Ca khúc Trần Dạ Từ, một bất-ngờ-hạnh-phúc

13 Tháng Mười 20222:44 CH(Xem: 615)
Ca khúc Trần Dạ Từ, một bất-ngờ-hạnh-phúc

 

Trong sinh hoạt thi ca 20 năm miền Nam (1954-1975) những đóng góp của nhà thơ Trần Dạ Từ ở lãnh vực này, đã được khẳng định rất sớm.

Trước 1975, thi tập đầu tiên của Trần Dạ Từ là Tỏ Tình Trong Đêm xuất bản năm 1966 tại Sài gòn, gồm những bài thơ về chiến tranh. Ngay từ cuối thập niên 60, nhiều bài trong tập thơ thời chiến này nhanh chóng được chọn dịch sang Anh ngữ, phổ biến và có ảnh hưởng tại Hoa Kỳ (1). Riêng tại Việt Nam, thi tập Thủa Làm Thơ Yêu Em, gồm những bài thơ tình đầu của Trần Dạ Từ, xuất bản năm 1970, được trao tặng Giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1971.

TranDaTu-_2010_100-content-content


Đóng góp lớn lao của tác giả Tỏ Tình Trong Đêm ở lãnh vực thi ca, không dừng lại sau biến cố Tháng Tư, 1975. Mà, sau hơn 12 năm tù đày, ông đã tặng hiến cho thi ca Việt Nam trường khúc Hòn Đá Làm Ra Lửa dài hơn 4000 câu.

 

Đó cũng là bài thơ đầu tiên, duy nhất tính tới hôm nay, đã khiến một thi sĩ gốc Việt, được mời đọc thơ trong một họp mặt trang trọng tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 28 Tháng Tư, 1992. (2)

 

Với tôi, vinh dự đó, không chỉ dành riêng cho tác giả mà, còn cho cả dòng thơ miền Nam sau Tháng Tư, 1975. Nhưng, một Trần Dạ Từ nhạc sĩ, một Trần Dạ Từ của những ca khúc gần như chưa từng xuất hiện trong dòng chảy Tân nhạc Việt Nam gần một thế kỷ, thì, với tôi lại là một bất-ngờ-hạnh phúc, khác.

 

Hạnh phúc bất ngờ này, mãi tới thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tôi mới có dịp biết, khi nghe CD đầu tiên của nhà thơ do Khánh Ly thực hiện. Tôi không nhớ được mình đã nghe đĩa nhạc đầu tay của thi sĩ Trần Dạ Từ vào lúc nào? Ở đâu? Chỉ biết đó là một hạnh phúc bất ngờ.

 

Mới đây, khi đọc lại bài viết của Ngọc Lan, tường thuật buổi ra mắt CD Nụ Cười Trăm Năm trên Nhật báo Người Việt thì, tôi lại được hít thở một lần nữa cái không gian đầm đầm những bất ngờ và hạnh phúc, khác ấy. 

 

Ngọc Lan viết: 

 

“Tôi đến với đêm ra mắt CD ‘Trần Dạ Từ – Khánh Ly’ và Nụ Cười Trăm Năm khi miệng tôi đã có thể nghêu ngao những câu hát ‘Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ. Ta nhớ ôi ngày thơ. Thành phố xưa, hai đứa ta. Nơi hẹn hò, quán nhỏ chiều mưa lũ…’ cũng bằng cảm xúc của những miên man, se sắt, và thấm đẫm những nhớ nhung đến nao lòng.

 

“Nghĩa là, Nụ Cười Trăm Năm đủ sức níu tôi nghe, nghe, và lại tiếp tục nghe để càng lúc càng nhận ra những điều thật lạ qua những ca từ, những thanh âm vừa mới vừa quen của nhạc sĩ/ thi sĩ Trần Dạ Từ, cùng giọng ca có ma lực của Khánh Ly.

 

“Khán phòng sang trọng của The Turnip Rose nằm ở thành phố Costa Mesa chiều tối Chủ Nhật qua đầy nghẹt người. Họ là những người thân, những bằng hữu, những khán giả, những người cùng thế hệ, đến để gặp gỡ, để lắng nghe, để chúc mừng Trần Dạ Từ và Khánh Ly lần đầu tiên ra mắt CD.

 

Nụ Cười Trăm Năm CD đầu tiên của nhà thơ, nhạc sĩ và người ca sĩ đã hiện diện trong dòng thơ nhạc Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, đáng để người ta phải nghe và phải có lắm chứ!

 

Bài viết của Ngọc Lan đã giúp tôi nhớ ra điều chính mình từng phát biểu trong buổi ra mắt CD của người bạn thi sĩ: 

 

“Nhà thơ Du Tử Lê, trong lời phát biểu của mình tại buổi ra mắt CD Nụ Cười Trăm Năm đã cho rằng, ‘Vẫn là thành phố, vầng trăng, con sông, và tình yêu, nhưng đất trời nhân gian trong nhạc (cũng như trong thơ Trần Dạ Từ) là một đất trời, một nhân gian khác, không phải là cái mà chúng ta thường thấy trong tình khúc của chúng ta trong quá khứ.’”

 

Cám ơn Ngọc Lan. Nhớ lại, vẫn thấy đúng là một hạnh phúc bất ngờ.

 

Loạt bài này viết thêm về hạnh phúc ấy, từ một Trần Dạ Từ nhạc sĩ. 

