Nhìn tôi đi: em sẽ hiểu/ mưa /về

10 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3730)
Nhìn tôi đi: em sẽ hiểu/ mưa /về

Ai dám bảo thịt da không biết khóc?
Nhìn tôi đi: em sẽ hiểu/ mưa /về
Thơ Du Tử Lê

 

Thuấn dấu đôi tay trong chiếc áo khoác ngắn, chẽn, phong phanh che một phần lưng trần và, bụng. Trông gần, tuồng có dòng sữa chảy trên khuôn mặt trẻ thơ/ ngấn cổ gió/ gò ngực nắng của nàng. Dòng sữa đã đặc khô, còn mang lại cho người nhìn cảm tưởng ướt rượt, ham muốn ném mình vào cuộc phiêu lưu, đa phần bất trắc. Thuấn đứng tựa cột. Đôi lá mi dài kẻ hai đường vòng cung/ chênh vênh/ nỗi buồn/ cúi thấp. Gió, vào từ biển, chỉ đủ sức đu đưa bức màn mưa, như chiếc võng lụa xanh, treo ngược. Một đầu máng nơi chụp đèn cao. Đầu kia, nhúng sâu trong vụng nước. Đêm theo những chiếc xe muộn, lui cui tìm chỗ đậu.

Thuấn không chờ đợi,…”

Không chắc lắm, tôi lờ mờ hiểu Thuấn than phiền chuyện gì. Mới đây thôi, chỉ năm, mười phút trước, khi tôi bảo Thuấn, ra ngoài với anh, Nguyễn đã chửi thề:

“Đ.M. thằng Đống khốn nạn quá. Tao bảo nó đừng nói gì hết. Ngày mai, nó muốn nói gì thì nói. Để cho cuộc vui được trọn vẹn. Dù sao người ta cũng ở xa tới. Nó không chịu. Nó bảo thằng Dụy cũng yêu cầu chừng đó. Nó đã từ chối. Nó nói, thà nó không biết, biết phải nói… ĐM nó làm như con Thuấn là vợ nó hay mẹ nó không bằng…”

Nguyễn mở đầu cho mỗi ý tưởng, mỗi câu nói bằng một tiếng chửi thề đầy giận dữ và, cũng đầy… hồn nhiên. Nguyễn làm như thể Đống đang nghe, hay đó là giá tôi phải trả cho hành động nhầm lẫn trước đây của mình.

Tôi hiểu, cách gì Thuấn cũng không chờ đợi, được chào đón bởi vẻ bồn chồn của Trần; hấp tấp, ồn ào của Nguyễn; lính quýnh, ấp úng của tôi, nơi bước chân thứ nhất, xuống từ chiếc taxi thuê tại phi trường. Những chộn rộn của đám bạn tôi (một cách quá lố: nồng nhiệt săn đón/ ngượng nghịu ngó lơ/ trân trối nhìn thẳng hoặc lén.) Chung quanh, ngọn đèn đỏ nhấp nháy, lưu ý Thuấn đề phòng, cẩn thận: Đoạn đường trước mặt.

Tôi hiểu, cách gì Thuấn cũng không chờ đợi, được chào đón bởi những hơi thở chua, ói mùi rượu (mặc cảm ghen tuông/ thèm thuồng) nơi Đống. Người đàn ông riêng Thuấn gọi “Anh Tư” (mang ý nghĩa thân mật hiểu rộng rãi, pha chút nôm na, diễu cợt.) Thuấn kể, gặp em lần đầu tiên, tay chân anh Tư đã… tía lia, lung tung như miệng ảnh vậy. Thuấn phải nhắc chừng ảnh:


“Thuấn không thích như vậy. Anh Tư không phải là mẫu người của Thuấn. Còn muốn nói chuyện với Thuấn, anh Tư phải khác.”


Thuấn tưởng ảnh giận. Thuấn tưởng ảnh thôi, không tìm nữa. Ai ngờ, vẫn.


Ảnh bảo:


“Cong nhỏ này đúng là em tui. Thằng nào đụng dzô em tui, thằng đó phải bước qua xác tui…”


Nói nào ngay, chữ ‘con” có “g” là chữ của Thuấn. Như tất cả những chữ không có “g” Thuấn đều thêm “g” (tựa cho… rõ nghĩa.)


Thuấn bảo, sau khi Thuấn xác nhận chuyện riêng giữa tôi và nàng, Đống hiểu:


“Thấy kiểu hai đứa bây nhìn nhau, anh Tư biết liền hà.”


Thuấn hỏi ảnh biết những gì? Ảnh đáp:


“Thì anh biết em mê cái thằng chết bầm đó. Chừng nào hết mê nó, cho anh hay. “Đồ con(g) gái ngu. Anh Tư ngon(g) hơn(g) không ưng.
Ưng đồ mắc dịch…”


Đống đùa hay thật?


