Hãy Hỏi Chúa Đi Rồi Em Sẽ Hay

04 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 7438)
Hãy Hỏi Chúa Đi Rồi Em Sẽ Hay

(Nghe K. khúc của Lê 2)

LNĐ: Dưới đây là bài viết thứ hai của Tiến sĩ, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn, hiện giảng dạy tại một Đại học Y khoa, ở thành phố Sydney, Australia (đăng tải trên tuần báo saigòn Times, Sydney, số tháng 5-2001.) Trước đó, khi giảng dạy tại một đại học Y khoa ở Ohio, ông cũng đã có bài viết về CD “K. Khúc của Lê 1,” trên bán nguyệt san Ngày Nay, Houston, Texas, số đề ngày 1-1-2000, gây nhiều tiếng vang đáng kể - - Có dễ, vì qua dòng nhạc của các nhạc sĩ, ông còn ghi nhận nhiều bất ngờ khác, về thơ
Du Tử Lê.

Và, bài viết này, cũng vậy. Nói đến Du Tử Lê, người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ đã tận tụy với chữ nghĩa Việt hơn bốn mươi năm, không những ở trong nước mà còn kéo dài ra hải ngoại. Thơ của Lê không những đã xuất hiện trên những tờ báo lớn của Mỹ (và thế giới) như Los Angeles Times và New York Times, mà còn được tuyển chọn in trong tuyển tập Thơ thế giới từ xưa đến nay (World Poetry / An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time) bên cạnh những nhà thơ lừng danh như Arthur Rimbaud, Paul Verlaine, Octavio Paz, E. E. Cummings, Boris Pasternak, Thế Lữ và Tú Mỡ, v.v.. Thơ của Du Tử Lê còn được tuyển chọn để dạy học trong một số trường đại học ở Mỹ. Vì thế, có thể nói rằng Du Tử Lê đã có công đưa thi ca Việt Nam vào trường quốc tế. Người thưởng thức nghệ thuật chắc sẽ không ngạc nhiên nếu nhà thơ ra mắt những thi phẩm, nhưng chắc họ sẽ tò mò tìm hiểu nếu một nhà thơ lại phát hành CD ca nhạc. Nhưng Du Tử Lê là một nhà thơ tương đối … ngoại lệ, vì trong các nhà thơ Việt Nam, chưa ai có nhiều thơ được phổ thành nhạc như thơ của Lê. Thật vậy, chỉ tính từ thập niên 60 cho đến nay, có hơn 200 bài thơ của Lê đã được chuyển thành ca khúc. Đó là một con số không nhỏ, nếu so với nhiều nhạc sĩ mà suốt đời số lượng sáng tác chỉ nằm ở con số dưới 100. Có thể nói không ngoa là ngoài thơ, Du Tử Lê cũng có phần đóng góp đáng nể trong vườn âm nhạc Việt.

Người yêu nhạc Việt có thể chưa bao thuộc lòng một bài thơ của Du Tử Lê, hay thậm chí chưa biết tên của tác giả, nhưng họ chắc chắn không xa lạ gì với những bài nhạc quen thuộc như Ơn em, Trên Ngọn Tình Sầu (Từ Công Phụng), Khúc Thụy Du (Anh Bằng), hay Đêm, nhớ trăng Sài Gòn (Phạm Đình Chương), những ca khúc được phổ từ thơ của Du Tử Lê! Nhưng đó là những ca khúc của vài mươi năm trước đây. Gần đây số lượng nhạc sĩ tìm cảm hứng và từ đó phổ thơ [của Lê] thành nhạc càng ngày càng nhiều, và dòng nhạc của họ có ít nhiều khác với những người đi trước. Do đó nhu cầu cho ra mắt một tập hợp những bài hát mới tưởng cũng có ý nghĩa.

