Nhiều người trong chúng ta có một ghi nhận khá giống nhau, đó là, hai chữ “định mệnh” thường gắn liền với những trớ trêu, quái ác hoặc bất hạnh. Nói thế, không có nghĩa “định mệnh” không hề biết nở nụ cười cho một số người. Dù cho số người may mắn nhận được sự “ưu ái” hiếm hoi của định mệnh, vốn không nhiều. Càng hiếm hoi hơn nữa, khi “định mệnh” lại không ngừng gửi nụ cười tươi thắm của nó, cho một người.
Nữ danh ca Bạch Yến (Hình news zing vn)
Trường hợp hiếm hoi này, tôi nghĩ đã đến với tiếng hát, cũng như cuộc đời của nữ danh ca Bạch Yến.
Chúng ta có thể lý giải vinh quang sớm đến với Bạch Yến bởi tài năng thiên phú, tức trời cho. Tuy nhiên, nhìn lại, chúng ta cũng thấy có rất nhiều tài năng thiên phú nở rộ khi còn rất nhỏ - - Nhiều người còn được gọi là “thần đồng”! Nhưng với thời gian, có bao nhiêu “thần đồng” tiếp tục trụ được dài lâu, giữa vùng sáng vinh quang, chói lòa?
Dõi theo đường bay của tiếng hát Bạch Yến, người ta cũng thấy những giai đoạn chị bị “định mệnh” quay lưng, ngoảnh mặt. Nhưng không lâu, “định mệnh” lại nhớ tới chị, lại tiếp tục dành những ưu ái hiếm khi dành cho kẻ khác! Nếu không muốn nói là cường độ ưu ái, thắm thiết còn có phần gia tăng thêm nữa.
Căn cứ theo một bài viết của tác giả Yên Huỳnh, (1) (hiện có trên Wikipedia – Tiếng Việt) viết về tiểu sử của người nữ ca sĩ tài năng đặc biệt này thì, danh ca Bạch Yến tên thật là Quách Thị Bạch Yến. Bà sinh năm 1942 tại Sóc Trăng. Thân phụ của bà là một người Minh Hương, gốc Tiều Châu. Thân mẫu là người Kinh, rất yêu âm nhạc. Năm 9 tuổi, chị theo học trường La Providence, Cần Thơ. Thời gian này chị gia nhập Ca đoàn Nhà thờ, làm quen với âm nhạc từ đấy.
Năm 1953, như đã nói, ở Saigon, chị đoạt Huy chương vàng cuộc thi hát dành cho thiếu nhi, được tổ chức bởi đài Phát thanh Pháp Á. Nhưng ngay sau đó, thân phụ chị muốn đem gia đình về định cư tại Phnom Pênh. Phần không muốn xa quê cha, đất tổ, phần không muốn cắt ngang sự nghiệp như nụ hoa mới hé nở của con, thân mẫu chị từ chối đi Campuchia. Vì thế, ông bà chia tay.
Sau khi gia đình Bạch Yến bị chia đôi vì bất đồng quan điểm về nơi chốn sinh sống của cha mẹ, Bạch Yến đã trải qua ít năm chật vật, khó khăn đời thường. Ở giai đoạn này, tác giả Yên Huỳnh viết:
“… Mẹ con Bạch Yến sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Cao Thắng nhưng cũng chẳng được bình yên. Một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi căn nhà này thành tro bụi. Một ông cậu ruột của Bạch Yến từ Cần Thơ lên, nảy ra ý định thành lập một gánh xiếc môtô bay thiếu nhi, lưu diễn khắp miền Nam để kiếm sống. Bạch Yến cùng với chị ruột, em trai và em họ đi theo cái nghề nguy hiểm này trong nỗi lo ngay ngáy của người mẹ. Một lần biểu diễn tại Thị Nghè, khi đang bay môtô trên độ cao 4 mét, Bạch Yến đã đạp nhầm thắng và rơi xuống sàn gỗ, bị chiếc môtô đè lên người, gãy ba xương sườn, màng tang trái bị chấn thương, phải điều trị mất một thời gian dài. Đoàn môtô bay của ông cậu cũng ngưng hoạt động sau tai nạn này!
