Vũ Thành An

23 Tháng Giêng 20223:51 CH(Xem: 734)
Vũ Thành An

Đời Nhạc Vũ Thành An, Những Dấu Ấn Thời Đại Đậm Nét

Đó là một buổi tối. Một buổi tối nào đó, dưới gầm trời tạm dung nào đó, tại cột cây số lưu vong nào đó... những mái đầu mới thôi, còn xanh tốt, nay đã ngả màu, cùng cúi xuống. Mỗi kẻ tuồng đang cúi xuống tấm lòng, hay chính trái tim mình.

Họ thấy gì? Chẳng một ai biết được họ thấy gì. Ngay họ còn phải tự hỏi, ta đã thấy gì...? Khi tiếng hát của người đàn ông trong bọn, cất lên.

Tiếng hát mang theo những mũi tên tâm thức tòe đầu. Tiếng hát mang theo đất nước lở loét, phương xa. Núi sông bầm dập cuối sóng. Tiếng hát mang theo năm mươi năm làm người.

Tiếng hát trượt trên vầng trán khắc khoải nếp nhăn. Tiếng hát mang theo định mệnh riêng nó, và, định mệnh một thời. Tiếng hát, không còn cạnh sắc lóng lánh của những miểng thủy tinh cứa trên từng tấc thịt da nhuận tươi rung động tuổi trẻ. Nhưng tiếng hát cho lại quá khứ. Tiếng hát mang lại núi cao và, sông rộng. Tiếng hát mang lại quê huơng. Mang lại tổ quốc nghìn trùng. Cho lại những mái nhà đã bỏ. Những con đường đã tối.

Những ước mơ đã loà.

Tiếng hát cũng mang lại niềm tuyệt vọng xuyên suốt, hư ảo như nỗi chết, đã gần.

Chùm đèn làm thành ngọn đèn có sức nóng nghìn độ, thả xuống mặt bàn, trật khấc nỗi đìu hiu. Chùm đèn làm thành ngọn đèn có sức nóng nghìn đoi, bất động, như những mái đầu, khô cứng, như những thân xác, kiệt quệ. Nhưng, luồng ánh sáng dường bỗng nhạt loãng, dường bỗng âm âm, khi tiếng hát phả vào nó, những lượng khổ đau ngầy ngật.

Những vết thương ngủ vùi trên thân, thế những người đàn ông một thời, chọc trời, khuấy nước. Những tuổi trẻ một thời, bừng bừng chí cả, giờ đây ngơ ngác, ngồi điếng quanh bàn...

Những mảnh đạn, những lằn roi, những nhát chém tấy sưng thần kinh, bấy nát óc não của những chuyên chế, nhân danh chiến thắng, cùng lúc, thức dạy.

Những dấu ấn một thời ngang dọc, những dấu ấn một thời thúc thủ, một thời chân cùm, một thời tay xích, ở từng đời người, ở từng lưu vong, đã chính là những dấu ấn thời đại.

Những dấu ấn hằn xuống tâm can, khôn phai. Những dấu ấn địa ngục, bản năng, còn mãi.

Dù một mai không xa, những thịt xương ngục tù sẽ tan và, sẽ rữa. Dù một mai không xa, những trái tim Việt Nam đây đó, thôi đập. Nhưng những dấu ấn đời đời, vẫn còn. Như nó đã từng còn, từng ở lại, mãi mãi, với thinh không.

Người đàn ông có tiếng hát như những mũi tên toè đầu đó, là Vũ Thành An.

Những ở lại, mãi mãi với thinh không kia, là trái tim trong nguồn tình ca Vũ Thành An.

Vũ Thành An, người trẻ tuổi có trái tim lớn cùng chiến tranh, đã đỏ máu cùng thời đại.

Như tuổi trẻ Việt Nam, như tuổi trẻ của chính chàng, những năm cuối thập niên 60. Lúc cuộc chiến lần lượt lấy đi khỏi những lồng ngực phơi phới thanh xuân, những bình minh chói lòa nghĩa sống. Lúc bom đạn đã khóa kín mọi nẻo, ngõ tương lai. Lúc những người trẻ Việt Nam ở cả hai miền đất nước, không thấy màu xanh. Không kịp uống ngụm nước tình yêu đầu nguồn, ơn sủng.

