LM Thạch Sơn/ Nguyễn Huy Tưởng

12 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 4756)
LM Thạch Sơn/ Nguyễn Huy Tưởng

Du Tử Lê Và Triết Lý Đông Phương. 

 

"Thơ Du Tử Lê bàng bạc cái tôi. Nhưng cái tôi không thần thánh hóa mà rất gần với chúng ta. Nó là cái tôi của máu thịt, của màu da, trần truồng như thuở mới vào đời, và cũng trơ trụi như khi giã từ thế giới. Cũng như bao nhiêu con người khác, nhà thơ cũng có những khuyết điểm và mặc cảm. Nhưng rất đáng yêu ở chỗ là: ai cũng như ai, và nói ra như vậy để thấy rõ cái tôi hơn, và có thể yêu cái tôi hơn."
Rev. NHT.

 

Đối với Du Tử Lê, tuy mới quen nhưng tôi có món nợ tinh thần phải trang trải.

Món nợ tinh thần văn chương, cũng là món nợ duyên văn nghệ. Trong những ngày phải lưu lạc như kẻ không quê hương nơi cực bắc của lục địa Mỹ châu, xa cách những người thân quen nhất, không làm gì nhưng vẫn bị mang tiếng là làm nhiều chuyện, và nhiều khi còn bị những người đồng hương chỉ vì miếng cơm manh áo đã cấu kết với đế quốc Mỹ, theo đúng nghĩa của từ này, (tuy không hiểu theo từ của mấy bác nón cối), muốn cho mình ít là không hiện diện; thì, những bài thơ của Du Tử Lê luôn là người bạn đồng hành, người tình không chân dung thì đúng hơn, để người viết cảm nhận được cái thâm thúy của triết lý đông phương bàng bạc trong những bài thơ để đời của ông. Tôi không làm cái chuyện "áo thụng vái nhau" của báo Văn Nghệ Tiền Phong. Theo thiển ý trên đời này điều quan trọng nhất chính là sự thành thực. Người Pháp gọi là bon comme un pain không phải dấu kín quá nhiều như bánh tét, và nhất là khách quan cho thấy trong các thợ thơ nhan nhản trên chợ văn chương hiếm có được một thi sĩ thứ thiệt. Xin hãy coi những dòng này như của một người đang đọc thơ và tìm ra nơi thơ của Lê Cự Phách một bầu khí Đông Phương.

Nói đến Đông Phương chúng ta thường nói đến Phật, Lão, và Khổng tử. Ba loại triết lý này hình như vào Việt Nam đã được xào nấu ngon lành như bát phở Bắc. Nói đến triết lý đông phương thì không bao giờ nói hết, xin chỉ giới hạn trong vài tư tưởng chỉ đạo và nhà thơ Du Tử Lê, có thể không biết hay nghĩ đến, đã tự nhiên viết ra trong những bài thơ của mình; hay ít ra cho ta thấy tâm hồn rất đông phương của ông. 

Cái cốt tính của Phật giáo theo thiển ý chính là cái kiến tính thành Phật, nhìn ra bản tính của mình để thành Phật. Do đó, ai cũng có Phật tính và trong cuộc đời, mỗi người phải cố gắng tìm ra bản tính của mình. Và khi nhìn ra, thấy được theo như khẩu hiệu của triết lý Hy Lạp: Hãy biết mình trước, người ta mới có thể giác ngộ thành Phật; bước ra ngoài cái thế giới ta bà này, lên cõi niết bàn của vô ngã, và dĩ nhiên hạnh phúc vô cùng.

Cái tôi là đáng ghét: le moi est haissable, người Tây nói thế, nhưng người Phật lại thấy cái đáng yêu của tôi, dù cho cái tôi đó có nhiều điều làm cho chính mình phải ghét mình, huống hồ là người khác. Tuy nhiên, yêu tôi không có nghĩa là không thành vô ngã được; mà yêu tôi để thấy rằng trong mỗi sát na của cuộc đời này, tôi đổi thay, và vì luôn đổi thay tôi sẽ không tạo nghiệp cho đời sau. 

Thơ Du Tử Lê bàng bạc cái tôi. Nhưng cái tôi không thần thánh hóa mà rất gần với chúng ta. Nó là cái tôi của thịt máu, của màu da, trần truồng như thuở mới vào đời, và cũng trơ trụi như khi giã từ thế giới. Cũng như bao nhiêu con người khác, nhà thơ cũng có những khuyết điểm và mặc cảm. Nhưng rất đáng yêu ở chỗ là: ai cũng như ai. Nói ra như vậy để thấy rõ cái tôi hơn, và có thể yêu cái tôi hơn.

