Biển Và Hồ

05 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 3568)
Biển Và Hồ
Trần Thế Luân thong thả bước ra khỏi nhà tắm, tâm trạng phấn chấn. Từ ngày biết Vũ Thế Phong, chính là nhà Sư hàng ngày vẫn đi bộ vào mỗi buổi sáng, trong khu Mobile Home nơi có người em gái của ông đang cư ngụ. Đã năm lần bảy lượt ông Luân gọi điện thoại thăm mà không gặp. Đến tận nhà gõ cửa mấy lần cũng không thấy. Bất ngờ tối hôm qua, chính Vũ Thế Phong gọi điện thoại cho Luân mời mai đến nhà Phong chơi uống trà.

Vừa thay quần áo ông Luân nghĩ, mới ngày nào, ba mươi tám năm trước, Trần Thế Luân, Vũ Thế Phong, Trần Nhật Phu tại phòng trà Queen Bee, trên lầu thương xá Eden Sài Gòn. Cùng đi với Luân hôm đó có cô vợ mới cưới được vài tháng và Duyên cô em gái thứ sáu của Luân. Trong một lần Phong đến chơi nhà Luân, sau đó kéo nhau qua nhà cụ than sinh của Luân, nhằm có giỗ, Phong tình cờ gặp Duyên. 

Hai tuần sau gặp Luân, Phong nói:

- Gặp em gái ông tôi bị tiếng sét rồi, cô ấy dễ thương quá, tôi làm quen được không?

- Có gì khó đâu, tôi sẽ tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau, Luân nói.

- Cô em của ông đang đi học?

- Duyên đang học y khoa, hình như còn hai năm nữa thì ra trường, Luân trả lời. 

Do vậy mà có một đêm vui họp mặt tại Queen Bee. Vì là lần đầu tiên cho nên Luân rủ thêm Trần Nhật Phu, một bạn thân và cũng thân với Phong. Chủ yếu là để Phong và Duyên có dịp trao đổi với nhau. Luân còn nhớ rất rõ, vào lúc 11 giờ ca sĩ Carol Kim hát, có một vũ nữ phụ diễn, nhảy múa trong chiếc lồng chim, ăn mặc gần như lõa thể, đèn màu quay tít, nhạc đánh loạn xạ. Vợ Luân kêu nhức đầu, chóng mặt, đòi về ngay, vì vậy cuộc vui tan sớm, hai người chưa tạo được một sợi giây mật thiết nào!

Cuộc chiến ở Miền Nam mỗi ngày một khốc liệt, không ai có thể dự trù, mưu tính hay kế hoạch được gì, cứ theo giòng đời trôi… Bộ ba hợp rồi tan, mỗi người tiếp tục con đường của mình. Ba người bọn họ có chung một đặc tính, mà vì những đặc tính đó, họ dễ thân nhau khi biết nhau! Họ không phải là người có gốc gác là con nhà võ. Cả ba đều có vẻ lãng mạn, vì thời chiến họ mới nhập ngũ và thành sĩ quan để phục vụ đất nước. Phú, Luân và Phong cùng có tính cương trực không biết nịnh bợ, không biết luồn cúi hay chạy chọt - Họ chỉ phục tòng những người mà họ thực sự kính trọng. Nhưng con số nầy thì lại khá hiếm. 

Giòng đời xô đẩy, cuộc sống bấp bênh, sáng đi chưa chắc chiều đã về – Sau những ngày gặp nhau chớp nhoáng ngắn ngủi ở Sài Gòn trước 30 tháng tư 75. Rồi sau đó họ ở đâu, lưu lạc ở phương trời nào, họ gánh chịu những gì sau cuộc bể dâu, nhà tan cửa nát thì chẳng ai nhớ đến ai! 

*** 

Trần Nhật Phu, còn một năm nữa thì tròn bảy mươi tuổi, thời trai trẻ Phu là một thanh niên đẹp trai, học giỏi và rất thông minh. Anh từng là một học sinh đệ Nhị Cấp nhất môn toán được cử đi thi toán toàn quốc và đã đậu đầu. Nhưng khi vào quân đội Phu lại chậm chạp so với bạn bè cùng trang lứa. Anh được giải ngũ và làm việc với RMK, một công ty xây cất của Mỹ và sau đó làm cho tòa đại sứ Anh. 

Trần Thế Luân lập gia đình sau khi bị thương trong trận bị phục kích ở rạch Đường Keo, con rạch cuối cùng ở mũi Cà Mâu. Sau đó được thuyên chuyển về vét mìn trên song Lòng Tảo. Năm 1966 Luân đột ngột cưới vợ trước sự ngạc nhiên của mọi người thân quen. 

Luân nói: “Có gì lạ đâu quý vị - Lang bạt kỳ hồ” thì “Luân bạt” cũng có lúc “kỳ hồi” thôi! 

Sau 75, Phu ra tù sớm, trong lúc Luân còn ở trại tù Trung Ương số 1, trên thượng nguồn sông Soumi, thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn chỉ cách biên giới Trung Quốc vài chục cây số ngàn. 

Năm 1984 Luân ra tù, vợ Luân cho biết trước khi Phu vượt biên có tìm thăm và cho các con của Luân tiền. Cho đến bây giờ, Phu vẫn là một lão già độc thân. Chưa một lần cưới vợ, sống một mình ở Melbourne, Úc Châu. Thật khó nói, thoạt vào đời đã mang tên Phu, mà nhất định không một lần chịu làm Chồng !!! 

Vũ Thế Phong khác hẳn, lấy vợ có con, và cũng nhiều đàn bà đi qua trong đời. Di tản qua Mỹ từ 30/4/75 nay lại là một Thiền Sư. Hôm nay một ngày đẹp trời, người đã từng ở tù 10 năm, đến thăm người bạn xưa đã tu được gần 20 năm. Chỉ khác nhau một dấu huyền, sao mà hai cuộc đời lại tương phản đến như vậy. 

Trần Thế Luân, nghe tên cũng đã thấy chóng mặt. Sau 10 năm tù về vẫn còn vợ, nay đã 69. Chỉ còn một năm nữa thôi cũng 70 như Trần Nhật Phu. Tuy cháu nội, cháu ngoại đùm đề, nhưng nhìn cuộc đời (tình trường) lại có lúc mơ màng trong cõi mây.

