Tuệ Mai

29 Tháng Giêng 20223:54 CH(Xem: 3543)
Tuệ Mai
Trường hợp nhà thơ Tuệ Mai

* Gửi nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà thơ Cao Mỵ Nhân và, anh chị Lê Vinh.

Trong sinh hoạt thi ca 20 năm của dòng văn học miền Nam, nhà thơ Tuệ Mai, theo tôi là một trường hợp khá đặc biệt. Tên thật Trần Thị Gia Minh, bà sinh năm 1928 tại Hà Nội, trong một gia đình thế giá. Thân phụ bà là nhà thơ nổi tiếng cụ Á Nam – Trần Tuấn Khải. (1) Tuy thân mẫu mất sớm, nhưng bà vẫn được dưỡng dục một cách chu đáo bởi người cha thuộc thế hệ kẻ sĩ thời Nho giáo còn ảnh hưởng khá nặng.

tuemai-content
Nhà thơ Tuệ Mai (Hình dutule.com)



Theo lời bạn tôi, Đỗ Hùng (hiện cư ngụ tại vùng Thủ đô Hoa Thịnh Đốn) thì ngay từ đầu thập niên 1950s, nhà thơ Tuệ Mai đã là trưởng đoàn thanh nữ của Gia Đình Phật Tử Minh Tâm - Trụ sở sinh hoạt là sân chùa Quán Sứ ở đường Quán Sứ, Hà Nội. Thời gian này cũng là thời gian nhà văn, luật sư Trần Thanh Hiệp là huynh trưởng thiếu đoàn Gia Đình Phật Tử cũng thuộc chùa Quán Sứ - - Trong khi bạn tôi, Đỗ Hùng, thời đó mới chỉ là đoàn viên của Thiếu đoàn Gia Đình Phật Tử Đồng Niên. Vẫn theo lời kể của Đỗ Hùng, thì chùa Quán Sứ cũng như Gia đình Phật Tử Quán Sứ do hòa thượng Thích Tố Liên, một nhân vật đạo cao, đức trọng thuở đó, trụ trì, hướng dẫn.

Được khuôn đúc trong nề nếp đạo đức, lại sống khép kín, gần như xa lánh mọi sinh hoạt náo động, ồn ào của xã hội, nên cõi giới thơ Tuệ Mai gần như vắng lặng những lênh đênh, khấp khểnh đời thường. Ở phương diện giao tiếp bạn văn, bà cũng giới hạn vào một số rất nhỏ những người bà quen biết, tin cậy... Một trong những người bạn gái được coi là thân thiết hơn chị em ruột, trong nhiều chục năm của Tuệ Mai là nhà văn Nguyễn Thị Vinh (2). Đó là người bạn, mà bà có thể tâm sự, chia sẻ với nhau cả những chuyện thầm kín nhất và, ngược lại. Nhưng, Tuệ Mai hơn một lần cho biết, không vì thế mà bà ảnh hưởng quan niệm văn chương, cách sống của bạn….

Lược kê những dữ kiện này, tôi chỉ muốn nói, mặc dù làm thơ rất sớm ngay tự những năm cuối thập niên 1930s, đầu thập niên 1940s, nhưng cho tới khi Tuệ Mai xuất bản thi phẩm “Không Bờ Bến”, Saigon, 1964; được trao giải văn chương toàn quốc 1966 thì, khuynh hướng thơ của bà dường không thay đổi bao nhiêu. Thơ bà vẫn không ra khỏi tinh thần yêu nước nhẹ nhàng, nhắm tới tâm tình (mang nhiều tính giáo dục) giới trẻ, kiểu “gia huấn ca”. Thản hoặc bà có những bài thơ nói về tình yêu, chiến tranh hay những tân khổ của kiếp người thì, chúng cũng chỉ thoảng, nhẹ.

Đó là giai đoạn thứ nhất của hành trình thi ca Tuệ Mai, hai giai đoạn.

