Thanh Bình

23 Tháng Giêng 20223:49 CH(Xem: 1404)
Thanh Bình

Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình!

Trong sinh hoạt VHNT miền Nam 20 năm, dường như chỉ có một tác giả là nhà văn, trước khi trở thành nhạc sĩ, đó là nhạc sĩ Thanh Bình.

thanhbinh_01_w-content
Nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết (Hình Bạch Mai)

Nhắc tới hai chữ “Thanh Bình”, có thể nhiều người không biết đó là ai? Làm gì? Nhưng nếu những người này được nghe lại một vài khúc nhạc, đẹp từ giai điệu tới ca từ của ông, nhiều phần họ sẽ nhận ra, đó là những ca khúc họ đã nghe qua, thậm chí đã ở lại và, từng hát thầm, hoặc hát theo ca sĩ. Như:

“… Con đường mình đi sao chông gai
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi! Em ơi! Sao đắng cay
Thôi dành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi”.


(Thanh Bình, trích “Tình Lỡ” (1)

Hoặc:

“Nghe như mùi hương xưa từ quá khứ đưa về
Lâng lâng hồn bay đi, lùi về xa dĩ vãng
Hay người xưa trong nắng thấy thu vàng mênh mông
Lá đò qua sông vắng mây mù trong mắt trong.

“Bao nhiêu thời gian qua đường nét đã phai mờ
Ôi bóng hình xa xưa chỉ còn trong quá khứ
Lâu rồi nhưng vẫn nhớ vẫn rong hồn bơ vơ
Cánh hồng bay theo gió chết đi còn tương tư…”


(Thanh bình, trích “Tiếc một người”.(2)

Hoặc nữa:

“Những nẻo đường về đâu?
Bóng chiều chậm rơi bờ lúa nương dâu
Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi những nẻo đường về đâu?”


(Thanh Bình, trích “Những nẻo đường Việt Nam”).

Chẳng những có nhiều người không biết Thanh Bình là tác giả của những ca khúc vừa kể mà, đôi người viết về ông, cũng không biết rõ tiểu sử ông. Có người biết trước khi trở thành nhạc sĩ, Thanh Bình từng là một nhà văn khi còn rất trẻ. Nhưng những người này cũng không biết, ông có tác phẩm gì? Đã từng cộng tác với báo nào?

Phải đợi tới gần đây, đầu tháng Giêng 2014 vừa qua, bằng vào một bài viết từ lòng trân quý của nữ ca sĩ Ánh Tuyết, dành cho lớp nhạc sĩ đàn anh đi trước, lúc đó, người ta mới có được những hiểu biết cần thiết và cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa, nhưng bất hạnh vào cuối đời này.

Nữ ca sĩ Ánh Tuyết, trong bài viết của cô, cho biết:

“Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, nguyên quán Bắc Ninh. Mồ côi mẹ khoảng 10 hay 11 tuổi sau vài năm cha mất. Ông có một chị và hai em gái. Nay chị và em gái út đã mất, còn cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc gì. Năm 19-20 tuổi ông viết truyện dài Gió dập mưa vùi, Mình còn trẻ lắm. Khoảng 1952-1953, ông viết truyện ngắn và đưa tin văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo: Tia Sáng, Liên Hiệp, Tin Sớm, Bình Minh, Văn Nghệ... với bút danh Thanh Bình. Nhạc sĩ Phó Quốc Thăng là cậu ruột của ông nhưng ông lại say mê cảm hứng học nhạc từ giáo sư âm nhạc Phạm Sửu tại Thanh Hóa. Từ năm 1950-1954, ông xuôi ngược các vùng miền Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sầm Sơn, Hà Nội rồi sau đó vào Nam…” (Wikipedia - Tiếng Việt)

Bước vào nội dung chính của bài viết, ca sĩ Ánh Tuyết phác họa những đóng góp tinh thần của tác giả “Tình Lỡ”, khiến nhiều người trong chúng ta mắc nợ nhạc sĩ Thanh Bình một món nợ tinh thần lớn. Ca sĩ Ánh Tuyết nghiêm chỉnh đặt câu hỏi: “Đã mấy ai? Ngay cả các ca sĩ nổi danh, từng hái ra tiền nhờ hát những ca khúc của Thanh Bình, còn nhớ hay thoáng nghĩ về người nhạc sĩ đó?”

