Riêng: Biệt Ly… Quá Đỗi!

10 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3524)
Riêng: Biệt Ly… Quá Đỗi!


Mọi thứ cũng chỉ thường thôi
Riêng: biệt ly… quá đỗi.
Du Tử Lê

Con đường Cherry, Cỏ ngửa mặt đón bụi phấn nước, búng đi từ những ngón tay sương sớm. Những cọng cúc dại cũng lí lắt dướn mình, đón nhận hơi thở núi. Khu chung cư hai tầng, đỏm dáng với cột và, nẹp gỗ nâu còn ườn, khươn giấc ngủ nướng. Toàn cảnh: xộc xệch, mệt mỏi, trễ nải, chảy xệ như vẻ đẹp ửng chiều của một thiếu phụ nhan sắc, lúc chiếc xe người đàn ông, dừng lại. Lần này, anh tuồng thuộc, thạo hơn. Không thuộc, thạo sao được khi tối qua, anh mới đưa người con gái về. Trí nhớ anh còn bập bềnh môi hôn. Những nụ hôn khát, rực. Những nụ hôn làm người con gái tối tăm mặt mũi. Người con gái không kịp có phản ứng nào khác hơn (cỏ ngửa cổ, hoa dướn mình) khứng nhận. Những ngón tay người đàn ông, như được hướng dẫn bởi những đêm mưa xa/ ngày gió cũ/ biển sau lưng/ rừng khuất mặt/ gối chăn trơ/ ngậm ngùi gió/ biển sau lưng/ rừng khuất mặt/ gối chăn trơ/ ngậm ngùi gió/ vắng xa điên/ ghen tuông trắng/…

Những ngón tay người đàn ông chạy trên thân thể người con gái. Những ngón tay cuồng nhiệt giận hờn ngừng trên ngực/ vai/ bụng nàng. Những ngón tay đuối trong mùi hương/ hồi sinh sức ghì xiết. Không thuộc, thạo sao được, khi thấy lại nhau (nơi cả hai người) là, thấy lại điều tưởng mất. Khi hít thở được mùi nhau (nơi cả hai người,) là, hít thở được mùi bên thịt da bên kia bức tường bằn bặt. Lồng ngực căng phồng/ trái tim nở nang/ chiều cao tăng trưởng/ gấp bội. tựa mỗi đứa đã thành một người khổng lồ, lênh khênh, vượt bỏ đám đông, nhân loại nhúc, nhúc dưới chân. Không thuộc, thạo sao được, khi chia tay, buổi tối, là, chia tay mở ra cửa khác (dù người đàn ông ngồi trong xe nhìn theo dáng người con gái tỏa niềm vui nhún nhẩy, khuất giữa những hàng rào cây thấp,) ngay khi cánh cửa trên tầng lầu khép lại, xóa tắt vạt đèn. Cửa khác đã mở ngay từ môi hôn chia tay/ hẹn hò thấy trước/ thịt da hấp nóng suốt khoảng cách thời gian giữa hai buổi hẹn.

Cỏ ngửa mặt đón bụi phấn nước búng đi từ những ngón tay sương sớm. Người đàn ông ngửa mặt đón mùi hương/ người con gái/ xuất hiện từ con đường nhỏ, dẫn ra cửa chính chung cư. Nàng, như con sóc hớn hở trên đôi chân thơ ngây, làm sớm mai tuồng cũng hớn hở theo. Qua khung cửa xe, người con gái (lí lắt) trao người đàn ông bông cúc dại. Hoa: vàng ngọt. Nàng: trắng thơm. Mùi con nít. Người đàn ông không chờ được, dù biết nàng sợ chung cư/ nhỏ bạn/ chồng bạn/ chòm xóm… Chàng ôm lấy: Khối bông gòn, nõn, sớm mai. Chàng dúi mặt vào cổ nàng (như con nít) tìm hơi mẹ. Chàng tìm thấy, mùi tóc ngắn/ shampoo/ son/ phấn/ nước hoa. Chàng tìm thấy, mùi đêm thao thức, chảy nóng thịt da/ những cồn cào, muốn điên, điện thoại/ những tháng ngày cầm bằng, để mất. Nàng ôm chàng. Dường nàng không thể chống trả sức hút của cơn bão (?) (Hay xa vắng bằn bặt đã dậy bảo nàng về những phỉnh gạt đốn mạt đương niên của ngày mai? Thứ ngày mai, không có trong cuộc tình hai người?)

