Phạm Đình Chương

23 Tháng Giêng 20223:48 CH(Xem: 563)
Phạm Đình Chương

Phạm Đình Chương, tài năng âm nhạc lớn

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của loài người, về phương diện nhân chủng học, là phát hiện về yếu tố di truyền (danh từ khoa học gọi là “genetics.”)

“Genetics” không chỉ giải mã cho chúng ta, sự truyền giống, bệnh hoạn mà còn giải thích được phần nào về những thiên tài của nhân loại. Nhất là trong lãnh vực nghệ thuật, văn học.

 

Trường hợp Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương nói riêng, các anh, chị, em của ông nói chung, là điển hình cụ thể cho những yếu tố di truyền vừa kể.

 

Là con trai út của cụ ông Phạm Đình Phụng và người vợ thứ hai, cụ bà Đinh Thị Ngọ, nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. (1) Cụ ông vốn nổi tiếng hào hoa với nhiều ngón đàn. Trong khi cụ bà lại là người có giọng hát và, tài ngâm thơ.

 

Theo phần tiểu sử chi tiết nơi trang đầu của tập nhạc “Mười Bài Ngợi Ca Tình Yêu,” tuyển tập nhạc Phạm Đình Chương, xuất bản ở Saigon đầu thập niên (19)70 thì, họ Phạm được học nhạc rất sớm. Khi ông mới 13 tuổi. Năm năm sau, ở tuổi 18, ông đã sáng tác nhạc. Ông nổi tiếng ngay, với sáng tác đầu tay: Ca khúc “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng.” (2)

 

Sau đó, ca khúc “Được Mùa” của họ Phạm cũng đã được trao một giải thưởng âm nhạc lớn, khi ông chưa bước vào tuổi 19.

 

Phải đặt người trẻ tuổi mang tên Phạm Đình Chương vào những năm giữa thập niên (19)40, khi nền tân nhạc của chúng ta bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi rực rỡ như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Đoàn Chuẩn & Từ Linh, v.v... với những tình khúc lãng mạn, như những đỉnh điểm chói gắt nhất của ngọn triều hâm mộ, ta mới cảm nhận được hết, tài năng, bản lãnh của họ Phạm, khi ông đánh ra đường kiếm khác.

 

Đó là một Phạm Đình Chương trẻ trung, phơi phới với những ca khúc rộn rã, vui tươi. Lấp lánh tiếng cười. Óng ả hy vọng. Một Phạm Đình Chương thiếu niên, tự tách lìa mình khỏi những tàng cây rậm rạp. Ông toàn thành cho mình, ngay tự bước khởi hành thứ nhất, một lộ trình riêng, lẻ.

 

Theo tôi, ý thức mở đường, đi một mình, với chiếc bóng (đôi khi đìu hiu, lẻ bạn) của họ Phạm, đã là định mệnh khơi nguồn, xuyên suốt cuộc đời người nhạc sĩ tài danh này.

 

Nhìn lại quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ ngày ông được sinh ra, tới ngày từ trần (22 tháng 8 năm 1991, tại miền Nam California, Hoa Kỳ), với khoảng trên sáu mươi ca khúc, đủ loại, như những viên kim cương âm nhạc, bất hoại; hầu hết đã được thời gian thực chứng; người ta mới thấy rõ hơn, chiều kích lớn lao dường nào của ông.

 

Nếu tính phần trăm số lượng ca khúc trở thành bất tử của ông, từ sáng tác đầu tay, tới sáng tác sau cùng, tỷ lệ đó, không dưới tám mươi phần trăm tổng số sáng tác.

 

Để đối chiếu, chúng ta có thể liên tưởng tới một số nhạc sĩ cùng thời với ông - Những người có số lượng sáng tác nhiều lần hơn ông. Con số có thể lên tới vài trăm, thậm chí cả ngàn. Nhưng tỷ lệ ca khúc vượt được ngưỡng cửa giai đoạn, một thời, thường chỉ ở mức ba, bốn mươi phần trăm mà thôi.

 

Sự lớn lao hay tính cách “ngoại khổ” của tài năng Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương, theo tôi, cũng không giới hạn trong lãnh vực sáng tác ca khúc. Ông còn là người có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng. Đó là sự thành công lớn lao, vang dội của ban Hợp Ca Thăng Long.


Ở lãnh vực này, ban Hợp Ca Thăng Long, do Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương điều hợp, còn là một mở đường tốt đẹp cho những tam ca, tứ ca, ngũ ca... sau đó nữa.

 

Nhiều người vẫn nhớ, trước linh cữu cố nhạc sĩ Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương, tại một tang môn quán ở thành phố Westminster, Nam California, khi được ban tổ chức tang lễ mời nói vài lời tiễn biệt tác giả “Mười Bài Ngợi Ca Tình Yêu,” nhạc sĩ Phạm Duy nhấn mạnh:

 

“... Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương mới đích thực là linh hồn của ban Hợp Ca Thăng Long, từ buổi đầu tới phút cuối...”

 

Những người nghiên cứu về cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương cho biết, họ không ngạc nhiên về tính đa dạng của tài năng họ Phạm. Theo những người này thì, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ hấp thụ được tinh hoa văn học, nghệ thuật từ chiếc nôi nghìn năm văn vật Hà Nội mà, ông con được thừa hưởng thổ ngơi Hà Đông, vùng đất nổi tiếng về tơ tầm, vải lụa của quê cha và, Sơn Tây, đất văn học của quê mẹ.

