lại bàn tôi với ly trà đá với một món ăn. Tôi bảo đem hết cho tôi tất cả những món ăn mà tôi đã gọi. Anh ta to mắt nhìn tôi ngờ vực, tôi lập lại ý mình một lần nữa. Anh ta lắp bắp dạ vâng, nhưng tôi đọc được ý nghĩ trong đầu anh ta, chắc chắn là anh ta đang nghĩ về tôi như một con nhà quê, hay một thứ người quái gỡ.

Tôi đợi cho những món ăn được bày đủ trên mặt bàn vải trắng muốt, xong đâu đấy, mới cầm đũa lên. Tôi ngao ngán nhìn những món ăn xa lạ, chưa từng, miệng tôi thếch nhạt, người tôi ê ẩm. Những món ăn được trình bày với nhiều công phu, mỹ thuật, không gây được một chút quyến rũ nào ở tôi.

Đầu óc tôi lại vẩn lên những hình ảnh đã qua của những người ít nhiều tạo nên tôi đêm nay, ở bến sông này, trước những món ăn này, như một con mẹ dại. Bao nhiêu hình ảnh cùng bật lên một lúc, lao xao, chen chật, lúc nhúc, lộn xộn trong óc – Tôi như thấy trước mắt cùng lúc ông bà Thực, mẹ tôi. Mấy đứa em khác cha. Tích. Nhiệm. Kế. Ba tôi. Mẹ Trừ. Cô chủ quán với một chân có tật. Trừ, Giáo sư R. bà vú người Tàu trong biệt thự của Ông R.... Thứ đến những hình ảnh mờ nhạt hơn, như ông T. hiệu trưởng trường trung học tôi đã dạy liên tiếp mấy niên khóa ở cao nguyên. Thầy C. Thầy K. Cô H. Cô B. những đồng nghiệp của tôi trong ngôi trường đó. Xa nhất, mờ nhất là khuôn mặt của đám học sinh tôi đã dạy với những con mắt ngơ ngác mở hết kẽ. Những màu da cháy nắng. Những mái tóc vàng két. Những cánh tay vụng dại, những thân hình tong teo...

Rồi tất cả những hình ảnh này lại dạt trôi đi theo một cơn gió tới. Để, ngay sau đấy, lại lác đác hiện ra, một vài khuôn mặt đau đớn, đẫm máu của Tích, của Nhiệm, của Kế, và của cả Trừ, của cả cô chủ quán mang tật ở chân nữa. Tôi hoa mắt, chóng mặt, nhìn xuống.

Đêm vẫn nổi lên mặt nước sông đen. Nước sông làm tâm hồn tôi dần dần dịu lại. Về đêm, sông luôn luôn cho tôi cái cảm tưởng là một giòng tóc chảy dịu dàng của một người mẹ. Một người mẹ tôi không hề có.

Tôi nhấp chút trà, vị chát chát pha lẫn mùi mốc mốc. Tôi không quen và có lẽ không bao giờ quen đối với những đồ ăn thức uống mang nhãn hiệu của Mỹ. Về điểm này, tôi cũng nhận thấy mình có phần nào quá khích, nhưng không thể sửa được dù rất muốn. Ơ, mà tôi có còn sống được bao lâu nữa để mà bực mình với những chi tiết nhỏ nhặt đó nhỉ.

Chắc đâu giây phút này đã là những giây phút cuối cùng của đời tôi. Không lẽ, nếu quả thực vậy, tôi lại có thể bình tĩnh thản nhiên nhìn lại đời mình như một khách bàng quang ngó nhìn một cảnh tượng nào đó không ăn nhập gì tới mình. Mà tôi cũng không hiểu bởi đâu tôi lại có cái cảm tưởng là tôi sẽ chết. Trễ lắm, khuya này. Cái gì đã báo cho linh tính tôi điều ghê gớm kia? Không lẽ nó khởi từ linh cảm mơ hồ là tôi sẽ nhận mặt được niềm mơ ước bao năm âm thầm trong tôi: làm một cái gì! Biết bao nhiêu cuộc đời đã hỏng chỉ vì mơ ước làm một cái gì, mà không làm được một cái gì hết: Tôi cũng thế chăng? Bỗng tôi bật tiếng cười khan. Nước sông vẫn buồn bã đập vào mấy cây đà bằng xi măng nâng đỡ miếng sân làm ra trên mặt nước. Những tiếng vỗ đều đều, tẻ tẻ. Tôi bắt đầu cầm đũa chọc vấy từng món đồ ăn không ăn được. Tiếng cười bất chợt của tôi, kéo anh hầu bàn lại gần và gây sự chú ý cho số thực khách ở những bàn chung quanh. Tôi bắt gặp cái nhìn trộm đầy tò mò, gian xảo của anh bồi. Tôi hất hàm ý hỏi nhìn gì. Anh bồi ríu tít lại gần, chữa ngượng:

-Dạ, hình như cô cần dùng thêm?

Tôi nghiêm mặt khi nhận ra anh ta có một vài nét giống Trừ. Đột nhiên tôi như khó chịu, bực tức thêm. Tôi gằn từng tiếng:

-Tôi không hề gọi anh.

Anh hầu bàn “dạ dạ” rồi quay lưng đi thẳng.

Nỗi nhục nhã đắng cay lại cồn cào bốc lên cháy đốt thân thể tôi. Tôi nắm chặt mép bàn, mà hai bàn tay vẫn còn run. Nếu không trấn tĩnh kịp thời tôi đã tiện tay hất tung cả chiếc bàn với những chén đĩa la liệt xuống nước. Hình ảnh Trừ trở lại rõ rệt, nghênh ngang xấc xược. Phải rồi. Trừ, chính Trừ. Đầu mối hay nguồn gốc của nơi thảm tuyệt này. Trừ. Đúng thế. Nếu không có Trừ. Nếu Trừ đừng hành động như vậy, giờ phút này, tôi đâu đến đỗi phải lang thang, phải vất vưởng ở đây. Kế. Anh hiểu không, cho tôi. Em anh đó. Nó đã chặt đứt hy vọng cuối cùng của tôi trong cuộc mưu tìm một chỗ trở về cho đời tôi. Kế. Em anh đó. Nó đã chà đạp, đã dang tay xé vụn chút mơ ước của tôi, còn sót lại. Chính em anh. Nó. Tôi điên lên. Tôi muốn nhào tới. Tôi nghiến rít hai hàm răng.

Thôi hết rồi. Hết thật rồi. Không còn chỗ nào để bấu víu được nữa. Anh thấy không, Kế. Tôi phải làm gì, giờ phút này. Tôi phải có một thái độ nào đối với Trừ, với em anh? Kế. Anh muốn tôi phải làm sao? Bằng cách nào thì tôi cũng không thể im lặng. Tôi phải chọn lựa, một cách thế nào đó, trước khi tôi cởi bỏ được các ách đời tôi, ê chề khốn khổ.

Nghĩ phải giết Trừ nhen nhúm trong lòng tôi, cho tới khi nó bật lên, sáng rỡ, huy hoàng, quyến rũ, như một điều mơ ước, một thèm khát, khiến tôi nóng người trong sung sướng, mãn nguyện. Đồng thời tôi cũng nhìn ra, đó chính là cái mà tôi đã mơ hồ cảm thấy những giờ khắc qua: Sẽ làm một cái gì. Nhưng, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi xót xa, khi cùng lúc nhận thấy niềm mơ ước, âm thầm bao năm trong tâm hồn tôi, cuối cùng là sự tìm giết một kẻ khác.