Môi tìm nhau, Môi muốn khóc.

Người con gái nói:

“Đi đi anh.”

Tiếng nói chĩu nặng những lượng máu rần rật chạy trên khuôn mặt đỏ gắt.

“Có những đêm ta tưởng không có cách gì qua được,”

Người đàn ông nói.

“Em cũng vậy. Ngâu không chịu ngủ phòng mình. Em mong tiếng đập cửa. Mang em đi.”

“Và đồng thời, sợ hãi?”

Người con gái nghiêng đầu:

“Điều gì?”

“Tiếng gõ”

“Em đã quen.”

“Thất vọng?”

“Anh nghĩ chúng ta cũng có thể có được một khuôn mặt khác?”

Người con gái hỏi. người đàn ông nhả tiếng thở dài theo hơi thuốc lá. Niềm vui của họ, cũng hiếm hoi, như những gặp gỡ.

“Thảm kịch được gọi bằng nhiều tên. Do con người bịa đặt. Nhưng rốt ráo, vẫn chỉ một khuôn mặt,” người con gái nói tiếp.

“Và, chúng ta chỉ có thể có được cho mình, chia lìa làm điểm hẹn?”

Xe rời khu chung cư. Nhập lộ chính. Những bông hoa magnolia héo, rủ, giống những chiếc ly sứ làm bằng giấy cạc tông trắng, méo xẹo, úp ngược. Người con gái cầm tay người đàn ông, dịu dàng đặt tay lên ngực nàng: “Tội nghiệp em.”

Trái tim (hay ngón tay người đàn ông) đập, đập. Tiếng gõ buồn trên một khuôn cửa tò vò kín bưng, không khe hở nhỏ. Tiếng gõ mất hút. Chẳng âm vang. Tựa bên kia khung cửa là khoảng không hút, hút. Xe chạy chậm, đuối. Người con gái đăm đắm với, sớm mai hừng chân trời. Giọng nàng đều như tiếng máy nổ rù rì, hay tiếng lâm râm đọc kinh cầu nguyện mỗi tối. Những hồi kinh “lậy cha,” kinh “kính mừng.” Những hồi kinh đêm, ngày của ngoại, không đủ sức nâng, giắt tâm hồn xa thấp (u mê?) của đứa cháu bất hạnh, trên ba mươi năm làm người, tùy tiện. Đứa cháu chỉ ước một ngày sống bình yên. Một ngày cho những mơ mộng, khát khao có từ thời mới lớn. Những hồi kinh không đủ sức chuộc lại trái tim đứa cháu gái thoát, lìa tâm bão cuộc tình tay ba; rời, trốn vùng quỷ ám.

Người con gái tả hình ảnh bà ngoại, ngồi trên giường, đứa cháu ngồi dưới chân. Cụ không ngừng lần chuổi. Điểm xuyết giữa câu chuyện của cháu là, điệp khúc “ôi giời đất ơi,” tựa những dấu chấm bắt buộc một đoạn văn hoặc, nhịp ngắt cần thiết trong một bản nhạc, cho người ca sĩ lấy hơi. Chuyện kể, người con gái yêu một người đàn ông đã có gia đình. Người đàn ông mà, người con gái gần, xa cho bà ngoại hiểu đó là, một tình yêu lớn lao (bất trắc/ nguy nàn?) Là, kiếm tìm, chờ đợi ba mươi năm của nàng. Là, định mệnh (như hồi chuông báo tử?) thử thách nàng. Là, địa ngục, nàng quyết định bước tới. Chuyện kể nàng bị người đàn bà hiện chung sống với người đàn ông, làm nhục. Chuyện kể, nàng khổ sở, nhục nhã, nhưng không vì thế, bớt yêu. Cũng không vì thế, nàng muốn quăng bỏ, như quăng bỏ một món đồ cũ kỷ, cồng kềnh, hại nát… Ngược lại, đằng khác.