Nói cách khác, đấy là một dòng thơ thiếu cá tính. Phải chăng vì thế, thơ của bà đã không được đám đông đón nhận như một vài nhà thơ nữ khác - - Mặc dù tính tới tháng 4-1975, hàng ngũ những nhà thơ nữ của miền Nam, hoạt động đều đặn, vốn không nhiều lắm.

tuemai-vephiatroixanh-content

Tôi trộm nghĩ, có thể cũng vì vậy mà nhà phê bình văn học Cao Thế Dung, trong bài viết tựa đề “Nữ thi sĩ Tuệ Mai” trích từ tác phẩm "Văn Học Hiện Đại/ Thi Ca & Thi Nhân/ Cao Thế Dung", do nhà văn Thế Phong đăng tải trên trang mạng Virgil Gheorghiu, (3) có đoạn mở đầu như sau:


Cách đây 7 năm, khi nhận định về một số thi nhân Việt Nam Tự Do; chúng tôi không có một ý nghĩ tốt nào về Thơ Tuệ Mai - vì thơ Tuệ Mai, xem như quá xa cách với cảm quan và nhãn giới của chúng tôi lúc bấy giờ. Chúng tôi chỉ có một thành kiến duy nhất: Tuệ Mai chưa thể tiêu biểu cho thi ca hôm nay- nghĩa là tiếng nói trung thực của hiện đại. Từ cái thành kiến đáng ghét như thế, trước mắt nhìn của người viết, Tuệ Mai chỉ như một thứ trang sức cho xôm trò, và không thể đóng góp vào sự sống hôm nay, cùng với tiếng nói và thể chất hôm nay qua Thi Ca... Một tiêu biểu sung mãn. Vì vậy, chúng tôi không đặt để Tuệ Mai trên bất cứ một nấc thang giá trị nào...”

Tuy nhiên, ngay sau đó, họ Cao viết:

“Bẩy năm đi qua với bao nhiêu thay đổi trên Quê hương và Lịch sử, lẽ tự nhiên tâm thể cùng với cảm quan của một người - và có thể rất nhiều người - cũng đổi thay và đổi thay một cách nghiêm trọng. Từ sự thay đổi nghiêm trọng kia trong cảm quan và tâm thể, cũng như cân não - đã bắt buộc chúng ta phải thực hiện một cuộc trở về để giám định lại tất cả quá khứ - nếu có thể, hay một phân bộ - và chúng ta sẽ mang nhiều hối tiếc. Có những hối tiếc lý thú mà chúng ta cần phải nâng niu giữ lại, những hối tiếc của nghệ thuật trên một tình tự thăng hoa và phủ nhận. Có những hối tiếc chúng ta cần phải lên tiếng trình bày như là một lời "nói lại"… “Chúng tôi muốn nói đến niềm hối tiếc phát xuất từ sự thiên lệch và cố chấp trong những nhận định sai lầm về nghệ thuật... Niềm hối tiếc cứ thế mà lớn dần khi chúng tôi đọc lại thơ Tuệ Mai:

“Vòng khăn tang lớn dần quấn hãm đời nàng
Giải khăn tang dài, dài hơn con đường tự khởi điểm thôi nôi
Tới khúc quanh năm tháng
Những đám tang
Ôi những đám tang huyệt mùa đông ngăn ngắt
Bia mộ dựng trong nàng
Mỗi một bia một ngọn lửa tàn
Bên một con sông cạn
Như một tắt âm thanh…”

“(trích Trước sau - Thơ Tuệ Mai)”


Tình yêu, bảng chỉ đường cho một Tuệ Mai, khác

Giai đoạn hai của hành trình thi ca Tuệ Mai/ Trần thị Gia Minh theo tôi, có thể được đánh dấu bằng sự kiện họ Trần rời bỏ tháp ngà, bước xuống nắng, gió đời thường qua cuộc tình với một người cùng giới.

tuemai-baynghiengvongdoi-content


Tôi không biết động lực hay nghiệp duyên sâu xa nào, đã khiến Tuệ Mai làm một cuộc… “cách mạng xanh” bất ngờ và dữ dội như thế. Chỉ nhớ có lần bà kể, bà để ý tới người đó đã lâu. Nhưng là phụ nữ, bà không thể tự động đi tìm, làm quen… Mãi cho tới khoảng giữa năm 1965, khi một người bạn của Hảo (con gái nuôi của bà), tên P.T. Phúc, rủ người đó tới thăm bà ở căn nhà thuộc khu cư xá dành cho giáo chức nằm trên đường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn, lúc đó hai người mới có cơ hội gặp nhau. Điều đáng nói, vẫn theo người con gái họ Trần thì, chính bà cũng không hiểu sức mạnh huyền bí nào, chẳng những đã đem được bà ra khỏi tháp ngà mà, còn khiến bà can đảm, chủ động hình thành cuộc tình dữ dội thứ nhất, trong đời mình.