“Mới 14 tuổi, Bạch Yến đã cố trang điểm cho già dặn hơn để lần mò đến các vũ trường, phòng trà xin làm ca sĩ, những mong kiếm tiền để phụ giúp mẹ. Nơi Bạch Yến đến gõ cửa đầu tiên là phòng trà Trúc Lâm trên đường Phạm Ngũ Lão do hai nhạc sĩ Mạnh Phát và Ngọc Bích làm chủ. Chỉ mới thử giọng lần đầu, Bạch Yến đã được thu nhận với khoản thù lao hết sức khiêm tốn. Từ phòng trà Trúc Lâm, Bạch Yến tiến lên phòng trà Hòa Bình, được khán giả tán thưởng nồng nhiệt qua các ca khúc ‘Bến cũ’, ‘Gái xuân’… và một số bài hát Pháp: ‘Tango Bleu’, ‘Étoile Des Neiges’…”
“Năm 1957, tròn 15 tuổi, Bạch Yến đã khiến người nghe ngẩn ngơ khi trình bày ca khúc ‘Đêm đông’ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Tên tuổi chị đã gắn liền với bài ‘Đêm đông’ như một định mệnh. Từ đó, chị nhận được không biết bao nhiêu lời mời mọc với tiền cátxê cao ngất, dù còn ở tuổi thiếu niên…” (2)
Kể từ thời điểm này, những cơ hội phải nói là cực kỳ hiếm hoi, như những tấm thảm đỏ của định mệnh, lót đường cho tên tuổi của người nữ danh ca từng bước không những đi lên mà, còn vượt khỏi biên giới Việt Nam, để chói lòa trên các tiền trường trình diễn thế giới; luôn cả trên màn ảnh lớn nữa.
Theo tác giả Yên Huỳnh thì đó là những thành tựu vang dội như:
“Năm 1961, khi tên tuổi đã nổi như cồn, Bạch Yến lại từ bỏ tất cả, cùng với mẹ sang Pháp với mong ước được học hỏi những tinh hoa của âm nhạc Tây phương. Bạch Yến may mắn được ông Phạm Văn Mười thu nhận làm ca sĩ, hát tại nhà hàng sang trọng La Table Du Mandarin do ông ta làm chủ trên đường Rue de l Echelle, quận 1, Paris. Trong thời gian này, Bạch Yến được hãng Polydor của Pháp mời thâu đĩa và lưu diễn một số nước châu Âu.
“Thu nhập lý tưởng, nhưng Bạch Yến không hài lòng. Trong mắt khán giả, chị chỉ là một khuôn mặt Á Đông xa lạ. Thế là năm 1963, Bạch Yến quay về cố hương và trụ lại phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường, một người từng sống lâu năm ở Pháp. Bấy giờ Bạch Yến đã bước sang tuổi 21, và đã trải qua 7 năm sống đời ca hát với những thành công rực rỡ. Chị được nhiều phòng trà, vũ trường mời gọi.
“Năm 1965, Bạch Yến được giới thiệu với chương trình ca nhạc truyền hình ‘Ed Sullivan Show’ nổi tiếng, thu hút gần 40 triệu người xem trên toàn nước Mỹ. Bạch Yến ra điều kiện chỉ nhận lời nếu có mẹ cùng đi. Yêu cầu của chị được đáp ứng. Theo hợp đồng, Bạch Yến sẽ lưu lại Hoa Kỳ 12 ngày. Chị đã xuất hiện trong chương trình ‘Ed Sullivan Show’ danh giá với ca khúc ‘Đêm đông’ bất hủ của Việt Nam và ca khúc nổi tiếng ‘If I have a hammer’ của Mỹ. Bạch Yến đậu lại ở Mỹ không chỉ 12 ngày mà tới 12 năm, đi lưu diễn, xuất hiện trên đài truyền hình khắp Hoa Kỳ và nhiều nước châu Mỹ: Canada, Mexico, Brasil, Venezuela, Colombia, Panama… bên cạnh những tên tuổi lớn của thế giới, thuộc nhiều lãnh vực nghệ thuật khác nhau: Bob Hope, Bing Crosby, Mike Douglas, Joey Bishop, Pat Boone… Nghệ sĩ dương cầm lừng danh của Hoa Kỳ Liberrace, danh ca Frankie Avalon và Mike Wayne đã mời Bạch Yến về Hollywood, hát cho bộ phim nổi tiếng ‘Green Berets’ (Mũ nồi xanh), do nam tài tử gạo cội John Wayne đóng vai chính. Bạch Yến đã chọn vùng Beverly Hills, miền Nam California để cư ngụ. Láng giềng của chị toàn là những nghệ sĩ lừng danh thế giới trong hai lãnh vực điện ảnh và ca nhạc. Có thể nói, Bạch Yến là ca sĩ Việt Nam đầu tiên đến tiểu bang này. Lúc bấy giờ, trên toàn nước Mỹ mới chỉ có trên, dưới 1.000 người Việt định cư…” (3)
Bạch Yến, Từ Frank Sinatra tới Trần Quang Hải
Theo tác giả Yên Huỳnh thì danh ca Bạch Yến không chỉ là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, được chào đón tại kinh đô điện ảnh Hollywood bởi những tên tuổi lừng danh Hòa Kỳ thập niên 1960s, được mời đóng phim với tài tử John Wayne mà, cùng thời gian ấy, chị cũng là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên, được danh ca kiêm tài tử Frank Sinatra săn đón tại kinh đô giải trí Las Vegas nữa.
