Những ngày mưa của mẹ

10 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 4596)
Những ngày mưa của mẹ

Ở đâu, mưa cũng khua động ký ức tôi. Những khuấy động nhọn, sâu vùng tàn tro, tưởng vĩnh viễn, chôn vùi, chừng hằng hằng, im ắng. Ở đâu, mưa cũng thức dậy nơi tôi, những hình ảnh ngỡ có thể sờ mó/ ôm ấp, ghì xiết. Hình ảnh mẹ tôi. Hình ảnh khởi nguồn ký ức tôi. Nơi tôi, cuối đời, bên hình ảnh mẹ, là em. Yêu dấu. Muộn màng. Hình ảnh em, mịt mù góc trời. Lao chao cánh chim muộn, thương tích, bay khuất lánh. Bay vào, nguyên đán.


Yêu dấu, cuối cùng rồi chúng ta cũng băng qua được những ngày tết, ở đây. Những ngày tết như những lát dao êm đềm luồn lách dưới làn da, thọc, ngoáy vết thương ta. Vết thương chưa kịp ra ràng. Vết thương chưa kịp da non. Vết thương, như mắt em muốn khép. Vết thương, như đôi mắt anh, muốn nhắm. Chết. Phải! Một trong hai ta, nên chết. Chết. Phải, chính anh nên chết. Hãy chết đi. Chết tiệt. Như tiếng nói, đã chết. Như nhớ nhung, đã huyệt. Chết. Phải. Một trong hai ta, nên chết. Nhất là anh. Nên chết. Bê bò. Loài nhai lại. Nhai lại? Nhai lại cái gì? Nhai lại được bao lần? Nhai lại được bao lâu. Bao lần, bao lâu nữa, một khi thực phẩm nuôi dưỡng tinh thần ta, trái tim ta, đã bụi mù hư vô. Đã hút hút. Một khi ta, chính ta, chẳng còn chi nhai lại. Hãy chết. Chết ngay đi. Đồ chết tiệt. Là anh. Đúng rồi. Phải đấy.


Cuối cùng, rồi tôi cũng băng qua được những ngày tết, nơi này. Một nguyên đán mới. Những ngày tết, nỗi quạnh hiu hiện hình: căn nhà lạnh/ Chiếc sleeping bag trên thảm/ những quyển sách mỗi góc tường/ ly cà phê keo cục/ Mẩu thuốc lá. Bếp lửa nguội/ Chiếc tủ lạnh trống/ Đêm, chở Th. về từ ngôi chùa nằm gần ngôi trường của Dục, tôi tự “xông” đất lấy nơi chốn “ngả lưng” ảm đạm của mình và Tạo. Sau giao thừa, bắt chước Th., tôi thắp một nén nhang, cắm vào chiếc ly nhỏ đựng gạo. Mùi hương bốc lên, lòng tôi trầm xuống. Tôi không biết nên khấn nguyện điều gì với trời đất, với tổ tiên, với vong hồn thầy mẹ, các anh, các chị tôi. Tôi nhắm mắt. Hy vọng hình ảnh mẹ tôi sẽ hiện ra giữa mùi nhang khói. Nhưng không. Chẳng một hình ảnh nào lung linh trong nhang khói. Chẳng một ý niệm, một khát khao cầu xin nào, thức dậy trong tôi. Tôi nghe được tiếng mưa. Tiếng gõ yếu trên cửa kính. Như những ngón tay yếu ớt chỉ đủ sức chạm hờ gờ cửa, khiến không thể gọi. Gió, như những con rết nghìn chân, đuổi rượt nhau quanh ngôi nhà. Tôi tự hỏi phải chăng tôi không đủ thành tâm, tín ngưỡng. Chẳng hồn linh nào lộng hiển? Tôi tự hỏi không biết giờ này, linh hồn mẹ tôi ở đâu? Bà đã lên cõi niết bàn hay bị đọa đầy địa ngục? Tôi nhớ câu nói: xác đâu, hồn đó. Nếu điều này đúng thì, đêm nay, linh hồn mẹ tôi vẫn ở thành phố Loma Linda. “Trú sở” của nghĩa trang Loma Vista. Nơi hơn hai năm trước, tôi đã được mọi người nhắc nhở “Ném xuống! Ném xuống!...” những hòn đất vô nghĩa, những cành hoa vô nghĩa. Chẳng bao giờ tôi có thể tự nhắc nhở được rằng, mẹ tôi đã chết. Điều kỳ quặc này, cũng giống như, tôi hằng hỏi tôi, tại sao mày chửa chết? Tại sao, một con người hư hỏng, một đời sống thất bại, thừa thãi như tôi, lại không chết, thay cho mẹ tôi. Tôi hằng tự hỏi, nếu quả thật có một ông trời, có một thượng đế toàn năng, có hàng ngàn tỉ Đức Phật, tại sao, một người, như mẹ tôi, một đời không thanh xuân, một đời không ngày vui, một đời không biết miếng ngon, không biết manh vải đẹp... lại chết? Hay định luật của đời sống, giống như lời ca cẩm thường xuyên của mẹ tôi, thời sinh tiền: “của tốt trời lấy đi, của không ra gì trời để lại.” Không hiểu mẹ tôi học được từ đâu cái “triết lý bi ai” đó. Tôi nhớ, tôi được nghe điệp khúc bi ai này, hầu như mỗi tuần, mỗi tháng, kể từ cái chết của anh Uyển tôi.


