Trúc Phương

23 Tháng Giêng 20223:50 CH(Xem: 847)
Trúc Phương


Nếu không kể những cái chết uất nghẹn của người tù cải tạo trong những trại tù từ Nam ra Bắc; những cái chết mất xác kinh hoàng hàng loạt của những người vượt biên và; những cái chết bi thảm, đôi khi của cả một gia đình vì tuyệt vọng, đói khổ thì, biến cố 30 tháng 4-1975 cũng là nguyên nhân đưa tới nhiều cái chết thương đau cho một số văn nghệ sĩ thuộc 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam.

Trong số những cái chết không nhắm mắt trong giới văn nghệ sĩ miền Nam, được dư luận nhắc nhở nhiều, có thể kể tới cái chết rất sớm của nhà thơ Trần Việt Hoài. Ông còn được biết qua bút hiệu Thiết Bản Đạo Nhân, ký dưới những bài thơ trào phúng châm chích tệ đoan xã hội. Họ Trần mất đúng ngày mồng Một Tết, năm 1976. Kế tiếp là cái chết của nghệ sĩ Vân Sơn. Ông tự kết liễu cuộc sống của mình bằng cách nhảy cầu Thị Nghè, năm 1977(?) Ông là một trong ba thành viên nổi tiếng của ban hợp ca AVT thời đó - - Gồm có ông và các nhạc sĩ Lữ Liên, Vũ Huyến. Cũng trong năm đó còn có cái chết bi thảm của nhạc sĩ Trọng Khương, tác giả những ca khúc nổi tiếng như “Ghen” (phổ thơ Nguyễn Bính,) “Bánh xe lãng tử…"

Theo một số bằng hữu sống gần ông thì trước khi chết, nhạc sĩ Trọng Khương đã rơi sâu trong tình trạng mất trí! Riêng nhà thơ Tuệ Mai, mất năm 1983, khi đời sống tình cảm cũng như vật chất của bà sa sút tới cực độ… Nhưng có dễ không có cái chết nào bi thảm hơn cái chết của nhạc sĩ Trúc Phương, xẩy ra năm 1996.

Lý do, trước khi mất, thảm kịch đời ông kéo dài quá lâu; mặc dù ông là một nhạc sĩ nổi tiếng ngay tự những năm cuối thập niên (19)50. Nhạc của ông không ngừng chói sáng hiểu theo nghĩa được nhiều tầng lớp thính giả nồng nhiệt đón nhận, ngay cả khi mọi sáng tác của ông đã bị chính quyền CS cấm lưu hành sau biến cố tháng 4-1975. Bên cạnh đó, vì ông từ trần giữa thập niên (19)90, nên nhiều chi tiết được ghi lại qua bằng hữu, báo chí, cũng như qua một video clip (duy nhất?) mà, ông là người lên tiếng.

Theo tôi, nhạc sĩ Trúc Phương là một thứ nạn nhân của tài hoa mình. Hay, cũng có thể ví von, ông như một “Hoàng tử lầm than của những tình khúc đổ vỡ, chia lìa.”

Trước khi đi sâu vào cõi giới âm nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương, tôi nghĩ chúng ta cũng nên lược qua tiểu sử đời ông; để những người trẻ lớn lên sau 1975, có chút khái niệm về con người, đời sống và những gì ông đã tận hiến cho nền tân nhạc miền nam Việt Nam 20 năm, trước đây.

Theo những tư liệu được trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia và, bài viết của tác giả Hàn Phương thì:

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật Nguyễn Thiện Lộc. Ông sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), vùng hạ lưu sông Cửu Long. (1) Cha ông là một nhà giáo sống kín đáo, nghiêm túc. Nhưng Trúc Phương/ Nguyễn Thiện Lộc thì ngược lại. Ngay từ tấm bé, ông đã cho thấy thiên tư hay khả năng âm nhạc đặc biệt. Ông tìm vào cõi giới của âm thanh, cung bậc rất sớm.

Mười lăm tuổi, Nguyễn Thiện Lộc đã mầy mò, tập tành sáng tác ca khúc.

Tác giả Hàn Phương kể, địa phương, nơi họ Nguyễn trải qua thời niên thiếu là một vùng đất bao bọc bởi nhiều rặng tre, trúc… Do đấy, khi cần chọn cho mình một bút hiệu, họ Nguyễn chọn hai chữ “Trúc Phương.”

