Nhật Bằng

16 Tháng Giêng 202211:57 SA(Xem: 711)
Nhật Bằng

Nhạc Sĩ Nhật Bằng, Phiên Bản Khác Của Đời Nghệ Sĩ


Trước đây, gia đình nào có con, em bị liệt vào thành phần “văn nghệ sĩ” thì, họ coi đó là một bất hạnh, hoặc một điều gì tựa như kém may mắn! Hiện nay, thành kiến kia đã thay đổi. Chẳng những thế, nhiều gia đình còn mơ ước, chạy chọt cho con, em mình trở thành ca sĩ hay tài tử… Vì đã có tiếng lại còn kiếm được nhiều tiền. (Trừ các…nhà thơ Việt Nam! Dù họ có nổi tiếng bao nhiêu thì đa số vẫn nghèo, không sống nổi, nếu không làm thêm một công việc nào khác).

Tuy nhiên, một số người vẫn còn giữ định kiến: Phàm là văn nghệ sĩ thì, hầu hết đều có một đời thường luông tuồng, buông thả, bê bối, vô trách nhiệm với gia đình… Định kiến này được xây dựng trên căn bản: Văn nghệ sĩ thường không sống với thực tế, lý trí. Họ sống thuần bằng cảm tính, với buồn / vui bất thường, cùng những quyết định bốc đồng…!?!

Thực tế, không hẳn vậy. Theo tôi, giới nào, ngành nghề nào cũng có những người sống rất nghiêm túc. Chúng ta cũng từng biết, nhiều người không thuộc giới văn nghệ sĩ, nhưng đời sống của họ có khi còn luông tuồng, buông thả hơn cả các văn nghệ sĩ nữa. Ngược lại, chúng ta cũng có những văn nghệ sĩ nổi danh, nhưng lại có một cuộc đời ngăn nắp, chỉn chu không thua gì một người bình thường chỉn chu nào khác.

Điển hình cho mẫu nghệ sĩ vừa kể, với tôi, là cố nhạc sĩ Nhật Bằng.

Những người yêu nhạc ở miền Nam, trong khoảng thời gian từ 1955 tới 1975, ít, nhiều hẳn đã từng thuộc hoặc, có nghe qua một vài ca khúc, trong số những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nhật Bằng như “Đợi Chờ”:

“Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ.
Đêm thế gian quạnh cô mịt mờ.
Như ném ai vào cõi bơ vơ.
Nhưng vẫn chưa tìm thấy người mơ
…” (Theo Wikipedia-Mở) (1)

Hoặc:

Chiều nay sương rơi ướt vai người khách giang-hồ,
Trời thu hiu-hắt lá rơi nhẹ cuốn theo giòng.
Rồi còn tìm đâu? những năm xưa ngày ấy,
Bên nhau tiếng đàn êm-đềm nhẹ lá vàng rơi…”

(Trích Nhật Bằng, “Một chiều thu”) (2)

Hoặc nữa:

Ngàn hoa thắm tươi hé môi mừng chào đón xuân
Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang
Tính tang tính tang tiếng đàn vang lời ca mừng xuân vàng
về cùng ta hòa vui thắm tươi.
Tay cầm tay cầm tay đều múa nhịp theo điệu ca cùng hát khúc ca xuân.
Xuân về chim hót ca, hoa nở tình thướt tha
Êm đềm ánh huy hoàng khúc bình minh đang reo vang…”

(Trích Nhật Bằng, “Khúc Nhạc Ngày Xuân,” hay “Khúc nhạc mừng Xuân”) (3)

Chẳng những nổi danh sớm, tác giả “Một chiều thu” còn được ghi nhận là đẹp trai, thư sinh ngay cả khi ông đã lớn tuổi. Vậy mà, cho đến ngày từ trần, nhạc sĩ Nhật Bằng vẫn là một người đàn ông gương mẫu. Một người chồng lý tưởng. Một người chủ gia đình rất đáng được nhiều phụ nữ mơ ước…

