Mưa Quấn Khăn Vào Sâu Ấu Thơ

07 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 3800)
Mưa Quấn Khăn Vào Sâu Ấu Thơ


“chẻ đôi sông, núi: kênh, mương cạn

“đêm quấn khăn vào sâu ấu thơ
“chẻ đôi thân thế: mù tăm tích
“ta nghĩa trang nào? - chôn, cất nhau?”

(thơ dtl)

Người đàn ông bất ngờ bị nắm áo, giựt lại, giữa lúc anh vừa dợm bước, tuồng để nhìn rõ hơn con suối ở độ thấp hai nghìn năm trăm bộ so với mặt biển. (Trước giờ khỏi hành, những người bạn trẻ đã giải thích cho người đàn ông hiểu, đấy là đoạn cuối nguồn của con một ngọn thác San Antonio, trước khi ra biển.) Đó là lúc nhóm người đầu tiên vừa đặt chân lên phần bằng phẳng nhất của ngọn núi. Họ gồm bốn người. Hai người con gái: một tóc ngắn, đẫy người, trắng, lạnh, khuôn mặt búp bê; một thấp, bé, nhỏ tuổi, tóc bỏ lửng, với cả hai hàm răng được niềng chặt, tăng thêm vẻ li lắt, nghịch ngợm, với đôi mắt có phần sâu hơn khoảng cách giữa đỉnh núi và mặt suối. (Đêm trước, khi người con gái có khuôn mặt búp bê đẩy cửa vào nhà một người bạn trẻ, giới thiệu người đàn ông với đám đông xa lạ, người đàn ông đã có cảm giác sợ hãi, khi bắt gặp chiều sâu của đôi mắt ấy. Khi người con gái nhỏ tuổi ôm anh. Khi mùi shampoo từ mái tóc bỏ lửng của cô, xúc động theo nỗi xúc động gập ghềnh của trái tim người con gái, lúc cô nép vào ngực anh, dường đã dự báo một điều gì bất thường về cái chiều sâu ưu uất, bưng bít của con đường hầm hút, hút ấy.) Không kể người đàn ông, đến từ Houston, người còn lại là một sinh viên, vừa hoàn tất chương trình bốn năm đại học về hội họa ở đại học Austin.

Gió toa rập với niềm sợ hãi, dát mỏng tiếng kêu hốt hoảng của người con gái nhỏ tuổi, “coi chừng, cẩn thận, anh!” Người đàn ông quay lại. Anh thâu nhận được cùng lúc, những ô vuông nhỏ xíu, làm thành bởi những đường kim loại sáng nơi hàm răng của người con gái nhỏ tuổi; và, đường hầm sâu hút, hút, trong đôi mắt cô.

Những ô vuông kim loại, con đường hầm sâu hút, hút lui xa, nhường chỗ cho mái tóc ngắn, làn da trắng lạnh. Người con gái nhỏ tuổi đứng qua một bên. Tựa như, cô hối hận hay tự khiển trách mình về việc bất ngờ nắm áo người đàn ông. Tựa cô trực nhận, đã sai phạm, đã lố bịch khi bày tỏ mối quan tâm (dù bất ngờ,) đối với người đàn ông. Hoặc, cũng có thể ngầm hiểu, người đàn ông đó, là sở hữu riêng của người con gái tóc ngắn, mà cô gọi bằng “chị.” “Chị Thẩm.”

Sự lảng tránh, (cứ tạm thời dùng chữ đó, trước khi tìm thể được chữ thích đáng hơn) của người con gái tóc bỏ lửng, sự bước tới, sánh vai với người đàn ông, của người con gái có khuôn mặt búp bê, khơi thêm mạch nguồn trắc ẩn, nơi anh. Trắc ẩn càng bập bùng hơn nữa, khi người trẻ tuổi mê hội họa cố tình khuấy tan bầu khí nặng nề, bằng cách chỉ trỏ, pha trò, với những tiếng cười lạc lõng, không người đáp ứng.