Ngọn lửa tình yêu/ đôi khi/ được thắp bởi chất hơi đốt tự ái nên, đạt được, cũng chỉ là thất vọng.

Câu chuyện, trước sau, được kể bằng giọng đều, đều (như tiếng máy xe rù rì chạy hết nổi) nhưng có lúc, ngoại nàng không thể (nhãng quên?) lập lại “điệp khúc,” “ối giời đất ơi,” mà, bỗng dưng bưng bộ ngực lép. (có lần nàng vén áo cụ lên, ngạc nhiên thấy ngực cụ có phần “tươi tốt” hơn xưa, nàng chọc:

“ấy chết! chuyện gì bất thường gì đấy?”

Cụ thản nhiên (giả bộ?) mặc đứa cháu gái vân vê hai đầu ti nhăn nheo, như vân vê hai núm cao su; chép miệng, vênh mặt:

“Lậy Chúa. Có gì đâu. Hễ khi béo ra thì nó cũng to ra ấy mà.”

Nàng kể, ông ngoại đi kháng chiến, không tin tức, khi cụ còn rất trẻ. Cụ ở vậy, nuôi bốn đứa con. Niềm hãnh diện của cụ là, tấm lòng chung thủy và, niềm tin được vào Nước Chúa. Đứa cháu gái xinh xắn, lớn lên trong tàng rợp hắt hiu của ngoại cùng, tình thương yêu cay xé của cha, nên, ở quê người, nó nhìn ngoại, như đôi vai êm ả, tin cậy nhất để ngả đầu. Nó không muốn dấu (hay cần phải nói vì không có ai để nói?) một chuyện gì.

Nàng kể:

“Ngoại bảo, ngoại không muốn em gặp anh. Ngoại không muốn thấy em đọa địa ngục. Dù em biết, chẳng có một nơi chốn nào khác, cho em, ngoài nơi chốn kia, sau cảnh đời này,” người con gái kết luận.

“Em phải trốn đấy. Em nó dối ngoại, em lên thăm Ngâu. Ngâu sắp lấy chồng. Nó cần em. Em phải gặp nó, một lần, trước khi nó thuộc về kẻ khác. Dù sự có mặt của em, biết đâu chừng, lại chả giống con quạ đen, loan báo điềm dữ…”

Người đàn ông bật cười với những tiếng “đấy” và, ví von thậm xưng, tự nhận. Chàng không thể không hôn (cắn) đôi môi lúc nào cũng cong cớn, như bông loa kèn, chỉ nở một cánh.

“Ngày nào, tới phiên em. Ngâu cũng cần gặp em, trước khi em thuộc vể kẻ khác. Và, khi đó sự có mặt của Ngâu, giống như con… gà, báo điềm lúc nhúc…?”

Người con gái không cười. Mặt nàng không ánh chút niềm vui, như người đàn ông đinh ninh. Nàng xụ ra. Búp loa kèn cúi xuống. cánh nở, chẳng nhờ vậy, mà, khép được đôi chút.

“Em thuộc về kẻ khác, Ngâu biết liền. Ngay khi em loan tin, gặp anh… đấy, nó bảo, mi sẽ khổ. Giờ đền tội điểm rồi, con ạ.”

“và, em tin?”

“Không,” người con gái trả lời, quả quyết.

“Như anh không tin, em cần, em tha thiết, em khát khao hơn anh, nhường nào… Như ngoại không tin em lên đây, chỉ vì Ngâu. Và, ngoại cũng chẳng biết phải làm gì khác hơn, cầu nguyện cho em, gượm về địa ngục…”

Sương tiếp tục búng những hạt bụi nước lên mặt cỏ. Cúc dại, như những chấm sơn vàng vấy lên nền vải xanh, dệt bằng sợi bố.

