Dương Nghiễm Mậu

29 Tháng Giêng 20223:56 CH(Xem: 757)
Dương Nghiễm Mậu

Dương Nghiễm Mậu, trước, sau chói gắt ý thức chọn lựa tự do, nhân bản

Mỗi giai đoạn hay thời kỳ văn học của đất nước nào, cũng có một số tệ trạng thành thuộc tính của xã hội đó. Sự kiện này đưa tới những ghi nhận thiên lệch, mang tính địa phương, phe phái… ít nhiều đã ảnh hưởng tới đám đông. Đồng thời, nó cũng làm nản lòng, thui chột những tài năng không may mắn, thiếu cơ hội.


Một thí dụ cụ thể là tập “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân, xuất bản lần thứ nhất, năm 1942, ghi lại những khuôn mặt tiêu biểu của phong trào thơ mới. Trong số trên 40 nhà thơ được đề cập, thì, một phần ba tác giả mà tác phẩm này ghi nhận, ngay tự thời đó, cũng đã không được nhiều người biết đến, như: Thúc Tề, Xuân Tâm, Thu Hồng, Vân Đài, Phan Thanh Phước hay, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, Đỗ Huy Nhiệm, Phan Khắc Khoan, Nguyễn Xuân Huy… Vì tự thân những sáng tác của họ, không mang một giá trị nào.

Trong khi những tên đáng kể như Hồ Dzếnh, Đinh Hùng… lại bị bỏ quên. Không được nhắc tới, dù chỉ một dòng!

Nhìn lại văn học miền Nam, 20 năm, những tệ trạng trở thành thuộc tính xã hội của thời kỳ này, có thể quy vào mấy điểm sau đây:

- Tình trạng phe phái, do mặc cảm tự tôn.

- Tinh thần địa phương cục bộ, do mặc cảm tự ti về nơi chốn xuất thân.

- Tinh thần phân chia lớp trước, lớp sau. Và,

- Nhiệt tình thổi phồng, đánh bóng quá lố một số tên tuổi, khiến những người không cá tính, kém bản lãnh hùa theo để có ảo giác: Mình cũng thuộc thành phần thưởng ngoạn có… trình độ “tiên tiến”!

Một người bạn họa sĩ nổi tiếng trước tháng 4-1975, vốn theo dõi sít sao sinh hoạt văn chương miền Nam, 20 năm, từng than với tôi rằng, miền Nam một thời, như con ngựa bị che hai bên mắt bởi một vài nhân vật có phương tiện truyền thông trong tay; khi ông đề cập tới tên tuổi một tác giả thuộc nhóm Sáng Tạo, được những người cùng nhóm tung hê một cách quá đáng và, một số “chạy cờ,” (theo cách nói của nhà thơ Nguyên Sa,) đắc chí a dua…

Cũng thế, một nhà văn trẻ thuộc thế hệ tỵ nạn, ở hải ngoại, đã viết xuống rằng, nếu phải đọc 1,000 câu thơ của nhà thơ X. để tìm cho bằng được một câu thơ hay của tác giả này, thì vất vả quá cho người đọc!

May mắn thay, nhà văn Dương Nghiễm Mậu không bị “lãng quên.”

Nhưng trong suốt hai mươi năm văn chương miền Nam, ông đã bị nhìn như một nhà văn lớp sau, so với lớp trước, là những tác giả có tác phẩm xuất bản sớm hơn ông vài năm. Ông cũng bị xếp hạng hai, sau một vài nhân vật mà, vì tế nhị(!) vì nhu cầu “cân bằng” nguồn gốc nam, trung, bắc… dư luận đã được “định hướng” để công nhận vai trò “thủ lãnh” của mấy nhân vật này.

Tôi cho rằng, khi cùng chung một giai đoạn văn chương, một thời kỳ văn học, thì, vị trí một tác giả không phải là tuổi tác, thời gian tác phẩm được ấn hành mà, nó phải y cứ trên giá trị tự thân của tác phẩm ấy.

Khi nói về giá trị tự thân một tác phẩm, người ta phải căn cứ trên những tiêu chí hay chuẩn mực nào? Tùy mỗi cách nhìn, mỗi quan niệm mà, người ta có thể đưa ra những tiêu chí, những chuẩn mực khác nhau.

Cá nhân tôi, tôi muốn chọn hai tiêu chí, hay hai chuẩn mực chính, đó là: Hình thức và nội dung.