Là một trong vài người bạn thâm niên, hiểu rất rõ cuộc sống đời thường của cố nhạc sĩ Nhật Bằng, trong bài “Nhật Bằng, chúng tôi thương tiếc anh!” nhà văn Văn Quang viết:

“Trong số những nhạc sĩ tôi quen biết, một điều có thể khẳng định ngay rằng Nhật Bằng là một nhạc sĩ tài hoa nhưng không hề “bay bướm”. Anh có dáng người nhỏ nhắn, đẹp trai kiểu thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ và luôn tỏ ra hòa nhã trong mọi cách giao thiệp. Thấy anh, người ta cứ nghĩ là một sinh viên hơn là một nghệ sĩ. Cuộc sống của anh cũng lại gắn bó với gia đình, xa lánh những chỗ ăn chơi chỉ trừ một thứ duy nhất anh thích là mạt chược, nhưng là thứ mạt chược ‘còm’, phải nói là ‘rất còm’ mới đúng. Đó là thú vui của gia đình anh. Nếu cả nhà anh hợp lại đã thành một bàn mạt chược, đôi khi có thể thừa chân và gồm toàn những ‘danh thủ’ chứ không phải loại lơ mơ. Cái thú vui ấy hoàn toàn là một thú vui gia đình.

“Tôi biết anh từ khi về làm ở Sài Gòn năm 1957, khi anh phục vụ ở Đài Phát Thanh Quân Đội (ĐPTQĐ), hồi đó ĐPTQĐ còn là một căn nhà nhỏ nằm ở mặt tiền đường Hồng Thập Tự, ra vô tự do, không một người lính gác. Ông Vũ Quang Ninh còn làm trưởng đài và ông Vũ Đức Vinh tức nhà văn Huy Quang làm phó kiêm trưởng ban biên tập. Ban nhạc thì gồm toàn những nhạc sĩ ca sĩ thượng thặng từ ‘Đệ tam quân khu’ ngoài Hà Nội chuyển vào Nam. Các anh Canh Thân, Đan Thọ, Anh Ngọc, Ngọc Bích, Văn Phụng, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Vũ Huyến… đều có mặt trong căn nhà nhỏ bé này. Thật ra thì đó là những nghệ sĩ được đồng hóa vào quân đội theo khả năng và như thế dĩ nhiên không phải ‘động viên’ vào lính ra chiến đấu ngoài chiến trường (…)

“Dù khác nhau về công việc và cấp bậc cũng như tuổi đời, nhưng chúng tôi coi nhau như anh em bạn bè và riêng tôi vẫn giữ một sự kính trọng đặc biệt với những ông bạn này. Nhật Bằng và tôi hồi đó đều chưa lập gia đình, nhưng chưa có một lần đi chơi chung. Tôi quen anh chừng hơn một năm sau anh mới lập gia đình với chị Tường Vi, lúc đó cũng là một nhân viên khả ái của đài PTQĐ. Cả hai anh chị có một cuộc sống đầm ấm, khép kín trong một gia đình nền nếp của những công chức cấp cao thời trước khi còn những ông Đốc phủ sứ, những ông Tham ông Phán (...)

“Suốt những năm tháng làm việc bên nhau, Nhật Bằng lặng lẽ lo công việc ‘không chuyên môn’ của mình. Anh làm hết nhiệm vụ, tròn trịa như một công chức gương mẫu, không chú ý tới bất cứ chuyện gì khác. Sau một ngày làm việc cho Đài, anh có cuộc sống riêng với những ban nhạc, những tổ chức văn nghệ, những sân khấu ca nhạc, phòng trà mà anh cộng tác. Anh không hút thuốc, không uống rượu, khi lái chiếc xe hơi cũ, khi đi xe gắn máy đến nơi làm việc. Trong bộ đồ ‘nhà binh’ rất gọn gàng, tươm tất, Nhật Bằng vẫn cứ là một thư sinh ngồi ngay ở bàn điện thoại của ban thông tin thời sự ngay căn phòng trực của đài…” (4)

Tôi vẫn nghĩ, nếu có một điều gì, đáng được gọi là chân lý bất biến (dù ở Đông hay Tây) cho một đời người thì, đó là cái chết. Và, cái chết cũng chính là sự công bằng duy nhất nhất mà, thượng đế dành cho mỗi chúng ta.