Có lẽ xuất phát từ ý nghĩ đó, khoảng một hai năm trước đây, Du Tử Lê đã tuyển chọn một số bài nhạc phổ từ thơ của thi sĩ và đút kết thành CD K. khúc của Lê và video Giữ đời cho nhau (TT Diễm Xưa thực hiện và, phát hành.) Hai tác phẩm đã được giới thưởng ngoạn đón nhận nồng nhiệt. Riêng CD K. khúc của Lê đã được tái bản đến lần thứ ba! Đầu năm nay (2001), Du Tử Lê vừa tuyển chọn thêm một số bài hát và kết cấu thành CD thứ hai mang tên “rất Du Tử Lê”: K. khúc của Lê 2. (Du Tử Lê khêu gợi [hay khiêu khích] người đọc một cách sáng tạo bằng cách viết “k. khúc” thay vì “ca khúc”.) K. khúc của Lê 2 gồm 10 ca khúc do một số nhạc sĩ phổ từ thơ của Du Tử Lê: Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (Phạm Duy), Cõi mẹ về (Lê Văn Thành), Viện cớ (Nguyễn Linh Quang), Hiến chương yêu (Nguyên Bích), Còn mong người về (Đỗ Vyhạ), Hạnh phúc buồn (Hoàng Thanh Tâm), Lệ buồn nhớ mi (Đăng Khánh), Dòng suối trăm năm (Trần Duy Đức), Xin rửa tội tôi (Nguyên Bích), và Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong (Phạm Gia Cổn). Các ca sĩ góp mặt trong CD này gồm Lệ Thu, Thanh Hà, Anh Dũng, Tuấn Ngọc, Anh Khoa, Trần Thái Hòa, Quốc Việt, Đinh Ngọc, và Đăng Siêu. Phần lớn các bài hát do Duy Cường viết hòa âm, và phần còn lại do ba nhạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Lê Hoài Anh, và Gia Bảo hòa âm. Người nghe sẽ cảm thấy ngạc nhiên một cách thích thú khi CD được bắt đầu với bài Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau, không phải qua lối diễn tả của Anh Dũng, mà qua lối hòa âm mang âm hưởng nhạc của người thiểu số thuộc Tây nguyên Việt Nam. Nếu tôi nhớ không lầm, đây cũng là điệu hòa âm mà Duy Cường đã viết cho ca khúc Còn Chút Gì Để Nhớ (Phạm Duy) vài năm trước đây.

Cũng như trong K. khúc của Lê, trong CD này, Du Tử Lê soạn và đọc lời giới thiệu trước mỗi bài hát. Nhưng Du Tử Lê không phải là người đi theo đường mòn hay chỉ lặp lại như lần trước, trong CD này, kèm theo mỗi lời giới thiệu là một đoạn nhạc ngắn làm nhạc nền (background music). Giọng đọc mang âm hưởng “Bắc kỳ” của nhà thơ rất rõ và chậm rãi, nhưng cũng có lúc sang sảng làm cho người nghe có cảm giác như nhà thơ đang khắc khoải một điều gì ở nội tâm. Có thể nói mỗi lời giới thiệu là một tùy bút ngắn của Nhà thơ về thế thái nhân tình có ít nhiều dính dáng đến bài hát để nói chuyện (hay tâm sự) với người nghe. Đối tượng của những bài tùy bút này không hẳn là người nghe, nhưng là một hình nhân mà nhà thơ gọi là “Yêu dấu”. Yêu dấu có thể là một người yêu, người bạn, người nghe, hay thậm chí chính tác giả. Cách dùng này cho nhà thơ bớt cô đơn (vì có một người để trò chuyện), và qua yêu dấu, nhà thơ có thể phân tích và khai thác chính mình. Hãy nghe Du Tử Lê tâm sự: “Yêu dấu rất xa của tôi! Dù lạc quan, ngây ngô cách mấy, tôi cũng không thể tự đánh lừa mình rằng chúng ta chưa hề xa nhau; một khi, mỗi ngày, kỷ niệm vẫn thôi thúc tôi quay lui, tìm kiếm, trở lại chỗ ngồi ta đã có; ngôi nhà ta đã ở; con đường ta đã đi, bãi cỏ trần gian, ta đã thở. Yêu dấu, tôi hiểu, chỉ những kẻ bất hạnh, chỉ những đời tang thương, mới phải ăn xin sự bố thí tình thương hão huyền từ kỷ niệm. Và, bất hạnh hơn nữa, cho tôi, khi kỷ niệm tôi có lại là kỷ niệm trăm tay. Khi hão huyền tôi có, lại là hão huyền nghìn mắt... Kỷ niệm trăm tay, hão huyền nghìn mắt, từng ngày, thôi thúc tôi tìm lại bóng hình, tìm lại tình tôi, như tìm lại khát khao, tìm lại dung nhan chính nó.” Đó là một cách nói, cách tâm sự độc đáo của Du Tử Lê.