 

Lại nữa, ngay từ năm 1945, khi mới 16 tuổi, ông đã gia nhập đoàn văn nghệ kháng chiến, lưu động thuộc liên khu 3 và liên khu 4. Ông đem tiếng hát cùng nhân dáng nghệ sĩ của mình đi cùng khắp các dải đất thuộc hai liên khu này...

 

Ở tất cả những nơi đi qua, với tâm hồn và trái tim như những tờ giấy chậm, ông thẩm thấu được hơi thở cá biệt của từng vùng đất qua ca dao, điệu hò... Tất cả những ở lại trong thời thanh, thiếu niên kia, đã là một thứ vốn quý cho sáng tác sau này của ông.

 

Họ Phạm kể, năm 1951, ông cùng đại gia đình, rời kháng chiến trở về Hà Nội. Gần như ngay sau đó, gia đình ông đã vào hết Saigon.

 

Tại Saigon, vùng đất mới, với nghệ danh Hoài Bắc, ông đã cùng với một người anh là ca sĩ Hoài Trung, chị là ca sĩ Thái Hằng và, em gái là ca sĩ Thái Thanh, thành lập Ban Hợp Ca Thăng Long.

 

Sinh thời, họ Phạm cho biết, ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” để nhớ thời gian gia đình ông tản cư khỏi Hà Nội, tại địa điểm là Chợ Đại, vùng Việt Bắc, gia đình ông mở một quán nhỏ lấy tên là quán “Thăng Long,” nơi dừng chân của hầu hết văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến.

 

Tác giả “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng” cho biết thêm, năm 1949, khi chiến tranh lan tràn tới vùng Chợ Đại, gia đình ông phải di chuyển về liên khu 4, do ông tướng nổi tiếng quý trọng văn nghệ sĩ là Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh. Chính tại vùng trấn nhậm của Tướng Nguyễn Sơn, đám cưới người chị lớn của ông, ca sĩ Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra, do sự tác hợp và, chủ trì của ông tướng văn nghệ này.

 

Quán Thăng Long không còn nữa, từ đó. Nhưng hai chữ “Thăng Long” đã trở thành một tên gọi, một biểu tượng đẹp đẽ, được coi là gắn liền với thời đầu trong sáng, ý nghĩa nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, (3) một “quái kiệt” của miền Nam, người từng có thời gian đi hát chung với Ban Hợp Ca Thăng Long từ Nam ra Bắc thì, khi Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời tại Saigon, ban này đã như một cơn lốc lớn rung chuyển tận gốc nhiều sân khấu miền Nam.

 

Trong một cuộc xuất hiện ở quận hạt Orange County, giữa thập niên (19)80, hát cho một quán café văn nghệ ở đường số 5th, Santa Ana, họ Trần kể:

 

“Mỗi xuất hiện của họ (Ban Hợp Ca Thăng Long,) khi ấy là một ‘cơn nóng sốt’ đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng... như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được...”

 

Nghệ sĩ Trần Văn Trạch cũng cho biết, ông vẫn nhớ sự phối hợp rất bắt mắt, duyên dáng, sinh động của Hợp Ca Thăng Long khi họ trình diễn những bài ca như “Ngựa Phi Đường Xa,” “Sáng Rừng,” “Tiếng Dân Chài,” “Được Mùa,” “Ô Mê Ly” hay “Hò Leo Núi” v.v...

 

“Nhất là cái tài giả tiếng ngựa hí của ca sĩ Hoài Trung thì bà con không thể nào không mê mẩn được. Chưa kể sau đó, Ban Hợp Ca Thăng Long còn có thêm tiếng hát và tài diễn của nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của nhạc sĩ Hoài Bắc nữa...”

 

Trước những thành công vang dội như thế, kể từ năm 1952, Ban Thăng Long đã được mời đi trình diễn khắp nơi. Lần trình diễn đầu tiên, nhưng cũng là sau cùng của Thăng Long ở giữa thủ đô Hà Nội, nơi sinh trưởng của tài hoa âm nhạc Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương là năm 1954. Có mặt cùng với Thăng Long là “quái kiệt” Trần Văn Trạch của ban Dân Nam, thời bấy giờ.

 

Tôi viết, đó là cũng buổi diễn cuối cùng của Hợp Ca Thăng Long trên đất... Thăng Long, vì sau đó, Hiệp Định Geneve chia đôi nước Việt. Và Thăng Long, đã sớm biến thành một Thăng Long khác!

 

Bi kịch và lòng nhân ái trong ca từ Phạm Đình Chương

 

Tôi vẫn nghĩ, đời sống mỗi cá nhân giống như một căn nhà, được xây bằng những viên gạch bất toàn.

 

Bất toàn tinh thần hay bất toàn thể chất? Bất toàn ở giai đoạn đầu đời, trung niên hay cuối đời? Bất toàn với những cuộc tình, những ước mơ không đạt được…? Tất cả, với tôi đều là bất toàn, một trong những yếu tính mà, làm người dường không ai tránh được!

 

Riêng với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, một trong những bức tường ngôi nhà đời sống cá nhân của ông, không được hình thành bằng những viên gạch bất toàn! Oan nghiệt thay, nó được xây dựng bằng những viên gạch thảm kịch trớ trêu. Định mệnh. Thứ định mệnh tai quái thường dành cho những bậc tài hoa. Như thể đó là tổng số tiền lời tính trên phân lời quá cao mà, cá nhân đó mặc nhiên phải trả cho phần tư hữu mang tên tài hoa hơn người của họ.