Ghi nhận về trường hợp Bạch Yến được tên tuổi lớn Frank Sinatra mời chào, tác giả Yên Huỳnh cho biết, câu chuyện xẩy ra khi ông bầu Jimmy Durante mời Bạch Yến trình diễn ở thành phố Las Vegas. Để tạo cho mình một hình ảnh riêng và, gián tiếp giới thiệu với thế giới nền văn hóa Việt Nam, qua chiếc áo dài độc đáo, Bạch Yến đã mặc áo dài khi xuất hiện ở địa điểm giải trí, thiêu thân nổi tiếng nhất hành tinh này. Vì cùng trình diễn tại một khu vực, nên khi Bạch Yến tình cờ đi ngang phòng riêng của Frank Sinatra, ông hoàng sân khấu, có đôi mắt xanh dương trông thấy Bạch Yến, bèn nhờ Jimmy Durante giới thiệu Bạch Yến với Frank để làm quen và, mời nhan sắc, tài hoa Việt dùng bữa tối với ông ta.
Sự việc nêu trên, được tác giả Yên Huỳnh ghi lại như sau:
“… Mặc dù cảm thấy rất vinh hạnh, nhưng lòng kiêu hãnh của một cô gái Việt nổi lên, chị đã phớt lờ. Ông bầu gặp chị, hỏi lý do, Bạch Yến đáp là từ trước đến nay, chị đi đâu cũng có mẹ theo kèm, không dám đi một mình. Lập tức, Frank Sinatra không chỉ mời cả hai mẹ con đi ăn, mà còn mời đi nghe ông hát…” (3)
Đề cập tới giai đoạn Bạch Yến cất tiếng hát chinh phục khán giả và nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn của thế giới ca nhạc, điện ảnh Hoa Kỳ, bài viết của tác giả Nguyễn Hằng, báo Dân Trí, có nhiều dữ kiện cụ thể hơn. Nhất là những chi tiết liên quan tới người đàn ông, đã trở thành người bạn đời của chị:
“… Năm 1965, kết thúc khóa học tại Pháp, danh ca Bạch Yến được mời qua Mỹ tham gia chương trình truyền hình The Ed Sullivan show - chương trình ăn khách nhất của Mỹ vào thời ấy. Và bà cũng trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong chương trình này, biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones… Hợp đồng của Bạch Yến với chương trình Ed Sullivan chỉ kéo dài trong vòng 12 ngày, song nhiều hoạt động khác đã níu chân cô ca sĩ ở lại Mỹ đến 12 năm (1965-1978).
“Sang Mỹ một thời gian, Bạch Yến mất liên lạc với mẹ ở Việt Nam. (4) Sau nhiều lần tìm kiếm mẹ không được, Bạch Yến cảm thấy rất buồn với cuộc sống lưu lạc trên đất Mỹ. Bà thường đi du lịch cho khuây khỏa. Năm 1978, trong lần sang Paris nghỉ Bạch Yến có đến xem chương trình Đại nhạc hội Pháp.
“Lần ấy, tôi muốn tìm gặp một số bạn bè Việt Nam cũ đang sống tại Paris nên cố tình mặc tà áo dài truyền thống, trang điểm thật đẹp, đứng ngay lối cửa đi vào rạp hát để gây sự chú ý. Bỗng nhiên tôi thấy một người đàn ông dắt theo một bé gái nhỏ đi rất nhanh về phía mình rồi chào và ôm hôn hai má. Tôi hết sức ngạc nhiên hỏi: ‘Anh có biết tôi là ai không?’, người đó trả lời: ‘Là ca sĩ Bạch Yến chứ ai!’, Bạch Yến bồi hồi nhớ lại. Bà nói may mà người đó nói đúng tên chứ không thì bà sẽ ngó lơ, không tiếp chuyện. Còn về phía Bạch Yến, nhìn khuôn mặt người đó bà đã nhận ra con trai của cụ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Trần Quang Hải.