Tôi lớn lên cùng bóng rợp thâm u của một khu đất có ba dẫy nhà/ hai chiếc sân/ một bể nước/ một bức tường đá cắm đầy miểng chai cao khỏi đầu người/ một chiếc bể lớn/ dàn bông giấy cổng trước/ dàn thiên lý tường sau và, điệp khúc bi ai cùng những hạt lệ của mẹ tôi, không ngừng chảy xuống. Những giọt lệ lặng lẽ lăn theo những bữa cơm, ngày một thêm thưa vắng người hiện diện.


Cuối cùng, rồi tôi cũng qua được những ngày tết, nơi này. Một nguyên đán mới. Buổi sáng, vừa mở mắt, chị Tâm tôi đã gọi. Bảy rưỡi giờ Cali. Lời “chúc đầu xuân” chị Tâm dành cho tôi là một loạt câu hỏi/ mắng mỏ/ trách móc/ Chị hỏi tại sao tôi không về với gia đình? Chị hỏi bệnh hoạn tôi ra sao? “Cậu phải biết mọi người sốt ruột, mọi người nhắc nhở, thấp thỏm về cậu từng ngày, từng buổi. Ngay khi cậu không quan tâm tới sức khỏe, tới sự sống, sự chết của mình thì, cậu cũng phải nghĩ tới anh, tới chị, tới các cháu chứ? Tết nhất, không về, cậu cũng phải điện thoại cho gia đình biết... Cậu cũng phải cho tôi biết chứ! Mấy tháng liên tiếp, cậu không nói năng, không liên lạc, không tin tức gì nghĩa là sao?...” Tôi “Dạ. Vâng” như một cái máy. “Nói gì, lúc nào, ở đâu cậu cũng dạ, vâng” chị Tâm cao giọng. “Tôi không cần cậu dạ, vâng… Tôi chỉ cần cậu làm theo những gì tôi nói thôi. Tôi nhắc cậu hoài là phải uống sữa. Cậu có uống không? “Dạ có.” “Tôi nhắc cậu đi ngủ sớm, cậu có ngủ sớm không?” “Dạ có.” “Tôi nhắc cậu phải ăn nhiều vào, có ăn nhiều không?” “Dạ có.” Tôi nhanh nhẩu “dạ có” đôi khi trước cả lúc chị tôi dứt câu hỏi. Có lẽ sự nhanh nhẩu của tôi khiến chị động lòng trắc ẩn. Giọng chị dịu dần. Chị hỏi tôi kết quả thử máu? Tôi trả lời “Dạ, bác sĩ bảo tốt lắm.” Chị hỏi tôi có lên cân? Tôi trả lời “Dạ, lên đều đều...” “Đều đều là bao nhiêu?” Tôi ngập ngừng “Dạ, trên mười pao” “Thế bác sĩ bảo còn cần bao nhiêu ‘pao’ nữa thì cậu có thể về lại đây?” Tôi đáp liều “Dạ, bác sĩ bảo em phải lên hai mươi pao nữa mới đúng... số!”

Mồng một tết, tôi không chờ cú điện thoại đầu tiên. Mồng một tết, tôi không chờ đợi, mở đầu một năm mới bằng cả chục lời nói dối. Sự thực, tình trạng bệnh thyroid của tôi, tồi tệ hơn bao giờ! Bác sĩ T. thử máu cho tôi, bảo mức thyroid tôi còn cao. Độ đường trong máu cũng cao. Bác sĩ G. bảo không được uống cà phê sữa nữa. Tuy chưa nhận được lời khuyến cáo chính thức từ bác sĩ Phước, người chữa bệnh thyroid miễn phí cho tôi từ gần một năm qua, nhưng với kết quả thử máu mà bác sĩ T. cho biết, cộng với sự tự biết, mỗi ngày một gầy hơn, tôi hiểu tình trạng sức khỏe mình trở lại thời báo động. Tôi nghĩ đầu năm không nên nói láo. Nói láo đầu năm với chị Tâm tôi, cả năm tôi sẽ nói láo. Nhưng, chẳng còn một chọn lựa nào khác cho tôi.