Người viết bài này không phải là một nhạc sĩ, cũng chẳng phải là nhà phê bình nhạc hay thơ văn, mà chỉ là một thính giả, một người – hãy cứ cho là – thích nhạc và văn thơ. Và, theo cảm nhận của tôi, ngoài hai bài Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau của Phạm Duy và Lệ buồn nhớ mi của Đăng Khánh có những giai điệu tương đối phức tạp, tiết tấu của các bài còn lại khá đơn giản, không thay đổi nhiều. Nhưng tất cả mười bài hát trong CD này có cùng một mẫu số chung: giai điệu chậm. Hình như thơ của Du Tử Lê chỉ được phổ thành nhạc bằng những giai điệu chậm rãi như Boston và Slow. Đó là những giai điệu mà tôi cho là thích hợp với thơ của Du Tử Lê, vì trong đó thi sĩ thường diễn tả cái nỗi buồn cố hữu của người Việt Nam, nỗi buồn man mát mà người ta thường thấy trong thơ của Huy Cận.

Vài mươi năm trước đây, Du Tử Lê đã tuyên bố: Cõi tôi, cõi nát, cõi tàn / Cõi hoang mang, vội, cõi bàng hoàng, qua / Cõi vui thân thế cỗi già / Cõi lang thang mượn mái nhà hư không / Cõi xa, cõi lạnh, cõi cùng / Cõi con, muốn bỏ, cõi chồng, vợ, xa. Và, trong K. khúc của Lê 2, thi sĩ nói thêm: Tôi buồn như phiến lá trên cây / Tôi buồn như phố cũ mưa bay. Hay Buồn vui theo chiếc kẹo ở tay người, và Bầy chim thương tích, buồn khăn áo người. Có thể nói, do đó, K. Khúc của Lê 2 là những ca khúc buồn.

Mười ca khúc trong cuốn CD mới này là những bài hát trữ tình. Nhưng cái trữ tình của Lê không phải là những thứ tình ái sướt mướt, vụn vặt, xảy ra vào những mùa thu lá vàng rơi lã chã, hay trong một đêm mưa gió bão bùng, hay thứ tình cảm “cải lương” mà người ta thấy đầy rẫy trong tân nhạc Việt Nam hàng mấy chục năm nay. Người thưởng thức sẽ nghe cái mà nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc gọi là “trữ tình thế sự”:

Tim viện cớ đời cho toàn mặt nạ
Nên trái sầu chín mọng lúc đương xanh
Tình lửa ngọn, nghìn sau thôi cháy đỏ
Củi than nay chỉ đợi phút tro tàn
(Viện cớ)

hay

Ai biết trần gian có thuở nào
Núi sông ai đựng giữa chiêm bao
Dung nhan ai lạnh trong chiều ấm
Ta thấy ta trong lối tuyệt. Mù.
(Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong)

hay về những khắc khoải của nội tâm trước tổ quốc còn lầm than; thi sĩ muốn chẻ sông núi làm đôi để thấy nỗi bất hạnh của quê hương:

 Chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt
Mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
chẻ đôi thân thế: mù tăm tích
ta nghĩa trang nào? - chôn, cất nhau?
(Dòng suối trăm năm).