Vũ Thế Phong, cái tên nghe cũng ào ạt thuở nào, nay 3 năm nữa cũng đủ 70. Đầy cõi mộng lại đang sống cuộc đời bình thường.

Ba nhân vật này, vài cấp chỉ huy trong Quân Đội thường nhìn họ, xem họ “không phải người phàm”. Tuy không nói, nhưng cũng biết các vị ấy nghĩ rằng” Thương cho người ta vái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương, chỉ tổ cho người ta ghét”. Biết như vậy nhưng họ là những người không biết nịnh, không biết chạy chọt cho nên không biến đổi họ được! 

* **

- Ông ngoại đi đâu? Cứ mỗi lần sắp ra khỏi nhà là Luân lại nghe câu hỏi đó từ thằng cháu ngoại, con của đứa con gái út, 7 tuổi

- Ông ngoại đi thăm bạn của ông.

- Tránh cho ông ngoại đi, đừng làm phiền ông - Bà Luân lên tiếng

- Không tránh gì hết, ông ngoại cứ đi hoài hoài! 

Luân cười, xoa đầu thằng bé, vỗ về

- Ông đi một chút ông về thôi mà!

Lão ra xe nổ máy, rời khỏi cổng khu Mobile Home, quẹo trái chỉ hai block đường là tới khu nhà của Vũ Thế Phong. Họ ở gần nhau như vậy đã 2 năm, bây giờ mới biết. 

Ba mươi năm rồi, từ “những ngày trước 75 đến nay, sau khi gặp lần cuối ở Saigon, tại căn cứ Long Bình, Vũ Thế Phong không phải là người bình thường nữa. Phong đã trở thành Thiền Sư gần 20 năm nay rồi. Khi di tản đến Mỹ, cơ duyên nào thì không biết, nhưng tại Mobile Home sau cuộc đời mưa gió - Vũ Thế Phong - tên nào cuộc đời đó, nay gió đã ngừng thổi, mưa đã ngừng rơi, Thanh Lương Thiền Viện, nơi Ngài đang tu tập là một Mobile Home. Ngài gọi là Thanh Lương Thiền Viện. Rất chi ư là không giống cái ngôi chùa qui mô, phô trương với hàng ngàn khách thập phương lễ bái. Luân và Phong đều ở Mobile Home. Luân là quay. Phong là gió, ở Mobile Home là phải. Nói thế thì sao Phu không lấy vợ để làm chồng. Luân đang nghĩ vớ vẩn, thì đã đến nhà Phong, Luân gõ cửa, cửa mở, một thầy chùa thực sự đã nói sau tấm cửa lưới

- Luân hả, vào đây, trông ông không khác lắm, Phong nói.

- Ông cũng vậy không khác ngày xưa, tuy rằng sau 30 năm có vẻ già đi…

- Ông lúc nào cũng đùa. 

Luân 69, Phong 67, cả hai đều sắp bước vào cổ lai hy . Phong của thế kỷ 21 của 2006. Vẫn hàm răng đó, vẫn nụ cười xưa, có khác chăng cái đầu không còn tóc, lởm chởm hàm râu bạc. Luân cảm thấy ngại ngùng trong việc xưng hô. Ngày xưa khi Luân là Trưởng đơn vị, Phong làm phó, thì vẫn ông ông, tôi tôi rất thân mật. Bẵng đi một thời gian dài như vậy, nay cách trang phục lại khác thường, tránh sao được phút đầu bỡ ngỡ. Với nụ cười thật tươi trên môi và đôi mắt nheo lại một cách hóm hỉnh, Luân nói :

- Chào Thầy

- Ông ngồi xuống đã, thầy Phong nóí. 

Luân ngồi xuống chiếc salon kê ngay cửa vào. Trước mặt là một bàn đầy những dụng cụ uống trà. Cả chục hộp trà đủ các loại, chứng tỏ chủ nhân rất thích trà. Luân cũng vậy. Ngày xưa hai lão thích Bia, bây giờ hai lão thích trà, cũng bình thường thôi ! Nhìn vào trong, một bàn thờ Phật rất đẹp và trang nghiêm, có lẽ thầy Phong đã mất hàng chục năm, du phương tầm đạo mới sưu tập được. 

Nhìn phía sau nữa thì đầy những sách là sách. Luân nghĩ có gì lạ đâu, không đọc sách thì làm gì. Từ khi gặp lại Phong, Luân đã có ý nghĩ.Trong cõi mộng, Vũ Thế Phong sống đời bình thường. Còn chính Luân trong cuộc đời bình thường, lại vẫn mãi tìm mộng. Luân nghĩ tay này đã 20 năm Thiền được, không phải là tầm thường, bái phục, bái phục. 

Hồi trẻ, thầy cũng đẹp trai có duyên – và rất thông minh. Luân nhớ ”cái dáng dấp, khổ người... « Phu và Phong, hai người hao hao giống nhau, như hai anh em và trong tất cả bạn bè, Luân rất quí hai người này. Cả 3 có thể nói là ”Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu.” Lúc họ trẻ, còn bây giờ phải nói sao đây ”Đường thênh thang, gió lộng một mình ta” Phong và Phu nói được câu đó. Nhưng Luân thì không ...Lão mỉm cười tự sáng tác “Đường thê nhi trói buộc cuộc đời ta” Đang nghĩ vẩn vơ như thế trong cái tâm chưa tịnh của Luân, thì thầy Phong lên tiếng :

- Bây giờ gặp nhau đây, đừng ai tính chuyện về, mình tha hồ hàn huyên. Tôi pha bình trà cái đã.

- Tôi cũng rất ghiền, trà đối với tôi là lẽ sống về già, có khi nghiện trà còn hơn nghiện đàn bà. 

Cái tính nghịch ngợm của Luân ai cũng biết, có lẽ lão đang buông câu thăm dò để đi vào câu chuyện. Thầy Phong hiểu ngay.

- Tôi bây giờ khác rồi, thầy Phong nói.

Luân cảm thấy được trong giọng nói của thầy có sự thành thật của một người thoát tục.

- Nam Mô A Di Đà Phật, thầy tha tội, Thầy còn nhớ Hòn Khoai không?

- Làm sao quên được!