Tuy nhiên, theo cách nói của nhà thơ thì cái tôi vô ngã, và dù kẻ đọc thơ là một vị thánh, hay một kẻ đàng điếm ăn chơi thì cái tôi đó lại đáng yêu, khi nhìn theo lăng kính của Phật.

Một vị vua nhà Trần nói: Tôi ăn thịt chó mà tôi thành Phật, còn anh không ăn thịt chó mà anh không thành Phật. Trong cổ tích có nói tới Liễu Hạ Huệ. Ông là người có thể không bình thường dưới mắt người thời nay vì ông ôm một cô gái trẻ đẹp trần truồng mà lòng vẫn như không. Người Phật cũng như thế: ăn như không ăn, uống như không uống, yêu như không yêu. (Xin mở dấu ngoặc: hình như thánh Phaolô trong thư của ngài có một chỗ cũng nói đại khái như thế). Ta hãy nghe nhà thơ nói:

 hỡi nhỏ buồn như một con sâu
 buồn như chiếc lá, buồn mưa, mau
 buồn như cái kiến, buồn như bướm
 (bướm ốm o và, em ốm o). 

 hỡi nhỏ có buồn như ta không
 tuổi thơ nhang khói đã hoang tàn
 hồn ta như miếu đền cô quạnh
 xa người như xa một quê hương.
 (Tôi, Ấu Thơ Và, Mẹ, trang 22, 23). 

Tất cả tám câu thơ chỉ nói về nỗi buồn. Nhưng hình như nỗi buồn chẳng phải của ai. Nhà thơ cũng không nói được tại sao buồn, như Thế Lữ đã nói buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn, mà không biết cái buồn như thế nào? Bởi vì cái buồn không chân dung, không thể thấy được. Dù cho Nhà văn Sagan có chào cái buồn trong một tác phẩm của bà (Bonjour Tristesse - Buồn ơi Chào mi).

Nói cho rõ: cái buồn này vô ngã, như kiến, như bướm, như miếu đền cô quạnh, như quê hương nơi xa xôi. Và vì vô ngã có thể là cái buồn đáng yêu và nhiều khi cũng phải ngồi khóc lẻ loi một mình, cho thấy rằng mình sung sướng được khóc để giã từ kiếp sống vật chất này. 

Ở đây, Du Tử Lê đã đi vào chỗ nhân gian không thể hiểu, vì cũng không gian, thời gian, màu sắc và vũ trụ ấy, hình như còn một cái gì không ở trong, không ở ngoài, không phải ta mà cũng không phải người khác. Cái vô ngã bàng bạc trong thơ, dù trong cả những lời mà phàm nhân có thể tưởng tượng và nói là không thanh thoát. 

 người đàn ông mới nào 
 cũng nhìn ngắm thân thể em
 như bức tranh chờ được
 khám phá và hoàn tất
 dù cho bụng dưới em
 đầy vết nứt
 (và chính tôi
 cũng góp phần tạo nên ít, nhiều vết đó!)
 (Hoa Nào Tin Quả Đắng Đến Không Ngờ, trang 180). 

Thi sĩ chính là kỹ sư của ngôn ngữ, nhưng nhiều khi không cần viết ra. Thơ là phiếm đàn cho người đọc nhận ra những rung cảm của chính họ. Thấy chính mình trong đó. Cái tôi không rõ ràng nhưng lại tràn trụa và ngập lụt tâm hồn. 

 em cám dỗ tôi
 bằng lười biếng mời mọc của chiếc giường ám hơi hám, cũ
 em cám dỗ tôi
 bằng những khỏa thân /bất ngờ/ 
 rì rào /phì nhiêu/ biết bao/
 của ngôn ngữ. 
 (Sđd, trang 120). 

Khi Phật nói: Mỗi người hãy nhìn theo con đường Phật đi mà đi, mỗi người hãy cố gắng thành Phật. Ngài có ý dậy chúng sinh nên có một cái nhìn mới về chính mình và vũ trụ nhân sinh, giống như lời Thánh Kinh: Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa (vanitas vanitatum et omnia vanitas). Cái nhìn đó chính là không nhìn gì hết hay là một cái nhìn giác ngộ, nghĩa là thấy rõ chân tính bàng bạc trong mỗi hữu thể: Khi vào chùa, ta thường thấy Phật cười, dầu cuộc đời nhiều bể khổ, nhưng cái cười của Mona Lisa ấy không ai nhìn ra; chỉ khi ta nhìn ta trên vách, khi diện bích mới nhận ra ta chả phải là ta, chả là ai cả, chẳng phải không, cũng chẳng phải có. Nhưng ta vẫn là ta nặng nề, và gồ ghề: 

 chúng ta đã chia, ly từ vú mẹ
 tập xa nhau thuở chập chững chân, đi
 chúng ta biết thịt xương này hữu hạn
 và nhân gian nào phải chốn đi, về
 (Sđd., trang 112). 

