Trần Thiện Thanh

23 Tháng Giêng 20223:50 CH(Xem: 624)
Trần Thiện Thanh


Hình Ảnh Người Lính Trong 20 Năm Tân Nhạc Miền Nam.

Nhìn lại 20 năm tân nhạc miền Nam (1954-1975), theo tôi, có hai đề tài lớn; chiếm giữ phần trăm cao nhất về số lượng là, Tình ca và Người lính.

Riêng đề tài người lính còn tràn lấn sang cả đề tài nhạc quê hương. Vì, căn bản, vai trò người lính là gì, nếu không phải là bảo vệ quê hương, phục vụ đất nước?

nguoilinhvnch-content


Vì thế, trừ những nhạc sĩ có số lượng sáng tác quá ít, hoặc không sinh hoạt liên tục, đa số còn lại, đều bước vào thể tài người lính, để thi thố tài năng, giãi bày tâm cảm. (Như những người làm thơ, sớm muộn gì, cũng bước vào thể thơ lục bát vậy).

Ngay Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thành danh từ những ca khúc mang tính khước từ cuộc chiến miền Nam, cũng đã có ít nhất một ca khúc viết về người lính. Ca khúc “Hát cho một người nằm xuống.” Ông viết ngay sau cái chết của cố Đại tá Không quân Lưu Kim Cương (trong biến cố tết Mậu Thân, 1968).

Tôi không biết vì nội dung ca khúc đã lãng mạn hóa cuộc đời và, cái chết của người lính nêu trên, hay vì lòng cảm thương chân thành của ông dành cho người vừa năm xuống mà, ca khúc ấy, lập tức được quần chúng đón nhận rộng rãi. Tuy ca khúc này không được chính quyền Hà Nội cho phép hát công khai, nhưng ở những họp mặt “tự phát” và, nhất là ở hải ngoại, “Hát cho một người nằm xuống” vẫn được trình bày, đón nhận như một trong những rung cảm nhân bản nhất của sự nghiệp âm nhạc của họ Trịnh:

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!...”


Trước Trịnh Công Sơn nhiều chục năm, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã lãng mạn hóa hình ảnh người thương binh miền Nam trong ca khúc “Ngày trở về.” Nội dung ca khúc mang tính biểu tượng, nhưng đó là một trong những ca khúc viết về người lính, tạo được những đợt sóng xúc động không nhỏ trong tâm hồn người nghe:

“… Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ

(…)
“Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…”


Cũng vậy, với nhạc sĩ Tuấn Khanh là ca khúc “Hoa soan bên thềm cũ,” thời chiến tranh chưa bộc phát dữ dội ở miền Nam. Đó là tương quan đằm thắm giữa người lính và người dân:

“… Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng:
Giặc tràn qua thôn xóm
Gieo bao đau thương bao điêu tàn
từ ngày anh vắng xa.
Nay qua đau thương, yên bình rồi,
Tình ta lên hương ngát
Như hương hoa soan vang bên thềm
Nhẹ nhàng như ngát say…”


Cùng “game” màu ấy, chúng ta có ca khúc “Tình quê hương,” nhạc sĩ Đan Thọ phổ thơ Phan lạc Tuyên:

“Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ.

Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh…”


Ngay nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người nổi tiếng với những tình khúc chất ngất đam mê, hoặc vĩ đại như trường ca “Hội trùng dương,” cũng có không ít những sáng tác viết về người lính miền Nam. Thí dụ ca khúc “Anh đi chiến dịch”:

“Anh đi chiến dịch xa vời,
lòng súng nhân đạo cứu người lầm than.
Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy.
Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy anh đi.


“Không quên lời xưa đã ước thề,
dâng cả đời trai với sa trường.
Nam nhi cổ lai chinh chiến hề,
nào ai ngại gì vì gió sương.
Hôm nay ruộng đồng trong chiến dịch,
kìa sáu chốn miền Đồng Nai lên niềm tin.
Nghe như lúa reo đời sống lành,
nghe như đất vui nhịp quân hành…”


Khi cuộc chiến miền Nam có những chỉ dấu gia tăng cường độ và, nhất là sau khi chính phủ ban bố tình trạng tổng động viên thì, nền tân nhạc Việt Nam lại càng có thêm nhiều ca khúc phản ảnh ưu tư, hàm chứa những câu hỏi lớn về chiến tranh, thân phận sinh, tử bất trắc của người lính.