Tôi ngửi được mùi ghen tuông. Tôi hiểu Đống muốn “mua thời gian” trong toan tính mai phục, bậm môi chờ ngày Thuấn sập bẫy.


Trường hợp khác, có thể Đống đúng. Với Thuấn, Đống sai. Mọi ra vẻ cao thượng (bền bỉ) nuốt nhục (hớn hở) của người đàn ông, chỉ kêu gọi được niềm thương hại (và khinh bỉ) nơi những người nữ có cá tính mạnh.


Không cùng loại, người ta dễ đánh hơi được mùi khác lạ.


Tôi hiểu, cách gì Thuấn cũng không chờ đợi, được chào đón bởi cơn giông, trận bão lẩn khuất đâu đó. Sự hiện diện của một đe dọa. Nguy cơ bùng nổ một hiện diện (bất ngờ?) – Kẻ khác. Dù, tình yêu với Thuấn, cũng tựa một tôn giáo. Khó ai có thể lay chuyển “đức tin” nơi tôn giáo tình yêu của nàng.


“Anh chẳng hơn gì.”


Tôi nói. Lòng lạnh tanh. Tuồng tiếng nói và, những ngón tay xiết, miết tóc, mặt, gáy, ngực Thuấn, (như miết, xiết cùng lúc nỗi ê chề/ ngọn lửa hèn hạ/ bất lực gian dối/…) là những đồng bạc giả.


Không có thật: Buổi tối/ mưa/ gió/ hàng cây móng bò (bao quanh khu đất trống, bên kia lộ. Khu đất như chiếc lưỡi thô kệch le ra từ miệng rừng gỗ lác.)


Không có thật: ước ao một chỗ nằm/ nhắm mắt/ chờ bão tới. Cơn lốc mang tôi đi.


Tiếng la ó/ chân chạy/ bàn, ghế ngã đổ/ ly. Tách đôi vỡ/… trả tôi về chỗ đứng chói lọi nhất. Chỗ đứng trước trăm nghìn con mắt thù hận/ xót thương/ nguyền rủa/ hả hê/ mãn nguyện… Và, chiếc còng, khóa tay kẻ phạm tội. Tôi muốn nằm, muốn chìm sâu trong chuỗi, chuỗi tiếng còi xe cứu hỏa/ ambulance.


Cấp cứu. Cấp cứu. Cấp cứu
. Đời sống gần hai mươi năm qua, vây bủa, ngày đêm tôi: Tiếng còi cấp cứu.


Gió, vào từ biển, chỉ đủ sức đu đưa bức màn mưa, như chiếc võng lụa xanh, treo ngược. Một đầu máng nơi chụp đèn cao. Đầu kia nhúng sâu trong vụng nước.


Những ngày trở lại thành phố Da Đỏ, trở lại nơi chốn sượng, rách niềm hổ ngươi, sâu; nỗi nhục nhã, kín (có T. bên cạnh;) nhiều lúc tôi tự hỏi: Mày chờ đợi gì? Tôi không thể (không dám) trả lời. Tôi đòi hỏi gì nơi Thuấn? Khi nàng hiện ra, trong hình ảnh một Lara. Tuyệt vọng. Băng băng qua cánh đồng (tulip). Khi, quá khứ rác rến (những săn đuổi nhọc nhằn) là, con tầu tốc hành phía trước; hiện tại (phân lập) cắt rời sau lưng:


“Behind me is the noise of pursuit, and there is no way out…” (Pasternak)


Thuấn (hay tôi) cùng đường? Mỗi chúng ta như con cá mắc cạn trong mảnh lưới ham hố, do tay mình quăng lấy. Một cách thẳng thắn, liệu tôi chia xẻ gì được, những thảm kịch của Thuấn? Khi chiếc bóng đeo theo Thuấn, không là bóng nàng. Bóng “Ông Chủ.” Chữ Thuấn dành gọi Khang. Ông già khó tính.


Chiếc bóng, nàng chọn máng đời, treo thân sau ba ngày (gọi là) suy nghĩ.


Ba ngày, Thuấn nghe phân giải, thiệt hơn bằng vào kinh nghiệm (bản thân) của mẹ. Đại loại, bà bảo:


“Chỉ tiền bạc mới làm nên hạnh phúc. Ngoại giả, láo tất.”


Hoặc:


“Tình yêu đến sau, là tình yêu chắc nhất. Tới sớm, tổ đổ vỡ lẹ.”


Bà bồi thêm, đại ý: Cuộc đời đã chặt bỏ tay chân, mắt mũi bà. Là con gái lớn, Thuấn có hy sinh chút (chưa chắc à,) mà, cứu được đàn em.