Trong chúng ta, những người từng mắc một món nợ tình thần với nhạc sĩ Thanh Bình, trước 1975, vốn đã biết rất ít về ông! Thì sau biến cố tháng 4-1975, chúng ta lại càng không biết gì về những khốn đốn, ngặt nghèo mà tác giả “Tiếc một người” đã và đang trải qua, nếu không có bài viết của ca sĩ Ánh Tuyết.

Người nữ ca sĩ nổi tiếng với bộ video nhạc Văn Cao nói riêng, nhạc tiền chiến nói chung, hiện ở Saigòn ghi nhận:

“…Các tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Bình được ông viết bằng cả tình yêu ngọt ngào, dung dị của hồn quê, tình yêu thương sâu sắc quê hương đất nước mình, với những cảm xúc đầu đời hồn nhiên của chàng trai lãng mạn, đau đến tận cùng những mối tình đã lỡ...

“Chỉ vậy thôi nhưng cũng quá đủ để đong đầy tình người hâm mộ dành cho ông. Âm nhạc của ông thật gần gũi với tâm tư tình cảm, đời sống con người qua các ca khúc mà ông đã âm thầm góp phần trong gia tài âm nhạc Việt Nam.



Sáng tác đầutay của ông là ‘Những nẻo đường Việt Nam’ - viết từ tình yêu quê hương đất nước khi ông còn đang ở xứ Thanh: Những nẻo đường Việt Nam. Suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan. Ôi những nẻo đường Việt Nam. Ơ! Ta đắp đường làng ta. Nhắn ai đi, xin chớ quên quê nhà. Con đường về thôn vui quá! Tiếp đó, ‘Lá thư về làng’ cũng viết từ Thanh Hóa đã khiến bà con từ làng Thanh kéo đến thăm ông sau khi nghe Lá thư về làng qua làn sóng phát thanh của Pháp thời ấy. Với lời ca chân chất, cách dùng từ mộc mạc, cùng giai cảm đơn thuần nhẹ nhàng luyến thương sâu sắc, sao mà không đi thăm ông cho được: ‘Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng. Sắt son gửi trong mấy hàng. Thăm bà con dãi dầu năm tháng’... Hay một bức tranh quê rất Việt: ‘Em thơ ơi! Có còn học hành sớm tối? Áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười. Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi...’

“Ông có hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đáng nhớ đã lần lượt ra đời trong những thập niên 1950, 1960 và 1970 của thế kỷ trước như: Tiếc một người, Chiều vàng trên sóng, Còn nhớ hay quên, Đừng đến rồi đi, Gặp gỡ duyên nhau, Hợp đoàn mà ca lên, Mưa qua sông, Kẻ ở (thơ Quang Dũng), Bông súng đồng quê, Thương nhau hát lý qua cầu...

“Nổi tiếng nhất vẫn là ‘Tình lỡ’ - bản tình ca đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất cao tiếng hát chinh phục trái tim khán giả mộ điệu, đã biết bao nước mắt, nụ cười xúc cảm theo lời ca. Cái thời khắc phân ly kẻ đi người ở đã để lại cho đời một tác phẩm mà mãi đến bây giờ hầu như ai ai cũng biết, cũng nghêu ngao thấm thía đến từng từ của cái phận đời đen bạc:

“Thôi rồi, còn chi đâu em ơi!
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay,
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người! Bỏ ta trong mưa bay
Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha”...


