Đỗ Quí Toàn

29 Tháng Giêng 20223:51 CH(Xem: 838)
Đỗ Quí Toàn
Văn Giới Nghĩ Gì Về Thơ Đỗ Quý Toàn?


Đầu thập niên (19)90, đôi lần về Orange County, thay vì ở nhà Trần Duy Đức, tôi ở lại căn phòng của nhà văn Mai Thảo, trên lầu khu chung cư dành cho người cao niên, đường Bolsa, sau lưng nhà hàng Song Long, thành phố Westminster. (1)

doquitoan_400-content
Nhà thơ Đỗ Quí Toàn (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)


Một tối, “ăn nhậu” xong, trở về, chủ biên tạp chí Văn trải chăn mền trên sàn, bảo tôi ngủ trước. Ông cần viết cho xong “Sổ Tay” (một thứ “Lời Nói Đầu”) để ngày mai có người tới lấy đi đánh máy (2). Đang viết, ông ngừng bút. Châm thuốc. Thấy tôi còn đọc sách, ông kể, lâu lắm, ông mới nhận được thơ của Đỗ Quí Toàn ở Canada. Ông bảo, ông rất thích nên đã viết trong “Sổ Tay” Văn, đại ý:

“… Đỗ Quí Toàn là tiếng thơ trí tuệ nhất hôm nay, ở hải ngoại mà chúng ta có được…

Tôi cười. Bỏ sách xuống. Không trả lời. Tôi nghĩ, ông nói, chỉ là nói vậy thôi, chứ không hề chờ đợi nơi tôi, câu trả lời, góp ý. Phát biểu của ông, cho tôi chút bất ngờ vì, chưa bao giờ tôi nghe ông nhắc về thơ họ Đỗ trong những lần gặp gỡ chung hay riêng. Tuy tôi vẫn nhớ thơ Đỗ Quí Toàn từng xuất hiện khá nhiều trên tạp chí Sáng Tạo, Saigon, trước 1975. Thấy tôi im lặng, ông gặng hỏi:

“Tôi nói đúng chứ, Lê?!?”

“Vâng. Anh.” Tôi đáp.

Gần giống trường hợp Thanh Tâm Tuyền, trong 20 năm văn học miền Nam, thơ Đỗ Quí Toàn không được quần chúng biết đến nhiều, như một số nhà thơ khác. (3) Mặc dù, với văn giới, ngay tự những năm tháng quê nhà, thơ Đỗ Quí Toàn đã được lượng giá như một tiếng thơ sớm định hình.

Cụ thể, trong tác phẩm “Thi Ca và Thi Nhân”, nhà phê bình văn học Cao Thế Dung viết về thơ Đỗ Quí Toàn như sau:

“... Thơ tự do còn thể hiện một sự biệt tích của lòng yêu dấu trong đó có một giai nhân nào không còn là nàng tình muôn thuở (như một Dương Quý Phi, hay Bao Tự hay Désirée...) Thơ tự do - trong thi điệu và ngôn ngữ - ví như đứa con tình nguyện đi hoang và tự ném tuổi thơ đốt cháy trong một ngọn lửa tình cờ phi lý và rất tàn bạo của thời đại.“Đỗ Quí Toàn với thi tập 'Nàng' là một tiêu biểu. Thơ tự do của họ Đỗ như không là thơ (theo quan niệm cũ thông thường về thơ). Thơ ông là những ngôn ngữ như lá cành trên sa mạc hoặc sỏi đá trên vùng tuyết lạnh và tiếng thơ như tiếng huýt sáo theo giọng ca được sáng tác trong tình cờ và hợp tấu theo bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể. Bài 'Tự Tình' là một thí dụ đơn giản về cách cấu tạo ngôn ngữ thơ cũng như thi điệu của thơ tự do:

"Hãy yêu chàng như núi
núi nào có biết gì
núi nằm đá yên ngủ
đã hàng muôn năm qua
khi núi thức mùa xuân.Hãy yêu chàng như cỏ
cỏ ngây ngất mọc đầy
tràn lan quanh mặt đất trên trái đất quay…” (
4)

