Một Thoáng Buâng Khuâng Với Thơ Du Tử Lê

04 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 5228)
Một Thoáng Buâng Khuâng Với Thơ Du Tử Lê

Ai mà chẳng có những lúc bâng khuâng lần đầu tiên nghe và cảm được tiếng chim hót, hay nhìn với vẻ ngất ngây những lớp sóng biển đuổi nhau, tạt nước reo vui. Những giây phút này đến thật bất ngờ, rất giản đơn, tinh ròng.

Truyện kể về một đệ tử hay thắc mắc nhiều điều về Thương Đế, cứ thích hỏi tới hỏi lui, mãi mới được sư phụ trả lời:

“Thượng Đế là đấng Vô Danh và không thể hiểu thấu. Tất cả những định nghĩa về ngài, cũng như những giải đáp cho các vấn nạn của chúng con về Thượng Đế đều chỉ là những sự bóp méo chân lý.” Đệ tử bối rối hỏi tiếp: “Nhưng tại sao Thầy lại hay nói đến Thượng Đế?”

Vị sư phụ đáp:

“Chúng con có biết tại sao chim nó hót không? Chim hót không phải vì nó muốn tuyên bố một điều gì, nhưng vì nó có một bài ca để hát. Lời của một học giả cần phải được thấu hiểu. Lời giáo huấn của vi tôn sư không cần phải được hiểu, nhưng cần phải biết lắng nghe, như người ta lắng nghe tiếng gió thổi rì rào qua ngọn cây kẽ lá, tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim hót líu lo. Nó gợi lên trong lòng một tâm tình nào đó, vượt khỏi mọi tầm hiểu biết.”

TẬP LÀM ĐỨA TRẺ NGHE CHIM HÓT

Thú thực là tôi chưa bao giờ dám đọc thơ Du Tử Lê một lèo từ đầu đến hết sách cả. Sợ phải làm người lớn dùng đầu lắm. Mà phải dùng đầu để đọc thơ thì thơ sẽ mất đi chất rung động tự thân. Và cũng không bao giờ lại dám “bình luận thơ Du Tử Lê”! Vì tôi đã nghe chuyện có lần một người bạn của Beethoven thích thú nghe Beethoven chơi dương cầm bản Sonata, thì hỏi bài này có nghĩa gì? Beethoven không trả lời, mà lẳng lặng đánh bài Sonata lại từ đầu. Thì ra tôi chỉ dám tập đọc thơ như đứa trẻ nghe chim hót với vẻ sửng sốt ngây thơ hút hồn. Thế thôi.

Năm 1981 khi tái bản Thơ Du Tử Lê 1967-1972 tại Mỹ, anh có gửi tặng cho tôi một bản đọc chơi. Tôi để đó, lâu lâu đưa một bài ra nhâm nhi, trong những lúc vắng lặng, rất tình cờ. Thì cũng mong tìm “khởi đi từ những rung động thực tại hay quá khứ...làm cho cuộc đời ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn,” như lời tựa của anh trong lần tái bản. Mà quả thực, một thoáng bâng khuâng với “khúc thụy du” đến thật bất chợt:

như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời.
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bày quạ rỉa xác người...

ĐẾN CẢ SÂN CHƠI CŨNG BẨN RỒI

Kể ra thì cũng lạ, tôi bị thơ Du Tử lay động thường rất tình cờ mà rất đúng lúc. Năm 1993 đang đọc truyện ngắn Cánh Vạc Lưng Trời của Phan Lạc Tiếp trên báo Ngày Nay, thì tôi lại thấy Du Tử Lê hiện hình “khởi đi từ những rung động.” Phan Lạc Tiếp diễn lên nỗi bâng khuâng của con người xa xưa như Cánh Vạc Lưng Trời: “Gió lạnh lùa vào ngón tay. Tôi kéo cao cổ áo và nhìn lên trời cao. Giữa cái mênh mông đen thẳm ấy có nhiều cánh vạc êm ả sải cánh bay thấp thoáng trên lưng chừng trời. Ôi những cánh chim miệt mài bay mãi về đâu! Người đàn bà, mẹ của cô gái nhỏ, xuất thân từ đồng ruộng miền Nam Việt Nam, trôi nổi, truân chuyên, rồi sẽ đi về đâu? Rồi cô bé nữa?”

Phải đấy. Tâm trạng trên chẳng phải là tâm trạng của nhiều người ly hương là gì? Hình như mình đang theo cánh chim mẹ bay về núi hay theo cha xuống biển vượt biên?! Bay trong không gian mộng mị hay bay ngược thời gian: “Trở về thời hồng hoang của dân tộc. Tổ tiên của chúng ta đã theo dấu bày chim, lấy chân mây làm chỗ hẹn, vượt bao núi non, ghềnh thác, đến định cư ở châu thổ sông Hồng từ mười ngàn năm, tự trăm ngàn năm trước... Bỗng nhiên bao nhiêu cây phong vàng, cây dương trắng, cả khu rừng thu Gia Nã Đại cũng biến mất. Trước mắt tôi, chỉ là hình bóng lũy tre xào xạc, vườn lá chuối xanh tơ, và hàng dừa lả lơi trên đồng lúa dậy thì xanh mơn mởn.” Đỗ Quý Toàn đã diễn tâm trạng đó thành lời văn như vậy. Phạm Duy đã diễn ra bằng dấu nhạc trong Bầy Chim Bỏ Xư.ù Biết đâu mình lại chỉ có thể diễn ra bằng chén rượu tiêu sầu hay bằng những phóng rọi qua những hoạt động khua múa!