Tuy nhiên, đối với một cá nhân nổi tiếng, nhất là giới nghệ sĩ thì, sự nằm xuống của một tài năng, không có nghĩa sẽ có cùng một mẫu số. Tôi từng thấy có những tài năng văn học, nghệ thuật được ghi nhận là rất lớn, nhưng khi ông (bà) ấy nằm xuống, lại có nhiều nguồn dư luận trái chiều...

Sự kiện này không xẩy ra với nhạc sĩ Trần Nhật Bằng.

Ngay khi những tin tức đầu tiên về tình trạng sức khỏe của họ Trần có phần nguy kịch, lập tức tin ấy đã được những người trong giới, từ hải ngoại tới trong nước, thông báo cho nhau với tất cả lo lắng và, phản ứng có tính cách tâm linh là, thầm cầu nguyện cho tác giả “Đợi chờ” sớm vượt qua cơn nguy kịch.

Thí dụ, trong bài “Nhật Bằng, chúng tôi thương tiếc anh”, của nhà văn Văn Quang có đoạn:

“…Ngày 7-5-2004, khi tôi vừa vĩnh biệt anh Phi Thoàn thì lại nghe tin anh đã từ trần lúc 8 giờ sáng ngày 8-5 (giờ VN). (5) Thật ra hôm trước tôi đã nhận được e mail của anh Thái Thủy báo tin anh Nhật Bằng phải đưa đi cấp cứu, nhưng khó có hy vọng qua khỏi. Tôi điện thoại sang Virginia hỏi thăm, chỉ gặp anh Hoàng Hải Thủy và Hoàng Song Liêm, hai anh xác nhận là Nhật Bằng vẫn còn nằm trong bệnh viện. Nhưng nay thì đã có tin anh ra đi rồi. Tôi điện thoại cho Nhật Hào, người con trai lớn của anh đang sống ở Sài Gòn cùng với vợ con và cũng là một ca sĩ có hạng của thành phố Sài Gòn bây giờ (…)

“Tôi điện thoại thông báo tin này cho một số bạn bè anh ở Sài Gòn, người nào cũng giật mình thương tiếc một người bạn chân thật hiền hậu, không ngờ anh ra đi nhanh thế. Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì la lên: ‘Trời sao thế, nó là phù rể trong đám cưới của tao đấy’. Rồi anh lặng đi một lát mới nói được: ‘Có e mail thì cho tao gửi lời chia buồn cùng gia đình, chứ tao biết làm gì hơn bây giờ. Anh em…thế là xa nhau mãi’. ( 6) Đó cũng là lời tôi chuyển đến gia đình anh Nhật Bằng của những anh em bạn bè của anh còn ở lại Sài Gòn. Anh còn nhiều bạn lắm và tất cả đều thương tiếc anh.” (7)

Cũng thế, một nhạc sĩ nổi tiếng khác là Thanh Trang, trong bài viết nhan đề “Thương Tiếc Nhật Bằng (Viết sau khi Nhật Bằng qua đời)” đăng tải trên tạp chí Cỏ Thơm số tháng 5-2004 cho biết: Ngay khi được ca sĩ Anh Ngọc thông báo hung tin, Nhạc sĩ Trần Nhật Bằng từ trần, ông đã điện thoại cho rất nhiều bằng hữu chung của ông và họ Trần như các ông Nghiêm Phú Phi, Vũ Quang Ninh, Nguyễn Hiền v.v…(8)

Trong bài viết có tính cách hồi ký của mình, tác giả “Duyên Thề” ghi lại gần như nguyên văn cuộc điện đàm giữa ông và ca sĩ Anh Ngọc, như sau:

“…Sáng thứ Bảy 08/05 tôi với ông Anh Ngọc lại mỗi người một đầu dây điện thoại! Ông mở đầu:

“- Tôi vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh Nhật Bằng!

