Nguyễn Thị Hoàng

29 Tháng Giêng 20223:57 CH(Xem: 1501)
Nguyễn Thị Hoàng

Đâu là chân dung đích thực của tác giả tiểu thuyết “Vòng tay học trò”?


Trong sinh hoạt văn chương miền Nam 20 năm (1955-1975), Nguyễn Thị Hoàng là một trong vài nhà văn nữ, nổi tiếng ngay với tác phẩm văn xuôi đầu tay “Vòng Tay Học Trò”. Nhưng, nếu Nhã Ca (ở lãnh vực văn xuôi) cũng nổi tiếng ngay với truyện vừa “Đêm nghe tiếng đại bác”, lấy bối cảnh sinh hoạt của một gia đình viết về chiến tranh thì, Nguyễn Thị Hoàng lại nổi tiếng khi bà vượt qua vạch phấn cấm kỵ (taboo) của truyền thống đạo đức xã hội Việt Nam, khi viết về lãnh vực tình yêu và, tình dục giữa một cô giáo và học trò của mình, theo xu hướng hiện sinh.

nguyenthihoang_01-content
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về qua nét bút của họa sĩ Chóe



Trong phần giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, trang mạng Wikipedia – Tiếng Việt, cũng ghi nhận như sau:


“Tác phẩm đầu tay của bà (NTH) có nhan đề Vòng Tay Học Trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Đây là một tiểu thuyết hiện sinh mô tả vấn đề tình yêu, tình dục giữa một cô giáo tên Tôn Nữ Quỳnh Trâm và học trò Nguyễn Duy Minh được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời kỳ này, và về sau được tái bản nhiều lần.”

Tuy nhiên, theo một vài tư liệu hiện có trên Wikipedia thì, bước chân đầu tiên tìm đến với cõi giới văn chương của người nữ văn sĩ này, vốn là thi ca chứ không phải văn xuôi.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà văn Mai Ninh (hiện cư ngụ tại Paris) năm 2003, tác giả “Vòng Tay Học Trò” cũng xác nhận rằng:

“… NTH khởi viết, trước tiểu thuyết, bằng thơ (Tạp chí Bách Khoa 1960), và căn chất mãi mãi cũng chỉ là thơ, rất ‘dốt’ và sợ cái gì liên quan đến khoa học…”

Thực tế cũng cho thấy, bà không chỉ làm thơ đăng báo mà, còn có tới hai thi phẩm đã được xuất bản. Đó là các tập thơ “Sầu riêng”, XB năm 1960 và “Kiếp đam mê” XB năm 1961. (1)

Tuy nhiên, cũng khác với Nhã Ca. Nếu tác giả “Đêm nghe tiếng đại bác” gây xôn xao dư luận những người yêu thơ cũng như văn giới ngay tự những bài thơ thứ nhất của bà, đăng tải trên Tạp chí Hiện Đại của nhà thơ Nguyên Sa thì, dường như thơ Nguyễn Thị Hoàng lại kém may mắn hơn! Chúng không nhận được sự chào đón hay, chú ý của dư luận quần chúng. Chính vì thế mà số người biết nhà văn Nguyễn Thị Hoàng là một người làm thơ trước khi viết văn không bao nhiêu - - Trừ những người có mối quan tâm đặc biệt, muốn tìm hiểu hoặc, nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của bà.

Trong số những người có mối quan tâm đặc biệt tới lộ trình chữ, nghĩa của Nguyễn Thị Hoàng, tôi trộm nghĩ, chúng ta phải kể tới nhà văn Nguyễn Ngọc Chính. Ông là người có nhiều bài viết nhất về tác giả “Vòng Tay Học Trò”.

