Nhã Ca

29 Tháng Giêng 20223:56 CH(Xem: 1390)
Nhã Ca

Nhã Ca, nhà văn nữ nói “không” với dục tính.

Sau hai bài viết về hiện tượng thơ Nhã Ca rực rỡ ngay tự bước khởi đầu, của nền văn học miền nam Việt Nam, 20 năm; nhiều bạn đọc, đa số là những người trẻ, hỏi chúng tôi về tiểu sử của bà.

Do vậy, trước khi mời bạn đọc bước vào phần thứ ba của loạt bày này, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn, tiểu sử của nhà thơ và, cũng là nhà văn Nhã Ca, căn cứ theo tài liệu được ghi trên trang mạng Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Theo tài liệu này, người ta được biết, Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1939 tại cố đô Huế. Năm 1960 bà vào Saigòn. Tại thủ đô miền Nam tự do này, bà chính thức bước vào con đường làm thơ, viết văn.

Trong 15 năm, tính 30 tháng 4-1975, bà đã xuất bản 36 tác phẩm. Hai lần được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc. Lần thứ nhất, năm 1965 với thi phẩm “Nhã Ca Mới”. Lần thứ hai, 1966, với truyện dài “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”.

Trong số 36 tác phẩm xuất bản tại Việt Nam, tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế”, viết về biến cố tết Mậu Thân, 1968 tại Huế, khiến bà bị nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội giam cầm một thời gian. (Riêng nhà thơ Trần Dạ Từ, người bạn đời của bà, bị tù tới 12 năm!)

Đồng thời, cũng vì tác phẩm này, bà là người nữ duy nhất có tên trong danh sách 10 “Biệt kích văn hóa” ác ôn nhất ở miền nam Việt Nam, cùng với những nhà văn đồng thời khác, như Mai Thảo, Duyên Anh, Chu Tử, Nguyễn Mạnh Côn v.v…

Trong một bài viết về Nhã Ca, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ghi:

“Nói về kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam, Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigòn, thấy sách của mình và bạn hữu được bày dưới danh nghĩa ‘Tội ác Mỹ Nguỵ”. Đặc biệt cuốn ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ được treo trang trọng. Bà đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn… kính chào tác phẩm của mình và bạn hữu.”

Nói về thành tựu văn xuôi của Nhã Ca thì, bà là nhà văn miền Nam đầu tiên và sớm nhất, có tác phẩm được dịch qua 2 ngoại ngữ Pháp và Anh. Đó là các cuốn “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, được dịch sang tiếng Pháp, với nhan đề “Le cannon tonnent la nuit” và cuốn “Đoàn Nữ Binh Mùa Thu” được Barry Hilton dịch sang tiếng Anh, với tựa đề “The Short Times”.

Năm 1970, trong một bài viết của Tường Vy, đặc phái viên của cơ quan VTX, (lên mạng sau này,) có một đoạn nguyên văn như sau:

“… Từ lâu nay, chúng ta đã nói nhiều tới việc trao đổi văn hóa, giới thiệu văn hóa Việt Nam với ngoại quốc. Nhưng mãi tới nay, mới có một tác phẩm văn chương Việt nam hiện đại được chọn dịch và xuất bản bên Mỹ. Cũng mãi tới nay, mới có một dịch giả người Mỹ thông thạo tiếng Việt, để dịch một tác phẩm Việt Nam trực tiếp từ tiếng Việt sang tiếng Anh ngữ. Hợp đồng xuất bản giữa Nhã Ca và ông Barry Hilton hôm nay, vì vậy, phải được coi là bước khởi đầu quan trọng cho việc giới thiệu văn chương Việt Nam với thế giới.