“Sở dĩ bà nhận ra Trần Quang Hải là vì trong những ngày đầu cùng mẹ đặt chân tới Pháp học cách hát của Tây phương, tình cờ có gặp Giáo sư Trần Văn Khê. Lần đó Giáo sư Trần Văn Khê chỉ tay về phía một thư sinh gầy gò giới thiệu: ‘Kia là con trai tôi!’. Thời điểm ấy, Trần Quang Hải mới chỉ là cậu thiếu niên 17 tuổi còn Bạch Yến đã là một danh ca nổi tiếng. Khoảng cách giữa họ quá xa và Bạch Yến không có ấn tượng gì về cậu thư sinh ốm nheo nhắt ấy…
“Bạch Yến cho rằng cuộc tái ngộ tại Paris là ‘duyên tiền định’, sau gần 20 năm ‘người bạn cũ’ đầu tiên Bạch Yến tìm thấy lại là Trần Quang Hải. Người đàn ông đứng trước mặt bà không còn vẻ non nớt, trái lại toát lên sự tự tin, hoạt bát và đầy vững chãi. Trần Quang Hải lúc này đã ly dị vợ, sống cùng con gái 5 tuổi còn Bạch Yến ở cái tuổi 36 đang đứng trên đỉnh vinh quang của nghề hát, có nhiều người đàn ông ngưỡng mộ nhưng… vẫn cô đơn.
“Bạch Yến thổ lộ cho đến giờ bà vẫn nhớ như in lần gặp gỡ định mệnh tại Paris năm 1978. Sau lần gặp gỡ đó, hai người có cuộc hẹn ăn cơm vì Bạch Yến muốn nhờ Trần Quang Hải dịch giúp vài câu để bà có thể giao lưu với khán giả Pháp trong đêm Đại nhạc hội sắp tới mà bà được mời biểu diễn. Chính cuộc hẹn này đã khiến bà để ý tới người nhạc sĩ không mấy tiếng tăm nhưng kiến thức sâu rộng về âm nhạc dân tộc cũng như khiếu hài hước.
“Cả hai đã cười rất nhiều trong cuộc hò hẹn đầu tiên và chưa đầy 24 giờ kể từ khi gặp lại, Bạch Yến đã nhận được…lời cầu hôn của Trần Quang Hải. Tưởng vị nhạc sĩ nói đùa, bà cũng gật đầu: ‘Ok!’ Chỉ đến khi ông tự đặt 400 thiếp mời và gửi hết tới bạn bè trong vòng một tuần mới khiến bà bất ngờ, vừa xúc động vừa buồn cười lại cảm thấy khó xử.
“Tôi nghĩ cả hai đùa ghẹo nhau thôi, không ngờ ông ấy làm thật khiến tôi ‘đâm lao rồi phải theo lao’. Ngỏ lời cầu hôn sau 24 giờ và làm đám cưới sau…2 tuần, mọi chuyện thật đường đột”, Bạch Yến cười. Thời trẻ, bà được nhiều người đàn ông theo đuổi, người Việt cũng có mà người ngoại quốc cũng có nhưng đều không đi đến đâu. Nhiều ông chủ ngoại quốc giàu có chạy theo tán tỉnh nhưng bà từ chối vì chỉ thích lấy chồng Việt cùng chung nguồn cuội và tiếng nói. Một vài lần, bà cũng trao trái tim cho người Việt nhưng họ lại làm bà khổ. Bà khước từ vài lời cầu hôn vì sợ người đàn ông đến với mình bởi nhan sắc và ánh hào quang trên sân khấu.
“Chính vì trải qua vài lần lỡ dở trong chuyện tình cảm nên trước ứng xử vừa táo bạo vừa thành thật của vị nhạc sĩ nghèo và không mấy tiếng tăm này cũng khiến bà bối rối. Cuối cùng bà tặc lưỡi, sẽ ở lại cùng ông mấy tháng tại Paris sau đó sang Mỹ biểu diễn tiếp theo hợp đồng. Bà tự trấn an, một đám cưới chưa có giấy đăng ký kết hôn thì việc chia tay cũng dễ dàng!...” (5)
Bạch Yến, đem “Đêm Đông” đến cùng khắp nhân gian.