Con đường Pointsettia. Không một dấu vết cho thấy hai bên đường hẹp, trước đây, từng có sự hiện diện của cây nguyệt quế. Một bên, sâu trong, con dốc thoải, dẫn ngược lên ngọn đồi cao. Dăm cây xuân đàng, sừng sững, chằng chịt gân gỗ nổi vồng, tựa những cánh tay bằng xi măng, đắp thêm, chứ không liên hệ gì với gốc. Một bên, ruộng dâu tàn, đã cày xới, đánh luống, cho mùa gieo hạt đậu phộng (?) hai nhân vậ dừng chân, ngồi xuống gốc cây gạo. Gai nhọn tua tủa chĩa ra, tuồng toàn thể thân cây được quấn bởi một miếng da thuộc, màu ngà voi, ghim sẵn hàng đinh sắt. Họ e dè, ngồi xuống.

Nhân vật một: “Anh thường lui tới chỗ này?”

Nhân vật hai: “Rất họa hiếm.”

Nhân vật một: “Nghĩa là có.

Nhân vật hai: “Ừ.”

Nhân vật một: “Với ai?”

Nhân vật hai: “Chết rồi.”

Nhân vật một: “Như em một ngày nào?”

Nhân vật hai: “Ai nói?”

Nhân vật một: “Đâu nhất thiết phải uống hết nước, mới biết biển mặn.”

Nhân vật hai ngó lơ ngọn đồi. Nơi những cây xuân đàng đứng bóng. Gió lay, giựt như nhắc nhở những chiếc lá to bản lì lợn chưa chịu rời cành.


Nhân vật một bứt, bứt một cách khó khăn những ngọn cỏ ngắn.

“Trong anh, dường chỉ có chỗ cho những người vắng mặt?”

Nhân vật hai: “Với người chết, không ai làm được điều gì khác hơn thinh lặng.”

Nhân vật một: “Cả những cái chết làm sạch trong môi trường ta thở?”

Nhân vật hai: “ Thử nghĩ, không có cái chết, đời sống sẽ ra sao? Thú vật hay con người, chỉ khác cách sống.”

Nhân vật một: “Gọi được là đời sống chăng (?), một người sống đời-sống-chết?”

Nhân vật hai: “Còn tùy…”

Nhân vật một: “Thí dụ em?”

Nắng liu điu dưới cánh bầy ngỗng trời, trôi lặng lẽ như đám bông gòn, nếu không có đôi ba tiếng kêu lơ đễnh, thất thần, rớt xuống.

Nhân vật hai quay lại, tuồng muốn tìm hình ảnh mình trong đôi mắt như hai hạt nước nâu, xẫm: “Em chuẩn bị xa anh?”

Nhân vật một: “Không. Trái lại.”

Nhân vật hai: “Như thế nào?”

Nhân vật một: “Mang em đi.”

Nhân vật hai: “Lúc này?”

Nhân vật một: “Vâng. Ngay lúc này.”

Nhân vật hai: “Đi đâu?”

Nhân vật một: “Nơi của anh.”

Những tấm nylon kẻ từng ô lớn trong ruộng dâu, hắt xuôi dòng nước sáng (ảo giác) vào cạnh kia luống đất; trong lúc những cây xuân đàng ôm rịt chiếc bóng sao cho khỏi tuột lăn đáy dốc.

Để tăng thêm sức đẩy, trọng lượng cho quan điểm của mình, nhân vật một tiếp: “Không phải lúc nào em cũng có được sự liều lĩnh.”

Gió giữ khoảng cách, tốc độ một cách khá chính xác trong nỗ lực rao truyền tiếng hú, rền của những cánh rừng khuất mặt đâu đó (thay cho câu trả lời?)

Nhân vật một: “Không lẽ anh là người xô em xuống vực thẳm?”