 

 

Trần Dạ Từ, từ thơ tới nhạc 

 

Từ những năm giữa thập niên 1950s, trong một loạt bài 3 kỳ, đăng trên Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong thời đó, cố thi sĩ Hồ Đình Phương đã không ngần ngại gọi ông là “Thần đồng Thi ca.” Theo bài viết, đầu năm 1956, thi sĩ họ Hồ là thành viên hội đồng giám khảo của cuộc thi thơ Xuân mừng Tết Nguyên đán do Đài Phát thanh Pháp Á tại Sài Gòn tổ chức, với giải thưởng trị giá bạc ngàn, khá lớn thời ấy. Sau khi kết quả được công bố, người đến đòi nhận giải Nhất thơ chỉ là một cậu bé di cư chưa đầy 16 tuổi, cũng chẳng có giấy tờ. Giám đốc chương trình Đài Pháp Á thời ấy là ông Hoàng Cao Tăng phải yêu cầu hội đồng giám khảo mở phiên họp truy xét cậu bé đủ cách để chứng thực. Sau khi đã duyệt xét bản thảo cả trăm bài thơ do cậu bé mang tới và thử thách đủ kiểu, chính thi sĩ Hồ Đình Phương, với tư cách thư ký hội đồng giám khảo, phải ký tên bảo lãnh cho “Thần đồng Thi ca” có thể nhận tiền thưởng. Cậu bé di cư năm ấy sau này chính là Trần Dạ Từ. Nhận định của họ Hồ được thời gian thực chứng, với những đường bay thi ca tân kỳ qua những thi phẩm sau đó của Trần Dạ Từ. 

 

Bộ sách hai tập Thi Ca Việt Nam Hiện Đại của Trần Tuấn Kiệt do Khai Trí xuất bản trong những năm 60’ tại Sài Gòn phần về Trần Dạ Từ (3), viết nguyên văn như sau: 

 

“Từ lúc phong trào thơ tự do xuất hiện, những người như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa… viết nhiều bài nói đến một ý thức mới của thi ca thời hậu chiến, thì Trần Dạ Từ âm thầm sáng tác và gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, sinh viên học sinh và giới trí thức hôm nay. Chẳng khác nào một Xuân Diệu của thời tiền chiến, thời nay người ta đua nhau đọc thơ của Trần Dạ Từ. Phải nói là sau thời chiến tranh (Việt Pháp) những tiếng thơ cũ không gây say sưa trong giới đọc thơ nữa. Người duy nhất làm cho chúng ta ngây ngất là Trần Dạ Từ với tiếng thơ của ông.” 

 

Trần Tuấn Kiệt là người làm thơ. Sách Thi Ca Việt Nam Hiện Đại của ông có thể chỉ là những cảm nghĩ chủ quan của một thi sĩ thời tuổi trẻ, như chính Trần Dạ Từ từng có lần nhận xét khi được hỏi. Nhưng tôi từng biết, Thủa Làm Thơ Yêu Em của Trần Dạ Từ là một trong dăm ba thi tập được tái bản nhiều lần trước 1975.

 

Từ đó tới nay, suốt 40 năm, dù đã an cư tại California, Trần Dạ Từ không in lại thơ cũ, cũng không phổ biến thơ mới, cho tới khi Khánh Ly Productions cho ra mắt CD Nụ Cười Trăm Năm ngày Chủ Nhật 13 Tháng Giêng, 2011. 


Câu chuyện về CD này được Khánh Ly, người hát, đồng thời cũng là nhà sản xuất, kể lại như sau:

“Mùa hè 1959, ông Mặc Thu, sếp chương trình Tiếng Thơ, Đài Phát thanh Saigon, trịnh trọng bảo một anh nhóc tì, ‘Thi sĩ coi cháu Mai (4) tập bài này, điệu ru con miền Bắc.’ Tức cười. Năm ấy tôi 14. Thi sĩ bất quá chỉ hơn dăm ba tuổi. Hai anh em cùng dân Bà Cả Đọi, đi xin ngâm thơ để kiếm cơm. Biết nhau từ đó.

 

“Ba mươi năm sau, Tháng Chín 1989, mừng đón Trần Dạ Từ lần đầu tới Mỹ, một số bạn thân gồm các anh Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Trầm Tử Thiêng, chị Kiều Chinh và chúng tôi họp nhau ở Cerritos. Ngồi vòng tròn trên sàn nhà, tới phiên anh Từ, thay vì đọc thơ, anh cầm đàn. ‘Một mùa hè chết oan bên trời…’ Anh hát và nói, chỉ là loại bài hát lầm bầm cho qua trong tù thôi, chẳng để làm gì.

 

“Từ đó về sau, không thấy anh nhắc gì đến việc ca hát nữa.

 

“Mùa hè 2009, bỗng nhớ bài hát cũ, tôi đi tìm anh Từ, bảo anh ngó quanh coi còn ai. Các ông ấy chết rồi. Anh cũng sắp chết. Những bài hát 13 năm tù đâu, đưa ngay chúng cho em.

 

“Nhờ vậy, có Nụ Cười Trăm Năm.”

(Trích sách nhỏ kèm CD Nụ Cười Trăm Năm

 

Dù câu chuyện đã được Khánh Ly kể lại, việc một nhà thơ bỗng dưng thành nhạc sĩ vẫn gây nhiều thắc mắc. Trong mục “Trò truyện với tác giả” trên trang nhà Du Tử Lê, chính nhà thơ Trần Dạ Từ từng trực tiếp trả lời với độc giả, thính gia. Xin trích nguyên văn phần hỏi đáp: 

 

- Đỗ Lê (San Francisco)

Tôi đã đọc bài nhà thơ Du Tử Lê viết về Trần Dạ Từ, đã nghe Khánh Ly hát “Chuông Và Mưa,” nghe Quang Tuấn hát “Sinh Nhật Ca” và đang theo dõi mục “Trò truyện với nhà thơ.” Trong kỳ 3 vừa rồi, có câu hỏi của ông Quý Trần, về sự gần gụi và khác biệt giữa thơ và nhạc. Câu hỏi rất hay. Đúng là điều chính tôi từng thắc mắc. Nhưng câu trả lời của nhà thơ thì quá vắn tắt, không trả lời gì cả, nên câu hỏi còn nguyên. Và tôi cũng còn nguyên thắc mắc. Xin cho biết theo ông, thơ và nhạc gần gũi và khác biệt ra sao. 