Người danh ca mang tài năng, nhân cách và chiếc áo dài, như một nữ đại sứ văn hóa đầu tiên của tổ quốc Việt, bước ra giữa quảng trường nghệ thuật thế giới, đã rất chân thật khi nghĩ rằng:
“… một đám cưới chưa có giấy đăng ký kết hôn thì việc chia tay cũng dễ dàng!...”
“… Vậy là tính từ hôm họ gặp nhau sau gần 20 năm đến hôm tổ chức hôn lễ là tròn 15 ngày. Hôm đó, Trần Quang Hải bí mật mượn nhà người bạn chuẩn bị tiệc cưới nhỏ với rượu, ít bánh ngọt và trái cây. Đám cưới quá giản dị nhưng đầm ấm, rộn tiếng cười với sự tham dự của nhiều bạn bè nghệ sĩ.
Quà cưới tặng đôi tân lang tân nương cũng đậm giá trị về tinh thần như một bức tranh, một bài hát, vài khúc thơ tình tứ… Nhưng ấn tượng nhất với Bạch Yến là ca khúc Tân hôn dạ khúc, Trần Quang Hải sáng tác tặng vợ mới cưới trong ngày hôn lễ. ‘Tối hôm nay ngày vui chúng mình / Hát bên nhau hạnh phúc dạt dào/ Từ nay, từ nay vui sống trăm năm/ Ước mơ nay tình yêu đã thành/ Hứa cho nhau dù bao khổ sầu/ Gần nhau, gần nhau nguyện sống bạc đầu’…” (6)
Và, cuộc tình định mệnh kia cũng đã mở một chân trời mới, khác nữa, cho con chim quý, Bạch Yến, cất tiếng hát đầu tiên, từ vòm trời VHNT miền Nam, hai mươi năm.
Theo trang mạng amnhacviet.net thì:
“… Lúc Bạch Yến tái ngộ Paris cũng là lúc cuộc sống và sự nghiệp của Bạch Yến bước vào một giai đoạn mới cực kỳ quan trọng với sự gặp gỡ nhạc sĩ kiêm nghiên cứu nhạc dân tộc, học giả Trần Quang Hải, sau trở thành phu quân của Bạch Yến. Trần Quang Hải thuyết phục Bạch Yến trở về với nhạc dân tộc Việt Nam và kết quả là hai người đã cùng nhau trình diễn trên 3,000 buổi hát dân ca khắp cả năm châu, mặc dù thỉnh thoảng Bạch Yến vẫn hát tân nhạc để đáp lại tấm thịnh tình của những người hâm mộ mình. Hai người đã thâu chung 8 dĩa hát 33 vòng, và một CD với một đĩa trong đó được giải Grand Prix du disque de l’Académie Charles Cros năm 1983.
“Là một ca sĩ đa tài, Bạch Yến đã có công đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền ca nhạc Việt Nam và nhất là giới thiệu và phổ biến nhạc Việt Nam với người ngoại quốc…” (7)
Trở lại với Bạch-Yến, người ca sĩ sớm nổi tiếng với ca khúc “Đêm Đông”, không chỉ ở Việt Nam mà khắp năm châu; ngay cả ở những nơi chốn không một tài năng ngoại khổ nào không muốn chí ít, có được một lần xuất hiện là Hollywood và Las Vegas.
Trước nhất, theo ghi nhận của tôi thì, dường như bất cứ một ca khúc bất hủ nào, cũng giống như một đỉnh ngọn nghệ thuật chót vót, mang tính quyến rũ kỳ bí, khiến không một ca sĩ, dù thuộc thế hệ nào, không muốn thử thách, chinh phục bằng tài năng và, tất cả tự tin của họ.
Cũng thế “Đêm Đông” của Nguyễn Văn Thương (1919-2002) - - Một trong những đỉnh ngọn tân nhạc tiền chiến. Tôi muốn nói không chỉ riêng Bạch Yến và, cũng không phải Bạch Yến là người đầu tiên đem “Đêm đông” thả vào tâm hồn khách thưởng ngoạn. Mà ngay từ thời tiền chiến, sau khi nhạc phẩm này ra đời, Ngọc Bảo, nam ca sĩ nổi tiếng thời đó đã chọn để trình bày. Kế tiếp, sau Bạch Yến là những ca sĩ đã thành danh như Lệ Thu, Lê Dung, Cẩm Vân, Đàm Vĩnh Hưng, cùng rất nhiều ca sĩ nổi tiếng khác…
Kế đến, vẫn theo tôi, nếu ở nhiều lãnh vực khác, như lãnh vực thể thao, leo núi… các kỷ lục lần lượt bị xóa bỏ, vượt qua những tài năng mới thì, ở lãnh vực nghệ thuật, lại có những thành tựu, một khi đã được “công-chứng” bởi đám đông và thời gian, dường như không một tài năng nào có thể xóa bỏ vị trí “bất khả bại” của cá nhân ấy.