Cứu được bầy em là cho lại bà đầy đủ tay chân, mắt mũi. Có thể bà không trả được ơn Thuấn, nhưng,

Mai này Chúa trả công hậu cho con.


Bà nói xưng xưng (như thể bà đã xin và, đã được sự chấp thuận của Chúa.) Thuấn nghe những lời đó, năm mười sáu tuổi.


Người đàn ông, sau đêm tân hôn, ở vùng kinh tế mới, Thuấn ngạc nhiên, chua xót hỏi:


“Lỡ mai ra đường, liệu mình có nhận ra ông ấy?”


Tôi chờ đợi gì? Tôi làm được gì cho bảy năm Thuấn kẹt lại, sau hai năm chung sống, Khang vượt biên. Thành công. Những lá thư gửi về, nghịch chiều dầy tháng, năm xa cách. Không phải Khang có người khác. Không phải Khang chơi trò “Ú tim, “để khi gặp lại, tình yêu tăng cấp cố nhân. Hố thẳm tuổi tác. Mặc cảm khác biệt nếp sống/ thói quen/ tâm hồn/ suy nghĩ/ biểu lộ, đưa Khang tới quyết định không muốn bảo lãnh. Khang tâm sự với bạn, sợ không giữ được lâu, nếu đưa Thuấn đi. Chung quanh Khang, nóng rát nhiều bài học phản bội, sống.


Lúc đầu, cô bé trường Tây, xuất hiện giữa vùng kinh tế mới, là con ngọc thố lạc loài, ngơ ngác giữa bầy chồn cáo. Mọi người nâng niu, lập kế chiếm hữu. Khi thành của riêng, ngọc thố bị lột da, (để không còn là ngọc thố!) Tự nó, mặc nhiên, sinh đẻ những phức tạp, khó khăn cho đám gia súc.


Ngược lại, Thuấn tựa mũi tên được cấu tạo bằng những nhân danh to lớn: hy sinh/ cứu em/ cứu mẹ… lao mình vào những vùng trời, giải đất đậm, đặc lửa, gai, (không miếng trời xanh (xám) cho trái tim, hơi thở, mơ mộng còn non, chát của nàng.)


Bảy năm buôn lậu hàng chuyến, bất cứ thứ gì vùng kinh tế mới cần. Từ viên thuốc cảm, tấm lá gói bánh, tới những bịch xi măng, đồng, nhôm, sắt vụn… Những đêm ngủ giữa rừng, những chiều leo núi trốn công an, nằm, bò hỗn độn cùng dân buôn lậu, (đa số giang hồ tứ chiến,) ngó lại mình, nhớ tới con, nghĩ tới bầy em, Thuấn hỏi, còn đợi chờ gì chưa thẩy, ném cái thân bầm dập xuống giếng sâu, vực thẳm?


Đợi được “trả công hậu” ư? Công hậu quá xa/ địa ngục kế cận. Thực tế cơm áo thổi tắt tàn nhẫn ngọn lửa leo lét hình ảnh người nam, bước ra từ văn chương/ đi tới từ đời thật/ từ bài thơ nơi tuổi trẻ, thứ nhất: “Khi bắt đầu của những năm ba mươi.” Khởi nguồn kia, mặt nào khác, đã thắp lên trong Thuấn, những gọi kêu mơ hồ. Những tiếng rền âm âm, khấp khểnh niềm hy vọng gập ghềnh cuối kiếp.


Bắt đầu của ba mươi/ em dại khờ bước tới/ như con sóc lần đầu tiên bỏ núi/ như con chim ngu ngốc bỏ rừng/ em bước vào đời ta/ trùng trùng đau đớn/ nhưng yêu dấu/ bởi yêu em/ ta sống nốt đời mình/ trong hy vọng với vô vàn tuyệt vọng/ trong thảm thiết/ với tận cùng mừng tủi/ khi chúng ta tìm nhau/ buổi trưa rưng rưng nắng vàng khung kính phẳng/ đời thinh lặng đi qua/ ta ngậm ngùi ngắm nghía/ cảm ơn em yêu dấu/ cảm ơn sự nhắc nhở/…”


Lậy Chúa, cho con một lần gặp được người đó, dẫu muộn màng, oan nghiệt.


Lậy Chúa, cho con gặp, một lần. Cho con nói được với chàng, một lần, rằng, thơ chàng đã tháp cho con đôi cánh lớn. Nhưng, thơ chàng cũng không quên cột vào chân con, chiếc hài đen bảy dặm. Để con đi, cùng kiệt ngõ lầm, than.


