Mũi Đinh Người Đóng Nốt Xuống Tôi Đi

10 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3294)
Mũi Đinh Người Đóng Nốt Xuống Tôi Đi


Chim đóng tiếp cây rừng quanh trái đất
Mũi đinh người đóng nốt xuống tôi đi
Thơ dtl

Mỗi lần gặp thêm, những ghi nhận của tôi về An, một mạnh mẽ, đậm nét. Tôi không nhớ tôi bắt đầu nhìn khác về An, từ lúc nào? Khi An bắt đầu đi tu? Ăn chay? Khi An bảo, An sợ tôi đã rơi quá sâu trong màn u minh của ý nghiệp. An giải thích, người ta không chỉ bị khẩu nghiệp hay thân nghiệp. Người ta còn có thể bị ý nghiệp nữa. Tôi hiểu An muốn nói gì. (Đó là thời gian tôi lún trong mê đắm, hào hứng với những phóng bút châm chọc, lật tẩy kẻ khác, hoặc chính mình. Dường tôi mất hẳn tôi, sau khi tình cờ khám phá: mình cũng có thể ác độc, cay nghiệt chẳng thua ai. Tự biết này, làm tôi hưng phấn một thời gian, không ngắn!)

Cũng có thể tôi đã nhìn An khác đi, sau cái chết của mẹ tôi (?) Cung cách ứng xử an nhiên, bình thản của An trước biến cố, khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa nể trọng. Sau ngày “mở cửa mả,” tôi hỏi An một người sống lương thiện, tốt đẹp như bà, liệu có được siêu thoát? An đáp:

“Sự thương tiếc của gia đình, người thân, sẽ khiến linh hồn người chết quyến luyến, bịn rịn cảnh đời họ vừa từ bỏ.”

Theo An, người chết, trong vòng bốn mươi chín ngày, linh hồn còn quyến luyến thân xác. Dù họ biết, thân kia chỉ là bình đựng chứa linh hồn. Nó giả, tạm. Nó vô nghĩa. Dẫu sao, linh hồn cũng từng trú ngụ ở đấy, quá lâu. Thành thói quen. Chưa kể, linh hồn người mới chết nào, cũng được ma quỷ, những linh hồn vất vưởng, không siêu thoát, bu lại. Chúng dẫn dụ hồn mới không được, sẽ quay ra dọa nạt, khủng bố, “in hệt kiểu côn đồ lường gạt, dọa dẫm người lạ nước, lạ cái vậy. Nguy hiểm hơn, đáng lo ngại hơn, khi linh hồn người chết chưa chuẩn bị, không sẵn sàng đón nhận cái chết.” An nói, sự quyến luyến, bịn rịn thân xác, giống như ta bịn rịn, quyến luyến căn nhà ta được sinh ra, lớn lên… Vì thế, trong bốn mươi chín ngày, hồn người quá cố rất cần được nghe kinh. Những hồi kinh siêu độ giúp hồn bớt hoang mang, sợ hãi. Hồn sẽ bình tĩnh chấp nhận sự thực: Bỏ thân xác, bước vào cảnh giới mới. Đời sống mới. Kinh không ích gì, không giúp hồn lìa xa xác thân, nếu cảnh tượng hồn ghi nhận, là đám con cháu, người thân yêu vây quanh, với những than khóc, tiếc thương, kêu đòi, níu kéo… Trong tình cảnh ấy, linh hồn đi sao nổi?

Những giải thích của An, không thỏa mãn tôi bao nhiêu! An cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi: Hồn mẹ tôi đi đâu, tới đâu, sau cái chết của thân xác? Vẫn theo An, sau bốn mươi chín ngày, hồn nào, dù tốt, xấu cũng bị dẫn tới một phán quan đặc biệt để xét xử công, tội. Không thể căn cứ vào những việc làm nhân đức lúc sống, mà, ta có thể kết luận, chắc chắn người đó sẽ lên niết bàn. Nhiều khi, sự tốt lành, nhân đức của họ, ở kiếp này, chỉ đủ trả những món nợ vay từ kiếp trước.

Trường hợp đó, họ sẽ được đầu thai trở lại, làm người thêm một lần nữa. Cho tới khi hoàn toàn dứt nghiệp. Cũng có những trường hợp dứt nghiệp rồi, nhưng hồn quá quyến luyến, thương tiếc con cháu; hoặc sinh thời hồn có những nguyện ước, thề bồi sâu, nặng, chết rồi vẫn ấm ức, áy náy,… Họ cũng được đầu thai.