 

Tôi dùng hai chữ “mặc nhiên” bởi tôi cho rằng, họ Phạm không hề muốn “vay,” càng không có chủ tâm chiếm hữu một sản nghiệp tinh thần đồ sộ, mang tên âm nhạc!

 

Tôi vẫn nghĩ, Phạm Đình Chương đến với âm nhạc, tự nhiên như sự có mặt của ông trong cuộc đời này.

 

Ở tuổi mười tám tuổi, với lồng ngực thanh niên, náo nức nhựa sống, khi ông hối hả ghi xuống những dòng nhạc đầu tiên của ca khúc “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng” - - Cũng như ở tuổi mới chớm ngoài sáu mươi, khi ông mệt mỏi, buồn bã đứng lên - - Đặt cây bút xuống - - Lặng lẽ rời khỏi chiếc dương cầm của mình đặt ở phòng khách, ngôi nhà chung cư đường số 23rd, Westmninster - - Lúc ông mỉm cười chia tay nốt nhạc cuối cùng của ca khúc “Quê Hương Là Người Đó”(4) - - Để từ đó, nó bắt đầu sự sống trên đôi chân chính nó - - Trước, sau tôi không nghĩ, ông tự nguyện ký giấy vay bất cứ một khoản tiền lớn, nhỏ nào với định mệnh.

 

Nhưng, định mệnh vẫn tìm ông, để đòi. Nhưng, cay nghiệt vẫn tìm ông để phô diễn tính đố kỵ muôn đời của nó. Đó là những ngày tháng cuối thập niên (19)50.

 

Đó là một chia tay bất ngờ, không thể oan trái hơn, giữa ông và nữ ca sĩ Khánh Ngọc.

 

Thảm kịch với sức chấn động và, dư chấn dội lại dài lâu từ dư luận, thân, tâm, đã dập tắt mọi tiếng cười. Khóa chặt mọi nẻo đường dẫn tới tiếng hát.

 

“Thăng Long”’ bị chôn sống sau địa chấn.

 

Nhà văn Mai Thảo kể, rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Đình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.

 

Đó là thời gian họ Phạm sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.

 

Vẫn theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star,” thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Đình Chương đã lột xác thành kẻ khác.

 

Ông thay đổi hoàn toàn. Từ sự không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.

 

Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết “Mười Đêm Ngà Ngọc,” một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:

 

“Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng…Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười…”

 

Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, họ Phạm đã sáng tác một số ca khúc như “Nửa Hồn Thương Đau” hay “Người Đi Qua Đời Tôi,” “Khi Cuộc Tình Đã Chết”… Như một phản ứng tức khắc với phần số.

 

Sự thực dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc!

 

Nếu tính từ 1960 tới 1966 thì đó là thời gian họ Phạm viết được một số ca khúc, đến nay vẫn còn được nhiều người yêu thích, như “Mộng dưới hoa” (thơ Đinh Hùng), “Buồn Đêm Mưa” (thơ Huy Cận); “Mầu Kỷ Niệm” (ý thơ Nguyên Sa,); “Mắt Buồn” (thơ Lưu Trọng Lư) hay “Mưa Saigon Mưa Hà Nội” (viết chung với Hoàng Anh Tuấn), “Xóm Đêm” (nhạc và lời Phạm Đình Chương…

 

Sau đấy, ở hai năm kế tiếp là hai ca khúc, họ Phạm phổ hai đoạn thơ trong một bài thơ dài, nhan đề “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” của Thanh Tâm Tuyền. Hai đoạn thơ trở thành ca khúc đó, là “Bài Ngợi Ca Tình Yêu “Đêm Mầu Hồng.” Ông bị chú:

 

“Vừa viết xong (ca khúc “Đêm mầu hồng”) thì anh em mời cộng tác mở một phòng trà ca nhạc trên đường Tự Do Saigon. Bèn lấy tên bài ca đặt thành phòng trà này.” Đó là năm 1968. (05)

 

Còn những ca khúc như “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần dạ Từ) và “KhiCuộc Tình Đã Chết” (Thơ Du Tử Lê) đều được họ Phạm soạn thành ca khúc năm 1969. Và, một năm sau, tức năm 1970, mới là “Nửa Hồn Thương Đau,” (Nhạc và lời của Phạm Đình Chương.)

 

Trong tuyển tập “Mộng Dưới Hoa,” trang 14, tác giả ghi:

 

Viết xong (Nửa Hồn Thương Đau) năm 1970, tại Đêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của anh Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất. Đoạn cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến.” (06)

 

Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa Hồn Thương Đau lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết:

 

“Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim chi phim “Chân Trời Tím,” Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa Hồn Thương Đau không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần “coda” tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc… Nghĩ thời hạn “nộp bài” còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm Mầu Hồng’ đòi nợ! Bảo, mọi chuyện đã sẵn sàng. Ê kíp quay đã ‘bấm máy’. Chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi, tối đa, hai ngày! Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao, khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi, lại có bài ‘Lệ Đá Xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa Hồn Thương Đau,’ thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và, tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…”

 

Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của họ Phạm, kể từ cuối thập niên (19)50 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán… Mà trái lại.

