Minnesota / Một Nơi Chốn Cho Linh Hồn Bạn Tôi/ Trở Về

10 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3809)
Minnesota / Một Nơi Chốn Cho Linh Hồn Bạn Tôi/ Trở Về

 

Cuối cùng, chiếc phi cơ cất cánh từ phi trường Los Angeles vào lúc một giờ khuya phải đục trần mây, chúi mũi, lao xuống, sau khi đã nhiều lần, chao cánh. Cô Tiếp viên trưởng không ngừng lập lại lời yêu cầu hành khách giữ nịt giây an toàn cho tới khi phi cơ vào được bến đậu.

 

Cùng với ruột gan nhào, xóc, những mũi kim li ti châm chích buốt, nhức sâu màng tai, tôi nhìn thấy phi trường Song-Thành như khuôn mặt còn ngái ngủ của một thôn nữ, bị giựt khỏi giấc mơ êm đềm, ném vào giữa cơn mưa lớn. Những giải lụa mưa dầy loang loáng những mũi kim đan xít trên nền xám khu Arrival. Mấy tòa building xếp theo hình chữ Chi, trông xa như những con rùa khổng lồ không đầu, đang cố gắng ngoi lên khỏi mặt biển.

 

Phi cơ càng xuống thấp, mưa càng cộm, và, mọng hạt hơn. Độ lạnh trong thân tầu gia tăng đột ngột. Cảm giác hơi nước thình lình tráng từng lớp đá mỏng khắp cùng cơ thể. Những người khách còn quyến luyến giấc ngủ gập ghềnh bị sức nâng, giằng của phi cơ tưng lên, muốn bật khỏi ghế ngồi, lúc bánh xe cuối thân tầu tạt nước qua hai bên để kiếm tìm mặt phi đạo.

 

Hình ảnh dữ dội đập vào mắt tôi trước nhất là những chiếc C-130 của quân đội, ngụy trang mầu lá cây, thấp tè, xếp hàng ngay ngắn, thụt sâu bên tay phải. Có dễ tôi sẽ không tin nơi mắt mình, nếu Hạnh không cất tiếng:

 

“C-130, anh ơi.”

 

Hơn hai mươi năm, ám ảnh về chiến tranh, những ngày, tháng lẩn trốn thần chết tinh quái, xục xạo trong những trận đánh còn tiếp diễn, đã lạt phai dần trong tôi, sống lại. Hình ảnh những chiếc máy bay quân sự ở phi trường Tân Sơn Nhất sớm mai bị nhúng sâu trong biển sương muối, cúi mặt dò dẫm bò ra phi đạo (bỏ lại phía sau những đốm lửa leo lét là những gánh cà phê, quà sáng.)

 

Chúng hấp tấp ngốn, nuốt những người lính Nhẩy Dù, TQLC để rồi sẽ lè, nhả họ cho các mặt trận ở Vùng Một, Vùng Hai... Nhiều năm đã lùi xa. Đã khuất, lấp… Bỗng không sống lại.

 

Căn bản, hồi tưởng buồn bã nào cũng như những cánh tay tuyệt vọng khua trên mặt sóng của một người sắp chết đuối. Những cánh tay tựa những cột buồm đuối, rã.

 

Hình ảnh những chiếc máy bay quân sự loại C-130 hay C-123 chở thân nhân, những người lính đi phép nằm ngồi bên cạnh những chiếc quan tài bọc thép dầy mà, nước vàng vẫn rỉ, thấm xuống những vỉ sắt trong lòng tầu. Mùi xác rữa làm những người không quen phải nôn, mửa.

 

Những sớm mai sương muối tựa cháo loãng rẩy khắp ngọn đồi Cao nguyên. Những sớm mai mưa dầm cả tuần không dứt. Mưa như bùn non vấy nhem nhuốc những ngón cây sầu đông dọc lộ trình dẫn ra phi trường Phú Bài, Huế. Tôi không hiểu tại sao các chuyến bay C-123 hoặc C-130 lại ưa chọn những sớm mai tro, lợ như vậy để cất cánh. Chỉ biết, những chiếc C-130 xếp cánh dọc một bên phi đạo Song Thành, sớm nay, đã mồi lại trong tôi (và Hạnh?) ngọn lửa biệt ly của những ngày tháng chiến tranh, cũ.