Vẫn theo Hàn Phương thì, cuối thập niên 1950, Trúc Phương sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian, trước khi lên Sài Gòn dạy nhạc và sáng tác ca khúc. Hai ca khúc đầu tay, ký tên Trúc Phương, được trình làng, là bài “Tình thắm duyên quê” và “Chiều làng em.” (2)

Ca khúc “Chiều làng em” có những câu như:

“Quê em nắng vàng nhạt cô thôn “Vài mây trắng dật dờ nơi cuối trời “Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng “Khói lam buồn như muốn ngừng thời gian. (3) Với hai sáng tác đầu tay kể trên, cho thấy cõi giới âm nhạc khởi nghiệp của Trúc Phương là tình tự quê hương. Không phải tình yêu tan vỡ hoặc thân phận người lính như nhiều sáng tác sau đó.

Tới nay, không ai biết, có phải vì đổ vỡ, bẽ bãng của mối tình đầu, Trúc Phương có với một người con gái, con nhà giầu, học trò nhạc của Trúc Phương, ở Gia Định, ngay những ngày đầu tiên, khi ông mới bước chân vào chốn phồn hoa đô hội - - Mà, từ đó, hàng loạt ca khúc nói về đổ vỡ, chia lìa ra đời - - Làm mủi lòng, gây thương cảm cho hàng triệu thính giả miền Nam, thời ấy?

Tôi trộm nghĩ, những người ái mộ Trúc Phương sẽ thương quý ông hơn, nếu biết chuyện ông bị cha mẹ của cô học trò đem lòng yêu ông, đuổi ông ra khỏi nhà, ngay khi họ phát giác chuyện tình của hai người!

Đổ vỡ này không chỉ là một bẽ bàng, ê chề đầu đời của tác giả “Ai cho tôi tình yêu” mà, thực tế, còn đẩy ông tới chỗ không nơi tạm trú nữa!

Từ những bước chân vô định và những đêm lang thang khắp các ngả đường Saigòn, Trúc Phương có hai tình khúc “Nửa đêm ngoài phố” và “Buồn trong kỷ niệm”. Như một thứ định mệnh mang tính “song trùng”: Hai ca khúc kia đã mở rộng cánh cửa huy hoàng cho tiếng hát Thanh Thúy! Đến độ, có một thời gian, nhắc tới Thanh Thúy, người ta liên tưởng ngay tới “Nửa đêm ngoài phố,” “Buồn trong kỷ niệm”. Và, ngược lại.

Giới thưởng ngoạn tân nhạc ở thời điểm này, hẳn chưa quên những ca từ như:

“Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn “Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ “Có đâu chỉ thế, tiếc thương chỉ thế “Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về…” (Buồn trong kỷ niệm.) (4)

Hoặc:

“Buồn vào hồn không tên, “Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời

“Đường phố vắng đêm nao quen một người “Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời

“Để rồi làm sao quên?...” (Nửa đêm ngoài phố.) (5) Hai ca khúc ấy, như đã nói, không chỉ mang đến cho ca sĩ Thanh Thúy, những vòng nguyệt quế mà, tự thân, nó còn cho thấy tính phổ biến sâu rộng với lời hai, phổ biến trong dân gian. Như:

“Đường vào trường đua có trăm thua, có một lần… huề…”

Ở góc độ quần chúng, đó là một thành tựu mà, không phải ca khúc nổi tiếng nào, cũng vinh dự có được.

Trúc Phương trở thành một trong những đỉnh cao của sự được ngưỡng mộ. Nhưng không vì thế mà định mệnh nương tay vùi dập vị “Hoàng tử của những tình khúc đổ vỡ, chia lìa” kia. Định mệnh vẫn gán cho ông bản án: “Nạn nhân của chính tài hoa mình?”

Thực tế đời thường một lần nữa, lại cho thấy thuộc tính cay nghiệt của nó.

Hàn Phương kể, năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ thuộc loại “lá ngọc cành vàng” chọn, để “cùng chung một hướng đời” - - Một hướng đời nửa đường! Nửa đoạn!

Hàn Phương cho biết, niềm vui của đôi lứa này lại không được bền lâu!

Khiến sau đó, nhạc sĩ Trúc Phương đã buông thả đời mình trong bi phẫn và, men rượu. Nhưng, cũng như chia lìa trước, trong những khoảnh khắc giẫy giụa, phẫn nộ giữa bẽ bàng, ê chề, Trúc Phương có những sáng tác, như những bức tranh hiện thực cảnh đời!

