Kim Tuấn

29 Tháng Giêng 20223:51 CH(Xem: 925)
Kim Tuấn
Kim Tuấn, chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và, âm nhạc.

kim_tuan_2-content-content


Nhìn lại 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, dù đứng ở góc độ nào hay, từ lăng kính chính trị nào, người ta cũng không thể phủ nhận sự giầu có, dẫn tới thăng hoa tinh thần của hai lãnh vực văn chương và, âm nhạc.

Với tôi, hai lãnh vực này còn tìm đến nhau, hợp thành những hôn phối tốt đẹp. Rực rỡ. Tôi muốn nói tới hiện tượng thơ được các nhạc sĩ soạn thành ca khúc.

Nói tới thơ phổ nhạc, dù đã bao nhiêu năm trôi qua, hôm nay, ở hải ngoại cũng như trong nước, giới thưởng ngoạn, thuộc nhiều thế hệ, vẫn còn ắp đầy rung động khi được nghe “Mộng dưới hoa,” của Phạm Đình Chương, phổ từ thơ Đinh Hùng. “Ngậm ngùi” của Phạm Duy, phổ từ thơ Huy Cận. “Tình quê hương” của Đan Thọ, phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên. “Trăng sáng vườn chè” của Văn Phụng, phổ từ thơ Nguyễn Bính. “Bạn lòng” của Hoàng Trọng, phổ từ thơ Hồ Đình Phương. ““Ai bảo em là giai nhân” của Anh Bằng, phổ từ thơ Lưu Trọng Lư. “Những bước chân âm thầm” của Y Vân, phổ từ thơ Kim Tuấn. “Anh cho em mùa xuân” của Nguyễn Hiền, phổ từ thơ Kim Tuấn. “Trên ngọn tình sầu” của Từ Công Phụng, phổ từ thơ Du Tử Lê. “Áo lụa Hà Đông” của Ngô Thụy Miên, phổ từ thơ Nguyên Sa. “Chiều trên phá Tam Giang” của Trần Thiện Thanh, phổ từ thơ Tô Thùy Yên… Và, còn nhiều, rất nhiều những phối ngẫu vàng mười, giữa thi ca và, âm nhạc miền Nam, khác nữa.

Mỗi nhạc sĩ tôi chỉ chọn ra một trong nhiều ca khúc đi ra từ thi ca thì, nhà thơ Kim Tuấn đã có tới hai bài gắn liền với hai tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam là Y Vân và Nguyễn Hiền.

Tôi nhớ, một nhà báo từng viết xuống rằng, Kim Tuấn là một nhà thơ, có thơ được soạn thành ca khúc, nhiều nhất ở miền Nam.(1) Kết luận này, theo tôi, tương đối gần với thực tế; nếu tính theo con số những ca khúc được phổ biến và lưu truyền tới bây giờ. Tôi chỉ xin được bổ túc: Một người có thơ được các nhạc sĩ tìm đến nhiều không kém là, nhà thơ Đinh Hùng. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng tới hôm nay, nhờ thơ của tác giả “Mê hồn ca” và, “Đường vào tình sử”…

Có hơn một người từng hỏi tôi, nhà thơ Kim Tuấn giống như chiếc cầu nối huy hoắc giữa thi ca và, âm nhạc; nhưng số người thực sự tìm đọc thơ ông, dường không nhiều lắm! Đâu là câu trả lời nên có trước sự kiện có vẻ như mâu thuẫn này?

Bằng vào ghi nhận riêng, có tính cách chủ quan của tôi thì:

-Thứ nhất: Thành tựu tốt đẹp của hiện tượng thơ phổ nhạc, đã khiến một số nhà thơ trở thành nổi tiếng, trước khi tự thân thơ của họ, được nhiều người biết tới.

- Thứ nhì: Sự nổi tiếng ấy, làm những nhà thơ kia, không cảm thấy thoải mái khi phải tự động gửi thơ mình cho những tạp chí văn chương, vốn được dư luận coi là những thước đo cấp độ, giá trị thi ca đương thời.

Điều đó, không có nghĩa họ không muốn phổ biến thơ mình, tới quảng đại quần chúng. Bằng chứng họ vẫn gửi thơ cho những tờ báo nào, hỏi xin thơ họ. Nhưng, những tờ báo kia, thường không được nhìn ngắm như một diễn đàn có thẩm quyền về văn chương hoặc thi ca. Nói cách khác, giới thưởng ngoạn thi ca, không phải là độc giả của những diễn đàn ấy.