“Tóm lại, tùy nghiệp duyên cũ, tùy nghiệp duyên mới, mà hồn sẽ được định đoạt,” An kết luận.

Tuy không thỏa mãn, tôi vẫn cho giải thích của An, đáng tin cậy. Tôi nghĩ đã chọn đúng người, để nêu lên vấn nạn của mình, dù An là cháu. Đứa cháu, sẽ gần tôi mãi, nếu không có biến cố tháng Tư, bảy lăm.

Cách gì, mỗi chúng ta cũng chỉ như một mặt gỗ xốp, mà, những mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống.

Tôi không biết nguyên ủy sâu xa nào, biến An từ một đứa trẻ hay dỗi, ưa tủi thân, dễ cáu gắt trở thành một người điềm đạm, chững chạc, bao quát một cách sâu sắc mọi vấn đề, như vậy. Lạ một điều, An trở thành người khiến tôi ưa lắng nghe, trong mỗi gặp gỡ, và, ra khỏi câu chuyện, tôi vẫn thấy nơi An, ắp đầy nét trẻ thơ, (đôi lúc ngây ngô) thuở nào. Hay An, chỉ là người khác, thí dụ, triết gia/ tu sĩ thức ngộ/ hành giả ở những câu chuyện liên quan tới lẽ “chân, giả?) Tách lìa thế giới hư không kia, An lại trở về con người nguyên thủy, con người xã hội, con người hữu cơ? Lúc vui, lấp lánh hồn nhiên, dí dỏm. Lúc buồn, hằn khắc nhẫn nhịn, che dấu? Hay chính sự tìm thấy nơi thẳm sâu, kinh nghiệm khám phá bản thân, nỗ lực vượt qua đôi ba tầng giới hạn của cái “thức,” đã cho An những bình yên, thanh thản tới cả ngố?

Là con trai lớn của anh chị Q. tôi, tính theo thứ tự, An là con thứ. Trước An, có Hương. Hồi nhỏ, Hương sớm phát lộ thông minh, cá tình, và, mức độ nhậy cảm đặc biệt với thế giới của những điều phức tạp, vô hình như văn chương, nghệ thuật… Trong lúc An không hề. An hiện ra như một chú nhỏ bụ bẫm, chậm đụt, không cạnh sắc, không cá tính dự báo một xu hướng đặc thù, ngoài vẻ thật thà, đôn hậu. Ngay việc học, An cũng mờ nhạt trước chị, Hương giỏi bao nhiêu, An tầm tầm (có phần đuối) bấy nhiêu. Những năm phải thi trung học, tú tài…, gia đình chỉ băn khoăn không biết Hương đậu hạng nào? Ưu hay bình? Tuyệt không chút thắc mắc. An, trái ngược. Ai nấy canh cánh bên lòng mối lo, trĩu nặng.

An thi tú tài nhất, năm bảy ba. Luật tổng động viên đã ban hành. Nếu rớt, An sẽ bị bắt lính. Và, An trượt kỳ nhất. Mẹ tôi thấp thỏm, thở dài, từng đêm, không ngủ. Trong mắt nhìn của bà, với quan niệm cổ, An là cháu đích tôn, là, giọt máu chính của dòng họ. Như thể, bất cứ một bất trắc, trục trặc nào, xẩy đến với An, thì, điều đó đồng nghĩa với sự không may mắn hay bất hạnh, sẽ ảnh hưởng đến nhiều đời nối tiếp. Gần nhất, nó sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới việc ma chay, cúng quẩy người quá cố…

Vắng anh chị Q., qua những gặp gỡ riêng chúng tôi, mẹ tôi thường ca cẩm anh chị Q., không chú trọng, không thương yêu An bằng Hương. Vì thế mà, thằng bé chán ăn, chán học.

“Nó bé bằng cái kẹo, có nhớn nhao gì đâu mà, lúc nào cũng hầm hè với nó, như quân thù quân hằn,” mẹ tôi than vãn.

Bước sâu hơn, trong kiếm tìm nguyên nhân đưa tới sự thi rớt của An, mẹ tôi còn cho rằng, thời gian học thi, An không được tẩm bổ đầy đủ…! Lậy Phật. Lòng thương cháu… đích tôn quá độ, vô hình chung, mang đến cho mẹ tôi cái nhìn đầy kỳ thị. Mẹ tôi bẵng quên, Hương cũng trải qua những kỳ thi như An. Hương cũng được nuôi dưỡng trong một khung cảnh, điều kiện như An. Chưa kể, Hương mới chính là đứa con không được hưởng những ngoại lệ như An.