 

- Nhà thơ Trần Dạ Từ trả lời:

 

Để cám ơn sự nhắc nhở của ông Đỗ Lê và tạ lỗi với câu hỏi rất hay của ông Quý Trần, thật khó vắn tắt. Đành xin phép dài dòng.

 

Về sự gần gụi giữa thơ và nhạc, tôi đã thưa gọn rằng ông Quý Trần đúng, quan hệ thơ nhạc vốn tuy hai mà một. Theo sự nhắc nhở của ông Đỗ Lê, xin phụ hoạ thêm: chỉ riêng các từ ngữ thi ca hoặc Kinh Thi, đã cho thấy chính thi dẫn đến ca hoặc kinh. Ấy là vì thơ vốn là cách nói, mà loài người thì biết nói trước khi biết hát, sau đó mới biết tới kinh sách hay trống kèn đàn địch.

 

Như chúng ta đều biết, chính thơ dân gian – đồng dao, ca dao – là gốc của mọi loại dân ca, dân nhạc, Thánh ca. Bên Tàu, từ cả ngàn năm trước Tây lịch, ca dao 15 nước thời Xuân Thu đã là gốc của bộ Kinh Thi do Khổng Tử san định. Bên ta, ca dao là gốc mọi điệu ru, điệu hò, điệu hát. Cùng vậy, tại Trung Đông, thơ dân gian Do Thái là gốc của Thi Thiên hay Thánh Vịnh trong Cựu Ước; tại vùng thung lũng sông Hằng ở Ấn Độ, thơ dân gian Aryans là gốc của Thánh Ca Veda/ Vệ Đà.

 

Chúng ta cũng biết, như sử sách cho thấy, tài ba âm nhạc ít được kể tới trong lãnh vực sáng tạo: Lý Bạch viết Thanh Bình Điệu, Tô Đông Pha làm mới Tống Từ; Fujiwara no Teika khai sinh những bài ca vùng Yamato của nước Nhật cổ; Trần Nhân Tôn, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, viết đạo ca, ca trù, hát nói bằng chữ Nôm… Tại Pháp, Guillaume de Machaut hoàn chỉnh các thể điệu Tây phương ballade, rondeau, virelai. Vậy mà tất cả đều là thi sĩ, không thấy vị nào được gọi là nhạc sĩ. Rõ ràng về “danh phận” khi hai hợp thành một, tài thơ là chính, tài nhạc là phụ, giống như các bà vợ phải mang tên họ của ông chồng. Thậm chí, không thấy một nhạc sĩ nào được ghi lại tiểu sử, nếu nhạc sĩ không chịu làm thi sĩ, hệt như các cô không chồng thì xin miễn danh phận, chẳng có gì đáng kể.

 

Tình trạng “bất công” này kéo dài đã nhiều thiên niên kỷ, mãi tới thế kỷ 18 mới chịu kết thúc tại Âu châu, nhờ thành quả của thời kỳ Baroque (mở đầu cho thời kỳ khai sáng, phát động bởi nhà thờ Ý, từ 1600 tới 1760, được thị dân hưởng ứng, lan khắp Âu Mỹ, mãi tới thế kỷ 20 mới tới Việt Nam do ảnh hưởng văn hóa Pháp.) Phong cách Baroque – từ ngữ gốc Bồ Đào Nha có nghĩa là xù xì, thô ráp – coi mọi khuôn mẫu nghệ thuật cũ là ngọc đã mài xong, chẳng còn gì để làm. Muốn sáng tạo cái mới, phải coi mọi loại nghệ thuật là thứ ngọc còn xù xì thô ráp để mài lại từ đầu: thơ nhạc phải phá bỏ mọi mẫu mực cố định (formes fixex/ fixed forms) ví dụ: thể rondeau gồm 15 câu, ballade, Virelai từ 10 tới 13 câu, tương tự thể cố định của thơ Đường luật là thất ngôn bát cú.

 

Từ đây, thơ và nhạc tách biệt và tự chuyên biệt hóa: thi (và) ca mỗi bài tự tạo thể điệu riêng, âm nhạc tự tạo thêm hoà điệu, nhịp điệu, không chỉ là thanh nhạc ca hát véo von, mà còn là khí nhạc hoà tấu không lời… cứ thế mà sinh sôi biến hóa cho đến ngày nay, đưa đến “những khác biệt quan trọng” giữa thơ và nhạc mà ông Quý và ông Đỗ thắc mắc.

 

Về yêu cầu phân tích, tôi đã thưa thật với ông Quý là “không quen.” Xin mượn kiểu phân tích “bài hát – câu thơ” trong Kinh Veda, phân khúc Atharva Veda: 

 

Anh là chàng, em là nàng/ Anh là bài hát, em là câu thơ/ Anh là bầu trời, em là mặt đất

Đôi ta cùng ăn ở tại đây, cùng tạo ra con trẻ.

