O Mơ

05 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 3298)
O Mơ

Trong đời mỗi người, ai không một lần nói với nhau những câu chuyện khởi đầu bằng hai tiếng: “Hồi đó…” Giới nào, giai cấp nào cũng có chuyện: “Hồi đó…” để mà kể mỗi khi có bạn bè, bà con tụ lại dù bất cứ nơi đâu, hay cơ hội nào; từ hành lang của các buổi họp hội cho đến cà phê vỉa hè hoặc tại nơi đám cưới, đám hỏi cho đến sân chùa hoặc nhà thờ. Hễ có có gặp nhau thì không thể thiếu chuyện “hồi đó” được. Tôi đã từng nghe ….”hồi đó ở quân đội với những hình ảnh hào hùng nơi trận địa, những cuộc hành quân đầy gian khổ và hiểm nguy, chen lẫn chuyện vui chơi nơi phố thị, hay những cuộc tình qua mau trong mấy ngày phép. Chuyện “Hồi đó” tôi giữ chức nầy, trách nhiệm nọ. Hồi đó và hồi đó…Nữ phái lại càng có nhiều chuyện “Hồi đó…” hơn – Nó thất tình vì ông Phi công A, cô giáo B. gãy đổ sau hai năm mặn nồng với ông X… “Hồi đó…”

 Hồi đó của tôi thật buồn, với những tháng ngày khốn khó, xót xa trong suốt tuổi thơ, nhưng lại có được tình cảm ngây ngô, trong sáng nơi làng mạc quê mùa, hẻo lánh. Tôi đã cùng lũ trẻ trong làng hồn nhiên, an phận lớn lên trong cảnh đời khắc nghiệt, bằng chén cơm độn ngô khoai. Chúng tôi và dân làng núp nắng che mưa trong những mái tranh xiêu vẹo mục nát. Làng tôi tọa lạc tại hướng đông nam cách xa thành phố Huế mười hai cây số. Trước năm 1945, người lớn kể lại rằng, thời đó làng tôi giàu nhất Tổng, có khoa bảng, có Thất phẩm, Cửu phẩm. Cậu (cha) tôi đã từng giữ chức phó Tổng cho đến khi người mất, năm 1950. Dù vậy người ta vẫn gọi mạ (mẹ ) tôi là bà Phó, bác Phó hay mệ Phó. Lúc ấy tôi mới lên bảy, chưa biết gì nên cứ ngỡ rằng Cậu Mạ tôi tên Phó cho nên khi nói khi đọc có chữ Phó, anh chị em chúng tôi thường nói trại ra thành Pho hay đọc nhỏ đi vì kỵ húy.

 Thế hệ bọn tôi bất hạnh ra đời đúng thời điểm quê hương, làng mạc của tôi bị sa sút đến tận cùng do thiên tai hạn hán – bão lụt triền miên. Dân số chỉ khoảng một trăm năm mươi người trong 40 gia đình. Đầu làng, cuối làng có năm đường hẻm nhỏ còn gọi là kiệt. Bao quanh làng là con đường cái với lũy tre xanh cao vút. Vệ đường là nơi quen thuộc của lũ trẻ, bọn tôi, hàng ngày đi học, hàng giờ rong chơi. Tôi làm sao quên được sau những buổi tan trường, lũy tre đó đã đã cung cấp cho tôi những bó củi cho mẹ tôi nấu cơm. Cũng lũy tre đó tôi đã bẻ được nhiều măng vòi, đem về cho mẹ tôi làm dưa để ăn vào những ngày mưa không nhóm chợ.

 Mức sống của dân làng tôi hầu như ngang nhau. Kiệt 1 và Kiệt 2 được gọi là Xóm Trên thì có khác đôi chút, thay vì trước sân nhà là những luống khoai mì ốm yếu, lêu nghêu thì họ trồng bông cúc, bông thọ và truớc ngõ là giàn bông giấy màu tím, màu đỏ biểu hiện sự giàu có; nhưng thật ra cũng chỉ đủ ăn đủ mặc như nhà ông Ấm, ông Xạ. Vài nhà thì còn có giếng nước riêng và trồng phượng vĩ. Mùa hè đi ngang qua xóm trên thấy phượng nở, ve kêu, chúng tôi tưởng tượng như thành phố Huế xa xôi cũng chỉ vậy thôi. 

Trên con đường cái nầy, hồi chúng tôi cùng học với nhau ở trường tiểu học, hàng ngày tôi và Mơ rảo bước bên nhau lúc tan trường về. Con đường đất đã chứa biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ, hồn nhiên và trong sáng của chúng tôi, dù cho cuộc sống phải trực diện với bao khắc nghiệt ngoài cái nghèo đói, thiếu thốn. Ngay cả cái nhu cầu tối thiểu để chống đỡ với mùa đông lạnh giá chúng tôi cũng không có. Ngược lại đến mùa hạ oi bức thì không thuốc men để chống chữa những bệnh thiên thời. Mọi người hầu như không biết viên thuốc là gì. Đau ốm nặng nhẹ đều chữa trị bằng lá cây như ngải cứu, lá sả, lá chanh v.v. hay chích lể. Dầu hôi cũng là vị thuốc dùng để thoa lên cơ thể với hy vọng chống độc giảm đau. Khi tuyệt vọng thì đốt nhang khấn vái trời đất ban phép nhiệm mầu vào chén tàn nhang, nước lã để cho bệnh nhân uống với niềm tin tuyệt đối. Có người khi cây nhang chưa tàn trên bàn thờ thì đã tắt thở! 