Người đàn ông bất ngờ bị người con gái tóc ngắn nắm tay, dắt xuống một con dốc dẫn tới tòa bát giác bên tay trái. Tòa nhà trống bốn phía, có hàng rào xây lửng, vây quanh. Nơi tập trung khá đông du khách. Người con gái tóc ngắn nói, “đến đó, anh sẽ vẫn nhìn được rõ hơn cửa sông. Nơi chấm dứt thực sự của dòng thác; và, cửa vào biển cả...”

Ở lưng chừng dốc, nhìn ngược lại, chưa xa, đỉnh núi, người đàn ông bất ngờ bắt gặp đôi mắt nhìn theo. Đôi mắt dự báo một điều gì bất thường về cái chiều sâu ưu uất, bưng bít của con đường hầm sâu hút, hút...

Người đàn ông không thể biết gió thốc hay, bàn tay ai đó, giựt, kéo anh đi tới. Nhưng anh biết, chẳng một tiếng nói nào cất lên, mà, trong anh, vẫn bập bùng niềm trắc ẩn...

Tuần qua, một buổi tối, mở hộp thư E-mail, trong số những thư mới tới, chờ được đọc, nơi đề mục, tôi đọc được hai chữ trong ngoặc kép “Bất Ngờ!” Tên người gửi: Christine Lâm. Một cái tên, với tôi, hoàn toàn xa lạ. Không đoán được người gửi, nên tôi cũng không chờ đợi một “bất ngờ!” nào. Tôi nghĩ, có thể đó là một trong những E-mail quảng cáo, như tôi đã nhận được, từ ngày Đoàn Duy Hiệp gắn và, dậy tôi cách xử dụng E-mail.

Tuy nhiên, cuối cùng, rồi tôi cũng đọc lá thư đó. Và nội dung lá thư, không như tôi nghĩ. Nó không phải là một cái quảng cáo bằng E-mail. Nó là một bất ngờ. Bất ngờ lớn lao. Bất ngờ niềm trắc ẩn, bập bùng trở lại trong tôi. Đó là thư của người con gái tóc ngắn.

Thư của người con gái tóc ngắn. Người con gái có hàm răng niềng chặt. Người con gái cho tôi cái dự báo bất thường trong lần gặp gỡ thứ nhất. Người con gái đôi mắt ưu uất, kín bưng của một đường hầm, nằm ngang, sâu, hút, hút... Người con gái bây giờ mang tên Christine Lâm, nhưng trong thư vẫn sử dụng tên cũ. Tên Q. Cái tên ở trong ký ức tôi, nhiều năm qua. Cái tên, nhiều đêm nhớ lại. Cái tên mà, trong bất cứ một tái ngộ nào, với những ngày bạn trẻ, những ngày, ở Austin, tôi đều nhắc tới, trong thăm hỏi, trong khao khát muốn biết được tin tức mới nhất về cô. Nhưng tất cả những tin tức nhận được, từ những người trẻ tuổi gặp lại, là những tin mơ hồ, mâu thuẫn. Ngay cả “chị Hương,” cách đây hơn hai năm, khi tôi hỏi về Q., Hương cũng chỉ trả lời một cách mơ hồ, đại khái, nghe nói có chồng, có con rồi... Đại khái, Q. có việc ở tiểu bang khác, đã rời khỏi Austin, và, không liên lạc với bất cứ một người bạn...

Tất cả những tin tức mơ hồ kia, bây giờ “bất ngờ” được soi sáng. Lá thư mang tên “Bất Ngờ” của Christine Lâm. Thư viết:

“Anh L.,

“Chắc có lẽ anh L. không nhớ Q. là ai đâu hả! Q. là cô bạn ngày xưa đã có lần được được gặp anh ở Austin. Chắc hẳn anh còn nhớ bọn chúng mình ngồi ở nhà Bình-Yến, uống rượu, đọc thơ, và mình đi dạo ở công viên... Thắm thoát mà cũng gần năm năm rời không gặp lại. Q. mà biết làm thơ thì có lẽ sẽ làm bài với tựa đề: ‘Năm Năm Rồi Không Gặp’ để gửi tặng anh L. Nhưng thôi Q. chỉ biết tán dóc vài hàng để anh L. đọc cho vui.”