Gì chứ, riêng phần mẹ tôi thôi, tôi dám quả quyết, sinh thời, cụ không bao giờ dấm dúi tiền cho Hương, nhưng An, thì có. Nhiều nữa. Cũng như tôi và C., rất gần An. An là người bạn nhỏ, thân thiết của cả hai đứa. Sau này, không chỉ An, đám bạn An, cũng trở thành bạn tôi và C. (Hương gần chị Băng tôi hơn, có dễ vì cùng là đàn bà, con gái.) Bất cứ lúc nào, muốn đi uống cà phê, An hay nhóm bạn, đều có thể hỏi, hoặc rủ tôi đi, như một người bạn (có khả năng chi tiền hơn bạn khác.)

Tôi nhớ, còn đâu hai tháng để chuẩn bị thi kỳ hai, An tới ở với chúng tôi, trên căn gác, đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiện. Lúc này, chúng tôi vừa trải qua một thảm kịch lớn. C. sinh đôi, thiếu tháng. Không giữ được. Có thể do hậu quả của việc chúng tôi bị mất cắp chiếc xe. Tôi quyết định mua chiếc khác, dù C. không đồng ý. Tôi mong tôi sai, khi muốn ngăn ngừa việc gia đình tôi, có ấn tượng xấu, bất công về C. Tôi sợ mọi người cho rằng C. là đầu mối của các tai họa. Để dấu chuyện mất xe, tôi nói với gia đình, tôi đổi xe khác, rẻ hơn. Kế tiếp, không thể để C. tiếp tục sống giữa vùng ác mộng. Đêm nào C. cũng nằm mơ thấy hai con về. Chúng dắt tay nhau đi dưới những hàng cây cao su… Khi chúng bảo: “Mẹ ơi, tụi con lạnh.” Khi chúng nói: “Tụi con không ở với mẹ được, tụi con đi đây.” Những giấc mơ đại loại, rút dần khỏi thân thể C., chút sinh khí, thoi thóp. Có đêm, C. giật mình vì những tiếng động tưởng tượng. Tựa bọn trộm xe, còn tiếc rẻ vật gì đó, trở lại, rình rập để lấy nốt. Không chỉ C., ngay tôi, cũng sống trong nỗi kinh hoàng/ ám ảnh/ thường trực/ địa ngục. Tôi quyết định đổi chỗ.

Trước khi An tới, C. vẫn sống những ngày lặng lẽ trong bóng tối và nước mắt. Có An giữa chúng tôi, nơi chỗ ở mới, C. vui hẳn lên. Tựa An là chiếc cầu nối C. với bờ kia, sự sống.

Cách gì, mỗi chúng ta cũng chỉ như một mặt gỗ xốp, mà, những mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống.

Dịp này, chúng tôi có cơ hội chia xẻ với nhau, nhiều điều. Ngoài những ly cà phê tại nhà, tôi và An còn có những cữ cà phê ở quán; đa số, hông đường Nguyễn Du. Hồi đó, đường Nguyễn Du, đoạn gần Bưu Điện, trước trường Tabert, người ta bầy bàn và, những chiếc ghế thấp, bán cà phê bít tất. Chúng tôi ngồi đó, uống những ly cà phê “xây chừng” với lá me quanh năm, như những hạt cốm xanh, nhẹ tưng, trong gió. Cả một dọc hàng cà phê, bánh cuốn, cơm tấm tựa lưng vào vách tường, dưới những tấm vải bạt nhỏ xíu, không tên, nên được gọi chung là cà phê lá me. Một thời, nơi đó là điểm hẹn, nơi gặp gỡ, của An với các bạn và, tôi với những người con gái, C. không biết. Trong tôi, bắt đầu nhen nhúm câu hỏi phải chăng, nơi An, đã hình thành những bất mãn, thất vọng về gia đình? Bố mẹ? Cảm nhận lớn dần, thành những câu hỏi, tuy chưa một lần tôi tâm sự với ai, ngoài C. Cảm nhận này, sở dĩ có, bởi tôi thấy An thật hạnh phúc, thật hân hoan, khi ra khỏi nhà, lúc ngồi với bạn? Giữa gia đình, chung quanh những người thân, tôi ít thấy được vẻ hồn nhiên, nghe được tiếng cười trẻ thơ từ An. Những ngày ở tạm nơi tôi, An rất tự nhiên, thoải mái, không khép kín. Kỳ thi đó, An đậu.