“- Dễ hiểu, bởi hai anh sống gần với nhau; đang giữa cái bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhau mà mỗi bên đều có thể tiếp cận, rồi đùng một cái có những việc bất tường như thế, anh bàng hoàng là phải!

“- Một nửa thế kỷ quen biết nhau, cùng hoạt động văn nghệ, biết bao kỷ niệm để có thể kể cho anh nghe! Đúng như xưa giờ anh vẫn nhận xét, ngoài tài năng, anh Nhật Bằng còn là một con người có tư cách và đức độ. Suốt thời gian dài quen biết anh ấy, tôi chưa hề thấy anh nổi giận một lần nào, và chưa hề làm mất lòng bất cứ một ai! Anh đúng là một người hiền!

“- Theo cái nghĩa ‘hiền nhân’ cổ kính của thời xưa?

“- Vâng, theo cái nghĩa ‘hiền nhân!’…”

Sau khi thông báo tin dữ với nhạc sĩ Nguyễn Hiền (9), nhạc sĩ Thanh Trang đã ghi lại một phần cuộc điện đàm đó như sau:

“- Nhật Bằng là một người hiền lành, nhũn nhặn, khiêm tốn!

“- Xưa, Anh quen thân với anh Nhật Bằng như thế nào?

“- Ấy là hồi 1950, khi Nhật Bằng cùng với cánh Vũ Huyến, Đoàn Chuẩn kéo nhau ‘về Thành’. Lúc ấy tôi đang dạy ở trường Việt Nữ, đường Phạm Phú Tứ tại Hà Nội. Tôi kéo Nhật Bằng về đó cùng dạy học. Ngày đó tôi còn làm trưởng ban nhạc ở khách sạn ‘Hotel de Paris’. Năm đó có cái ‘Đại Hội Phụ Nữ Tương Tế’ được tổ chức tại Nhà Hát Lớn. Tôi đem cả ban nhạc của ‘Hotel de Paris’ đến đấy trình diễn. Tôi kéo theo Nhật Bằng, và anh ấy lên hát bài gì đấy có những câu như ‘Con mèo mà trèo cây cau’, cũng như bài ‘Con vỏi con voi…’ và khán giả rất tán thưởng.

“- Tức là mấy bài của Nguyễn Xuân Khoát?

“- Ừ!

“- Anh nhắc đến năm 50 khi các vị ấy ‘trở về Thành’, nhưng quê quán anh Nhật Bằng hẳn không phải ở Hà Nội?

“- Đúng! Sanh ở Hà Nội nhưng quê nội của Nhật Bằng ở Thanh Hóa! Chú có biết Nhật Bằng là hậu duệ của Thượng Tướng Trần Nhật Duật đời nhà Trần hay không?

“- Em không biết!

- A! Còn Ông Nội xưa là Quan Án Sát Trần Nhật Tình ở Thanh Hóa! Bố là Cụ "Tham" Hạc!

“- Có dạo ở Sài Gòn em đọc báo thấy có bài nói rằng cái Ban ‘Hạc Thành’ gồm bốn anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng,Thể Tần, Hồng Hảo là có liên quan đến tên thân phụ của bốn người?

“- Không phải! Như đã nói, quê Nội của Nhật Bằng ở Thanh Hóa, và ở Thanh Hóa có cái thành cổ gọi là "Hạc Thành "!

“- Ra thế!...” (10)

Qua một số trích dẫn tiêu biểu kể trên tôi trộm nghĩ, có dễ chúng ta không có nhiều nhạc sĩ được những người cùng ngành nghề công nhận, ngợi ca nhân cách và tài năng, như cố nhạc sĩ Nhật Bằng.

Với tôi, ông là tấm gương lớn của nhân cách và tài năng; hay sự hài hòa giữa nghệ sĩ và, đời thường vậy.