Du Tử Lê trong bài Lưu Vong Khúc đã diễn tả cái cánh mỏi khi làm “nhân chứng” cảnh đổi đời:

chính vì tan tác nên nhăng nhố
đến cả sân chơi cũng bẩn rồi
cố mà chơi nốt trò chơi dở
đến lúc đi thì đi thảnh thơi
bạn nói chi thêm về mối nhục
ta hiểu vô cùng chuyện áo cơm,
mặc ai khất thực mà vênh váo
luýnh quýnh canh thừa, ngố chợ đông...
trời đất thực ra nào có tội
ta buồn ta chửi đổng cho vui... (1)

NGƯỜI VỀ DỰNG LẠI HOANG LIÊU

Thơ Du Tử Lê thường mang đến cho tôi những ray rứt, những khoảng trống mênh mang. Mới nhìn thì có vẻ bi quan, u ám, gợi lên một cái gì bất ổn. Nhưng nhìn kỹ hơn, thì lại thấy dội lên những tiếng sóng. Từ trong đáy lòng hình ảnh một dòng sông bỗng hiện lên, có tiếng vọng đâu đây về một tiễn biệt cái cũ, cái bất ổn, và chào đón dòng nước mới, bến đậu vĩnh hằng. Đó là tiếng na ná như trong Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Tam Quốc Chí là bộ truyện lịch sử tầu rất hấp dẫn với cả ngàn trận đánh lẫy lừng như trận Xích Bích, với những quân sư giỏi như Khổng Minh, với những tay gian hùng như Tào Tháo. Ai là người khôn ngoan, ai là kẻ xảo quyệt? Ai thắng ai thua? Nhưng đọc Tam Quốc Chí thực ra chẳng phải để xem những chuyện như vậy, mà để thấy được cái nhìn về cuộc đời mà người viết đã tóm gọn trong một câu hát theo điệu Tây Giang Nguyệt ở ngay đầu sách:

Sông dài cuồn cuộn về đông
sóng vùi gió dập anh hùng còn đâu
được thua phải quấy tranh nhau
xôn xao mấy chốc ngoảnh đầu thành công.

Như vậy là “khởi đi từ những rung động” cũng là khởi về trong một lộ trình dài mà chỗ kết thúc lại là chỗ khởi đầu, như Du Tử Lê vẽ lên bản đồ trong bài lục bát sau tám năm cho người về:

người về mưa động trong mây
mừng tôi như thể ngày gầy nắng mưa
người về chân bước trong thơ
tháng năm tận tuyệt đủ chưa oán cừu
người về dựng lại hoang liêu
trong đôi mắt lớn đã nhiều mộ bia... (2)

HOA NÀO TIN QUẢ ĐẮNG ĐẾN KHÔNG NGỜ!

Mình đang đứng ở chỗ nào trong vũ trụ nhỉ? Ở Saigòn hay ở New Orleans, ở trái đất hay ở hỏa tinh, thế đứng chủ tịch hay phu đổ rác? Ở nhà sang hay trong xóm nghèo... Dẫu đứng chỗ nào thì vẫn thấy có gì hụt hẫng, vẫn chưa phải là chỗ đứng yên. Nhìn từ phi thuyền về trái đất mình thấy sao mọi sự bỗng trở nên nhỏ bé một cách tội nghiệp.

Mà trái đất cũng là một phi thuyền đang bay vào khoảng trống vô biên, đang chuyển vào ngàn năm mới. Nhìn lại lịch sử con người từ cái ngày còn ở trong hốc đá, cho đến khi biết mặc quần jean, mấy ngàn năm tưởng như một nháy mắt. Những thành quả, những phát minh, những lập thuyết, những “đỉnh cao trí tuệ loài người,” những đền đài lăng tẩm, những bon chen đập đánh, những kinh tế thị trường hay quốc doanh, những vênh mặt tự hào về trí lực con người, những con tầu vĩ đại như Titanic... tất cả bỗng chốc thành chuyện nhảm nhí.