Nhưng hình như trong bài thơ nào của Lê cũng đều có thấp thoáng một bóng dáng của người phụ nữ, có thể là người tình đã từng đem lại hạnh phúc cho thi sĩ, và thi sĩ cũng không tiếc lời thần thánh hóa thành “Thánh nữ” (Trong tay thánh nữ có đời tôi), hay thành Bồ tát (Này em Bồ tát đi trong gió / Hôn em Bồ tát chuông kinh hãi), hay sẵn sàng cám ơn tất cả họ, chẳng hạn như:

Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển, với đời ta trôi

Theo ta lên núi về miền yêu thương
(Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau)

hay:

Em có buồn riêng đôi sớm mai
Con đường có những đoạn chia phôi
Ngọn cây có những trời giông bão
Ta có nghìn năm đợi một người
(Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong)

Người phụ nữ trong K. khúc của Lê 2 còn là hình ảnh của mẹ của thi sĩ. Với thi sĩ, mẹ là tập hợp những ký ức buồn thời ấu thơ, niên thiếu, và là cội nguồn của sáng tác cho tác giả. Hãy nghe Du Tử Lê viết về người mẹ trong bài Cõi mẹ về mà nhạc sĩ Lê Văn Thành đã trích đoạn hai của bài thơ làm thành một bài nhạc:

Em đâu biết tôi có những giấc mơ
Thấy rõ mẹ về
Đắp lại tôi, tấm chăn
Vuốt lại tôi, mái tóc
Đã bao năm mất hút sau lưng
Mà mẹ tôi vẫn không thể tin rằng
mái tóc xanh của con bà đã bạc
Những đường kẻ dọc ngang vầng trán tối
Đôi mắt nay đã mờ
Đôi mắt giờ đã xụp, lở nắng, mưa
Mẹ tôi hỏi sao tóc con lại trắng
Những sợi gân nào lấp ló dưới da nhăn?
Tôi hỏi mẹ lúc rày người có khoẻ
Mẹ tôi cười
Quết trầu đỏ
Đôi lằn môi cắn chỉ
Bà vẫn buồn như thuở bố đi luôn
(Cõi mẹ về)

Những năm ở hải ngoại, ngoài cái chết của bà mẹ, theo tâm sự của Du Tử Lê, thi sĩ còn trải qua một thời kỳ căng thẳng tâm lý do đổ vỡ gia đình và tình cảm. Để chống trả lại với những căng thẳng đó, Du Tử Lê đã tìm đến tôn giáo, và điều này giải thích tại sao trong thơ của Lê trong thập niên 90 thường thấm đẫm hình ảnh của Chúa, của Phật:

Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi buồn như phố cũ mưa bay

Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi về thương nỗi nhớ trên tay
(Hạnh phúc buồn)

Trong các nhà thơ có tiếng ở hải ngoại, Du Tử Lê không thuộc loại nhà thơ viết những bài thơ thuận nhĩ, hay những bài văn vần dễ thuộc lòng. Lê không muốn làm nô lệ trong trí nhớ của người khác, hay làm kẻ tù cho chữ nghĩa của chính mình. Thực vậy, thơ của Du Tử Lê thường là những bài mà trong đó những câu chữ bị ngắt giữa chừng bằng dấu phẩy, dấu chấm, dấu hỏi, thậm chí dấu gạch chéo “/” trong bàn phím máy điện toán:

Chim soải cánh rớt tiếng về Nam hải
Núi phân thân. Từng ngọn. Đứng. Im lìm.
(Viện cớ, phổ từ bài thơ: Chim soải cánh rớt tiếng về Nam hải)

hay

Dung nhan ai lạnh trong chiều ấm?
Ta thấy ta trong lối tuyệt. Mù.
(Ta tiếc thiên đàng sớm lập xong)

Kỹ thuật ngắt câu/chữ này của Du Tử Lê từng bị chỉ trích nhiều, nhưng theo tôi, những câu thơ ngắt của Lê mang lại cho người đọc một cảm giác đột ngột, hụt hẫng, nhức nhối, và đau thắt. Chẳng hạn cách dùng dấu chấm trong câu “Núi phân thân. Từng ngọn. Đứng. Im lìm.” có tác dụng kịch tính- hóa câu thơ, làm cho nó đi ngược lại với tự nhiên, thắt lại cái đà êm ả bằng một cái “thắng” đột ngột. Nhưng hai chữ cuối cùng (im lìm) đều là hai chữ mang phụ âm vang và nguyên âm bổng, và vì thế nó để lại trong người nghe một tiếng ngân vang. Theo tôi, bài hát này (Viện cớ) được nhạc sĩ Nguyễn Linh Quang soạn rất thành công, vì nó để lại một lắng đọng trong người nghe.