Điển hình như một số sáng tác của Nguyễn Văn Đông:

“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa

“Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh…”

(Trích “Mấy dặm sơn khê”)

Hay “Phiên Gác đêm xuân” cũng của Nguyễn Văn Đông:

“Đón Giao Thừa một phiên gác đêm,
Chào xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng,
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi!

“Bấy nhiêu tình là bao nước sông,
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng.
Trách chi người đem thân giúp nước,
Đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân…”


Cũng có tác giả đề cập tới cuộc đời của người lính một cách trần trụi không son phấn, như ca từ trong ca khúc “Kẻ ở miền xa” của Trúc Phương:

“… Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng tiếng hát môi em
Tiếng hát ngọt mềm…
Người nâng lính khổ viết bởi câu ca,
vì tiền hay thiết tha?

“Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi
Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời!...”


Nhưng số ca khúc “Kẻ ở miền xa” có thể đếm trên đầu ngón tay, trong khi những ca khúc phản ảnh tinh thần thanh niên miền Nam bị động viên, ra chiến trường mà, vẫn bình thản chấp nhận thì, gần như không ai có thể đếm hết được. Cụ thể như ca khúc “Chúng mình ba đứa” của Song Ngọc và Hoài Linh:

“Mình có ba người, vừa đúng nét đôi mươi
Những chiều mây lưng đồi, tầm mắt hướng xa xôi,
Ngày sau một hai trong ba đứa không chung đường
Chắc nhớ nhau nhiều lắm


“Người lướt mây trời, vui kiếp sống không trung
Với một kẻ đi tìm vào sóng nước mênh mông
Còn riêng mình tôi vai ba lô về khu chiến
Nghe đường dài thêm…


Nhưng, người có cả một gia tài ca khúc viết về người lính (bên cạnh tình ca), tôi e rằng không ai giầu có hơn cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Hình ảnh Và, Tâm Tình Người Lính Miền Nam Trong Nhạc Trần Thiện Thanh,

Nếu phải đi tìm một mẫu số chung về hình ảnh người lính trong 20 năm văn học- nghệ thuật miền Nam, tôi có thể nói ngay rằng:

Đó là tính nhân bản. Không sắt máu. Không gào thét đòi trả thù hay giải phóng miền Bắc bằng bất cứ giá nào.

(Tính nhân bản này không chỉ có trong âm nhạc mà ở cùng khắp các lãnh vực văn học và, nghệ thuật khác.)

Cũng chính vì tính chất hay tinh thần trân trọng quyền sống của con người mà, các ca khúc viết về người lính của những nhạc sĩ ở miền Nam đã được quần chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Giống như các nhạc sĩ đã nói thay cho tâm tình của họ vậy.

Vì thế, bây giờ, dù cuộc chiến đã chấm dứt hơn 37 năm, ở hải ngoại cũng như trong nước, rất nhiều ca khúc viết về người lính miền Nam, vẫn còn được nhiều người nhớ tới và, hát lên (không chính thức). Nó đẹp. Đẹp như hoa nở. Nó trong sáng. Ý nghĩa như mặt trời ấm áp…

Lại nữa, có người còn cho biết, hôm nay nghe lại, hát lại những ca khúc viết về người lính miền Nam trước đây, họ xúc động, thương cảm và, yêu thích hơn cả thời gian những ca khúc đó, được cất lên một cách chính thức, trước tháng 4-1975 nữa.

Sự kiện này cho thấy, phàm những gì đi ra từ trái tim nhân ái, lãng mạn, gần với bản chất hướng thiện hoặc, thiên lương của con người thì chúng sẽ tồn tại. Tự thân chúng như có đôi cánh kỳ diệu, vượt khỏi sức hủy diệt khốc liệt của thời gian, cũng như quyền lực của mọi chính thể.