“Anh L. vẫn khỏe chứ hả? Q. có E-mail address này nhờ anh Phương cho đấy. Q. định viết thư nhiều lần nhưng không dám vì sợ mình viết sai chính tả hay văn phạm thì anh L. cười chết, nên thôi. Q. không biết bây giờ anh L. đang ở đâu và mấy năm qua có gì vui không, kể cho Q. nghe với. Riêng Q. thì vẫn như ngày xưa, có điều không si tình như lúc gặp anh nữa!!! Q. đang sống một cuộc sống rất bình thường, cũng có lúc lang thang tư tưởng để sống lại những ngày cũ, rồi một thoáng buồn trở lại, nên lại phải quay trở về cuộc sống hiện tại. Một người như anh L. chắc có lẽ cũng đã từng trải qua tâm trạng như Q. rồi phải không?

“Không hiểu tại sao hôm nay Q. lại dám viết vài hàng này cho anh L. Chắc tại trời ở đây hơi âm u, làm Q. cảm thấy mạnh dạn hơn để gởi anh vài hàng này, anh ráng đọc cho vui nhé. Không cần hồi âm Q. đâu vì Q. biết anh bận lắm chứ có giờ đâu mà trả lời thư lằng nhằng như thế này...

“Q. tạm dừng bút nha. Chúc anh L. khỏe và càng ngày càng yêu đời hơn.

“Q.”

Tôi nhớ chứ. Làm sao quên Q., khi chính tôi là người không ngừng thăm hỏi, không ngừng tìm kiếm tin tức Q. Khi chính tôi, trong suốt bao năm, tháng, vẫn chĩu, nặng trong lòng một món nợ...Tôi không biết phải xếp “món nợ” ấy vào loại nào? Tôi không muốn gọi đó là “món nợ tình yêu!” Tôi chưa hề ngỏ ý, chưa hề tỏ tình với Q. Tôi cũng không chính thức nhận từ nơi Q., một bày tỏ cụ thể nào. Nhưng, tôi biết (với riêng mình,) nếu không thanh thỏa với Q., một lần, niềm trắc ẩn kia, mối băn khoăn bứt, rứt nọ, sẽ còn, như cái giầm bất an nổi, chìm, ký ức.

Tôi nhớ, phi trường Austin, buổi chiều chia tay, những giọt lệ tức tưởi của Q. lúc ôm Thẩm, (mà) đôi mắt dành cho tôi. Đôi mắt dự báo một điều gì bất thường về cái ưu uất, bưng bít của con đường hầm hút, hút.

Tôi nhớ, Thẩm muốn mọi người chia tay nhau ở bên ngoài phòng đợi, luôn cả Phương và Bình. Tôi nhớ, chuyến bay của Thẩm và Thanh, về Dallas; trước chuyến bay về Houston của tôi, khoảng hơn một tiếng. Tôi nhớ, lúc Thanh quay đi, cho tôi và Thẩm có cơ hội làm một số cử chỉ nào đấy, nơi ngã tư của dẫy hành lang, dẫn về các “concourse” khác nhau, Thẩm hỏi:

“Anh thấy hết phải không?”

Tôi đáp:

“Thấy!”

Thẩm lắc đầu:

“Anh chỉ thấy phần anh... Thẩm tin như vậy.”

Tôi đáp:

“Có thể.”

“Tại sao lại có thể?”

“Chứ không phải Thẩm muốn nói, anh chỉ thấy được những điều anh muốn thấy?”

Thẩm lại lắc đầu. Tôi nghe được những giòng nước chán nản, bất mãn từ mái tóc ngắn của Thẩm chảy xuống đôi vai trần của nàng. Những ngón tay quen thuộc của Thẩm, ngập ngừng níu, gửi trên ngực tôi. Tôi nghe được mùi thịt, da quen thuộc của Thẩm, dường đã pha, trộn ít nhiều mùi, vị lạ. Tôi không dám chắc cái mùi, vị tôi cảm, nhận được trong chia tay kia, là mùi, vị gì. Nhưng thoảng trong tôi, dường đó là mùi, vị của thất vọng, có thể dẫn tới ly, biệt.