Cách thức ngắt câu dựa vào âm điệu của tiếng Việt còn là một biểu hiện cho nỗ lực cách tân thơ ca của Du Tử Lê. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng thừa nhận công lao của Lê: “Đóng góp của ông, về phương diện này (lục bát) không thể không công nhận.” Dù thi sĩ sáng tạo thời nào cũng có một phương cách riêng để làm mới thơ, nhưng ở Du Tử Lê, ý thức cách mạng này tỏ ra triệt để trong mọi lúc, ở mọi nơi. Không những ngắt câu, mà ngay cả cách in ấn chữ thấp, chữ cao, chữ đậm, chữ thường, cũng nhằm đem lại cho người đọc những bất ngờ thú vị. Có thể mượn câu nói của Chế Lan Viên để nói về Du Tử Lê, “vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước”.

Ngoài những cái ngắt quãng, thơ của Du Tử Lê cũng ... khác thường. “Khác thường” là vì trong thơ của Lê, người ta thấy những bài mà từ ngữ cứ lơ lửng và chập chờn giữa cái thế giới phấn son - gọt đẽo của thơ và cái thế giới tự nhiên của văn xuôi. Điều tôi thích ở Du Tử Lê là thơ của ông không réo rắt bằng sáo ngữ mà người đọc phải rùng rợn da gà, hay gượng ép theo kiểu “cải lương” như người ta thấy nhan nhản trong các nhà thơ ngày nay, mà là những bài thơ gần gũi, thanh thoát. Du Tử Lê viết một cách hồn nhiên, và nếu mới đọc qua người đọc có cảm giác như là một câu trò chuyện hàng ngày: “Hà Đông / Nơi mẹ tôi sinh ra, và lớn lên / Rồi theo chồng đi miết.” Có thể nói rằng những bài thơ của Du Tử Lê, dù là thơ lục bát, với những cách ngắt nhịp mới lạ, là những bài nửa văn xuôi, nửa văn vần. Không những bị ngắt quãng một cách cố ý (dĩ nhiên), mà ý tưởng trong thơ của Du Tử Lê cũng thường ngổn ngang, có khi rất khó hiểu (như Nhớ em. Hạt bụi. Đời hư vô. Còn tương tư”), thậm chí đối với một vài người, vô nghĩa:

Chẻ đôi tâm thất: kênh, mương cạn
Hương tóc truy tầm vai thất tung
Tưởng ai oán khuất vừa quay gót
Xương, thịt, đời sau, máu rất buồn
Chẻ đôi con gió: cây ly, biệt
Tim chấn thương cùng môi tháng, năm
Phạt ngang ký ức, rừng thao thiết
Dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn
(Dòng suối trăm năm).

Nếu hiểu thơ là cái gì chưa từng được nói, hoặc được nghe (theo Octavio Paz), thì những vần thơ trên đây quả là “thơ”. Trong một bài viết trước, tôi có trích lại một bài thơ trước đây của nhà thơ (Một vừng trăng đã khuyết) cũng mang những ý tưởng lạ lùng ấy: Tôi bổ dọc đầu tôi / thấy một người tháo chạy / thao thiết hạt mưa rơi / đầu nguồn, ai đứng khóc. Những vần thơ có tính thoát ly thực tại để đi đến cõi siêu hình. Trong “Du Tử Lê: Tôi, ấu thơ và, mẹ”, tác giả giải thích:

“Tôi muốn nhân cách hóa “đêm” như một lữ hành luống tuổi, ‘quấn khăn,’ đi ngược lộ trình quá khứ, tìm, kiếm lại tuổi thơ mình. Tôi nói, xa hơn, trong thơ, ngoài nhân cách hóa, người ta còn có thể cụ thể hóa, sinh động hóa … như tôi cụ thể hóa ‘sông, núi,’ tức nước non, tức quê hương, tức tổ quốc mình, như một vật có thể sờ mó, mang vác… Và tôi ‘chẻ đôi’ nó. Để làm gì? Để thấy đất nước mình bất hạnh. Để thấy tổ quốc ta, còn lầm than, đồng bào ta, còn tuyệt vọng … Như sự lầm than, tuyệt vọng của con kênh, con lạch khô cạn nước vậy…” (trang 126).