Với loạt bài nằm trong “Hồi Ức Một Đời Người”, họ Nguyễn đã sưu tập về cõi thơ Nguyễn Thị Hoàng và, ghi nhận:

“… Trước khi nổi tiếng trong nhóm nhà văn nữ trước 1975, Nguyễn Thị Hoàng là một nhà thơ của xứ Huế với hai tập thơ Sầu riêng (1960) và Sau phút đam mê (1961). (2) Nổi bật hơn cả là bài thơ Chi lạ rứa với 40 câu thơ mang đặc những ngôn từ của miền Trung như chi lạ rứa, bởi vì răng, bên ni bờ, đau chi mô, hiểu chi mô… (…)

“Những vần lục bát là thế mạnh trong thơ Nguyễn Thị Hoàng với những câu thơ rất da diết nhưng cũng rất tự nhiên như văn viết:

‘Em mười sáu tuổi tơ măng
Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu

‘Trong cơn chăn gối rã rời
Im nghe từng chuyến xe đời đi qua

‘Đường về không nhịp trùng lai
Chúa ơi con sợ... ngày mai một mình

‘Nhìn lên thành phố không đèn
Âm u còn một màn đêm cuối cùng

Mắt sâu dòng lệ ngập ngừng
Mình xa nhau đến muôn trùng thời gian

‘Lênh đênh tiếng hát kinh cầu
Ăn năn cổ thụ cúi đầu ngẩn ngơ

Trên cao tháp cũ nhà thờ
Hồi chuông tưởng niệm bây giờ còn vang’

“Lối gieo vần trong thơ 8 chữ cũng là một thể nghiệm mới lạ của nhà thơ nữ:

‘Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật”

‘Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay’

“Và cuối cùng là những vần thơ 5 chữ trong bài Lời rêu:

‘Uống cùng nhau một giọt,
Đắng cay nào chia đôi
Chung một niềm đơn độc,
Riêng môi đời phai phôi.

‘Say dùm nhau một giọt!
Chút nồng thơm cuối đời.
Vướng dùm nhau sợi tóc,
Ràng buộc trời sinh đôi’. (
…)”

Và người thứ ai, theo tôi, là nhà văn Trần Áng Sơn. Trong bài viết nhan đề “Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng – Người đàn bà đẹp”, họ Trần kể, vào thời điểm tháng 4-2002, khi ông viết bài đó, trong tay ông “…không có 1 tác phẩm nào, như một tài liệu, để gọi nói có sách, mách có chứng. Nhưng, vì quá yêu ngòi bút của bà, khởi đi từ chi tiết rất xa xăm – bài thơ Lạ rứa! - do 1 người bạn ở Huế chép tặng 1957- tôi thực hiện cuộc trở về trong sương mù, viết bằng ký ức, cảm xúc. Cũng rất có thể, tôi bị lạc lối, nhưng tấm lòng dành cho bài thơ Lạ rứa! vẫn như xưa…”(2)

Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Chi lạ rứa” của Nguyễn Thị Hoàng, trong ký ức của nhà văn Trần Áng Sơn:

“Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc,
Ngó chi tui đồ cỏ mọn, hoa hèn.
Nhìn chi tui hình đom đóm đêm đen,
Cho tui tủi bên ni bờ cô tịch.

“Tui ao ước có bao giờ tuyệt đích,
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ.
Rồi ngó tui, chi lạ rứa hững hờ,
Ghét, yêu, mến, vô duyên và trơ trẽn!

“Tui đã tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn,
Bởi vì răng, ai biết được người hè.
Nhưng màu chiều đã rũ bóng lê thê,
Ni với nớ, có chi mô gần gũi!

“Chi lạ rứa, răng cứ làm tui tủi?
Tàn nhẫn chi với một đứa thương đau!
Khối tình câm nên không sắc, không màu,
Và vạn thuở chẳng nên câu luyến ái!

“Chi lạ rứa, người cứ làm tui ngại,
Biết sông sâu hay cạn giữa tình đời?
Bên ni bờ vẫn trong trắng chơi vơi,
Mà bên nớ trầm ngâm mô có kể.

“Không muốn khóc, nhưng cứ từng ngấn lệ,
Đọng làn mi ấp ủ mối tâm tình.
Bên ni bờ hoa thắm bớt tươi xanh,
Mà bên nớ huy hoàng và lộng lẫy”
.