Trở lại với Mơ, tôi nhớ mãi một buổi sáng khi đến chia tay nàng để qua một làng kế cận học nghề may sau khi cả hai chúng tôi đã có bằng tiểu học, Mơ nói:

- Răng đi học nghề rứa? Răng không ráng lên Dinh (Huế) học Đệ Thất, Đệ Lục như thằng Dư, thằng Thìn?

- Thôi, đã tốt nghiệp Tiểu học rồi, rứa cũng đủ chữ nghĩa để ra đời, nhà nghèo tui phải đi học cho có cái nghề còn giúp mạ tui nữa!

- Đã tính rồi thì học cho mau, cho giỏi, mai mốt về mở quán may thì bà con khỏi phải đi xa… mà Thỉ qua bên nớ có nhớ… làng không?

Tôi hiểu ý Mơ muốn hỏi điều gì, nhưng sự ngại ngùng và e thẹn của con gái quê mùa chơn chất như Mơ không thể nói thẳng ra được. Thật ra tôi và Mơ đều có ý nghĩ như nhau, tôi trả lời nàng:

- Tui nhớ Mạ tui, tui nhớ… mấy người chứ làng mình có chi mà nhớ, Thỉ vừa nói vừa thoáng nhìn nét buồn lộ hẳn trên đôi mắt ướt của nàng.

 Hai đứa học chung trường với nhau từ lớp năm đến lớp nhất. Bây giờ Mơ đã 14, tôi 13. Tuy lớn hơn một tuổi nhưng Mơ không cao hơn tôi. Nước da trắng mịn màng. Đặc biệt Mơ có mái tóc dài óng ả, phủ quá lưng. Sau khi xong bậc Tiểu học, Mơ nghỉ ở nhà phụ mẹ bán tạp hóa. Quán hàng đơn sơ, mỗi thứ một ít, từ gạọ đường, muối nước mắm đến các thứ linh tinh như bánh kẹo, kim chỉ cùng nút áo v.v. Trên kệ gỗ còn chưng mấy chai rượu đế, dưới đất vài thùng nhỏ dầu hôi. Khách hàng quanh quẩn cũng chỉ là dân trong xóm. Đôi khi phải bán chịu đợi đến mùa gặt hái mới trả. Nhà tôi cách nhà Mơ vài trăm thước qua 3 cái mương nhỏ. Chúng tôi chơi thân nhau hơn bọn thằng Dư thằng Thìn, thằng Tạ hay bọn con gái đồng trang lứa như O Gạo, O Hơn, O Thẻo dù rằng thường hay chơi chung với nhau vào những đêm trăng tỏ trên bãi cát đình làng. Trai gái chơi chung những trò chơi như nhảy dây, đánh đáo, bán hàng hay đánh ruộng. Tôi và Mơ thường cùng phe với nhau, ít la ó ồn ào. So ra thì hai chúng tôi học cao hơn bọn trẻ đồng trang lứa trong làng. Có đứa học lớp nhì, lớp nhất, chẳng có đứa nào có bằng tiểu học như hai đứa tôi vì chúng đã phải vất vả chuyện đồng áng, chăn trâu cắt cỏ. Tôi và Mơ được các chú trong Ủy Ban Thôn sai bảo giúp sổ sách vì được khen có chữ viết đẹp, cọng trừ nhân chia tiền nông nghiệp, lập biên bản hội họp, viết sổ gia đình rành rọt, vì thế mà cư’ mỗi lần chú Trưởng đội gọi: “Tối nay hai đứa lên Ủy ban mần việc…” Những lúc đó dù gia đình có khó khăn, ngăn cản chúng tôi vẫn kiếm cách đi cho bằng được. Chúng tôi được ngồi bên nhau, ghi ghi chép chép bên nhau với niềm vui tuyệt vời. Có Mơ bên cạnh tôi nắn nót từng chữ thật đẹp và cố làm nhanh để có thì giờ giúp Mơ. Có lần xong việc về sớm, hai chúng tôi đi vòng quanh đường làng. Chúng tôi sánh bước đi dưới bóng trăng mờ ảo, từng bước qua ngõ ngách quen thuộc thật là thần tiên. Chúng tôi đến bãi cát Đình làng, ngồi bên nhau ngắm ánh trăng trải dài trên cát trắng, thủ thỉ với nhau. Hình như chúng tôi chẳng có gì để nói với nhau ngoài chuyện mùa màng, sắn khoai hay chuyện bắt cá, bắt tôm hoặc chuyện hái rau gánh nước… nhưng sao tôi cảm thấy tim tôi đặp mạnh liên hồi…

 Có lúc Mơ thổ lộ rằng - Mơ lo sợ có người biết chuyện hai đứa thân nhau, nhất là thằng Thân con mụ Lọt bán cháo vịt. Mơ nói:

- Mình đi chơi riêng như ri, thằng Thân mà biết được, thế nào cũng bị nó chọc.