Ngụm nước tình yêu thứ nhất, trong họ, đã là những ngụm nước chứa đầy thuốc nổ biệt ly. Những ngụm nước thủy ngân, tàn phá, hủy hoại.

Đó là lúc Tình khúc thứ nhất, rồi Những bài không tên xuất hiện.

Sự xuất hiện của đời nhạc Vũ Thành An, lập tức, là một đáp ứng, đắp bù cho những thẳm sâu thiếu hụt. Cho những đáy cùng bơ vơ. Cho những cụt đường, lạc loài, mất hướng thanh xuân.

Đời nhạc Vũ Thành An, thuở đó, đã là những phủ dụ, những dỗ đành, lê lết về phía sự sống. Dù sự sống, phía trước, cũng chỉ là tuyệt vọng chan chứa. Hãy cố yêu người mà sống – Lâu rồi đời người cũng qua.

Đời nhạc Vũ Thành An, luôn luôn mở tới những chân trời tin yêu nhỏ nhoi, bé mọn, như những đời Do Thái, trên mặt địa cầu, cuối kiếp còn hướng về Đất Hứa. Đời nhạc Vũ Thành An, luôn phóng chiếu một tìm kiếm sinh lộ. Tìm kiếm điểm nứt rạn trên biển đặc máu xương. Bên cạnh những ngợi ca nát tan, trên những chia tay mất dấu, ngọn lửa tin yêu của đời nhạc Vũ Thành An, lúc nào cũng bập bùng, lấp lánh.

Phải chăng, đó là định mệnh thứ nhất, của đời nhạc Vũ Thành An?

Đời nhạc Vũ Thành An, dường theo một chu trình bất tận. Chu trình Lên đường – Gục ngã – Lên đường.

Chu trình đời nhạc Vũ Thành An, đã phần nào mặc khoác tính định mệnh đất nuớc.

Tính chất truyền kiếp trong đời nhạc Vũ Thành An, ở thập niên 90, một lần nữa, thêm đậm nét điêu linh giống nòi: Dòng nhạc xưa cũ- khơi lại niềm thương nhớ - ôi người yêu ta xưa - phiêu bạt nơi đâu - vằng vặc trăng sao - phương nào em có thấu- tâm sự này rớm máu – chia gì được đớn đau? Bao nhiêu mộng mơ đó - đã tan theo một cơn gió - bơ vơ dòng tóc mỡ - trôi dạt mười bến nghìn bờ- thân ta giờ xơ xác - mong manh ròn khô rơm rác - năm mươi còn ngơ ngác - theo dòng đời tới lui- một đời quẩn quanh dành tranh - chẳng qua một chớp mắt- sẽ cho em hạnh phúc ư? Có không em? Sẽ cho ta bình yên ư? Vẫn đang xin - sẽ cho ta điều lạ gì? (Bài không tên trở lại, số bảy.)

Nếu độc tài, nếu tù ngục không chặt đứt được nguồn sống bền bỉ của một dân tộc có gần năm nghìn năm lịch sử thì, những thảm kịch trên một phận người, những chao đảo, những vấp ngã trên những dặm đường lẽ sống, cũng muôn đời, không dập tắt được nguồn lực kỳ diệu nơi những trái tim Việt Nam cuối đường: Khả năng đứng lên. Đi tiếp. Về phía chân trời.

Chu trình ba bước của nguồn âm nhạc Vũ Thành An, ở đoạn sau, càng cho thấy thảm kịch chỉ giúp trái tim đời nhạc Vũ Thành An thêm lớn lao, thêm nhân ái: Ôi kỳ diệu thay – những đám tinh vân vần xoay – ôi kỳ diệu thay những bước luân lưu tháng ngày – hãy lặng mà nghe tiếng chim ca ngoài sân- hãy lặng mà xem những đoá hoa xuân đầu mùa- đếm nhịp đời đong đưa- góp lại bao thương nhớ- dệt những câu ca tặng người – ước nguyện trào dâng cao hạnh phúc trên địa cầu- an ủi cho những người khổ đau... (Hãy nhìn lên trời cao.)