Nguyễn Thị Hoàng. (3)

Tuy chỉ với vài bài thơ do hai tác giả Nguyễn Ngọc Chính và Trần Áng Sơn ghi lại, nhưng cũng đã có một số người tự hỏi, nếu không xẩy ra cuộc tình nhiều tai tiếng giữa tác giả Nguyễn Thị Hoàng và câu học trò tên Mai Tiến Thành và (vẫn nếu), họ Hoàng không viết lại thành truyện thì không biết hôm nay, người đọc sẽ có một Nguyễn Thị Hoàng thi sĩ hay,

Nguyễn Thị Hoàng văn sĩ? Nhất là khi bà từng nhấn mạnh, với bà, trước sau, căn bản vẫn là thi ca?



Dư luận chung quanh “Vòng tay học trò” và đời thường của nhân vật chính.

Mặc dù căn cứ vào cuộc phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng dành cho nhà báo Tố Tâm ở tạp chí Đất Mới, số 4 bộ 2, tháng 4-1990, Việt Nam thì, cả hai tập thơ mà trang mạng Wikipedia liệt kê trong danh sách tác phẩm đã xuất bản, được bà nói rõ rằng:

nguyenthihoang_02-content
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

“… Thơ chưa in thành tập, nhưng rải rác có đăng báo. Khởi đầu năm 1960 ở Bách Khoa và từ 1961-1962 thì ở tạp chí Văn. Nhưng khi những chương đầu tiên của Vòng Tay Học Trò được in ở Bách Khoa thì tiểu thuyết là chính, thơ chỉ còn là tô điểm thêm…” (3)

Nhưng, có dễ trước sau thi ca vẫn là “cây bài chủ”, hay ngọn hải đăng tâm hồn họ Nguyễn. Nên khi bước qua văn xuôi, ngay tự những trang viết thứ nhất của tiểu thuyết “Vòng tay học trò”, bên cạnh sự hấp dẫn, lôi cuốn của cốt truyện chắt, chiết từ đời thật, tác giả vẫn có những đoạn tả cảnh, tình ắp đầy thi tính như:

“… Một tiếng chim hót lên đầu cành thông gần mái nhà. Trâm nhìn ra. Vòm trời xanh mênh mông in hình nét đồi cong thoai thoải, sáng rực nắng chiều. Một đám mây trắng sắp sửa nhô lên sau ngọn đồi thấp nhất. Hình ảnh của những buổi chiều yên tĩnh, cuộc đời cô quạnh, buồn lãng mạn và nên thơ thoáng qua trong trí Trâm. Nàng chợt vừa sợ vừa thích nỗi cô đơn hiện tại (…)

Trâm đứng lên mở rộng cánh cửa kính. Mùi thơm quen thuộc của cỏ khô và đất mới xới, lẫn với mùi dâu chín dưới thung lũng thoảng theo gió bay lên làm Trâm tự nhiên ấm áp trong lòng, tưởng như đang đời đời yên ổn sống trên đất quê hương…” (Trích VTHT, chương 1)(4)

Hoặc một đoạn khác, ở chương 2, tác giả ghi lại, những “cảm nhận” về cậu học trò tên Minh, nhân vật sẽ sớm trở thành người yêu của cô giáo Trâm (biến thân của chính tác giả):

“… Trâm giấu nụ cười trong bàn tay vừa đưa lên che môi. Bây giờ, bọn học trò chăm chú vào công việc, không nhìn lên nàng nữa. Trâm tự do, dễ chịu, tha hồ nhìn xuống, quan sát từng đứa để “trả thù” bị nhìn lúc mới vào. Vài đôi mắt nhìn ra cửa sổ. Trâm nghĩ, thế nào cũng có thông reo gió thổi. Có đôi mắt nhìn sững vào khoảng không hay trên vách tường trống trải. Có cặp mắt sáng rỡ nhìn lên như vừa bắt gặp một ý tưởng, một hình ảnh thần tiên nào đó đang chiếu vào khoảng tâm hồn u tối. Có cặp mặt đăm đăm nhìn xuống tờ giấy trắng như chờ mong những hàng chữ bỗng nhiên hiện hình theo phép lạ.