‘Trần Thế Bao Nhiêu Người Luyến Tiếc Sầu Thương’ Nhật Bằng


Lịch sử nền tân nhạc Việt Nam trên dưới 80 năm cho thấy, có khá nhiều nhạc sĩ nổi tiếng ngay tự sáng tác đầu tay, khi họ còn rất trẻ. Tuy nhiên, cũng không ít những ca khúc đó, tự thân không có được sự hòa hợp hay, đồng bộ giữa giai điệu và ca từ. Một số những ca khúc này, được yêu thích vì giai điệu mượt mà, trong khi ca từ đôi chỗ lại gượng gạo, ngô nghê hoặc vô nghĩa.

 

Cũng là người nổi tiếng ngay với ca khúc đầu tay “Đợi Chờ”(còn được biết dưới tên “Hoa Trăng”) sáng tác khi cố nhạc sĩ Nhật Bằng chỉ mới 17 tuổi; nhưng, theo lượng giá của nhiều nhạc sĩ đồng thời thì, “Đợi Chờ” đã có được một hợp hôn tốt đẹp giữa ca từ và giai điệu:

Trăng lắng sâu vào đêm đợi chờ / Đêm thế gian quạnh cô mịt mờ / Như ném ai vào cõi bơ vơ / Nhưng vẫn chưa tìm thấy người mơ // Ta đi ngóng trông em / trong bóng đêm dài ... tan / Ngàn tơ vàng chìm lắng / mơ dáng ai về / trong ánh trăng vàng / Như gió đi tìm hương / như chim nhớ mùa / khát khao tình xưa / Ta níu xin thời gian / đừng cho phai úa / kiếp duyên tình mộng mơ // Ta thiếp đi vì đêm tàn rồi / Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi / Ôm đóa hoa đọng ngát hương môi / Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi.” (9)

Với thành công của “Đợi Chờ” như ngọn hải đăng dẫn đường, Trần Nhật Bằng đã cho ra đời nhiều tình khúc khác…Chúng cũng được giới thưởng ngoạn yêu thích; làm thành một thứ thẻ nhận dạng, định hình sự nghiệp âm nhạc của họ Trần. Đó là những tình khúc như “Thuyền Trăng”:

“…Ta nghe trăng sầu ngàn năm soi chốn giang đầu
Thương anh Trương Chi yêu nàng Ngọc Nữ đêm nào
Câu hát ân tình muôn đời duyên kiếp chưa phai
Hồn còn nghẹn ngào hận tình sầu mộng về đâu?

“Thuyền trôi chèo nghiêng trên sông lặng lờ
Vầng trăng khuất sau chân mây mơ hồ
Lắng nghe sông buồn dạo lên khúc ca
Thuyền hỡi nhớ về cùng bến mong chờ.”
(10)

Hoặc:

“Chiều nay sương rơi ướt vai người khách giang-hồ,
Trời thu hiu-hắt lá rơi nhẹ cuốn theo giòng.
Rồi còn tìm đâu? những năm xưa ngày ấy,
Bên nhau tiếng đàn êm-đềm nhẹ lá vàng rơi.

“Đàn còn vang nhịp theo tiếng xưa
Dưới trăng bên thềm vai kề ta xây ước mơ.
Chiều về lòng nhớ tới những phút ấy
Ngày nào đầy vui thơ nay khuất xa rồi.

“Chiều thu đem tới với ta bao nỗi u sầu.
Còn tìm đâu thấy những khi nhịp bước trên cầu.
Mộng đẹp đầy thơ ước xây bên nhà ấm
Nay thu đã về như nhủ lòng nhớ tình xưa.”

(“Một chiều thu”, nhạc và lời Nhật Bằng) (11)

Hoặc nữa:

Chiều ơi về đâu,
Chiều đi lòng nhớ bao nỗi u sầu.
Chiều sương im lắng buồn.
Mờ xa đôi cánh chim lùa theo gió.