 

Như khi ông phổ nhạc bài thơ “Một Mùa Đông” của Lưu Trọng Lư - - Với tựa mới là “Mắt Buồn” thì, ca từ “nặng” nhất trong ca khúc này, cũng chỉ là “Đôi mắt em lặng buồn/ nhìn nhau mà lệ ứa/ một ngày một cách xa/ một ngày một cách xa…” Hoặc tin tưởng (hy vọng) một cuộc sống bớt “đìu hiu” trong những ngày “sống thêm,” như: “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm/ ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm/ mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm/ đẹp kiếp sống thêm/ màn đêm tịch liêu/ xa nghe ai thoáng ru câu mến trìu/ nghe không gian tiếng yêu thương nhiều/ hứa cho đời thôi đìu hiu.” (Trích “Xóm Đêm.”)

 

Ngay với ca khúc tựa đề “NgườiĐi Qua Đời Tôi” thì họ Phạm cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh/ không nhớ gì sao em?”

 

Hoặc ca khúc có nhan đề khá “dữ dằn” là “Khi Cuộc Tình Đã Chết” thì họ Phạm cũng chỉ chọn những câu thơ “nặng nề” nhất là: “Khi cuộc tình đã chết còn mắt nào cho nguôi/ đời đã đành chia đôi…” Phản ảnh tinh thần chấp nhận, không than oán. Không trách cứ.

 

Ngay ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và, đề quyết rằng, họ Phạm viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông thì, “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình- với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh: “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau/ ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau/ hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?/ Anh ở đâu?/ Em ở đâu?” (Lời hoàn toàn của Phạm Đình Chương.)

 

Tuyệt nhiên, người ta không thể tìm thấy trong ca từ của ông, những gào thét kiểu “Giết người đi!/ Giết người đi!/ Giết người trong mộng đã bội thề/ Giết người đi! Giết người đi!/ Giết người quên tình nghĩa phu thê…” như ca khúc “Giết Người Trong Mộng,” thơ Hàn Mặc Tử, nhạc Phạm Duy.

 

Những ca từ nêu trên, đã cho thấy, đã phản ảnh trung thực tính nhân ái, lòng bao dung, độ lượng của họ Phạm.

 

Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.

 

 

Thơ phổ nhạc và tính lương thiện của nhạc sĩ Phạm Đình Chương,

 

Trong một bài viết cách đây khá lâu, tôi đã nhấn mạnh tới một tương tác đẹp đẽ giữa thơ và nhạc; như một gắn bó hữu cơ giữa hai bộ môn này. Nó giúp gia tăng sự giầu có, ý nghĩa và hạnh phúc trong kỷ niệm cho nền tân nhạc miền Nam, 20 năm.

 

Trong bài viết đó, tôi cũng có viết, đa số các nhạc sĩ của chúng ta, trong đời sáng tác của họ, ít, nhiều, cũng đã có lần tìm đến với thơ, như tìm đến với một người tình lý tưởng - - Dù cho sự tìm đến đó, là thành công hay thất bại! Những người nhạc sĩ đến với thơ này, cũng giống như hầu hết các thi sĩ sớm, hay muộn đã tìm về với Lục Bát (một thể thơ đặc thù của văn học Việt.)

 

Nhưng, nói như thế, không có nghĩa, tất cả các nhạc sĩ chỉ có một con đường duy nhất đến thơ. Vì thi ca Việt Nam như một cánh rừng già; đồng thời cũng có thể là biển cả hay vực sâu…Cho nên lịch sử thi ca Việt Nam hàng nghìn năm, đã mang đến cho người đọc (trong đó, có nhạc sĩ) những lựa chọn ứng hợp với cảm thức, trình độ thưởng ngoạn hay, mục tiêu nhắm tới của mỗi cá nhân. Có nhạc sĩ tìm đến với thi ca, như một lối thoát cho những bế tắc cảm hứng. Có những nhạc sĩ đến với thi ca, như đến với một người-tình-chung-của-văn-học. Và, dĩ nhiên, cũng có những nhạc sĩ tìm đến với một loại thơ nào đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn dễ dãi hay thị hiếu của đám đông.

 

Cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương ở trường hợp thứ hai. Trường hợp của những nhạc sĩ tìm đến với thi ca, như sự tìm đến với người-tình-chung- của-văn-học.

 

Cụ thể ở những năm giữa thập niên (19)60, khi thơ Thanh Tâm Tuyền còn là một dị ứng lớn với đa số người thưởng ngoạn thì, họ Phạm đã chọn thơ ông để soạn thành ca khúc. (7)

 

Ông cũng là một trong vài nhạc sĩ đầu tiên, phá vỡ thành kiến cho rằng thơ tự do không thể phổ nhạc được. Chẳng những vì số chữ không đều của mỗi câu thơ mà các nhạc sĩ còn e ngại sự thiếu thi tính(?) của loại thơ đó nữa.

 

Như ca khúc “Bài ngợi ca tình yêu” của Phạm Đình Chương đã dùng gần hết phân đoạn thứ nhất của bài thơ dài, 4 đoạn của Thanh Tâm Tuyền:

 

Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão/ Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai/ Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai/ Tìm cánh tay nước biển/ Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi/ Đất nước có một lần tôi ghì đau thương trong thân thể/ Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn/ Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường  Hút chặt mười ngón tay, ngón chân da thịt/ Như người yêu, như người yêu từ chối vùng vằng/ Những giòng sông, những đường cày, núi nhọn những biệt ly/ những biệt ly rạn nứt lòng đường…” (Sđd.)