- Thứ ba: Những nhà thơ ở trường hợp vừa kể, thường chờ đợi những người giữ vai trò chủ biên các tạp chí văn học, ngỏ ý xin bài của mình. Nhưng, thực tế của sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam lại không hề “mặn mà,” nếu không muốn nói là gần như không hề quan tâm tới những nhà thơ có thơ phổ nhạc, thành công. Chưa kể, có người còn cho rằng, các nhạc sĩ đã giết chết bài thơ khi biến nó thành ca khúc.

Điển hình cho quan điểm này, là hoạ sĩ, kiêm thi sĩ Tạ Tỵ. (Mặc dù ông cũng có một vài bài thơ phổ nhạc. Cũng như ông chưa hề giữ vai trò chủ biên một tạp chí văn chương nào thời miền Nam, trước 1975.)

Nhà văn Tạ Tỵ nhấn mạnh, ông chỉ muốn nói tới những bài thơ hay. Những bài thơ có giá trị. Chứ không hề nhắc tới những bài thơ mà, nhạc sĩ nhặt ra được ít câu, rồi thêm thắt (tay, chân, mắt mũi… cho bài thơ) để ca khúc, khi được phổ biến thì, phân nửa hay hơn, là của nhạc sĩ. Ông nói, ông cũng không muốn nhắc tới những bài thơ được các nhạc sĩ “đặt hàng,” theo kiểu: Với nội dung thế này. Câu chuyện diễn ra theo thứ tự thế kia… Đầy đủ nhập đề, thân bài, kết luận…

-Thứ tư: Thậm chí, trong sinh hoạt hàng ngày, nếu giới nhạc sĩ thường gặp nhau ở nhà hàng Thanh Thế, Kim Sơn ở đường Nguyễn Trung Trực, thì nhà văn, nhà thơ thường gặp nhau ở nhà hàng La pagoda, hay Givral…

Theo cách nói bình dân, nôm na thì đó là tình trạng “nước giếng không đụng nuớc sông!” Mỗi giới đều có những “sân” riêng của mình. Họa hiếm lắm, mới có người “đá” nhiều sân. Như trường hợp cố nhạc sĩ Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương. Lý do, bằng hữu thân thiết của họ Phạm, đa số thuộc giới văn chương như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Anh Tuấn…

Những ghi nhận trên, giải thích phần nào sự kiện có rất nhiều người biết nhà thơ Kim Tuấn, qua những ca khúc như “Anh cho em mùa xuân,” “Những bước chân âm thầm” hay, “Khi tôi về” (nhạc Phạm Duy,) nhưng lại ít được đọc thơ của ông - - Dù, thơ Kim Tuấn được ấn hành thành tuyển tập, rất sớm. Phải đợi tới đầu thập niên (19)70 qua trung gian của một người bạn, thơ Kim Tuấn mới bắt đầu xuất hiện đều đặn trên bán nguyệt san Văn, thời nhà văn Trần Phong Giao còn là Thư ký tòa soạn.

Căn cứ theo một số tài liệu phổ biến thì, nhà thơ Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê. Ông sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh (2), là hậu duệ của Tùng Thiện Vương/ Miên Thẩm. Ông trưởng thành tại Phan Thiết và, Saigòn. Kim Tấn có một thời gian khá dài ở thành phố Pleiku. Đó là thời gian ông tòng sự tại phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh QĐ/2. Sau biến cố 30 tháng 4-75, ông trở lại Saigòn, làm hiệu trưởng một trường Anh ngữ, do một tổ chức văn hóa của người Anh ở Luân Đôn trực tiếp bảo trợ…

Kim Tuấn làm thơ rất sớm. Cũng rất sớm, năm 1959, cùng với 9 tác giả khác, ông xuất bản tuyển tập thơ “Hoa mười phương.” Sau đó là những thi phẩm kế tiếp như “Ngàn thương” 1969 (in chung với Định Giang;” “Dấu bụi hồng,” 1971; “Thơ Kim Tuấn,” 1974, ra đời.