- Tôi bị thương trong lúc thầy đang đi phép Saigon. Tôi được chuyển ra bệnh Viện Hạm, rồi sau đó rời đơn vị luôn. Từ đó không còn dịp nào ghé lại OBI nữa. Luân nói. (Obi, tức Poulo Obi, hay Hòn Khoai, một hòn đảo rất nhỏ, diện tích vài cây số vuông, nằm ở nam mũi Cà mâu 12 hải lý.)

- Khi tôi trở lại đơn vị, thì được biết ông vào Rạch Đường Keo, bị thương mấy người, may không có ai chết. Và sau đó không bao lâu tôi thuyên chuyển khỏi đảo.

- Tôi nhớ vào giữa năm 66, tôi bị thương, thì cũng cuối năm đó tôi cưới vợ, Luân nói.

- Ông đi rồi tôi cũng gặp vài chuyện rắc rối, nhưng rồi mọi việc cũng qua, và thật sự đã qua lâu rồi. Thôi, uống vài chén trà đã, mừng ngày gặp lại, mỗi người mỗi cảnh, được ở gần nhau là vui rồi.

- Tôi cũng ở trong một Mobile Home khu gần đây. Thế nào thầy cũng gặp lại bà xã tôi. Tôi nhớ sau đám cưới của tôi, bọn mình còn đi chơi ở Queen Bee

- Cũng vài lần ở Câu Lạc Bộ Hải Quân Công Xưởng, khi tôi đã lên Thiếu Tá, ông vẫn còn Đại Úy

- Tôi không xuống Trung Úy là may lắm rồi Thầy ạ. Khi chưa có vợ lúc ở Hòn Khoai, tôi đã sắm chuông mỏ, áo nâu, hàng ngày công phu trong ngôi miếu nhỏ. Vậy mà bây giờ giữa thầy và tôi đã là thay đổi, có phải đi sau về trước không? Đùa chút chơi vậy thôi, bây giờ chúng ta là gì - Là hai lão già bên bàn trà, kẻ cựu tù, người đương tu!

- Thỉnh thoảng ông qua đây uống trà với tôi, nhiều loại lắm, được biết ông thích trà tôi cũng vui. Sau khi ở Obi, ông cưới vợ rồi sao?

- Bây giờ nhớ lại, tôi ở Obi không bao lâu thì bị thương và rời đảo, Thầy cũng không ở lâu, sau đó Thầy đi đơn vị khác. Bọn mình với bao nhiêu phiền toái nhiêu khê, ít khi gặp nhau. Gặp Thầy, cả một thời tuổi trẻ lại hiện về. Lúc đó đổi xuống Obi, phải gọi là bị đổi, vì như Thầy biết, ai xuống Obi mà không mang tiếng bị đi đầy, cả tôi và Thầy cũng vậy thôi. Lúc đó tôi chưa vợ chưa con. Sau một tháng làm tùy viên Tư Lệnh Hải Quân, thời ông Diệm, tôi xin thôi và trình bày với Tư Lệnh vì thiếu khả năng, ngoại hình, cũng như tự xét mình không thích hợp. Tất nhiên là ông chịu ngay và chúc tôi may mắn. Thật sự cái chính tôi từ chối gồm nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tôi không thích chế độ Ngô Đình Diệm, mặc dầu tôi người gốc Quảng Bình. Trong lúc gia đình Tư lệnh Hải Quân ở Đà Nẵng, một gia đình Phật Giáo. Ông Tư lệnh rất có hiếu với mẹ, đồng thời cũng rất trung thành với chế độ ông Diệm. Ông vẫn ôm lấy cái quan điểm “Trung thần bất sự nhị quân” của Nho Giáo và đã lãnh cái chết. May mắn và sáng suốt của tôi là đã từ chức chỉ ba tuần trước khi ông Tư lệnh chết, xuống tàu tuần dương vùng Vịnh Thái Lan, vài tuần sau thì Tổng thống Kennedy cũng chết. Khi ở vịnh Thái Lan về, tôi tình nguyện đi Hải Quân đợt nhì. Lúc này tổ chức Hải tuần còn sơ khai. Có lẽ Thầy lúc đó sắp ra trường. Công tác ngoài hải phận miền Bắc vài lần, tôi suy nghĩ nhiều, vì mặc dầu lãnh rất nhiều tiền, nhưng Việt Nam không chủ động mà Mỹ làm hết, mình chỉ là kẻ đánh mướn. Và rồi rời Hải tuần không luyến tiếc, lại nữa mình cũng thiếu may mắn, gặp cấp chỉ huy không ra gì. Sau đó tôi xuống các Giang đoàn, cứ như trái banh trong đội cầu Hải Quân. 

Suy cho cùng sự việc không phải do các cầu thủ, mà do trái banh xìu quá, họ không chơi được, đành phải vất bỏ chọn trái khác. Cuối cùng trái banh đá vào góc Obi làm phó cho Đại Úy Sơn. Ông Sơn rất tốt với tôi, cùng tuổi và không hiểu tại sao Sơn lại rất dễ dãi với tôi, trong một dịp đi Rạch Giá, tôi mua một áo tu màu lam, một bộ chuông mỏ, đem về đảo, ra chỗ cái chỗ miếu hoang, nằm cạnh Văn phòng Đơn vị. Tôi cọ rửa sạch sẽ các vết máu còn bê bết trên mấy bức tường vôi. Thầy biết mấy năm trước đó trên đảo Hòn Khoai có một trung đội địa phương quân trú đóng. Trên đảo có một con suối nước ngọt, uống ngon, giặt giũ thì áo quần trắng tinh. Thời đó các ghe đánh cá quanh vùng mũi Cà mau thường đến đảo Hòn Khoai lấy nước ngọt ở con suối đó. Khi trung đội Địa Phương Quân đến trú đóng tại đó, tất cả các ghe cá đến lấy nước, đều phải đóng tiền. Đối phương dùng mỹ nhân kế bằng cách đưa 2 chiếc ghe vào lấy nước, có mấy cô gái đẹp đi theo, mang thêm mấy vò rượu lớn, mấy cô gái chuốc rượu cho tất cả 17 địa phương quân say mèm, giết vất xác vào cái miếu. Khi tôi đến, các vết máu vẫn còn. Tôi làm một rèm che, và khi tôi buông rèm là lúc tôi chuông mõ tụng niệm. Một hôm cố vấn Mỹ hỏi Đại Úy Sơn:

- Ông Luân làm gì trong đó?