Thẩm nhẫn nại:

“Anh phải thấy Thẩm hết sức cố gắng. Q. làm quá. Quá đáng tới mức Thu phải bỏ về, vì xấu hổ. Trong khi Thu là người làm đồ ăn, mang đồ ăn tới từ chiều, để chờ chúng ta.”

Từ lầu hai, nơi những bậc thang cuốn thứ nhất, qua cửa kính, tôi thấy chiếc bóng nhỏ bé của Q., những chiếc xe dưới chùm đèn bóng tròn, bầy quạ quỷ, pho tượng đen. (Pho tượng mô phỏng hình dáng của một người đàn ông thời thượng cổ, oằn lưng dưới sức nặng của một khối sắt chòng chéo những hình tròn, vuông (và,) góc nhọn.

Pho tượng tuồng đã cúi xuống, đã nhìn, buồn, khi tôi bước qua. Sự cúi xuống, cái nhìn, buồn của pho tượng tái hiện trong thơ tôi những năm 94, 95. Những bài thơ của thời kỳ “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà.” Thời kỳ của “Your Scented Garden, My Nostalgia,” của những bài thơ như bài “Austin/ Đêm/ Nến/ Môi/ Quạ và, Tượng.” Những bài thơ chắt ra từ đôi mắt Q., từ chiếc cầu sắt treo lửng giữa không trung, buổi chiều, nối liền hai bến sông, từ bày quạ quỷ quái, khi không, thả xuống tâm hồn tôi, những tố giác ngậm ngùi, những quẩn quanh mất trí.

Những bài thơ tôi, thời kỳ này, làm nhiều người “dị ứng.” Tôi cảm tưởng, tuồng họ không còn chút kiên nhẫn, cố gắng nào, dành cho thơ tôi! Ngay nhan đề bài thơ, cũng đủ khiến họ “dị ứng.” Trong khi theo tôi (tất nhiên,) đó là những bài thơ rất nên đọc. Chẳng hạn:

“đáy mồ/ đêm/: Austin
“treo đoạn dây cuối kiếp
“bao nhiêu điều dấu quanh
“chỉ tóc mình thầm biết

“nến vắt cạn tim xanh
“kiệt khô môi thất thiệt
“gió truy, cản sân bay
“những cửa hang đốn, mạt
“nỏ, bén từng đốt tay
“ngọn sầu riêng/ cháy/ hực

“chuyến xe lửa không trung
“hỉ mũi cười ta ngố
“em căng, rách da sương
“chấn góc phòng đổi vé
“bày quạ bên kia sông
“mời mọi người quá bộ

“pho tượng ôm ngực ho
“hỏi: - bao giờ ngươi chết? (!.)”

Hoặc: 

“chiều/ chia tay/ xám xịt
“em về trước rạng đông
“chân trời/ mưa/ chuyển dạ
“quạ giật mình qua sông
“sương rùng rùng: chiếu cố”

Từ lầu hai, nơi những bậc thang cuốn thứ nhất, qua cửa kính, tôi thấy mưa (không phải trên vai những pho tượng trắng của Anatole France, khi ông đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo, thời của ông, mà,) trên những hình khối chòng chéo, (và,) trên lưng những con quạ đen xù lông, ghếch mỏ, khinh mạn những con-vật-người lầm lũi, bước.

Tôi trả lời Thẩm, tôi cũng không đồng ý cung cách bày tỏ của Q. Q. làm tôi bối rối suốt buổi tối. Q., làm tôi lúng túng, đần độn suốt buổi chiều.

“Nhưng chúng ta cũng có những lúc không đúng.”