- Mơ đừng sợ, mình đi làm việc cho Ủy ban, nếu nó chọc tôi sẽ trình lên chú Trưởng đội! 

Mơ không yên tâm lắm nhưng cũng gật đầu. Mơ cũng muốn có những giây phút bên tôi mặc dù chúng tôi chưa biết tâm tình như các anh chị tuổi mười bảy, mười tám, nhưng riêng tôi, tôi rất mong có những buổi gặp gỡ như hôm nay. Tôi chắc chắn Mơ cũng có niềm ước mơ như tôi vì mỗi lần gặp nhau, Mơ rất là hạnh phúc và tỏ ra bịn rịn khi chúng tôi phải chia tay!!! 

Ở một làng quê hẻo lánh và nghèo khó như làng tôi thì tuổi trẻ chúng tôi, chẳng có gì để giải trí ngoài thú vui hồn nhiên của tuổi thơ. Sách báo thì chẳng bao giờ có, mà nếu có thì người lớn tuổi đọc đến độ nhàu nát mới tới phiên tuổi nhỏ như chúng tôi. Radio thì họa hoằn lễ lạc lớn Xã mới mở cho dân nghe chung. Văn nghệ thì không có chi ngoài những ngày hoàn tất mùa gặt hái với những buổi hò giã gạo hay hò đối đáp của người lớn mà chúng tôi chẳng hiểu được bao nhiêu qua những đêm hò như vậy. 

Dù hai chúng tôi đã hết sức cẩn thận thế mà Thân, cũng đã biết chuyện và đã đặt một bài vè rồi truyền lại cho lũ trẻ trong làng chọc tôi và Mơ. Thân, Mơ và tôi đang học lớp nhất thì cha của Thân mất vì ăn phải nấm độc. Tang ma xong thì Thân phải ở nhà phụ mẹ giết vịt, vặt lông để nấu cháo. Thân còn phải gánh cháo ra đường cái cho mẹ bán. Vì là con một, mụ Lọt rất nuông chiều Thân cho nên Thân rất ngổ ngáo. Thân thường làm vè “Cặp đôi” bày cho bọn chăn trâu hát để phá những người mà nó ghét. Mơ và tôi dù không bị nó ghét những cũng đã là mục tiêu chọc ghẹo của nó.

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè rủ rỉ
Biết chắc thằng Thỉ
Đố với con nào? 
Cả lũ chăn trâu la lớn:
Con Mơ hàng xén…

Tôi và Mơ không khỏi mắc cở khi bọn chúng nó tụ lại hát bài vè do Thân cầm đầu. Tôi cố nén tức giận và tìm cách trả thù. 

Mùa Đông qua và Tết đến cùng với những cơn gió lạnh buốt da cắt thịt dù ngoài kia trời vẫn nắng, cái nắng của những ngày đầu xuân quá dịu không lấn át nổi cái buốt giá của tiết trời mùa đông còn sót lại. 

Nhân ngày đầu Xuân, cả lũ chúng tôi xúng xính và hân hoan với quần áo mới, đầu tóc ngắn gọn cùng người lớn đi cúng đình hay chùa. Có đứa đi guốc không quen phải kẹp nách hay cầm tay. Sau đó chúng tôi theo cha mẹ đi thăm, chúc Tết hàng xóm hay bà con ở những làng lân cận. Dù nghèo đến đâu nhà nhà cũng có xôi thịt, bánh tét và bánh mứt các loại. Đặc biệt trong ba ngày Tết chúng tôi không bị la rầy, dù có lỗi lầm gì cũng được tha thứ. Ai ai cũng hớn hở tươi cười hỏi han nhau như lâu lắm rồi không gặp, nhờ vậy mà họ quên đi những nhọc nhằn lam lũ suốt năm bên nhau. Bọn trẻ chúng tôi cũng tự nhiên đoàn kết, không gây gỗ trêu chọc nhau như ngày thường. Tôi và Thân đánh xì lát bằng bộ bài nhỏ cũ rích, nhờ có trí nhớ tôi đã thắng Thân nhiều ván, bao nhiêu giây thun mà Thân gom nhặt nhiều ngày đều thua sạch, được thể tôi cho Thân đánh thiếu nợ cho đến lúc mụ Lọt gọi nó về thì số nợ mấy trăm sợi thun tôi bắt buộc nó phải trả trong vòng một ngày. Tôi đưa ra điều kiện mà khả năng của Thân không thể nào thực hiện được là cứ mỗi ngày nếu chưa trả đủ số thì nợ tăng gấp đôi. Ít lâu sau Thân nợ tôi cả vốn lẫn lời trên năm vạn sợi thun. Được dịp trả thù Thân về tội đặt vè trêu tôi và Mơ, cứ gặp Thân, bất cứ ở đâu tôi cũng đòi nợ. Tôi biết nó sợ Mụ Lọt đánh về tội bài bạc nên tôi dọa sẽ đến nhà hắn đòi nợ, hắn thường năn nỉ tôi đừng làm thế. Tôi nói:

- Muốn tau không đến nhà mi đòi nợ thì từ rày về sau mi không được đọc bài vè tau với Mơ, tau sẽ trừ cho một vạn, hễ tau nghe mi hoặc bọn chăn trâu đọc nữa tau sẽ tăng thêm một vạn. 