 

Chỉ biết, hồi tưởng như cánh tay tuyệt vọng khua trên mặt sóng của một người sắp chết đuối. Những cánh tay tựa những cột buồm đuối, rã.

 

Cuối cùng, rồi chiếc phi cơ cũng vào được bến đậu của phi trường Song-Thành. Phi trường nằm giữa hai thành phố Saint Paul / Minneapolis, trong chạm mặt lần thứ nhất, sau hai mươi mốt năm chờ đợi. Bạn tôi, những Long, Dzĩnh, Phương Triều, “Điêu Thuyền,”... đâu biết, Minnesota không chỉ cho tôi hương thơm của tình thân, hơi thở của ký ức; mà, Minnesota còn mang lại cả mùi thuốc súng / chiến tranh / tuổi trẻ tôi nữa.

 

Đó là những ngày tháng đầu thập niên bảy mươi. Thời gian này, nhờ phụ trách bài vở của tờ Tiền Phong, tôi không còn nằm trong danh sách Phóng viên chiến trường của quân đội. Tuy nhiên, vào những thời điểm có quá nhiều trận chiến bộc phát cùng lúc, các phóng viên bị gửi đi hết, phòng Báo Chí không còn ai, tôi vẫn bị chỉ định đi làm phóng sự.

 

Thời gian này, với tôi, khoảng cách Saigòn-Huế; Saigòn-Pleiku trở thành gần cận. Tựa hai đầu một khúc đường ngắn.

 

Những sớm mai, trời đất còn tro, lợ, có thể Ti còn lò chuẩn bị cho kỳ thi về môn Vi trùng học; có thể Tí Ngọ chỉ mới chợp mắt, chưa kịp gặp một giấc mơ nào..., tôi đã có mặt trong khu gia binh Tân Sơn Nhất. Cùng những người lính Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến, tôi lội bì bõm giữa bóng tối nhập nhoạng, giữa những ngọn đèn bão, hay khí đá, tìm ly cà phê đầu ngày, ngốn ổ bánh mì trong lúc chiếc C-130 ầm ầm hâm máy.

 

Chúng tôi đi lại, đứng ngồi, như những bóng ma chờ được gọi đầu thai giữa phiên chợ âm phủ. Những người lính đa số còn rất trẻ, chỉ trạc tuổi tôi, bình thản đợi giờ ném thân vào vùng súng đạn. Cái bình thản do thói quen, thành quán tính? Không một ai trong họ, thắc mắc ngày về có đủ mặt?

 

Những sớm mai chưa tỏ mặt người, ở Huế, có thể Hạnh còn đang chìm, ngất trong những giấc mộng xuân thì, khát khao vòng ôm đầu đời thiếu nữ; thì tôi đã ngồi trên sàn sắt của một chiếc C-123 hay C-130 nào đó.

 

Những sớm mai chưa tỏ mặt người ở Pleiku, có thể Thủy đang mơ thấy cùng tôi trở lại dốc Phú Thọ, lều rơm, trái dừa tươi, những tàng lá đồng lõa che đậy chúng tôi; thì, chuyến bay đã ra tới đầu phi đạo; đã stand by...

 

Không một ai trong chúng tôi tự hỏi liệu đường bay có trọn. (Tôi không biết bây giờ Thủy về đâu? Một người bạn dạy cùng Thủy ở Nguyễn Viết Quỳ nói, Thủy chết trên sông Ba, khi nàng thất thần, tả tơi theo đoàn người tháo chạy trên lộ trình Bảy Kép.)

 

Những sớm mai chưa tỏ mặt người, vẫn ở Pleiku, có thể Ch / Pleiku đang mơ thấy chúng tôi cùng bước vào căn nhà mới. Căn nhà ba má nàng hứa cất riêng cho chúng tôi, như một thứ của hồi môn mà gia đình Ch / Pleiku muốn cho nàng trước ngày lấy chồng... Thì, chuyến bay chở tôi và những người lính bình thản đi vào chiến trận (như đi vào một trò chơi quen thuộc nhàm chán,) đã cất cánh. Trong một tình cờ gặp lại Thạc nơi phòng mạch của Bác sĩ Phạm Gia Khánh, một người bạn thuở ấu thơ của tôi, Thạc kể sau tháng 4-75, Ch /Pleiku đã cạo đầu. Nàng đã vô chùa. Những đứa con của nàng với người chồng chết trong cải tạo, được giao về nội.