Đại Úy Sơn trả lời:

- He wants to be a monk!

- Cố vấn Mỹ lắc đầu bỏ đi. Tôi mặc áo, chuông mõ trước Thầy mà không đậu. Nam Mô A Di Đà Phật!

- Thật sự bây giờ nhìn mới thấy căn tu của Thầy, lúc trước không thấy.

Sau này Luân mới biết Thầy Phong là một cao tăng, rất có uy tín trong sư giới. Tuy vậy khi gặp lại lão thì sinh hoạt đối thoại cũng rất cởi mở về chuyện đời thường.

Hai người này cùng thích trà, cho nên câu chuyện rất vui, mang đầy đủ tính chất Hỷ, Nộ, Ái , Ố của cuộc đời. Họ có cách thoát tục riêng của họ vì mỗi người cũng khác nhau. Thoát của Phong là hiện tiền. Thoát của Luân là ẩn, ảo. Của lão đương tu đã 20 năm và lão cựu tù 10 năm. Tù và tu chẳng có gì khác, có chăng chỉ có dấu huyền

- Nếu dùng tù để tu, cao kiến. Nếu dùng tu để tù thì khó thoát. Luân nói.

- Dùng tu để tù là thế nào theo ý ông? Phong hỏi.

- Cũng dễ thôi. Nếu tu mà còn vướng mắc thì chính là tù làm sao thoát được.

Luân nhấp một ngụm trà, trầm ngâm suy tư. Ngày xưa, lúc còn trẻ, họ ngồi lại với nhau là nói chuyện tình ái, không còn một dancing nào ở Saigon mà không có gót chân của bọn họ. Họ là những kẻ bạt mạng vì thời cuộc, của những trai trẻ, phóng đãng và thông minh.

Hết tuần trà này, Thầy Phong lại pha tuần khác, mỗi lần là một loại trà. Vì tôn trọng người tu hành nên Luân không khơi lại quá khứ sau 1975 của Thầy Phong, mặc dầu mạn đàm rất nhiều đề tài. Sáu giờ chiều mới lui gót, sau khi hứa hẹn sẽ gặp Phong thường hơn.

Vài ngày sau, Thầy Phong ghé nhà ăn cơm chay với Luân

Một tuần sau khi Luân đi Las Vegas và Grand Canyon về, Luân mời Thầy Phong dùng cơm chay, Trước khi ăn cơm, hai người ngồi uống trà ở vườn nhỏ sau nhà.

Luân mua được hai loại trà rất ngon từ sở trà Lâm Đồng đem mời Thầy, Thầy rất thích. Dưới gốc ổi sau nhà, hai người bạn già rất vui, họ vẫn còn giữ được tình cảm của nhau hồi còn trẻ. Luân kể lại chuyến đi của mình tuần trước.

- Ông vẫn ham đi đây đi đó như ngày xưa?

- Thầy ơi, mỗi lúc mình đi với nỗi lòng khác nhau. Kỳ rồi tôi định đi Las Vegas nhưng đến Barstow, không hiểu sao tôi lại exit vào 40 east để đi Flagstaff thành phố nằm phía nam Grand Canyon. Tôi có nhiều kỷ niệm ở Flagstaff, cách nay 8 năm, tôi đã ở đó một năm.

Thầy Phong mơ màng:

- Tôi cũng vân du nhiều nơi lắm, rất nhiều danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan”. Riêng ở Grand Canyon thì thấy mình quá nhỏ bé trước cái hùng vĩ của thiên nhiên.

Luân tiếp:

- Thường tôi đi như vậy, mang theo một số CD nhạc Trịnh Công Sơn, một mình một ngựa. Cũng là cái thú của riêng tôi, lái xe đường dài, tôi xem như mình đang hành thiền, mà là “thiền động”. Lúc đó mới đúng là tôi nói chuyện với chính tôi. Năm ngoài 20 tuổi, trước khi vào quân trường Quân trường, làm SVSQ, trong một tản văn, tôi có viết hai câu:

Mặt biển có lúc là mặt hồ
Mặt hồ sẽ không bao giờ là mặt biển.

Đó là lúc tôi quyết định bỏ Kiến Trúc hay Sư Phạm để vào Hải Quân. Tôi lao vào đời với quan niệm như vậy, hơn nữa nếu lúc đó tôi không vào HQ, tôi cũng sẽ bị động viên.

Hoài bão thì đầy, tài năng lại cạn
Khó khăn cao, vận may quá thấp
Thời cuộc nhão nhoét, tâm não xơ cứng.

Mặt biển tuổi trẻ của bọn mình, tôi và Thầy không bao giờ thuận buồm xuôi gió, trái lại rất nhiều gió chướng của cuộc đời quân nhân. Tôi nghĩ thầy và tôi lúc đó đều khó chấp nhận. Lúc đó bọn mình chỉ vài chai, rồi vài chai và ngâm nga.

Ví phỏng đường đời bằng phẳng quá
Anh hùng hào kiệt dễ hơn ai

Nhớ lúc bọn mình ở An Thới, Phú Quốc, thời SQ liên lạc, nhớ Hậu trạm Rạch Giá, nhớ các cô gái dễ thương của thành phố đó, nhớ tiệm ăn trong lâu đài của bà Tám Nghĩa. Vậy mà đã gần 40 năm qua. Lúc đó thêm vài chai nữa, lại

Đêm nằm bên sông, nhớ núi
Ngày nằm bên núi, nhớ sông

Có rượu vào là thơ ra, thơ vay mượn để diễn tả cái chán chường của tuổi trẻ, đầu lớn, tay nhỏ.

Hồ Trường! Hồ Trường ta biết rót về đâu?