Một trong những nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc viết về người lính miền Nam, có được cho chúng tính miễn nhiễm trước sức hủy diệt khốc liệt của thời gian, cũng như quyền lực của mọi chính thể là Trần Thiện Thanh.

Họ Trần không chỉ lãng mạn hay thi vị hóa hình ảnh người lính như một nhạc sĩ đứng bên lề, nhìn dòng cuồng lưu quê hương, đất nước gập ghềnh thác, lũ mà ông thực sự đắm mình trong dòng sông ở những uốn khúc ngặt nghèo! Ông cảm nhận, chia xớt mọi buồn vui trong tư cách một người đồng hành. Một đồng đội sống chung cùng tập thể.

Tôi nghĩ, phần đóng góp hay giá trị lớn lao nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh với những ca khúc viết về người lính ở chỗ: Có dễ không người lính nào không tìm thấy hình ảnh, tâm tình của mình ít hay nhiều, qua những sáng tác tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng say mê, yêu thương đời lính của họ Trần:

Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo treilli

Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây

Ngại chăng đêm di hành và thường khi dừng bước giữa hoang vu,

Một thằng ước ao để một thằng khát khao, còn mình thì nằm đếm sao.

Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ướt dẫm đáy sông thưa,

Nhiều tên trong đơn vị gọi đùa anh chiến sĩ của mộng mơ,

Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung.

Một thằng nhớ em, để một thằng nhớ thêm, một thằng thì lấy hình xem…”

(dactrung.com: Trần Thiện Thanh, “Tình thư của lính”).

Họ Trần cho thấy sự lãng mạn hóa hình ảnh người lính trong nhạc của ông, ở một chừng mực nào đấy:

Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.

Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.

Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngaỵ

Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.”

 

Và ông cũng cho thấy khả năng ghi nhận một cách hồn nhiên mà sâu sắc của mình, khi ông phản ảnh được những xúc cảm tự nhiên của tuổi trẻ trong tình yêu. Kế tiếp phần ca từ của ca khúc “Tình thư của lính,” họ Trần viết:

“Chiều hôm kia thăm làng, tiểu đội anh ra đứng gác ven ranh.

Một cô đi trên đường, đẹp tựa như em khóc lúc giận anh.

Để cho anh nghe thèm, đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh.

Thèm một nét môi, một lần về phép thôi, và mình thì lại có đôi.”

 

Trần Thiện Thanh chọn nhịp nhanh để kể chuyện người lính mới nhập ngũ với tất cả bỡ ngỡ, có phần hăm hở nôn nả khoe với người yêu cảnh tượng cuộc sống mới (cuộc sống quân ngũ) qua điệu cha-cha-cha, nhanh, rộn ràng, lấp lánh niềm vui, tôi nghĩ không cần phải là một ca sĩ chuyên nghiệp, điêu luyện, khi hát “Tình thư của lính,” ai cũng có thể gây được sự chú ý hoặc, quyến rũ người nghe.

Nói thế không có nghĩa lúc nào người lính trong ca khúc của Trần Thiện Thanh cũng chỉ có một mặt hồn nhiên, trong sáng. Căn bản, người lính là một con người bình thường, như mọi người. Họ không phải là những robot không tim, “kiên cường” lao vào cuộc chém giết chẳng chút động tâm. Không hề chớp mắt.

Cũng có lúc (nhiều lúc) người lính trong ca khúc của Trần Thiện Thanh cảm thấy nhớ nhà. Nhớ bạn bè. Nhớ người yêu. Họ cũng bâng khuâng, buồn bã, ngóng trông người yêu của họ, nơi thành thị yên ấm:

Đồn anh đóng ven rừng mai

Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?

Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy

Cho chiến sĩ vui miền xa xôi...

.