Thẩm nhìn đồng hồ, khi Thanh mang nỗi bồn chồn diễn hành nhiều lần trước chúng tôi; nhắc nhở giờ bay gần, cận. Như không thấy Thanh, Thẩm thả tia nhìn qua cửa kính, xuống bãi đậu xe:

“Anh không bằng lòng thái độ của Thẩm đêm qua?”

“Không,” tôi nói. “Anh chỉ thấy mình bất nhẫn, chí ít là anh, trong tối nay. Và, vừa tức thì...”

Tôi muốn cho Thẩm biết, tôi hiểu, tại sao Thẩm không muốn mọi người tiễn chân chúng tôi tại “gate.” Tôi muốn cho Thẩm biết, sẽ chẳng bao giờ Thẩm hiểu được, tiếng khóc nức nở của Q., lúc Q. ôm Thẩm, ngoài building.

Tôi muốn nói, có thể Thẩm sẽ bảo đó là những giọt nước mắt cá sấu. Nhưng với tôi, nước mắt cá sấu cũng là... nước mắt. Tôi sợ, có lúc chúng ta sẽ không có được cho mình, dù chỉ là những giọt nước mắt mang tên cá sấu... Tôi muốn. Muốn. Muốn...

Tôi biết thói quen im lặng, chịu đựng của tôi, mang đến cho người khác những kết luận về tôi, như một người “nhu nhược,” “đần độn,” ngu xuẩn,”

(Tôi hiểu, không ít người, nhất là phụ nữ, đã nhìn ngắm tôi, như vậy. Họ có lý. Biết đâu, tôi chẳng đần độn tới hai lần, khi những tưởng mình giả bộ (mà, thực ra mình đã chính là.)

Thẩm xiết tay tôi. Hơi thở Thẩm bỗng nóng ran. Tôi biết đã tới lúc chúng tôi phải chia tay. Ở mặt nào khác, cảm giác trắc ẩn, bất nhẫn lại dềnh lên trong tôi... Như thể đó là một trong những điều tôi đã cố tình không muốn nhận, biết.

Thẩm nói, Thẩm sẽ canh giờ, gọi, ngay khi tôi về tới nhà. Thẩm nói, chỉ xin tôi biết, nhớ, Thẩm cũng khóc, khi ôm Q. vậy.

“Và, đừng trách Thẩm không chu đáo. Chút xíu nữa, Phương, Bình sẽ trở lại...” Thẩm quay lưng, bước như chạy.

Tôi đứng lại. Nhưng, dường tôi cũng đang chạy. Tôi chạy theo bóng Q., (đã được mưa, quạ, tượng không gian, chòng chéo, cuốn đi.)

Tôi đứng lại. Nhưng, dường tôi chạy, trốn niềm xấu hổ, tính hèn hạ của mình.

Tôi nghĩ, trong đời sống, mỗi chúng ta không chỉ đôi lần (mà,) rất thường khi bỏ chạy (và,) lẩn trốn chính mình.

Tôi nhớ, cuối cùng, rồi Phương, Bình cũng trở lại. Nhưng, cũng như lời Thẩm, đã không thêm một ai, ngoài họ.

Tôi nhớ, lúc mới ngồi xuống chiếc thảm nhà Bình-Yến, Thẩm đã bấm tay, báo tôi biết sự bất thường của Q. Bất thường, hiểu theo nghĩa Q. không cần để ý tới kẻ nào, trong số gần hai chục người trẻ tuổi, chờ (và,) đón, đợi tôi.

Bất thường, hiểu theo nghĩa, Q. tuồng bị ngọn lửa hực, hực đam mê, rừng, rừng rồ dại dắt tay Q. chạy ngược dốc tình yêu. Bất thường, hiểu theo nghĩa, khi lên tới ngọn đỉnh cheo leo, Q. gieo đôi mắt, hàm răng (niềng chặt,) giọng nói, hơi thở, lồng ngực, (gọn một câu: toàn thể thân, tâm Q.,) xuống những lưỡi dao dư luận nhọn hoắt tai tiếng...

Bất thường, hiểu theo nghĩa cung cách Q., mang lại cho buổi họp mặt cái không khí căng thẳng bấp bênh, sượng, chát ánh nến.