Từ đó, tôi nghĩ, có dễ chính tình yêu kia, với những bảng chỉ đường của riêng nó, đã đem lại cho thơ Tuệ Mai, không chỉ hơi thở khác, mà còn là niềm hăm hở tiếp cận với mọi thực tế xã hội đời thường. Phải chăng tình yêu mở những cửa khác cho tài năng đích thực của người con gái họ Trần, bước qua vòng phấn trói buộc của ý thức duy trì gia phong (?!?)

Thơ của họ Trần, không còn là những tình yêu chung chung, “phải đạo”, không cá tính nữa. Thí dụ:


“Sữa ngọt cho đời tôi hài nhi
đùa nghịch cho đời tôi con trẻ
Tình yêu cho đời tôi lớn khôn
lớn khôn bắt đầu bằng tiếng hát
Tiếng hát mẹ cha tôi yêu nòi giống
tiếng hát lịch sử tôi yêu đất đai
Tiếng hát thiên nhiên tôi yêu nhân loại
tiếng hát trái tim tôi yêu người tình
Tiếng hát của mẹ cha
lịch sử, thiên nhiên…”

(Tuệ Mai, trích “Tiếng Hát Trái Tim”)

Tình yêu với những bảng chỉ đường của nó, đã cởi trói, tái tạo cho thơ Tuệ Mai một nhan sắc khác - - Dù cho những bảng đường tình yêu kia, vốn luôn có hai mặt, đối-đãi như: Trắng và đen. Đêm và ngày. Hạnh phúc và khổ đau. Hạnh ngộ hay bi kịch! Cũng từ dưới những bản chỉ đường của tình yêu này, thơ Tuệ Mai, bắt đầu có nhiều thao-thức-trăn-trở, nhiều cật vấn tình yêu và lẽ chết… Những vấn nạn mà người đọc gần như không bắt gặp trong thơ Tuệ Mai trước đó. Theo tôi, hóa thân tuyệt vời của người con gái họ Trần, có thể tính từ thi phẩm “Như Nước Trong Nguồn” (XB năm 1968) và, càng lúc càng sắc nét hơn ở những thi phẩm kế tiếp như “Trên Nhánh Sông Mưa”, “Bay Nghiêng Vòng Đời” v.v…

Dưới những bảng chỉ đường của tình yêu, ở vị trí của một người nữ đã thực sự bước chân tất tả buồn, vui nhân thế, Tuệ Mai không ngừng nhìn lại, cật vấn chính mình. Những vần thơ đi ra từ một người nữ, nửa đời mới bắt đầu sống và, được sống (với cả bất trắc, tai ương) như Tuệ Mai - - Hôm nay, đọc lại tôi thấy xót xa, không chỉ cho riêng bà mà, cho bất cứ người nữ nào, không được sống cái gọi là đời thường như những người nữ khác!

Cũng kể từ cuộc “cách mạng xanh” bất ngờ, dữ dội mà, Người con gái họ Trần đóng vai chủ động, cùng những đổi thay thi ca tận gốc, người ta mới thấy thơ Tuệ Mai xuất hiện trên tạp chí Văn, với những bài thơ nếu không ký tên Tuệ Mai, nhiều người có thể nghĩ đó là thơ của một người nào khác (?!!)

tuemai-vephiatroixanh-content


Một trong những chuyển biến mang tính chuyển hóa tuyệt vời thể hiện qua nhiều thể dạng thơ khác nhau của người con gái họ Trần, giai đoạn hai, là những tự vấn. Dưới đây là những vần thơ, có thể tạm gọi là “tự thán” của nhà thơ Tuệ Mai, khi bà được sống với tài năng thực của mình, từ những bước khởi đầu thi ca, giai đoạn hai:

Dòng thương nét nhớ miên man
tôi năm dấu chữ trên trang thư tình
Tim dồn nhịp chấm âm thanh
lửa người hồn khói lênh đênh tưởng vời
Sầu mi giọt đọng thương hoài
tôi viên thuốc ngủ đưa người qua đêm
(Tuệ Mai, trích “Lời đêm”)

Hoặc:

Tôi có miệng mà lạ lùng cách nói
Nên ý mình chưa đủ thoát qua môi
Như có mắt mà tia nhìn khờ dại
Nên tin yêu gởi mãi vẫn nhầm nơi
(…)
Vành tai nhỏ sao lắng nhiều âm hưởng
Óc nông sờ sao tưởng nhớ mênh mang
Tim rất mảnh sao bắt lòng phải cứng
Trời ôi, tôi! Sao sống được như thường

(Tuệ Mai, trích “Lạc Loài”)

Tôi nghĩ, có thể sẽ có người căn cứ vào những câu thơ như “Trời ôi, tôi! Sao sống được như thường,” để dẫn tới kết luận thơ Tuệ Mai dung dị, mộc mạc. Với tôi, chính câu thơ mà đôi người có thể cho là dung dị, mộc mạc kia, lại là một câu thơ hay (một cách tội nghiệp) - - Bởi tính chân thật, đầy nữ tính của nhà thơ này. Tôi lại nghĩ, một nhà thơ nữ nào khác, nếu không ở trường hợp, hoàn cảnh như Tuệ Mai, e khó có thể viết xuống một câu thơ nao lòng, đến thế.

Dưới những bảng chỉ đường của tình yêu, vẫn những là câu thơ mang tính nhìn lại mình (như một thứ tự thán), nhưng bóng bẩy, mới mẻ hơn, người con gái họ Trần viết:

Xót nhau đăm đắm cõi mòn
Hồn mây lạc đã khôn nương cánh chiều
Đêm chìm, ngày mất tôi theo
Lẻ thân một kiếp-cái bèo vượt sông

(Tuệ Mai, trích “Hồn Mây Lạc”)

Về phương diện mỹ học, tôi rất thích cụm từ… “ngày mất tôi theo.” Theo tôi, nó mới mẻ với chính tác giả và, cũng khá mới mẻ đối với lục bát ở thời kỳ đó.

Nói về ảnh hưởng của những tấm bảng tình yêu chỉ đường cho thi ca Tuệ Mai/ Trần Thị Gia Minh mà, không nói tới nỗ lực đem đời thường vào trong thơ của bà, tôi cho là một thiếu sót đáng trách.

Ở mảng thơ gần gũi với mặt đất, nhân gian, của người con gái họ Trần, tôi rất thích hai chữ “phiến tôn” trong câu thơ “Mưa cũng về theo gõ phiến tôn” “Tôn” là vật liệu lợp mái nhà, rẻ hơn ngói, rất phổ thông thuộc những khu nhà nghèo miền Nam, trước tháng 4-1975. Do đấy, tôi cho, đó cũng là nét hiện thực đặc trưng của đời sống dân gian:

“Khi đêm về trên mái nhà âm-thầm
Mưa cũng về theo gõ phiến tôn
Để người chăn cũ run thân chiếc
Đốt nến tìm hơi dỗ giấc buồn.”

(Tuệ Mai, trích “Nhánh Sầu Câm”)

Cũng trong bài “Nhánh Sầu Câm” kể trên, từ một khung cảnh đìu hiu, đơn chiếc của người đắp chiếc chăn cũ (tình xưa?) tôi nghĩ nó không thể thích hợp hơn khi bà viết tiếp hai câu:

Đêm đêm trời ơi vào ra âm-thầm
Làm sao gìn-giữ được dư-âm…


Đó là những câu thơ Người con gái họ Trần viết cho sự đứt đoạn vì hoàn cảnh, của mối tình dữ dội thứ nhất, khởi đi từ giữa thập niên 1960s. (4)...

.

Hôm nay, khi viết về tiếng thơ của Người con gái họ Trần, chẳng may có một cuối đời cô lẻ, tôi xin linh hồn bà hãy đón nhận những ghi lại trên của tôi, như một nén hương thắp muộn, tưởng nhớ bà, không chỉ của riêng tôi mà, còn của những người từng chân thành thương mến bà nữa.