 

Veda/ Vệ Đà, có nghĩa “tri thức,” bộ kinh gốc của Ấn Độ giáo. Atharva Veda, có nghĩa “Tri thức theo các thầy tư tế ghi lại.” Trích theo bản Anh ngữ: 

 

I am he, you are she/ I am song, you are verse/ I am heaven; you are earth

Let us two dwell together here, let us generate children. (Atharva Veda 3:29:3) 

 

Từ thời Veda đến nay đã là 3000 năm. Cuộc hôn phối “bài hát – câu thơ” đã sản sinh nhiều thế hệ con trẻ. Biến dạng của chúng là vô cùng. Thú thật tôi không đủ khả năng phân tích, nên đành tự an ủi, rằng thơ nhạc cũng giống như tình yêu, vẻ đẹp hoặc món ăn, thay vì phân tích, ta có thể thưởng thức. Đề nghị hai ông Quý – Đỗ thưởng thức hát nói Nguyễn Công Trứ, từ khúc Tản Đà, thơ Du Tử Lê, nghe hò Huế hay hát quan họ, hòa tấu khúc của J.S. Bach, và cả ca khúc… Lady Gaga. Hy vọng sẽ thanh thản “cảm nhận” như từ ngữ ông Quý đã dùng, thay vì nhức đầu đọc phân tích dài dòng.

(http://www.dutule.com/D_1-2_2-128_4-3736_5-10_6-12_17-173_14-2_15-2/tro-truyen-voi-nha-tho-tran-da-tu-ky-6.html) 

 

Khi phát hành CD đầu tiên năm 2011, Trần Dạ Từ nói: “Cám ơn Khánh Ly, người đã đánh thức những bài hát ngủ quên.” Bốn năm sau, trong Tháng Năm, 2015, Trần Dạ Từ và Khánh Ly sẽ tiếp tục ra mắt thêm 2 CD mới, gồm 23 ca khúc. Bên cạnh các bài hát từ thời nhà tù, còn thêm nhiều bài hát mới viết. Như vậy, không chỉ “những bài hát ngủ quên,” mà cả người nhạc sĩ ngủ quên nhiều thập niên cũng đã được đánh thức, như tên gọi của hai CD này cho thấy. Trong thơ nhạc Việt, “Gội Đầu/ Bay” là thứ chưa từng thấy. “Gọi Tên Dòng Sông” là niệm khúc đầu tiên – một “requiem” hướng về các nghệ sĩ. Tôi rúng động khi nghe. Tưởng như thấy thời đại mình thở. Hơi thở ấy ra sao? 

Từ “cách nói khác” tới “cảm nghiệm khác” trong ca khúc Trần Dạ Từ

Tôi không nhớ lần đầu tiên được nghe ca khúc “Ném Con Cho Dông Tố” của thi sĩ Trần Dạ Từ, cách đây đã bao năm? Chỉ nhớ, trong một buổi họp mặt ở một thính phòng lớn trên đường Beach, thành phố Westminster, khi tiếng hát Quang Tuấn mới cất lên, tôi đã nắm tay bạn tôi, bày tỏ xúc động bất ngờ của mình:

 

Em có lũ con thơ bị quê hương ruồng bỏ

Từ bóng tối hận thù. Em nghiến răng

Ném con vào dông tố…

 

Tiếng hát Quang Tuấn càng lúc, càng đẩy cảm xúc tôi đến đỉnh cao chót vót của bi kịch đất nước mà, những người vợ, những đứa con miền Nam phải gánh chịu, khi chồng, cha họ biệt tăm nơi những trại giam cay nghiệt từ Nam ra Bắc.

 

Trong tôi, câu hỏi cay đắng bật lên: nếu không có hơn mười năm tù đày, liệu ông có thể cho chúng ta ca khúc “Ném Con Cho Dông Tố” - - Một ca khúc, như tôi biết, chưa từng có trong lịch sử tân nhạc thế giới:

 

Dông tố dông tố ngoài khơi xa

Ta gửi ngươi. Ta gửi ngươi con ta

Xương thịt ta. Tâm hồn ta. Hy vọng ta

 

Dông tố dông tố ngoài khơi xa

Dông tố dông tố ngoài khơi xa

Như niềm tin tự do, từ quê hương mịt mù…

 

Nhưng, sau đó, khi xúc động lắng xuống, tôi lại thấy, trong thảm kịch Tháng Tư, 1975, chúng ta không chỉ có một tù nhân Trần Dạ Từ. Chúng ta có hàng triệu người tù của thời thế sấp, ngửa như Trần Dạ Từ. Trong số đó, chúng ta cũng có những người tù nổi tiếng như Doãn Quốc Sỹ, như Nguyễn Sỹ Tế, như Như Phong, như Tô Thùy Yên, như Nguyễn Hải Chí… Trong số đó, có những người tù bị giam cầm tù dài lâu hơn Trần Dạ Từ. Có những người tù nằm “cát-xô” nhiều ngày tháng hơn Trần Dạ Từ… Thí dụ nhà văn nổi tiếng Thảo Trường, một trong mười mấy người tù có trên 17 năm địa ngục – ông được coi là người đóng cửa nhà tù. Nhưng khi được trả tự do, thì, đâu phải vì thế Thảo Trường đã cho bạn đọc của ông một hay nhiều ca khúc! Thảo Trường, những năm tháng được tự do nơi quê người, vẫn gửi tới những người yêu mến tài năng ông, những trang văn xuôi nghẹn ngào tính người, khoắng, sâu nhân bản… Nhưng tuyệt nhiên, ông không cho chúng ta một ca khúc, như “Ném Con Cho Dông Tố.” Thảo Trường cũng không cho chúng ta:

 

Lòng ta ở với người

Người thật thà bị lừa dối

Người trung trinh bị phản bội

Người tín nghĩa bị bỏ rơi

Người vô tội bị săn đuổi

Người ngây thơ bị vùi dập

Người ơi đây lòng tôi sôi sục bài hát

 

Bài hát lòng tôi ở với người

Người thân giam ngục tối

Người xác vứt bể khơi

Người trôi dạt bên trời

Người mẹ góa con côi

Người đêm đêm mòn mỏi

Và bài hát lòng tôi còn ở mãi bên người…

(Trích ca khúc “Lòng Ta Ở Với Người,” Trần Dạ Từ, trại tù Gia Trung, 1977)

 

Vì thế, câu hỏi lớn đến và ở lại với tôi dài lâu là: từ đâu? Tại sao chúng ta lại có thể có một Trần Dạ Từ, nhạc sĩ? Sau khi văn chương miền Nam 20 năm, đã đem đến cho chúng ta một Trần Dạ Từ, thi sĩ mà, cố thi sĩ Hồ Đình Phương, từ giữa thập niên 1950, đã không ngần ngại gọi họ Lê là “Thần đồng Thi ca?”