Đó là thời gian ông chắt đau thương nhỏ vào những ca khúc như “Hai lối mộng”:

“Xin giã biệt bạn lòng ơi “Trao trả môi người cười “Vì hai lối mộng hai hướng trông “Mình thương nhau chưa trót “Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời “Cho dù chưa lần nói... (6)

Hoặc “Thói đời”:

“Người yêu ta rồi cũng xa ta “nên chung thân ta giận cuộc đời ! “Đôi mắt nào từng đêm buốt giá! “Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở, “Tiền đổi thay khi rủ cơn mê “để chua xót trên lối về!” (7) Theo ghi nhận của nhiều người thì, tính tiên cảm mạnh mẽ có nơi một số thi sĩ, nhạc sĩ… thường cho họ khả năng “nói trước” về đời họ, ở những ngày sẽ tới. (Hay đó là tính chất “vận vào người” theo cách nói của thi hào Nguyễn Du?)

Tôi không biết. Nhưng nội dung của ca khúc “Thói đời” đã phần nào phản ảnh đời thực của nhạc sĩ Trúc Phương chỉ ít năm sau khi tác phẩm này ra đời!

Đó là khi biến cố 30 tháng 4-1975 ập tới, như đa số những văn nghệ sĩ không có trong tay một nghề chuyên môn nào khác hơn khả năng sáng tác, vị “hoàng tử của những tình khúc đổ vỡ, chia lìa,” phải bương chải để lây lất sống còn…

Tuy nhiên, trong cơn đại nạn của cả một dân tộc thì, dù nhẫn nhục cách mấy, cũng có lúc Trúc Phương không thể tự lo lấy cho mình.

Trong hoàn cảnh này, ông trở về Trà Vinh, tìm sự giúp đỡ của bạn bè cùng xứ…

Ở đấy, theo lời kể của Hàn Phương, có người hỏi tác giả “Ai cho tôi tình yêu” rằng, sao không về ở hẳn quê cũ?

Trước câu hỏi tuy có lý, nhưng vô tình lại xé rách thêm vết thương thầm kín của mình, Trúc Phương đáp:

“Má của tôi thì già yếu ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh). Nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn… Tôi đã không đỡ dần được bà chút gì…đâu thể nào tìm về để khổ cho bà thêm nữa!” Ở Trà Vinh với bạn cũ một thời gian, Trúc Phương tìm đường về lại Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề, lang thang khắp nơi. Trong một video clip (duy nhất?) trước khi từ trần, ông nói, đại ý:

“Sau biến cố cuộc đời, tôi sống kiểu rầy đây mai đó… Nói là đói thì cũng không đói ngày nào. Nhưng nói no thì cũng chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có nổi cái mái nhà. Vợ con thì cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ bạn bè. Nhưng khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, nên không ai đùm bọc ai được… Lại nữa lúc đó vấn đề an ninh rất khe khắc. Bạn bè không ai dám ‘chứa’ tôi trong nhà, vì tôi không có giấy tờ tùy thân. Cũng chẳng có thứ gì khác trong người… Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai, chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì ra Xa Cảng thuê một chiếc chiếu. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Ngủ tới sáng, xếp chiếu lại, trả cho người ta. Mình lấy lại 1 đồng, như tiền thế chân vậy…

“Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa Cảng hết 9 tháng… Mà nói anh thương… khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ; thuê được chiếc chiếu trải được chỗ lịch sự chút, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ, những chỗ sạch sẽ, vệ sinh người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát… Lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế; nhưng tôi không bao giờ buồn… Tôi nghĩ thôi, cũng là may mắn lắm rồi, còn được sống tới bây giờ, và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này vậy…”

Tiếc thay, tới ngày từ trần, “Nạn nhân của chính tài hoa mình,” Trúc Phương đã không sáng tác thêm được ca khúc nào khác!

Khuynh hướng và những nét đặc thù trong nhạc Trúc Phương (tt)

 
Với số lượng trên dưới 70 ca khúc tính chung cho một đời viết nhạc của Trúc Phương/ Nguyễn Thiện Lộc thì, đó không phải là con số lớn so với những nhạc sĩ cùng thời như nhạc sĩ Anh Bằng, Lam Phương, Tuấn Khanh... Nhưng nếu tính tỷ lệ số ca khúc được nhiều người yêu thích thì, con số mà người nhạc sĩ bị định mệnh cay nghiệt gán cho bản án “nạn nhân của chính tài hoa mình” đạt được, lại là con số rất cao.