 

Bạn tôi đâu biết, Minnesota không chỉ cho tôi hương thơm tình thân, hơi thở của ký ức; mà, / biệt ly/ và, cả mùi cuồng điên của một thời tuổi trẻ tôi, nữa.

 

Đó là đầu thập niên bảy mươi. Thời điểm này, Huế đối với tôi thân thiết, gần gũi hơn Pleiku, Nha Trang, Đà Nẵng. Tôi có nhiều dịp thả bộ (không phải chạy lúp xúp theo cánh quân của Phán, từ gốc cây này núp qua gốc cây khác..., trong những ngày Tết Mậu Thân.) Tôi thả bộ cùng Hạnh trên những con đường của một Huế/ hăm hở lãng mạn/ sôi sục đam mê ẩn tàng sau những lớp rêu hưng, phế nội thành. Dấu, che dưới những tàng nhãn thiên thu ngậm ngùi bóng mát, Trần Hưng Đạo.

 

Thời điểm này, Huế cũng cho tôi những chuyến bay, từ phi trường Phú Bài, trở về Saigòn, đôi khi chỉ có năm, bảy hành khách. Trong số này, hết ba hành khách, nói theo Kim Tuấn là hành khách nằm, hay hành khách danh dự. Hai hành khách ngồi là chúng tôi. Đó là ba chiếc quan tài bọc thép, được đưa về Saigòn, để từ đó, di chuyển tiếp tới những thành phố miền đông hay miền tây. Nơi những người lính này, một thời sinh trưởng. Tác giả Anh cho em mùa xuân bảo, một ngày nào đó, trong những hành khách nằm, có thể là chúng tôi.

 

Chừng sợ câu nói của mình sẽ quay về thể hiện sự chính xác của nó, Kim Tuấn nói thêm, anh chưa muốn làm hành khách danh dự kiểu đó...

 

Tiếng thế, Kim Tuấn và tôi vẫn không ngừng được những chuyến giang hồ vặt. Lần nào, trong lòng tầu, Kim Tuấn cũng lâm râm cầu, nguyện. (Không biết Kim Tuấn cầu, nguyện cho linh hồn những người lính xấu số, hay cho sự bình an của sinh mạng mình?)

 

Bây giờ, sau hai mươi mốt năm, may mắn, tôi và Kim Tuấn vẫn còn là những hành khách ngồi trên các chuyến bay, dù cho chỗ ngồi của chúng tôi cách nhau tới nửa vòng trái đất.

 

Bạn tôi, những Long, Dzĩnh, Nhơn, Phương Triều, Anh Thư, Như Anh,... nNgay Mục sư Oan, cũng đâu biết, Minnesota, không chỉ cho tôi hương thơm của tình thân, hơi thở của ký ức; mà, Minnesota còn mang lại cho tôi mùi thuốc súng / chiến tranh/ biệt ly /và, cả mùi cuồng điên của một thời tuổi trẻ tôi, nữa.

 

Tôi ngửi được mùi biệt ly, cuồng điên tuổi trẻ mình cùng lúc, khi đứng ngoài ban công ngôi nhà của Long, nhìn xuống những luống hoa tulip của chị Như Anh. Những nhánh cây trắc bách diệp bị Long đốn ngọt ngào (như nước mắt, cũng ngọt ngào của chị Anh, đi làm về, thấy những thân cây thương, yêu bỗng không què, cụt.)

 

Tôi nghĩ, tôi hiểu được nỗi tức tưởi nơi chị Anh, như hiểu được nỗi tức tưởi của Phương, khi chúng tôi bất ngờ gặp lại nhau, buổi sáng.

 

Tôi không nghĩ, đời sống, thời gian còn cho tôi gặp lại người bạn nhỏ, những ngày Cục Tâm Lý Chiến, kia. Tôi cũng không hình dung Phương tiều tụy/ ủ dột/ rã rượi đến thế! Phương chưa từng lập gia đình. Nàng còn quá trẻ. Phương kể:

 

“Anh Thiệp chết rồi.”