“Trên đây là lời Linh Mục Thanh Lãng, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam; Tuyên bố trong buổi lễ ký hợp đồng phiên dịch và xuất bản tác phẩm Nhã Ca tại Hoa Kỳ, do Trung tâm Văn Bút bảo trợ, tổ chức hôm Chủ Nhật 13 tháng 6 vừa qua…”

“Tác phẩm được phiên dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ là một truyện dài (Đoàn Nữ Binh Mùa Thu,) vừa hoàn thành của Nhã Ca, có tựa đề ‘The Short Times’ và dịch giả người Mỹ ông Barry Hiltn, khi tuyên bố thành thạo bằng tiếng Việt với quan khách trong buổi lễ, đã ca ngợi tác phẩm này là ‘là một bi kỳ cổ điển, có giá trị tiêu biểu cho một giai đoạn đặc biệt của hai dân tộc Hoa Kỳ và Việt Nam…”

Trở lại với tiểu sử của tác giả “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, người ta được biết, tháng 9 năm 1989, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ, liên lủy của Hội Văn Bút Quốc Tế, phối hợp với Hội Ân xá Quốc Tế và Thủ tướng Thuỵ Điển Ingvar Carlsson, cuối cùng, bà cùng toàn thể gia đình được Thủ tướng Thuỵ Điển bảo lãnh qua Thuỵ Điển.

Năm 1992, bà cùng gia đình di chuyển qua Hoa Kỳ, tiểu bang California, thành lập và, điều hành hệ thống Việt Báo Daily News tại quận hạt Orange County.

Từ thi ca với tác phẩm đầu tay “Nhã Ca Mới”, bước qua văn xuôi, với tác phẩm thứ nhất được xuất bản là truyện dài “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, người ta không thấy có một khoảng cách nào giữa văn xuôi và, thi ca của Nhã Ca. Nếu không muốn nói, đó chỉ là bước song hành, hoặc hai dòng chảy của một tài năng lớn, người nữ.

Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật của miền Nam, sự kiện một thi sĩ đắm mình trong thử thách giữa ngọn triều văn xuôi hoặc ngược lại, là điều bình thường.

Ở một chừng mực nào đó, cũng có một số tác giả được ghi nhận là thành công. Cả hai lãnh vực. Nhưng, như Nhã Ca thì không.

Kể từ ngày miền Nam có Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc, trải qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, một nhà văn hay nhà thơ, được chọn để trao giải vốn đã khó, nói chi tới việc một tác giả như Nhã Ca, trong hai năm (1965, 1966) được chọn để trao liên tiếp hai giải Văn Chương Toàn Quốc cho cả hai bộ môn thi ca và, văn xuôi.

Cũng trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1970, sinh hoạt văn xuôi của miền Nam trở nên rộn ràng, nhiều mầu sắc hơn nữa, với sự xuất hiện thêm nhiều cây bút nữ trên các diễn đàn văn chương.

Mỗi xuất hiện đó, là một nhan sắc. Riêng. Mỗi đi tới kia, là một phong cách. Khác.

Tuy nhiên, nhiều hay ít, những cây bút nữ đó cũng có chung một điểm gặp gỡ. Đó là phạm trù tính dục trong văn chương.

Tính dục được ghi nhận từ người nữ: Vừa như một “giải phóng” người nữ khỏi những vòng rào, những vạch phấn khoanh vùng; san bằng khoảng cách nam/ nữ; vừa như một từ trường có lực thu hút tò mò không nhỏ, nơi người đọc.

Khuynh hướng hay trào lưu này, nếu tôi được phép nói như vậy, hoàn toàn không có Nhã Ca. Nói cách khác, Nhã Ca là nhà văn nữ của văn chương miền Nam hai mươi năm, đã nói không, với dục tính. Bà không chỉ nói “không” với dục tính mà, cũng khác hơn các nhà văn nữ cùng thời, cõi giới văn xuôi của bà còn mở vào nhiều thể tài. Từ chiến tranh, đất nước, thời cuộc tới xã hội, gia đình, tuổi trẻ nữa.

Tuy từ chối khai thác tính dục trong văn chương, nhưng không vì thế mà truyện của Nhã Ca có số bán kém hơn những tác phẩm khai thác dục tính của một số nhà văn nữ khác. Trái lại.

