Võ Phiến là một trong những nhà văn hàng đầu của 20 năm VHNT miền Nam, giai đoạn 1954-1975. Giai đoạn sự nghiệp văn chương của ông đạt tới đỉnh cao nhất là thập niên 1960s, khi ông di chuyển từ miền Trung vào Saigon. Đó là thời gian ông xuất bản những tác phẩm được nhiều người biết tới, như: “Đêm Xuân Trăng Sáng”, “Giã Từ”, “Thương Hoài Ngàn Năm”, hay “Thư Nhà’, “Đàn ông”, “Ảo ảnh”, Phù Thế v.v…
Trong một tiểu luận của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, ở hải ngoại, trước khi đề cập tới văn nghiệp của nhà văn Võ Phiến, thuộc thập niên 1960s, họ Nguyễn viết:
“… Miền nam vĩ tuyến thứ 17 sau 1954 vốn quen với hai luồng văn học từ hai thủ đô văn nghệ, một mới, Sài Gòn và một cũ, Hà Nội, đã ngạc nhiên đón nhận một nhà văn từ miền Trung là miền đến lúc ấy vẫn nổi tiếng về thơ hơn là văn: nhà văn Võ Phiến gây chú ý ngay từ những tập truyện ngắn đầu tay xuất bản ở Qui Nhơn vào đầu nửa cuối thập niên 1950: Chữ Tình xuất bản năm 1956 và Người Tù một năm sau đó. Lúc đó ông cộng tác thường xuyên với tạp chí văn chương Mùa Lúa Mới ở Huế và gửi bài đăng trên Bách Khoa và Sáng Tạo ở Sài Gòn. Hai tập truyện ngắn Chữ Tình và Người Tù ra đời hợp không khí chính trị những năm đầu của nền đệ nhất cộng hòa, về văn chương không có mới lạ, có thể nói bình thường, hơi quê, văn theo tiêu chuẩn chung, chưa đặc sắc…” (Wikipedia – Mở).
Vẫn theo nhận định của Nguyễn Vy Khanh thì phải:
“… Đến Đêm Xuân Trăng Sáng, xuất bản năm 1961, tập truyện ngắn đồ sộ về số trang (370 trang, sau tách thành hai cuốn ĐXTS và Về Một Xóm Quê khi tái bản), Võ Phiến được người đọc nhìn như một tác giả điêu luyện, có tính chất "thời đại" với những phân tích tâm hồn và quan sát con người rất tinh tế. Nhân vật của ông thêm sức mạnh và "bản lĩnh"! Đêm Xuân Trăng Sáng gồm 8 truyện ngắn Lẽ Sống, Tâm Hồn, Anh Em, Đêm Xuân Trăng Sáng, Thị Thành, Thác Đổ Sau Nhà, Về Một Xóm Quê, Tuổi Thơ Đã Mất đến với người đọc như một đảm bảo văn tài của tác giả Võ Phiến. Nhìn chung, qua các truyện ngắn này, Võ Phiến chứng tỏ tài quan sát và phân tích tâm lý con người, tận cùng sâu thẳm của con người, tài xây dựng nhân vật vừa điển hình vừa đặc thù. Các nhân vật sống động với bề mặt diện mạo cử chỉ và bề sâu tâm tình xúc tích. Họ là những người dân quê, là những ông phó lý, chủ tịch Liên Việt, những quân nhân hay ông tướng Hùng Sơn hoang đường…” (1)
Đó cũng là thời gian giới văn nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam, hiện diện một cách lấn lướt, ồn ào ở hầu hết mọi sinh hoạt VHNT: Từ báo chí tới thơ, văn, âm nhạc, phát thanh, hội họa, kịch nghệ…
Do đấy, tôi không biết vì lý do tế nhị, hay bắt nguồn từ một nguyên nhân nào khác, một số nhà văn có ảnh hưởng lớn thời đó, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Trần Phong Giao… đã đồng tình chọn nhà văn Võ Phiến, như một tài năng văn xuôi, đại diện cho những cây bút miền Trung. Và, nhà văn Bình Nguyên Lộc là ngọn cờ đầu của văn xuôi miền Nam…
Sinh thời, cố thi sĩ Nguyên Sa cũng biểu đồng tình với chọn lựa vừa kể, khi ông nhấn mạnh, đó là chọn lựa mang tính “quần bình ba miền đất nước”. Hoặc dí dỏm hơn khi ông dùng cụm từ “nhu cầu cân bằng sinh thái”.