Sáng tác nào của Trúc Phương cũng được đám đông nồng nhiệt đón nhận. Các ca sĩ tên tuổi lần lượt tìm tới những ca khúc của ông, như tìm về nỗi niềm của chính họ. Dù cho đó là những ca khúc thuộc khuynh hướng quê hương, tình yêu hay thân phận người lính trong chiến tranh, với khá nhiều nhan đề liên quan tới bóng đêm. Nói cách khác, tài năng của ông tỏa rộng nhiều lãnh vực. Mỗi lãnh vực như một vườn khuya, cho người và, cho đời nhiều hương ân tình khổ lụy quý, hiếm.

Ở lãnh vực nào, Trúc Phương cũng tạo được cho mình một phong cách, một diện mạo riêng, không nhập nhòe, chung chung, lẫn lẫn với những nhạc sĩ khác.

Phong cách hay diện mạo Trúc Phương, theo ghi nhận của tôi, vốn hình thành từ âm điệu tới ca từ.

Qua tất cả mọi sáng tác của mình, Trúc Phương hầu như chưa từng có một ca khúc viết theo thang bậc ngũ cung, đặc thù của âm nhạc Việt (?).Vậy mà, ca khúc nào của ông cũng chứa đựng ít nhiều âm hưởng cổ nhạc và, dân ca Nam Bộ.

Về phương diện ca từ thì, xương sống của hầu hết những ca khúc của Trúc Phương là loại ngôn ngữ rất mộc. Chữ “mộc” ở đây, tôi dùng theo nghĩa những ngôn từ không hoa mỹ, sáo mòn hay bác học. Nó dân dã. Chân chất. Đơn giản. Đời thường.

Trong số những ca khúc của họ Nguyễn viết về quê hương, tôi nghĩ, nhiều người đến nay, còn nhớ âm điệu trong sáng, nhịp nhàng, thấp thoáng mơ ước, lãng mạn rất đồng quê của những thôn nữ cách đây trên nửa thế kỷ; như: “Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa / để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa / xa xôi nhớ người anh lữ thứ / nhớ thương hoài câu hát chiều làng em.” (Chiều Làng Em). Ở lãnh vực tình khúc Trúc Phương cũng mang đến cho nền tân nhạc Việt Nam nhiều mới lạ.

Trước nhất, theo tôi, đó là những lời nói chân thật, trực tiếp, không quanh co. Không gần, xa, bóng gió.

Thí dụ mở đầu bài “Ai Cho Tôi Tình Yêu,” ông gửi ngay câu hỏi của mình tới đối tượng: “Ai cho tôi tình yêu / của ngày thơ ngày mộng / tôi xin dâng vòng tay mở rộng / và đón người đi vào tim tôi / bằng môi trên bờ môi...”

Nhưng không vì thế mà ca từ của ông thiếu vắng những hình ảnh tân kỳ. Cụ thể như cách nói .”.. bằng môi trên bờ môi,” tới hôm nay, theo tôi vẫn là cách nói đầy ấn tượng.

Ở “Buồn Trong Kỷ Niệm,” Trúc Phương cũng mở vào ca khúc của mình một khẳng định chắc nịch, như đường kiếm dứt khoát, khiến người nghe (đối tượng) phải giật mình, choáng váng vì mức độ thuyết phục của nó: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn / đôi khi nhầm lỡ, đánh mất ân tình cũ / có đâu chỉ thế, tiếc thương chỉ thế / khi mơ ước không chung cùng vui lối về...”

Tương tự, ở ca khúc “Chiều Cuối Tuần,” Trúc Phương cũng nhập đề “trực khởi.” Không ầu ơ, ví dầu: “Anh ơi tôi lên đường phố cũ, tìm anh chiều hẹn hò / cho nhau niềm vui cuối tuần, vì hơn mấy lần / vắng anh trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn...”

Thứ đến, qua ca từ của cả ba trong số những tình khúc nổi tiếng nhất của Trúc Phương kể trên, nếu để ý, ta sẽ nghiệm ra rằng: Những tỏ tình hay tâm sự trong ca khúc, không phải là tâm trạng của người nam. Chúng chính là những bộc bạch, thố lộ tình yêu thiết tha, đau khổ của một người nữ.