Cuối một thế kỷ, cuối một ngàn năm, cuối một vòng xoay của chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, loài người ngồi tính sổ, rốt cục rồi cũng phải buông một câu như tiếng thở dài với Du Tử Lê: hoa nào tin quả đắng đến không ngờ! Mây chữ ngắn gọn mà có sức mạnh như một công án, san bình địa tất cả để ra một khoảng trống. Giữa những đầy đặc ngột ngạt mà có được một khoảng trống thì cần thiết biết chừng nào. Cái khoảng trống mà nhà tiên tri thời đại là Kahlil Gibran hé trong cuốn Tiên Tri (The Prophet): “Hãy để giữa lòng bạn một khoảng trống cho gió trời có thể nhẩy múa thênh thang.”

Tôi muốn ngồi tĩnh lặng nhặt lấy một câu công án qua lời thơ Du Tử Lê như cây gậy thiền sư gõ vào cái đầu loạn tưởng, làm vang lên vài tiếng lênh kênh dội vào tâm thức:

mây kiệt sức kéo chiều lên đỉnh núi
mặt trời rơi, hẫng, nhớ nhung /đen/
cát xúc động xô sông về /mắt /cuối/
sóng lênh đênh /oải/ muộn/ lãng quên, quen.
dẫu điểm đứng chỗ nào trong vũ trụ
em cách gì một lúc: -ở hai nơi
chỉ tôi biết: - tôi vô cùng loãng, nhẹ
sống phân thân từng miểng /vụn / hôi/ mùi
búp nghi hoặc: - có chăng đời lá: chết!
hoa nào tin quả đắng đến không ngờ... (3)

Đúng vậy. Dẫu điểm đứng ở chỗ nào trong vũ trụ, thì “tôi” vẫn đang đi tìm “tôi”, cái phân thân từng miểng /vụn / hôi / mùi đi tìm cái toàn mãn, cái hữu hạn đi tìm cái vô hạn. Dẫu điểm đứng chỗ nào thì cũng thấy mình phải khởi đi vào cuộc chuyển biến từ cái tôi nhỏ nhen tù túng mà hòa nhập cái Ta đại thể vô biên. Hay nói theo kiểu nét văn hóa người mình: cái vuông đi tìm cái tròn để có thể tròn đầy sung mãn, mẹ tròn con vuông. Đây là cuộc hành trình “tìm về quê nhà đã mất”, nối lại được cái cuống nhau từ bụng “mẹ” đã một lần từ giã. Quê mẹ đây có thể là chính người mẹ sinh ra mình, mà cũng có thể là quê hương hằng thể, vượt không gian và thời gian, vượt bờ sinh tử. Niềm khao khát tìm về này như phảng phất tâm tình đầy chất đạo trong ca dao Việt: Chiều chiều ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

MỘT CHIẾC THUYỀN CON

Thơ Du Tử Lê chốc chốc gợi lên trong tôi một dòng sông vắng với câu chuyện một chiếc thuyền con. Nó cho tôi một thoáng bâng khuâng vô cùng hạnh phúc, nối được vào quê mẹ trong tâm tưởng. Như truyện kể về một người đứng trước bức vẽ cảnh núi sông, say mê hút hồn chẳng còn để ý gì những náo động chung quanh. Bỗng ông ta lẩm bẩm: “Giá ta có được chiếc thuyền con, để trở lại thăm nơi quê cũ”. Gần đấy có vị lão trượng tướng mạo khác thường, tiên phong đạo cốt, từ từ bước lại gần, trên tay cầm một chiếc lá trúc gắn vào bức họa. Người xem tranh chăm chú nhìn vào chiếc lá, bỗng thấy mình ngồi trên chiếc thuyền con, cuốn theo sông nước bồng bềnh; nét mặt thay đổi lúc muộn phiền khi vui sướng; hồi lâu sực tỉnh, như vừa đi xa trở về; quay nhìn người lão trượng cúi đầu mà nói: “Tiên sinh đã giúp tôi trở lại thăm lại quê xưa làng cũ. Tôi xin hết lòng đa tạ.” Với những ray rứt “hoa nào tin quả đắng đến không ngờ,” với tiếng “chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm”, với những khoảng trống “dẫu điểm đứng chỗ nào”, với một thoáng bâng khuâng “cố mà chơi nốt trò chơi dở, đến lúc đi thì đi thảnh thơi”, với một chiếc lá trúc gắn thêm vào, Du Tử Lê đã giúp tôi chợt thấy mình đang ngồi trên một chiếc thuyền con đi trở lại quê xưa làng cũ. Vậy tôi cũng xin hết lòng đa tạ.

LM TRẦN CAO TƯỜNG.

(Trích: Du Tử Lê: Tác Giả & Tác Phẩm, tập III. Đã phát hành. Xin gọi Nhà Văn Nghệ (714) 527-5761

(1) Đi Với Về Cũng Một Nghĩa, Như Nhau, Tủ sách Nhân Chứng, Calif., 1991. (GCCNXB)
(2) Thơ Du Tử Lê 1967-1972, Tủ sách Nhân Chứng, tái bản tại Hoa Kỳ, 1983. (GCCNXB)
(3) Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi, Tủ sách Nhân Chứng,

Calif., 1997. (GCCNXB)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9172)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19179)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7898)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30716)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,