“Bài hát ông viết cho chính cuộc đời mình và cho một cuộc tình đẹp không phần kết. Họ lạc nhau khi đất nước chia cắt để rồi trọn đời ly biệt. Nhưng cuộc tình ấy, người con gái ấy đã theo đuổi nỗi nhớ trong ông đến tận bây giờ…” (4)

thanhbinh_02-content

Nhạc sĩ Thanh Bình thời trẻ (Hình Hà Đình Nguyên)


Nhạc sĩ Thanh Bình: Từ Bi Kịch Tình Trường, Tới Bất Hạnh Đời Thường

Tuy nhiên, căn cứ theo bài viết có từ những “phút nói thật” của nhạc sĩ Thanh Bình, dành riêng cho ca sĩ Ánh Tuyết thì, bi kịch hay bất hạnh tình trường không chỉ tìm đến một lần với chủ nhân của những ca từ chân thiết, tới nao lòng như:

Hỡi hương nào gây nhớ mới hay tình thật bền
Tình ngủ yên trong tim
Đã thấy tàn cuộc đời, còn tiếc hoài một người
Ngổn ngang tâm sự đắng (…)
Hôm qua hồn bay xa hồn đã tới bên người
Nghe dòng lệ tuôn rơi nhạt nhòa bên chăn gối
Sau cùng cơn yêu dấu vẫn hay là thương đau
Hỡi người xa xăm đó biết nhau thì xa nhau”.

(Thanh Bình, trích “Tiếc một người”) (5)

Mà, định mệnh tàn khốc vẫn đeo đẳng ông, như chiếc bóng thứ hai, tựa bất hạnh mới là con bài chủ của cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa, nhưng kém may mắn này.

Cụ thể, khi tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết, tác giả “Tình Lỡ” đã kể lại như sau:

“… Đời nghệ sĩ đưa ông lang bạt kỳ hồ. Cứ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, ra Hà Nội rồi lại vào Nam, nhưng cũng chẳng tránh khỏi phận long đong... Rồi nhiều cuộc tình dâu bể không thành. Có lần ông lại thành ‘chú rể bỏ trốn’ ngay trước giờ hôn lễ. Mãi đến năm 1973 ông mới chính thức lập gia đình với một người phụ nữ xinh đẹp, sống trong căn hộ chung cư ở đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), Q.1, Sài Gòn. Cuộc sống khá đơn sơ, sáng ông dạy lớp tiếng Anh, chiều lớp tiếng Pháp. Và có lẽ cũng hạnh phúc được vài năm. Sau năm 1975, vợ chồng ông mở quán cơm ven đường Đồng Khởi. Những tưởng đâu sẽ an lành bên vợ đẹp con xinh, nhưng rồi cũng đến lúc cơm không lành canh không ngọt. Bà đã bỏ đi khỏi nhà, bỏ lại ông khi con gái mới hơn 3 tuổi. Ông rơi vào cảnh gà trống nuôi con mọn, kinh tế túng quẫn, cuộc sống vá víu đắp đỗi qua ngày. Ông mơ hồ nói: ‘Có lẽ cô ấy đã rẽ sang bước khác, tôi không chắc cũng chẳng nhớ nữa...’.”

Khi ca sĩ Ánh Tuyết nêu câu hỏi tại sao tình trường của nhạc sĩ Thanh Bình, một con người tài hoa, phong nhã như vậy, lại có thể nổi trôi hết từ vùi dập này, tới vùi dập khác thì ông không giải thích (không muốn nhắc?), chỉ nhận lỗi về phía mình!!!