Tôi không quen kể lể với anh, chị tôi những nhọc nhằn/ những khốn khổ/ cùng quẫn của đời sống mình. Từ ngày bỏ ngôi nhà ở đường Trần Hưng Đạo, đi giang hồ, sống tự lập, tôi tập được cho mình thói quen nuốt xuống những bất hạnh, hờn tủi. Tôi không cho phép tôi làm chảy thêm những hạt lệ muộn từ đôi mắt già nua của mẹ tôi. Các anh, các chị tôi có thể vẫn là kẻ khơi mở mạch nguồn nước mắt gần cạn khô của bà, nhưng tôi thì không. Đứa con út, đứa con hư hỏng của bà, là tôi, làm khổ bà, chừng ấy, đã đủ. Lớn khôn hơn một chút, tôi tập được thói quen nuốt chửng những ê chề, nhục nhã xuống một góc kín của đời sống, của trái tim. Tôi không muốn mình trở thành niềm thương hại của ai. Càng không thể, trong mắt nhìn của các anh, các chị tôi.

Mỗi chúng ta đều quá nhọc nhằn với gánh nặng riêng đời mình. Hà cớ gì ta lại đeo đá thêm cho kẻ khác?


Cuối cùng, rồi tôi cũng băng qua được những ngày tết, ở nơi này. Một nguyên đán mới. Tôi băng qua với cú điện thoại thứ hai, từ anh Q. tôi. Người anh kém may mắn, phải đóng vai “quyền huynh thế phụ,” sau khi thầy tôi, rồi anh Uyển tôi, chết. Sáng mồng một tết, nơi này, tôi không chờ cú điện thoại của anh. Cú điện thoại mang lại cho tôi những câu hỏi dồn dập, như những câu hỏi của chị Tâm tôi. Chỉ khác, anh Q. hỏi tôi với một âm vực thấp trong giọng nói. Mồng một tết, tôi không chờ đợi mở đầu một năm mới bằng loạt nói dối. Anh Q. bảo tôi, cho anh gửi lời thăm bác sĩ Ph.. Anh đâu biết, ở lại đây để chữa bệnh, nhưng gần như tôi không gặp bác sĩ Ph., mấy khi. Tôi rất ngại đến phòng mạch. Tôi rất ngại nghe về bệnh trạng mình. Mỗi lần bị chích thuốc, với tôi tựa một lần lên đoạn đầu đài. Tôi lại “Dạ. Vâng. Dạ. Có. Dạ. Không.”


Buông máy xuống, tôi chợt nhận ra, từ mấy chục năm qua, với các anh, các chị tôi, dường như tôi không có một lời nào dành cho họ, khác hơn hai tiếng “Dạ. Vâng.” Và cũng không biết từ lúc nào, họ hiểu, hai tiếng “dạ, vâng” của tôi chỉ mang ý nghĩa của sự tuân phục lúc đó! Ở những ngày trước mặt, đời sống tôi vẫn băng băng chảy tới, với lưu lượng buồn vui, giận dữ, ngu muội, đần độn của riêng mình. Mọi nhắn nhủ, mọi lời khuyên của họ, mọi lời hứa của tôi, tuồng hẫng rơi một lạ hoắc.


Cuối cùng, rồi tôi cũng băng qua được những ngày tết, nơi này. Một nguyên đán mới. Một nguyên đán bắt đầu bằng những thăm hỏi gửi đi hay, nhận được từ bằng hữu. Một nguyên đán xót buốt lúc hình dung xa lộ Năm, buổi tối. Một giao thừa mưa. Một giao thừa lạnh. Người đàn bà, một mình, lái xe trên lộ trình tình yêu, định mệnh thảm khốc, cũ. Nàng đã nức nở. Nàng khóc. Vật vã. Một mình. Một mình với lồng ngực nghẹn ngào sau volant. Một mình, nghe những giọt lệ, tưởng chẳng bao giờ còn có thể chảy xuống, chắt ra từ một đôi mắt đêm thâu, từ một đôi mắt Mỵ Nương, dưới một vầng trán quê cũ.