Điển hình cho trường hợp này, chính là Bạch Yến với “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương.
Vinh dự hơn thế nữa, khi Bạch Yến còn được cha đẻ của ca khúc “Đêm Đông”, Nguyễn Văn Thương, bày tỏ sự khâm phục, lòng biết ơn của ông. Đồng thời tác giả cũng xác nhận, vì Bạch Yến mà ông đã đổi nhịp điệu đầu tiên của ca khúc từ Tango qua Slow Rock. Sự kiện hãn hữu này, đã được Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia, tiêu đề “Đêm Đông”, tiểu mục “Ca sĩ và Phong cách thể hiện” ghi lại như sau:
“… Ca sĩ Bạch Yến có công lớn trong việc đổi mới phong cách thể hiện bài hát này.
“Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lúc bài hát ra đời chỉ mới có các nhịp điệu như Foxtrot, Valse, Tango,... mãi sau năm 1950 mới có Slow Rock. Lúc ban đầu Đêm Đông mang giai điệu Tango. Chính ca sĩ Bạch Yến đã đổi Đêm Đông từ Tango sang Slow Rock. Trong thư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể về việc lần đầu tiên ông gặp ca sĩ Bạch Yến tại Pháp năm 1982, ông viết: Tôi muốn nói là cám ơn Bạch Yến rất nhiều về sự đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm của tôi. Và cũng đã từ lâu, sau khi nghe băng của Bạch Yến hát, tôi đã bỏ chữ ‘Tango’ để thay vào đó là ‘Slow Rock’…”
Tôi không biết có phải ở tuổi 15, tâm hồn như tờ giấy chậm, lưu giữ, mẫn cảm với mọi cảnh đời, nhất là cảnh đời ngặt nghèo của chính gia đình Bạch Yến thời gian đó, nên chị đã không chỉ hát mà, còn sống thực với từng con chữ có trong ca từ “Đêm Đông” như:
“Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…”
Theo tôi, cũng có thể thanh quản của người “ca-sĩ-ở-cùng-khắp-nhân-gian” này, đã được thượng đế ban cho những tế bào đặc biệt, ứng hợp, tương thích với Đêm Đông… Để nhiều chục năm sau, chị đã đem “Đêm Đông” ca khúc, từ đông sang tây, nói hộ cho tâm cảnh bơ vơ của thân phận con người, căn bản vốn cô đơn, thất lạc giữa mênh mông vũ trụ và, đồng loại?
Tương quan giữa tiếng hát Bạch Yến và nội dung Đêm Đông
Khi tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, Tự Điển Bách khoa toàn thư – Wikipedia, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, đã ghi nhận như sau:
“… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từng chia sẻ: Vào dịp Tết năm 1939 (thời gian này ông đang theo học tại Trường Thăng Long - Hà Nội), do không có tiền nên ông không thể về quê (cố đô Huế) ăn Tết với gia đình. Lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà, ông rất buồn. Năm ấy, Hà Nội rất rét. Để chống lạnh, có bao quần áo, ông ‘nhồi’ tất vào người. Như bản năng, ông cứ thế rời phòng trọ lững thững đi về phía Ga Hàng Cỏ, và nhớ ra là mình không có vé tàu.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể lại: ‘Khi tàu chuyển bánh, tôi cũng theo tàu đi về phương Nam, dọc theo đường Nam Bộ bây giờ. Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà da diết! Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm những người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên hồi ấy có nhiều nhà hát ả đào. Tôi muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không? Đêm ấy, có hai nhà còn để đèn ngoài cổng để chờ khách. Tôi đi qua nhà đầu tiên. Cửa mở, nhưng không có người ra. Đến nhà thứ hai thì có một ca nhi đi ra mở cửa. Nhưng khi nhìn thấy một cậu thanh niên, tuổi vừa đôi mươi, ăn mặc lôi thôi thì cô ta đã thất vọng. Khi quay trở vào, cô không quên soi mình trong tấm gương treo cạnh cửa, và đưa cánh tay trần vuốt nhẹ lên mái tóc. Tôi còn đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó - cho đến khuya, khi thấy các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 ngõ Hội Vũ. Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách khiến tôi không tài nào ngủ được. Và nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thừa đầu tiên phải xa nhà. Tôi đã đưa vào ca khúc hình ảnh thực tế đã đập vào mắt tôi lúc đi qua phố Khâm Thiên. Đó là người ‘ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng’. Còn ‘Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư’ hoặc ‘Cô lữ đêm đông không nhà’ là hình ảnh của bản thân mình - còn ‘chinh phu’”, chinh phụ là những hình ảnh mượn từ trong Tiểu thuyết Thứ Bảy của Tự Lực văn đoàn (8) rất thịnh hành lúc bấy giờ, chứ ta có đi chinh phục ai đâu mà có chinh phu để nói!..."