Tại sao những bài thơ với ý tưởng khó hiểu, nửa văn xuôi, nửa văn vần ấy lại hấp dẫn các nhạc sĩ và người yêu nhạc? Tất nhiên, kỹ năng và khả năng của người nhạc sĩ chuyển hóa từ thơ sang nhạc đóng một vai trò quan trọng để làm thành một bản nhạc hay, đem đến cho người nghe một ấn tượng đẹp. Nhưng một đặc điểm chung của những bài thơ-ca của Lê là chúng được phổ thành nhạc một cách trung thực. Thật vậy, ngoại trừ Nhạc sĩ Phạm Duy, người thường láy lót lời thơ theo dân ca một cách tài tình, các nhạc sĩ khác hầu như dùng nguyên si lời thơ. Vậy mà kết quả vẫn là những bài nhạc dễ gây ấn tượng trong người nghe. Thành ra, ngoài cấu trúc nhạc ra, tôi nghĩ còn có vài lý do khác liên quan đến sự phân phối từ ngữ trong thơ và sự đồng cảm giữa người nghe và thơ của Lê.

Về từ ngữ, hãy lấy bài Dòng suối trăm năm, một bài tôi rất ưng ý, ra làm ví dụ. Thoạt đầu, đọc bài thơ trước khi nghe Trần Duy Đức phổ thành nhạc, lời đã khó hiểu, tôi lại chẳng thấy cái “chất nhạc” ở đâu! Nhưng đọc đi đọc lại, tôi cảm thấy cách sắp xếp từ ngữ tưởng như là “gồ ghề” ấy của Lê rất ý nhị. Đọc kỹ bốn đoạn thơ chính trong bài (Chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt / Đêm quấn khăn vào sâu ấu thơ / chẻ đôi thân thế: mù tăm tích / Ta nghĩa trang nào? - chôn, cất nhau) theo thanh bằng (b) và trắc (t):

t b b t / b b t
b t b b / b t b

và lặp lại:

t b b t / b b t
b t b b / b t b

Người ta sẽ thấy sự phân phối âm thanh không phải ngẫu nhiên, mà rất có hệ thống, và cách ngắt câu câu trước (b b t) và câu sau (b t b) tạo nên một dãy âm thanh trầm bổng liên tục. Câu thứ hai được kết thúc bằng thanh bằng như để lại âm vang ngân nga, hứa hẹn với người nghe một dãy âm thanh mới. Tính chung bài hát, chỉ 72 chữ mà có đến 42 (hay 58%) chữ là thanh bằng, nhưng chúng được thay đổi một cách tuần tự, làm cho một đoạn nhạc khá êm dịu. Nhưng không yên tĩnh. Chẳng hạn như trong câu Chẻ đôi sông núi, Chẻ đôi tâm thất, và Chẻ đôi con gió, khoảng cách thanh điệu giữa sông và núi, giữa con và gió, và giữa tâm và thất (tất cả đều cách nhau bằng thanh bằng và trắc) tương đối cao, làm cho người nghe vừa tĩnh lại phải động, không được ngừng nghỉ, phải đón chờ một cái gì bất trắc ... Có lẽ vì thế mà bài thơ có một sức lôi cuốn rất cao khi được chuyển thành một ca khúc. Tôi nghĩ rằng bài thơ này đã được Trần Duy Đức nhạc hóa cực kỳ thành công.

Nhưng trong ca khúc Hạnh phúc buồn (mà Hoàng Thanh Tâm phổ thành nhạc một cách trung thực, hầu như không thay đổi một lời thơ nào), người thưởng thức sẽ nghe càng nhiều thanh bằng (62%) hơn thanh trắc (38%), và cách sắp xếp thanh âm cũng rất hệ thống. Hai đoạn đầu của bài hát là những câu thơ 7 chữ:

Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi buồn như phố cũ mưa bay
Bàn chân từng ngón ngưng không thở
Lạc mất đường đi tạnh dấu bày
Hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
Tôi gầy như phiến lá trên cây
Gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
Thiên đường tôi đây là người hay ai