“Anh hiểu.”

“Những người bạn đồng tù với ảnh, cho em biết. Nhưng em không tin. Em nhất định không tin. Tới ngày...”

“Ngày...?”

“Ngày em quyết định tìm đến nhà ảnh ở đường T.Q.K., tiệm quay ronéo T.R. Chị ấy xác nhận, ảnh đã chết.”

“Gặp tận mặt?”

“Vâng. Gặp tận mặt. Thời gian đó, em liều lắm. Đó là năm 85, ba em chết ngoài Bắc. Ba em là Đại Tá? Anh biết.”

“Anh biết. Sáng nay, ở đây, những người được truy điệu, dường như có ba em?”

“Vâng. Có ba em. Em ra khỏi nhà, sau bao nhiêu năm, cũng vì chuyện đó. Nhưng...”

“...”

“Nhưng em không nói với ban tổ chức về cái chết của anh Thiệp. Em không muốn ai truy điệu ảnh. Ngoài em.”

“Còn chị Thiệp?”

“Chị Thiệp có chồng khác rồi. Chị lấy cán bộ vào từ miền Bắc... Em, em cần biết chính xác để quyết định ra đi hay ở lại. Nếu chị ấy không xác nhận ảnh đã chết, em sẽ không đi. Em ở lại, tiếp tục chờ ảnh...”

“...”

“Chính chị ấy xác nhận, ảnh bị bắn chết ngoài hàng rào trại, Suối Máu, trong vụ trốn trại đầu tiên. Ảnh và hai người bạn tù, chạy đâu chưa tới trăm thước thì bị bắn. Ảnh trúng đạn trước nhất. Thay vì nằm tại chỗ, ảnh chạy nữa... Xác ảnh được kéo về trại. Mãi năm sau, người ta mới báo tin, trao lại cho chị, ít vật dụng của ảnh.”

“Nhiều không?”

“Không gì cả, ngoài mấy tấm ảnh vợ con, cây thánh giá nhỏ, cái ống vố em ăn cắp của ba em, mang cho ảnh ngày xưa, và con dao. Con dao, vật nhọn duy nhất ảnh có, để... trốn trại.”

“Chị ấy giữ những di vật đó?”

“Không. Chị biểu chị đã vứt đi từ đời nào rồi. Chị biểu, giữ làm gì những của nợ đó. Em còn nhớ, chị vừa nói vừa thản nhiên đưa tay xoa bụng.”

“Xoa bụng?”

“Vâng. Xoa bụng. Lúc đó, chị ấy đang mang thai đứa con thứ hai với người chồng cán bộ. Em không biết mấy tháng. Chỉ thấy bụng chửa vượt mặt.”

 

Gặp lại Phương trong buổi sáng thứ nhì, ở Minnesota, với tôi là một bất ngờ, bẽ bàng. Tôi không biết phải nói lời gì để an ủi Phương, khi những giọt nước mắt xát muối và ớt, lăn xuống từ đôi mắt Phương thất thần nắng, gió.

 

Tôi biết tin vợ Thiệp lấy cán bộ từ những năm đầu thập niên 80, trước khi tin Thiệp trốn trại. Tôi không có ý trách cứ vợ Thiệp, dù bằng vào bất cứ nhân danh nào. Đời sống, những năm chiến tranh, những tháng, ngày lưu lạc thứ nhất nơi quê người, đổi thay tận gốc quan điểm của tôi về người nữ.

 

Tôi cho tội ác lớn nhất của những người cầm đầu chế độ cộng sản ở Việt Nam, sau chiến tranh, không phải là sự lường gạt những kẻ thua trận với thông cáo đi học tập 30 ngày... Mà, do nơi chủ tâm tàn phá tận gốc rễ nền tảng gia đình của những người thua trận. Họ không chỉ cầm tù những người thua trận, họ chôn sống tập thể đám vợ, con của những người thua trận trong vũng bùn bản năng sinh tồn. Nhu cầu bao tử. Chỉ một sớm một chiều, hàng chục ngàn người đàn bà vô tội đã phải vục mặt xuống những bãi rác tanh tưởi của mẩu khoai sùng, sợi mì mốc Liên Sô... Để có được những thứ này nhét vào bao tử, họ đánh đổi thân xác. Xóa sạch tình nghĩa tào khang...