Hẹn em khi khắp nơi yên vui

Mùa xuân ngày đó riêng đôi mình

Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai

Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi

Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang…”

(dactrung.com: Trần Thiện Thanh, “Đồn Vắng Chiều Xuân”)

Hoặc:

Khi nắng chiều đi không gian chợt tối

xóa nhòa vùng tuyết trắng mông mênh

Anh ước sao tình mình như tuyết trinh

cho dù chúng mình không gian cách chia

cho dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm…”

(dactung.com: Trần Thiện Thanh, “Tuyết Trắng”)

Hoặc nữa:

Em biết không những chiều, khi sương thu giăng giăng,

Anh nhớ xưa chúng mình hay đi trên đường vắng,

Anh nhớ xưa một lần lặng ngắm ánh mây trôi

Làm người yêu lính chiến mấy ai gần nhau ...”

(dactrung.com: Trần Thiện Thanh, “Anh về với em”)

Nhưng, như đã nói, nỗi buồn của người lính trong đa số ca khúc của Trần Thiện Thanh, không bao giờ là tuyệt vọng hoặc lớn tiếng oán trách, thống hận chiến tranh, đất nước.

Lạc quan là một nét đặc thù khác, trong những sáng tác viết về người lính của Trần Thiện Thanh vậy.


Khía Cạnh Tâm Lý Trong Ca Từ Trần Thiện Thanh

Thêm một ưu điểm khác trong ca từ nhạc Trần Thận Thanh (tôi không biết có được nhiều người chú ý?), đó là khả năng phân tích tâm lý những người trẻ yêu nhau. Dù họ là những người thuộc phần đời dân sự hay quân đội, thì vẫn không có khác biệt nào khi họ sống trong không gian tình yêu của họ.

Thí dụ ở ca khúc “Bảy Ngày Đợi Mong,” họ Trần ghi nhận những biến chuyển tâm lý của người con gái trông chờ người yêu tới thăm. Ông đã rất tính tế khi ghi lại những biến chuyển tâm lý từng giai đoạn theo thời gian. Tâm trạng người con gái từ náo nức chuyển qua hờn dỗi. Rồi tuyệt vọng. Và, sau chót là mừng rỡ. Bất ngờ. Cảm động vì đinh ninh người yêu đã quên:

“Anh hẹn em cuối tuần, chờ nhau nơi cuối phố.
Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh.
Chiều thứ bảy người đi, sao bóng anh chẳng thấy.
Rồi nhẹ đôi gót hài, chiều nghiêng bóng dài, áo em dần phai.

Sáng chủ nhật trời trong, nhưng trong lòng dâng sóng
Chẳng thấy bóng anh sang.
Nên thứ hai thu tàn, nên thứ ba thu vàng
Mùa đông thứ tư sang.

Qua thứ năm nhẹn ngào, giận anh đêm thứ sáu
Quyết, em quyết dặn lòng không nói nửa lời, dù là ghét anh.
Chiều thứ bảy mưa rơi, ai bảo anh lại tới
Ai bảo anh xin lỗi, ai bảo anh nhiều lời,
Cho mắt em lệ rơi. “

(Trần Thiện Thanh. Nguồn đd.)

Cũng vậy, ở ca khúc “Không bao giờ ngăn cách,” vẫn là chuyện kể về cuộc tình của người lính phải trở lại chiến trường, để người yêu ở lại thành phố. Nhưng ngay từ tựa đề, họ Trần đã cho thấy ông nắm rất vững tâm lý phụ nữ. Tâm lý của bất cứ người con gái nào đang yêu, mà lại phải đối mặt với thực tế bất trắc từng ngày, từng giờ… Đó là sự sống, cái chết luôn chờn vờn, đe đọa, khủng bố người lính mà người con gái chọn yêu.