Nhưng lúc Ánh Tuyết hỏi tới đứa con gái, bị mẹ bỏ rơi khi mới 3 tuổi thì tác giả “Tiếc một người” lại nồng nàn, tựa như ông luôn khao khát, hân hoan được nói về hạt máu duy nhất có được, của đời mình:

“… Chỉ khi nhắc đến con gái thì tự nhiên ông lại nhớ, lại kể: ‘Con gái gần 40 tuổi, nó lận đận lắm, đời chồng trước thì hợp pháp nhưng không bền. Đời thứ hai thì không hôn thú nhưng cũng là chồng. Bây giờ con gái đang ở tù, vướng vào vòng lao lý của vòng đời cơ cực mà ra!... Do nó ham tiền, hùn vốn làm ăn với người ta rồi gặp xui nên mắc họa’ (…)

“Thế rồi ông lại bơ vơ. Hai cô cháu gái của ông xót xa kể: ‘Khi con gái đi tù mới khoảng một năm, ông bị bỏ rơi ở bến xe miền Đông. Ông già 81 tuổi gầy gò, ốm yếu đang mắc nhiều bệnh nguy nan với thùng quần áo cùng cái quạt máy cũ kỹ. Ông sống lây lất gần tháng trời với bánh mì hay ăn tạm miếng cháo qua ngày’. Những ngày lang thang đó, ông kể: ‘Tôi đưa chứng minh nhân dân thuê được chiếc chiếu 500 đồng / ngày, tìm đại chỗ trống ngả cái lưng, sáng ra thấy người ta cũng ngủ đông nghẹt xung quanh’.

“Cũng may còn một chút an ủi, ông còn có những người cháu gọi là cậu ruột. Họ cũng mồ côi cha mẹ. Và họ sẵn sàng đón ông về chăm lo nuôi dưỡng. Cũng gần một năm rồi, họ túm tụm đùm bọc nhau trong căn nhà chỉ 21m2 mà có tám nhân khẩu, nay lại nuôi thêm ông. Cô cháu tên Châu ngắt lời cô Phượng: ‘Cũng may qua thông báo của công an khu vực, chúng tôi biết được công an bến xe miền Đông đang giữ một ông già ngày nào cũng ôm cái quạt máy cũ đi qua đi lại nơi đây. Họ định đưa ông về trại dưỡng lão nhưng may quá có chứng minh nhân dân, họ biết địa chỉ chúng tôi. Chúng tôi xin đưa cậu về nuôi dưỡng nhưng cậu không chịu đi. Có lẽ cậu sợ bị mang đi bỏ nơi khác xa hơn, rồi không có cơ hội được gặp con gái. Cậu cứ một mực muốn tìm đường xuống trại giam để được ở gần con gái vì quá nhớ’.

“Nỗi nhớ thương con trong vô vọng. Liệu ông có đủ sức chờ đợi khi tuổi già sức yếu lắm bệnh nguy nan đeo bám, nào là tim, cao huyết áp, giờ lại thêm bệnh phổi và bệnh nghễnh ngãng... Không biết khi con gái được mãn tù, ông có còn sống để nhớ mà nhận ra con không?...” (6)

Tôi không nghĩ một người nào, có thể trả lời câu hỏi điếng lòng của ca sĩ Ánh Tuyết! Nhưng khi thuật lại đêm nhạc “Tình Lỡ” do Ánh Tuyết và một số bằng hữu nghệ sĩ tổ chức tối ngày 3 tháng 1-2014, tại phòng trà “We”, ở thành phố Saigon, ký giả Quỳnh Nguyễn trong bài tường thuật trên nhật báo Tuổi Trẻ đã có đoạn như sau:

“… Họ đến không chỉ để nghe Tình Lỡ - một bài tình ca thuộc hàng bất hủ của nhạc sĩ Thanh Bình, nghe thêm những tác phẩm ít được biết đến nhưng rất đáng nghe khác của ông và hơn hết là để quyên góp, gây quỹ gửi tiết kiệm cho vị nhạc sĩ lão thành tài năng với cuộc đời nhiều trắc trở, sóng gió.

“Gần 140 triệu đồng (trong đó có hơn 60 triệu đồng từ doanh thu và quyên góp tại đêm diễn) là số tiền mà bạn yêu nhạc, người hảo tâm đã gửi về cho ban tổ chức, ca sĩ Ánh Tuyết trong hai tuần qua, kể từ bài viết của ca sĩ Ánh Tuyết về nhạc sĩ Thanh Bình trên Tuổi Trẻ số ra ngày 22-12. Đó tuy không phải là số tiền quá lớn nhưng lại rất đáng trân quý, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của nhạc sĩ Thanh Bình - không có vợ con bên cạnh, may mắn được các cháu con người chị đã mất tìm thấy và nhận cưu mang từ đầu năm 2012 đến nay.