Tôi không biết có phải họ Nguyễn thác lời người nữ để thích hợp với các giọng ca nữ, (điển hình như Thanh Thúy), hay ông muốn tạo cho mình một cách viết khác? Như những nhà văn nam, đặt mình trong tâm thể người nữ, qua những nhân vật xưng “tôi” là người nữ (và ngược lại).

Trường hợp nào thì sự hóa thân để thăm dò đáy sâu tiềm thức người nữ của Trúc Phương, với tôi, vẫn là một nỗ lực, một phiêu lưu đáng kể trong lãnh vực tân nhạc. Nó như một thứ “Ai tư vãn” mới, của thời hiện đại. (*)

Trúc Phương cũng không dùng nhiều hai nhân xưng đại danh từ rất quen thuộc trong các tình khúc của hai mươi năm tân nhạc miền Nam, là “anh/em” - Mà ông thân thiết với hai chữ “người” và “tôi.”

Xét kỹ, chúng ta còn thấy, Trúc Phương thường sử dụng hình thức chủ từ ẩn, chủ từ vắng mặt trong một số ca khúc của ông. Như ngay khởi đầu bài “Hai Lối Mộng,” ông viết: “Xin giã biệt bạn lòng ơi / trao trả môi người cười / vì hai lối mộng hai hướng trông / mình thương nhau chưa trót / thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời / dù cho chưa lần nói...”

Hoặc: “Buồn vào hồn không tên / thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời / Đường phố vắng đêm nao quen một người / mà yêu thương trót trao nhau trọn lời / để rồi làm sao quên?...” (Nửa Đêm Ngoài Phố)

Tóm lại, điều tôi muốn nói, Trúc Phương/Nguyễn Thiện Lộc không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa. Ông còn là một nhà thơ có những cảm nghiệm tinh tế và, nắm được tu từ pháp.

Tuy nhiên, có một tương phản rõ nét hơn cả, là hình ảnh người lính trong chiến tranh của Trúc Phương, so sánh với người lính trong nhạc của các tác giả khác.

Hình ảnh người lính trong ca từ của Tuấn Khanh là người lính rất đáng yêu trong nhiệm vụ gìn giữ quê hương: “Em nhé! Mình thương nhau muôn đời / anh giữ gìn quê hương xa vời...” (Hoa Soan Bên Thềm Cũ). Hình ảnh người lính trong nhạc Lam Phương là người lính hân hoan với vai trò của mình: “Để rồi một năm nơi biên cương dấn bước thân trên sa trường / ngày thì tìm vui bên chiếc súng khi đêm anh vui với đàn...” (Chiều Hành Quân).

Hình ảnh người lính của Nguyễn Văn Đông là người lính lãng mạn, gần với những cảm thức lãng mạn thời tiền chiến: “Anh đến thăm áo anh mùi thuốc súng / ngoài khuya mưa lê thê, qua ngàn chốn sơn khê...” (Mấy Dặm Sơn Khê). Phổ cập hơn, được nhiều người biết, là hình ảnh người lính hào hoa, đa tình: “Chiều hôm kia thăm làng / tiểu đội anh ra đứng gác ven ranh / một cô đi trên đường / đẹp tựa như em khóc lúc giận anh / để cho anh nghe thèm / đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh / thèm một nét môi / một lần về phép thôi / và mình thì lại có đôi” (Tình Thư Của Lính). Và “Anh không chết đâu anh / người anh hùng mũ đỏ tên Đương...” (Anh Không Chết Đâu Anh). Cả hai ca khúc này, đều của Trần Thiện Thanh. Trong khi người lính trong ca khúc “Cho Một Người Nằm Xuống” của Trịnh Công Sơn, lại là hình ảnh người lính hồn nhiên rong chơi giữa đôi bờ chiến tranh sinh/ tử. Ít nhiều mang tính triết lý tình cờ, hư vô: “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây / Đã vui chơi trong cuộc đời này...” v.v...

Nhưng hình ảnh người lính trong nhạc Trúc Phương khác hẳn. Nếu không muốn nói là hoàn toàn đối nghịch.