Căn cứ theo bài viết có tính tường thuật, cộng với kết quả thăm dò, nghiên cứu của ký giả Tường Vi thì truyện của Nhã Ca có số bán cao nhất.

Các chủ nhiệm, chủ bút nhật báo ở miền Nam, 20 năm, có tập quán mời những nhà văn được coi là “ăn khách” viết truyện đăng tải mỗi ngày (trong giới gọi là feuilleton,) nơi trang trong nhật báo của họ… Nên, báo nào có được feuilleton Nhã Ca thì số bán sẽ gia tăng ở mức độ không thể phủ nhận.


Lý do? Câu trả lời có ngay, rằng:

Tuy tiểu thuyết Nhã Ca không nhằm đào sâu lãnh vực tính dục; nhưng tính lãng mạn, thơ mộng và luôn cả phần tâm lý, văn chương mượt mà trong cõi giới văn chương của bà, đã đáp ứng nhu cầu hay, khát khao cái đẹp không chỉ của giới trẻ mà luôn cả lớp người đã trưởng thành và những người lính nơi những tiền đồn heo hút nữa.

Với những tài liệu tôi hiện có về đời-văn-Nhã-Ca, tôi rất thích đoạn sau đây (vì tính chuyên nghiệp của một phóng sự) của tác giả Tường Vi, khi cô viết:

“Trên nhật báo Chính Luận, trong một bài liệt kê các khoản chi tiêu cần thiết để đối chiếu với số lương tháng ít ỏi, một nữ giáo chức đã ghi: ‘sách Nhã Ca’. Như vậy trong những món ăn tinh thần của một lớp người, sách Nhã Ca đã được kể vào loại nhu cầu cần thiết và bền bỉ.

“Tại các trường Trung Học, nhất là những trường nữ, một số lớn tác phẩm Nhã Ca đã trở thành một đề tài thuyết trình thường xuyên của học sinh.

“Một số văn phẩm của Nhã Ca cũng được chọn làm đề tài cho một số luận án ra trường của các sinh viên văn khoa Saigon, Huế, Đà Lạt.

“Ngoài số độc giả đông đảo là giáo chức, sinh viên học sinh, Nhã Ca cũng được đọc nhiều trong giới binh sĩ. Trên mục tìm bạn bốn phương của tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, có lần đã đăng một lời rao tìm bạn nguyên văn như sau:

“ ‘Lính tiền tuyến muốn tìm những cô bạn gái trong trắng, tươi vui như hình ảnh cô bé Vành Khuyên trong truyện Trưa Áo Trắng...’ ”

“ ‘Trưa Áo Trắng’ là tên một cuốn tiểu thuyết của Nhã Ca mới xuất bản năm ngoái, viết về một đám nữ sinh chơi vũ cầu buổi trưa bên hông trường nữ trung học Gia Long.

“Trả lời một câu hỏi của người phỏng vấn, Nhã Ca xác nhận:

“ ‘Nếu không nghĩ tới độc giả, chắc chắn tôi đã không viết văn làm gì. Tôi vẫn thường tự nhủ, bạn đọc của tôi đã phải bỏ những đồng tiền xương máu của họ ra đổi lấy từng cuốn sách. Vậy bổn phận của mình là phải viết cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Vậy chắc chắn sẽ chả bao giờ tôi có thể trở thành loại nhà văn tự cho mình là lớn đến độ tuyên bố là viết mà không thèm đếm xỉa đến độc giả.’. ”

Nói tới văn xuôi của Nhã Ca sớm trở thành một món ăn tinh thần cần thiết của độc giả thuộc nhiều thành phần khác nhau, ở miền Nam mà, không nhắc tới ảnh hưởng tác phẩm của bà, trong lãnh vực điện ảnh, tôi cho là một thiếu sót.