(…)

Nhưng giấc mơ tan.
Vương theo gió bao cung đàn.
Đâu dáng duyên xưa
Một chiều thu ta còn nhớ.

“Nhớ hồi còn thơ,
Vai kề vai trong tiếng tơ.
Tuy xa vắng ta vẫn mong chờ,
Chiều sao hờ hững lạnh lùng thờ ơ.

(“Bóng chiều tà”, nhạc và lời Nhật Bằng”) (12)

Sự thực, Nhật Bằng không chỉ thành công với những tình khúc đẹp từ giai điệu tới ca từ mà, ông còn được biết đến, được yêu thích với khá nhiều những ca khúc nồng nàn tình yêu nước. Như:

Người ơi! Nước Nam của người Việt Nam
Vì đâu oán tranh để lòng nát tan
Đây Bến Hải là nơi ngăn cách đôi tình
Đứng lên tìm chốn yên vui thanh bình

“Người ơi! sống chi cuộc đời thương đau
Về đây áo cơm đùm bọc lấy nhau
Đây nỗi lòng người dân tha thiết mong chờ
Cớ sao người vẫn đang tâm thờ ơ

“Người về đây sống vui đời thắm tươi
Miền tự do đắp xây cho muôn đời
Nhịp cầu mến thương gieo vương ngàn nơi
Xuân thanh bình rộn ràng muôn lòng trai

“Người ơi ước mong ngày tàn chinh chiến
Để toàn dân sống trong cuộc đời ấm êm
Ta nhắn gửi về nơi quê cũ xa vời
Hỡi ai lạc bước mau quay về đây.

(“Về đây anh” Nhật Bằng – Nguyễn Hiền) (13)

Hoặc thắm đẫm tình yêu thiên nhiên, từ đó, họ Trần gửi niềm tin trong sáng của ông vào con người và tương lai…

Điển hình như ca khúc “Khúc nhạc ngày xuân”. Ca khúc này cũng còn được biết dưới tựa đề thứ hai là “Khúc nhạc mừng xuân”) mà, mỗi độ xuân về, chúng ta vẫn được nghe - - Mặc dù có thể nhiều người không biết đó là sáng tác của Trần Nhật Bằng:
 
Ngàn hoa thắm tươi hé môi mừng chào đón xuân
Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang
Tính tang tính tang tiếng đàn vang lời ca mừng xuân vàng
về cùng ta hòa vui thắm tươi.
Tay cầm tay cầm tay đều múa nhịp theo điệu ca cùng hát khúc ca xuân.
Xuân về chim hót ca, hoa nở tình thướt tha
Êm đềm ánh huy hoàng khúc bình minh đang reo vang…
” (14)

Nhìn chung, trước cũng như sau điểm mốc 1954, nền tân nhạc của chúng ta, có rất nhiều tình khúc sướt mướt chia ly, phản bội, thống trách hoặc tuyệt vọng, cùng đường… Nhưng hầu hết tình khúc của Trần Nhật Bằng lại nằm ngoài mẫu số bi lụy ấy.

Tình khúc của họ Trần cũng đề cập tới những lỡ làng, dang dở… Tuy nhiên, chúng vẫn đem đến cho giới thưởng ngoạn những rung cảm nhẹ nhàng. Những nhớ thương man mác. Tựa sau mỗi chia, tan, ông vẫn nâng niu, trân trọng đổ vỡ. Như thể nhờ những u buồn kia mà tâm hồn, đời sống ông giàu có, ý nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, trong số những ca khúc ông để lại cho đời, còn có một ca khúc theo tôi, mang tính tiên tri, bất ngờ. Tôi muốn nói tới ca khúc “Tình nghệ sĩ”. Ở phần ca từ của ca khúc này, có đoạn:

Rồi ngày mai người đi theo bóng thời gian
Và trần thế bao nhiêu người luyến tiếc sầu thương
Dư âm tiếng đàn còn vang vọng trong muôn tấm lòng
Theo bao lời hát sẽ không bao giờ phai tàn…”