Theo tôi thì, nhà văn Võ Phiến không phải là người tạo được văn phong (style) riêng, mới như Mai Thảo. Khi Mai Thảo là người khởi đầu cách biến những động tự, tính tự, trạng tự, giới tự, thậm chí liên tự... thành danh từ, làm chủ từ cho một mệnh đề.
Thí dụ, ngay từ truyện ngắn đầu tay, tựa đề “Đêm giã từ Hà Nội”, viết năm 1954, phổ biến năm 1955, nhà văn Mai Thảo đã ra khỏi truyện ông bằng câu:
“... Bóng Phượng, bóng Thu nhạt nhòa dần. Rồi mất hẳn.”
Về phương diện ngữ pháp, “rồi” là trạng tự. Trước ông, chưa một nhà văn nào dùng trạng tự làm chủ từ cho một câu văn.
Cũng ở truyện ngắn vừa kể, Mai Thảo đã vào truyện bằng hai mệnh đề độc lập mang tính ẩn dụ khá dữ dội là:
“Phượng nhìn xuống vực thẳm.
“Hà Nội dưới ấy.” (2)
Lại nữa, với trích đoạn sau đây từ truyện ngắn “Những tấm hình của chị Thời”, Mai Thảo còn đi xa hơn trong nỗ lực tạo một văn phong riêng cho mình, khi câu văn của ông, đôi khi chỉ có vài ba chữ… Văn phong này trước ông, người ta chỉ thấy trong thi ca chứ ít thấy xuất hiện trong văn xuôi:
“Và bây giờ là một đường phố xa lạ, chẳng có bướm vàng chẳng có bạn cũ. Những chùm hoa phượng đỏ chói của tuổi nhỏ bông hoa đã nở. Đã rụng. Một năm học mới bắt đầu. Một năm học phường phố đầy vẻ xa lạ thù nghịch. Thù nghịch ngay từ căn phố Nhị vừa đặt chân tới. Thù nghịch ngay từ ngôi nhà ở đó những ngày trọ học của Nhị đã bắt đầu với Nhị bằng cái cảm giác rùng rợn của một kiếp lưu đày.”
Cách viết của Mai Thảo, sau đấy được nhiều người áp dụng. Hiện nay, nó đã trở thành bình thường, quen thuộc đến độ không còn ai bận tâm, thắc mắc về người khởi xướng!
Theo tôi, nhà văn Võ Phiến cũng không tiêu biểu như Bình Nguyên Lộc, người thủy chung chủ tâm chọn ăn ở ngôn ngữ Nam bộ.
Võ Phiến không cho thấy chủ tâm văn chương hóa những ngôn ngữ đặc thù của miền Trung. Chưa kể, khi di chuyển vào Saigon, ngôn ngữ địa phương ít ỏi, trong văn chương Võ Phiến đã rơi, rụng, dần.
Vẫn theo tôi, tác giả “Thác đổ sau hè” cũng không bận tâm nhiều về những vấn đề mang tính triết lý, như sự phi lý của kiếp người hoặc, những vấn nạn thuộc về siêu hình, như vấn đề phải chăng thượng đế đã chết? Ông cũng không dễ dãi buông mình trôi theo những trào lưu văn chương, có tính cách thời thượng như hiện sinh, hay phong trào văn chương mới…
Tuy nhiên, với biệt tài quan sát, phân tích tới chi ly, tỉ mỉ mọi sự kiện, kể cả những sự kiện nhỏ bé nhất, một khi lọt đã vào tầm nhắm của Võ Phiến, thì chúng được ông cho chúng một chiếc áo khác. Một linh hồn khác... Phải chăng vì thế, ông đã được phong tặng danh hiệu: Người có khả năng “chẻ sợi tóc làm tư”.