Hôm trở lại báo tin vui, tôi hỏi An muốn thưởng gì? An bảo, An muốn có một chuyến đi Huế. Tôi đồng ý ngay:

“Thì Huế.”

An muốn đi Huế, có thể, ngoài lý do chưa từng biết vùng đất mang tên Thần Kinh, địa danh những lăng tẩm; còn vì tò mò muốn biết người bạn gái tôi, thời đó. Hạnh. Hạnh đang học năm thứ hai, Đại Học Sư Phạm. An chỉ nghe tôi kể úp mở về nàng, với những quyến rũ mơ hồ một nơi chốn được văn chương nói tới nhiều nhất, sau Hà Nội… Sự kiện này, nung nấu thêm óc tò mò của cu cậu?

Cùng An, tôi trải qua những ngày cuối cùng của một mùa hè, Huế. Cùng An, những đêm trăng, sân trước, tắm mình trong hương hoa chanh, khế, và tiếng vặn mình trên cao của những bẹ hoa cau, chưa đơm thành buồng trái, tôi hãnh diện cho được An một chuyến viễn du (đúng nghĩa) với những lạ lẫm, kỳ thú ở tuổi niên thiếu. Và, tôi tin, An cũng nhìn tôi với tất cả cảm phục dành cho một người chú… giang hồ.

Năm sau, An thi đậu tú tài toàn phần. Vẫn còn bị ám ảnh bởi luật tổng động viên, trong lúc chờ gia đình tìm đầu mối gửi đi học ở Canada. An ghi tên học khoa học. Dẫu lúc An bắt đầu có được cho mình chút niềm tin và, phấn khởi nào đó về tương lai, thì, cũng là lúc An phải chuẩn bị cho một chia ly: gia đình, bạn hữu. Tôi không tin An thích hợp với những năm học, ở một đất nước xa lạ. Tôi cũng không nghĩ, thâm tâm, An hài lòng với sắp xếp của gia đình. Tôi cảm tưởng, cùng lúc. An bất an, và hạnh phúc. Cùng lúc, An hớn hở và, muộn phiền. Nhiều buổi tối ngồi với tôi và Th., An tâm sự muốn thoát ly gia đình, sống một đời sống hoàn toàn tự lập. Th. bảo, ai khác thì được, An thì không, An hỏi tại sao?

“Gió bão không phải là môi trường cho An vùng vẫy.”

Th. Nói, nhắc nhở tôi lưu ý tới An nhiều hơn. Phần tôi, tôi không lo lắng lắm. Mơ ước của An, tựa chút lãng mạn bồng bột của tuổi trẻ. Nó sẽ tan nhanh như những dợn mây mù trong một sớm mai nhiều nắng. Hơn nữa, giấy tờ du học của An, đang được xúc tiến.

Giữa lúc đó, tình hình chính trị, quân sự miền Nam có nhiều biến chuyển lớn. Khởi đầu, cao nguyên triệt thoái. Sau tới Quảng Trỉ, Huế, Lộc Ninh…, hàng loạt thành phố miền Nam rơi vào tay Bắc quân. Như sự ngã đổ mặc nhiên của những quân cờ domino. Thời gian này, tôi ít gặp An. Th., về Vũng Tầu trước đó, như một bày tỏ dứt khoát, quyết tâm cắt đứt mọi liên hệ giữa tôi và nàng. Hạnh ở Pleiku, không tin tức. C. loay hoay tìm cách cho tôi giải ngũ. Tòa Đại Sứ Pháp trả lời, nếu tôi không thuộc diện quân đội hay công chức chính phủ, họ sẽ cho tôi di tản theo chương trình hồi hương Pháp kiều, với C. Giữa tháng Tư, tôi còn nhận lệnh đi làm phóng sự ở Nha Trang. Hy vọng tìm thấy Hạnh, trong đoàn người khốn khổ đầu tiên, về tới Tuy Hòa. Những đoàn tỵ nạn, như đám kiến bò quanh miệng chiếc chảo mỡ sôi sục của chính mình.

Cách gì, mỗi chúng ta cũng như một mặt gỗ xốp, mà, những mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống.