Thầy đổi xuống Obi vì sao tôi không biết. Phần tôi do lúc đó buồn bực việc gì tôi không còn nhớ. Tôi ôm 6 hộp đạn colt 12 ra sau ngọn đồi cát phía tây có bãi biển hẹp vắng, ngồi bắn 1 hơi hết 6 hộp đạn, trong một buổi chiều đầy gió

Hình như có ai đó báo cho Chỉ huy Trưởng Vùng là tôi tâm thần bất ổn và được đổi xuống Poulo Opo

- Bây giờ cuộc sống của ông là biển hay hồ? Thầy Phong đột ngột hỏi

- Bảy mươi rồi còn gì nữa mà Hồ với Biển Thầy ơi! Tuy nhiên mặt hồ này vẫn còn gợn sóng lăn tăn, chưa là mặt gương phẳng lặng như cuộc sống của Thầy, đang phản chiếu ánh đạo vàng. Thầy Phong biết tánh Luân, và rất rành cách phát biểu của lão, tuy nhiên vẫn không dấu được cảm kích và sung sướng.

- Mời Thầy dùng cơm chay với vợ chồng chúng tôi. Bà Luân từ trong nhà bước ra nói. Bà vốn là người sùng đạo Phật, được Thầy Phong quí mến đến chơi rất vui vẻ nhiệt tình tiếp rước. Hơn nữa ngày trước sau đám cưới, Thầy cũng có đến nhà vợ chồng Luân chơi ở Bà Chiểu.

Ba người vào nhà, ngồi vào bàn cơm. Luân nói tiếp

- Cuộc sống tôi hiện nay chưa được như gương mặt hồ ven bờ liễu rủ. Cái tính giang hồ vặt vẫn còn.

Sau bữa cơm, Bà Luân ngồi châm trà cho khách và chồng, nói chuyện Phật sự với Thầy. Bà cũng tế nhị không đả động đến cuộc đời đã qua của Thầy

Luân nhấp ngụm trà trầm ngâm hồi tưởng những ngày thơ dại, lão thích mưa và thích đi trong mưa. Bây giờ đã gần 70, cuộc sống biển đã biến thành hồ. Từ khi bỏ biển, lão đã lang thang rất nhiều mặt hồ, gần như một đam mê, có dịp gần hồ, thế nào lão cũng tìm đến đứng trên bờ hàng giờ để suy nghĩ hay không suy nghĩ gì cả.

Mỗi mặt hồ cho lão một cảm giác khác nhau. Hồ Than Thở Dalat, Biển hồ Cam bốt đường kính cả trăm cây số, Biển hồ Pleiku đường kính không quá một cây số. Năm Hồ rất đẹp ở tiểu bang New York có cái tên là Fingers Lakes, lão đã bỏ ba ngày lái xe quanh năm hồ đó vừa vãn cảnh, vừa cắm trại ngoài trời. Lão đã qua xứ vạn hồ Minnesota, Salt Lake tiểu bang Utah, Lake Tahoe ở California và những hồ đầy cá sấu ở Florida. Đang miên man về những ngày ở Mỹ sau ngót 10 năm tù, thì Bà Luân nói:

- Thôi, hai vị nói chuyện với nhau, để tôi lo dọn dẹp, trễ rồi. Nếu tiếp tục ngồi nói chuyện Phật sự với Thầy ông nhà tôi sẽ đi tu mất!

 Luân trêu vợ:

- Bà có dám cho tôi theo Thầy Phong không? À mà tôi xuất gia thì ai lái xe cho bà đi Casino? 

Luân quay qua Thầy Phong

- Bà vợ tôi lâu lâu cũng được tôi chở đi Casino. Các bà Việt Nam ở đây già rồi chỉ còn hai thú vui, một là vào chùa hay nhà thờ, hai là vào Casino thôi! 

Bữa cơm chay thân tình, ngon miệng. Luân cũng như Thầy Phong, không có vẻ gì cách biệt giữa cương vị của hai người hiện nay. Qua đối thoại tâm tình của họ vẫn như ngày nào, với dí dỏm thuở đầu đời còn sót lại nơi hai người. 

Tráng miệng xong, thêm một tuần trà, chủ khách không nỡ rời nhau trong một buổi chiều đẹp trời như vậy. Tu hay tù cũng vẫn còn tâm tình lưu luyến. Thầy Phong trầm ngâm, đôi mắt xa xăm nói :

- Cho đến khi mình quay đầu về với Đức Phật, mình thực sự đã chịu và hưởng đầy đủ mọi thứ ở cõi đời này. Mình không phải là người tu có căn cơ từ nhỏ. Phần ông thì thế nào ?

Luân nói ngay:

- Bây giờ bọn mình cũng nhàn tản rồi, tôi xin nói vắn tắt, ngót 10 năm tù của tôi. Rồi sẽ xin được nói tại sao tù, và tu ra sao ?

- Ngày 27 tháng 3 năm 1975, tôi đang ngủ ở nhà, có người gõ cửa. Đó là Vương hạ sĩ quan vô tuyến của tàu tôi, trao cho tôi sự vụ lệnh, giấy máy bay và công điện hỏa tốc phải bay ra Đà Nẵng để tăng cường Bộ chỉ huy nhẹ di tản đang ở trên HQ 5 ngoài khơi Đà Nẵng. Lúc ấy HQ1 đang Đại Kỳ mà tôi ở trên đó nên phải đi tạp dịch. Lúc trung sĩ Vương gõ cửa nhà tôi 5 giờ sáng vậy mà trước 7 giờ sáng máy bay cất cánh. Đó là 1 chiếc C130. Chỉ có 5 hành khách đáp xuống Đà Nẵng, tôi vào thành phố thì cảnh bắn giết nhau trong thành phố đã diễn ra.Tóm lại tôi bị kẹt ngay tại thành phố Đà Nẵng. Tôi tìm cách vào được căn cứ HQ Tiên Sa tối hôm đó khi đối phương pháo kích vào căn cứ Đà Nẵng. Tướng Ngô Quang Trưởng và Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại lên trực thăng bay đi, may sao tôi nhảy xuống được chiếc LCU cuối cùng rời cầu và ra được chiếc tàu buôn Miller. Khoảng sau 12 giờ khuya chiếc Miller phải chặt neo để vào Cam Ranh. Nói qua loa thôi, nếu viết lại thảm cảnh đó phải 1,000 trang. Từ Cam Ranh đến Long Hải đi bằng ghe đánh cá, gặp lúc biển động tất cả suýt chết chìm ở Cap Padaran. Về đến Sài Gòn tôi ở lại nhà luôn không xuống trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân – Và có lẽ cũng không còn có ai ở Hải Quân nghĩ rằng có một Thế Luân còn sống. Mọi người đang tìm đường chạy. Tôi quyết định không chạy, ra sao thì ra . Từ kinh nghiệm Đà Nẵng, tôi thấy rõ ràng Hoa Kỳ đem con bỏ chợ. Bọn họ có khả năng giúp di tản, nhưng họ không làm, không giúp. Chiếc tàu Miller đưa tôi từ Đà Nằng vào Cam Ranh. Sau này tôi được biết cũng không phải của Mỹ mướn mà của Âu Châu. Lúc đó Thầy cũng đang tìm đường bôn tẩu. Tuy quyết định không đi, tôi cũng làm một vòng thăm bạn bè qua các cầu tầu, thấy mà chán. Thật sự điều chính yếu khiến tôi không đi là do những việc xảy ra trên tàu Miller trong khi di tản từ Đà Nẵng vào Cam Ranh, với mấy chiếc xà lan đầy chết chóc sau đó. Mình là người trong cuộc, nên thấy được mình đang bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Điều này thì chúng ta miễn bàn.