Khi nhìn lại cuộc đời chúng ta với cái nhìn vĩnh cửu, nhiều khi chúng ta tức cười cho cái trò trẻ con ma giáo trong cuộc đời; nơi con người đối với con người như chó sói. Chúng ta cần quan niệm cho đúng cái ta là gì, và qua giác ngộ ấy, chúng ta sẽ thấy câu nói của thi sĩ: "Cứ yêu nhau dù hỏa ngục thiên đàng" thực tròn trịa ý nghĩa. 

Nói đến thơ Du Tử Lê ta phải nói đến tình yêu. Nhưng là thứ tình yêu mà ở chốn nhân gian không ai hiểu nổi. Trên trần gian, trong cõi nhân sinh, chính tình yêu làm cho con người sống còn.

Nhân dã nhân giả. Dịch cho sát thì phải nói: Người có lòng nhân mới là người. Nếu thế thì rõ ràng người không có lòng nhân không thể là người... Khổng Tử hình như không cần biết đến điều gì khác ngoài tình yêu. Theo ngài mọi sự trong xã hội được giải quyết bằng lòng nhân từ. Khi một môn đệ hỏi ngài phải trị nước bằng phương pháp nào? Ngài nói: Phải chính danh. Và cái chính danh có nghĩa là đâu ra đấy. Người ra người. Chồng ra chồng, vợ ra vợ. Vua ra vua, tôi ra tôi. Nhưng làm sao có chính danh nếu không tìm ra được mẫu số chung cho hết mọi người?

Cái mẫu số chung đó là tình yêu. Cái làm cho.

Về điểm này chúng ta gặp Khổng Phu Tử. Cái triết lý chính yếu nhất của ngài là chữ nhân có thể tóm tắt trong câu: con người thành con người, khác hẳn những vật khác. Tình yêu làm cho con người giống thượng đế. Và thượng đế là tình yêu.

Chỗ khác, Khổng Tử nói: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: Không muốn làm cho mình thì đừng làm cho người khác. 

 ta sớm biết có nỗi buồn đến...ngọt
 như những ngày nắng ấm rất...căm căm
 người xuất hiện dậy tôi bài học mới
 bài: yêu người như yêu cây cà rem.
 (Sđd., trang 166). 

Chỉ có con nít yêu cà rem. Vậy chỉ có con nít biết yêu đúng nghĩa. Vì nó yêu không vụ lợi; yêu không tính toán so đo. Thi sĩ thường yêu như con nít. Yêu không cần biết cả vũ trụ đang lung lay. Yêu không cần biết dư luận như gió bão. Miễn là yêu.

Tôi nhớ một triết gia Thiên Chúa Giáo có nói: Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.

Chắc hẳn khi nói thế, ông không muốn nói đến tình yêu bừa bãi, mà là thứ tình yêu thi sĩ thường tụng ca: 

 nhớ lời Chúa dặn:
 "chớ để của cải ở nơi nó sẽ hư hoại
 tôi tìm ra chỗ cất rất an toàn:
 -mái tóc em
 để cất dấu tình yêu mưa, nắng cong, vênh
 dù cho thời gian có làm nó bạc đi chút ít
 hoặc đôi lần cầm, cố, sang tay.
 (Sđd., trang 171).

Nếu người ta quan niệm tình yêu chỉ là da thịt thì không bao giờ con người thỏa mãn với tình yêu. Không Tử nói: Tình yêu vợ chồng là tình yêu căn bản nhất trong xã hội. Và nói tới vợ chồng chính là thứ tình yêu mà thượng đế muốn có nơi con người trong sự thủy chung, trong sự chết trong lòng một ít, trong việc vác thánh giá của đời nhau; và trong sự thăng hoa, tình yêu trở nên nghĩa cả; để hai người yêu nhau hiểu rằng, nếu họ chỉ giới hạn tình yêu ở thế gian này, thì tình yêu sẽ tàn phai như tóc bạc, và không còn là tình yêu nữa. Thi sĩ yêu nhiều hơn chúng ta và có thể yêu mạnh mẽ hơn. Nhiều người con gái hay phụ nữ mê thi sĩ hơn người bình thường (phải chăng đây là hiện tượng chung) bởi vì chỉ thi sĩ mới đi vào huyền nhiệm tình yêu bất tử, tình yêu miên viễn ở chốn nhân gian không thể hiểu. Những mối tình bất tử trên thế gian này như Phạm Thái-Trương Quỳnh Như; Kim Trọng- Thúy Kiều; T.T.Kh. và người vô danh,... phải chăng vì cái thơ mộng, cái gì khác hơn là thịt da trong tình yêu. 

 chiều ngang qua Duncanville
 cảnh hoang sơ hào phóng thí phát cho tôi nỗi nhớ nhà
 và nỗi nhớ người con gái ở Austin
 từng tỏ tình một cách ồn ào hồn nhiên
 đã mang hàm răng mới niềng
 theo chồng về Chicago
 (như một cách tỏ tình kiểu mới)
 (Sđd., trang 125). 