Tính đến ngày từ trần là ngày 10 tháng 9 năm 2003, nhà thơ Kim Tuấn còn có thêm nhiều thi phẩm khác…

Đa số thơ của nhà thơ Kim Tuấn là thơ vần điệu êm ả, dịu dàng; với nhiều hình ảnh đặc thù của những vùng đất nước ông đã sống. Thỉnh thoảng ông cũng có những bài thơ xuôi, thâm sâu, tạo được nhiều chú ý. Điển hình như bài thơ xuôi nhan đề “Những điều ghi trong giấc ngủ’ của ông, đã được nhạc sĩ Phạm Duy chọn, để soạn thành ca khúc năm 1968, với nhan đề mới “Khi tôi về.” Ca khúc này nằm trong loạt bài “Hòa bình ca” của Phạm Duy:

“Khi tôi về, con chim câu nằm trong tổ ấm - Dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự - Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa – Khi tôi về, con diều bay đùa trong gió - Chốn quê nhà trên thảm cỏ xanh – Có lũ trẻ để bụng lòi rốn đen, cười thanh bình – Khi tôi về, có con trâu rung mõ xa xôi như trong giấc mộng – Khi tôi về, với hai tay tôi níu con tim tôi ôm lồng ngực – Khi tôi về, giọng hát ru nối lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở - Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời – Khi tôi về, mẹ già vừa tóc bạc, đôi mắt nhìn xa xôi - Mẹ tôi ngóng tương lai và quên hết ưu phiền – Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh – Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm – Cùng mùi khói lam quen thuộc…”

(Trích ca khúc “Khi tôi về,” theo trang mạng Đặc Trưng.)

Kim Tuấn làm thơ để phổ nhạc?

Nếu chỉ tính đến tháng 4-1975 thì, “Thơ Kim Tuấn” là thi phẩm phẩm sau cùng của ông, được ấn hành bởi nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc, Saigòn, 1974.

Như những tập thơ của trước, tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân/ Anh cho em mùa xuân,” cho thấy ông nhuần nhuyễn với tất cả mọi thể thơ - - Từ tự do, lục bát, tới bảy và tám chữ. Ở thể loại nào, những bài thơ được viết ra của Kim Tuấn, nếu không phảng phất nét riêng những nơi chốn ông đi qua, vùng đất ông đã sống với thì, chúng cũng đậm đặc tính đời thường. Thơ ông tựa nhật ký, ghi những điều ông muốn nói. Những cảm nhận ẩn, tang giữa hai hàng chữ, thậm chí, trong từng hình ảnh, từng con chữ mà ông đã lựa chọn một cách chân, tiết. Thí dụ bài thơ tự do nhan đề: “Buổi chiều ở Pleiku”:

“Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù
“tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng
“anh còn phút nào để nói yêu em
(…)
“Buổi chiều ở Pleiku có anh và nỗi buồn
“có đêm, có ngày, có quan, có lính
“có jeep chở vợ đi chơi, có kẻ chờ xe đi làm
“có vui, có buồn, có mây, có núi
“có anh đứng nhìn ngày tháng đi qua
“buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền
“có biển hồ nước trong có lúc buồn soi mặt
“ôi mặt mình sao bỗng gớm ghê
“ôi đời mình sao nhìn muốn khóc
“ta với ta xa lạ vô cùng.”
(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon 1974.)

Hay lục bát, “Bài Pleime”:

“Nhớ em ta nhớ ngậm ngùi

“hương bay cỏ lạ đêm vùi gối chăn
“đã quên thân xác nhọc nhằn
“hố bom ven núi con trăng đứng nhìn.”

(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)

Hoặc tám chữ, bài “Trên núi mình ta”:

Ở trên núi ta buồn râu tóc mọc
“ngày thinh không chim gọi nắng ven rừng
“khe suối cạn năm ba bầy cá lội
“ta với đời nay bỗng đã quay lưng

“Trong giấc ngủ có em cười với mộng
“giật mình ra ly chén ngả nghiêng đầy
“ta lẻ bạn chén nào ta chúc bạn
“một ngày vui trên núi có ta đây

“Ở trên núi khi sầu ta cúi mặt
“anh em còn đâu đó hãy mừng ta
“ly rượu nhỏ dẫu sao mời uống cạn
“lỡ mai rồi không gặp lúc chia xa.”

(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc, Xb, Saigon, 1974.)