Tôi vẫn nghĩ, giá trị sự nghiệp văn chương của nhà văn Mai Thảo không nằm nơi nội dung. Nó không lớn, không mới về phương diện tư tưởng hay triết học. Nhưng về hình thức cấu tạo câu văn của ông, phải nói là rất mới. Ông có công lớn, rất lớn khi thay đổi vai trò một chữ và, đảo lộn những quy định căn bản về văn phạm của một mệnh đề.

Trước ông, tôi chưa thấy tác giả nào xử dụng một tính từ, một động từ, như một danh từ. Ông là người đầu tiên sử dụng cụm từ “ném một cái nhìn...

Nhìn” là động từ (verb). Nhưng trong cụm từ “Ném một cái nhìn” thì “nhìn” đã trở thành danh từ (noun).

Về sự phá bỏ cấu tạo một câu văn trên căn bản văn phạm cũ, cách đây nhiều chục năm, ông đã viết:

Trước. Bây giờ. Lời nói như một vô tình đụng chạm tới một thương tâm dấu kín khiến Huấn muốn nổi khùng lên…” (1)

Chúng ta cùng biết rằng hai chữ “trước”’ và “bây giờ” vốn là trạng từ (adverb) - - Tiếng chỉ trạng thái. Nó không thể làm chủ từ cho một câu và, càng không thể đứng một mình, như thể đó là một mệnh đề độc lập! Vậy mà Mai Thảo đã dùng. Rất nhiều người theo cách viết mới của ông. Mặc dù cũng không ít người dị ứng với văn phong mới mẻ đó. Nhưng, cách gì kiểu hành văn này, cũng đã trở thành một hình thức viết mới.

Về nội dung, tôi nghĩ, muôn đời nhà văn không ai ra khỏi những đề tài trực tiếp liên hệ tới con người, như sống, chết, đau khổ, hạnh phúc, hạnh ngộ, chia lìa, nghèo đói, tật bệnh, chiến tranh, tự do và độc tài, nhân quyền và chuyên chế… Và, những vấn đề mang tính triết học, siêu hình, với những câu hỏi căn bản như: Con người từ đâu đến? Chết đi về đâu? Hoặc đâu là tương quan giữa nhân lọai và tín ngưỡng? Thượng đế và con người? Vân vân…

Từ đó, tôi nghĩ, mức độ để người đọc đánh giá độ lớn, tầm cao của một nhà văn, căn cứ theo nội dung là cách dựng truyện, cách đặt vấn đề, cũng như không khí truyện thế nào (?), ra sao (?); để độc giả không cảm thấy phảng phất hơi hướm của tác giả này, hình bóng tác giả kia. Làm sao, cách nào, để người đọc không bị gặp lại ý tưởng đã được cầu chứng của nhà văn X; xung đột tâm sinh lý vốn là thẻ nhận dạng của nhà văn Y…

Nói tóm gọn, nó phải khác, lạ. Phải mới. Nó có thể cũng là những lò than hồng, nhưng cháy theo cách của nó. Ngọn lửa nám, phỏng da thịt ta, cũng là cái nám, phỏng khác. Tôi nghĩ chỉ những tài năng văn chương lớn, mới có thể làm nám, phỏng tâm hồn người đọc, theo cách riêng của họ mà thôi.

Lại nữa, vẫn theo tôi, việc đeo đuổi ý thức tranh đấu cho một lý tưởng nào đó trong phạm trù nhân sinh của một nhà văn, không chỉ xuất hiện thoáng qua trong một tập truyện mà, nó phải thuần nhất, phải xuyên suốt gần như toàn bộ sự nghiệp văn chương của nhà văn ấy.

Nhìn như thế, ở góc độ này, khi những vang động sâu xa, tốt đẹp cũng như lòe loẹt phấn son, chiêng trống ồn ào của 20 năm văn chương miền Nam, đã lùi sâu, đã quá khứ, với tôi, Dương Nghiễm Mậu, nếu không phải là nhà văn lớn hơn bất cứ một nhà văn miền Nam nào cùng thời, thì chí ít, ông cũng là nhà văn hàng đầu. Ông không phải là nhà văn lớp sau; nhà văn hạng nhì của giai đoạn văn học ông đã hiện diện.