 

Câu hỏi của tôi, chỉ được trả lời thỏa đáng, khi biết, ngay tự những năm 15, 16 tuổi, họ Lê đã được đài phát thành mời phụ trách một chương trình âm nhạc. Ở vai trò người thực hiện chương trình, thành tích to lớn, họa hiếm đã xảy ra: ông là người đầu tiên và duy nhất, tính tới hôm nay, thực hiện liên tục 300 chương trình chủ đề nhạc Phạm Duy. Sự kiện này, cho tôi đi tới kết luận, chủng tử âm nhạc nơi Trần Dạ Từ đã được cấy, gieo tự những ngày niên thiếu. Chính sự kiện này, làm thành sự khác biệt giữa người tù, thi sĩ Trần Dạ Từ với những người tù văn hữu khác của ông.

 

Tôi nghĩ, chúng ta sẽ dễ dàng đồng ý với nhau khi xét nguyên nghĩa cụm từ “thi ca” trong cách nói của tiếng Việt, để thấy rằng thơ và nhạc, tựa như hai mặt của một đồng tiền Văn học Nghệ thuật. Phải chăng, vì thế, khi hoàn cảnh tù đầy, để tồn tại, nó buộc thi sĩ của chúng ta phải tìm vào mặt bên kia của đồng tiền Văn học Nghệ thuật: mặt âm nhạc (ghi lại bằng trí nhớ), thì, Trần Dạ Từ, không chỉ đi tiếp con đường tìm cho ca khúc của ông những “cách nói khác” (vốn là sở đắc ông có được ngay từ những ngày đầu làm thơ) - - Mà, ông còn cho ca khúc của mình, những cách nhìn hay “cảm nghiệm khác.”

 

Tôi thường dùng cụm từ “cách nói khác” cho thi ca, hiểu theo nghĩa đó là khả năng liên-tưởng (thought-connection) của nhà thơ khi quan sát vũ trụ hay thế giới sự vật… Nhưng cách gì thì liên-tưởng vẫn nằm trong giới hạn về sự so sánh riêng của nhà thơ trước cảnh giới trực diện. Nhà thơ chỉ thực sự lớn, theo tôi, khi ông/ bà ta bước khỏi phạm trù liên tưởng, để vào phạm trù khác: phạm trù tư tưởng, mang tính nhân bản. Từ đó, mở được cánh ngôi nhà chung: ngôi nhà nhân loại. Tôi muốn gọi đó là “cảm nghiệm khác.” 

 

Khởi tự “cảm nghiệm khác,” những ai dõi theo những ca khúc mang tên Trần Dạ Từ, từ đĩa nhạc đầu tiên Nụ Cười Trăm Năm, hẳn cảm được, trong nhạc của ông, có những cảm nhận chưa từng có trong lịch sử ca khúc Việt Nam non một thế kỷ.

 

Tính chất “cảm nghiệm khác,” trong ca từ của họ Lê, qua hai đĩa nhạc mới Gội Đầu và Bay, ngày càng thêm đậm nét, khi ông viết:

 

Gội đầu. Gội đầu thôi. Gội đầu thôi

Bê bết lâu rồi. Ơi cái đầu xấu xí

Cay cú, cuồng si

 

Gội đầu. Gội đầu đi. Tử biệt. Sinh ly.

Gội đầu bằng bão tố. Gội đầu bằng nắng lửa

Ơi cái đầu bể dâu…

(Trích “Gội Đầu,” ca khúc Trần Dạ Từ)

 

Ở đây, ngoài sự kiện lần đầu tiên, họ Lê đem được vào ca khúc việc làm tầm thường nhàm chán, hằng ngày, không một chút lãng mạn, thơ mộng… Ông còn cho thấy tính “cảm nghiệm” nhân sinh. Cảm nghiệm mọi bi kịch con người dành cho nhau, luôn khởi đi tự cái… đầu (nguồn gốc tư duy:)

 

Gội đầu mà gội đầu. Gội cái đầu chua lè.

Gội cái đầu cay xè. Gội sạch nhé

Gội cho ngày sau nhìn ra nhau…

 

“Nhìn ra nhau” hay hãy nhận ra đồng loại, hãy nhận ra ruột thịt mình - - Dù cho, cuối cùng chỉ là một “mái đầu tuyết sương:”

 

Gội đầu thật sạch, đứng bên đường

Một mình trơ trụi, cây bạch dương

Mặc cho gió vò mãi mái tóc

Vò mãi. Vò mãi niềm sót thương 

Vò mãi. Vò mãi. Ơi mái đầu tuyết sương.

(Trích “Gội Đầu”)

 

Với tôi, thành quả “Ơi mái đầu tuyết sương,” là một đìu hiu lớn của tâm thái thi sĩ. Nó cho tôi liên tưởng tới sức phấn đấu của con người trước mọi khó khăn, nghịch cảnh qua bộ xương cá marlin mà, cuối cùng, Hemingway có được trong truyện Ngư Ông Và Biển Cả (tác phẩm từng được trao Giải Pulitzer năm 1953) thì, ở “Gội Đầu” của Trần Dạ Từ, chính là phẩm giá mang tính nhân quần giữa con người với con người vậy. 