“Cuối cùng, Trâm nhìn xuống chỗ Minh ngồi. Cậu bé đang lơ đãng chống tay vào má nhìn lên phía nàng. Cây bút xoay tròn tinh nghịch trên mấy ngón tay trắng nhỏ. Nàng mỉm cười thật nhẹ như thầm nhắc, sao em không viết gì đi. Minh mỉm cười yên lặng. Nụ cười nửa đầm ấm bắt gặp vẻ quen thân trong xa lạ, nửa ngại ngùng bối rối muốn lẩn trốn, che dấu chính mình và những ý nghĩ mình trước đôi mắt dò xét và phán đoán của kẻ khác. Rồi đôi mắt Minh cúi xuống. Ngòi bút loay hoay trong tay, bây giờ bị cắn nhẹ giữa hai hàm răng đều và nhỏ. Minh vò một mẩu giấy nhỏ vứt xuống đất, giở trang giấy khác, nhưng không viết gì được. Trâm biết Minh muốn đứng lên, chạy bay ra khỏi phòng, chạy thật xa cái nhìn xoi mói của nàng. Nhưng Trâm cứ nhìn như kẻ đi săn nhìn con thú lúng túng tìm cách thoát thân khỏi cái bẫy của mình… (5)

Được biết “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng trước khi in thành sách, đã được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, Saigon, 1964. Ngay khi còn ở dạng truyện đăng nhiều kỳ, VTHT cũng đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ thời điểm đó. Nhưng mãi tới năm 1966, tiểu thuyết này mới được in ra. Và đó mới là thời điểm “cơn bão VTHT” đạt tới đỉnh điểm cao nhất của hân hoan đón nhận và, cùng lúc cực lực lên án.

Giải thích về sự chậm trễ này, trong cuộc phỏng vấn dành cho Mai Ninh, họ Nguyễn cho biết:

“Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.

“Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.

“Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy…” (6)

Trước đấy, cũng trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Tố Tâm, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nói:

“… Riêng về Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì…cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là…phải thản nhiên…” (7)

Tuy nhiên, trong một bài viết được phổ biến vào cuối năm 2012, tác giả loạt bài “Hồi Ức Một Đời Người”, Nguyễn Ngọc Chính, cũng là bạn thân với người học trò tên Minh (tức Mai Tiến Thành ngoài đời), đã ghi lại như sau: 

“… Tác giả (NTH) xác định một cách nửa vời về Vòng tay học trò: ‘… nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì…cũng chẳng phải là thế’. Như đã nói, những nhà văn nữ thường ‘tự thuật’ về cuộc đời mình và chính những kinh nghiệm bản thân khiến tác phẩm của họ dễ đi vào lòng người đọc. Dĩ nhiên việc ‘thêm mắm thêm muối’ còn tùy thuộc vào sự khéo léo của mỗi đầu bếp để có một món ăn ngon hay dở.

“Vòng tay học trò là câu chuyện có thật tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt giữa cô giáo đệ nhất cấp Nguyễn Thị Hoàng và cậu học sinh đệ nhị cấp Mai Tiến Thành. Tôi vốn là bạn học rất thân với Thành từ năm Đệ Ngũ trên Ban Mê Thuột nên biết rõ chuyện tình của Thành. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngoài đời thực có phần nào khác với Vòng tay học trò, đó là kỹ thuật ‘thêm mắm thêm muối’ của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Nói khác đi, phần hư cấu trong tiểu thuyết được giữ ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được.

“Hình như để giữ cho mối tình cô giáo-học trò thi vị hơn, tác giả đã để cho cuộc tình chấm dứt tại Sài Gòn và không đả động đến hậu quả của nó: một đứa con đã ra đời. Đứa bé được đặt tên Mai Quỳnh Chi, giao cho gia đình Thành nuôi nấng tại Ban Mê Thuột và ngày nay đã trở thành một thiếu nữ sống tại nước ngoài. Mai Tiến Thành đã trở thành người thiên cổ tại Hoa Kỳ và câu chuyện tình làm nên tác phẩm rồi cũng đi vào quên lãng…” (8)


Nguyễn Thị Hoàng, một biểu tượng “hồng nhan đa truân”?