Sau này, đôi ba nhà phê bình nhìn lại Dương Nghiễm Mậu, có phần trân trọng hơn với ông. Nhưng họ vẫn nhìn ông theo thói quen liên tưởng tới một số tác giả tây phương. Có người nói rõ rằng, thành tựu của thế giới văn chương Dương Nghiễm Mậu được xây dựng từ những ảnh hưởng các trào lưu văn học tây phương - - Căn cứ vào sự phong phú của sách báo ngoại quốc mà, các nhà văn miền Nam được thụ hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp (qua các bản dịch.)

Như thể nếu không có những tác giả tây phương kia, nếu không có những bản dịch nọ, thì văn học Việt Nam khó có thể có một Dương Nghiễm Mậu, như ông đã là…?

duongnghiemmau02-content
 Nhà văn Dương Nghiễm Mậu. (Hình: Phan Nguyên)



Ghi nhận này, có thể đúng với nhiều người. Nhưng sai, chí ít cũng với Dương Nghiễm Mậu.

Mọi so sánh, đối chiếu, theo tôi, chỉ thực sự có ích, một khi nó chỉ ra được tương đồng và dị biệt giữa tác giả này với tác giả khác. Nếu không, nó chỉ có tính cách biểu kiến. Vì một lý do dễ hiểu: Những tác giả tây phương nọ, không hề sống, hít thở, chìm, nổi, dập, vùi trong ghềnh, thác sinh mệnh miền Nam xuất huyết, bất hạnh, 20 năm, nói riêng; và lịch sử Việt Nam, nửa thế kỷ qua, nói chung.

Tôi nghĩ, một nhà văn thường bị hai lực chi phối chính. Lực chi phối chiều dọc: Những người đi trước. Lực chi phối chiều ngang: Những người đồng thời.

Nhưng một tài năng lớn, một nhà văn ngoại khổ, là nhà văn sớm tách, lìa khỏi mọi từ trường, lực hút của kẻ khác. Đồng thời, nhà văn đó phải phản ảnh được thời đại, hoàn cảnh xã hội mà ông ta đã sống.

Với tôi, Dương Nghiễm Mậu là một nhà văn lớn. Trước, sau ông vẫn cho thấy những bi kịch xã hội trên những trang văn đau đáu nhân sinh của ông, để tự thân chúng, bật lên cái ý thức khẩn thiết đòi quyền sống căn bản. Quyền tự do vằng vặc, cho một con người.

Tôi vẫn nghĩ, yếu tố ắt có và đủ cho một nhà văn, là tài năng và ý thức. Kế tiếp, người ta cũng có thể căn cứ trên “nước rút và đường trường” để khẳng định mức lớn của tài năng đó. Nhìn lại lịch sử 20 năm văn học miền Nam, (thậm chí cả mấy chục năm văn học tiền chiến,) có những tác giả lóe sáng ở bước khởi đầu, để rồi không lâu sau, ngúm tắt. Nhưng Dương Nghiễm Mậu thì khác. Ông có được cho ông: Nước rút lẫn đường trường.

Ở giai đoạn khởi hành, ông đã bứt phá, bỏ đám đông đồng hành, phía sau. Từ đó, tới nay, lực sáng tác, độ sâu tư tưởng của ông càng thăm thẳm. Những mạch nước ngầm nhân bản, chảy sâu lòng đất xã hội nơi ông, vẫn không hề đổi dòng hay, ngưng chảy sau biến cố tháng 4-1975.

Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại làng Mậu Hòa, (quê ngoại làng Dương Liễu,) huyện Đan Phượng, phủ Hòa Đức, tỉnh Hà Đông.

Trước khi lấy các chữ “Mậu” từ làng Mậu Hòa, lấy “Dương,” từ làng Dương Liễu và, chữ “Nghiễm” từ tên gọi theo khai sinh, để trở thành bút hiệu Dương Nghiễm Mậu, Phí Ích Nghiễm đã có một thời gian dùng bút hiệu Hương Việt Hương.

Nhà văn Nguyễn Thụy Long, trong hồi ký “Thuở mơ làm văn sĩ” (2) cho biết, với bút hiệu Hương Việt Hương, Phí Ích Nghiễm đã có nhiều truyện ngắn, cũng như truyện dài đăng trên một số tuần báo ở Saigòn kể từ 1955, khi ông theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam.