Về điểm này, nhà văn Nguyễn Vy Khanh, khi viết về giai đoạn mà, sự nghiệp văn chương của Võ Phiến nở rộ nhất, ở thập niên 1960s, cũng ghi nhận nhau sau:
“... Võ Phiến, một cây viết mới và ‘khác’, ông chẻ sợi tóc làm tư, viết những chuyện như ‘cái chạy loanh quanh của một con kiến vàng trên cái tay đầy những sợi lông măng của nàng’, hay truyện một anh cán bộ bị ‘phục viên’ vì sốt rét ngã nước. Nằm một chỗ tình cờ anh nhìn thấy một hạt thóc vương vãi đã nẩy mầm và cái lá non nhỏ đã nhú đang bay phe phẩy. Trong truyện Băn Khoăn, con người kháng chiến cũ ngồi ôn lại ‘quãng đời đầy buồn thảm, gớm ghiếc’ vừa qua đó của mình. Nơi kháng chiến, những cán bộ ở rừng như Lung (MĐCN) đạo đức khả nghi, đời sống sinh lý quá phóng túng, bất thường. Thác Đổ Sau Nhà là một kết cuộc tự nhiên của Hạnh bỏ chồng vì anh đã bị vong thân chỉ nghĩ đến lợi dụng! Đêm Xuân Trăng Sáng là một tập truyện ngắn đúng nghĩa, xúc tích về bề dày, về nghệ thuật viết của tác giả. Cái tinh tế từ ba tập truyện đã xuất bản nay thành cay chua tàn nhẫn hơn...” (3)
Tâm-bút Võ Phiến, qua “Bắt trẻ đồng xanh”.
Với tôi, ngoài nỗ lực đẩy dòng văn chương tiền chiến đi tới cùng đường của nó ở hai khía cạnh: Rọi lớn và đi thấu tới phía khuất lấp của những sự kiện đặc thù, tiêu biểu cho sinh hoạt xã hội thuộc đời đại của mình, và đào sâu khía cạnh tâm lý nhân vật… thì, Võ Phiến là một trong vài nhà văn lớn của miền Nam, giai đoạn 1954-1975, khi ông quyết liệt nêu cao lý tưởng dùng văn chương, tranh đấu cho những quyền làm người căn bản, như quyền: Tự do tư tưởng. Tự do tín ngưỡng. Tự do yêu thương. Duy trì nền móng gia đình…Vốn là những quyền tự do căn bản mà chủ nghĩa Cộng Sản chẳng những phủ nhận mà, còn thẳng tay xóa bỏ.
Để có một cái nhìn mang tính phác họa toàn cảnh, sinh hoạt 20 năm văn chương miền Nam, trong giai đoạn vừa kể, tôi trộm nghĩ, ở thời điểm đó, sinh hoạt văn học miền Nam có thể tạm chia thành 3 khuynh hướng chính, sau đây:
- Khuynh hướng thứ nhất, là khuynh hướng nỗ lực đi tìm cái mới cho văn chương, đứng ngoài mọi biến động xã hội, lịch sử. Khuynh hướng này được nhiều nhà văn miền Nam thời đó, hưởng ứng, xiển dương. Như thể đó là nhiệm vụ hoặc vai trò cao cả mà nhà văn, sau giai đoạn văn chương tiền chiến, được “vinh hạnh” nhận lãnh.
-Khuynh hướng thứ hai, là khuynh hướng “nhập cuộc”. Khuynh hướng này chẻ thành hai nhánh.
- Nhánh “nhập cuộc” thứ nhất, chủ trương lên án chế độ miền Nam. Được gọi vắn tắt là “phản chiến”hay, “thiên tả”. Đặc điểm của khuynh hướng này là tuy lên án chiến tranh, nhưng chỉ “kết tội” chế độ miền Nam mà, không nhắc nhở gì tới “tội trạng” quyết tâm “giải phóng” miền Nam do chính quyền CS Hà Nội chủ trương.
Sự thực, theo tôi, khuynh hướng này giống như một phong trào, tạo thành bởi những văn nghệ sĩ tự cho mình là thành phần trí thức, hay bị mặc cảm thuộc thành phần… kém trí thức… Nên đã hăng say tự khoác cho mình chiếc áo “thiên tả”, hầu có được nhãn hiệu “trí thức cấp tiến”! Đó là một món hàng tinh thần, mang tính “thời thượng” rất “ăn khách” thuở đó, ở nhiều nơi trên thế giới.
- Nhánh “nhập cuộc” thứ hai, minh thị quan điểm ca ngợi những hy sinh xương máu của người lính VNCH, trong nhiệm vụ bảo vệ tự do cho miền Nam.