Cũng vậy, với ca khúc “Đêm màu hồng,” họ Phạm cũng lấy gần như nguyên văn, ¾ của phân đoạn thứ 3, bài thơ Thanh Tâm Tuyền vừa kể trên:

 

“Em gối đầu sương xuống chuyện trò bằng bóng mình/ Em gối đầu sương xuống tôi đẹp bóng hình tôi/ Như cuộc đời, như cuộc đời, như mọi người, như chút thôi, như chút thôi/ Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát/ Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương/ Em là cánh hoa, là khói sóng/ Đêm màu hồng/ Vòng tay, vòng tay dĩ vãng/ Vòng tay, vòng tay bát ngát/ Chốn yên nghỉ cuối cùng/ Dưới mắt sao, dưới bàn chân những đứa con…”(Sđd.)

 

Ngoài ra, họ Phạm cũng là người đầu tiên có sáng kiến dùng hai bài thơ của một thi sĩ để hoàn tất một ca khúc phổ thơ của thi sĩ ấy. Đó là ca khúc “Đôi Mắt Người Sơn Tây” thơ Quang Dũng.(8)

 

Bất cứ ai, nếu đọc kỹ thơ Quang Dũng, sẽ dễ dàng nhận ra rằng, đoạn đầu của ca khúc này là 4 câu thơ của cố thi sĩ Quang Dũng, trích từ bài thơ nhan đề “Đôi bờ”:

 

“Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ sông xa từng lớp lớp mưa dài/ mắt em xưa có sầu cô quạnh/ khi chớm thu về một sớm mai.”

 

Nhưng ngay sau đoạn “intro.”, họ Phạm lại dùng các đoạn thứ 5, 6, 7 và 8 của bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng để viết tiếp và kết thúc ca khúc ấy. Phần tiếp, được họ Phạm bắt đầu với câu “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc…” Và chấm dứt bằng câu “Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta.”(Sđd.)

 

Sáng kiến của Phạm Đình Chương sau đấy, đã được một số nhạc sĩ ứng dụng. Thí dụ nhạc sĩ Đăng Khánh qua ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi” - - Vốn là hai bài thơ khác nhau của Du Tử Lê.

 

Là tác giả của nhiều ca khúc phổ từ thơ nổi tiếng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương được ghi nhận có biệt tài giữ nguyên lời mà ca sĩ không bị “trẹo” lưỡi khiến người nghe “nhận” được một…chữ khác, như thường xẩy ra nơi một số nhạc sĩ khác. Thí dụ có những chữ như “tình” không “ăn” được với nốt nhạc, ca sĩ có thể sẽ hát thành “tính” hay “tĩnh!” Chữ “sẻ” sẽ biến thành “sẽ” hoặc “sẹ”…Điển hình như trong ca khúc “Mộng Dưới Hoa” thơ Đinh Hùng, có một chữ rất “đắt” là chữ “lả” trong câu “mắt em lả bóng dừa hoang dại” - - Khi vào nhạc Phạm Đình Chương, ca sĩ không bị “trẹo” lưỡi, hát thành “” hay “lạ.” Chỉ một đôi trường hợp đặc biệt lắm, họ Phạm mới buộc phải thay chữ để tránh sự hiểu lầm tai hại nơi người nghe. Thí dụ khi phổ nhạc bài “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển,” có câu “Vùi đất lạ thịt xương e khó rã…” - - Ông đã đổi thành “Vùi đất lạ thịt xương không tan biến…” Ông nói:

 

“Nếu giữ nguyên, khi ca sĩ hát, nó sẽ thành ‘Vùi đất lạ thịt xương e kho giá…”

 

Ghi nhận về vị trí hay tương quan giữa cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương với nền thi ca Việt Nam miền Nam, hai mươi năm, tác giả Nguyễn Việt trong một bài viết được lưu trữ bởi trang mạng Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), ông viết: “Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng), Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội & thơ Hoàng Anh Tuấn), Nửa Hồn Thương Đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê).”


Nhưng trên tất cả, theo tôi, vẫn là tinh thần tự trọng đáng ghi nhớ của họ Phạm trong lãnh vực phổ nhạc thơ. Bởi vì, trong sinh hoạt thơ và nhạc của 20 năm nghệ thuật miền Nam, đã có không ít những nhạc sĩ thiếu tự trọng, rơi vào một trong 3 (hoặc cả 3) trường hợp sau đây:

 

1-Dựa theo ý thơ của một bài thơ nào đó để soạn thành ca khúc, nhưng những nhạc sĩ này cố tình không ghi xuất xứ!

 

2-Khi trình bày hay giới thiệu một ca khúc vốn là thơ của một nhà thơ nào đó, những nhạc sĩ này có thói quen không bao giờ nhắc tới tên nhà thơ!

 

3-Lấy nguyên bài thơ của một nhà thơ để soạn thành ca khúc, nhưng khi phổ biến, những nhạc sĩ này không ghi tên nhà thơ. Họ chỉ điều chỉnh, hay “nói lại” khi bị dư luận, báo chí phanh phui!

 

Tựu trung, đó là những tính thiếu lương thiện hay, những vết mực đen hoen ố, đáng tiếc trong sinh hoạt thơ và nhạc của 20 năm nghệ thuật miền Nam.

 

Nhưng, cho tới ngày từ trần, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều không có mặt trong cả 3 trường hợp vừa nêu. Họ Phạm thận trọng và tự trọng tới mức, khi ông chỉ dùng 2 câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, ở phần Coda của bài “Nửa Hồn Thương Đau,” ông cũng đã ghi “Ý thơ Thanh Tâm Tuyền,” ngay dưới tựa đề; chưa kể thêm phần bị chú ở cuối bài. (Sđd.)