Đằng sau những đổ nát, kế cận những tang chế, đời nhạc Vũ Thành An lúc nào cũng lóng lánh niềm thương yêu chân chất. Cùng với nhịp chuyển động của dòng lịch sử, cùng lúc với những cánh cửa định mệnh mở vào phần hy vọng tốt tươi của tổ quốc; đời nhạc Vũ Thành An cũng bay lên, bát ngát tình người. Một sớm mai ta bừng mắt thức dạy – chợt thấy đôi tay đã gầy – nửa đời đã thoảng bay – phút chốc không hay – thảm nắng trên vòm cây lóng lánh sương mai – một chiếc lá bay bay – theo dòng cuốn xoay hoài- một nghìn năm một giây em chớp mắt chẳng hay – chỉ thấy ta cuồng say theo ngày tháng xoay hoài - ngày đã lên, cuộc sống bắt đầu... (nhân bản 7.)

Sau bao đứt lìa, sau bao vùi chôn, tẩm liệm, chu trình ba giai đoạn trong đời nhạc Vũ Thành An, đã hứa hẹn một thăng hoa, đương nhiên. Thăng hoa từ những khổ đau, bất hạnh. Tin yêu đọt mầm sau những vấp ngã. Mặt trời đã lên rồi - tình yêu giữa con người – dòng suối đời đời khơi- mặt trời vẫn sáng ngời – tình yêu giữa con người - dòng suối đời đời khơi - mùa xuân đang về đây – em vào thay áo mới - hồng lên đôi làn môi - mái tóc chảy phất phới – em đứng lặng yên gió thổi – không thấy còn vương vấn bụi – tình yêu ấy – tình yêu ấy – tặng người...(Nhân bản 6.)

Tình yêu ấy, tình yêu trong trái tim lớn của đời nhạc Vũ Thành An, tặng người hay tặng đời? Tặng đời hay tặng nhân gian mai sau?

Những dấu ấn đậm nét nhất, lại chính là những nét chém hằn trong tâm hồn một con người bình thường, như mọi người và, cùng lúc, lại là một nhạc sĩ, khác hơn mọi người. Tôi gọi đó là trường hợp nhị trùng bản ngã. Nhị trùng bản ngã Vũ Thành An.

Vì có được nhị trùng bản ngã mà, Vũ Thành An, thật người.

Tôi vẫn nghĩ, đời không đòi hỏi nơi ta một điều gì khác hơn đòi hỏi, ta là một con người. Có là một con người, chừng đó, ta mới thấu hiểu nhắc nhở của người xưa. Đó là nhắc nhở, nếu không làm được một điều gì hữu ích cho đời sống, thì, bạn hãy trồng một thân cây, cho đời sau bóng mát.

Bằng vào nhắc nhở này, bằng vào khách quan và, sự ngay thẳng tối thiểu, tôi muốn nói rằng, Vũ Thành An không chỉ cho ta một bóng mát, một ngọn cây mà, anh đã cho ta, bóng mát của cả một khu rừng, nhiệt đới...


Vũ Thành An, con vật tế thần chiến tranh, đời riêng và, dòng nhạc của chính mình, 


Tôi không biết đã bao năm trôi, khuất nhưng thản hoặc ký ức tôi vẫn lóe lên chút ánh sáng liu điu của những ngọn nến trên cao rớt xuống mặt bàn nhà một người bạn, nơi quê người.

Đó là những lúc tôi được tin người bạn này mới ra đi. Người bạn kia vừa bước tới. Đó là những đêm nơi tôi ở, mưa bất ngờ trở về, rất khuya.

Đó là lúc tôi cúi xuống tuổi già của mình. Đăm đăm nhìn những lượng sáp cạn dần của những thân nến trong đài nâng, hay đìu hiu một mình giữa bóng tối vây khổn.

Đó là lúc những cây nến đang ăn lần phần đời của chúng. Cũng như tôi, như bằng hữu tôi, những người thuộc thế hệ 1930, 1940 đang ăn lần (ăn nốt) phần đời còn sót lại của chính mình.

Những giây phút đó, hình ảnh từ nhiêu chục năm trước của một quá khuya, hình ảnh những mái đầu mới thôi, còn xanh, nay đã ngả màu, cùng cúi xuống. Mỗi kẻ tuồng đang cúi xuống cảnh tượng đời riêng của chính mình.

Họ thấy gì? Chẳng một ai biết được! Tôi nghĩ ngay họ, có khi cũng phải tự hỏi, ta đã thấy gì khi tiếng hát của người đàn ông (có mái tóc không còn xanh tốt) trong bọn, cất lên.