Cũng trong hồi ký của mình, Nguyễn Thụy Long cung cấp thêm một số chi tiết đời thường của Dương Nghiễm Mậu, như, đầu thập niên 1960, vì muốn rời bỏ Nha Trang, không muốn tiếp tục lệ thuộc gia đình sau khi thi tú tài nhiều lần không đậu, Dương Nghiễm Mậu viết thư gửi Lý Hoàng Phong, xin làm việc cho tờ Văn Nghệ. Không ngờ người đứng đầu tạp chí này, nhận lời ngay.

Về giai đoạn thay đổi bút hiệu, từ Hương Việt Hương, thành Dương Nghiễm Mậu, nhà văn Mai Thảo cho biết, ông là người đầu tiên giới thiệu với độc giả tạp chí Sáng Tạo, bút hiệu mới mẻ đó.

Trong tác phẩm “Chân dung 15 nhà văn nhà thơ Việt Nam,” do nhà Văn Khoa, ở California, ấn hành năm 1985, nhà văn Mai Thảo kể, một hôm ông ghé thăm, ngồi chờ người bạn làm việc tại một tòa soạn, “buồn tay” ông nhặt trong thùng rác, những sáng tác bị người bạn này vứt bỏ. Trong số những bài bị loại, có truyện ngắn “Rượu chưa đủ,” với bút hiệu xa lạ: Dương Nghiễm Mậu. Bị chấn động ngay tự những dòng chữ đầu dẫn vào tác phẩm, với tinh thần liên tài, Mai Thảo xin bạn cho ông được giữ sáng tác đã bị vứt bỏ kia, để:

“… đăng ngay nó và nguyên văn không sửa một cái dấu phẩy trên tờ Sáng Tạo số đang làm. (3) Người bạn tôi, chỉ biết thấy giá trị những tác giả đã thành danh, không thấy được những hạt ngọc óng ánh lăn ra từ những cõi viết còn vô danh chưa tên tuổi đã liệng đi hạt ngọc văn xuôi ấy là truyện ngắn Rượu Chưa Đủ, truyện đầu tay của một người trẻ tuổi mới viết văn bấy giờ là Dương Nghiễm Mậu…” (Chân dung…, trang 85.)

Diễn đàn bạn mà tác giả “Đêm giã từ Hà Nội” nhắc tới là nhật báo Dân Chủ của Vũ Ngọc Các. Người bạn “chỉ biết thấy giá trị của những tác giả đã thành danh” đó là nhà văn Thanh Tâm Tuyền. Cho tới khi nhớ lại, viết xuống những kỷ niệm với Dương Nghiễm Mậu, có dễ nhà văn Mai Thảo vẫn không hề biết rằng, với bút hiệu Hương Việt Hương trước đó, họ Phí đã là một tác giả quen thuộc trên các diễn đàn văn nghệ khác?

Tính tới 30 tháng 4 năm 1975, Dương Nghiễm Mậu đã xuất bản trên, dưới 20 tác phẩm, gồm truyện ngắn, truyện dài, bút ký… Trong số này, những tập truyện như, “Cũng đành,” “Nhan sắc,” “Ngã đạn;” những truyện dài như “Gia tài người mẹ,” “Đêm tóc rối,” “Tuổi nước độc;” hoặc bút ký “Địa ngục có thật”… được nhiều người yêu thích.

Theo trang nhà E Văn ở Việt Nam kể, từ năm 1977 tới nay, nhà văn Dương Nghiễm Mậu sống bằng nghề vẽ tranh sơn mài. Năm 2007, công ty văn hóa Phương Nam ở Saigòn, đã tái bản 3 tập truyện “Cũng đành,” “Đôi mắt trên trời,” “Nhan sắc” và, tập thứ 4, “Tiếng sáo người em út,” gồm một số truyện ngắn ông viết đã lâu, trước đó.

Vẫn theo E Văn, Dương Nghiễm Mậu là một trong rất ít nhà văn miền nam, có tên trong “Từ điển văn học” do nhà Thế Giới ở Hà Nội xuất bản. Nhưng ngay khi 4 tác phẩm kể trên vừa phát hành, ông đã bị một số tờ báo ở Saigòn tấn công một cách thô bạo - - Đưa tới tình trạng nhà xuất bản phải thu hồi tất cả tác phẩm của ông khỏi các kệ sách. Nhưng khi được hỏi thăm, tác giả “Nhan sắc” không đáp. Ông chỉ mỉm cười!