Tôi nhớ, Thẩm phản ứng bằng cách không bỏ lỡ, dù một giây, cho Q. thấy, tôi là sở hữu của Thẩm. Sở hữu trên một tài sản... hư không.

Cũng giống như niềm tin, tình yêu chỉ có thể có thật, ở chỗ không thật nhất của nó.

Nhưng, bày tỏ của Thẩm, dường chỉ giúp Q. thấy, Q. đã bỏ Thẩm rất xa, về phương diện lớn lao(?) trưởng thành(?,) dù cho lúc nào Q. cũng một điều “chị Thẩm”...

Tôi nhớ, khi buổi tối vừa bắt đầu với những phần ăn được bày ra trên thảm, không chịu nổi cung cách điên rồ của Q., Thu, đùng đùng bỏ về, sau khi lớn tiếng:

“Mày làm tao xấu hổ. Nếu mày không ra khỏi đây thì tao đi. Tao không chịu nổi nữa.”

Tôi nhớ, Q. cũng dữ dằn, thẳng thừng không kém:

“Tôi không về. Cái gì mà xấu hổ? Cái gì mà nhục nhã...? Không một ai có quyền hạn trên tôi hết. Không một ai, chị nghe rõ chưa?”

(Thẩm ghé tai, giải thích cho tôi biết, đó là chị ruột của Q. Dù che dấu, tôi vẫn cảm được những con sóng hạnh phúc tung bọt hả hê trong lòng Thẩm.)

Tôi không tin Thu chờ đợi nơi Q., một lời đáp. Có chăng là Thẩm. Là tôi.nghe. Những người ngồi sát Q., nghe. Và, tôi, không chỉ nghe, còn nhận, biết một dự báo bất thường từ những ô vuông kim loại nhỏ tí: hàm răng niềng chặt; từ chiều sâu ưu uất, bưng bít của đường hầm hút, hút: đôi mắt Q., rất tượng.

Tôi nhớ. Nhớ chứ, lúc Q. hớt hải chạy xe băng cỏ công viên, tìm, để nhờ tôi viết cho Q., mấy chữ vào cuốn truyện “Tôi Với Người: Chung Một Trái Tim.”

Tôi nhớ, Q. kể, Q. mất nguyên buổi sáng, lùng, sục sách tôi, khắp Austin.

“May quá, cuối cùng, một nơi còn sách của anh. Đó là những cuốn bìa rách, hoặc in lộn trong ruột, nhưng Q. vẫn lấy,” Q. kể, hào hển, cười, (thấp thoáng những ô vuông kim loại:)

“Chắc họ nghĩ Q. điên! Mà Q. điên thật, anh ạ.”

Tôi không biết phải nói gì với Q. Tôi hiểu tấm lòng Q. Đồng thời, tôi cũng hiểu lòng Thẩm, sát cạnh. Tôi biết Thẩm nghĩ gì, buổi sáng, muốn tôi tham dự khóa lễ sớm với nàng. Tôi biết Thẩm nghĩ gì, khi giới thiệu tôi với Cha Chánh Xứ, lúc buổi lễ chấm dứt.

Tôi biết Q. nghĩ gì, khi hỏi tôi về ý nghĩa của câu thơ “tôi với người: chung một trái tim.” Tôi biết Q. nghĩ gì, khi hỏi tôi về những câu thơ gần đây. Những bài thơ tôi làm, trong thời gian chạy, trốn Ngân, ở Hoa Thịnh Đốn. Những bài thơ rơi xuống, hay đi ra từ tôi, với tất cả tình cờ nghẹn ngào nắng, gió của chúng. Đó là những bài thơ làm thành “Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra.”

Là:

“khép cửa. Đi. Hình, bóng chẻ đôi
“chiếc giằm trong mắt. Lắt con ngươi.”

Là:

“khằn rêu ký ức: chim tiền kiếp
“tiếng gọi nghìn sâu. Tiếng gọi mù.”