Tiếng hát mang theo những mũi tên tâm thức tòe đầu. Tiếng hát mang theo đất nước lở loét, phương xa. Núi sông bầm dập cuối sóng. Tiếng hát mang theo gần bảy mươi năm làm người. Tiếng hát trượt trên vầng trán khắc khoải nếp nhăn. Tiếng hát mang theo định mệnh nửa thiên thần, nửa thú vật của riêng nó và, định mệnh cùng hệ quả của một thời chính chiến. Tiếng hát, không còn cạnh sắc lóng lánh của những miểng thủy tinh cứa trên từng tấc thịt da nhuận tươi rung động tuổi trẻ. Nhưng nó cho lại chúng tôi, quá khứ. Cho lại chúng tôi quê hương lầm than, tổ quốc buồn bã, nghìn trùng. Nó cho lại chúng tôi những ngôi trường đã mất. Những mái nhà đã bỏ. Những ruột thịt, tình nghĩa gối chăn xưa, nay bỗng hận thù, bằn bặt lạ xa…

Dòng đời nào đưa em về đâu – Sao không thấy qua đây một lần – Dòng đời nào đưa em về đâu – Những bến bờ xưa cũ đã mờ - - Ôi mái tóc mây bay – Giờ còn đây tiếng nói thơ ngây – Giờ còn không, em có vui không? Hai má có hồng? - - Tuổi thơ qua mau qúa – tôi ngỡ như ngày nào – đôi mắt em như sao – soi thấu tâm hồn nhau – Giờ đời tôi đã úa – tay cố vui cùng người – Tim có vui không em? Đôi mắt quầng thâm rồi!” (Trích “Một lần nào cho tôi gặp lại em” Vũ Thành An.)

Tôi nhớ, khi tiếng hát của người đàn ông (có mái tóc không còn xanh tốt,) cất lên thì, dường như những vết thương ngủ vùi trên thân thế những người đàn ông một thời, chọc trời, khuấy nước - - Những tuổi trẻ một thời, bừng bừng chí cả - - Luôn cả những tuổi trẻ hèn nhát, một thời trốn chạy nghiệp chung đều điếng lặng quanh bàn...

Tôi cho, những dấu ấn một thời ngang dọc, những dấu ấn một thời thúc thủ, một thời chân cùm, một thời tay xích, ở từng đời người, ở từng lưu vong, là những dấu ấn thời đại. Tôi nghĩ, những dấu ấn hằn xuống tâm can, khôn phai. Những dấu ấn địa ngục, bản năng, còn mãi.

Dù một mai không xa, những thịt xương ngục tù sẽ tan và, sẽ rữa. Dù một mai không xa, những trái tim Việt Nam đây đó, thôi đập. Nhưng những dấu ấn đời đời, vẫn còn. Như nó đã từng còn, từng ở lại, mãi mãi, với thinh không:

“Ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu – Ta tìm một tiếng yêu, thấy tòan là sầu đau – Ước vọng ngày thơ ấu, chưa xin được chút nào – suốt đời còn ước ao, khát vọng còn cấu cào - - Ôi thôi đời ta phung phí, trong cơn mụôn phiền – ta xin tháng ngày rồi bình yên – Ô hay tại sao ta sống chốn này – Quay cuồng mãi hòai, có gì vui! (Trích “Đời đá vàng” Vũ Thành An.)

Người đàn ông có tiếng hát như những mũi tên tòe đầu đó, là Vũ Thành An.

Những ca từ mộc mạc chân thật, dung dị thiết tha đó là một phần đời nhạc họ Vũ.

Như tuổi trẻ Việt Nam, như tuổi trẻ của chính chàng, những năm cuối thập niên 60. Lúc cuộc chiến lần lượt lấy đi khỏi những lồng ngực phơi phới thanh xuân, những bình minh chói loà nghĩa sống. Lúc bom đạn đã khóa kín mọi nẻo ngõ tương lai. Lúc những người trẻ Việt Nam ở cả hai miền đất nước, không thấy màu xanh. Không kịp uống ngụm nước tình yêu đầu nguồn, ơn sủng.

Ngụm nước tình yêu thứ nhất, trong họ, đã là những ngụm nước chứa đầy thuốc nổ biệt ly. Những ngụm nước thủy ngân, tàn khốc hủy hoại.

Sự xuất hiện của đời nhạc Vũ Thành An, lập tức, là một đáp ứng, đắp bù cho những thẳm sâu thiếu hụt. Cho những đáy cùng bơ vơ. Cho những cụt đường, lạc loài, xuất huyết thanh xuân.