Trần Dạ Từ và, cuộc “cách mạng xanh” cho ca khúc

Tôi nhớ khoảng đầu thập niên 1970, ở Saigon, tình cờ tôi đọc được phát biểu của một nhạc sĩ nổi tiếng, nói rằng, Việt Nam không có âm nhạc, hiểu theo nghĩa nhạc không lời mà, chỉ có ca khúc, dựa trên hai yếu tố giai điệu và ca từ.

 

Sau này, có điều kiện tìm hiểu, tôi mới biết loại nhạc không lời mà chúng ta quen gọi là “nhạc cổ điển” theo phân tích của tác giả Nguyễn Bách trên trang mạng Sóng Nhạc thì: “Nền âm nhạc Kinh điển (classic) để lại 3 dấu ấn quan trọng trong nền văn hóa âm nhạc thế giới đến ngày nay. Đó là 3 thể loại: Sonate, Concerto, Symphony (giao hưởng…)” (Nguồn Wikipedia – Mở)

 

Vì nền tân nhạc của chúng ta chỉ có ca khúc, nên giai điệu và ca từ là hai yếu tố quyết định sự thành bại của ca khúc đó. Phổ cập hơn, theo ghi nhận của một số nhạc sĩ thì, thói quen của giới thưởng ngoạn Việt, thường coi trọng ca từ hơn giai điệu: ca từ mới là linh hồn của ca khúc (trường hợp Trịnh Công Sơn). Có dễ cũng vì thế mà những nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn… xa hơn như Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh…, ngoài nỗ lực trau chuốt giai điệu, họ đều có những thao thiết tìm kiếm cái mới (thích hợp) cho ca từ. Nhưng không phải nhạc sĩ nào cũng thành công ở cả hai phương diện cấu trúc (hình thức) và nội dung (thông điệp ẩn chứa trong ca từ).

 

Chủ quan, tôi cho rằng, mãi gần đây, ở hải ngoại, hiện tượng Trần Dạ Từ, nhạc sĩ xuất hiện mới đem đến cho người nghe những hôn phối xứng đôi giữa hình thức và, nội dung một ca khúc.

 

Về phương diện hình thức, như tôi biết, trong Lịch sử Tân nhạc Việt non thế kỷ, ở phần lời, tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào chỉ dùng vài ba chữ thậm chí, chỉ một chữ - - để làm thành một mệnh đề độc lập. Như ca khúc “Bay,” ở đoạn coda, Trần Dạ Từ viết:

 

Bay bay! Ta cùng bay. Bay bay! Bay!

Bay ngay trong đời này.

Bay bay! Bay bay! Bay!

 

Phân đoạn này, tổng cộng chỉ có 18 chữ, thì “bay” chiếm hết 12 chữ - - với 4 chữ “bay” kép và 2 lần “bay” đơn (chỉ có một chữ).

 

Nhìn từ khía cạnh văn phạm, khi những chữ “bay” kép hay “bay” đơn chấm dứt bằng một dấu chấm than thì, chúng là những mệnh đề độc lập.

 

Tại sao họ Lê lại dùng nhiều động từ “bay” như thế? Để làm gì?

 

Phải chăng ông sử dụng động từ này như những ẩn-dụ-mở, tạo cho người thưởng ngoạn cơ hội tự do, bay bổng với những liên tưởng của mình… Hay ông muốn đưa dẫn người nghe bay lên khỏi những khỏi ngục tù trần gian? Bay trên hận thù, đọa lạc, mù quáng? Hoặc bay khỏi bốn bức tường ngục tù do chính cái tâm sân si của mình tạo dựng?

 

Cũng vậy, ở điệp khúc bài “Ave Maria” (phổ thơ Nguyễn Hải Chí), Trần Dạ Từ cũng sử dụng dấu chấm, đem lại người đọc 11 mệnh đề độc lập, mang tính ẩn dụ dẫn tới kết luận “Mẹ là tất cả”(?)

 

Maria. Maria. Mẹ! Tất cả.

Tất cả. Mẹ. Maria

Mẹ. Mẹ. Maria. Maria./.

 

Theo ghi nhận của những người từng được nghe “Tấm Lòng Phan Rang” (qua tiếng hát Nguyên Khang, rồi Lê Uyên) thì, ca khúc này của Trần Dạ Từ, là một trong những ca khúc tiêu biểu cho những hôn phối xứng đôi nhất, giữa hình thức và nội dung một ca khúc của họ Lê:


Tấm Lòng Phan Rang

Nơi đoàn xe chở tù ngừng đổ xăng, 1977

 

Chiều chiều, từng đoàn xe bít bùng

Từng đoàn xe bít bùng

Lạnh lùng qua thành phố

Lòng vợ kêu chồng

Lòng già kêu con

Lòng em thơ kêu bố

 

Chiều chiều, từng đoàn xe bít bùng

Từng đoàn xe bít bùng

Từng đoàn xe bít bùng.

Chiều chiều. Chập chùng

 

Đoàn xe bít bùng

vừa ngừng đầu ngõ

Trông sắt cùm lấp ló,

lòng gọi lòng hối hả

 

Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa

Từng điếu thuốc. Từng lát đường

Ném lên. Ném lên. Ném lên nữa

Từng gói bắp. Từng vắt cơm

Ném cả gánh hàng rong

Ném tràn như nước mắt

Ném hết. Ném hết

Ném cho người đi đày

Tấm lòng Phan Rang

 

Tấm lòng. Ôi Việt Nam./.