Cảm giác như một gợn gió hút nhanh qua thân thể tôi. Nó kéo theo tất cả mọi ưu phiền, mọi bực dọc, phẫn uất. Chỉ trong thoáng chốc tôi nghe mình trầm hẳn xuống. Tâm hồn thư thái, nhẹ trong niềm lâng lâng, bập bềnh hạnh phúc. Cái hạnh phúc lạ lùng, quái dị. Cái hạnh phúc ném tôi trở về với bản năng nguyên thủy man dã. Tôi muốn tóc tôi, quần áo tôi, cũng chan hòa, cũng xối xẻ máu từ cổ, từ ngực, từ một chỗ nào, trên người Trừ phun tới. Tôi nghĩ là tôi sẽ không một chút bối rối, hoảng hốt khi đứng trước cảnh tượng này. Tôi sẽ sung sướng lắm, hân hoan lắm, khi thấy Trừ oằn oại, rên xiết. Trừ sẽ van vỉ tôi, đừng quá tay. Trừ sẽ xin tôi cứu Trừ khỏi thần chết. Tôi định bụng, nếu trường hợp đó, tôi sẽ bảo Trừ rằng: Hảy hiểu cho tôi, trong hành động này. Tôi rất tiếc. Tôi không muốn, nhưng các người đã cố tình, đã nhẫn tâm nhìn tôi như một kẻ sát nhân. Nên buộc lòng, tôi không thể làm khác. Tôi giết Trừ để xác nhận với mọi người, với chính Trừ nữa, rằng đúng. Đúng tôi. Con hồ ly đây. Đứa con gái đem sự chết đến cho kẻ lỡ yêu thương tôi đây. Ừ. Tại sao tôi lại không thể tự tay giết Trừ. Trừ hay bất cứ một kẻ nào, khác cũng được. Có khác gì nhau. Vì muốn hay không thể nhìn tôi, như một đứa con gài bình thường. Tôi đồng nghĩa với tai họa. Tôi ngang bằng sự chết. Hà. Hà. Vậy tại sao tôi không tự cho phép mình được hành cái quyền lực ghê gớm ấy. Tôi phải thử một lần để rồi vĩnh viễn không bao giờ nữa.

Chưa lúc nào bằng lúc này, tôi hài lòng với mình. Tôi đồng ý hoàn toàn với lý luận của tôi. Tôi hít một hơi thở, ngắm nhìn cảnh vật bên sông trong đêm, với một ý thức thật tỉnh táo: lần cuối cùng. Lần cuối cùng ta ở đây. Lần cuối cùng ta nhìn thấy cây cầu kia, những chiếc tầu này. Lần cuối cùng. Thôi chào, những mái nhà tranh chìm trong bóng tối và sương sa bên kia sông. Thôi chào, những con tầu mai sẽ lênh đênh ra khơi đem theo những người khác hơn ta, những người hạnh phúc. Thôi chào, thành phố sau lưng ta, đang khướt say trong cơn hoan lạc. Thôi chào, những gã ngoại nhân sống trên quê hương ta mà coi rẻ đồng bào ta. Sống ta đã không ưa chúng bay, chết đi, càng khó hơn nữa, xóa tan hận nhục này, nhưng ta cũng cứ chào các người. Thôi chào, các anh, chị bồi bàn đã khó chịu về dáng vẻ quê mùa, kệch cỡm của ta. Lần đầu tiên ta lạc bước đến đây, nhưng cũng là lần cuối, thôi hãy vì ta, vì một đồng loại chỉ còn sống tối đa vài tiếng nữa. Thôi chào, những ngọn điện đường bao năm qua ở khắp mọi nơi đã dìu bước ta đi, đã dẫn soi lối ta đến. Phút cuối cùng này, bỗng dưng ta cảm thấy thương yêu, thấy gần gụi các ngườ hơn bao giờ hết. Ồ. Chút xíu nữa ta quên mặt sông đêm dịu dàng quyến rũ của ta. Rồi chút xíu nữa đây, ta sẽ trở lại, ta sẽ trầm mình trong giòng tóc của người êm đềm, thanh thỏa. Ở phút cuối cùng này, ta mới thấy rõ rằng ta không còn ai. Ta không có lấy một người bạn ngoài ngươi. Thôi đời ta đó. Xác thân ta lát nữa đây, và cả hồn ta nữa, cũng xin gửi người cất dấu giùm cho ta. Thôi chào. Tất cả. Thôi chào, với lời tạ lỗi, chính đời ta, chính sự sống đang dạt dào trong thân thể ta. Ta đã phụ bạc chính ta từ phút này. Ta đã bất lực. Ta đã không thể làm khác. Ta phải ra đi. Ta phải trở về một chốn nào, khác hơn cảnh đời này, đã xua đuổi, đã hắt hủi ta.

Hỡi cha, cha ở đâu phút này. Cha đã sửa soạn chưa, chiêng trống cho con theo?

Tôi trả tiền đứng dậy. Đêm khuya khoắt dưới thấp, trên mặt sông dịu dàng, nín lặng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Năm 2010(Xem: 2950)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24509)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,