Trường hợp này, không ai không muốn nghe người yêu của họ quả quyết rằng, dù trong trường hợp nào cũng sẽ … “không bao giờ ngăn cách”. Chẳng những người con gái muốn nghe mà, còn muốn nghe nhiều lần. Nhắc nhở hoặc khẳng định kia, như một thứ thuốc bổ tốt nhất cho tình yêu. Một loại thuốc an thần cực mạnh, giúp người con gái an tâm, yên lòng chờ đợi viễn ảnh hạnh phúc. Dù cho sự chờ đợi ấy có mòn mỏi…

“Anh về... với em rồi mai lại đi
Đường xa... mang theo bao nhiêu tình ý
Viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu
Đêm quân hành dừng chân đồi hoa tím
Nhớ xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng
Đâu bằng đôi mắt em


“Chúng mình... cách xa mà vẫn gần nhau
Tình yêu... không mau phai như màu áo
Dẫu cho thời gian đem tâm tư vào nhớ
Lá rơi gọi mùa thu về sân úa
Vẫn không bao giờ...

Không bao giờ ngăn cách đâu em

“Không bao giờ

Không bao giờ ân tình lại vỡ đôi
Một người đi nghe thương sao thương nhiều quá
Dáng một người em xinh sao quá xinh màu má


“Không bao giờ
Không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi
Một đời hoa không khi nào hai lần nở
Trái mộng còn trinh nguyên khi đón anh trở về


“Với em... với em rồi anh lại đi
Thì đôi... tim non không xa vạn lý
Áo anh nhuộm phong sương nhưng quê hương đẹp ý
Lối trăng đầy tình em còn soi sáng
Sẽ không bao giờ

Không bao giờ ngăn cách đâu em…”

(Trần Thiện Thanh. Nguồn đd.)

Tôi chú ý nhiều tới ca từ đơn giản như lời nói, nhưng tính chất tâm lý thuyết phục lại rất cao, đó là câu: “Chúng mình... cách xa mà vẫn gần nhau…”

Tôi vẫn nghĩ người ta không chỉ yêu với một thân thể hiện thực, trước mắt, kề cận mà, người ta còn yêu nhau (đôi khi mãnh liệt hơn,) khi không gian, khoảng cách địa lý là một chứng ngại to lớn.

Ở trường hợp này, tôi trộm nghĩ, những yêu nhau thực sự, sẽ nhìn đó như một thách thức. Một thứ lửa thử vàng…

Trước phân khúc có câu “chúng mình… cách xa mà vẫn gần nhau” (phân khúc thứ nhất), tôi thấy cũng có một cụm từ, dù cho tác giả có vô ý hay cố tình viết xuống, thì với tôi, đó là một ca từ lãng mạn. Chứa nhiều thi tính: “…Viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu…”

Trước nhất, do phản ứng tự nhiên, được hướng dẫn bởi những con sóng tình yêu cấp tám, cấp chín…Những người trẻ tuổi thường có thói quen viết tên người yêu nơi vật dụng hàng ngày. Những vật dụng gần gũi với họ nhất. Chưa kể, có người vì quá yêu nên đụng đâu, thấy có thể thổ lộ tình cảm của mình với người vắng mặt, họ cũng sẽ không ngần ngại.

Tôi nói tới điều này vì có người khắt khe cho rằng sự kiện “viết tên người yêu lên ba lô…” là cường điệu hóa…

Trên thực tế, với tôi, hành động đó không có gì là “bất thường”. Người thưởng ngoạn có thể đồng ý, không đồng ý… Nhưng, nếu kết luận hành động của người lính trẻ trên chiếc ba lô của họ là…“cường điệu hóa” thì, đấy là một… đáng tiếc cho chính người phê phán vậy.

Thứ đến, tôi nghĩ, người con gái trong ca khúc “Tình thư của lính” (hay bất cứ ai,) nếu tinh ý, sẽ nhận ra rằng, chính tên tuổi, hình bóng, tình yêu… của cô, làm cho chiếc ba lô của người lính- người tình “nặng chĩu!” Chứ không phải do trọng lượng quân trang, quân dụng chất trong ba lô đó.