- Sau đó ông đi tù như thế nào? Thầy Phong hỏi.

- Thầy đi từ 75 nên không biết. VC thông báo chuẩn bị tiền gạo ăn một tuần đi học tập, đường lối chính sách mới. Sau đó sẽ sinh hoạt bình thường. Những người trình diện này do quân đội miền Bắc quản lý. Thế là họ gom trọn một mẻ tất cả SQ quân cán chính miền Nam ngây thơ. Mãi 3 năm sau họ mới chuyển những người này qua cho lực lượng công an giam giữ. 

Phần tôi vài ngày sau 30/4, anh bạn rất thân của tôi cũng người Quảng Bình, Trung Tá Bộ Binh, anh gặp tôi, kéo tôi ra riêng nói : “Anh ruột tao Đại Tá miền Bắc, gặp tao rồi, anh nói chú mày phải tìm đường chuồn gấp, nghe lời anh đi. “ Tôi thấy ngay sự việc, vừa lúc có một tổ chức đang kiếm tài công, chỗ này quen biết, tôi nhận lời lén đem cả gia đình ra Vũng tàu, sáng 19/5, ngày sinh nhật HCM thì tôi bị bắt lúc gia đình tôi đang ở địa điểm khác, kiếm cách về Saigon ngay. Tôi bị trói đem vào một trường tiểu học ở gần chợ Vũng Tàu. Một thanh niên trẻ, sơ mi trắng quần xanh, mặt mày sáng sủa, ngồi ở bàn giữa lớp. Bốn thanh niên khác AK kèm sau lưng tôi đẩy tôi vào thanh niên đó. Hắn nhìn tôi và nói ”Chào commandant.” Tôi biết ngay nó là một quân nhân HQ Việt Nam CH, một cán bộ nằm vùng ở căn cứ HQ Vũng Tàu, chắc chắn hắn biết tôi mà tôi không biết hắn. Chúng giam tôi 3 tháng ở An ninh nội chính Vũng Tàu, trong xà lim. Thời gian này tôi biết được nhiều chuyện kỳ thú, nhiều tay chọc trời khuấy nước. Có dịp, tôi sẽ viết hồi ký hoặc truyện dài. Thế rồi chúng chuyển vào trại B5 ở Tân Hiệp Biên Hòa. Trại này do Mỹ xây dựng để nhốt nữ tù binh VC, và hướng nghiệp trước khi thả về. Khoảng tháng 11/1976, một số chuyển lên trại Xuân Lộc ở Long Khánh, trong đó có tôi. Tại đó được cuốc đất trồng sắn. Hơn một tháng, tôi cùng khoảng 200 người được đưa xuống trại giam Thủ Đức. 10 ngày sau, đưa xuống Tân Cảng Saigon xuống tàu có tên Hải Phòng, và đi Hải Phòng. Đến Hải Phòng, bọn họ đã chuẩn bị độ 20 xe đò để chở khoảng 1500 người từ tàu Hải Phòng. Tất cả tù chuyển lên xe và đi một mạch từ 8 giờ sáng đến 12 giờ khuya, cứ 2 người 1 cái còng. Khoảng 500 người trong toán của tôi đưa vào trại Phong Quang mà họ gọi là trại cải tạo Trung ương số 1 ở Hoàng Liên Sơn. Ở đây tôi trốn trại không thoát nằm thêm mấy tháng xà lim nữa. Tôi trốn trại vào ngày mồng 2 tết. Từ đó tôi bị liệt vào thành phần nguy hiểm. . Vài tuần trước khi Trung Quốc đánh Việt Nam, khoảng 80 người , gồm từ cấp Trung tá trở lên, An ninh Quân Đội, Tâm Lý Chiến, Cảnh sát Trưởng. Chỉ có mình tôi là Thiếu tá HQ, một người nữa trốn nữa trốn trại cùng tôi trước đó. Giai đoạn này có nhiều chuyện đau buồn trong anh em. Nhưng thôi, Luân kể tiếp. 80 người tách riêng đó đưa về trại Nam Hà, ở tỉnh Hà Nam Ninh, còn gọi là trại Ba Sao. Tôi không nhớ rõ tháng mấy năm 1980, họ đưa tôi vào Nam, trở lại trại Xuân Lộc và năm 1984 tôi được thả về. Con đường tù với bao nhiêu khổ nhục, nay đã qua, lược thuật lại cũng đơn giản, rất nhiều năm chỉ có ước muốn nhìn thấy một đứa trẻ dưới 5 tuổi mà không thể có cơ hội. 

Chuyện tù rất nhiều, rất tiếc mình không có trí nhớ tốt và văn tài để viết lại. Nghĩ cho cùng, cuộc đời như mây trôi, như gió thổi, như gang tay. Mình phải nắm chắc hiện tại. Hiện tại là thực chất của cuộc sống. Trong những năm tù đầy, tôi cố gắng cho rằng, mình đang tu, từ suy nghĩ đó, mà bây giờ sức khoẻ còn tốt, đủ để vui sống trong tuổi già với các cháu nội, cháu ngoại.