Về nội dung ca từ của ca khúc “Đêm đông”, cũng được Bách khoa toàn thư mở dẫn giải sau đây: “Đoạn đầu miêu tả quang cảnh hiu quạnh, cô đơn của người lữ khách - tác giả - trong đêm đông.
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.
Cùng mây xám về ngang lưng trời.
Thời gian như ngừng trong tê tái.
Cây trút lá cuốn theo chiều mây.
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều.
Sương thướt tha bay, ôi đìu hiu!
“Đoạn sau thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của tác giả, gồm hai lần điệp khúc.
“Đoạn điệp khúc thứ nhất thể hiện niềm thương cảm tới những số phận giống bản thân tác giả trong đêm đông: ca nhi, thi nhân, chinh phu, chinh phụ.
Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu.
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng.
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư.
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng. (…)
“Đoạn điệp khúc và kết thúc bài thể hiện cảm xúc thương chính bản thân mình và ước mong của tác giả trong Đêm Đông:
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa.
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương.
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà. (…)
“Trước đây, căn cứ vào giai điệu của bài hát, cũng như vào câu Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông mà có ý kiến cho rằng, bài hát được sáng tác theo chiều hướng phục vụ nhà thờ Công giáo. Nhưng theo trả lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trích từ lá thư viết ngày 4/11/1997 của ông thì: ‘Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông’. Tiếng chuông buông lững lờ, chỉ có thể là tiếng chuông chùa. Nhưng không cứ gì tôi phải đi ngang qua một ngôi chùa, mà chỉ cần nghe tiếng chuông; thường những người tu tại gia, khi niệm kinh buổi chiều, vẫn thỉnh thoảng gõ chuông từ một gác thờ nào đó. Vì tôi đi từ nhà ra Ga Hàng Cỏ, qua phố Khâm Thiên rồi đi lang thang khắp các nẻo đường trước khi trở về gác trọ thì có thể nghe được nhiều lần tiếng chuông ấy lững lờ buông. Còn nếu tiếng chuông nhà thờ thì phải dùng chữ chuông đổ, chứ không thể dùng buông lững lờ được…”
Tôi không biết và cũng không tiện hỏi danh ca Bạch Yến, những ngày niên thiếu, khi ba, mẹ chia tay nhau, ở tuổi 14, chị đã phải bương trải để giúp mẹ và các em, có bao lần chị vẫn đứng trên sân khấu, hát mua vui cho khán giả, khi những giây phút giao thừa thiêng liêng, theo truyền thống nghìn đời của người Việt? Nếu có, dù chỉ một lần, tôi tin từ vô thức, chị vốn có chung một nỗi lòng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, khi ông tâm sự: “… Tôi muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không?...” Đó là hình ảnh hay tâm trạng của “Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng...”
“Ca nhi” ở đây, chỉ thiếu nữ chọn nghiệp ca hát. Nhưng, không ai cấm, Bạch Yến vốn có trái tim mẫn cảm, có cảm nghĩ khác. Tôi muốn nói, “ca nhi” với chị, cũng có thể hiểu là một “ca sĩ nhi đồng” mới lớn!
Cũng vậy, khi cất tiếng hát ở những câu như: “… Đêm Đông, ta mơ giấc mơ gia đình, yêu đương/ Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương / Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà…” Theo tôi, Bạch Yến không chỉ hát như một ca sĩ mà, chị đang sống trong tâm cảnh riêng của chính đời mình.