 

Rất nhiều bằng hữu tôi, khi ra tù, mới vỡ nhẽ, vợ con họ đã lấy cán bộ, đã ăn nằm, đã hầu hạ, đã ôm ấp, nâng niu kẻ giam nhốt, đầy đọa họ. Rồi một đám con cái lúc nhúc ra đời, từ những cơn cào xé của bản năng và, nhu cầu bao tử ấy.

 

May mắn thay, bên cạnh, chúng ta cũng vẫn có những người đàn bà đủ khinh bạc, tự trọng để ngạo mạn đứng trên bản năng. Tôi nghĩ, chúng ta phải đắp tượng, phải xây đền thờ những người đàn bà Việt Nam tiết liệt này.

 

Bạn tôi, những Long, Dzĩnh, Nhơn, Phương Triều, Anh Thư, Như Anh, thậm chí, Mục sư Oan..., cũng đâu biết, Minnesota, không chỉ cho tôi hương thơm của tình thân, hơi thở của ký ức; mà, Minnesota, còn mang lại cho tôi mùi chiến tranh, mùi thuốc súng, mùi biệt ly; và, cả mùi cuồng điên một thời tuổi trẻ tôi, nữa.

 

Phương nhắc những lần tôi phải nhờ nàng chuyển thư của tôi cho M.Ng. ở Cư xá Sĩ quan Chí Hòa. Khi đó, Ng. học troisième, Marie Curie. Những buổi tối, tôi bỏ trực. Ng. trốn nhà ra cây nhãn dại, bên chiếc hàng rào, ngăn cách cư xá với con lạch nhỏ và khu nghĩa trang Chí Hòa, xưa.

 

Tựa lưng vào cây nhãn chênh vênh, tàn lớn ngã nghiêng vào lòng con lạch, chúng tôi cố thu nhỏ bóng mình dưới tàng lá thưa, thấp, thấp. Chúng tôi trải qua những giây phút treo cổ trên sợi dây dục vọng. Những cố gắng chiếm đoạt của tôi, làm Ng. đau đớn bật kêu, dù cho trước đó, Ng. đã cố cắn môi nín, nhịn. Những tiếng kêu cho tôi cảm tưởng vang động tới chỗ nằm của mẹ tôi, anh chị Q. tôi, ở lô C., gần đấy. Những tiếng bật kêu ngắn. Nhưng nhọn hoắt, xuyên thủng lớp vỏ bọc êm đềm khu cư xá...

 

Tôi không kể Phương nghe, Ng., từng là một phần thịt xương, máu huyết của đời tôi, riêng. Tôi không kể Phương nghe, sau này, Ng. làm Fly Attendant cho hãng Japan Airline. Tôi không kể, một năm, trước tháng 4-75, Ng. hẹn tôi trong khuôn viên trường Luật, hỏi ý kiến về lời cầu hôn của P., bạn tôi. Tôi bảo, tôi biết P. đang là ca sĩ nổi tiếng. Tôi bảo P. là ngựa chứng. Phải có một nài giỏi... Tôi nhớ Ng. hỏi lại, bộ tôi không buồn chuyện Ng. có người muốn lấy sao?

 

Tôi nhớ, tôi đáp, đại ý:

“Đôi khi quá đau đớn, người ta chẳng thể có phản ứng nào khác hơn gượng cười!”

 

Nước mắt, những giọt lệ tức tưởi của Phương, trong buổi sáng Minnesota đầy nắng ấm, khiến tôi chợt thấu, hiểu, tôi không thể ước ao, chờ đợi gì hơn, nơi người con gái kia. Nơi những người phụ nữ Việt Nam, một khi họ đã phải đưa đôi vai lá mỏng của họ ra, gánh chịu nghiệp oan của đất nước.

 

Tôi chợt thấu, hiểu, tôi không thể ước ao, chờ đợi gì hơn, nơi người con gái kia, nơi những phụ nữ Việt Nam, một khi chính họ đã phải mang sự sống treo ngành, trái tim dễ vỡ của họ phơi trên giàn lửa, nóng?