 

Cũng vậy, ngay dưới nhan đề ca khúc “Màu Kỷ Niệm,” Phạm Đình Chương ghi “Ý thơ Nguyên Sa.” Cuối bài, ông lại bị chú thêm:

 

“Viết trong thập niên 60. Cảm hứng từ thơ Nguyên Sa: ‘Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ áo nàng xanh anh mến lá sân trường/ sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ anh thay mực cho vừa màu áo tím.’ Bốn câu thơ trên trích từ bài Tuổi Mười Ba của ông.” (Sđd.)

 

Trong một bài nói chuyện về thơ phổ nhạc, ký giả Lê Văn, nguyên Chủ biên phần Việt ngữ đài VOA kể, năm 1985, trong họp mặt thân hữu ở Hoa Thịnh Đốn, tác giả “Nửa Hồn Thương Đau” khoe với ông rằng:

 

" ‘Moa vừa phổ nhạc được 1 bài thơ của Du Tử Lê. Thú lắm, để moa hát cho mà nghe.’ Anh ngồi vào piano, đã định hát nhưng trông thấy Quỳnh Giao có mặt ở đó, anh bèn gọi Quỳnh Giao đến và đưa cho cô bản nhạc chép tay của anh. Quỳnh Giao vốn là cô giáo dạy nhạc nên chỉ nhẩm qua một chút là hát được liền, và cô hát rất hay. Đó là bài "Đêm, Nhớ Trăng Saigon." (9)

 

Nói cách khác, chẳng những không che dấu mà, còn cho thấy ông rất vui khi phổ nhạc một bài thơ. Nên không bao giờ ông quên nhắc tới tác giả bài thơ mỗi khi giới thiệu, trình bày hoặc in trên giấy!

 

Tóm lại, tính lương thiện của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, trong một chừng mực nào đó, đã cho thấy tính văn hóa rất cao của nhạc sĩ miền Nam, mà, ông là một người trong số đó.

 

 

Ca khúc “Ly Rượu Mừng” phẩm-vật-tinh-thần trong truyền thống Tết Việt Nam,

 

Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ. Vì từ ngày bắt đầu sáng tác, ở tuổi 17, tới ngày từ trần, ở tuổi 62, cuộc trường chinh âm nhạc của họ Phạm là, những ngọn cờ đã cắm được trên nhiều đỉnh cao nghệ thuật.

 

Khởi đầu với những ca khúc lấp lánh tin yêu lồng ngực tuổi trẻ, Phạm Đình Chương đi lần tới những ca khúc mang nhiều tính hiện thực, như “Tiếng Dân Chài,” “Được Mùa,” hoặc đất nước, ca dao như “Anh Đi Chiến Dịch,” “Lá Thư Người Chiến Sĩ,” “Khúc Giao Duyên,” “Mười Thương”… Và, dĩ nhiên, tình ca, một đỉnh ngọn cao ngất khác của ông.

 

Dù ở núi non âm nhạc nào, ca từ Phạm Đình Chương cũng đều thấm đẫm thi tính. Ngay tự những ca khúc thời khởi đầu sự nghiệp, khi chỉ mới 17, 18 tuổi, người ta đã thấy ông như một thi sĩ, viết lời cho ca khúc của mình.

 

Thí dụ: “Bình minh xuyên qua khe núi (ú u ú u)/ Nguồn vui leo tia nắng đây rồi/ đem hơi ấm cho đời  trẻ như đôi mươi.” (Sáng rừng) Hay: “Có suối uốn thân ven chân núi ngân/ hòa câu sơn nữ hát mong tình quân” (Đất Lành)…

 

Sau này, chúng ta có: “Em ơi đừng khóc sầu chia ly/ vì lệ tuôn rơi làm héo xuân thì/ dù đêm sâu như hồn chúng mình” (Đêm cuối cùng). Hay: “Ai chia tay ai đầu xóm vắng im lìm/ Ai rung lên tia mắt ngàn câu êm đềm/ Mong sao cho duyên nghèo mai nắng reo thềm/ Đẹp kiếp sống thêm” (Xóm đêm). Hoặc nữa: “Chiều nay nước xuôi dòng đại dương có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn. Vẩnnắng quái vươn trên phù sa có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá.” (Hội Trùng Dương/ Tiếng sông Hồng). Hay: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương giang, đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ, bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.” (Hội Trùng Dương/ Tiếng sông Hương) v.v…

 

Riêng với ca khúc “Xóm Đêm,” tôi nghĩ, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ hiển lộng bản chất thi sĩ, ông còn cho thấy khía cạnh nhà văn, hiểu theo nghĩa quan sát, ghi nhận một cách nhậy bén những chi tiết mà người bình thường (thậm chí một nhà văn tầm tầm…) khó thể nhận ra.

 

Nói chung, “Xóm Đêm” như tên gọi, vốn là cảnh đìu hiu của một khu lao động. Ở điểm này, Phạm Đình Chương không phải là nhạc sĩ duy nhất viết về sự nghèo khó hay, khốn khổ của giai tầng lao động. Trước và sau ông, có nhiều nhạc sĩ đã, vẫn và sẽ còn khai thác đề tài ấy.

 

Tuy nhiên, dù cho đó là những ca khúc viết về đời nghèo, kiếp nghèo, số hoặc phận nghèo thì, đa số ca từ của những ca khúc này, thường rơi vào một trong hai trường hợp: Hoặc thậm xưng tức, cực tả cảnh nghèo. Hoặc thô thiển với những hình ảnh, ghi nhận hời hợt. Có thể, do nơi các tác giả kia, chỉ đề cập tới cái nghèo như một phông, nền cho chủ tâm khác. Nên chúng dễ mang tính trừu tượng, lãng mạn, chứ không phản ảnh một nét thực trạng nào của cảnh đời.