Hoặc nữa, thơ bảy chữ, với bài: “Một chút buồn”:

“Quẩn quanh đời sống ta cười ngất
“rượu đã mềm môi cúi mặt sầu
“bên đèo đỏ gấc chiều chưa hết
“ai biết tin ai người ở đâu.

“Giấc say một chút buồn ghi dấu
“tình đã mù khơi cùng gió bay
“em đã mù khơi cùng cõi mộng
“ta đã mù khơi nào có hay.

“Mù khơi năm tháng đi cùng gió
“này chút sầu riêng ta tặng người
“cõi vui ta đó em nào biết
“đời đã già nua tuổi mấy mươi.”

(Trích “Thơ Kim Tuấn,” Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigon, 1974.)

Nhưng xuất sắc, mạnh mẽ nhất trong tất cả các thể loại thơ, ở Kim Tuấn, là năm chữ.

Ở thơ năm chữ, Kim Tuấn không chỉ nắm bắt được yếu tính cô đọng, “kiệm lời” của thể thơ này mà, ông còn không để mình rơi vào trường hợp “chiêu hồn cổ” như Huy Cận, với “một chiếc linh hồn nhỏ - mang mang thiên cổ sầu!” (“Ê chề,” H.C.) Hay gõ, đập cánh cửa quá khứ, cất tiếng tuyệt vọng, như Vũ Đình Liên, với “những người muôn năm cũ - hồn ở đâu bây giờ? (“Ông đồ già,” VĐL.)

Ở thể thơ năm chữ, tôi thấy Kim Tuấn gần với Hồ Dzếnh. Kim Tuấn không đóng vai “trích tiên” (kẻ tự cho rằng mình bị ông trời đầy ải xuống trần gian ô trọc, xa lạ, để sống những ngày đoạ lạc,) mà, ông gần với Hồ Dzếnh, người đã cho chúng ta bài thơ năm chữ nhan đề “Màu cây trong khói” (3) - - Bài thơ tiêu biểu cho một thứ hồn-chiều, hôm nay, vẫn còn thấy đâu đấy, nơi quê nhà. Sau đó, bài thơ ấy đã được cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, soạn thành ca khúc, với nhan đề ngắn, gọn: “Chiều.” (4)

“Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh có những câu như: “Tôi là người lữ khách – màu chiều khó làm khuây - ngỡ lòng mình là rừng - ngỡ lòng mình là mây - nhớ nhà châm điếu thuốc – khói huyền bay lên cây.” (Trích “Màu cây trong khói,” HD.)

Những câu thơ đời thường, dung dị kia, gần gũi làm sao với những câu thơ, cũng năm chữ của Kim Tuấn. Như bài “Kỷ niệm” mà, cố nhạc sĩ Y Vân, khi phổ nhạc, đã đổi tên thành “Những bước chân âm thầm”:

“Từng bước từng bước thầm – hoa vông rừng tuyết trắng – rặng thông gia lặng câm – hai đứa nhiều hối tiếc – sương mù giăng mấy đồi – tay đan đầy kỷ niệm – mưa giữa mùa tháng năm - dật dờ cơn gió thổi - một tháng không trăng rầm – mây núi ôm trời thấp – giá rét về căm căm – cao nguyên mù đất đỏ…” (Trích “Kỷ niệm,” K.T., Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigòn, 1974.)

Hoặc bài “Nụ hoa vàng ngày xuân” cũng của Kim Tuấn, được nhạc sĩ Nguyễn Hiền đổi thành “Anh cho em mùa xuân” sau khi soạn thành ca khúc:

“Anh cho em mùa xuân - bàn tay thơm sữa ngọt - dải đất liền chim hót - người yêu nhau trọn đời – mái nhà ai mới lợp - trẻ đùa vui nơi nơi - hết buồn mưa phố nhỏ - hẹn nhau cho cuộc đời – khi hoa vàng sắp nở - trời sắp sang mùa xuân – anh cho em tất cả - tình yêu non nước này – bài thơ còn xao xuyến - nắng vàng trên ngọn cây.” (Trích “Nụ hoa vàng ngày xuân,” K.T., Gìn Vàng Giữ Ngọc Xb, Saigòn, 1974.)