Điển hình, trong ca khúc “Kẻ Ở Miền Xa,” hình ảnh người lính của Trúc Phương là người lính thuộc về số đông. Họ vốn dĩ là thế trong đời thường. Ông không sơn phết, không mang hia đội mão, không hóa trang (hay ngụy trang?) bằng bất cứ một hình ảnh thơ mộng, lãng mạn, hào hoa, hào hùng, triết lý nào cho người lính trong nhạc của ông. Những người lính của Trúc Phương, có chung một mẫu số: Thành phần hy sinh lớn nhất. Nhưng họ cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất, trước thực tế trần trụi và, bất trắc khốc liệt nơi chiến địa: “Tôi ở miền xa / trời quen đất lạ / nhiều đông lắm hạ / nối tiếp đi qua / thiếu bóng đàn bà (...) Đơn vị thường khi / nằm trên đất giặc / thèm trong hãi hùng / tiếng hát môi em / tiếng hát ngọt mềm / người nâng lính khổ / viết bởi câu ca / vì tiền hay thiết tha? / Xin đối diện một lần bên tôi / cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi / đến với tôi, hãy đến với tôi / đừng yêu lính bằng lời...”

Tôi không nhớ nghe được ca khúc này bao giờ? Ở đâu?

Chỉ nhớ dường như đó là khoảng đầu năm (19)70, khi tôi đi công tác vùng Cao nguyên Trung phần. Chỉ nhớ ngày đó, tôi có thầm biết ơn nhân viên kiểm duyệt nào đấy, ở Bộ Thông Tin, đã cho phép ca khúc này ra đời!

Dù đã trên dưới 40 năm, bây giờ, mỗi lần ca khúc kia từ ký ức dềnh lên, tôi lại có cái cảm giác chua xót tới tê điếng bởi những câu như “Thiếu bóng đàn bà,” “Thèm trong hãi hùng / tiếng hát môi em...” Hoặc khẩn khoản trong tuyệt vọng: “Đến với tôi, hãy đến với tôi / đừng yêu lính bằng lời...” của họ Nguyễn.

Từng là một người lính, từng có thời gian đóng quân hay công tác ở những nơi ngày đêm không thấy bóng một phụ nữ, tôi như uống được tới giọt cuối cùng của ly nước bị đời sống, xã hội lãng quên. Nhưng, tôi bất lực trước gọi, kêu khẩn khoản rất đỗi con người của họ Nguyễn. Tôi nghĩ, đồng đội, thính giả, những người hâm mộ ông, cũng bất lực, không kém! Không một ai trong chúng ta có thể làm được điều gì cho ông; cũng như cho chính mình! Bởi đó là sự bất lực chung của cả một dân tộc, một đất nước trong những trốt xoáy cuối cùng của cơn hồng thủy hủy diệt, mang tên chủ thuyết. Đạn bom. Chết chóc...

Tôi nghĩ, chúng ta càng bất lực hơn, khi đứng trước bản án mà định mệnh tàn độc đã sớm gán cho một tài năng, một nhân cách như Trúc Phương/Nguyễn Thiện Lộc: Định mệnh của một người vốn là “nạn nhân của tài hoa chính mình!”

Tuy nhiên, tôi cũng chợt nghĩ, ở bên kia thế giới, hôm nay, hẳn nhạc sĩ Trúc Phương đã thấy, những người yêu nhạc ông, mang ơn ông, nhiều biết chừng nào! Mặc dù, tôi không biết điều đó, có đủ an ủi linh hồn ông ít nhiều, nơi cõi khác?

Du Tử Lê

(10 tháng 1, 2011)

_________

Chú thích:

(*): Theo Wikipedia thì, năm 1786, khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ nhất, qua môi giới của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông đã gả công chúa Ngọc Hân, khi đó mới 16 tuổi, cho Nguyễn Huệ, 34 tuổi. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lại đem quân ra Bắc để diệt quân Thanh. Ông phong Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngộ băng hà. Bắc Cung Hoàng Hậu viết 2 bài: “Tế vua Quang Trung” và “Ai tư vãn” bày tỏ niềm thương tiếc và, nỗi đau khổ của mình trước cái chết của người chồng mà bà kính ngưỡng. Trong bài “Danh nhân Ngọc Hân,” tác giả Chu Quang Trứ ghi, sau đó Ngọc Hân đã đem hai con về sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân Huế) để tiếp tục thờ chồng, nuôi con. Bà gượng sống tới ngày 4 tháng 12 năm 1799 thì mất, lúc mới 29 tuổi!

(1): Một số tư liệu ghi nhạc sĩ Trúc Phương sinh năm 1933. Riêng tác giả Hàn Phương ghi Trúc Phương sinh năm 1939.

(2): Ca khúc này có hai tên? Trang nhà dactrung.com ghi “Chiều làng em.” Tác giả Hàn Phương ghi “Chiều làng quê”.

(3), (4), (5), (6), (7): dactrung.com



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,