Nói đến đấy, Luân có vẻ suy nghĩ về Thế Phong, những con đường tình của Thầy trước đây, đầy sóng gió. Thầy Phong hồi trẻ rất hào hoa, con nhà giầu lâu đời ngoài Bắc trước 54. Vào Nam có sa sút, nhưng vẫn có nhà cửa ở Pháp. Thầy tuy trẻ sống phong lưu, với đàn bà cũng ít nhiều “Xì căng đan“. Luân chợt hỏi Thầy Phong:

- Thế thôi, đường tù của tôi nó đơn giản vậy đó.

- Đường tu của thầy thì sao?

- Cũng không có gì phức tạp. Cả gia đình tôi qua đây từ 1975, rồi vì sinh kế, hoàn cảnh, phải sống xa nhau. Có một lúc tôi bị bệnh rất nặng, thập tử nhất sinh, tưỏng đã chết rồi, không ngờ sống lại. Tôi không còn ham muốn, khao khát gì nữa, tôi vào chùa và rồi thành Thầy tu. Tôi sẽ tặng ông cuốn “Duy Thức Tam Thập Tụng Lược Giải“ (1) trong đó ông sẽ hiểu tiến trình tu học của tôi cũng đơn sơ như hành trình tù đày của ông, nếu cùng nhìn ở góc độ nào đó.

Thầy Phong tiếp:

- Trước khi nói về con đường tu của tôi, tôi xin đọc ông nghe bài thơ “Luân Vũ Xoay Tròn” vì tên ông là Thế Luân. Bài này của Giáo sư Nghiêm Xuân Hồng tặng tôi vào mùa xuân năm 1997. Giáo sư Hồng nay đã mất rồi.

- Hồi còn trẻ, Ba tôi khi nói chuyện về Phật Giáo, cũng thường nhắc đến giáo sư Nghiêm Xuân Hồng và rất thán phục. Luân nói :

- Tôi có nhiều ân tình sâu nặng với giáo sư Nghiêm Xuân Hồng. Ông nghe đây, bài thơ “Luân Vũ xoay tròn »

Ta tìm ai chiều nay qua mấy kiếp
Trong không hư nhìn lại mảnh hồn đau
Giấc liêu trai, chiều nay ta vẫn thiếp
Cảnh sông hồ bàng bạc chuyện xưa sau. 

Xưa hay sau, ô hay, kỳ lạ nhỉ
Xưa là xưa, hay xưa lại là sau
Thuở xưa ấy quanh co và huyền ảo
Chìm vào không, rồi lại nở ngàn sau 

Nên kiếp sống là vòng tròn mộng huyễn
Sanh rồi không, rồi lại nở ra hình
Cái không ấy là ông Vua Chú thuật
Hiện ra hình, rồi lại biến vào không. 

Hình nộm ấy mang theo nhiều hệ lụy
Lụy ăn uống, lụy mơ tưởng, lụy tình duyên
Hồn lắm lúc bồng bềnh như gió nhốt
Muốn hư vô mà chẳng có hư vô. 

Tâm với cảnh, thiên thu dời gót bước
Thấy như hai, mà chẳng phải là hai
Nhịp luân vũ chập chùng và bất diệt
Ta là ai, mà chẳng phải là ai. 

Với khẩu khí và tính khí của ông, tôi nghĩ ông thích bài thơ này.

- Hay thật, hay quá

Luân lặng người, nhấp một ngụm trà và từ từ đọc

Rồi một hôm nào sẽ ra đi
Đua chen danh lợi để mà chi
Trò đời ngẫm cũng tuồng hư ảo
Thế sự thăng trầm những lụy bi 

Tử sanh sanh tử, vô cùng tận
Đắm nguyệt say hoa vạn vạn lần
Một lần sanh tử hằn ngấn lệ
Mà thú đau thương chẳng ngại ngần 
Sống trong nhà lửa vẫn không hay
Cha dặn dò con phải thoát ngay
Khỏi vòng sinh tử về cực lạc
Xa chốn hồng trần, đám bụi bay. 

Đọc xong, Luân hỏi, Thầy biết bài thơ đó của ai không ?

- Chắc là của một thầy tu

- Không phải. Thầy còn nhớ lúc tôi mới cưới vợ, tôi ở nhà vợ, một hôm thầy đến chơi. Sau đó cùng với Thầy qua nhà ông bố tôi chơi, nhân có đám giỗ. Tình cờ Thầy gặp em gái thứ 6 của tôi, lúc đó đang học y khoa, nay đã 60 tuổi. Là một bác sĩ trước 75, đã đậu bằng tương đương ở Mỹ, nhưng không mở phòng mạch, ăn chay trường. Chồng và con gái đều là Bác sĩ. Lúc đó Thầy nói thích nó. Vì mến Thầy, xem như anh em, tôi tạo cuộc họp mặt gồm có Thầy, tôi, vợ tôi, em gái tôi và Trần Nhật Phu nghe nhạc ở Queen Bee, trên thương xá Eden. Cô em gái đó chính là tác giả bài thơ trên. Cô ta bây giờ là một Phật tử rất thuần thành, cũng đáng nể.

 Thầy Phong cười, một nụ cười tươi và hiền, trong ánh mắt có vẻ mất đi chút ít nét tu hành

- Có khi cuộc đời bắt ta phải trấn áp nhiều thứ, không trấn áp được, lại phải buông thả, và cứ như vậy, kinh nghiệm là chiếc bè đưa ta đến bình yên, an lạc.

- Ông nói hoàn toàn đúng, cũng như trái tim sống cứ phải bóp rồi buông, buông rồi bóp. Khi nào hết buông bóp là xong, là bình yên.

- Tôi cách nay mấy năm, trái tim đã muốn buông luôn, không bóp. Vậy mà một Bác sĩ Ấn Độ, mở ra, bypass mấy động mạch vành, nó lại bóp, lại buông. Thành thử vẫn chưa được bình yên, vẫn được ngồi cùng Thầy trà đàm phiếm luận chuyện nay, xưa.

- Tính ông khá hay, có lẽ không có gì quan trọng với ông.