Thân sốt sắng hứa và kể từ đó bài vè đi dần vào lãng quên! Dù vậy số nợ vẫn mỗi ngày một chồng chất. Thân trở nên ngoan ngoãn đối với tôi. Có lần tôi thèm thịt vịt nên bảo nó:

- Mi lấy cho tau cái đầu vịt tau trừ hai vạn

- Được, sáng mai chờ tau gánh cháo qua cổng Đình tau sẽ đưa đầu vịt cho mi 

Cứ như vậy lâu lâu thằng Thân lại dấu Mẹ lấy đầu vịt lận vào lưng quần đùi, hẹn nơi trao cho tôi, có khi thì cái chân vịt khi thì một miếng huyết nhỏ bọc lá chuối cũng được trừ vài vạn sợi thun vậy mà nợ cũng lên tới mấy triệu. Một hôm tôi đi ngang qua nhà Thân, tôi nghe tiếng mắng chửi của mẹ nó – mụ Lọt đã nghi nó ăn vụng vịt làm mụ mất bán cho mối nhậu, Thân đã bị đòn làm lòng tôi xót xa, thương nó vô cùng. 

Ngay sau khi Thân chịu điều kiện thôi không hát vè chế diễu tôi và Mơ thì tôi đã vội vã khoe với Mơ rằng: “Chúng nó sẽ không bao giờ chế diễu Mơ và tôi nữa.” Rồi tôi kể cho Mơ nghe món nợ giây thun của Thân. Mơ khuyên tôi:

- Đừng lấy lời cắt cổ, ác quá, mai sau lấy vợ đẻ con sẽ có tật!

- Vì nó đặt vè, tui mới làm vậy. Tất cả chỉ vì Mơ! 

Mùa xuân bình yên đến với tôi và Mơ, tôi xa làng, xa bạn đi học may cũng gần tám tháng. Quán may của chú Duật cách làng tôi khoảng sáu cây số. Quán của chú chỉ là một cái quán vách nứa lợp tranh, cửa mở ra đường cái ngay ở ngã ba nhà thờ có tháp chuông cao, có sân rộng lát gạch Tàu. Nhà thờ tọa lạc trên mô đất cao, có nhiều tam cấp đi vào thánh đường, trong ấy có nhiều ghế dài đủ chỗ cho vài trăm tín đồ khi đi Lễ mỗi sáng Chủ nhật. Ngày thường cửa nhà thờ đóng kín phíatrước, sân vắng lặng. Cha xứ và bà Xơ ở hai dãy nhà phía sau. Những bậc thềm mát lạnh đó là nơi tôi thường ngồi sau bữa cơm chiều. Tôi ngồi trên bậc thềm cao nhất, mặt hướng về làng với bao nỗi nhớ. Nhìn hàng cây dương liễu con con, ẻo lả uốn mình theo chiều gió. Tôi nhớ Mẹ , nhớ chị, nhớ O Mơ và cả lũ chăn trâu thường phá phách xóm làng. Chỉ sáu cây số sao tôi thấy xa xôi quá. Mỗi lần về nhà là phải chờ ngày lễ, Tết hay giỗ kỵ. 

Chú thợ Duật luôn luôn khó khăn và nghiêm nghị, thường hay nhắc nhở tôi: “Học nghề thì phải chăm chỉ, cần mẫn và kỷ luật”. Ấy vậy mà tám tháng trôi qua tôi chưa hề được cầm cây kim, sợi chỉ cho bài đơm khuy, nút, huống hồ gì đụng đến máy may Singer có bàn đạp. 

Hôm ấy tôi đến nhà thờ sớm hơn mọi khi, chờ cha Xứ cho nghe radio, một Bà Xơ bước ra khỏi phòng thấy tôi một mình mặt buồn xo, lên tiếng hỏi:

- Em ở mô mà ngồi đây sớm vậy?

- Dạ em học may ở nhà chú Duật.

- Em con ai, ở xóm nào trong làng nầy?

- Dạ em không phải dân làng nầy, em là con bà Phó làng Hà Trữ.

Bà Xơ, vui hẳn lên nói:

- Ủa, vậy là em có chị tên Liệu phải không?

- Răng (Sao) Ma Xơ biết? Chị Liệu em ở tận trên Huế!

 Xơ Hiền là bạn của chị tôi thuở còn nhỏ, cùng học và cùng đậu bằng Yếu Lược. Lớn lên mỗi người một ngã. Xơ Hiền biết cả mẹ tôi. Xơ hỏi thăm rất nhiều chuyện. Xơ nhìn tôi đăm chiêu và lộ vẻ cảm thông cho hoàn cảnh của tôi sau biến cố ba tôi mất. Từ hôm đó Xơ Hiền thương tôi lắm, cứ mỗi lần mon men đến nhà thờ nghe radio là người cho tôi một gói nhỏ sữa bột, Xơ ưu tiên cho tôi ngồi trước một đám trẻ ngoan ngoãn nghễnh đầu vểnh tai nghe tiếng nói, tiếng hát phát ra từ chiếc máy radio kỳ diệu. 