Nhân vật hai, chậm rãi, từng tiếng:

“Em quên, kẻ đào huyệt chôn ta, chính là những người thương ta nhất?”

Nhân vật một: “Trong khi ta lại chẳng biết trước điều gì, đời mình?”

Nhân vật hai gật đầu.

Nhân vật một: “Và, ta đang cùng đường?”

Nhân vật hai: “Trước mặt hay sau lưng, hiểu cách nào, vẫn là đường gạch thẳng.”

Nhân vật một: “Đường thẳng là đường nối liền hai điểm…”

Nhân vật hai: “Đúng vậy, Cảm ơn em.”

Nhân vật một: “Tội nghiệp em…”

Nhân vật hai tránh, không nhìn lâu đôi mắt đứng tròng, giọng bất lực:

“Thế nào, cũng có một ngày…”

Nhân vật một, lập lại: “tội nghiệp em.”

Nhân vật hai, lạnh tanh: “Anh chờ. Vẫn chờ. Từ lâu.”

Nhân vật một: “Anh.”

Nhân vật hai, cố gắng làm ra vẻ dịu dàng bưng mặt người con gái; giữa lúc những giọt lệ bật, lăn khỏi đôi mắt đứng trong, vẫn mở.

Nhân vật hai: “Đừng khóc.”

Nhân vật một: “Phải anh đã quyết định?”

Nhân vật hai: “Không.”

Nhân vật một: “Lúc này?”

Nhân vật hai: “Luôn lúc này.”

Nhân vật một: “Anh dối lòng?”

Nhân vật hai: “Thiệt.”

Nhân vật một: “Chắc thiệt nha.”

Nhân vật hai: “Ừ. Đứa nào nói láo…”

Nhân vật một nhỏm dậy: “Em tin rồi,” Cười toe. Nụ cười của đứa con nít, quen vòi vĩnh, “ta về đi.”

Nhân vật hai: “Về đâu?”

Nhân vật một: “Nhà mình”

Nhân vật hai: “Nhà mình?”

Nhân vật một: “Bộ không phải?”

Nhân vật hai: “Phải chứ. Tại sao không?”

Họ về nơi chốn mà, cả hai cùng muốn gọi đó là “nhà mình.”

Căn phòng. Gió rít qua những khe cửa sổ trên cao, gần sát mái. Ý niệm thời gian mất tiêu, như cố gắng không thành trong nỗ lực hình dung cuộc gặp gỡ người con gái đã không cá tính/ dung nhan, còn kệch cỡm với những câu nói vô duyên, trật búa của cô, tôi chẳng thể xác định điều gì làm tôi bật dậy? Tiếng sói tru/ bóng tối nhám/ ác mộng mị/ mưa trịch thượng/ tay giận dữ (ai đó) gõ, đập xầm xầm, cửa chính? Tôi quờ quạng. Quyển sách. Chiếc gạt tàn. Bao thuốc lá. Quần áo. Bật lửa. Ly nước. Tô mì gói (ăn dở?)… Mỗi vật chạm tới, là, mỗi đánh thức cơn mệt mỏi mãn nguyện, niềm rã rượi êm ả, trong tôi. Làm như mỗi vật được nhận biết bởi những ngón tay, đều cùng lúc nhắc nhở tôi, về Kim. Tôi không thể quả quyết Kim rời khỏi (?) Kim đã đi (bằng cách nào?) Kim còn đây (?) Có thể. Nhà tắm. Phòng khách. Sân sau. Lối xóm. Ý niệm không gian, với tôi lúc này, cũng mơ hồ y như ý niệm về những nơi chốn chưa hề (hay rất quen) trong ký ức. Cách gì Kim vẫn đâu đây thôi. Đâu đây thôi. Thiệt mà. Chẳng phải Kim mới ngồi đó sao?