Một tuần, trước ngày ba mươi Tháng Tư, Hạnh về tới Sài Gòn. Từ đầu tới chân, là quần áo, giầy dép, mượn của vợ người cậu. Gặp nhau giữa sân cục TLC., tôi ôm Hạnh trong tay, như ôm mối ân hận có thật. Hạnh hỏi An. Tôi bảo đã được gửi theo một gia đình lạ, đi Canada, hai ngày trước. Tuần kế, tới phiên tôi đi. Chuyến đi không định trước. Không một chút. Tôi, như hạt bụi trong bàn tay khổng lồ của định mệnh.

Nhờ sự giúp đỡ của Lộc, hai năm sau, An được đoàn tụ với gia đình.

Không thể xác định biến cố đất nước tan tác hay, những năm tháng thình lình, cắt lìa cuống rốn gia đình, trái tim bị đặt ngoài lồng ngực thương yêu, bảo bọc, nên, An thành một người khác? Tôi ngửi được khá nhiều mùi bất thường, qua những lá thư An viết từ Canada và, những lần điện thoại viễn liên. Dường trong An, có những cánh cửa bất ngờ, bắt đầu hé mở. Những cánh cửa suy tư về con người/ đời sống/ vật chất/ xã hội/ tâm linh.

Những cánh cửa thực tiễn, oán hận, phê phán, ở An, mở ra, hướng tới những nổ lực tìm kiếm bản sắc, nhận diện chung quanh; cật vấn hiện hữu; đi tìm ý nghĩa trước tiên/ sau cùng của hiện hữu đó.

An kể những đêm trắng, tuyết, đứng rửa bát trong ngôi quán “toàn tây” Những chuyến xe bus chiều, ngang qua những dãy phố, ngôi nhà ấm áp ngọn đèn vàng, tỏa xuống những bàn ăn, quây quần. An nói về những sớm mai, trở dậy, nỗi hiu quạnh, niềm trống trải, muốn khóc. Tôi đọc những lá thư thưa thớt của An, như đọc những đoản văn, tùy bút đầu tay của người cháu, vốn được ghi nhận như một thành viên mờ nhạt, (không lộ tỏ một xu hướng, thời niên thiếu) Những đoản văn của An, không hề nhắc nhở những ngày tháng quê nhà, tuổi thơ nơi miếng sân trong, ngôi nhà đường Trần Hưng Đạo. Những buổi trưa tôi và An cùng trốn ngủ, lén xuống bếp nấu những soong bột hoàng tinh, trộn đường, thành những tảng bột trong veo như, những khối thủy tinh rung rinh, ướt nhão. Những buổi trưa nơi vuông sân sau này, tôi và An ngồi lọt thõm trong chiếc ghế da khổng lồ, gỡ từ chiếc xe nhà binh nào đó. An, khán giả đầu tiên, (duy nhất) nghe tôi tập thổi sáo, harmonica

Những tùy bút của An, không hề nhắc tới những lọ cá đá, ngoài ban công, ngôi nhà ở Hòa Hưng. Thế giới riêng (đầy gió bão,) hư ảo, tưởng tượng của An? Những con cá bé xíu, xanh lè hay đen bóng, bất động như những thiền sư cô độc, neo thân xác (giả, tạm) giữa hư không.

Những thiền sư (cá đá) cô độc lạnh nhạt, hờ hững trước mọi chăm sóc nồng nhiệt, chiêm nghiệm tận tình của An…

Thư của An, như những đoản văn, tùy bút đầu tay của một thời tuổi trẻ, cho thấy cố tình bôi xóa, đoạn lìa giữa An và quá khứ. Tôi không hiểu, có phải An đang bước vào thời kỳ trưởng thành “quá độ” hay, đời sống, những ngày hiu quạnh, đã dựng, đào trong An, đẫy ngọn núi và, nhánh sông tân lập?

Gặp lại An, ở đây, nơi tôi, là một gặp lại: người cháu năm xưa cùng, người bạn mới, (tôi chưa có đủ thời gian thiết lập một tình thân thiết,) khác. Thời gian đó, C. và Du, Như cũng mới qua từ Pháp. Tôi làm việc bất kể ngày đêm, trong nỗ lực lấp đầy thiếu hụt trước một tái định cư và, thanh thỏa mọi vướng mắc/ nợ nần/ ân nghĩa tình cảm/… trước đấy.