Là:

“người ở cùng tôi:mỗi mũi đường
“mỗi mùa trí nhớ sắp lâm chung
“mỗi vai trưa nặng hương từ mẫu
“tóc, ấm vườn tôi, khuya, thiếu niên.”

Tôi kể cho Q. nghe, chữ “mũi đường” tôi tìm thấy trong tập nhật kýù của cụ Phan bội Châu, những ngày nằm mốc, ẩm trong ngôi nhà của Nguyễn văn Phán, ở thành phố Springfield.

Ngôi nhà “họp chợ” mỗi buổi sáng, với Ngô Hành Sơn, Văn Hào, Hoàng Xuân Giang, Nguyễn Văn Quý, Huỳnh Thái Bình, Nguyễn Anh Văn, Ngô Phi Đạm, Đặng Nho, Nguyễn Văn Lộc... Đôi khi có thêm Trần Văn Thế, Phạm Đức Tiến, Phó Ngọc Văn....

Tôi (trả lời hay,) kể Q. nghe, chúng tôi “họp chợ” luôn cả những buổi sáng, tuyết cao ngang cửa sổ. Đó là thời gian tôi mê, mệt trở lại với thơ bảy chữ. Tôi muốn làm một đổi mới với thể thơ này. Tôi cho nó một tên gọi khác: Thơ “Năm Bảy,” khi tôi chia lại khổ thơ từ 4 câu thành 5 câu. Từ nhịp 2/5 hay 3/4 thường hằng của nó, thành 2/1/1/1/2 hay 1/4/2...

Đó là thời gian tôi khởi sự cuộc chơi: chẻ chữ cho thêm nghĩa. Như “sông” phết “núi,” như “kênh” phết “mương;” như “chôn” phết “cất;” như “chia” phết “ly;” như “buồn” phết “bã;” vân vân...

(Có thể tôi thất bại, như Hoàng Xuân Giang đã thất bại, trong chờ đợi được thay gan ở Montreal. Như Sơn đã chấm dứt thời rong chơi, nhận một “job” bưu điện, cách chỗ ở 30 chục dặm, để có được bảo hiểm sức khỏe cho mình; và, Xuyến trước khi tuổi già tới. Như Hào đã bỏ lại D.C chiếc xe Lunch, về Delaware, mở tiệm làm móng tay. Như Phán đã thất bại trong mối tình “thế kỷ” của mình; (và,) ngôi nhà một thời “họp chợ” của chúng tôi, cũng đã về tay kẻ khác. Như. Như. Như...)

Tôi (trả lời hay,) kể Q. nghe, những ngày ở D.C., “thế giới bên ngoài,” liên lạc với tôi thường xuyên nhất là “chị Thẩm;” sau khi Thẩm hốt hoảng hỏi Trần Duy Đức về sự “mất tích” thình lình của tôi.

Tôi (trả lời hay,) kể Q. nghe, vì đâu tôi có những câu thơ khiến cho Q. cố gắng mấy, vẫn không thể hiểu nổi:

“chẻ đôi sông, núi: kênh, mương cạn
“đêm quấn khăn vào sâu ấu thơ.”

Tôi nói, căn bản của thi ca là so sánh; và, nhân cách hóa.

Tôi muốn nhân cách hóa “đêm” như một lữ hành luống tuổi, “quấn khăn,” đi ngược lộ trình quá khứ, tìm, kiếm lại tuổi thơ mình.


Tôi nói, xa hơn, trong thơ, người ta có thể cụ thể hóa, sinh động hóa,.. Như tôi cụ thể hóa “sông, núi,” tức nước non, tức quê hương, tức tổ quốc mình, như một vật có thể sờ mó, mang vác,... Và tôi “chẻ đôi” nó


“Để làm gì?”


“Để thấy đất nước mình bất hạnh. Để thấy tổ quốc ta, còn lầm than, đồng bào ta, còn tuyệt vọng... Như sự lầm than, tuyệt vọng của con kênh, con lạch khô cạn nước vậy...”