Ở hải ngoại, trong một bài viết mang tính nhìn lại những chặng đường đời thường, cũng như thi ca của họ Đỗ, nhà thơ Luân Hoán ghi nhận:

“… Đã yêu thơ, sống cùng thơ một thời gian, thì không thể bỏ làm thơ, ngưng làm thơ, dù công việc bề bộn thường ngày: dạy học, viết báo, đọc sách, trồng hoa, đưa vợ đi chợ, đi ăn, đưa con vào trường... Nhưng Đỗ Quí Toàn dường như luôn luôn chừng mực. Tôi có cảm tưởng anh vô cùng kính cẩn trong từng câu thơ anh viết. Có đến 26 năm sau, tập thơ thứ ba của anh mới được ra đời. Dĩ nhiên chỉ căn cứ theo sự thành hình cụ thể của tác phẩm. Cầm tập thơ Cỏ Và Tuyết (5) trên tay như cầm một tặng phẩm vô giá. Với chỉ bảy mươi trang giấy thật đặc biệt từ màu sắc đến độ dày. Tập thơ hồng hào, phương phi như một tấm nhan sắc lộng lẫy, không phân biệt giới tính. Đẹp như đẹp trai rất đúng. Đẹp như đẹp gái cũng không sai. Họa sĩ Võ Đình góp tay trang điểm bằng mẫu bìa cùng phụ bản, với một lối vẽ khác hơn nhiều người. Cỏ và Tuyết là hai hình ảnh thân mến của thị dân Montréal. Cỏ thì chỗ nào trên thế giới không có. Nhiều người từng nói: có đất là có cỏ. Tuyết cũng chẳng hiếm quí. Không ít những quốc gia đầy tuyết như Nga, Na Uy...Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn...Cả miền bắc Việt Nam thỉnh thoảng còn có tuyết nữa là. Nhưng cả Cỏ lẫn Tuyết ở Montréal hẳn nhiên phải khác lạ, rực rỡ, lộng lẫy hơn tất cả, bởi vì Cỏ Tuyết ở xứ này đang có một nhà thơ để tâm quan sát chúng, thưởng ngoạn chúng. Lấy lòng ra lót ổ cho chúng phơi phới nhú đầu, thong dong bay lượn. Ngắm, nghĩ và thương yêu đối tượng của mình, Đỗ Quí Toàn gói gọn trong 14 chữ:

“Tuyết đã tan
cỏ cựa quậy vươn
lời réo gọi
mặt trời tình nhân”


(Cỏ Và Tuyết, trang 38)

“Không là thơ ngắn của Tàu, chẳng là thơ cụt của Nhật. Sức sống mãnh liệt của vạn vật qua giống thực vật nhỏ nhoi nhất được giới thiệu. Sự hoán đổi nhịp nhàng của thời tiết được mở ra và nỗi nhiệt tình mến yêu đang chào đón cuộc sống, hiện diện…” (6)


Thơ Đỗ Quý Toàn, những Lượng Nước Trong Veo, đầu Nguồn.

Khi ghi nhận thơ Đỗ Quý Toàn là tiếng thơ “trí tuệ”, tôi không biết nhà văn Mai Thảo muốn nói, trí tuệ trong thơ họ Đỗ thuộc khuynh hướng nào?(7) Khuynh hướng kinh-viện? Hay khuynh hướng dùng sở học đem thơ vượt trên bản năng mù lòa? Cảm xúc bất cập? Để đưa thơ về lại đầu nguồn. (Nơi hôn phối giữa con người và thiên nhiên thiện-hảo nhất).