Với bản tính nhu mì, khiêm tốn, tôi không tin khi viết xuống những ca từ trên, họ Trần đã nghĩ gần, xa tới ngày ông phải từ giã cuộc đời này. Nhiều phần, tôi nghĩ, ông viết cho sự nằm xuống của một bằng hữu nào đấy của ông. Nhưng, nó lại ứng nghiệm cho chính ông. Bởi vì, ông sẽ được mãi nhớ, bởi:

“Dư âm tiếng đàn còn vang vọng trong muôn tấm lòng
Theo bao lời hát sẽ không bao giờ phai tàn…”


Và, theo tôi, ông xứng đáng (rất xứng đáng) để được “…trần thế bao nhiêu người luyến tiếc sầu thương”.

(Garden Grove, June -2013)

__________

Chú thích:

(1)Nhan đề đầu tiên của ca khúc này là “Hoa Trăng,” tác giả viết năm 1947, khi ông mới 17 tuổi. Đó cũng là sáng tác đầu tay của Nhật Bằng.

Theo lời kể của chính nhạc sĩ Nhật Bằng, nhà báo Trường Kỳ trong tuyển tập “Nghệ Sĩ” in năm 2001, ghi lại, như sau: “Đợi Chờ” hay “Hoa Trăng” được tác giả viết trong thời gian ông đang theo học trường học trung học Đào Duy Từ, ở thành phố Thanh Hóa, khi ông ngậm ngùi nhớ về Hà Nội và, mối tình thuở học trò của ông. Khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam năm 1951, nhạc sĩ Nhật Bằng đã nhờ người bạn thân của mình mang ca khúc “Hoa Trăng” vào Nam phổ biến giùm. Trước khi cho phổ biến nhạc sĩ Phạm Đình Chượng đề nghị đổi tên bài hát thành "Đợi Chờ" và được nhạc sĩ Nhật Bằng đồng ý. Nói cách khác, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không dự phần sáng tác. Tuy nhiên, đến nay, vẫn có một số tư liệu ghi “Đợi chờ” sáng tác của Nhật Bằng & Phạm Đình Chương.

Theo chỗ chúng tôi được biết, chưa bao giờ cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương cho thấy ông có dự phần trong ca khúc “Đợi chờ” của cố nhạc sĩ Nhật Bằng. Thậm chí, họ Phạm cũng không hề nhắc tới việc ông là người đầu tiên phổ biến ca khúc “Đợi chờ” của bạn ông, ở miền Nam, ngay tự những năm đầu thập niên 1950.

(2), (3), (7), (9), (10), (11), (12), (14):  Nđd.

(4) Kể từ ngày ra tù, nhà văn Văn Quang vẫn ở Saigon. Ông từ chối ra đi theo diện H.O., cũng như chương trình Đoàn Tụ Gia Đình.

(5) Nhạc sĩ Nhật Bằng mất lúc 8 giờ 30 tối, ngày 7 tháng 5 năm 2004 (ngày, giờ Hoa Thịnh Đốn).

(6) Ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Lê Hoàng Long là ca khúc “Gợi giấc mơ xưa.” Ông hiện còn ở Saigon.

(8) Nhạc sĩ Thanh Trang nổi tiếng với ca khúc “Duyên Thề” khi còn rất trẻ. Ông hiện cư ngụ tại tiểu bang Cali.

(13) Nhạc sĩ Nguyễn Hiền nổi tiếng từ thời tiền chiến. Ông sinh năm 1927 tại Hà Nội; mất ngày 23 tháng 12 năm 2005, tại miền nam California. Họ Nguyễn để lại nhiều nhạc phẩm giá trị cho kho tàng tân nhạc Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20371)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15332)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17175)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9866)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18255)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4733)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1503)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2025)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1919)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23262)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19815)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8611)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9618)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9084)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11954)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31501)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21392)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26303)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23730)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22510)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20617)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18779)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19915)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17525)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16656)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32867)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35462)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,