Về mặt này, ký giả Tường Vi ghi nhận như sau:

“Một số tiểu thuyết Nhã Ca đã được đưa lên màn ảnh. Hãng phim Việt của Đạo diễn Hà Thúc Cần đã dựng một phần ‘Giải Khăn Sô cho Huế’ thành phim ‘Đất Khổ’. Hãng Lidac, với đạo diễn Lê Dân, đã đưa cuốn tiểu thuyết ‘Cô Híp Py lạc loài’ lên thành phim ‘Hoa mới nở’. Hai cuốn tiểu thuyết khác của Nhã Ca, ‘Đoàn nữ binh mùa thu’ và ‘Tình ca trong khói lửa đỏ’, cũng đã được hãng Phim Việt mua bản quyền…”

Tôi vẫn nghĩ thơ mộng là vòm cửa lớn mà một tác giả có khả năng, có đủ tâm, tài nên mở ra cho tuổi trẻ bước vào. Nó sẽ trở thành một hành trang tinh thần lấp lánh tin yêu mai sau; khi họ tới giai đoạn phải bước vào thực tế phũ phàng. Cuộc đời.

Vòm cửa này, tôi nghĩ, cũng cần thiết không kém, cho người trưởng thành, cơ hội về lại ngôi nhà xưa. Ngồi xuống những bậc thềm quá khứ, ngắm nhìn thanh xuân một thời, hay mơ ước một đời, bóng dáng mình.

Tôi cho nó ý nghĩa. Nó đang kể. Nó thiết thực hơn cả những tiểu thuyết thời thượng, như những cái đuôi của những triết lý nhất thời nữa.

Nhân cách văn chương và, nhân cách đời thường, Nhã Ca,


Nói về nhân cách một nhà văn (tiếng chỉ chung: nhà văn và nhà thơ,) tôi luôn nghĩ họ có nhiều hơn một nhân cách.

Nhân cách thứ nhất: Nhân cách văn chương (chỉ tài năng nhà văn.)

Và, nhân cách thứ hai: Nhân cách đời thường.

Về nhân cách văn chương của Nhã Ca thi sĩ, Nhã Ca nhà văn, thì đã là một nhân cách rực rỡ. Đã định hình. Bất khả chuyển.

Riêng nhân cách đời thường, nơi Nhã Ca, với tôi, cũng là một nhân cách đáng trân trọng.

Kinh nghiệm trong đời thường cho chúng ta rất nhiều thí dụ cụ thể về những cá nhân tạo, đạt được những thành tựu đáng kể trong văn chương.Nhưng nhân cách đời thường ở họ, lại là con đường nghịch chiều. Một hướng đi, một ngã rẽ khác.

Ngay với những tài năng lớn, được thực chứng bởi những sản phẩm nghệ thuật giá trị, nhưng trong đời thường, họ lại có một nhân cách khác.

Đó là thứ nhân cách phản ảnh cái tâm đố kỵ. Ganh ghét. Thủ đoạn…Hoặc đó là cái tâm chật hẹp với tinh thần phe phái. Cục bộ. Địa phương. Khoanh vùng. Một thứ nhân cách ấp, xã với tinh thần Lý trưởng hoặc Chánh tổng…

Trước thực trạng này, sinh thời, cố Thi sĩ Nguyên Sa từng chỉ danh đó là cái tinh thần “phe ta”. “Đảng ta”. “Vùng đất ta”. Hoặc “quần thần, đàn em ta”… hiển hách. Ngoại giả là cỏ rác. Phải dẹp bỏ. Chặt đầu!

Nói về nhân cách Nhã Ca đời thường, tôi mãi nhớ hình ảnh một “buổi họp kín.” Diễn ra trong phòng âm u trong ngôi nhà sau cùng trên đường Tự Do, Saigòn, của cặp vợ chồng nhà thơ, nhà văn Nhã Ca/ Trần Dạ Từ.

Nhà văn Mai Thảo kể, đó là “buổi họp” đầu tiên và cũng là cuối cùng(?) cực kỳ nghiêm trọng giữa nhà văn Nhã Ca với 5 người con của bà.

Buổi họp nhằm đi tới “biểu quyết”:

- Có đồng ý cho bác Mai Thảo tạm trú một thời gian, giữa lúc bác đang bị săn lùng ráo riết bởi chính quyền cộng sản?