Du Tử Lê

(Garden Grove, Oct. 30th-2014)

________


(1) Theo tài liệu của Wikipedia Mở thì: “Nhà thơ Á Nam - Trần Tuấn Khải sinh ngày 4 tháng 11 năm 1895. Ông là một nhà thơ Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến (…) Là người huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, cha ông là Trần Khải Thụy, đỗ cử nhân khoa thi Hương, tại Nam Định năm Canh Tý (1900). Năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu học chữ Hán với cha. Nhờ mẹ ông cũng là người thuộc nhiều ca dao, thi phú, lại hết lòng dạy dỗ con, vì vậy mới 12 tuổi, ông đã biết làm đủ các thể thơ bằng chữ Hán. Năm 1914, cha ông lâm bệnh mất tại nơi nhiệm sở. Khi ấy, nhà thơ Á Nam - Trần Tuấn Khải vừa đúng 19 tuổi và cũng vừa lấy vợ được một năm. Qua năm 1919, ông trở lại làng Quang Xá dạy học, được ít tháng ông lại xuôi ngược khắp miền Bắc, rồi đưa vợ ra Hà Nội. Nhưng ít lâu sau, thấy chồng ghét cảnh náo nhiệt, bà Khải bán nhà đến mua một trang trại ở ấp Thái Hà, ven đô Hà Nội. Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh I, được giới văn chương đương thời chú ý. Năm sau, ông được mời vào Ban biên tập nhật báo Khai Hóa tại Hà Nội và nhận lời viết giúp cho nhiều báo khác. Đến khi ông cho xuất bản Bút quan hoài I, gồm nhiều bài bi tráng, được nhiều người hoan nghênh, thì Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó vào năm 1927 (…) Năm 1932, tác phẩm Chơi xuân năm Nhâm Thân của ông được xuất bản. Nhưng ngay sau đó bị Pháp ra lệnh tịch thu, khám nhà rồi bắt giam Trần Tuấn Khải và chủ nhà sách Nam Ký. Ông bị giam hơn 2 tháng rồi bị kêu án 2 tháng tù treo về tội viết sách "phá rối trị an, xúi dân nổi loạn" (…) Ra tù, vợ chết, con nhỏ chết. Chôn cất vợ con xong, ông trở về Thái Hà, lại bắt đầu viết bài cho các báo (…) Năm 1954 ông di cư vào Nam, làm việc tại Thư viện Quốc gia, Viện Khảo cổ;. chuyên viên Hán học tại Nha văn hóa và các báo Đuốc Nhà Nam, Văn hóa nguyệt san, Tin văn... Ông mất ngày 7 tháng 3 năm 1983, tại Saigon.”

(2) Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Thị Vinh là tập truyện “Thương yêu”, XB năm 1954. Cùng với gia đình, bà hiện cư ngụ tại Na Uy.

(3) Nhà văn Cao Thế Dung cư ngụ tại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ; trong khi nhà văn Thế Phong vẫn còn ở Saigon.

(4) Theo Wikipedia – Mở thì Nhà thơ Tuệ Mai/ Trần thị Gia Minh mất năm 1983, tại Saigon. Tuy nhiên, căn cứ theo những tư liệu do thân hữu Hồ Đình Vũ (hiện cư ngụ tại San Jose, bắc Cali) sưu tầm được thì, nhà thơ Tuệ Mai mất năm 1982, chứ không phải 1983, như Wikipedia - Mở đã ghi. Hồ Đình Vũ căn cứ vào hai tư liệu quan trọng. Một là của nhà thơ Hoàng Hương Trang, với bài thơ tựa đề "Nhớ Tuệ Mai", viết nhân tang lễ của nhà thơ Tuệ Mai. Nguyên văn bài thơ đó: "Sao mai đã mọc về phương lạ/ Khép nửa trang thơ, tiếng thở dài/ Hoa mai đã nở về phương lạ/ Thế giới ba nghìn, ai, những ai!" Hoàng Hương Trang (SG. Tháng giêng Nhâm Tuất 1982). Tư liệu thứ hai là của cô Lan Hinh, em ruột nhà thơ Tuệ Mai. Trong một bài viết về cái chết của chị mình, đăng tải trên trang Web của Gia đình Phật tử Vĩnh Nghiêm (http://gdptvinhnghiem.org/truong-huynh-tue-mai-tran-thi-gia-minh/), cô viết: "... Trưởng đang viết dở truyện lịch sử Huyền Trân Công chúa, dài 5 chương, nhưng mới viết được 3 chương thì Trưởng mất. Trưởng ra đi giữa mùa Mai nở Xuân Nhâm Tuất 1982." Chúng tôi xin ghi nhận, để rộng đường dư luận.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20379)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15338)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17184)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 9877)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18262)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4740)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1508)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2032)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1925)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23268)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19821)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8615)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9624)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9087)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11957)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31506)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21396)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26307)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23733)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22513)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20622)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18782)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19918)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17529)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16659)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25512)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32873)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35468)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,