Mà trong đó, mỗi đoạn, hai câu đầu tuân theo “luật” phân phối 4b + 3t, 5b + 2t; nhưng đến câu 3 và 4 thì số lượng thanh bằng cao hẳn lên, nhất là đoạn 2, câu 4 chỉ toàn thanh bằng. Có lẽ đây là một sự cố ý để cho đoạn nhạc có tính tạm ngừng, trước khi vào đoạn điệp khúc. Thực vậy, đến đoạn điệp khúc, tác giả bắt đầu dùng nhiều chữ có thanh trắc hơn, tiết tấu cũng cao hơn và dồn dập hơn hai đoạn đầu, và câu thơ cũng chuyển từ 7 thành 8 chữ:

Sông chẳng thể không trôi về biển lớn
Người bên bờ buông tóc thả cho mây
Nên suốt kiếp tôi vẫn là đứa trẻ
Buồn, vui theo chiếc kẹo ở tay người

Trong bốn câu với 32 chữ này, có đến 15 chữ (hay 47%) là thanh trắc (so với 32% trong hai đoạn đầu)! Đến đoạn cuối (Hỏi gió đi rồi em sẽ hay / Tôi chờ em đến thắp đêm vui / Có đêm nhìn xuống bàn tay lạnh / Và chỗ em ngồi đã bỏ không), thanh âm lại quay về luật phân phối của hai đoạn đầu, làm cho người nghe có cảm giác ngừng nghỉ. Nhưng cả hai chữ cuối cùng (lạnh và không) đều là phụ âm vang, làm cho câu hát có tính ngân nga. Vì lời nhạc và lời thơ không khác nhau, cộng với giai điệu đơn giản, và lời thơ hết sức tha thiết, khẩn cầu, người ca sĩ (Quốc Việt) hát bài này trở thành người đọc (không phải ngâm) thơ, một cách đọc thơ độc đáo!

Trong thơ của Du Tử Lê, người đọc thường thấy những cái “tôi”. Cái tôi không quá thân mật, hay tình tứ như cái “anh”, mà cũng không quá khí phách như cái “ta”. Chỉ chân thật, và vừa phải. Trong thơ của Lê những cái “ôi”, “a”, “ơi”, “hỡi”, “ơ hờ” [đã tràn ngập thơ Việt Nam cả thế kỷ qua] hầu như vắng bóng. Tôi cho rằng đây cũng là một đặc điểm làm cho thơ của Du Tử Lê hấp dẫn và hợp thời với thanh niên thuộc hậu thế kỷ 20. Một phần cũng vì ít dùng, hay thậm chí không dùng, sáo ngữ, nên Du Tử Lê là thi sĩ của những cái bình thường xảy ra hàng ngay, và nói những lời nói của những con người bình thường đích thực. Một lần ghé quán cà phê, một lần chờ tàu ở sân bay, một chuyến đi chơi cùng bạn bè … cũng được Lê thi vị hóa thành những bài thơ ngắn, và có khi rất đẹp. Không những Lê nói những điều bình thường, mà cách nói cũng cực kỳ bình dị. Thực vậy, trong thơ của Lê, người ta sẽ không tìm được những gót lãng du, phong trần, em gái hậu phương, phận lạc loài, v.v. mà là những lời thơ như lời nói hàng ngày.

Du Tử Lê cũng không cố tạo ra những câu châm ngôn để đời, mà có thể chỉ là những ý nghĩ rời rạc, vẩn vơ, mờ nhạt, chập chờn, nhưng lại có sức hấp dẫn cao. Chẳng hạn như trong Cõi mẹ về, Lê viết những câu mà thoạt nghe qua như những câu nói hàng ngày: “… Nơi mẹ tôi sinh ra, và lớn lên / Rồi theo chồng đi miết”. Hai chữ “Đi miết” nghe gần gũi làm sao! Và với một bằng, một trắc, nó cũng rất “nhạc”. Hai chữ “Đi miết” nói lên một câu chuyện chia lìa chưa đến hồi kết thúc, và để lại trong tiềm thức người nghe một cảm giác ngân nga ... Một câu thơ cực kỳ văn xuôi mà hóa ra lại có sức kích thích người nghe như “Có nàng áo đỏ đi qua đấy / Hương động ba ngày hương chửa tan” (Nguyễn Bính).