Là nhà văn nặng lòng với tương lai đất nước, dân tộc, nhà văn Võ Phiến không rơi vào một trong ba xu hướng văn chương mang tính thời thượng đó.
Ông tách khỏi những dòng cuốn bất cập kể trên. Ông trở thành nhà văn gần như một mình, đi trên con đường lý tưởng của mình. Giá trị những tác phẩm Võ Phiến viết ra trong giai đoạn này, hoàn toàn đứng trên phương diện ý thức hệ, chứ không phải là những phản ứng thụ động hay, những tranh đấu có tính cách…ngoài da, xức thuốc đỏ!
Do đấy, tôi không chút ngạc nhiên, khi người CS miền Bắc đã đánh giá Võ Phiến như một “biệt kích văn nghệ” nguy hiểm hàng đầu!
Mặc dù không phải là nhà văn duy nhất chủ trương tranh đấu (bằng ngòi bút) chống lại lý thuyết, đường lối của chế độ cộng sản, vì cùng thời với ông, cũng có một vài nhà văn tố cáo, lên án chủ trương giới hạn mọi quyền sống căn bản của con người. Nhưng hầu hết họ biểu thị quan điểm của mình bằng những ẩn dụ, đôi khi rất khó nhận ra với những người đọc ít chú ý.
Phần Võ Phiến, ngược lại. Với tôi, ông là một trong rất ít nhà văn, công khai quyết liệt chống trả chủ trương triệt tiêu quyền làm người của chủ nghĩa cộng sản. (4) Ông cũng là người gần như duy nhất, minh danh tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước những âm mưu “trồng người” tinh vi của chế độ CS Hà Nội, qua tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh”.
“Bắt trẻ đồng xanh” của Võ Phiến, không phải là một truyện ngắn hay tùy bút. Nó là một tiểu luận. Phần riêng, tôi muốn gọi đó là Tâm-bút Võ Phiến. Bởi vì đó là một tiểu luận đầm đìa xót xa của một nhà văn, thấy trước bi kịch, phân tích từng chi tiết để dẫn tới cảnh báo nghiêm trọng về tương lai của cả một dân tộc.
Tôi nghĩ, đó là tâm-thái của một nhà văn trước những thảm trạng dân tộc, tổ quốc của ông ta.
Tâm-bút “Bắt trẻ đồng xanh” được Võ Phiến viết vào tháng 10 năm 1968. Đó là thời gian thế giới bắt đầu bàn luận sôi nổi về một cuộc ngưng chiến tại Việt Nam. Ông dùng sự kiện thời sự này để làm một cuộc “rọi đèn” chói gắt nhất vào những mảng khuất lấp của những âm mưu, thủ đoạn của người CS, trong quyết tâm thôn tính miền Nam. Mà, người đóng cùng một hai vai: Đạo diễn và diễn viên, chính là ông Hồ Chí Minh, ngay tự những năm 1954, khi hiệp định Geneva, chia đôi Việt Nam, được khi kết:
Mở vào Tâm-bút của mình, Võ Phiến viết:
“Trong bao nhiêu năm trời, chúng ta đã quen với nếp sống chiến tranh đến nỗi hòa bình làm chúng ta bối rối. Nhưng thiết tưởng ngưng chiến không đáng làm chúng ta bận tâm đến thế. Chiến tranh này sắp kết thúc, bằng cách này hay cách khác, hoặc sớm hơn một ít hoặc chậm hơn một ít. Chuyện phải đến rồi sẽ đến, nó xảy đến ra sao dường như cũng đã được trù liệu.” (5)
Với bản lĩnh điềm tĩnh tới lạnh lùng (đôi khi mỉa mai, cay nghiệt) tác giả chỉ ra cho độc giả thấy những ngây thơ, thiển cận của giới lãnh đạo, hoặc những người làm chính trị ở miền Nam, nói riêng, phe tự do nói chung, tác giả viết tiếp:
“Cái đáng bận tâm là những điều tiếp theo cuộc ngưng chiến ấy.
“- Thì các vị lãnh đạo của chúng ta đã tiên liệu rồi: đấu tranh chính trị chứ gì? kinh tế hậu chiến chứ gì?