“81 tuổi, khá yếu vì bệnh tim và đi lại tương đối khó khăn nhưng nhạc sĩ Thanh Bình cũng đã có mặt trong đêm nhạc Tình lỡ để nói những lời tri ân khán giả. Ông run run chia sẻ: ‘Tôi rất hân hạnh và cảm động khi biết mọi người còn nhớ đến tôi và thực hiện đêm nhạc cho tôi. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe những bản nhạc của mình được hát trên sân khấu. Cảm ơn ca sĩ Ánh Tuyết đã mang đến cho tôi niềm vinh dự này, mang lại cho tôi niềm hứng khởi để tôi cảm thấy yêu đời’ (…)

“Cô Dung và cô Phượng - hai cháu gái đang sống cùng và chăm sóc cho nhạc sĩ Thanh Bình - thổ lộ: ‘Cậu chúng tôi vui lắm! Khi nghe ca sĩ Ánh Tuyết nói là sẽ thực hiện đêm nhạc của ông, ông không nói gì nhiều nhưng lòng lại rất mong chờ, chộn rộn, mong đến đêm diễn. Hôm nay khi chuẩn bị đến đây, ông cứ hỏi sắp đến giờ chưa và ông mặc đồ thế này trông có được không?’. ” (7)

Và, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một trong những ca, nhạc sĩ tham dự đêm diễn, cũng phát biểu:

“‘Những nhạc sĩ trước đây viết nhạc chỉ để giãi bày tâm sự, tình cảm của mình chứ không vì danh lợi hay để được biết đến. Người đời thấy tác phẩm hay thì hát. Và với những tác giả thì việc được người đời hát nhạc phẩm của mình đã là một nguồn động viên, một món quà rất lớn rồi. Thật sự tôi thấy ấm lòng khi được góp mặt trong đêm nhạc này, được tận mắt chứng kiến những tình cảm chân thành mà công chúng dành cho nhạc sĩ Thanh Bình và những đứa con tinh thần của ông’.” (8)

Với tôi, những giây phút “ấm lòng” đó, sẽ ở với nhạc sĩ Thanh Bình tới phút cuối đời ông. Và, người con gái duy nhất hiện còn trong lao lý, khi biết được cha cô, cuối cùng, chẳng những không bị đời lãng quên mà, còn trao tặng ông những vòng nguyệt quế rực rỡ, mang tính biết ơn thì, đó cũng là niềm hãnh diện to lớn của cô. Nó sẽ giúp cô vượt qua được, những ngày đen tối hiện tại.


Vài Ghi Nhận Về Tính Sáng Tạo Trong Ca Từ Nhạc Thanh Bình.

 

Mặc dù tài hoa của nhạc sĩ Thanh Bình đã được thực chứng qua giai điệu tha thiết, dễ đi vào lòng người và, ca từ mộc mạc, chân tình, dễ nhớ như:

Những nẻo đường Việt Nam / Suốt từ Cà Mâu thẳng tới Nam Quan / Ôi những nẻo đường Việt Nam / Ôi những nẻo đường Việt Nam…” (9)

(Thanh Bình, “Những nẻo đường Việt Nam”)

thanhbinh_03-content
Nhạc sĩ Thanh Bình (Hình: ThanhNien.com.vn)

Hoặc:

Từ miền Nam viết thư về thăm xóm làng / sắt son gửi trong mấy hàng / thăm bà con dãi dầu năm tháng / Từ Tiền Giang thương qua Đèo Cả thương sang / Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng / thương những già khuya sớm lang thang / em thơ ơi có còn học hành sớm tối / áo nâu tươi gái làng còn che môi cười? / Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi? / Nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi…” (10)

(Thanh Bình, “Thư về làng”).