Tám tháng trôi qua mà tôi vẫn chưa học được gì của nghề may vì tôi đang ở trong năm thứ nhất phải quét nhà, dọn dẹp, phụ nấu cơm, thỉnh thoảng giữ em bé cho thím Duật đi chợ, công việc thong thả nhất và cũng khó nhất là đi đòi nợ những khách hàng mặc áo gần rách mà tiền công may cũng chưa trả. Năm thứ hai làm khuy nút và chùi rửa máy may! Năm thứ ba học đo cắt và may. Năm thứ tư có thể ra nghề sắm máy riêng. Tôi đã tâm sự cùng Xơ Hiền những năm dài tôi phải trải qua trước khi trở thành chú thợ may, điều khiển được máy may thành thạo. 

Không hiểu Xơ Hiền, thảo luận việc học hành của tôi với mẹ và chị tôi lúc nào mà hôm về thăm nhà nhân ngày giỗ ông nội, mẹ tôi hỏi:

- Con có muốn lên Huế học chữ nữa không?

- Mấy anh ăn học đã khó khăn, thêm con nữa sao chịu được!

- Mạ và chị Liệu đã nói chuyện với Xơ Hiền, Xơ hứa sẽ giúp chỗ ăn và chỗ ở và các phương tiện học hành. Ngoài ra có mạ và các anh chị lo thêm, miễn sao con thích học! 

Gần một năm rong chơi, hôm lên đường đi học nghề, tôi cảm thấy tôi đã trưởng thành, đã bắt đầu biết lo tương lai và công việc của một ông chủ quán may, với bao ước mơ vẽ vời trong trí óc. Từ việc dựng quán may đầu tiên trong làng, đến việc cưới Mơ làm vợ. Hình ảnh hai đứa chiều chiều chở nhau trên xe đạp hiệu Sterling trên đường cái quanh làng, lên chùa xuống chợ. Ôi hạnh phúc biết bao? Tôi muốn từ chối việc học chữ.

- Con lớn rồi vào đệ thất trong lúc lớp bạn của con đã lên đệ lục, đệ ngũ, tôi nói.

- Được Xơ Hiền giúp đỡ, mạ muốn con đi học thêm nữa, bằng Tiểu học thì thấp lắm. Thấy con bấp bênh mạ cũng buồn. Lên Huế con được gần mấy anh chị. Thương mạ con phải đậu Đíp Lôm, Tú Tài mới được.

- Dạ khi nào con đi được? Như vậy là con học nghề dở dang rồi!

Mẹ tôi cười và giải thích cho tôi với tất cả tấm lòng yêu thương, trìu mến:

- Tám tháng học nghề mà con chưa biết cầm kim thì có gì mà dở dang. Ngày mai mạ sẽ qua xin chú Duật cho con nghỉ để đầu hè con đi. Bây giờ chuẩn bị là vừa. 

Thế là đời tôi đã thay đổi, do tình cờ, do buổi gặp gỡ giữa tôi và Xơ Hiền mấy tháng trước đây tại sân nhà thờ. Bây giờ tôi lại phải hình dung và xếp đặt cho tương lai của mình theo chiều hướng mới, ước mơ mới trong hoang mang, lo sợ. Tôi lo sợ vì sắp sửa phải sống và hội nhập vào nếp sống văn minh của kinh thành đô hội. Lòng tôi cũng rộn ràng buồn vui lẫn lộn. Tôi buồn vì nghĩ tới Mơ, tôi sắp sửa xa Mơ, dù đường xe đò cũng chỉ khoảng mười hai cây số nhưng tôi cứ ngỡ như phải rời Mơ để đi lên Huế đường xa vời vợi… 

Chiếc đò khách đi An Cựu có mui che ghé bến sông làng tôi, Xơ Hiền với tôi cùng vài ba người nữa ngồi suốt tám tiếng đồng hồ xuôi giòng Hà Giang. Đến An Cựu thì trời đã sẫm tối, ánh đèn điện tỏa xuống sáng rực trên đường, mắt tôi lửng lơ với cảnh vật lạ, tai nghe lanh lảnh – “Mì khoanh mì xíu mới ra lò” hoặc “Chè đậu xanh đậu ván, bánh tráng chè kê…” v.v. thật là vui tai, người và xe qua lại thật tấp nập dù đây mới chỉ là Phố Hữu Ngạn mà đã ồn ào như vậy, phía bên kia cầu Tràng Tiền thì nhộn nhịp biết bao. Nhìn cảnh nghĩ tới mình, lòng tôi bỗng chùng lại vì lo âu cho cảnh sống mới, và nhớ cảnh sống cũ ở quê nhà. 