Mặt khác, tôi cũng không tìm được sự đồng cảm với nhà phê bình văn học Cao Thế Dung (8), khi ông viết về thơ Đỗ Quý Toàn, trong cuốn “Thi Ca và Thi Nhân” (9) có đoạn như sau:


“… Thơ ông là những ngôn ngữ như lá cành trên sa mạc hoặc sỏi đá trên vùng tuyết lạnh và tiếng thơ như tiếng huýt sáo theo giọng ca được sáng tác trong tình cờ và hợp tấu theo bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể…” (10)


Tôi nghĩ nên xác nhận rằng: Tôi không tìm thấy tính “sa mạc, sỏi đá” nào trong tất cả những bài thơ của Đỗ Quý Toàn, tôi được đọc từ quê nhà, tới hải ngoại. Tôi cũng không tìm thấy dấu vết những “bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể,” trong cõi-giới thơ họ Đỗ!


Trái lại, với tôi, thơ Đỗ Quý Toàn luôn nồng nàn tình yêu thiên nhiên. Tình yêu con người:


“… Chàng trên môi em là mặt trời xoay/ Những con chim biển bay trong những chiếc lồng nắng ngời bọt trắng/ Trong hơi thở chàng em ngập ngụa như cồn cát non dưới cơn triều vĩ đại/. Trên bàn tay chàng dòng sông trào cuốn tới sóng mênh mông/ mang thân em làm phù sa đưa em đi về thăm thẳm xa tới biên cương của sông và biển/ tới biên cương của nước và trời biên cương của ngân hà và vũ trụ…”

(…)

Hãy im lặng như sao đêm./ Thì thầm lời tình tự./ Hãy bao la như sóng cả./ Mùa nước lũ mênh mang hãy phì nhiêu như trái đất nở nang ban sự sống biết bao nhiêu mùa hoa cỏ.”(Trích ĐQT: “Mặt trời nàng”)

Hoặc:

“… Khi núi thức mùa xuân./ Hãy yêu chàng như cỏ./ Cỏ ngây ngất mọc đầy/ Tràn bao quanh trái đất./ Trên trái đất quay./ Hãy yêu chàng như biển./ Đất quay biển quay theo./ Nhịp nhàng như luân vũ khúc…” (Trích ĐQT: “Tự Tình”)

Tôi vẫn nghĩ, một người không thể có tình yêu thiên nhiên, nhân loại, nếu không yêu chính mình. Cá nhân hay thân thể thi sĩ, trong trường hợp này, là chiếc cầu nối, ngôi đền chứng giám cuộc gặp gỡ kỳ diệu gữa thiên nhiên và nhân thế:

“… Hãy yêu chàng như màu xanh
Yêu chàng như màu đỏ
Như màu tím màu vàng
Trên da trời chói chang
Mặt trời mọc rồi lặn
Trời da vàng da đen
Yêu chàng như thế đó
Hãy yêu chàng như thế
Như thế như thế
…” (11)

Là người có đôi chút kinh nghiệm và, quan tâm tới kỹ thuật thi ca, qua nhiều trích đoạn thơ kể trên của họ Đỗ, tôi muốn nói một trong những nét đặc thù của cõi-giới thơ Đỗ Quý Toàn, là khả năng sử dụng kỹ thuật “Liên tưởng mắt xích” hay “Liên tưởng xâu chuỗi” (Associated links) - - Là kỹ thuật cho phép thi sĩ chuyển tải một loạt hình ảnh, ý tưởng… Nó như dòng nước chảy xiết, không khoảng lặng. Tuy nhiên, vẫn theo tôi, không phải nhà thơ nào, trường hợp nào, cũng có thể sử dụng kỹ thuật đó. Một người làm thơ non tay, khi lạm dụng kỹ thuật này, nó sẽ tố cáo sự vụng về, gượng gạo của lạm dụng vô cảm, lạc lõng, ngô nghê!