Điều kiện, môi trường sống mới không còn cho tôi/ An những sáng lá me, những chiều cà phê Hân, những tối Nguyễn Thiện Thuật… Cơm áo, an nguy tương lai, đe dọa ngày tới, đẩy chúng tôi, mỗi đứa lên một xa lộ mưu sinh mờ mịt. Lúc nào, chúng tôi cũng bị cảm giác ma đuổi sau lưng.

An rất thực tế. Chân ướt chân ráo, tới Mỹ, An đi làm ngay. Việc tay chân, để giải quyết cái xe, trước khi ghi tên học lại. Tôi nhớ việc sau cùng của An làm, là công nhân điện tử, do C. giới thiệu, cùng hãng. Tuy không có nhiều thời gian đàn đúm với nhau, nhưng trong những giờ phút trò chuyện ngắn ngủi, tôi ghi nhận được nhiều cay đắng, mỉa mai, trong An, về gia đình, xã hội. Rồi An đi học lại. Học toàn giờ. Rất bất ngờ, thích thú cho tôi, khi được biết An trở thành sinh viên xuất sắc nhất của trường. An luôn có tên trong “Dean’s list,” bạn An, Phước kể vậy. An ra trường, có việc tốt.

Những cuộc tình êm đềm của An, bên những đổ vỡ, đổi thay ghê gớm của tôi.

Giữa bình yên với những thành tựu tốt đẹp, giữa phẳng lặng với những đảm bảo, dư giả vật chất, giữa đinh ninh, An đang xây nốt cho mình, tầng lầu chót tòa nhà cá nhân phủ phê, thì, tôi được tin An hành thiền, trường chay, nhập định.

Quyết định trường chay của An, là một bàng hoàng, đau xót vô ngần cho anh chị Q. Các em An, đứa hoảng hốt tìm hiểu. Đứa diễu cợt, cho là hành động bốc đồng, phản ánh một khủng hoảng (tâm lý/ tình cảm) nhất thời. Phần riêng, An bình thản, tự tin. Đó là khoảng thời gian An tìm được nguồn nước hạnh phúc, trong lành nhất?

Cách gì, mỗi chúng ta cũng chỉ như một mặt gỗ xốp, mà, những mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống.

Không thể xác định, phải chăng tôi đã nhìn An cao quý, lớn lao từ sự kiện An từ bỏ đời sống đầy đủ, đuổi theo một tìm kiếm mơ hồ, một cật vấn hư ảo? Hay chính sự chay trường, ngồi thiền một đêm của An (điều tôi không làm được, dẫu chỉ dăm ba ngày) làm tôi khâm phục, kính trọng An? Tuy nhiên, dù chay trường/ tu thiền/ hành đạo mỗi ngày (theo cách riêng của mình,) An vẫn làm việc, sinh hoạt như một người thường.

Đời sống, với chất nhựa, keo thúc bách, vẫn dính cứng chúng tôi trên dòng xa lộ cơm áo mù mịt. Đôi khi, xa lộ có điểm giao nhau. Đôi khi, chúng băng băng, chạy tuốt luốt về hai hướng đối nghịch. Nhưng, lúc nào, An cũng ở trong tôi, như kẻ đồng hành, chứng nhân, nhỏ bé, một thời thơ dại và, sau rốt, một thiền giả, trẻ tuổi. Ở đâu, lúc nào, tôi cũng dõi theo bước chân của An, tuồng muốn được vui, buồn cùng lúc với người bạn thời thơ ấu của mình.

Ngày An lập gia đình, có mặt ở đây, tôi mang theo ngỡ ngàng, kinh ngạc, tới dự. (Như lần đầu, nghe tin An tu thiền/ chay trường vậy.) Quyết định lập gia đình khá đột ngột của An, gây không biết bao câu hỏi, thắc mắc, xôn xao cho người thân. Những thắc mắc, nghi vấn nhiều năm sau, còn lẩn khuất đâu đó, trong phỏng đoán mỗi người. Nhiều nhất, nơi chị Băng tôi. Tôi không thể cho mình một kết luận, cũng không có ý đi tìm một kết luận, riêng.

Kể từ ngày An nhắc nhở:

“Coi chừng, chú vùi sâu trong ý nghiệp,” tôi tin, mọi quyết định của An, đều khởi tự những nỗ lực “phá chấp, xả ngã,” của An. Ghi nhận này, nơi tôi, không có nghĩa, tôi đã không thấy, sau hôn nhân, đâu đó trong mắt An, những giải sương mù, những vùng mưa tụ, những tâm bão thinh, lặng, thấp thấp.

