Doãn Quốc Sỹ, nỗi buồn và, niềm vinh dự, hân hoan lớn.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ngày 3 tháng 2 năm Quý Hợi, tức ngày 17 tháng 2 năm 1923 dương lịch. Ông là con trưởng của gia đình văn nghệ sĩ. Cha ông là Doãn Hưu, một nhà nho và người em trai của ông là nhạc sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, Doãn Nho. Năm 1946, ông lập gia đình với con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) là bà Hồ Thị Thảo. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam.
Ông dạy học tại các trường trung học công lập như Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội, 1952-1953), Trần Lục (Sài Gòn, 1953-1960). Làm hiệu trưởng trường Trung học Công lập Hà Tiên (1960-1961), giáo sư trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn (1961-1962), giáo sư trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn, Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1962 đến giữa thập niên 1960. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Những Ngả Sông (1966)... Theo Lê Văn, đặc phái viên Việt Ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, trong một cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng "Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến tranh và hòa bình" trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của những người cộng sản và "có lẽ chính vì thế mà anh đã bị cộng sản bỏ tù khi họ khi chiếm được miền Nam"
Sau năm 1975, ông bị chính quyền Việt Nam giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm. Ông có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng Tư năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng “phản động”: Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Nhã Ca, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang…Ông được phép di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện nay ông sống tại Little Saigon, California.
Ông là tác giả của khoảng 25 cuốn sách. Chuyện ngụ ngôn của ông có tựa đề Con cá mắc cạn đã được dịch ra tiếng Anh (The Stranded Fish)[5] và có trong sách Việt Nam: bạn đồng hành văn chương của một du khách (Vietnam: A traveler's literary companion) do John Balaban và Nguyễn Quí Đức biên soạn.
Theo tiểu sử được ghi nhận bởi Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì, nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh tại Hà Đông, ngày 17 tháng 2 năm 1923, trong một gia đình thấm nhuần tinh thần Nho giáo. Năm 1954, ông cùng gia đình phải di cư vào miền Nam vì hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam.
Trước thời điểm này không lâu, ông hoàn tất truyện ngắn truyện ngắn “Sợ lửa,” (dạng cổ tích,) tựa bước chân đầu tìm đến văn chương.
Cũng trước giai đoạn qua phân đất nước, ở miền Bắc, họ Doãn từng dạy tại một số trường trung học công lập, như Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952,) Chu Văn An (Hà Nội, 1952-1953) v.v…
Những yếu tố như được sinh trưởng trong một gia đình mà, người cha là một nhà Nho, khi trưởng thành, lại chọn cho mình nghề dạy học, theo tôi, là những chỉ dấu cho thấy, ẩn mật đằng sau tư cách nhà văn, họ Doãn còn/ đã là một kẻ sĩ.
Kẻ sĩ hiểu theo nghĩa lương tâm và, trách nhiệm của một trí thức, đứa con của một tổ quốc, trước những biến động rung chuyển, bật gốc một đất nước.
Tôi không biết định mệnh nghiêng về phía nào, giữa hai con người nhà văn và, kẻ sĩ của một Doãn Quốc Sỹ. Nhưng qua những tác phẩm văn chương của ông, điển hình như bộ trường thiên “Khu rừng lau,” tôi có cảm tưởng ông đã lôi, kéo được định mệnh nghiêng về phía kẻ sĩ trước thời cuộc, ở nơi ông.
2.
Nhìn lại hai mươi năm văn học miền Nam, chúng ta phải nói rằng, đó là thời gian qúa ngắn cho sự hình thành, khai triển rồi định hình, một dòng văn học đa dạng, phong phú. Nên, ta cũng có thể nói, nó giống sự vươn vai, lớn dậy thần kỳ, như huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương.
Hai tác nhân chính giúp cho sự thoát thai, sinh thành dòng văn học mang tính Phủ Đổng Thiên Vương vừa kể, tôi nghĩ, là thảm kịch chia lìa bật máu, vĩ đại (lần đầu trong lịch sử dân tộc Việt) với hơn 1 triệu người miền Bắc nghiến răng, bậm môi, tự nguyện bỏ lại sau lưng mồ mả ông cha. Và, sự chuyển hóa chớp nhoáng từ thể chế Quân chủ lập hiến, sang thể chế Cộng hòa chỉ trong vài năm, như một giấc mơ, ở miền Nam.
Hai tác nhân hỗ tương nhau tựa một kết hợp kỳ diệu, biến gần hai chục triệu người dân miền Nam (thời đó,) trở thành những kẻ đồng hành, nhất tâm, hăm hở trong một lên đường mới mẻ. Một lên đường khám phá và, khai phóng cái thổ ngưỡng vốn đã hằng nghìn năm, sẵn đấy.
Tinh thần khai phá của giai đoạn lịch sử miền Nam sau 1954, thể hiện cụ thể, hưng phấn nhất, tiêu biểu là lãnh vực văn học.
Văn học miền Nam ở giai đoạn vỡ đất này có hai khuynh hướng chính:
-Khuynh hướng văn chương chống chế độ cộng sản. (Và)
-Khuynh hướng văn chương nặng tính nhân văn, trồng người. Hiểu theo nghĩa lấy đạo lý, nhân tính làm căn bản.
Cũng vẫn ở giai đoạn khẩn hoang, vỡ đất kia, số tác giả đắm mình, vẫy vùng trong ngọn triều chống cộng chiếm đa số. Họ đứng về phía thời thế nóng bỏng. Như một thứ thời thượng… Phía trồng người, xây tâm ít, hiếm.