Tôi nhớ, nhớ chứ. Nhớ Q. tròn xoe đôi mắt (dường dự báo một điều bất thường...) bảo:

“Thế thì thơ khó hiểu quá! Tại sao người ta không làm cho thơ dễ hiểu hơn?”

Tôi nhớ, tôi đã bật cười. Tôi nhớ, tôi đã đùa, vui với Q., đại ý, chúng ta có quá nhiều thơ... “dễ hiểu” rồi, liệu ích gì không (?) khi có thêm một người làm thơ “dễ hiểu” nữa?

Tôi nhớ, sau đó, rất nghiêm chỉnh, tôi bảo Q.:

“Thực ra, thơ để cảm, chứ không nhất thiết phải hiểu, Q. ạ. Vấn đề là Q. có cảm được thơ tôi hay không mà thôi?”

Tôi nhớ, Q. đã rất chân thật, rất hồn nhiên khi lắc đầu, với nụ cười đầy những ô vuông kim loại, nhỏ; và e thẹn, hiếm.

Cái lắc đầu của Q., khiến bao nhiêu khao khát, háo hấc muốn dốc ngược, muốn trào ra khỏi tôi. Tôi muốn ôm, muốn hôn nơi những ô vuông kim loại, nhỏ, và, luôn cả con đường hầm hút, hút...

Cảm giác cồn cào này, thèm khát bị dốc ngược, muốn trào ra khỏi tôi kia, một lần nữa, trở lại, với tôi, khi trong E-Mail của tôi, có hai chữ “Christine Lâm;” cùng đề mục: “Bất Ngờ!!!”

Người đàn ông trở lại điểm ngoạn cảnh. Chỗ con suối ở độ thấp hai nghìn bộ, so với mặt biển. Đấy là đoạn cuối nguồn của một con thác San Antonio, trước khi ra biển. Không một ai giới thiệu, nói năng với anh, điều gì; ngoài những mỏm đá, con dốc dẫn xuống ngôi nhà bát giác. Cũng không có một tiếng nói nào, để gió toa rập với niềm sợ hãi, dát mỏng tiếng kêu thảng thốt... Anh cũng chẳng nghe được (dù gắng tưởng tượng) mùi shampoo từ một mái tóc bỏ lửng. Cũng không, nữa, một đường hầm hút, hút, dự báo điều bất thường...

Mọi thứ, còn nguyên đó. Năm năm. Còn nguyên đó: Trời đất, dòng suối, vách đá, rừng cây, những bông hoa dại. Chỉ không còn: người con gái tóc ngắn, đẫy người, trắng, lạnh, khuôn mắt búp bê... Chỉ không còn: người con gái nhỏ tuổi, tóc bỏ lửng, với cả hai hàm răng được niềng chặt...

Họ đã lần lượt bỏ, đi lấy chồng. Họ đã bỏ lại những ngọn nến, phần ăn trên thảm, buổi chiều nơi công viên, chuyến xe lửa không gian, những con quạ quỷ quái, pho tượng người thượng cổ, (oằn vai vác những khung hình không gian chòng chéo,) mưa, và những cửa “gate” đốn mạt. Họ đã bỏ lại nguyên một thành phố. Austin. Nơi những giọt lệ chắt ra, (mà,) nỗi niềm không sao có thể cạn sạch. Họ đã bỏ lại, thời tuổi trẻ, những nhịp đập, (và,) tiếng réo gọi thanh xuân, tiếng gọi tình yêu rồ dại. Họ bỏ hết, phủi sạch, như chưa hề... Luôn cả: chiếc bóng, người đàn ông; (dù cho cái E-Mail có được giữ lại, nhiều chục năm sau, (thì,) đó cũng chỉ là những tàn tro liu điu, tự thân, vĩnh viễn không thể dấy lên một chút hơi ấm, nhạt.

DU TỬ LÊ

(Trích "Tôi, Ấu Thơ Và, Mẹ," đã phát hành.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17067)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12275)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 622)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1185)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22479)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14017)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7904)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20820)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22915)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21738)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19795)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24514)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,