Đợi chờ gì, nơi Thuấn? Khi chính tôi, không mang nổi bóng mình. Khi Thuấn không thể chảy, dù rất mong, một giọt lệ, giữa đoàn tụ sinh, tử. Lúc Thuấn bồng con bước xuống phi cơ. Lúc Thuấn thấy Khang kiễng chân, nghển cổ giữa đám Việt Nam tị nạn lố nhố, phi trường…


Tôi chờ đợi gì, nơi Thuấn? Khi đêm quê người đầu tiên, nằm ôm con, co quắp trên thảm nhà một người bạn mới, Thuấn nhủ, phải đứng trên đôi chân mình. Phải sống còn bằng những bắp thịt (mệt mỏi,) những sợi gân (khốn kiếp.) Tôi hiểu (dù không chắc lắm,) vòng hoa Thuấn nhận được nơi bước chân vừa rời bỏ quê hương, là, vòng hoa bẽ bàng/ thân phận.


Tôi hiểu, sau đó, Thuấn thấy nàng lớn lao biết bao: Tự nuôi mình, nuôi con.


Tôi cũng hiểu, Khang thấy mình nhỏ bé dường nào: Thu rút thân hình, làm con cú đêm, ngày nấp góc nhà, lắng nghe, rình rập, phỏng đoán mọi di chuyển, tiếng động. Thậm chí hơi thở/ giọng nói/ giao thiệp/ của Thuấn, trước mặt/ sau lưng Khang.


Tôi làm gì được cho Thuấn, với những cú đấm, những lời thô bỉ, Khang dành “tặng” nàng, Những “con đĩ thập thành,” “đồ gái lang chạ.”

Những “lãng mạn mê trai,” “Xéo ngay khỏi nhà tao…” (Khang trả tiền nhà. Thuấn trả mọi thứ còn lại: phân chia rạch ròi!)


Những tiếng gầm thét (cũng rạch ròi) chạy dọc đôi hàng phố. Những xỉ nhục (cũng rạch ròi) phản ánh bất lực. Những đòi hỏi xác thịt bị từ chối.


Những ân ái: “Tởm lợm choe choét, bết, bệt thân thể, ám ảnh nhiều ngày không tan,” Thuấn tâm sự


Tôi làm gì được cho Thuấn? Khi cả đời Khang không cầm một cuốn sách. Thù hận từng bài thơ. Dị ứng mọi bản nhạc…


Tôi làm được gì cho Thuấn? Khi một con mắt Thuấn bầm, nát, sưng to, múp lên như quả trứng lộn tròng. Chỉ bởi nàng không chịu trả lời cật vấn của Khang về những số điện thoại lạ, xuất hiện nhiều lần, trong hóa đơn tính tiền hàng tháng. Tôi làm được gì cho Thuấn, mấy năm qua, trước mỗi giấc ngủ, nàng phải khóa cửa, bên trong, tấn thêm đồ đạc, biến phòng ngủ thành một pháo đài cố thủ và, “ông chủ” như con cáo hậm hực, lồng lộn quanh một chuồng gà kiên cố.


Tôi làm được gì cho Thuấn? Khi ngay tôi, cũng có những ngày, đêm tự thoa, xức dầu cho vết thương mình, sau mỗi cơn điên của Gòn.


Tội nghiệp thịt da ta. Chúng từng khóc mà, nào ai hay biết!!!


Gió, vào từ biển, chỉ đủ sức đu đưa bức màn mưa, như chiếc võng lụa, treo ngược. Một đầu máng nơi chụp đèn cao. Đầu kia, nhúng sâu trong vụng nước.


Những ngày trở lại thành phố da đỏ, nơi sượng, rách niềm hổ ngươi, sâu; nỗi nhục nhã, kín (có T. bên cạnh;) tôi hỏi: Mày đợi chờ gì? Tôi không thể (không dám) trả lời.


Tôi đợi chờ gì nơi Hân, những đêm mưa xập, xòe trời đất. Trong bóng tối căn phòng, tầng lầu hai, (hay ba,) chung chư Parkview? Hân di chuyển khó khăn (đôi chân tật nguyền sau tai nạn,) làm cho tôi ly cà phê. Đôi mắt mái chèo/ thuyền khuya, khua động mặt nước tù hãm khát khao tình dục. Hân vẽ trong trí tưởng phong phú (hay nghèo nàn) của nàng: cuộc chạy trốn (tuyệt vời) xuất phát từ nơi: Có hai kẻ tự cho được sinh ra để thuộc về nhau (mà không thể nào kẻ khác?) Hân trốn chạy Bảo.