Trong mỗi cuộc đời chúng ta, ai chả ngoại tình một lần với cuộc đời: nghĩa là đã sống cuộc sống chết, không có tình yêu chân thực. Thi sĩ không yêu thì thôi, khi đã yêu thì không giả dối như Phùng Quán từng viết: 

 yêu ai cứ bảo là yêu
 ghét ai cứ bảo là ghét
 dù ai cầm dao dọa giết
 dù ai ngon ngọt nuông chiều
 cũng không nói yêu thành ghét. 

Thi sĩ cứ đi đúng đường tình yêu của mình, vì theo họ trong cuộc đời này, điều quan trọng nhất là tìm hạnh phúc cho chính mình, như sửa soạn cho cái hạnh phúc vĩnh cửu. Có thể con người sẽ không có hạnh phúc vĩnh viễn, nếu trong cuộc đời này không tìm ra được hạnh phúc cả trong những đau đớn tột cùng của kiếp nhân sinh. 

Nhân đây chúng ta bước qua quan niệm sống của Lão Tử, một triết gia lấy hạnh phúc làm mục đích cuộc đời: "Thanh nhàn vô sự là tiên trong đời". Muốn thanh nhàn phải làm gì? Lão Tử nói: "Hãy sống như đứa nhỏ, mọi sự đã có người lớn lo. Hãy cải lão hoàn đồng - đổi ông già thành con trẻ. Hai chữ "vô vi' của Lão Tử không có nghĩa là không làm gì, nhưng chính là như khoảng trống giữa bánh xe quay; tìm được ý nghĩa của những hành động trong cuộc đời, bỏ qua những cái thị phi, vượt lên trên những gì là nhân gian, là phàm tục, và yêu như đứa nhỏ yêu cây cà rem. 

 ta sớm biết đôi mắt còn biết nhớ
 buổi chiều ưa treo nắng, gió lên cây
 người xuất hiện dậy tôi bài học mới
 bài: đêm về nghe hồn bơi trên tay
 (Sđd., trang 168). 

Chỗ khác thi sĩ viết: 

 thiên đàng địa ngục hai hay một?
 ta với em là không với không
 chân đi tiếng động xô hình tích
 cũng về trong một cửa quên chung
 (Đi Với Về, Cũng Một Nghĩa Như Nhau, trang 15). 

Khi nhập đạo, thi sĩ không phải theo tiêu chuẩn trần gian như sai đúng, phải trái, xấu đẹp, hãy trở thành trẻ thơ để có được thế đứng bên ngoài cõi nhân sinh: 

 sông núi cũ rủ tôi về với đất
 bốn mươi năm ngơ ngác làm người
 trên thân xác đã mọc đầy móng vuốt
 thì có gì sai, đúng với ai đây?
 (Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, trang 131). 

Tôi rất tiếc nơi chốn xa xôi không mang theo được những bài thơ của Du Tử Lê để nói lên rõ ràng hơn khía cạnh khám phá của tôi. Nhưng hy vọng đây chỉ là khởi đầu, như ý nghĩ ngây ngô, điên dại của một người đang bị nhiều người cho mà "mát dây". Nhưng tôi hy vọng dù sao người ta sẽ không nói là tôi nói lung tung như một vị linh mục kia, khi đọc bài "Du Tử Lê và Tôn Giáo"... Sự tâm thành của tôi là đủ, và tâm thành đó hy vọng sẽ làm cho người đọc cười vui được mấy phút phù du, sau đó, vứt nó vào sọt rác cũng được.

Nhưng khi thân phận mình còn thua một con chó, thì vứt những gì mình viết vào sọt rác cũng còn hân hạnh chán! 

Manitoba bên bờ sông Seine. Ngày buồn nhớ Garland.

Rev. THẠCH SƠN-NGUYỄN HUY TƯỞNG.

(2001.) 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16812)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12048)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18829)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9023)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8123)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 450)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 817)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1019)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22338)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13898)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19085)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7779)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8693)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8390)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10936)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30587)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20743)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25363)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21613)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19669)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17962)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16823)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24371)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31807)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34841)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,