Như bất cứ một thi sĩ nào khác, họ Đỗ cũng có một số thơ lục bát (không nhiều). Lục bát Đỗ Quý Toàn, tới nay, vẫn nghiêng về điều tôi muốn gọi là “đẹp xưa” - - cũng với tất cả tâm hồn đắm đuối thở cùng nhịp thở thiên nhiên. Thí dụ:

Rừng vừa trải một lần mưa/ Nắng riêu lũng khói vàng xoa dạn hồn/ Người đi chìm xuống chiều thuôn/ Chim kêu bóng thấp sương dồn lung lung/ Trời đưa mây tới hư không/ Nằm nghe ngày xuống hoài mong buồn về."

(ĐQT: “Buồn về”)

Hay:

Không gian đang đóng cửa ngoài/ Nắng sa xuống núi mưa ngoài bến sông/ Lòng sầu dớm chút sương trong/ Trời yên lặng thế - gì mong giãi bày/ Này thôi, đừng nhớ hôm nay/ Ngồi, nghe bụi nhỏ rơi đầy ước mơ."

(ĐQT: “Bên ngoài”)

Dù vậy, điểm mạnh trong sinh phần thơ Đỗ Quý Toàn, theo tôi, vẫn là cách nói của riêng ông, ở những thể thơ khác. Điển hình như bài thơ được nhiều người biết đến: Bài “Chuyện tình” (12)

“Chuyện tình” hay “Mùa xuân yêu em” có 24 câu. Bốn câu đầu mở vào bài thơ là:

Ôi anh yêu em vì em biết nói
Em đã biết thưa em còn biết gọi
buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em
bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn
…”

Tôi biết, nhiều người rất thích thú khi thấy họ Đỗ cho biết, người yêu của ông, không chỉ “biết nói” mà còn…
“biết thưa”!

Nhưng cũng không ít người ngạc nhiên, tự hỏi, “Ủa! Như vậy thì những phụ nữ còn lại, không…“biết nói, biết thưa” sao?

Với những ai làm thơ, và nhất là có nghiên cứu, hiểu biết về kỹ thuật thi ca, sẽ nhận ra rằng: Tác giả đã sử dụng kỹ thuật hoán dụ (metonymy) để hóa thân người yêu của ông thành chim. Nhờ thế, họ Đỗ đem được vào bài thơ của ông, tính dí dỏm, hóm hỉnh (vốn ít thấy trong thơ Việt). Mặt khác, nó cũng cho thấy tình yêu tác giả dành cho nhân vật nữ trong thơ của ông, mới nồng nàn, thắm thiết dường nào!(13)

Và, đây cũng là một “cách nói khác” nói về tình yêu, với những liên tưởng mới, đẹp, như:

khi ngó nhau thôi còn biết nói gì
hai đứa ngồi đó như hai hòn bi…”

Hoặc:

“…có cánh hoa đẹp anh hái cho em
em không thèm nhận anh chết cho xem
…”

Dĩ nhiên, người yêu của ông (ngay khi có thực sự là một con chim nhỏ), cũng dư biết đó chỉ là “dọa dẫm”, làm duyên vậy thôi. Bởi vì, ngay sau đó, tác giả đã nhãng quên điều mới nói, để lại âu yếm hỏi:

“… này em yêu quý em có biết nghe
trên cánh đồng cỏ có con bò kia
nó kêu ‘bò’ ‘bò’ và nó ăn cỏ
…”

Cứ thế, ông dẫn dụ con chim nhỏ của ông hướng thương yêu đến những sinh vật nhỏ nhoi nhất, như con... kiến. Hoặc với thiên nhiên cao, rộng, thênh thang… Như gió. Như núi, đồi. Như một… “cây to tướng”:

“… trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió
và trên đỉnh đồi có cây to tướng
ở một cành ngang có một tổ kiến
có con đi ra có con đi vào
trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao…


Tôi nghĩ, tôi không quá lời khi nói, thay vì kể chuyện cổ tích (mà trẻ con rất thích) họ Đỗ đã dùng hình ảnh, thiên nhiên để gợi óc tò mò trẻ thơ nơi đáy sâu tâm hồn người yêu ông. Trước khi dẫn dụ nàng tới hình ảnh một con chim (khác):

“… hồi nãy trên trời có con chim bay
có con chim nó bay qua trên trời
…”

Tôi rất thích hai chữ “hồi nãy,” ngụ ý, “xui ghê,” con chim ấy đã bay mất! Nhưng, hiện tại, ngay bây giờ, ở đây là “em” – Cũng là chim. Nhưng hiện thực. Sống động. Giữa:

“trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi.”