“Đấu tranh chính trị, nó hiển nhiên quá, nó sờ sờ ra đấy, tưởng như rờ mó được. Nói rằng trong giai đoạn tới ta với cộng sản phải đấu tranh chính trị với nhau, nói thế gần như không phải là tiên liệu gì ráo. Đó là đối phó. Chuyện ấy đến ngay trước mắt rồi, ta buộc lòng phải đối phó tức khắc, thế thôi.
“Nhưng nói thế còn là khá. Hầu hết mọi người chỉ chăm vào những cái gần hơn nữa: hàng mấy trăm ký giả mỗi tuần bu đến phòng họp báo của các phái đoàn Hoa Kỳ và Bắc Việt để ghi lấy dăm ba câu tuyên bố loanh quanh, các bình luận gia khét tiếng của báo này báo kia, đài này đài nọ bóp trán suy đoán xem lúc nào thì ngưng oanh tạc dưới vĩ tuyến 19 v.v… Thiên hạ theo dõi ý kiến của họ…”
Trong khi đó, đâu là đường lối hay chiến lược của người CS? Trả lời câu hỏi quan trọng này, tác giả “Bắt trẻ đồng xanh” cảnh giác:
“Trong lúc ấy nhóm lãnh đạo ở Hà Nội lặng lẽ lo liệu công việc mai sau: tức một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh quân sự hẳn hòi. Và họ tiến hành thực hiện chuẩn bị, ngoài sự chú ý của dư luận: các bình luận gia có tiếng, khét hay không khét, gần như không mảy may quan tâm đến chuyện ấy.
“Thế mà đó mới là chuyện đáng quan tâm. Thiết tưởng là chuyện đáng quan tâm hơn cả vào lúc này. Bởi vì nếu ta mù tịt về ý định của đối phương trong tương lai thì trong cuộc đối thoại thương thuyết với họ hiện thời ta làm sao biết đặt ra những điều kiện cần thiết?
“Cuộc bắn giết sắp tới giữa Miền Nam và Miền Bắc đã được cộng sản xếp đặt từ lúc này, cũng như cuộc bắn giết thê thảm mười năm qua được họ xếp đặt từ trước tháng 7-1954, trước ngày đình chiến theo hiệp định Genève…” (6)
Ý thức hệ và tính nhân bản trong đời văn Võ Phiến (Kỳ cuối - 03)
Khởi đi từ một sự kiện thời sự nóng bỏng, với một số ghi nhận vắn tắt, tác giả “Bắt trẻ đồng xanh” đã phác họa được toàn cảnh sự khác biệt mang tính quyết định sự tồn vong của hai miền Nam/ Bắc. Sau đó, ông mới đi ngược dòng lịch sử, một cách chi tiết hơn, vạch trần những âm mưu thâm hiểm của nhà nước CS Hà Nội, ngay khi hiệp định Geneva còn chưa ráo mực. Trong những phân tích sâu sắc và rất tâm lý của nhà văn Võ Phiến thuở đó, có một chi tiết dường như chính quyền quốc gia không mấy quan tâm, hay chưa từng lên tiếng đề cao cảnh giác(?) Đó là sự kiện những đứa trẻ được sinh ra bởi những “đám cưới cấp tốc” giữa những cán bộ tập kết ra Bắc và, những cô dâu ở lại miền Nam. Lớp trẻ này mai kia, khi trưởng thành, sẽ là một “đạo quân” lớn, làm nòng cốt cho những trận chiến khác. Những trận chiến sau hiệp định Geneva...
Ở chiến dịch “Bắt trẻ đồng xanh” lần thứ nhất này, Võ Phiến viết:
“… Cuộc chiến này xuất hiện ngay từ những cuộc liên hoan chia tay giữa kẻ ở người đi trong thời hạn 300 ngày tập kết, những cuộc liên hoan có hát có múa, có bánh trái tiệc tùng… Nó xuất hiện ngay từ những đám cưới vội vã sau ngày đình chiến, những đám cưới lắm khi tổ chức tập thể, do trưởng cơ quan, trưởng đơn vị chủ tọa. Nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này không phải là những kẻ ngã gục vào 1958, 1959, mà là những cô gái tức khắc biến thành góa bụa từ 1954.