- Tôi rất yêu cuộc sống, đó là sự thật, không cần chứng minh. Nhưng tôi rất ít lệ thuộc vào cuộc sống . Ở trong tù tôi vẫn thanh thản, cam chịu, thậm chí trong lúc cam chịu tôi vẫn thầm thương yêu cuộc sống. Không hiểu trong quá trình tu tập, Thầy quan niệm cuộc sống như thế nào ?

 Thầy Phong giải thích:

- Tôi chuyên thực hành Thiền tông, là đệ tử Việt Nam duy nhất ở Mỹ được truyền thừa dòng Thiền Vân Môn từ Thiền sư Phật Nguyên Diệu Tâm bên Trung Hoa. Vì chuyện thực hành Thiền Tông Trung Hoa nên tôi đã trải nhiều thời gian tụ tập tại nhiều thiền đường vắng vẻ trong núi rừng như Tuyết Sơn Tự, và Tu viện Long Beach, Thiền viện của Thiền sư Thánh Nghiêm ở Mỹ. Trong rừng Thái Lan thuộc tăng đoàn Thiền Lâm Quốc tế, của hệ thống Ajahor cha, Ajahorn Chan Ajahor Chan và Ajahor Sumedho, trong thiền đường Mahasi Sayahan ở Miến Điện trong các thiền viện, Trung Hoa, Hồng Kông và Đài Loan.

 Thầy Phong chiêu một ngụm trà rồi tiếp:

- Chuyện cũng dài dòng lắm, nhiều lần tôi được tiếp cận và học hỏi nhiều thiền sư danh tiếng. Như cố Đại Lão Thiền Sư Pharmavara Mahathera, ngài là người Cam Bốt thọ đến 112 tuổi. Thiền sư Thánh Nghiêm tại Mỹ, cố Hòa thượng Tâm Cẩn tại chùa Diên– Hựu. Thiền sư Thanh từ và Thông lạc tại Việt Nam. Các Thiền sư Trung Hoa thì có Thiền sư Đức Lâm tại Cao Mân Thiền Tự, Thiền sư Như Thành tại Ngọa Long Thiền Tự, Thiền sư Phật Nguyên tại Vân Môn Thiền Tự, Thiền sư Thánh Nhất tại Bảo Lâm Thiền Tự ở Hồng Kông. Thiền sư Truyền Bố và cố Thiền sư Trí Xuân ở Nam Đầu Đài Loan. Hồi ở Đài Loan tôi xin từ chối tiếp nhận thiền viện của đại lão Thiền sư Truyền Bố, một cao đồ của cố Thiền sư Quảng Khâu vì thật sự tôi còn muốn du phương tầm đạo, chưa muốn dừng chân tại Đài Loan.

 Thầy Phong thao thao bất tuyệt và xem như đang nói chuyện với Thiền sư Ngũ Tĩnh (Luân đôi lúc vẫn đùa cho mình là Ngũ Tĩnh Thiền sư) Thầy Phong nhấp một ngụm trà rồi như đang xuôi trên giòng tư tưởng của Thiền môn, Thầy nói tiếp :

- Đặc biệt tôi được truyền thừa tông phái Vân Môn từ Đại lão Hòa thượng Diệu Tâm Phật Nguyên tại Vân Môn Thiền Tự. Thiền sư Phật Nguyên khi xưa là thị giả của cố Thiền sư Hư Vân từng là phương trượng của Nam Hoa Thiền Tự tại Quảng Châu Trung Hoa.

Cố Thiền sư Hư Vân sinh năm 1840, trụ thế 120 năm, mất năm 1959, là vị Thiền sư Trung Hoa danh tiếng cận đại, là người khôi phục 5 tông phái Thiền Trung Hoa gồm Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưởng, Pháp Nhãn và Vân Môn. Thiền sư Hư Văn là tổ sư thứ 12 của Vân Môn, sau Tổ Vân Yển của Vân Môn 11 đời. Thiền sư Phật Nguyên thuộc đời thứ 13 và tôi là đời thứ 14 của Vân Môn

Trong không gian êm ả của buổi chiều, Thầy Phong nói từ tốn, nhẹ nhàng có vẻ như trước mặt Thầy - Trần Thế Luân cũng là một thiền sư, chưa xác định tông phái.

- Luân thầm so sánh thời gian qua các trại tù của lão, và thời gian qua các thiền viện Phật Giáo của Thầy Phong, bất giác lão mỉm cười và nói:

- Chữ Tài liền với chữ Tai một vần

Chữ Tù liền với chữ Tu cũng một vần.

- Tôi và Thầy một lúc nào đó chúng ta gặp nhau ở Hòn Khoai (Poulo Obi), tuy không lâu nhưng cũng rất đậm tình. Tôi đã gõ ! mõ tụng kinh từ trước 1965 và mãi đến bây giờ vẫn còn xoay tròn trong vòng tục lụy. Thầy đã yên bề ở chốn Thanh cao. Riêng Trần Nhật Phu bên xứ Úc Châu xa xôi đã 70 chưa một lần cưới vợ. Có lẽ Phu thông minh hơn mình. Trong buổi chiều tà hôm nay, cũng như chiều tà của cuộc đời mình. Tôi thấy được thời gian ở Poulo Obi của chúng mình rất hay. Miền Nam đưa tôi xuống Hòn Khoai, phía Nam Cà Mau 12 hải lý. Miền Bắc đưa tôi đến Lào Kay cực Bắc của nước Việt Nam. Số phận đã như vậy, bây giờ có lẽ nhờ Thầy mới đến được cái nơi mà mình nên đến. Thôi thì cứ tà tà đi !

- Ông Luân ơi. Tôi xin phép về, có dịp sẽ đưa ông đi thăm các ngôi chùa quen. Nghe ông sắp đi Việt Nam, nhờ ông đặt may dùm tôi 60 cái áo bao bồ-đoàn. Tôi sắp khai giảng lớp Thiền miễn phí.

- Thầy yên tâm, sẽ có áo bồ-đoàn như Thầy muốn. 

Tiễn Thầy Phong ra cửa, Luân trở vào nhà với suy nghĩ. Bây giờ sắp xếp để Thiền với mấy đứa cháu nội, ngoại ở nhà mà Luân gọi là giờ Thiền động .

Hoàng Sĩ

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 13252)
03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5014)
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6956)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 3853)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4765)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4298)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17068)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12276)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22480)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14019)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7905)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21739)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19797)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24515)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,