Người đàn ông, theo nàng, chỉ biết đem bắp thịt, đầu óc mụ mẫm. Tối thui, thay thế những đòi hỏi lãng mạn, nâng niu., ve vuốt. Người đàn ông trốn chạy chuyện chăn gối bằng những việc làm bánh, sửa xe, thay ống nước, chạy dây điện… trong những giờ giấc, đáng lý phải vào phòng ngủ, lên giường… với vợ. Hoặc (vẫn theo Hân,) bày đặt chuyện nhớ nhà, nhớ nước, ngồi lì nhà bếp… Gầm gừ những xâu bia lon. Rổn rảng cụng chúng, cùng những tên Mễ Tây Cơ (không nhà cửa.) Bảo mượn cớ say, ngủ vùi trên sofa, chối từ… ”bổn phận.” Còn tôi, kẻ trốn chạy Gòn.

Chúng tôi sẽ mang theo những chiều đông, trời tối sớm? Hân bỏ tiệm bánh, trở về. Lên lầu, trong bóng tối nhớp nháp hơi nước, sau cánh cửa khép vội, tôi cúi hôn Hân với tất cả cố gắng say đắm, chen lẫn thương hại, kích thích bởi tình cảm lén lút.

Hân hình dung, chúng tôi lên chuyến tầu (tốc hành) tới một tiểu bang khác.

Ở đó, bằng vào số vốn riêng của Hân, tôi được phép sống đời sống một ông hoàng (?) Hân, một bà chúa khả kính (?) (Tôi tin, hẳn đi chứ, khả năng kiếm tiền của Hân, vốn liếng Hân có.

Ngay cả khi nếu tôi không muốn rời khỏi nơi này, không muốn bỏ Gòn, Hân cũng có thể mở một tiệm bánh khác, cho Gòn. Hân từng dụ Gòn ra tập việc nơi tiệm của Hân. Hân cũng đồng ý, mở cho Gòn một tiệm gì đó, thí dụ, bán đồ ăn nguội / food to go.)

Chúng tôi sẽ mang theo những đêm tầng lầu hai (ba,) vào bên trong những căn phòng bỏ trống, Hân: nhung lụa vuốt ve, lỗ mỗ hớn hở, sống lại nõn tươi thời thiếu nữ.

Hân kể (như chưa từng) về những bài thơ nắn nót chép trong tập vở. Hình tài tử, những mẩu chuyện tình đẹp nhất thế kỷ…

Những thứ Hân đinh ninh, hết đời, chẳng được. Bây giờ Hân có tiền, có điều kiện, tại sao không? Phải rồi, tại sao không?

Hân có quyền khát khao/ đòi hỏi/ tranh đấu cho chính nàng, một đời sống (tưởng tượng) mới, khi tuổi trẻ (ít ra với nàng,) chưa bước qua bờ khác. Chúng tôi sẽ đem theo tấm khăn trải giường, chiếc chăn dầy, Hân lấy từ nhà. Hân bảo (rất tiểu thuyết)

“Em có thể bỏ lại hết. Trừ hai thứ đó. Chứng tích tình yêu của em.”

“Và anh khi đó, là tấm thảm cho Hân trưng bày “chứng tích”?”


Hân đính chính:

“Không anh, làm sao có “chứng tích.” Không anh, em cũng không... Nói gì đến tấm drap. Nói gì đến chăn cũ.”

Tôi biết, tôi là nguyên nhân đem Hân trở lại những quen thuộc, cần thiết của một người nữ. Không chúng, sẽ chẳng có gì để phân biệt giống tính. Hân trong ghi nhận tôi, lần gặp đầu, là, người đàn-bà-đàn-ông.

Quần jeans, áo thun, giầy bố, là Hân ở mọi nơi, mọi thời khắc. Lúc nào, trên vai nàng, cũng ve vẩy chiếc áo blouse trắng. Quen biết nhau ít lâu, Hân thành người khác.

Môi Hân, đã son tươi. Tóc Hân, đã tóc uốn. Thỉnh thoảng, Hân gắn thêm chiếc nơ lụa, tấm băng đô vàng, quén tóc. Hân bắt đầu xăm soi với những chiếc skirt, những chiếc chemise, áo lạnh, giầy, vớ.

Biến chuyển nơi Hân nhanh, mạnh, rõ tới không riêng Gòn, Bảo cũng nhận thấy. Một lần, gặp nhau nơi chiếc thùng rác chung, Bảo (vô tình/ cố ý) hỏi:

“Anh thấy hồi nầy bả diện hẳn ra?”

Tôi chột dạ, thăm dò, mé mé:

“Thiệt vậy sao?”

Bảo gõ gõ cho rác sót, rơi nốt, nói lớn:

“Bộ không phải anh khen bả, ăn mặc coi bộ càng ngày càng bảnh hơn?”