Đọc thơ Đỗ Quý Toàn, thơ của một người yêu tổ quốc mình, nồng nàn qua tình yêu ngôn ngữ Việt, tôi muốn ví tiếng thơ đó, như những lượng suối trong veo, đầu nguồn. Nó trong trẻo tới độ, ta có thể vốc lên tay từng vốc nước ở bất cứ đoạn suối nào, ta vẫn có thể soi thấy mặt mình hân hoan, rạng ngời trong từng giọt nước.

Từ đấy, tôi không ngạc nhiên, khi biết có nhiều người yêu thơ họ Đỗ.

Nhưng, xin “hãy yêu chàng…” cách của mình. Mà, không nhất thiết phải làm công việc giống… như tôi, trên đây!

Du Tử Lê

(Garden Grove, Aug. 2013)

_________________

Chú thích:

(1) Đó là nơi ở sau cùng của tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền,” kể từ khi ông rời căn nhà của người em ruột ở thành phố Garden Gorve. Người tìm và đứng tên thuê căn studio này, là cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến (1941-2000) - - Chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt. Vì lý do sức khỏe, vài năm trước khi từ trần, nhà văn Mai Thảo đã dọn xuống đất, cũng là studio.
(2) Tới ngày mất, nhà văn Mai Thảo (1927-1998) vẫn cương quyết không sử dụng computer. Thậm chí, ông còn từ chối đề nghị của một bạn trẻ, đánh máy danh sách mấy trăm độc giả dài hạn của báo Văn, để ông chỉ việc gỡ những miếng label in sẵn, dán lên bì thư mà thôi. Trong tình thân với một số người, ông giải thích, không phải ông “gàn, chướng” mà, ông cho rằng, đích thân ông viết tên độc giả nơi bì thư, tuy có mất thì giờ thật, nhưng đó là sợi giây liên lạc thân thiết giữa Văn và bạn đọc.
(3) Trừ ca khúc “Mùa xuân yêu em” thơ Đỗ Quí Toàn, nhạc Phạm Duy (1921-2013), là trích đoạn từ bài thơ nhan đề “Chuyện tình,” họ Đỗ viết năm 1959. Phổ biến lần đầu trên báo Ngàn Khơi 1960. Năm 1964, ông chọn đọc trong hôn lễ với người bạn đời của ông là bà Hà Dương Thị Quyên. Trong số tân khách tham dự, có nhạc sĩ Phạm Duy… Tuy nhiên, không vì thế mà quần chúng biết được những gì nằm ngoài ca khúc.
(4) Cao Thế Dung, “Thi ca và Thi nhân” Quần Chúng, Saigon, xuất bản năm 1969. Trích theo Luân Hoán, Wikipedia – Tiếng Việt.
(5) “Cỏ và Tuyết” thơ Đỗ Quí Toàn, Thanh Văn XB, Hoa Kỳ, 1988.
(6),
(7), (8), (9), (10), (11) Nđd.

(12) Họ Cao hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia.

(13) Đây cũng là một ân thưởng thi ca dành cho các thi sĩ. Họ có thể ví von, so sánh người yêu của họ, với bất cứ một hình tượng nào; mà, không sợ bị ai phiền trách. Có khi họ còn được yêu thích hơn, như trường hợp họ Đỗ trong bài thơ này vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21407)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16133)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17791)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10492)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19031)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5304)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1989)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2602)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2379)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23704)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20147)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8983)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10075)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9353)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12532)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31984)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21635)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26793)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24192)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23001)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21140)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19055)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20285)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17796)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16853)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26104)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33383)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35677)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,