Nhưng dường như ít người chú ý tới những nỗ lực làm mới ca từ của người nhạc sĩ tài hoa này.

Với trích đoạn ngắn kể trên của ca khúc “Thư về làng”, nhạc sĩ Thanh Bình viết khoảng đầu thập niên 1960s, khi ông dùng hai chữ “những già” (chỉ người lớn tuổi) thì hai chữ này, với tôi, đã là một cung cách sử dụng từ ngữ rất mới mẻ - tựa như lần đầu trong ca từ và, trong cả thi ca nữa.

Cũng vẫn với ca từ của ca khúc ấy, khi tác giả viết “áo nâu tươi, gái làng còn che môi cười?” - - Đứng về phương diện ngữ cảnh thì chữ “tươi” không thể tương thích, gắn bó tốt đẹp hơn giữa hình ảnh mang tính liên tưởng với thôn nữ. Chưa kể, hình ảnh người thiếu nữ thẹn thùng, dùng vạt áo, để che dấu phần nào nụ cười của mình, lại là một ghi nhận tính tế khác.

Tôi không biết, khi viết xuống những ca từ này, nhạc sĩ Thanh Bình có chọn lựa hoặc cân nhắc sâu xa không? Nhưng ở vị trí người thưởng ngoạn, tôi thấy đó là một liên tưởng thơ mộng và, phản ảnh tâm lý khác biệt giữa thiếu nữ làng quê và, thiếu nữ ở thành thị.

Tuy nhiên, khả năng làm mới ngôn ngữ, hình ảnh, để ca từ của ông có được nhiều tính thi ca hơn, đi xa hơn nữa, một khi ta lắng nghe, chú ý tới một vài từ ngữ khác, như hai chữ “lá đò” ông dùng trong câu:

Lá đò qua sông vắng mây mù trong mắt trong” ở ca khúc “Tiếc một người”.

Cụm từ “trong mắt trong” của câu nhạc này không có gì mới mẻ, nếu không muốn nói là đã cũ, bởi nó từng được dùng trong thơ Quang Dũng ở những năm cuối 1940s, đầu thập 1950’s (11) Nhưng hai chữ “lá đò” thì tôi nghĩ, trước ông, chưa một nhà thơ, nhạc sĩ nào nghĩ tới và sử dụng…

Cũng phần ca từ của ca khúc này, tác giả còn cho chúng ta những cụm từ rất mới và, rất gợi hình như “rong hồn bơ vơ” trong câu “lâu rồi nhưng vẫn nhớ vẫn rong hồn bơ bơ”. Động từ “rong” mà tác giả dùng, có thể hiểu theo nghĩa: Thả nổi, thả trôi hay, buông trôi…

Qua tới phần ca từ của câu kế tiếp:

Cánh hồng bay theo gió chết đi còn tương tư”

Thì năm chữ “chết đi còn tương tư” của tác giả “Tiếc một người”, vẫn theo tôi, không thể thơ hơn và, cũng không thể cực tả hơn, lòng đắm đuối, thủy chung của ông, trong bi kịch tình yêu chia ly, tuyệt vọng...

Là người thưởng ngoạn, căn cứ vào những tư liệu phổ cập, tôi được biết nhạc sĩ Thanh Bình sáng tác không nhiều lắm. Thế nhưng ở bất cứ một ca khúc nào, được nhiều người yêu thích, còn tồn tại tới ngày hôm nay của Thanh Bình, nếu chú ý, ít nhiều gì chúng ta cũng tìm được những hình ảnh đầy thi tính, hiểu theo nghĩa sáng tạo, mới lạ.

Lại nữa nếu đi ngược thời gian, trở lại thời điểm khi những ca từ đó được viết xuống, ta sẽ càng thấy rõ hơn mức độ tài hoa trong sáng tác của ông!