Tôi tá hỏa, nhớ: Không hề. Chưa bao giờ tôi nói một điều gì với Hân, tương tự. Nếu có, chỉ là những chọc ghẹo vui vui, cho có, như: “Cô sinh viên nào đây?” Hay “bà chủ vừa chứ nhá…”

“Mà bả diện vô coi cũng đặng lắm anh.”

Bảo kết luận với nụ cười mãn nguyện, như thể vừa khám phá được điều thú vị. Gặp Hân, tôi hỏi điều nghe được. Hân thản nhiên, vênh mặt:

“Ai biểu anh không khen em chi. Nếu anh khen, em sẽ dấu cho riêng em, mắc mớ gì phải khoe ra?”

Nàng có lý. Tôi hiểu, vì sao, Hân luôn miệng hỏi mắt, tóc nàng đẹp không? Áo, quần, giầy dép nàng… đẹp không? (Chưa bao giờ Hân hỏi quan điểm tôi về thân hình nàng.) Nếu tôi chậm trả lời, Hân sẽ nhắc ngày xưa mắt, mũi, môi, miệng nàng đẹp… hơn nhiều… (Hân chân thành, tự tin và, hãnh diện, đương nhiên.)

Chỉ phụ nữ mới có lòng thủy chung, bởi trong họ vốn sẵn mầm phản bội.

Gió, vào từ biển, chỉ đủ sức đu đưa bức màn mưa, như chiếc võng lụa xanh, treo ngược. Một đầu máng nơi chụp đèn trên cao. Đầu kia, nhúng sâu trong vụng nước.

Thuấn không chờ đợi. Anh Tư.

“Thuấn không ngờ…” Thuấn nói.

Mỗi đứa tiếp tục đuổi theo những ý nghĩ của mình, dù từng lời nói ra, rất mong (tình cờ) gặp được ý nghĩ đứa kia, trên đường tìm kiếm. Có thể Thuấn khó bước khỏi trạng thái căng thẳng như trái bóng thừa hơi, muốn nổ. Tôi không muốn nghĩ tới Đống. Đã lâu, tôi nhìn Đống xa lạ, như chưa hề quen biết. Tôi từng thoát được Đống, như thoát lìa điều giả dối, thứ tình cảm bát nháo giữa miễn cưỡng/ mặc cảm/ tự ti/ nỗ lực chứng tỏ/ chạy trốn lầm lẫn/… Tôi không phủ nhận: Từng nhìn Đống như một tác phẩm, khám phá riêng của mình. Có thể nguyên nhân sâu xa của mọi chịu đựng, che đậy, lấp liếm nơi tôi, không vì Đống, mà, tự ái. Tôi không nhận tôi lầm.

Đống có thể là người tốt, nếu để Đống yên trong sân chơi của anh. Sân chơi của một thứ công tử Bạc Liêu lỡ bộ, quá mùa. Tôi cho mình có phần trách nhiệm không nhỏ, khi dẫn dắt Đống vào một sân chơi khác. Sân chơi, Đống không có vốn căn bản, cho cuộc chơi ấy. Mọi cố gắng sơn phết, đánh bóng, đẩy Đống ra sân, như một hảo thủ, hiếm, quý, đã tung Đống lên cao, quá cao. Đống bị ảo giác, thấy bóng mình to hơn hình thật.

Cuối cùng, Đống không thấy chính anh.

Thuấn từng thuật lại những lời nói xấu xa, tồi tệ Đống dành cho tôi, sau khi, giữa anh và Gòn xẩy ra chuyện đôi co, cãi vã. Tôi không nói một lời. Chỉ kinh ngạc tính đàn bà của anh.

Đống không thể trút mọi hờn giận, tức tối Gòn, lên tôi, dù thời gian đó, Gòn là người đàn bà tôi đang chung sống.

Tôi bảo anh, đại ý, chúng ta có thể thay nhiều người đàn bà, nhưng không thể xóa, bôi một tình bạn. Đống nhún vai:

“Tôi không biết. Tôi không thể tiếp tục chơi với Cang. Tôi già rồi. Tôi không muốn mua thêm phiền bực, những ngày cuối đời...”

Tôi gật đầu:

“Đồng ý. Vậy Đống có thể yên tâm về phần tôi.”

Tôi nghĩ Đống hiểu.

Không lâu, tôi nhận được điện thoại của Thuấn, bảo, Đống kể với nàng không thiếu một chi tiết, về đời sống riêng của tôi. Ngay những chuyện giữa hai người đàn ông…

Đống tin, điều đó giúp Thuấn “tỉnh ngộ.” Thuấn sẽ kinh hoàng, khinh bỉ, rút lui khỏi cuộc tình (cứ y như không có tôi, Thuấn đã là của Đống.) Tôi trả lời:

“Anh không thấy cần thiết phải nói…”

Chẳng phải tôi cao thượng, hay hớm gì. Tôi chỉ muốn giữ lời: “Đống an tâm, về phần tôi,” vậy thôi.