Theo ghi nhận của tôi, tác giả “Dòng sông định mệnh” ở phía ít, hiếm đó.
Họ Doãn an nhiên, tự tại, nở nụ cười đôn hậu trước chọn lựa có phần thưa, vắng đồng hành, của mình.
Vì là một lên đường mới mẻ, ồ ạt, nên, trong lúc nhiều tác giả xuất hiện giữa thập niên 1950, qua sáng tác, còn đang nỗ lực thực chứng sự hiện diện của mình như Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền… thì, Doãn Quốc Sỹ đã định hình (hiểu theo nghĩa được đám đông đón nhận,) qua những tác phẩm ấn hành như “Sợ lửa” (1956,) “U hoài” (1957,) “Dòng sông định mệnh” (1959)…
Về phương diện kỹ thuật, (cũng như một vài tác giả khác,) theo tôi, họ Doãn đi tiếp con đường văn chương thời tiền chiến.
Con đường mà hình thức truyện được xây dựng trên hai căn bản:
-Cốt truyện (với những nút thắt, nút mở.) (Và)
-Chủ tâm khai thác tâm lý nhân vật (để người đọc dễ thấy mình, trong truyện.)
Nhưng về phương diện nội dung, vẫn theo tôi, họ Doãn không bó rọ, gói chặt tác phẩm của mình trong những luận đề gia đình, xã hội, xung đột cũ/ mới như thời Tự Lực Văn Đoàn.
Ông cũng không bó rọ nội dung chống cộng sản trong tác phẩm của ông trên cái nền cốt truyện và tâm lý nhân vật.
Truyện của ông, dù không hề xa rời hiện thực xã hội, nhiễu nhương, như “Chiếc chiếu hoa cạp điều,” như “Gìn vàng giữ ngọc,” vẫn mở vào phần con người, như một sinh vật linh trưởng, bản chất thiện căn, ở trên mọi hạn hẹp của thể chế chính trị, giai đoạn.
Truyện của ông, ngoài những ẩn dụ, như những phóng chiếu nhân tính qua những truyện ở dạng cổ tích, cũng là những rung động, những lãng mạn thuần khiết (cung ứng cho nhu cầu mơ mộng, căn cốt của con người.) Chúng xiển dương tính hướng thượng. Chúng chan hòa tính nhân loại.
Tới hôm nay, dù trải qua bao năm tháng, bao cuộc đổi đời, tôi vẫn cảm phục ông biết bao, khi trong truyện “Gìn vàng giữ ngọc” của ông, tôi được đọc câu văn:
“Ở thế giới thực dân tư bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn. Ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.”
3.
Hình như mối bận tâm, nỗi đau đáu lao lung một đời của nhà văn-kẻ-sĩ mang tên Doãn Quốc Sỹ, trước sau vẫn là chủ tâm, nỗ lực kêu đòi, nhắc nhở, cổ súy khả năng “thánh hóa” tình thương yêu rộng rãi và, chân thành nơi mỗi con người ấy.
Sự tương nhượng dẫn tới tương hợp tuyệt vời giữa hai con người nhà văn và, kẻ sĩ nơi họ Doãn, thể hiện sâu sắc nhất, theo tôi ở trường thiên “Khu rừng lau.”
“Khu rừng lau” không chỉ là bản trường ca xương, máu của một dân tộc liên tiếp trải qua những kiếp nạn, từ thời chống ngoại xâm, thực dân Pháp, qua tới những năm tháng bị đầu độc bởi chủ thuyết cộng sản và, tạm dừng ở điểm đứng dân chủ trá hình, lận trong tay áo những con trủy thủ độc tài mà, "Khu Rừng Lau" còn là trường ca, với những tổ khúc tin tưởng, hy vọng nơi cái Thiện, vốn là một linh –thánh-nhân-bản khi con người (hay nhân loại) phải đối đầu với thảm kịch, với cái ác.
Trường thiên này, theo tôi, là bước song hành giữa kẻ sĩ trước trách nhiệm với lịch sử một đất nước và, nhà văn, trước cái đẹp và, cái thiện của sinh vật linh trưởng.
Nhiều người từng ví trường thiên “Khu rừng lau” với bộ “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy.(*) Nhưng chưa một ai chỉ ra rằng, nếu Leo Tolstoy là nhà văn dựng lại, (tức đứng ngoài) một giai đoạn lịch sử cháy đỏ lầm than của xứ Đại Nga, kể từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh Pháp-Nga 1811 thì, Doãn Quốc Sỹ là người đứng giữa tâm bão.
Ông không tìm hiểu, để rồi chiêm nghiệm mà, ông đã sống, đã chảy máu cùng lúc với dân tộc, tổ quốc ông; khi lịch sử và, đất nước ông đang chảy máu…
Do đó, với tôi, sự có mặt của ông, Doãn Quốc Sỹ, sự chúng ta còn có trong tâm, trong nhiều thế hệ sau "Khu rừng lau” của họ Doãn là, một nỗi buồn, đồng thời cũng là một vinh dự, hân hoan lớn, cho văn học và, con người Việt Nam vậy.
Du Tử Lê,
(Calif. Tháng 8-2010.)
______
Chú thích:
(*) Leo Tolstoy (hay Léon Tolstoi,) nhà văn Nga, còn được biết với tên đầy đủ là Lyev Nikolayevick Tolstoy, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1828. Ông là tác giả nổi tiếng với hai bộ trường thiên tiểu thuyết: “Chiến tranh và hòa bình” và “Ana Kha Lệ Nin.” Ông mất ngày 20 tháng 11 năm 1910.