Mỗi lần nhớ lại hình ảnh 5 bàn tay nhỏ xíu cùng hăng hái, dứt khoát dơ lên trong tình cảnh tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào, trên mái đầu những trẻ thơ này, tôi không khỏi bùi ngùi. Cảm phục.

Tôi vẫn nghĩ không thể khi không, không thể tự nhiên có được cùng lúc, 5 bàn tay bé xíu dơ lên, trong một quyết định đầy nguy nàn như vậy.

Tôi nghĩ bà mẹ, người sinh ra những đứa trẻ đồng lòng dơ tay “biểu quyết” cho bác Mai Thảo được trốn trong nhà mình; khi mà người cha của chúng là nhà thơ Trần Dạ Từ, còn đang dật dờ trôi từ nhà tù này tới nhà tù khác. Khi mà chính người mẹ của chúng, cũng từng chịu cảnh tù đầy hơn một năm bởi chế độ mới, hiện còn bị theo dõi ngày đêm…

Dù một nách 5 con nhỏ, nhưng tác giả “Yêu một nhà văn” vẫn chưa bao giờ bỏ qua một kỳ phép được thăm nuôi chồng.

Về những chuyến đi thăm nuôi nhà thơ Trần Dạ Từ, cố nhà văn Mai Thảo, trong tác phẩm “Chân Dung 15 nhà văn, nhà thơ Việt Nam”, do nhà sách Văn Khoa, Calif., xuất bản năm 1985, viết lại theo lời kể của một người từng đi chung với Nhã Ca, như sau:

“… Chuyến đi cho nhìn thấy tất cả những vất vả dọc đường. Cho nhìn thấy cuộc sống điêu đứng hiện giờ của Nhã Ca ở Saigòn sau đại nạn 1975. Cho nhìn thấy sự can trường lạ lùng của bà, một mình giữa cơn hồng thuỷ (…)

“Một chiếc xe nhỏ ọp ẹp, khởi hành lúc 5 giờ sáng ở bên xe Petrus Ký. Đồ thăm nuôi chất đầy. Mọi người ngồi chen chúc, ngộp thở. Ai nấy đều mệt mỏi, ủ rũ, riêng chị Nhã là người mạnh mẽ nhất. Chị đùa cợt cho vui dọc đường, săn sóc tất cả mọi người. Xe tới rừng lá Phan Thiết đã bể bánh. Phải ngưng lại một đêm. Mọi người xuống xe nằm ngủ ngay bên vệ đường với đêm rừng lạnh buốt. Riêng Nhã Ca thức, bó gối ngồi tới sáng. Chiều hôm sau mới tới Nha Trang. Lại một màn gối đất nằm sương ở bến xe, khiến mọi người mệt lả cơ hồ không chịu đựng nổi nữa. Lượt đi tưởng độ hai ngày kéo dài tới bốn ngày ở dọc đường. Ngày hôm sau ra Qui Nhơn, từ Qui Nhơn đi Pleiku, xe lại hư máy nữa ở chân đèo Cả. Tài xế dở chứng đòi quay về Saigòn, chị Nhã năn nỉ mãi. Chị hò mọi người cùng đẩy xe lên con đèo cao ngất. Đẩy năm bảy cây số tới ngang trại giam trên đường 19, đã xế chiều. Mọi người cùng phải khiêng vác nặng, đi lê lết qua ba cây số đường rừng mới tới trại. Thời gian cho gặp thân nhân chỉ có nửa giờ. Thấy chồng, chị Nhã xúc động ôm lấy và bị bọn cán bộ la lối chửi mắng là đã có cử chỉ sàm sỡ đồi trụy. Chị nín thinh, chịu đựng, ra khỏi trại mới chảy nước mắt (…)

“Từ chỗ ẩn lánh của mình, nghe chuyện về Nhã Ca, Nhã Ca trong đổi đời, trong giông bão, về những ngày tù đầy của Nhã Ca ở Phan Đăng Lưu, về những chuyến thăm nuôi Trần Dạ Từ, tấm lòng son sắt thuỷ chung, tôi không sao kìm giữ được xúc động…”

Chỉ trong cương vị người nghe kể lại, không thực sự trông thấy, càng không là người tham dự chuyến đi nuôi chồng của Nhã Ca, nhưng tác giả “Chuyến tàu sông Hồng” đã không thể không thú nhận rằng, ông “không sao kìm giữ được xúc động”!