“Dù thất vọng với tác phẩm của mình tới đâu, người ta cũng không thể chối bỏ nó. Người ta càng không thể nhổ nước miếng lên nó…”

Tôi nói. Thuấn đáp:

“Em hiểu.”

Dù đã lầm lẫn trong trường hợp Đống, tôi vẫn tin: Thuấn hiểu và không thấy cần hỏi thêm về cái “hiểu” của Thuấn.

Tôi biết, tôi có tính lằng nhằng, không dứt khoát, rất đàn bà. Chỉ cần một lời nói dịu dàng, chỉ cần một tỏ lộ chân tình, tha thiết, tôi tin ngay, người đó. Thời còn C., có lần C. bảo:

Cang mà là phụ nữ, chắc không dưới mười lần chửa hoang…”

Trời đất. Gì mà dữ vậy? Sau mỗi lần lầm lỡ, tôi đều tự nhủ: Lần cuối. Nhưng không dám thử cộng xem mình đã bao lần, “tự nhủ.”

Bây giờ, lúc này, cũng thế. Tôi không thấy cần thiết phải nói gì thêm. Ngao ngán? Thất vọng trong đời riêng, trong những cuộc tình, tôi đã thừa mứa.

Đống có góp chút ít, cũng chẳng thay đổi gì.

Tôi kết luận. Thuấn lắc đầu, phản đối. Hay Thuấn cho, đó chỉ là cách tôi đánh tháo mình, khỏi câu chuyện? Thuấn bảo:

“Em có nói với anh Tư: Anh Tư đừng quên, anh Tư là anh của em. Chỉ có một trong hai điều cho anh Tư chọn: Nói. Thì nói cho rõ, cho hết. Hoặc, im lặng. Thì im luôn. Em không thích úp mở. Anh Tư là đàn ông kia mà…”

“Ảnh nói gì?”

“Không. Ảnh chỉ nhún vai. Ảnh biểu, ‘chúng nó cấm không cho anh nói’.”

Gió, vào từ biển, chỉ đủ sức đu đưa bức màn mưa, như chiếc võng lụa xanh, treo ngược. Đêm theo những chiếc xe muộn, lui cui vào bãi đậu.

“Em không thể hiểu,” tôi nhìn những sợi lông măng trên đồi ngực Thuấn, rung động. Dường chúng đà lậm sâu trong nỗi tức giận.

“Cũng vô lý, như sự hiện diện của em, tối nay, ở đây?”

Thuấn hỏi lại.

Tôi đáp, không. Tôi không muốn nói vậy. Tôi bảo, tôi chỉ muốn hai đứa hãy mặc Đống với những điều làm thành anh ta. Như Đống, hiện là. Như Đống (chiếc bóng lớn của anh,) đang bồng bềnh cùng những cơn say và, những lẩn trốn chính nó.

“Mỗi chúng ta đều thủ sẵn trong túi mình một số mặt nạ. Tùy nơi chốn, hoàn cảnh, ta biết phải dùng chiếc mặt nạ nào.”

Tôi quá lời? Im lặng, chờ phản ứng từ Thuấn.

Với thông minh, khả năng phản ứng nhanh, nhậy, những câu hỏi, như Thuấn đã từng hỏi ngược lại tôi:

“Anh thường đeo chiếc mặt nạ nào, trước Thuấn?” “Thuấn đã đeo chiếc mặt nạ nào, trước anh?” “Chiếc mặt nạ nào, ta có trong ngày qua? Chiếc mặt nạ nào, ta sẽ dùng ngày sắp tới?”

Tôi nghĩ, nhiều phần Thuấn sẽ chất vấn, như đã. Nhưng không.

Một im lặng khác thường.

Tựa tới giờ, Thuấn mới biết, đêm đã mang những chiếc xe muộn, Lui cui về bến đậu. Tựa tới giờ, Thuấn mới biết, mưa, và; gió, vào từ biển, (chỉ đủ sức đu đưa bức màn nước, như chiếc võng xanh, treo ngược. Một đầu máng nơi chụp đèn cao. Đầu kia, nhúng sâu trong vụng nước.)

Thuấn ngước mặt (không để nhìn tôi.) Sự mệt mỏi kéo xuôi, bôi bỏ mọi nét, vẻ xăng xái, trẻ thơ, nhí nhảnh, lí lắt… vốn linh hoạt nơi Thuấn. Tất cả đã lùi xa, như chưa từng hiện hữu. Trừ đôi mắt.