Những ai từng giao tiếp với nhà văn Dương Nghiễm Mậu hẳn không thể quên nụ cười luôn nở trên gương mặt của ông.

Nụ cười mà, tôi muốn gọi là “Nụ-cười-Dương-Nghiễm-Mậu.”


Có người cho rằng, đó là một nụ cười trẻ thơ, tinh nghịch. Người khác kết luận, đó là nụ cười hài hước, phúng thích. Những người gần gũi với thiền tông, lại thấy đó là nụ cười “an bần lạc đạo.”

Mọi ghi nhận về nụ cười đặc biệt của họ Phí, tôi cho đều hữu lý. Ngay cả khi ai đó, có đơn giản ghi nhận rằng, nó thuần túy chỉ là một nụ cười. Một nụ cười không nhất thiết phải kèm theo nó, một ý nghĩa. Kết luận ấy, theo tôi, cũng có chỗ… diệu dụng của nó.

Tôi nghĩ phần “diệu dụng” của nụ cười Dương Nghiễm Mậu đã giúp ông không ít, trong thời gian bị giam cầm tại nhà tù Phan Đăng Lưu, Gia Định, sau biến cố tháng 4-1975.

Nhà văn Mai Thảo, trong tác phẩm đã dẫn (cuốn “Chân dung 15 nhà văn nhà thơ Việt Nam,”) kể đầu năm 1976, khi nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội mở cuộc bố ráp văn nghệ sĩ miền Nam, đương nhiên, họ không để lọt lưới tác giả “Tuổi nước độc.”


DuongNghiemMau__1972__Hinh_Tran_Cao_Linh_-content
 Dương Nghiễm Mậu (Hình: Trần Cao Lĩnh)

Mai Thảo viết:

“… Sau 1975, tôi đã nhìn thấy ở nghệ sĩ ta một số bản lãnh chói lòa. Những phong thái trầm tĩnh, những bản ngã dũng liệt, trong một nghịch cảnh mới như một đường kiếm tuốt ra khỏi vỏ, mới lấp lánh hiện hình. Nhưng tươi tắn, vững vàng và sự trẻ trung đặc biệt gần như không có tuổi, thì là Dương Nghiễm Mậu thôi. Chỗ này là chỗ nói đến võ công thâm hậu, đến tư duy đạt thành và kín thầm nhưng đoán thấy, sự kiêu hãnh tuyệt vời của người nhà văn nơi Dương Nghiễm Mậu.” (…)

“Bạn hữu còn kể ít nhiều về hơn một năm lao tù của Mậu ở Phan Đăng Lưu. Như về thái độ trầm tĩnh của Mậu đã có một ảnh hưởng rất tốt đẹp với anh em cùng tù, đặc biệt với Nhã Ca, bao nhiêu năm vẫn trước sau kính trọng Dương Nghiễm Mậu như một người anh lớn. Biết Nhã Ca ngạo ngược nóng nẩy, Mậu vắn tắt khuyên: ‘Cô còn phải trở về nuôi tụi nhỏ’, và kèm sát Nhã Ca trong những buổi học tập kiểm thảo. Phải nên có thái độ nào cho đúng, kiểm thảo như thế nào mới là khôn ngoan, an toàn, nhất nhất Nhã Ca đều chịu nghe theo những chỉ dẫn của ‘anh’ Dương Nghiễm Mậu.” (…)

DuongNghiemMau 01
 Từ trái: Đỗ Quý Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ. (Hình: Trần Dạ Từ)

DuongNghiemMau-ThuBut

“… Tôi vẫn nghĩ trở lại cái truyện ngắn đầu tay Rượu Chưa Đủ của Dương Nghiễm Mậu tôi nhặt được trong một cái sọc rác và đã đăng lên một số Sáng Tạo năm nào. Đứa trẻ mồ côi im lặng đào đất chơi trò đắp hình sông núi quê hương. Trò chơi tuyệt vời ấy đã hoàn tất. Nó cũng là cái trò chơi chúng ta cùng nhìn thấy tuyệt vời và đã hoàn tất, bằng văn chương của người viết văn đi một mình trên con đường mình là Dương Nghiễm Mậu.” (Mai Thảo, Chân dung…tr. 87, 88.)

Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu? Câu trả lời không ngập ngừng của tôi là: Vẫn có.