“Dân chúng Miền Nam ai nấy đều biết những bận rộn tới tấp, những công việc bề bộn ngổn ngang mà nhà cầm quyền cộng sản hồi ấy phải làm cho kịp trước khi rút ra Bắc. Trong hoàn cảnh rộn ràng bấy giờ, nếu không vì lý do quan trọng, chắc chắc đảng và nhà nước cộng sản hồi ấy không đến nỗi quá sốt sắng lo cưới vợ cho cán binh như thế. Chắc chắn. Dù tìm trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào của bất cứ dân tộc nào, cũng hiếm thấy một trường hợp chính phủ lo vợ cho quan binh túi bụi đến chừng ấy…” (7)
Tới đây, hẳn bạn đọc đã liên tưởng ngay tới những đứa con được sinh ra bởi hằng ngàn phụ nữ thôn quê miền Nam, khi họ vô tình trở thành “con tin” hay “quân cờ” trong tay chế độ CS miền Bắc; vì những ràng buộc tình cảm mặc nhiên giữa họ và những người chồng, cha của những đứa con, bao năm tháng không gặp mặt.
Ở đoạn văn trước đó, tác giả đã phân tích sâu sắc tình cảnh éo le đó, như sau:
“… Ngay từ đầu, tình cảm của những người này đã hướng về Bắc, theo bóng kẻ thân yêu. Thái độ và hoàn cảnh éo le của họ khiến nhà chức trách địa phương lo ngại, đề phòng. Do đó, họ thành một khối người dần dần sống cách biệt, nếu không là đối lập với chính quyền miền Nam. Một vài trường hợp đối xử vụng về bị khai thác, một vài sự hiểu lầm bị xuyên tạc: thế là mâu thuẫn giữa hai bên trở thành trầm trọng. Rồi một ngày kia, chuyện được tính trước sẽ xảy ra. Xin thử tưởng tượng: gia đình có đứa con hay người chồng ra Bắc năm 1954, hai năm sau, một đêm nào đó, có kẻ lạ mặt lẻn vào nhà, lén lút trao cho xem một lá thư và một tấm hình mới nhất của con hay của chồng từ Bắc mang vào, gia đình nọ làm sao nỡ tố giác kẻ lạ mặt, dù biết họ đang gây loạn. Đã không tố giác được, tất phải che giấu, nuôi dưỡng mối liên lạc. Từ việc này đến việc khác, gia đình nọ dần dần đi sâu vào sự cộng tác với tổ chức bí mật của đối phương, chịu mệnh lệnh của họ, rốt cuộc gia nhập hẳn vào hàng ngũ của họ…” (8)
Giai đoạn hai, chiến dịch “Bắt trẻ đồng xanh” được Võ Phiến ghi nhận một cách chua chát rằng:
“… Cũng như hiện nay, trong giai đoạn ác liệt sau cùng của chiến cuộc tại miền Nam này, nếu không vì lý do quan trọng, đảng và nhà nước cộng sản nhất định không bao giờ khổ công gom góp thiếu nhi ở đây đưa ra Bắc, trải qua bao nhiêu gian nan khó nhọc, trong những điều kiện di chuyển nguy hiểm đến nỗi cả các binh sĩ khỏe mạnh của họ cũng phải hao mòn suy kiệt dọc đường.
“Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, không phải cộng sản họ nhằm làm nhẹ một gánh nặng nuôi dưỡng, giúp các ông tổng trưởng Kinh tế hoặc Xã hội của chúng ta. Mọi người đều rõ, tại Bắc Việt và Trung Cộng, người ta tiết giảm sinh sản rất gắt gao: họ hạn chế hôn nhân, hạn chế luyến ái.
“Đưa thiếu nhi Miền Nam ra Bắc, cũng không phải cộng sản họ nhằm giúp ông tổng trưởng Giáo dục của chúng ta một tay để giải quyết nạn thiếu trường ở trong này.
“Trong giới quan sát nhiều kẻ bảo rằng Bắc Việt kiệt quệ rồi, không đủ sức kéo dài chiến tranh nữa, họ bối rối lắm, luống cuống lắm. Dù không tin vào nhận định ấy, ít ra cũng phải chịu rằng lúc này họ bận trăm công nghìn việc, nếu chuyện bắt trẻ Miền Nam không có một tầm quan trọng đặc biệt thì họ không hơi đâu nghĩ đến. Đàng này họ đang ra sức thực hiện một kế hoạch bắt trẻ qui mô trên một phạm vi hết sức rộng lớn: đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.