 

Căn bản ca khúc “Xóm Đêm” là một tình ca, một tình ca xiển dương thương yêu (hay tin yêu), nơi bản chất thiện lương của con người dù ở hoàn cảnh nào, y cứ trên tính chung thủy - - Nhưng, nghe kỹ, trong “Xóm Đêm” của họ Phạm có một cụm từ, chỉ 5 chữ thôi, ông đã vẽ lại (bằng ca từ và nốt nhạc) một trong những nét tiêu biểu nhất của sinh hoạt xóm nghèo. Đó là câu “Hắt hiu vàng ánh điện câu,” nằm trong đoạn nhạc mở đầu: “Đường về canh thâu/ đêm khuya ngõ sâu như không màu/ qua phên vênh có bao mái đầu/ hắt hiu vàng ánh điện câu…”

 

Ở cụm từ “qua phên vênh,” chữ vênh” là chữ “đắt” nhất - - Nó không chỉ mang tính tượng hình (vật chất) mà, nhờ sự vênh = cong, hé mở, chúng ta được dẫn tới hình ảnh kế tiếp: “có bao nhiêu mái đầu” (con người) - - Một hình thức ảnh-dẫn hay thông-ngữ - - (Chữ dùng trong lãnh vực thi ca về phương diện kỹ thuật) - - Cho thấy họ Phạm đã là một diệu-thủ. Mặc dù, tôi không loại bỏ trường hợp khi viết xuống, tác giả không hề có chủ tâm như tôi vừa trình bày.

 

Trường hợp này, chúng ta vẫn có thể dùng một trong những định nghĩa về thiên tài: Người tình cờ “bắt được” những điều mang ý nghĩa to lớn hay đơn giản, nhỏ bé mà, người khác không “bắt được!”

 

Nhưng khi chuyển từ ngữ-cảnh “qua phên vênh có bao mái đầu” tới “hắt hiu vàng ánh điện câu,” theo tôi, cả một thực tại xóm nghèo, đã được họ Phạm ghi khắc bằng những nhát búa cuối cùng, hoàn tất bức tượng ba chiều của cảnh đời hiu hắt này.

 

Ở đây, tôi xin mở một dấu ngoặc, để bạn đọc sinh trưởng ngoài Việt Nam hiểu rằng, tại những nước chậm tiến (như Việt Nam, nhất là những xóm nghèo), không phải ai cũng có được cho gia đình mình một đường giây điện riêng. Muốn có điện dùng, người nghèo phải dùng giây câu điện từ những nhà có đường giây điện chính. Vì thế, dòng điện trở nên quá yếu. Những ngọn đèn vẫn sáng lên, nhưng nó cũng chỉ có thể cho những gia đình này, một thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt!…

 

Tuy nhiên, tài hoa của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương không dừng ở “Xóm Đêm.” Đỉnh cao nhạc thuật của ông được thời gian đánh giá, ghi nhận, qua trường ca bất tử “Hội Trùng Dương,” và ca khúc “Ly Rượu Mừng.”

 

Với tôi, trường ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương là bức tranh toàn cảnh Việt Nam nghìn đời, với tất cả nét đẹp của phong tục, tập quán, truyền thống dùm bọc, thương yêu…được ông mượn hình ảnh 3 con sông của ba miền, chảy trôi trên nền dân ca từng phần đất nước; trước khi chúng nắm tay nhau, cùng chảy ra biển lớn.

 

Vẫn theo cảm nhận của tôi thì, trường ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương còn tàng-ẩn ý nghĩa hợp nhất, chấm dứt cuộc phân ly, đoạn bào theo huyền sử trăm con của Việt tộc, với 50 con lên núi, 50 con xuống biển nữa. Phải chăng, đó là tính vĩ đại của trường ca này?

 

Dù vậy, cũng ở trường ca vừa kể, tôi biết có người đã đặt vấn đề:

 

-Nơi đoạn thứ hai “Tiếng Sông Hương” của trường ca, có câu: “Ngày vui tan đao binh, mẹ bồng con sơ sinh, chiều đầu xóm, xôn xao đón người trường chinh, là một khuyết điểm lớn, không thể chấp nhận được! Số người này lý luận rằng, khi tác giả tả người chồng đi lính lâu năm (trường chinh), người vợ ở nhà, thủy chung chờ chồng thì, không thể có con mới đẻ (sơ sinh). Trừ phi…ngoại tình!

 

Tới giờ, tôi vẫn còn kinh ngạc trước cái gọi là “khám phá” người phát ngôn kia! Họ đã không phân biệt được hiện thực trong văn nghệ, không hề là hiện thực trong đời thường!

 

Theo tôi, một sự thực trăm phần trăm trong đời thường, khi được thi sĩ, nhạc sĩ… mang vào văn bản, sáng tác của họ, lập tức, nó không còn là sự thực “nguyên mẫu.” Nó đã bị khúc xạ. Tôi muốn gọi đó là sự-thực-khúc-xạ. Cách khác, chúng ta luôn có nhiều hơn một sự thật. Nhất là với văn học, nghệ thuật, Huống hồ chi, hình ảnh người vợ bồng con sơ sinh, đón chồng chinh chiến trở về, trong trường ca “Hội Trùng Dương” chỉ có tính biểu tượng (symbolization). Một biểu tượng đoàn viên. Gia đình. Hạnh phúc.