Một nguyên đán hồi sinh bàng hoàng. Một nguyên đán phục sinh khẩn cấp dưới tầng, tầng lãng quên năm, tháng. Hình dung, một nguyên hình dung. Hình dung yêu, dấu. Hình dung năm tháng vợ chồng/ năm, tháng ơn, nghĩa/ năm, tháng có núm ruột đã lìa/ năm, tháng có giọt máu đã bỏ... Hình dung. Hình dung. Hình dung yêu, dấu. Hình dung em. Hình dung người nữ. Người nữ trong cổ tích. Người nữ ở với Trương Chi. Người nữ tháng giêng. Người nữ tháng bảy. Tháng mười. Tháng chạp. Hình dung tiếng hát, mất. Hình dung nắng, gió. Hình dung xa lộ Năm và, Mười. Hình dung xa lộ Bốn Lẻ Năm và, Một Lẻ Một. Hình dung xa lộ Bốn Lăm. Hình dung xa lộ Năm Chín. Hình dung. Ôi hình dung, giọt máu, cuối.


Hình dung. Hình dung những giọt lệ tủi hờn, những giọt lệ của khối tình non yểu, của nghĩa nặng ân sâu, một giao thừa, bỗng cháy. Hình dung, hạt lệ, nước cất, bốc hơi từ lò lửa tâm hồn, tưởng đã lãng quên. Hạt lệ, nước cất, bốc hơi từ lò lửa trái tim, tưởng đã ngưng đập. Hạt lệ, nước cất, bốc hơi từ lò lửa kỷ niệm, tưởng đã tro than, tưởng đã bụi vàng, tưởng đã lạ mặt. Bỗng cháy. Một đêm. Những giọt lệ tinh khiết, phần nước cất, bỗng ngùn ngụt bốc hơi từ tháng, năm che đậy, đắp lấp sau lưng...


Yêu dấu trăm năm, yêu dấu một kiếp, của ta. Anh vẫn nghĩ, cuộc đời nào cũng được làm thành bởi những giả trá/ phỉnh lừa/ gạt gẫm. Những hạnh phúc ta có/ đau khổ ta mang/ tựu thành ta đạt/ thất bại ta đau, nào có là sự thật. Mọi cuộc đời, mỗi cuộc đời, chỉ thật, ở những giọt lệ lăn xuôi. Không phải giọt lệ em, chảy trước mắt mọi người, trước mắt anh. Cũng không phải giọt lệ anh, chảy trước đôi-mắt-mẫu-tử-em ngó xuống, đêm mưa. Đôi-mắt-mẫu-tử-em, ngó xuống, chiều gió, ngó xuống sáng, non, ngó xuống, trưa xám.


Tôi vẫn nghĩ mọi cuộc đời, mỗi cuộc đời, chỉ thật ở phút giọt lệ lặng lẽ chắt ra và, chỉ đôi mắt ta, cùng những hạt lệ kia biết lấy.


Yêu, dấu của những giọt máu cuồng điên. Yêu, dấu của những mũi lao, duy nhất, một lần trong đời, đã phóng. Hãy cảm ơn, xa lộ Năm. Hãy cảm ơn, giao thừa Quý Dậu. Hãy cảm ơn giọt lệ tôi. Những giọt nước mắt tinh khôi, cất từ bình lửa trái tim đìu hiu, mất tích. Hãy cảm ơn, yêu, dấu. Cảm ơn sự tìm thấy mình. Thấy lại ta trên đỉnh ngọn triều, thất lạc. Hãy cảm ơn, yêu, dấu. Cảm ơn giao thừa. Cảm ơn sự thật nằm sau, tiếng cười. Cảm ơn, sự thật nằm sau, lớp phấn son giả, trá. Lớp phấn son, mỗi ngày, đêm, em hằng chùi lau mà, sự thật chẳng hề hiển, chói. Hãy cảm ơn, chút nắng gió, sót lại, lúc ta một mình, với mưa. Lúc ta một mình, với cỏ cây, lớn cao bóng, tối.


Ở đâu, lúc nào, mưa cũng kéo hàng, cũng giăng tấm lưới kỷ niệm buồn thảm, bủa bắt tâm hồn tôi.


Ở đâu, lúc nào, mưa cũng thức dậy trong tôi, một điều gì, tựa niềm ân hận, mất mát. Thứ mất mát đôi lúc chân thực tới có thể sờ mó. Đôi lúc mơ hồ, tựa chưa hoặc, chẳng hề bao giờ, có thật.


Đó là hình ảnh em-như-mẹ. Đó là ngày mưa cuối năm. Chiều. Mưa bên ngoài khung kính phẳng. Tiếng nói yêu, dấu, rất xa. Nỗi nhọc nhằn em, rất gần.

Đó là. Đó là. Đó là. Yêu và dấu. Đó là môi hôn thắm thiết. Vòng ôm cạn, kiệt. Đời này không hề. Kiếp sau, sao được?


Đó là, dấu, yêu, mẹ anh đã qua. Phần anh, một ngày sẽ, sẽ.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 13249)
03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5012)
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6956)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 3852)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4763)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4294)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12257)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9172)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7898)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8500)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30716)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22911)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21732)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19789)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19254)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24507)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,