Tối hôm qua, trước khi tôi rời làng lên Huế học, Mơ dành cho tôi suốt buổi tối, sau buổi cơm chiều, hai chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi sánh vai nhau đi khắp các con đường trong làng mà lòng buồn rã rượi. Mơ dặn dò tôi đủ thứ, từ việc học, ăn ngủ, đi đứng coi chừng xe điện (xe hơi). Nàng khuyến khích tôi phải ráng cho qua Trung Học Đệ Nhất Cấp. Có khi Mơ nói những chuyện bâng quơ, hàm ý tôi sẽ thay lòng đổi dạ khi tiếp cận với văn minh thị thành mà quên làng mạc, quên đi những kỷ niệm với Mơ – Kỷ niệm những đêm trăng sáng chúng tôi cùng nhau tập hát ở sân Chùa, những khi phụ việc cho văn phòng thôn và nhiều nhiều nữa…

- Thế nào tui cũng học cao, tập lái xe đạp giỏi. Tui sẽ tự đạp xe về thăm Mơ. 

Miên man theo giòng suy tư, Mơ không trả lời thẳng vào điểm tôi tâm tình cùng nàng. Mơ nói:

- Sau nầy học xong Thỉ định làm gì?

- Tôi muốn đi lính, muốn làm Trung sĩ truyền tin, vì sẽ có người theo mang máy có ăng-ten lá lúa oai vô cùng

- Mơ lại muốn Thỉ làm thầy giáo!

- Làm Trung sĩ có quyền hạn, có áo nhà binh mặc đẹp, hơn nữa dễ lấy vợ đẹp như anh Tự của làng mình.

- Trên Huế con gái đẹp, không như ở quê mình! 

Tôi hiểu ý Mơ, và tôi cũng muốn nói điều gì đó cho Mơ hiểu rằng với tôi, Mơ đẹp hơn bất cứ cô nào mà tôi có thể gặp nơi chốn thị thành. Thật ra cả hai chúng tôi không biết chuyển đạt ý tưởng thân thương của mình cho nhau bằng ngôn từ nào trong lúc nầy; khi mà trạng thái lo âu, bịn rịn và sợ hãi đang chập chùng trước mắt. Tim chúng tôi tuy cũng biết giao động, hồi hộp và ngập ngừng nhưng vì chúng tôi trưởng thành bằng bản chất nông thôn non dại, có văn hóa đâu mà tìm được cách diễn đạt cho thanh thỏa lòng mình. 

Cậu học trò nhà quê lạc vào chốn thị thành, hơn bạn đồng lớp đến 2 tuổi, rốt cuộc cũng vượt qua được lớp Đệ Thất. Dù rằng tôi phải chịu đựng biết bao nhiêu là khó khăn, thiếu thốn; ban đêm phải đi bộ hơn một cây số để được anh kế tôi dạy thêm. Anh ấy học đệ tứ và được chị cả nuôi nấng ăn học. Tôi sợ nhất là môn Pháp văn, nhưng rồi cuối năm cũng lên lớp với số điểm cao. 

Ba tháng hè năm đó, tôi quyết tâm học xong chương trình đệ lục. Bỏ trường cũ sang trường mới học lớp đệ ngũ. Từ dạo đó tôi không còn bị bạn bè chế diễu nữa. Tôi vẫn ở trọ nhà anh Phú, anh của Xơ Hiền, công chức sở Công Chánh để dạy kèm cho bé Khôi, học lớp ba. Bé Khôi là đứa con duy nhất của anh Phú, và chị Cẩm thư ký sở Bưu Điện. Trong nhà còn có chị Tâm giúp việc lo cơm nước, chăm nom nhà cửa và đưa đón bé Khôi học ở trường Tiểu học gần nhà. Trừ chị Tâm tôi ăn cơm chung với gia đình anh chị Phú. Ngoài việc dạy kèm và nhắc nhở Bé Khôi học hành trước khi đi ngủ, thỉnh thoảng tôi cũng phụ dọn dẹp trong nhà, lau chùi chiếc mobylette cho anh Phú hoặc tưới cây. 

Đã gần hai năm, nhân ngày Tết Nguyên Đán, tôi mới được về quê ăn Tết với gia đình. Tôi trở lại làng với tâm trạng như đã ra đi lâu lắm. Dáng dấp của một cậu học trò trung học thành phố, áo sơ mi trắng bỏ vào quần kaki dài mầu xanh, thắt lưng da, đầu đội nón cối trắng, chân đi dày Ba ta vải có dây cột thắt nơ, tay khệ nệ ôm chiếc cạc táp da cũ của anh Phú đựng những thứ như: áo quần, sách vở, quà bánh và cuốn tự điển Pháp Việt dày cộm cho có vẻ người học hành quan trọng 

Ngoài niềm vui đoàn tụ với Mẹ và chị, tôi nóng lòng được gặp thăm Mơ. Bọn trẻ trong làng xôn xao tin tôi về ăn Tết, Mơ biết, nhưng tôi không thấy Mơ đi gánh nước qua nhà như những năm về trước. Tôi nghĩ rằng Mơ cũng đang chờ mong gặp tôi, vì vậy tôi tìm đến quán hàng để gặp nàng. 