 

Nhờ họ, (những người nữ lịch sử không ghi công, bia đá không tạc ơn, như người đàn bà mà tôi và, Hạnh gọi một cách yêu mến là Mẹ Việt Nam hiện đang ở chung cư Cedar, như bà Tiên, bà Cẩn..., ở Saint Paul, bà Nghĩa, ở Palm Spring, bà Khang ở San Jose, và, hàng nghìn người phụ nữ khác, chúng ta không biết tên..) Nhưng, hơi thở Việt của họ ở quê người hay quê nhà, hôm nay còn thơm tho, mật ngọt.

 

Nhờ họ, sinh mệnh Việt, những đời sau, còn có thể hãnh diện, ngẩng đầu. Chính họ mang linh thiêng và, sự tốt đẹp làm thành truyền thống Việt. Chính họ làm dân tộc Việt trở nên cao quý. Hãy hình dung dòng giống ta trải bao đời sẽ ra sao, nếu không có những người đàn bà, như thế?

 

Cuối cùng, tôi chợt thấu, hiểu, tôi không thể chờ đợi, đòi hỏi gì hơn, khi biết chắc, ít ra, linh hồn bạn tôi, linh hồn người tù cải tạo oan thác Nguyễn Thiệp, còn có một nơi chốn để trở về? Trái tim, ngôi nhà tình yêu nát, ngấu, đợi chờ của Phương.

 

Cuối cùng, tôi chợt thấu, hiểu, lý do Phương không muốn đưa tên Nguyễn Thiệp, đưa bài vị người tù cải tạo này vào danh sách những người tù uổng tử, để truy điệu, để cầu siêu (dù cùng với cha nàng.) Theo ý Phương, mọi truy điệu, cầu siêu chỉ thực sự cần thiết khi những linh hồn kia, đã không còn có được một nơi chốn hằng cửu, để trở về.

 

Cuối cùng, các bạn tôi, những Long, Dzĩnh, Nhơn, Phương Triều, Anh Thư, Như Anh..., thậm chí Mục sư Oan, cũng đâu biết, Minnesota không chỉ mang lại cho tôi, hơi thở của tình thân, hương thơm của ký ức; mà, Minnesota còn mang lại cho bạn tôi, Nguyễn Thiệp, một nơi chốn để về. Một cõi yên bình thực sự, để an nghỉ, trường hợp (nhiều phần trăm,) nếu vì lý do gì, Thánh Phê Rô không thể mở rộng cánh cửa thiên đàng cho Thiệp…

 

Cuối cùng, Minnesota cũng mang lại cho tôi, câu nói thâm trầm, chém đá của Stephen Young, giai tế của cộng đồng Việt ở quê người. Một buổi chiều, giữa Minnesota nắng và, gió; đoàn tụ và, chia lìa; hoan lạc và, tủi, nhục; hiện diện và, mất tích..., Stephen Young nói:

 

Người Việt Nam đặc biệt hơn các dân tộc khác, ở chỗ, qua chính tâm hồn họ, họ đã tương thông được với Thượng đế, hay một đấng thiêng liêng nào đó, ở trên cao, rất cao.

 

Hôm nay, nhiều ngày sau khi đã trở lại với đời sống eo óc thường nhật của mình, ở California, tôi muốn nói với người con rể của Việt Nam luân lạc rằng: 

“Tôi không thể đoán Stephen sẽ nghĩ gì, khi biết dân tộc Việt Nam còn có những phụ nữ tự biến họ thành một trang thờ (trong tâm,) một mái nhà (buồn bã,) một nơi chốn (đìu hiu,) cho linh hồn người chết, trở về? Để linh hồn lạc loài này, có được một cuộc định cư êm đềm, vĩnh viễn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 2015(Xem: 9209)
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 8594)
14 Tháng Sáu 2015(Xem: 5969)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16808)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12043)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18825)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9021)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8117)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 446)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 816)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1016)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22337)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13896)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19084)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7778)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8691)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8389)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10934)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30585)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20742)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25362)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22810)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21611)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19667)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17960)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19147)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16822)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16014)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24369)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31805)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34840)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,