Ở ca khúc “Tình lỡ” vốn được nhiều người nhắc nhở nhất, như thể đó là ca khúc nổi tiếng hay tiêu biểu nhất của nhạc sĩ Thanh Bình, người lắng nghe nhạc ông, cũng bắt gặp nhiều hình ảnh, đúng hơn, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đặc biệt của tác giả. Thí dụ:

Phương trời mình đi xa thêm xa
nghe vàng mùa thu sau lưng ta”

Nếu để ý, ta sẽ thấy cái mới của cụm từ “nghe vàng mùa thu sau lưng ta” nằm ở chữ “SAU”.

Bình thường, với thiên nhiên, con người có khuynh hướng nhìn tới chứ ít ai vừa đi vừa quay nhìn phía sau. Thêm nữa, cũng bình thường, câu nhạc này, nếu trong tay một nhạc sĩ sĩ khác, có thể nó sẽ được viết là “nghe vàng mùa thu trong tim ta” Hoặc “nghe vàng mùa thu nơi phương xa”… Nhưng khi tác giả “Tình lỡ” dùng giới tự (preposition) hay trạng tự (advert) “SAU” thì:

Thứ nhất, ông chủ tâm nói về quá khứ: Mùa thu đã qua.

Thứ nhì: chữ “Sau” còn cho thấy tính chất phiếm định - - Tức không chỉ rõ là một hay, nhiều mùa thu đã qua trong của cuộc tình lỡ kia. Nó như một cánh cửa mở rộng, cho người nghe cơ hội tham dự vào cấu trúc của ca từ, bằng cảm nhận chủ quan riêng, của mỗi người.

Cũng vậy, câu hát khởi đầu cho phần điệp khúc của ca khúc, tác gỉa viết:

Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau

Đây là một trong những ẩn dụ đẹp, dẫu tuyệt vọng trong “Tình lỡ”.

Một vầng trăng chẳng những đã “vỡ” mà, lại còn “thôi không theo nhau”, khiến tính chất bi thảm trở nên ai oán hơn câu thơ cổ mà chúng ta đều biết; đó là câu: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (12)

Từ nửa vầng trăng “in nơi gối chiếc” tới nửa vầng trăng “soi nơi dặm trường”, dù sao cũng vẫn có một tương quan nào đấy. Những với một vầng trăng đã vỡ và, cũng không còn theo nhau nữa thì, nó đã không cho một trong hai người yêu nhau, dù ảo tưởng tới đâu, chút hy vọng mong manh, ánh sáng cuối đường hầm nào!

Ngoài ra, chúng ta cũng nên ghi nhận, Thanh Bình là người gần như đầu tiên, lập lại nguyên văn một câu nhạc (không thay đổi dù chỉ một chữ), mang ý nghĩa nhấn mạnh, xác quyết bất biến, trong một số ca khúc của ông.

Ở ca khúc “Những nẻo đường Việt Nam” là:

Ôi những nẻo đường về đâu?
Ôi những nẻo đường về đâu?”

Và ở “Tình lỡ” là:

Hết rồi còn chi đâu em ơi…
Hết rồi còn chi đâu em ơi…”

Nếu áp dụng câu nhạc kể trên vào thực tế đời thường của nhạc sĩ Thanh Bình thì, mọi thứ liên quan tới cuộc tình (những cuộc tình) của người nhạc sĩ tài hoa (nhưng bất hạnh cuối đời) này, đã thật sự không còn gì!

Tuy nhiên, dư âm của ca khúc, lại chọn cho nó một đường đi riêng. Con đường đến với tâm hồn người nghe. Và con đường đó, tôi tin, là con đường bất hoại!

Du Tử Lê,

(Calif. Tháng 2 -2014)

_________

Chú thích:

(1), (2), (3) dactrung.com
(4) Nđd.
(5), (6), (7), (8) Nđd.
(9), (10), (13) Nđd.
(11) Xem thêm bài “Kẻ ở” thơ Quang Dũng.
(12) Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8635)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31733)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,