Sáng hôm ấy, ngày cuối đông, không mưa nhưng tiết trời khá lạnh giá. Tôi ăn mặc chỉnh tề, áo nỉ lạnh có phẹc ma tuya, tay cầm gói quà dành cho Mơ, bọc giấy kiếng màu xanh, ngoài gói kẹo Nouga, cây bút bi có nút bấm lên xuống, tôi còn tặng Mơ một kẹp tóc có đính 2 cánh bướm mầu vàng bằng nhựa, tất cả tôi mua từ chợ Đông Ba từng món chuẩn bị từ hơn ba tháng trước. Tôi đến quán thăm Mơ một cách tự tin. Thấy tôi vào đầu ngõ, Mơ vội đưa tay vuốt tóc, hất nhẹ ra phía sau lưng. Tôi thấy Mơ lớn hơn và đẹp mặn mà, đúng dáng dấp của một cô gái tuổi dậy thì “trăng tròn 16”. Mơ cười, nụ cười vừa mừng vừa e thẹn, má Mơ đỏ ửng.

- Mới về à?

- Về chiều hôm qua, răng không thấy Mơ gánh nước giếng buổi chiều nữa?

- Bộ lên Huế quên hết rồi, mùa nầy hứng nước mưa, Mơ cười nhẹ.

Tôi đặt gói quà lên kệ hàng trước mặt Mơ

- Tặng mơ quà Tết của Huế đó! 

Mơ không nói gì, mắt nhìn lơ đãng ra trời xa! Mới gần hai năm mà tôi thấy Mơ thay đổi hẳn. Tóc Mơ dài hơn. Mơ mặc chiếc áo bà ba trắng bó sát người, thân hình nẩy nở, cái nẩy nở tuyệt đẹp của cô thôn nữ làm cho tôi ngẩn ngơ, hồi hộp.

- Chỉ còn mấy ngày nữa Mơ mười bảy tuổi rồi!

- Vẫn còn nhớ tuổi nữa à!

- Gì tôi cũng nhớ, đi xa ngoài nhớ mạ, tôi chỉ còn nhớ Mơ nữa mà thôi!

- Có thiệt không? Hay là ở Huế về nói theo kiểu khác?

- Thề, nếu tui nói khác thì…

- Đừng nói thêm – Mơ ngắt lời tôi như sợ thần linh trừng phạt kẻ nói dối với lời thề! 

Sáng mồng hai Tết, mẹ dặn tôi phải đi theo chúc Tết chú bác họ hàng trong làng, có lẽ mẹ tôi muốn tôi cùng đi để bà con biết rằng – Thằng Thỉ, con út nhà tôi cũng được học trung học trên Huế đó. Đến đâu, gặp ai, họ cũng khen tôi đã đổi khác, khen giỏi. Họ hy vọng vào tương lai tôi biết nói tiếng Tây để mai mốt làm thầy thông ngôn, hoặc thầy giáo học v.v. Khi đi ngang qua nhà Mơ, mẹ Mơ mời chúng tôi vào uống chén trà xuân. Tục lệ ở quê tôi thì hễ sang năm mới mọi xích mích, hờn giận đều rũ sạch trước khi lễ Giao Thừa. Ba ngày Tết gặp nhau ai ai cũng mừng rỡ, chào hỏi và chúc tụng nhau như cả năm chẳng bao giờ gặp mặt. Con cháu dù có lỗi lầm gì cũng tha thứ bỏ qua, không la mắng như ngày thường. Mẹ tôi ngồi trò chuyện trên bộ phảng gỗ trải chiếu hoa còn mới. Trên khay bày biện các loại bánh mứt, người lớn nói chuyện mùa màng, chuyện mua bán còn tôi với Mơ đứng dưới cây trứng cá kể chuyện trong hai năm qua cho nhau nghe. 

Mơ mặc áo sơ mi màu hồng, quần Mỹ A đen bóng. Gương mặt Mơ vui hẳn lên. Tôi với tay hái những trái trứng cá chín hườm đưa cho Mơ. Mơ đòi nghe chuyện của Huế. Thỉ nói:

- Lớp Đệ ngũ của Thỉ có con gái học chung tên Nga, Tên Tuyết tên Nhung, bọn con trai cùng dãy bàn có Hưng, Tuấn và Dũng.

- Trên nớ nhà giàu và văn minh nên tên của họ đều hay cả, Mơ nói.

- Tên hay nhưng học không giỏi lắm, mà tên của Mơ cũng hay lắm chứ! 

Tôi không nhắc đến tên những cô gái cùng lứa như O Gạo, o Hỏn, o Thẻo hay bọn thằng Thân, thằng Tạ cùng đám con trai trong làng…

- Thôi đi, dù gì mình cũng nhà quê, làm sao so sánh với người trên Huế.

- Những ngày ở trên nớ, trừ những lúc đi học lúc nào tui cũng nghĩ đến Mơ, trông cho mau Tết, mau hè về thăm là thỏa lòng lắm

Mơ cúi đầu, mắt nhấp nháy không nói gì.

Tôi tiếp:

- Mơ à, tôi thấy tôi như đã ưa Mơ rồi, ưa từ hồi xa Mơ đi học nghề may cho đến giờ, không biết Mơ có nghĩ như vậy không? 