Cũng ở phân khúc thứ nhất (phân khúc vừa kể), chuyển qua câu kế tiếp, Trần Thiện Thanh lại cho thấy thêm một lần nữa, khả năng liên tưởng của một thi sĩ. Khi ông nhớ lại, những vì sao rất sáng mà ông đã thấy trong đêm nào cùng với người yêu của ông thì, bây giờ, khi xa nhau, sực nhớ, ông lại thấy những vì sao sáng ấy, vẫn không sáng bằng đôi mắt của người ông yêu, ở hậu phương:

Đêm quân hành dừng chân đồi hoa tím/ Nhớ xưa đôi mình hẹn nhau mà sao sáng/ Đâu bằng đôi mắt em…”

Tuy nhiên, theo ghi nhận của riêng tôi thì, cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không chỉ cho thấy khả năng thi ca hóa những rung cảm nặng tính tâm lý mà, ngay với những ca khúc vinh danh người lính miền Nam đã hy sinh cho đất nước, cũng được ông viết xuống như những ca khúc không chỉ thuần túy mang nội dung biết ơn, ngợi ca sự hy sinh lớn lao của những người lính. Mà, ông mặc khoác cho sáng tác của mình, một điều gì hơn thế.

Tôi muốn gọi những ca khúc vinh danh những người lính miền Nam đã hy sinh cho đất nước kể trên, là “Tình ca cho những tử sĩ!”


Trần Thiện Thanh Và “Tình Ca” Cho Những Tử Sĩ

Bản thân cũng là một người lính, nên nhạc sĩ Nhật Trường/Trần Thiện Thanh, qua những ca khúc của mình, cho thấy có dễ không một nhạc sĩ nào gắn bó với người lính nhiều hơn ông.

thuongtiec-content

Thương Tiếc (Hình Nguyễn Ngọc Hạnh)


Vì thực sự quan tâm tới thân phận người lính, Trần Thiện Thanh đã không ngần ngại lên tiếng tố cáo những ca khúc có tính cách phỉnh, mị người lính của một vài đồng nghiệp. Người ta tìm thấy trong ca khúc “Rừng Lá Thấp” viết năm 1968, đề tặng cố Đại Úy Vũ Mạnh Hùng, Tiểu Đoàn 3, Thủy Quân Lục Chiến, họ Trần viết:

“... Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:

‘Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà’

Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao

Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu?”

(...)

“Sao không hát cho những người còn mải mê

Lá rừng che kín đường về phồn hoa

Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa

Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua..”

(Nguồn đd.)

Ngoài bộ binh, QLVNCH không chỉ có binh chủng TQLC mà, còn nhiều binh chủng khác. Giới thưởng ngoạn âm nhạc không khỏi ngạc nhiên, khi thấy Trần Thiện Thanh không bỏ quên binh chủng nào. Binh chủng nào ông cũng có ít nhất một ca khúc, được viết ra với tất cả lòng ưu ái.

Với binh chủng Hải Quân, tôi nghĩ nhiều người hôm nay, vẫn chưa quên “Hoa Biển,” họ Trần viết chung với Anh Thy:

“...

Biển khơi không mang hoa màu trắng

Tàu anh xa xôi chưa tìm bến

Nên em còn hờn, nên em còn buồn

Sao chưa thấy anh sang

Em ơi giận hờn

Xin như hoa sóng tan trong đại dương...”

(Nguồn đd.)

Với binh chủng Không Quân, tới nay nhiều người còn hát:

“... Vượt cao vút cao

mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần

tuyết ơi xin nhuộm

trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương...”

(Trần Thiện Thanh, “Tuyết Trắng”. Nguồn đd.)

Ngay với binh chủng Thiết Giáp, một binh chủng tương đối ít phổ cập trong quần chúng, Trần Thiện Thanh cũng có một sáng tác. Ông viết để... “Tặng anh hùng mũ đen Bắc Đẩu Nguyễn Ngọc Bích”. Trong đó, một sự kiện đau lòng, được ông ghi lại trung thực. Đó là sự kiện cố Đại Úy Nguyễn Ngọc Bích sau khi tử trận đã bị liệm xác tới ba lần:

“Người tên ‘Bắc Đẩu’ chết trận hôm nao?

Một áo quan đóng vội một chuyến cuối phiêu du...

Có thấy dấu chiến xa của người của hôm qua?