Tôi nghĩ, dù đứng ở vị trí nào, văn học hay xã hội, đời thường hay đạo lý, khó ai có thể phủ nhận Nguyễn Thị Hoàng là một trong vài nhà văn nữ thực sự tài hoa của 20 năm VHNT miền Nam.

nguyenthihoang_03-content
Nguyễn Thị Hoàng, năm 2007 (Ảnh của Thái Kim Lan-chinhhoiuc blogspot.com))
 

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ thấy bà trong vòng phấn của cuốn truyện “Vòng Tay Học Trò” (VTHT), vốn được nhìn như một thứ bán hồi ký và, nhan sắc trời cho của bà, tôi cho là chúng ta đã không công bình với họ Nguyễn. Bởi vì, ngoài VTHT, Nguyễn Thị Hoàng còn có những sáng tác khác, cũng được nhiều người ưa thích, như “Về trong sương mù”, “Tuổi Saigon”, hoặc “Tiếng chuông gọi người tình trở về”…

Đó là một phần trong số lượng hàng chục tiểu thuyết mà bà đã viết được, trong một khoảng thời gian rất ngắn. Giải thích về sự “mắn đẻ” này, bà kể với nhà báo Tố Tâm rằng:

“… Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những ‘đơn đặt hàng’. Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng một lúc…rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ, làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô héo đi…” (9)

Cũng trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Tố Tâm ở VN, Tác giả “Tiếng chuông gọi người tình trở về” đã tiết lộ phần nào đặc tính hay nét riêng thuộc cõi-giới tiểu thuyết của mình, như sau:

“… Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời…rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả…” (10)

Mặc dù là một nhà văn nữ có số bán cao nhất ở thị trường tiểu thuyết miền Nam trước đây (vì truyện của họ Nguyễn đáp ứng được những đòi hỏi, chờ đợi của giới trẻ, cũng như tâm lý nữ giới…?) - - Nhưng bà cũng bị một số người cho rằng càng về sau, khuynh hướng văn chương của bà càng mang tính “điệu đà”, có phần hơi nhiều… son, phấn.

Tiêu biểu hàng ngũ có cái nhìn tiêu cực ấy, người ta thường nhắc tới ghi nhận của nhà văn Nguyễn Ngọc Chính:

“… Có thể nói, văn phong của Nguyễn Thị Hoàng cũng tựa như của Mai Thảo: rất ‘điệu đà’, rất ‘bay bướm’ và rất ‘làm dáng’… đến độ nhiều khi trở thành sáo rỗng. Chẳng hạn như trong Người yêu của Đấng Trời, một tiểu thuyết đã được viết từ hơn một chục năm nay nhưng chưa hề xuất bản. Hợp Lưu trích đăng một chương có những đoạn viết:

‘‘ ‘Tất cả đều in bóng lên nền xanh bát ngát của lòng trời, và những đôi mắt linh hồn mãi mãi tìm nhau, vẫn dồn trút niềm yêu và nỗi đau trong cái nhìn đáy thẳm tuyệt vời của im lặng và bóng tối.’’

‘‘ ‘Khoác lên trái tim chưa yêu của Chúa một vầng hoa nguyệt quế nghìn thu. Và trái tim nào đã yêu đến tan nát cả chân như thể tánh mình, hãy lấy búa kim cương đóng lên một chiếc đinh vàng, để dưới bóng Chúa lung linh nến hồng thuở trước, trên tình yêu không bao giờ có thực của chúng ta, một giọt máu trường sinh nhỏ xuống’.’’ (11)

Ở lãnh vực văn chương, nếu tác giả VTHT được dư luận theo dõi sát sao bao nhiêu thì ở lãnh vực tình trường của Nguyễn Thị Hoàng cũng được dư luận đề cập tới và, cũng không kém phần chi tiết.

Cụ thể như một “scandal” từng gây chấn động thành phố Nha Trang, khi nhà văn Nguyễn Thị Hoàng theo gia đình di chuyển về thành phố này năm 1957. (12) “Scandal” đó, nổ ra trước câu chuyện tình của bà và người học trò tên Mai Tiến Thành, đã được bà ghi lại một phần trong truyện VTHT.