 

Tôi không nghĩ, một người có trình độ hiểu biết trung bình nào, lại đi tìm tính xác thực trong Chinh Phụ Ngâm Khúc,” hay “Đoạn Trường Tân Thanh…” Tôi cũng không nghĩ, một người chưa mất trí nào, lại đi đo đếm độ chân xác trong “Thơ say” của Vũ Hoàng Chương, “Lửa Thiêng” của Huy Cận, “Mê Hồn Ca” của Đinh Hùng, hoặc “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương…

 

Trở lại ca khúc “Ly Rượu Mừng” ở tỷ lệ (scale) nhỏ hơn, ca khúc này theo tôi, đã như một phẩm-vật-tinh-thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ Xuân về. Vẫn theo tôi, đó là “ly rượu” đất nước gấm hoa, “ly rượu” tổ quốc độc lập, “ly rượu” ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho “anh nông phu,” “người thương gia,” “người công nhân,” qua tới “người chiến sĩ,” “bà mẹ già,” “đôi uyên ương” “người nghệ sĩ”…Một phân chia bình đẳng, đồng đều cho mọi tầng lớp. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, người ta có thể tìm thấy đặc tính phân biệt giai cấp ở nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng Việt Nam thì không.

 

Nếu nhớ lại câu ca dao “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ,” ta sẽ thấy mọi cố tình phân chia giai cấp trong xã hội Việt Nam, là một áp đặt kiên cưỡng, trá ngụy theo mô hình xã hội tây phương. Và, người chỉ ra sự cưỡng chế vừa kể, chính là Phạm Đình Chương, tác giả “Ly Rượu Mừng” vậy.

 

Với thời gian, một số tục lệ đón mừng Nguyên Đán của chúng ta, có thể đã hay sẽ phải thay đổi. Như chúng ta đang bỏ dần tục “xông đất” đầu năm. Như nhiều gia đình người Việt ở hải ngoại, vì lý do gia cư, đã bắt đầu “thắp” những nén nhang điện (không mùi hương); đốt những giây pháo điện (không xác pháo)… Nhưng, ca khúc “Ly Rượu Mừng” tôi tin, sẽ còn, mãi còn như một phẩm-vật-tinh-thần không thể thiếu của tập thể ta, mỗi mùa xuân về.

 

Bởi vì, đó là “ly rượu… mừng!” Ly rượu tâm thức. Chúng ta không chỉ cùng nhau nâng cao ly rượu ấy, những dịp mừng Xuân - - Mà, chúng ta còn có thể chia nhau ly rượu tâm thức này, bất cứ lúc nào; khi hoan lạc mỉm cười với chúng ta.

 

Rất mong, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ở đâu đó trong cõi vô hình, hiểu rằng, chúng tôi đã tiếp nhận một ca khúc của ông, như thế!

 

Du Tử Lê,

(May 9-2011)

______

Chú thích:

(1): Người vợ đầu của cụ Phạm Đình Phụng sinh được hai người con là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Nghệ sĩ Phạm Đình Sỹ có vợ là kịch sĩ Kiều Hạnh là thân phụ của nữ ca sĩ Mai Hương, hiện cư ngụ tại miền Nam California. Riêng ông Phạm Đình Viêm tức ca sĩ Hoài Trung (1920-2002), giọng ca nam của Ban Hợp Ca Thăng Long. Ca sĩ Hoài Trung có tài giả tiếng ngựa hí, đánh lưỡi, giả tiếng vó ngựa qua ca khúc “Ngựa phi đường xa” của Lê Yên, cùng nhiều “side effect” nhân tạo khác. Ngoài giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm của mình, những tài riêng vừa kể của Hoài Trung, đã phần nào góp thêm sự thành công cho Ban Thăng Long.

(2) Tuyển tập “Mười bài ngợi ca tình yêu” do nhà Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản tại Saigon, với tựa của cố nhà văn Mai Thảo, nhà Hiện Đại tổng phát hành. Không phải do phòng trà “Đêm mầu hồng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương ấn hành, như một vài tài liệu đã phổ biến.

(3): Ca sĩ Trần Văn Trạch tên thật là Trần Quang Trạch, sinh năm 1924 tại Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông nổi tiếng với những ca khúc vui tươi; nhất là bài "Sổ số kiến thiết quốc gia" trước tháng 4-1975 ở miền Nam. Năm 1977 ông định cư tại Pháp và, mất tại đây, năm 1994. (Theo Wikipedia.)

(4) “Quê hương là người đó,” thơ Du Tử Lê. Xem thêm tuyển tập “Mộng Dưới Hoa - 20 bài thơ phổ của Phạm Đình Chương,” do Vincent & Company ấn hành tại California, USA, 1990. Tới ngày mất, người ta thấy trên nắp chiếc dương cầm của họ Phạm, một số sáng tác ở dạng dang dở.

(5) Sđd., trang 18

(6) Sđd.

(7) Nhà văn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An. Ông là thành viên nòng cốt của nhóm Sáng Tạo. Ông từ trần ngày 22 tháng 3 năm 2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.

(8) Theo Wikipedia thì nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm. Ông sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội.) Ngoài tài làm thơ, ông còn được biết đến như một họa sĩ và nhạc sĩ nữa. Bị trù dập sau vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, ông chết âm thầm ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại Hà Nội.

(9) Lê Văn, “Hứng nhạc trong thơ DTL,” trang nhà dutule.com (Cột mục “Ghi nhận từ bằng hữu”.)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31734)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,