Có thấy chiếc mũ đen của người lạc trong đêm?

Người tên ‘Bắc Đẩu’ chết trận La Vang, liệm xác ba lần...”

(Trần Thiện Thanh, “Bắc Đẩu”. Nguồn đ.d.)

Nhưng, những ca khúc mà cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết cho những người lính tử trận, tiêu biểu như cái chết của Trần Thế Vinh (Không Quân), Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Văn Đương (Nhảy Dù), theo thiển ý của tôi, lại như những bài “tình ca” tràn đầy tính nhân bản:

“... Này anh!

Anh! Hỡi anh ở lại Charlie

Anh!

Vâng, chính anh là loài chim quý

Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý

Một lần dậy cánh bay

Người để cho người nước mắt trên tay”

(...)

“Ngày anh đi, anh đi

Anh đi từ tổ ấm

Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?

Đợi anh về

Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ,

tấm khăn sô bơ vơ

Người góa phụ cầu được sống trong mơ...”

(Trần Thiện Thanh, “Người ở lại Charlie”. Nguồn đd.)

Hoặc:

“Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con

Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính

Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công

Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh”

(...)

“Không, anh không, anh không chết đâu em anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua

Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ

Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân

Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh...”

(Trần Thiện Thanh, “Anh không chết đâu em”. Nguồn đd.)

Qua phần ca từ trích dẫn trên, người thưởng ngoạn thấy rõ họ Trần không kêu đòi nợ máu. Ông cũng không kích động hận thù, mà trọng tâm là vinh danh người tử sĩ. Đồng thời ghi nhận tình cảnh đau thương của những góa phụ mất chồng, những đứa con mất cha...

Tôi cho những gì họ Trần về những người còn lại sau cái chết của chồng, của cha như: “Đợi anh về/ chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ, tấm khăn sô bơ vơ/ Người góa phụ cầu được sống trong mơ.” Và: “Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân/ Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh” - Là những ca từ không thể cảm động, thấm thía hơn!

Tôi nhớ một câu nói sớm trở thành danh ngôn của cố Thống Tướng Douglas MacArthur: “Những người lính già không chết, họ chỉ mờ nhạt dần!” (2)

Đó là lời ngợi ca trân trọng của danh tướng MacArthur, dành cho những người lính đã giải ngũ. Với những người lính hy sinh trên chiến địa, họ còn đáng được trân trọng, ngợi ca đến đâu! Dù cho những tử sĩ nằm xuống trong hoàn cảnh, thời gian nào, thì tất cả những tử sĩ đó, đều xứng đáng nhận được từ mọi người lòng biết ơn sâu xa, và tưởng nhớ mãi mãi.

Riêng những người còn lại (thân nhân của những tử sĩ), cũng xứng đáng được nhận những bản “tình ca” mang tính tử biệt, sinh ly, dành cho họ. Như rất nhiều ca khúc của Nhật Trường/ Trần Thiện Thanh vậy.

Du Tử Lê

California 7 tháng 1, 2013

---------------------

Chú thích:

(1): Theo trang mạng Wikipedia (Tiếng Việt) thì: Nhạc sĩ Nhật Trường/Trần Thiện Thanh sinh ngày 12 tháng 6 năm 1942 tại Phan Thiết. Ông nguyên là giáo viên trung học, tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, Saigon, đến cuối tháng 4 năm 1975. Ông làm việc tại đài phát thanh và sau đó truyền hình Quân Đội... Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”. Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường, gồm 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi. Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một nhạc cảnh về cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương. Trong phim ấy, ông đóng vai người lính, Thanh Lan vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Nhạc cảnh này cũng được thu thành phim với tên “Trên Đỉnh Mùa Đông”...

Ông mất ngày 13 tháng 5 năm 2005, tại thành phố Westminster, miền Nam California.

(2): Danh Tướng Douglas MacArthur sinh ngày 26 tháng 1 ănm 1880, mất ngày 5 tháng 4 nnm 1964. (Nguồn đd.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8634)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20707)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17923)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15987)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31733)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,