Mơ lại quay đi chỗ khác, im lặng. Tôi nghe từng tiếng thở dồn dập nơi Mơ. Mơ đón nhận nơi tôi những gì thầm kín khác. Nói được bấy nhiêu tôi như trút được gánh nặng trong lòng. Không hiểu sao tôi mạnh dạn nói với Mơ những điều không dự ước. Nhưng đó là chân tình của cậu học trò nhà quê tuổi mười sáu. Cả hai chúng tôi đều im lặng. Không khí ngột ngạt bao trùm, đúng lúc mẹ tôi đứng dậy cáo từ. Tôi quýnh quáng chỉ kịp nói nhỏ đủ cho Mơ nghe:

- Đầu năm, xin ông bà phù hộ cho cả hai. 

Mối tình đầu chớm nở. Mơ nghiễm nhiên hiện diện trong tim tôi – Mối tình khởi nguồn từ thời thơ ấu. 

Những ngày Tết qua mau, tôi trở lại Huế với lớp học trong nỗi buồn mênh mang, ê chề nỗi nhớ. Sáng mồng sáu tôi đi, Mơ đứng chờ tiễn tôi ở ngã ba đường xuống bến đò, Mơ mặc áo thường, kẹp tóc với chiếc kẹp có đôi cánh bướm màu vàng của tôi tặng hôm nào. Mơ dáng vẻ buồn, chia tay tôi. Mơ không nói tiếng nào, chỉ dúi vào tay tôi một miếng giấy xếp nhỏ rồi vội vàng quay đi vào ngõ làng không quay lại. Tôi chỉ kịp nhìn được đôi mắt long lanh nước mắt vòng quanh – Vậy là Mơ đã khóc, tôi liên tưởng có điều gì bất an. Tôi lặng lẽ mở tờ giấy ra đọc. Nhìn nét chữ nắn nót cẩn thận vỏn vẹn năm chữ ”Mơ cũng ưa rồi đó”. Lòng tôi bỗng rộn ràng. Tim tôi thổn thức, bước xuống đò lòng bâng khuâng, nhìn lũy tre làng xa xa che khuất những mái tranh, tôi nghĩ đến những người thân yêu và Mơ đang buồn. Tôi tự thấy mình đã lớn hơn bởi giòng chữ Mơ cho – Vậy là đã có tình yêu, mặc dù chưa được nghe hay đọc chữ yêu lần nào. Sự trang trải tình cảm thật đơn sơ, mộc mạc. Chữ “Ưa” thật dễ thương. Với tôi chữ “Ưa” lúc đó là nhựa sống là ý nghĩa vô cùng khởi đầu cho tình cảm sâu kín nhất của đời tôi và Mơ. Chữ “Ưa” đã giúp tôi với Mơ thể hiện và chuyên chở cho nhau một thứ tình cảm chân thật, trong sáng và tràn trề hy vọng ở tuổi mới lớn, cho đến bây giờ tôi vẫn yêu mãi chữ “Ưa”. 

Xong bậc trung học thì làng tôi cũng tản mác bởi chiển tranh, bởi bom đạn, có kẻ vào bưng, kẻ xuôi mạn vào Nam. Mơ cũng theo gia đình rồi lưu lạc không biết phương nào. Tôi khoát áo lính, chúng tôi mất nhau từ đó. Cuộc sống đổi thay, con người chỉ còn nghĩ tới sống và chết từng giờ, từng ngày. Mở mắt ra là phải đối đầu với những khó khăn, nhọc nhằn của xã hồi, tôi mất đi những ước mơ hồn nhiên của những ngày bên Mơ. Tôi nhìn trăng sao để ôm mộng trở thành người lơ xe đầy quyền hạn với hành khách, hay ông chủ quán may độc quyền nơi làng mạc hẻo lánh xa xôi, cao hơn là mơ thành ông trung sĩ truyền tin có lính hầu mang máy dương cao cây ăng-ten lá lúa hay êm đềm nhất là một mái ấm trong làng xóm quê mùa kia với những chiều chở Mơ trên chiếc xe đạp hiệu sterling có cái líp kêu lách cách dạo quanh làng. Hết rồi tuổi thơ đầy hy vọng. 

Đã gần nửa thế kỷ, tôi đưa các con trở lại quê nhà cho chúng biết quê nội – Hà Trữ - tên làng và cũng là tên của hai đứa con lớn của tôi. Tôi cố tình đặt tên con như vậy để lỡ mai sau giòng đời có đưa đẩy đến đâu cũng nhớ về nơi có những kỷ niệm khó quên, nhớ cuộc sống có ít nhiều bất hạnh của thuở ngày xưa còn bé. Đứng nhìn lại con đường, những ngõ ngách quen thuộc ngày nào không còn nữa. Hàng cây bạch đàn trồng thay cho lũy tre xanh, cao nghều nghệu rũ đầu đong đưa theo gió, nhìn những căn nhà ngói đỏ mới xây còn phảng phất mùi vôi, ký ức tuổi thơ lại trở về ẩn hiện hình ảnh kham khổ của mẹ tôi, và đâu đây còn có bóng dáng của Mơ với suối tóc dài thon thả trên lưng có chiếp kẹp cánh bướm nhựa màu vàng 

Sau lưng tiếng nói chuyện thì thầm của con gái tôi, nghe thoang thoảng câu: “ Why is dad’s birthplace so miserable?!”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17070)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18999)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14020)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19190)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30724)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21740)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19798)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,