Nhưng đời nhạc Vũ Thành An, không chỉ là những phủ dụ, những dỗ đành, lê lết về phía sự sống cùng đường… Bởi vì, cách gì thì, những cây nến cũng tự ăn lần đời của chúng.

Như thế hệ của các thập niên 1930 và 1940, cách gì, cũng đang ăn lần (ăn nốt) phần đời còn lại của chính mình.

Tôi muốn nói, nếu độc tài, nếu tù ngục không chặt đứt được nguồn sống bền bỉ của một dân tộc có gần năm nghìn năm lịch sử thì, những thảm kịch trên một phận người, những chao đảo, những vấp ngã trên những dặm đường lẽ sống, cũng muôn đời, không dập tắt được nguồn lực truyền đời nơi những trái tim Việt Nam cuối đường: Khả năng đứng lên. Đi tiếp. Về phía chân trời.

Nguồn nhạc Vũ Thành An, ở giai đoạn sau thập niên 1980, theo tôi, đã cho thấy cái nguồn lực truyền đời đó. Nguồn lực hay khả năng đứng lên. Đi tiếp. Về chân chân trời.

Ôi kỳ diệu thay – những đám tinh vân vần xoay – ôi kỳ diệu thay những bước luân lưu tháng ngày – hãy lặng mà nghe tiếng chim ca ngoài sân- hãy lặng mà xem những đoá hoa xuân đầu mùa - đếm nhịp đời đong đưa - góp lại bao thương nhớ - dệt những câu ca tặng người – ước nguyện trào dâng cao hạnh phúc trên địa cầu - an ủi cho những người khổ đau...” ( Trích “Hãy nhìn lên trời cao” VTA.)

Tôi vẫn nghĩ, trước những va vấp bản năng, con người thường có cho mình một trong hai cung cách ứng phó: Buông xuôi. Thả trôi mình trong phế bỏ. Hoặc, đứng lên, hóa thân thành lửa ngọn, soi lấy đường mình đi.

Tôi nghĩ, Vũ Thành An ở trường hợp thứ hai. Họ Vũ đã gặt hái được những đọt mầm thương yêu, những bông hoa đức tin từ cánh rừng khổ đau và, bất hạnh.

Mùa xuân đang về đây – em vào thay áo mới - hồng lên đôi làn môi- mái tóc chảy phất phới – em đứng lặng yên gió thổi – không thấy còn vương vấn bụi – tình yêu ấy – tình yêu ấy – tặng người...( Trích “Nhân bản 6” VTA.)

Những dấu ấn đậm nét nhất, lại chính là những nét chém hằn trong tâm hồn một con người bình thường, như mọi người và, cùng lúc, lại là một nhạc sĩ, khác hơn mọi người.

Tôi gọi đó là trường hợp nhị trùng bản ngã. Nhị trùng bản ngã Vũ Thành An.

Ít ngày qua, Cali nơi tôi ở, có nhiều đêm mưa. Tôi có nhiều khuya cúi xuống tuổi già mình. Đăm đăm nhìn lượng sáp cạn dần của những thân nến trong các đài nâng; hay đìu hiu một mình giữa bóng tối vây khổn. Đó là lúc những cây nến đang ăn lần (hay ăn nốt) phần đời của chính chúng.

Cũng như tôi, như bằng hữu tôi và cả bạn (dù bạn chỉ mới chớm thanh xuân, đã giữa đường nhân thế thì, cũng đừng quên,) chúng ta cũng đang ăn lần (hay ăn nốt) phần đời của mình vậy.

Từ cảm nghiệm này, tôi thấy, dường như những người thuộc thế hệ 1930 và 1940 (trong đó có Vũ Thành An,) là một con vật tế thần. Con vật tế thần chiến tranh và, đời riêng, mỗi kẻ. Đồng thời, chúng ta cũng đừng quên, họ Vũ còn là vật tế thần của những dòng nhạc, đi ra từ chính ông nữa.

Du Tử Lê,

(Calif. May 19 2010)




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20371)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15332)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17175)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9864)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18254)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4733)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1503)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2025)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1919)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23262)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19815)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8611)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9618)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9083)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11951)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31501)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21392)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26303)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23729)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22510)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20617)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18778)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19915)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17525)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16656)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25506)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32867)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35462)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,