“Họ bổ sung quân số đó chăng? - Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy…” (9)
Với tâm lượng của một nhà văn đau đáu xót xa trước thảm họa của tuổi thơ miền Nam, trước khi ra khỏi những trang tâm-bút của mình, Võ Phiến viết:
“… Hỡi các em bé của đồng bằng Nam Việt xanh ngát bị bắt đưa đi, từng hàng từng lớp nối nhau dìu nhau ra núi rừng Việt Bắc! Riêng về phần mình, các em đã chịu côi cút ngay từ lúc này; còn đất nước thì sẽ vì những chuyến ra đi của các em mà lâm vào cảnh đau thương bất tận. Tai họa hiện xảy đến cho các em cũng là tai họa về sau cho xứ sở. Đã sáu tháng qua rồi. Dù người ta có thôi dài cổ ngóng về Ba-lê, để nghĩ cách cứu các em, thì cũng đã muộn.
“Nhưng đâu có ai chịu thôi ngóng chờ? Và trong không khí thấp thỏm chờ đợi hòa bình, ngày ngày báo chí chỉ những rập rình từng thoáng tin ngưng oanh tạc, tôi hướng về các em những ý nghĩ vô cùng buồn thảm, đen tối.” (10)
Tôi nghĩ, chỉ với một tâm-bút này thôi, chưa kể bao nhiều tác phẩm giá trị khác, nhà văn Võ Phiến là ngọn cờ đầu của văn học miền Nam, về phương diện ý thức hệ và tính nhân bản. (11)
Một cách công bình, ngay thẳng, dù chính kiến có khác, tôi nghĩ, khó ai có thể phủ nhận tấm lòng, tâm hồn nồng nàn tình yêu dân tộc, đất nước của ông.
Đó chính là điểm lớn của cõi văn xuôi Võ Phiến vậy.
Du Tử Lê,
(Garden Grove, Sept. 2014)
______
Chú thích:
(1) (3) Nđd.
(2) Nhà văn Trần Thanh Hiệp (hiện cư ngụ tại Pháp) hơn một lần kể rằng, truyện ngắn đầu tay “Đêm gĩa từ Hà Nội” của Mai Thảo gửi cho báo Người Việt, Saigon, 1955 (Tiền thân của tờ Lửa Việt, tiếng nói của Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh miền Bắc Di Cư mà họ Trần là Chủ Tịch) - - Thanh Tâm Tuyền là người mở đọc trước nhất, khen hay và cho đăng ngay, với lời nhắn mời Mai Thảo ghé thăm tòa soạn…Khởi từ đó, sau này, Mai Thảo trở thành thành viên của nhóm Sáng Tạo và ông được giao trách nhiệm trông nom tạp chí Sáng Tạo.
(4) Có thể kể nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với tác phẩm “Đem tâm tình viết lịch sử”…
(5), (6) Nđd.
(7), (8), (9), (10) Nđd.
(11) Theo trang mạng Wikipedia-mở thì: Nhà văn Võ Phiến, tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày 30 tháng 10 năm 1925 tại Bình Định. Khởi đầu, ông học tại Qui Nhơn rồi Huế. Năm 1944 ông được học giả Đào Duy Anh đưa ra Hà Nội nuôi ăn học. Năm 1945, trở về Bình Định để thi hành nghĩa vụ thanh niên trong đơn vị tuyên truyền xung phong. Năm 1946, ông lại trở ra nhà cụ Đào, rồi lại trở về Bình Định, dạy các lớp bình dân học vụ và làm việc trong ngành thuế quan. Ông gặp bà Viễn Phố, nên duyên vợ chồng năm 1948. Vì chống đối chủ thuyết cộng sản, nên bị bắt ngày 17-10-1952. Tòa án liên khu V xử 5 năm tù, giam tại Phú Nhiêu. Nhờ hiệp định Genève, ông được phóng thích vào tháng 9-1954. Từ đó, ông giữ nhiều vai trò khác nhau trong Nha thông tin Trung Phần, rồi Bộ Thông Tin, Saigon, vào cuối năm 1959. Ông làm việc tại đây cho tới ngày 22 tháng 4 năm 1975 thì đưa gia đình đi tản qua Hoa Kỳ. Võ Phiến hiện cư ngụ tại miền Nam California.