Đó là những câu thơ mà sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng phát biểu, đại ý: Khi đọc chúng, ngay những người không rành về ký âm pháp, cũng muốn cất tiếng hát, nói chi nhạc sĩ…

Phát biểu vừa kể của cố nhạc sĩ họ Nguyễn, cho thấy Kim Tuấn không hề, dù chỉ một thoáng, ý hướng làm thơ để phổ nhạc. Thơ ông, tự thân vốn đã là âm nhạc. Ông làm thơ chỉ để bày tỏ tấm lòng yêu cuộc sống, tha thiết ôm trọn cuộc đời từng ngày buồn, vui; phút giây hạnh phúc hay đau khổ trên phần đất ông được sinh ra. Cũng như nơi chốn ông đã đi qua. Cuộc tình ông đã đắm đuối, sống cạn. Và, bằng hữu từng mang đến cho ông những tia nắng ấm, khoảng trời xanh che, chắn những ngày đất, trời tâm hồn ông u ám…

Với Kim Tuấn, tình bằng hữu không chỉ được ghi nhận trong thơ, như một tình yêu mà; ngoài đời, sinh thời, suốt mấy chục năm gập ghềnh trên lộ trình nhân thế, dù ở hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, ông cũng luôn cho thấy bằng hữu đã chiếm cứ một phân quan trọng trong đời ông.

Như đã nói, Pleiku, những năm tháng thời chinh chiến, là một trong những nơi chốn tác giả “Trên núi mình ta” sống lâu nhất và, cũng gửi lại nhiều kỷ niệm nhất. Nơi đó, một cách kín đáo, ông chính là người đã góp phần dấy lên những ngọn lửa sinh hoạt văn học, nghệ thuật rưng rưng rừng, núi, ở địa phương này.

Kể từ ngày có sự hiện diện của Kim Tuấn, những buổi đọc thơ, những cuộc triển lãm của những bằng hữu như các hoạ sĩ Dương Ngọc Sum, Nguyễn Văn Hiền, Thái Tăng An…; các nhà thơ như Vũ Hoàng, Anh Hoa, Lâm Hảo Dũng; hay những đêm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Châu v.v…, đã lần lượt hình thành, lưu dấu. Nói cách khác, Kim Tuấn, chính ông đã thêm phần nhan sắc cho Pleiku, cho vùng đất đỏ ấy, một tâm cảnh khác.

Riêng ở lãnh vực này, tôi trộm nghĩ, tương lai, những người viết sách địa phương chí cho Pleiku nói riêng, vùng cao nguyên trung phần nói chung, trong phần sinh hoạt văn học nghệ thuật, không nên quên ghi ơn nhà thơ Kim Tuấn. Như những người yêu văn chương, sẽ mãi nhớ ông, qua thơ, cũng như qua các ca khúc, đi ra từ thơ của ông vậy.

Du Tử Lê

(Jan. 05. 2010.)

_________

Chú thích:

(1):Theo tác giả Hà Đình Nguyên (trong nước) thì nhà thơ Kim Tuấn có tất cả 17 bài thơ được soạn thành ca khúc. Bài viết không ghi rõ con số này, có gồm cả những bài thơ của Kim Tuấn, được phổ nhạc sau năm 1975 hay không?

(2): Một tài liệu khác, ghi năm sinh của ông là 1940, tại Huế.

Tuy nhiên, theo nhà thơ Tô Mặc Giang, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali, thân thiết với nhà thơ Kim Tuấn từ những năm giữa thập niên 1950 thì, năm sinh đúng của tác giả “Nụ hoa vàng ngày xuân” tức “Anh cho em mùa xuân” là năm 1938, tại Hà Tĩnh, chứ không phải 1940. Mặc dù nguyên quán của ông là Thừa Thiên/ Huế.

(3)Bài “Màu cây trong khói” in trong thi phẩm “Quê Ngoại,” ấn bản đầu tiên, trong Tủ sách Nguyên Hà, nhà Á Châu Ấn Cục, Hà Nội, phát hành năm 1942.

(4) Nhạc sĩ Dương Thiệu phổ nhạc năm 1951.





Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16699)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11968)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18743)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8938)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8005)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 416)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 754)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22280)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13821)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19046)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7734)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8632)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8340)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10884)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30527)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20705)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25298)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22777)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21554)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19609)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17919)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19108)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16787)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15985)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24311)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31731)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34784)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,