Nói về nhân cách Nhã Ca đời thường, tôi cho rằng, tôi cũng sẽ rất không phải, nếu không nhắc tới sự kiện nhà văn này, đã dùng tiền tác quyền, một tác phẩm của mình, làm giải thưởng cho những luận án tiến sĩ y khoa. Mặc dù, điều này, tôi cũng chỉ mới được biết gần đây, qua bài viết của ký giả Tường Vi:

“Trên những đặc san cuối năm do Đại Học Y Khoa Huế xuất bản, trong phần tin tức, thường có loan báo "luận án tiến sỹ y khoa đoạt ‘giải thưởng Nhã Ca’ hàng năm. Đây là một giải thưởng được thiết lập từ năm 1969 và do chính nữ văn sỹ Nhã Ca bảo trợ. Khoản tiền dùng cho giải thưởng này chính là tác quyền cuốn ‘Giải khăn sô cho Huế’ một bút kỳ nổi tiếng của nhà văn nữ này, viết về biến cố Mật Thân tại Huế.

‘Ngày 23 tháng chạp năm Mùi (1967) đang sống ở Sàigòn, Nhã Ca nhận được điện tín của gia đình từ Huế gọi về chịu tang thân phụ của bà vừa từ trần. Bảy ngày sau, cuộc tổng công kích tết Mậu Thân bùng nổ, và nhà văn nữ này, ngoài cái tang gia đình, đã phải chịu cái tang chung cho cả thành phố bị tàn phá.

‘Những điều tai nghe mắt thấy trong hơn hai tháng lưu lạc trong biến cố tết Mậu Thân tại Huế được Nhã Ca viết lại thành tác phẩm ‘Giải khăn sô cho Huế’ và toàn bộ tác quyền đầu tiên của cuốn sách nổi tiếng này được dành tặng cho Huế. Một phần góp vào việc cho trường nữ trung học Đồng Khánh. Một phần được trao tặng cho Đại Học Y Khoa Huế, và vị khoa trưởng y khoa Huế thời đó là bác sỹ Bùi Duy Tâm đã dùng khoảng tiền này để thiết lập một giải thưởng mệnh danh là ‘giải thưởng Nhã Ca’ dành cho luận án tiến sỹ y khoa xuất sắc nhất hàng năm.

Đến đây, tôi không thấy cần thiết phải kể thêm, dẫn chứng thêm về nhân cách đời thường của tác giả “Đoàn nữ binh mùa thu”.

Tự thân đời sống bà, những năm tháng nắng, mưa những thời gian huy hoàng và bão tố… đã nói đủ, nói hơn những gì chữ nghĩa tôi, có thể vươn tới.

Cạnh đó, tôi nghĩ, dù muốn hay không, đã 35 năm trôi qua. Thời gian với bản chất cần mẫn (đôi khi đáng nguyền rủa của nó,) vẫn lặng lẽ làm công việc không ai khiến, chẳng ai nhờ.

Đó là sự khép miệng những vết chém. Chà mỏng những đường sẹo. Lấp đi những phần khuyết…

Nhưng điều nó không làm được, theo tôi, dù cho nó có thêm bao nhiêu cái 35 năm nữa, đó là:

- Nhân cách đời thường của nhà văn Nhã Ca.

Nhân cách này cũng tựa một dòng chảy khác. Một dòng chảy song song với nhân cách văn chương rực rỡ của bà.

Du Tử Lê,

(April 2010.)

_________

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17068)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12276)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14017)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21739)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19797)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24514)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,