 

Với ca khúc “Tấm Lòng Phan Rang,” Trần Dạ Từ, một lần nữa, lại đem được vào dòng tân nhạc của chúng ta: một trong những truyền thống Việt. Truyền thống người dân đứng về phía những kẻ bị đọa đày, bị bách hại…

 

Theo tôi, đây là một trong những truyền thống giúp cho dân tộc Việt tồn tại đến hôm nay, dù phải trải qua thăm thẳm ngặt nghèo, trùng trùng núi non thử thách.

 

Mặt khác, đó cũng là tâm thức “thấy thời đại mình thở” như họ Lê đã từng ghi trong trường khúc Hòn Đá Làm Ra Lửa, cách đây nhiều chục năm: “Chúng ta yêu nhau, yêu bằng hữu/ Kinh ngạc và thích thú biết bao/ chớp mắt. Thấy mình có trong nhau/ Mở cửa. Thấy anh em đông đủ/ Bắt tay, chào hỏi. Thấy thành phố/ Bước đi, trò chuyện. Thấy quê hương/ Hất mặt, vươn vai. Thấy bầu trời/ Hít hà. Thấy thời đại mình thở.” 

 

Tuy nhiên, theo tôi, tác phẩm lớn nhất trong 2 album nhạc Trần Dạ Từ phát hành lần này là ca khúc “Gọi Tên Dòng Sông” - - Họ Lê là người thứ nhất, và duy nhất tính đến hôm nay, viết Niệm khúc (Requiem) dành cho các văn nghệ sĩ...

 

Ở lãnh vực âm nhạc, tôi cho tác phẩm này lớn không kém trường khúc Hòn Đá Làm Ra Lửa của thi sĩ, ở lãnh vực thi ca. Tôi không chút ngạc nhiên, khi biết, có một nhạc sĩ trẻ đã bật khóc khi nghe ca khúc: “Gọi Tên Dòng Sông:”

 

Tưởng Nhớ Thi sĩ và Nhạc sĩ

 

Với thơ cuối đời của Mai Thảo, Nguyên Sa,

Thơ Du Tử Lê, Tôi Trôi Theo Tôi – Con Sông,

Và giai điệu Phạm Duy, Chiều Về Trên Sông.

 

Thơ Mai Thảo cuối đời.

Đọc suông:

 

Thế giới có triệu điều không hiểu

Càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao. Mai mốt nằm trong đất

Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.

 

I. Thấy Mình Ra Đi

Phổ thơ Nguyên Sa, Tiễn Bạn

 

Ngọn đèn bật sáng bức tranh

Nhìn lên ôi Hà Nội đâu đình miếu xưa

Nhớ nhau, nhớ Tháng Giêng mưa

Sông Hồng (nghe) nước động bóng chưa nhập hình

 

Tiễn nhau, sợi khói lung linh

Lênh đênh xương thịt, (như) thấy mình ra đi./.

 

II. Đi và Trôi

Thơ Du Tử Lê, Tôi Trôi Theo Tôi – Con Sông.

 

Tôi đi xuyên qua đêm/ mưa

Tiếng ca mưa dào dạt

Câu thơ lục bát, buổi trưa em về

 

Tôi đi xuyên qua lời thề

Lu bu tuổi trẻ

Chữ nghĩa bộn bề

Chiến tranh! Ô chiến tranh!

 

Tôi đi xuyên qua màu xanh

Thấy bên kia biển trời

Vẫn long lanh mắt người

Ô nét cười sinh sôi

 

Tôi đi xuyên qua cuộc đời

Lớ quớ làm người

Câu thơ lục bát, thôi nôi từng dòng

 

Tôi trôi theo tôi (mà) con sông

Tôi trôi theo tôi (mà) con sông

Tôi trôi theo tôi (mà) con sông

Tôi trôi theo tôi (mà) con sông

 

Tôi trôi – Trôi theo tôi, con sông./.

 

III. Gọi Tên Dòng Sông

Lời ca Trần Dạ Từ

 

Gọi tên dòng sông

Ngọn triều tung vỡ

Đâu bến đâu bờ

Quê quán thẫn thờ

Cây đàn rơi. Con chuồn bay

Về đâu ôi giấc mơ

 

Chàng thi sĩ ngu ngơ

Và năm tháng bơ vơ

 

Bờ nắng bờ mưa

Mẹ già khô héo

Nợ nần kêu réo

Ân oán mè nheo

Xương máu hò reo

Lũ con xa… day dứt mẹ nghèo

 

Dòng sông của tôi

Lời mẹ ru của tôi

Bài ca sự sống

Trời đất mênh mông

Mảnh vỡ. Cơn dông

Anh thấy gì không

 

Gọi mãi dòng sông

Tình yêu của tôi

Một đóa hư không

Về với vô cùng./.

 

Trình tấu Phạm Duy, trích Chiều Về Trên Sông

Hát lại lần thứ hai.

 

Thu thanh lần đầu: Tuấn Ngọc – Thương Linh

(trong CD “Khánh Ly – Gội Đầu”, 2015

Trình diễn lần đầu: Tuấn Ngọc, Segerstrom Center for the Arts

Costa Mesa, California, May 30, 2015

 

 

Hôm nay, nghe lại ca khúc “Gọi Tên Dòng Sông,” tôi nhớ, tôi đã phát biểu đâu đó rằng, “… tôi đã rúng động khi nghe ca khúc ấy vì tưởng như thấy lại bằng hữu, thấy lại chính mình, ‘thấy thời đại mình thở’…” Chẳng những tôi không thấy đó là lời nói quá mà, nó là một lời nói… thiếu!!!