Tôi nghiệm thấy, mỗi giai đoạn lịch sử ngặt nghèo, thường nẩy sinh một số định-mệnh-lớn. Những cá nhân được định mệnh chọn, để trở thành tấm gương phản ảnh từng lãnh vực của lịch sử giai đoạn đó. Họ là những cá nhân mà, ngay tự điểm xuất phát, đã cho thấy tính cách điển hình, dẫn đường của họ.

Dương Nghiễm Mậu với “Rượu chưa đủ,” ở Sáng Tạo, chỉ là bước đi tiếp của Hương Việt Hương, ở những năm, tháng trước đó, trên những diễn đàn khác.


Nhìn lại sinh hoạt văn chương của miền Nam cuối thập niên 1950, ta sẽ thấy, giữa khi những đồng hành với Dương Nghiễm Mậu, còn rờ rẫm, tìm hiểu hoặc, loay hoay bắt chước những trường phái văn nghệ đã sớm bị vượt qua ở ngay nơi chúng được khai sinh, thì Dương Nghiễm Mậu đã trầm tịnh chọn lấy cho mình một hướng đi. Một ý thức văn học bất khả suy, chuyển.

Có thể nói mà, không sợ quá lời rằng, ông đã lầm lì một cách nhất quán, tự cách ly khỏi khu rừng chộn rộn phong trào, lý thuyết… bằng tài năng và, nhận thức hải đăng tự thân của mình.

Trong môi trường rổn rảng, lập lòe thời thượng kia, những trang văn Dương Nghiễm Mậu đã hiện ra chói, gắt từng con chữ trên những kênh, mạch truyện ngắn, truyện dài. Ông xác quyết, tự do là nguyên lý tồn tại của con người. Nhân bản là lần ranh phân chia nhân loại với cầm thú.

Tôi cho rằng, định mệnh lớn đã đến với Dương Nghiễm Mậu, ngay tự những dòng chữ thứ nhất. Và, song sinh cùng những dòng chữ thứ nhất kia, là nhân cách Phí Ích Nghiễm.

Tôi không nghĩ người đọc, hôm nay, lịch sử văn học, ngày mai, đòi hỏi một điều gì nơi nhà văn, khác hơn giá trị nội tại của tác phẩm.

Nhưng, nếu một tài năng (như tài năng Dương Nghiễm Mậu,) song sinh với một nhân cách, (như nhân cách Dương Nghiễm Mậu) thì, nó mặc nhiên trở thành tấm gương hai mặt, vằng vặc. Sáng.

Với cá nhân tôi, ông là tấm gương hai mặt đó.

Du Tử Lê,
(21-8-09)

____________

Chú thích:
(1) Trích “Ngọn hải đăng mù,” tập truyện Mai Thảo. Làng Văn xuất bản, 1986, Tr. 49
(2) Nhà Tuổi Xanh, California, xuất bản năm 2000.
(3) Nhà thơ Thành Tôn cho biết: (a) Đó là tờ Sáng Tạo số 28 và 29, đề tháng 1 & 2-1959 - chủ đề “Giai phẩm Mùa Xuân Kỷ Hợi.” (b) Hai số sau, tức Sáng Tạo số 31, đăng truyện ngắn thứ nhì của Dương Nghiễm Mậu, nhan đề “Tiếng nói”…

Dương Nghiễm Mậu không chỉ là nhà văn hàng đầu của 20 năm văn chương miền Nam; trong đời thường, về phương diện nhân cách, ông cũng cho thấy ông biết mình là ai. Sống thế nào. Ra sao…để tương, thích với vai trò kẻ sĩ miền Nam, nhất là những lúc ông bị dập vùi tận đáy địa ngục.

Tác giả thi phẩm “Huyết âm,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ kể, đầu năm 2009 vừa qua, nhân dịp về Saigòn giải quyết việc gia đình, ông ghé thăm tác giả “Cũng đành.”
(4) Thời gian này, cũng là thời gian Dương Nghiễm Mậu đang bị những ngọn roi mặc cảm thấp hèn, thù hận mông muội, quất, vụt lên thân thế cũng như những sáng tác của ông, do công ty Phương Nam tái bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 21407)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 16133)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17791)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10492)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 19031)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 5304)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1988)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2602)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2378)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23704)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 20147)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8983)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 10075)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9352)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12532)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31984)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21635)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26791)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 24192)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 23001)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 21140)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 19055)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20285)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17796)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16853)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 26104)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33383)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35677)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,