Tôi biết, càng về sau, càng có nhiều ca sĩ được mời trình diễn ở những thời khắc cuối cùng của một năm. Họ cũng phải xa gia đình. Nhưng, tôi tin, không ca sĩ nào hát “Đêm đông” ở tuổi… “nhi đồng” như Bạch Yến. Hầu hết, họ đã ở tuổi trưởng thành. Và, cũng không một ca sĩ nào, ở tuổi Bạch Yến, hát “Đêm Đông” với những vết thương chưa kịp lên da non! Đó là những sự kiện:
“… Mẹ con Bạch Yến sống chen chúc trong một căn nhà nhỏ ở một con hẻm trên đường Cao Thắng nhưng cũng chẳng được bình yên. Một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi căn nhà này thành tro bụi. Một ông cậu ruột của Bạch Yến từ Cần Thơ lên, nảy ra ý định thành lập một gánh xiếc môtô bay thiếu nhi, lưu diễn khắp miền Nam để kiếm sống. Bạch Yến cùng với chị ruột, em trai và em họ đi theo cái nghề nguy hiểm này trong nỗi lo ngay ngáy của người mẹ. Một lần biểu diễn tại Thị Nghè, khi đang bay môtô trên độ cao 4 mét, Bạch Yến đã đạp nhầm thắng và rơi xuống sàn gỗ, bị chiếc môtô đè lên người, gãy ba xương sườn, màng tang trái bị chấn thương, phải điều trị mất một thời gian dài. Đoàn môtô bay của ông cậu cũng ngưng hoạt động sau tai nạn này!...” (9)
Nên, vẫn theo tôi, đó là định mệnh bất khả tư nghì của tài năng thiên bẩm, mang tên Bạch Yến vậy.
Du Tử Lê
(Calif. May. 2014)
_________
Chú thích:
(01) Cuối bài viết, bên cạnh tên Yên Huỳnh, còn có thêm một phụ chú nhỏ “(theo Đoàn Thạch Hãn)”.
(02), (3) Bđd.
(4) Giải thích về sự thất lạc thân mẫu, bằng điện thư, danh ca Bạch Yến cho biết: Chị đi trình diễn 46 tiểu bang Hoa Kỳ và cả Nam, Trung Mỹ. Tháng 11 năm 1974, thân mẫu của chị về thăm quê nhà. “Đáng lẽ sau ba tháng mẹ tôi phải trở lại Mỹ nhưng vì lâu ngày mới gặp lại bạn và họ hàng vui quá nên xin gia hạn tới tháng Sáu thay vì chỉ ở tới tháng Ba 1975. Vì vậy Mẹ tôi kẹt lại VN 30/4/1975. Sau đó đất nước có thay đổi lớn, tôi rất buồn xứ Mỹ đã bỏ VN Cộng Hoà quá bất ngờ… Vì vậy Mẹ tôi bặt tin tới 10 năm sau, năm 1985 mới xin được phép chánh phủ XHCNVN cho Mẹ tôi đoàn tụ gia đình, lúc đó tôi đã lập gia đình với anh Trần Quang Hải ở Pháp...”
(5) Nguyễn Hằng, “Mối tình kỳ lạ của danh ca Bạch Yến” (Bách khoa toàn thư mở- Wikipedia).
(6) Bđd.
(7) amnhacviet.net (Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia).
(8) Có thể vì tuổi tác, nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã lầm lẫn khi nói “Tiểu Thuyết Thứ Bảy của nhóm Tự Lực Văn Đoàn”. Sự thực chẳng những họ không liên hệ gì với nhau mà còn là đối thủ của nhau nữa. Về sự kiện này, Bách Khoa Toàn Thư Mở – Wikipedia, có đoạn nguyên văn như sau: “…Nhiều nhà văn viết cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy sau này đã trở thành những văn sĩ lớn trên văn đàn Việt Nam. Là một đối thủ cạnh tranh của tờ Phong hóa, tờ báo của nhóm Tự lực văn đoàn cùng thời (…) Nhiều nhà văn có tài ở Bắc Kỳ, thời trước Cách Mạng Tháng Tám không được Tự lực văn đoàn dung nạp đều viết cho Tiểu thuyết thứ bảy và các báo khác của nhà xuất bản Tân Dân như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Triệu Luật, Ngọc Giao, Thanh Châu…, muộn hơn một chút là Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…”
(9) Yên Huỳnh, bđd.