Người ta thường hay ví von rằng thơ tình của Nguyễn Bính là những câu nói của những chàng nông dân đi chân đất, thơ tình của Xuân Diệu dành cho những chàng trai thị thành. Dùng cách nói đó, tôi đoán ta có thể nói Du Tử Lê là người phát ngôn tình yêu cho những chàng Việt ở hải ngoại, của những chàng trai cực kỳ ga-lăng. Khi em lạnh, tôi biến thành ngọn lửa / Khi em viết, tôi biến thành giấy mực / Khi em ngủ, tôi biến thành chiếc gối / Khi em đọc, tôi biến thành chữ viết / Khi em khóc, tôi biến thành nước mắt… (Hiến chương tình yêu). Tức là, chàng sẽ dùng tất cả khả năng sẵn có của mình để làm cho nàng cảm thấy êm ấm, và an ủi. Những yếu tố và đặc điểm trên đây làm cho người đọc / nghe cảm thấy gần gũi với thơ của Lê. Đó là lý do mà tôi tạm gọi là lý do “Đồng cảm” hay “Thông cảm”. Du Tử Lê từng tâm sự là thi sĩ không có một tuổi thơ hạnh phúc: “Tôi không có một tuổi thơ bình thường, như những đứa trẻ cùng thời, (mà,) cả một thơ ấu, một niên thiếu tôi đã trôi theo nước mắt mẹ tôi. Lộ trình tuổi thơ tôi là ‘Lộ trình nước mắt’… Nói cách khác, trước sau gì, ký ức tôi, cũng vẫn là ký ức của một kẻ tật nguyền. Ký ức của một kẻ khôn thoát khỏi cái lộ trình nước mắt của chính hắn.”

Ai trong chúng ta, những người đã từng lớn lên trong thời chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, mà có hạnh phúc tuổi thơ trọn vẹn. Chính vì thế, mà khi Lê viết “Nên suốt kiếp tôi vẫn là đứa trẻ / Buồn vui theo chiếc kẹo ở tay người” (Hạnh phúc buồn), hay “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / Đư øng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi / Những năm trước bao người ngon miệng cá / Thì sá gì thêm một xác cong queo. (Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển), người nghe cảm thấy như nhà thơ đang nói dùm cho chính mình. Thơ của Lê đã đi vào ngôn ngữ đối thoại hàng ngày. Những câu nói như Ở chỗ nhân gian không thể hiểu, Đi với về cùng một nghĩa như nhau, hay

Tôi xa người như xa núi sông…đã đi vào quần chúng tự thuở nào mà có khi người nói không biết chúng là những câu thơ! Ở đây, tôi muốn mượn lời của Nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn để nói là nếu trong lịch sử trầm luân của nó, văn chương được hòa nhập vào cộng đồng như thế thì thi ca của Du Tử Lê ắt phải đúng là lên ngôi. Du Tử Lê đã trở thành thư ký của một thời đại.

Tóm lại, sự xuất hiện của K. khúc của Lê 2, cùng với tác phẩm trước đó, K. khúc của Lê, đã đem lại một luồng gió mới cho vườn tân nhạc Việt hải ngoại hiện nay, vì những bài tình ca của Lê vượt ra khỏi cái không gian âm thanh đơn điệu đã và đang được kết tụ bằng những bài hát ảo não, tủn mủn, cốt ru ngủ hơn là đánh thức và thách thức, tâm trí người nghe. Những ai đang tìm nơi lánh khỏi cái thế giới âm thanh ồn ào, chát chúa, và vô duyên sẽ tìm thấy trong những bài tình ca của Du Tử Lê một nơi tỵ nạn an lành, nơi mà họ có thể khẳng định cái trữ tình của mình, của người Việt, với những ngôn từ và nhịp điệu có thần.

Hỏi chúa đi, rồi em sẽ hay…

Nguyễn Văn Tuấn
Sydney, Tháng Năm, 2001.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7738)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8343)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30531)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19612)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19110)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16791)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24314)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31736)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,