 

Tôi tự thấy mình thật thiếu sót, khi chỉ tìm đến vào cõi nhạc Trần Dạ Từ, cách đây vài năm… Trong khi 15 năm trước, ký giả John Gittelsohn, trong một bài viết công phu dành cho nhật báo The Orange County Register, số đề ngày 23 Tháng Mười Hai, 2001, đã ghi nhận:

 

“… Sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, cả hai vợ chồng nhà văn nhà thơ (Nhã Ca – Trần Dạ Từ) bị Cộng sản bắt đi tù. Nhà cửa bị tịch thu. Đàn con bẩy đứa, lớn nhất 13, nhỏ nhất chỉ 2 tuổi, bị đẩy ra lề đường. Hơn một năm sau bà mẹ mới ra khỏi nhà tù nhưng ông bố còn tiếp tục đi đầy 12 năm. Bằng cách nào gia đình này nguyên vẹn?”

 

Để trả lời câu hỏi này, cuối cùng, ký giả John Gittelsoh, đã có được giải đáp thỏa đáng:

 

“… Mọi người trong nhà này đều biết âm nhạc. Những bài hát gắn bó họ, dù trong cảnh cùng khốn, chia lìa. Thời cuối 1970’, Sài Gòn bị dìm khuất sau bức màn tre. Cũng chính nhờ tiếng đàn, tiếng hát mà các nhà ngoại giao Thụy Điển, những người phương Tây đầu tiên được phép tiếp cận với phố xá Sài Gòn, tìm ra gia đình này. Từ đó, hồ sơ các nhà văn Việt Nam đi tù được chuyển tới tổ chức Writer in Prison của Văn Bút Quốc Tế, đưa tới sự lên tiếng từ khắp thế giới…”

 

Ở một đoạn khác, ký giả này viết: “… Tôi nhớ Trần Dạ Từ có viết đâu đó, rằng ông không phải nhạc sĩ mà chỉ là một song writer, người viết bài hát. Vậy những bài hát trong 12 năm tù thì sao? Tôi thắc mắc chữ viết. Viết bằng cách nào, giấy bút nào, lúc nào?

 

“Nhà thơ trả lời: viết bằng cách thở. Đâu cần phải giấy bút. Bạn biết, khi thở kiểu huýt gió, ta có một điệu sáo. Chụm môi, tiếng vang ra lớn. Huýt gió mà môi miệng bình thường, tiếng không vang ra mà dội vô. Có thể tự mình thấy tiết điệu trong tai hoặc trong đầu mà người ngoài không biết. Vậy là có thể viết bất cứ lúc nào, dù đang trong nhà cùm hay cầm cuốc khổ sai. Hơi thở chính là bút và bộ nhớ là giấy. Đây là thứ bút giấy không thể bị tước bỏ, cấm đoán…”

 

Tôi nghĩ, nếu có dịp gặp ký giả John Gittelsohn, câu đầu tiên tôi sẽ nói là, cám ơn ông. Cám ơn bài viết về một thi sĩ/ nhạc sĩ Việt Nam của chúng tôi. Bài viết mang lại cho chúng tôi một số dữ kiện chúng tôi không biết… Sau đấy, tôi sẽ nói với ông, tương lai, nếu có một bài viết thứ hai về gia đình âm nhạc “trong cùng khốn, chia lìa” kia, thì xin ông ghi thêm cảm nhận của một người Việt Nam (là tôi) sau khi được thưởng thức những ca khúc Trần Dạ Từ, rằng, người thi sĩ/ nhạc sĩ mà ông đề cập, đã làm được “một cuộc cách mạng xanh” cho âm nhạc Việt hôm nay, với những cái đầu tiên ông ta đem được vào âm nhạc. Chưa kể, dù phải trải qua tới 12 năm tù đày nhưng, thơ cũng như ca khúc của ông ấy vẫn ngời ngợi niềm tin, yêu đồng loại; vẫn bát ngát nhân bản, tình người… Ba yếu tố giúp cho nhân quần tiếp tục tồn tại, đi tới - - Dù trải qua cơ man nào tai ương, chia lìa, bất hạnh. Do đấy, tôi thấy phải cảm ơn ông ta (như đã cảm ơn ông vậy.)

 

May 2015

________________

 

Chú thích:

 

(1) Sách A Gift of Barbed Wire, của Dr. Robert S. McKelvey/ University of Washington Press. Tựa đề đặt theo bài thơ “Tặng Vật Tỏ Tình” được trích trang trọng trang đầu sách: “I give you a barbe wire/ some creeping vine of this new age. Tran Da Tu.”

 

(2) Bản dịch Anh ngữ của Hòn Đá Làm Ra Lửa do Giáo sư Nguyễn Tự Cường, Hoa Thịnh Đốn. Người tổ chức và giới thiệu Trần Dạ Từ trong buổi đọc thơ là ông Jim (James) Webb, nhà văn cựu chiến binh, nhà làm phim, từng là Thứ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Hải quân và Thượng Nghị sĩ Liên Bang, hiện đang thăm dò việc làm ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ 2016. 

 

(3) Sách Thi Ca Hiện Đại của Trần Tuấn Kiệt cũng như nhiều tư liệu khác ghi nhà thơ Trần Dạ Từ, tên thật Lê Hà Vĩnh, sinh ở Hải Dương. Nhưng họ Lê đã chính thức xác nhận rằng tên thật của ông là Lê Hạ Vĩnh, tức làng Hạ Vĩnh huyện Thanh Hà, nay thuộc tỉnh Hải Hưng.

 

(4) “Cháu Mai” là gọi theo tên thật của Khánh Ly, Nguyễn Thị Lệ Mai.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17042)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12261)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18991)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9173)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8343)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14003)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19180)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7899)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8816)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8501)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11064)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25514)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19790)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19255)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16923)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31957)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,