Sự việc sau đó, cũng đã được bà thẳng thắn xác nhận qua đoạn văn dưới đây:

“… Trước khi lên Đà Lạt dậy học, gia đình Nguyễn Thị Hoàng sống tại Nha Trang. Những năm theo học tại trường Võ Tánh, Nguyễn Thị Hoàng dính vào một scandal một thời là đề tài nóng bỏng tại thành phố biển.

“Cô nữ sinh dan díu và có thai với ông Cung Giũ Nguyên, giáo sư Pháp văn, hơn Nguyễn Thị Hoàng gần ba mươi tuổi. (13) Biến cố đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm giữa hai gia đình với lời thú nhận can đảm của người trong cuộc:

“ ‘Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy!’

“Đứa con gái sinh ra được đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng (tên gọi của ông Nguyên và bà Hoàng ghép lại) và được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11/2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát nhang đi trước linh vị…” (14)

*

Hôm nay, nhìn lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn tài hoa Nguyễn Thị Hoàng, không ít người đã có cùng một kết luận, đại ý, phải chăng, định mệnh của tác giả “Vòng Tay Học Trò” tiêu biểu cho những trường hợp mà chúng ta quen gọi là “hồng nhan đa truân”?

Du Tử Lê,

(Calif. Mar. 27 – 2014)

_______

Chú thích:

(1) Nđd. Về nhan đề của tập thơ thứ hai, theo tư liệu của nhà văn Nguyễn Ngọc Chính thì lại có tên là “Sau phút đam mê”.
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8) Nđd.
(9) Theo trang mạng Wikipedia-Mở sau truyện VTHT, xuất bản năm 1966, thì chỉ trong vòng 4 năm (từ 1967 tới 1970), nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã có tới 12 tác phẩm được xuất bản.

(10) Tố Tâm, Nđd.

(11) Nguyễn Ngọc Chính, Nđd.

(12) Tư liệu của Wikipedia - Tiếng Việt ghi rằng, “Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11 tháng 12 năm 1939 tại Huế. Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang rồi đến năm 1960 bà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật nhưng bà bỏ ngang, không học hết mà lên Đà Lạt dạy học. Đến năm 1966, bà chuyển sang chuyên tâm viết tiểu thuyết…”

(13) “Cung Giũ Nguyên (28 tháng 4 năm 1909 – 7 tháng 11 năm 2008) là một nhà văn, nhà báo Việt Nam, gốc Hoa, được biết đến với những tác phẩm tiếng Pháp. Về mặt văn chương, tên tuổi ông được ít người Việt biết đến vì các tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên về mặt hoạt động xã hội, ông là một huynh trưởng nổi bật thuộc thế hệ sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt Nam. Cuối đời, ông cư ngụ tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và mất tại đây”. (Wikipedia – Tiếng Việt).

(14) Nguyễn Ngọc Chính, Nđd.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 20796)
Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt…Trần.
(Xem: 15754)
Đề cập tới sự nghiệp âm nhạc giá trị của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nếu chỉ nói tới khía cạnh thơ phổ nhạc (dù cho ông được ghi nhận như một thiên tài) mà không đề cập tới những lãnh vực khác, tôi cho là một thiếu sót không thể tha thứ.
(Xem: 17422)
Tuy nhiên, thế hệ 1940-1950, cũng lại là thế hệ cung cấp cho văn chương miền Nam 20 năm, những bài thơ, những trang
(Xem: 10105)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 18549)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 4969)
Tôi mượn câu thơ kết trong bài 'Đêm, nhớ trăng Sài Gòn' của Du Tử Lê để làm tựa cho bài viết này, bài viết về ông: Du Tử Lê - một nhà thơ có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn chương Việt Nam.
(Xem: 1723)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 2207)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 2117)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 23436)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 19950)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 8753)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 9768)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 9188)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 12156)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 31679)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 21471)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 26460)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 23902)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 22692)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 20799)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18895)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 20045)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 17634)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16752)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 25715)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 33047)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 35549)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,