Đôi mắt nhiều lần tôi chạm, gặp. Đôi mắt bập bùng lửa trại. Chắc nịch quyết liệt, những bàn chân đi tới. Đôi mắt, chính đôi mắt ôm, cuốn tôi, cào xé tôi, vắt cạn tôi. Chứ không hề là đôi tay/ làn môi/ mùi hương/ hơi thở/ tiếng kêu/ thân thể… Thuấn.

Chẳng biết do động lực nào, (đôi mắt/ ngọn lửa/ những bước chân/ mùi hương/ hơi mưa/ võng lụa/ xe muộn?) buộc, khiến tôi muốn ghì/ xiết/ hôn/ cắn Thuấn thô bạo, tựa sẽ cưỡng bức nàng, lập tức.

Thuấn nhắm mắt (không để tránh nhìn tôi) Tôi không tin Thuấn nhắm mắt vì tiếng thì thầm ra lệnh “nhắm mắt lại. Nhắm mắt lại, của tôi.

Có dễ sự bất ngờ, niềm kinh hoàng nào đó, làm Thuấn tê liệt? (Cũng có thể, nàng đã nhừ chín trước đấy, bởi những ngọn lửa trại cháy hoài trong vô thức?)

Tôi dừng tay kịp lúc sắp vò, xé nàng.

Giữa chúng ta, trong ta, luôn có kẻ khác hiện diện? Hay kẻ khác, là một mặt nạ quen thuộc?

Chung cư.

Mưa tạnh. Gió, vào từ biển, có phần mạnh hơn, nhưng không còn chiếc võng lụa xanh nào treo ngược, cho nó đu dưa. Tôi bảo Thuấn:

“Ghé lại đây. Nhà một đứa em. Anh có chìa khóa phụ.”

Rút trong ví, chiếc chìa khóa sáng bóng, tôi mân mê (bảo kê cho lời nói của mình.) Thuấn vòng tay qua lưng tôi. Hai đứa, hơn một đôi tình nhân. Chúng tôi, đôi vợ chồng mới cưới. Thuấn là người khác. Giống như nàng mới bước ra, từ bồn tắm.

Cảm nhận có thể mất nhau, bất cứ lúc nào, giúp người ta tự nhiên, bạo dạn hơn.

Lúc đi qua hai trụ gạch thấp, làm dấu cửa vào cư xá, Thuấn dừng chân. Quay ngang. Chúng tôi ôm nhau (không cần biết đứa nào khởi sự trước vòng ôm; hay đứa nào, đòi hôn trước.)

Tôi rất bằng lòng hành động luông tuồng của Thuấn. Nó tự nhiên, (thiên nhiên?) Như khi được ôm nhau. Được trút bỏ khỏi thân tâm, mọi nếp gấp của óc: Tên tuổi, gia thế, địa vị, vai trò, trách nhiệm xã hội mỗi đứa và, ngủ…

Chúng ta quen tiêu những đồng bạc giả nơi một đời sống không thật. Trong khi, chẳng tình yêu nào, có hàng quán, nơi chốn… nhận tiêu thụ giúp ta, loại bạc ấy.

Gió quẫy từng chập qua hai dẫy apartment đâu mặt giữa lối hẹp. Thuấn níu cánh tay tôi. Đi. Chúng tôi bỏ nhân loại ngoài lộ. Mặt nạ, kẻ khác, cũng ngoài lộ. Thế giới tuồng lớn bằng chiếc chìa khóa. Hoặc, cả nhân gian lọt trong lỗ khóa nhỏ tí. Tôi tra khóa vào ổ. Ánh sáng ấm (không cần củi lửa.) Căn phòng mở lớn, tựa thiên đàng thấy được, lần thứ nhất. Người đàn bà xuất hiện. Không phải em tôi. Mà Hân. Hân đã mua (thuê lại) căn nhà? Tôi lùi bước. Thuấn nhanh nhẩu:

“ Ai vậy? Sao không vào anh?”

Tôi nói.

“Chủ nhân khu apartment.”

Thuấn hân hoan gật đầu chào người đàn bà nhỏ thó đứng chận cửa (chào một mannequin đúc bởi khuôn mẫu xấu.)

Hân sững/ khô/ lạnh/ tượng:

“Đi, kẻo mưa lại đấy.”

Tôi đáp:

“Chắc chắn.”

Thuấn không nhận thấy một chỉ dấu, báo hiệu cơn mưa trở lại. Riêng tôi (và Hân?) thấy.

Chúng tôi thấy cùng lúc: mưa/ mặt nạ và/ kẻ khác. Như những đồng bạc giả, trên môi tôi, hớn hở, mời.

(1983.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1174)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,