Cách gì, mỗi chúng ta cũng chỉ như một mặt gỗ xốp, mà, những mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống.

Không rõ bao năm, không rõ thời gian đã để lại trên mái tóc chúng tôi. Bao nhiêu sợi tóc bạc và, các ngăn chứa trong ký ức An, chồng chất, đổi thay, những gì (?) Cuối cùng, chúng tôi gặp nhau.

Cuối cùng, chúng tôi có với nhau một buổi cơm tối, nơi ngôi quán, tôi hầu như hàng tuần và, An, đã lâu, quá lâu không trở lại.

Chúng tôi không chỉ có lại, buổi tối, chén bát. Chúng tôi còn có lại, những ngày cuối một mùa hè, Huế; hơn hai mươi năm, cũ.

Tôi không nghĩ, An vẫn nhớ những ngày cuối một mùa hè, Huế. Tôi không nghĩ, An vẫn còn nhớ ngôi nhà, như một ngạch chuột đào ruồng trong ngõ đất. những đêm trăng, sân trước. Những người An chỉ gặp một lần. Đời sống An, sau này, tôi nghĩ, cần nhiều ngăn cho những chứa đựng khác hơn thời gian/ kỷ niệm ngắn ngủi kia. Nhưng, gặp lại An, nơi Hạnh, (và gặp lại Hạnh nơi An) đã không là một gặp lại ngỡ ngàng, xa lạ. Phần Hạnh, tôi hiểu được.

Tôi hiểu, trong một ngăn nhỏ bé, chất chứa kín bưng những kỷ niệm chiu chắt thời thiếu nữ, dong buồm ra khơi với tình yêu thứ nhất của Hạnh, An đã là một dây chão/ phần gió khơi/ một có mặt khoảnh khắc (xương thịt) của cuộc tình kia. Chúng tôi thường nhắc, nói về An, như nhắc, nhớ phần đời nhiều hương khế, tiếng vặn mình (trên cao) của những bẹ hoa cau, chưa kịp kết thành buồng trái. Tựa, cách gì, mỗi chúng ta cũng chỉ như một mặt gỗ xốp mà, những mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống.

Nhưng nhớ lại, ở An, với tôi là một không ngờ. An nhớ/ nhớ/ nhớ/ nhớ… như nhớ lại Ph, Nhớ người con gái đã cho An những nghe trái tim bóp thắt tựa người ta dùng hết sức mạnh của đôi tay, để xoắn, vắt chiếc áo cho kiệt cạn những giọt nước sót, trước khi máng lên dây phơi.

Ph. đã cho An những đêm đau đớn, nhẩy dựng. Những sớm mai lộn, lăn từ giường, xuống đất. Ph. Cho An hiểu, rất hiểu, tình yêu là gì (?) Nhớ nhung là gì (?) Là gì? Nếu không ngoài nắm chắc:

“Ngày mai, mở mắt biết mình vẫn con người đó," An nói.

Ph. đã cho An hiểu, rất hiểu, tự ái là gì (?) Cái tôi là gì (?) Thân xác hay linh hồn (?) Sở hữu hay vuột mất (?) Những gì làm nơi cái thức? Thức/ Thức/ Thức/… Biết/ Biết/ Biết/… Cái chén tôi đang cầm trên tay. Đôi đũa tôi được dậy từ ấu thơ để, gắp. Cái thìa để, múc. Thậm chí, những ý niệm. Những khát vọng trừu tượng. Niết bàn, Địa Ngục. Hạnh phúc. Khổ đau. Thành, bại. Được, mất…


Ta là ai (?) cái gì giữa thức và vô thức? Giữa những điều ta được dạy dỗ và không được dạy dỗ (?) Kẻ thứ ba? Khe hở đương nhiên của mọi đời sống? Vùng đất trũng, cho những mạch nước nhạy cảm, thực tiễn, chảy xuôi? Ph. đã cho An thấy, rất rõ, thình lình, những người sống chung nhau, dưới một mái nhà, bao giờ cũng tạo thành một luồng tư tưởng chung. Dẫn dắt cho luồng tư tưởng đó, luôn là người chủ gia đình, con vật đầu đàn:


“Ngay cả khi ta ngỡ mình, riêng mình tách thoát được, khỏi sức chi phối của dòng tư tưởng chung, đấy cũng chỉ là cảm tưởng.”


Cảm tưởng” An nói, với tất cả cố gắng cho tôi và Hạnh, hình dung được, một cách cụ thể hai chữ “cảm tưởng” ấy.

Ph, đã cho An, những ngày thấy rõ: “chết mới dễ hơn sống làm sao!” Ôi chao, “chết mới nhẹ nhàng, êm ái làm sao!” Và, khi ấy:


Cháu chỉ muốn chết,” An nhận.


Những ngày nằm vắt mình ngang đường biên tử sinh, An chạm mặt đối diện với cái thức. Cuộc tranh chấp, thảo luận giữa hình/ bóng lần hồi đi tới chỗ quyết liệt. Đòi hỏi một ngã ngũ rốt ráo. Và, An trực nhận:


“Hạnh phúc là sự thoát khỏi cái lằn mức giới hạn của chính mình.”


Tâm thức An được giải phóng. Tâm thức An cất cánh. Nhưng Ph. Không chia xẻ được. (Hoặc sẽ, ở một ngày nào khác?) An nheo mắt nhìn Hạnh. Nét trẻ thơ, vẻ ngu ngơ, đôn hậu, tôi thấy, không chỉ nơi gương mặt, cả nơi những sợi tóc đã ngả mầu của An.


“Cô nghe, như nghe chuyện một người điên, phải không?”


An hỏi, Hạnh cười. Lắc đầu. Chúng tôi ngó xuống bát cơm của mình. Sự cất cánh, ngõ giải phóng An tìm thấy, cho chúng tôi cơ hội: Thở ra.

Buổi tối đường sáng lên (dù dòng điện của những ngọn đèn không hề thay đổi.) Bao giờ, thảm kịch của tình yêu, cũng do nơi khựng, chậm nửa bước của kẻ kia hay, người này. Thiên đàng, địa ngục là một, nếu không có sợi tóc mỏng như một chớp mắt, ngăn đôi.


Tiếp tục những hạt cơm còn lại, trước khi ra khỏi bữa ăn, An đưa tay lên đầu. An vỗ vỗ, phần sau ót:


“Chỗ này, Tất cả ở chỗ này. Nhưng mà chú biết không, dầu vậy cháu vẫn thấy như còn một vướng víu, một vướng mắc nào đó.”


Có thể An loay hoay tìm kiếm một thí dụ cụ thể, cho tôi hiểu. Hoặc An không muốn nói rõ hơn. Tôi bảo tôi hiểu, điều An muốn nói. Điều muốn nói sau cùng, nơi An, trong gặp lại, cuối đời, sau mọi bổn phận, mọi trọn vẹn với hiện hữu, An sẽ tìm gặp Ph. An sẽ gõ một cái “gõ trăm năm” xuống đầu (ngay chỗ An đã vỗ vỗ?”) để Ph. được như An. Cất cánh.


“Riêng việc sau cùng cháu làm, tên đó dùng cái thức để suy luận, nên không hiểu. Chứ thật ra, tên đó nhậy hơn cháu nhiều lắm. Sự kết hợp giữa hai người là, tạo nên những xung đột. Nhờ xung đột, một người sẽ vỡ ra. Kẻ thức ngộ bước trước kẻ kia, một bước và, không lâu, kẻ kia sẽ bắt kịp,”


Lời nói của An, vẽ trong tôi hình ảnh theo nhau, lên cao mãi, của những con chim, biết được sinh ra, để sống với nhau hay, đời sống chung, chỉ ý nghĩa khi, dành cho nhau, bắt kịp nhau thì, cũng vậy.

Trước khi ra về, lúc bắt tay, tôi muốn mượn câu nói của An (trước đây,) để nhắc nhở An:

“Người ta không chỉ mang khẩu nghiệp, thân nghiệp… Người ta còn có thể bị vướng mắc trong vòng ý nghiệp nữa…”

Nhưng tôi im lặng. Tôi tự hỏi, có cần thiết chăng (?)

Cách gì, mỗi chúng ta cũng chỉ như một thân gỗ xốp, mà, mũi đinh đời sống, không ngớt, đóng xuống. Biết đâu chừng, trái tim thiền giả trẻ tuổi của tôi, lại chính là, một miếng gỗ xốp…, mềm hơn cả?



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17067)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12275)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 622)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22479)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14017)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7904)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21738)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19795)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24514)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,