Chẳng phải Kim vừa kể tôi nghe, những ngày ngồi thiền trong tu viện trên đồi gió? Định tâm chay trường, đã bước vào năm thứ hai. Những lời tán tỉnh xa xôi (không kém phần quyết liệt,) Của ông Thầy trẻ tuổi. Nhận xét, phát biểu của Duyên về đám bạn trẻ quanh Kim, ở thành phố Blue Bonnette: Xưởng tranh của Tín. Ca đoàn của Phương. Sàn nhà của Bình. Những ngọn nến đỏ của Thúy. Tầng lầu thứ nhất, ngôi nhà giữa trang trại của Trọng. Buổi sáng sương muối. Hàng rào kẽm gai. Con ngựa ốm, bơ vơ (như tầu ngựa.) Tiếng hát của Thanh-Giang và, chiếc lá mang về từ đảo Ga Lăng (lễ vật đính hôn ngày đám hỏi của họ.) Chiếc bánh sinh nhật của Lan. Hàm răng niềng chắc/ biểu lộ say đắm, dữ dội, bất cần/ những giọt lệ xốc nổi của Oanh, giữa chia tay phi trường/… Gì nữa? Gì nữa nhỉ? Đúng rồi. Còn con sông chở buổi chiều ghen tuông, trôi dưới cây cầu bắc ngang bầu trời nhấp nhô những cột khói xám, và, ý thức rất buồn bã của Kim.

“Em hiểu, em phải chia xẻ niềm vui cho người khác.”

Chúng tôi chúng tôi vừa nghe lại, đọc cùng nhau một bài thơ cũ? Bài thơ nói về những tháng, ngày bắt đầu của tuổi ba mươi. Bài thơ, như một cánh cửa oan nghiệt, mở ra trong Kim một vùng (những vùng) nắng gió lãng mạn ướp muối, khi Kim mới đặt bước chân dậy thì, lên bậc cấp thứ nhất. Bài thơ/ Kim/ Mười lăm tuổi giữa nội trú. Giữa tháng, ngày bắt đầu của những khám phá (mặc cảm, tự tin) nơi một thân thể, biến đổi; chuyển đậu từ sâu trong, tới những rung động, tưởng tượng, khát khao người khác phái. Một người nam không mặc mũi. Mà, nỗi nhớ tới, là run rẩy, thổn thức, muốn khóc.

Chẳng phải tôi vừa lắng nghe Kim nói về những cuốn sách “mê lắm,” “yêu lắm” của Kim? Những bản nhạc Kim thích. Những tiếng hát hợp và không. Nhận xét, phân tích từ Kim, nghe thôi, đủ thấy tận cùng cái hay hoặc, quá chừng cái ẹ. Có thể tấm lòng thiết tha, trân trọng tới kính cẩn/ trái tim mẫn cảm/ khả năng thẩm định, đánh giá thiên bẩm/ giọng nói ngọt (pha lẫn nũng, ngọng, dăm ba chữ đớt) của Kim; hoặc tất cả, cộng chung, đã mang sinh động, linh hồn, sức sống thôi thúc vào những ghi nhận ấy?

Chẳng phải Kim vừa lập lại (không biết lần thứ bao nhiêu)

“Kim mê chị A., chị ấy đẹp ghê chứ. Đẹp tới liêu trai đấy.”

“Kim cũng đẹp vậy?”

“Không có đâu. Kim đâu bằng chị A. Anh mê chị ấy lắm phải không?”

“Sao Kim hỏi vậy?”

“Trước khi gặp anh. Kim nghe không biết bao nhiêu chuyện về anh và chị A.”

“Người ta nói gì?”

“Người ta… người ta bảo anh và chị ấy bị… bệnh.”

“Bị bệnh?”

“Vâng”

“Sa-đích phải không?”

“Vâng. Kim xin lỗi. Ấy là Kim nghe người ta nói.”

“Có sao. Chính anh cũng nghe kia mà.”

“Nhưng Kim không tin. Kim chả tin tí nào.”

“Khờ vậy? Phải tin chớ.”

“Không. Một khi Kim không tin thì, chả ai bắt Kim tin được đâu.”

“Luôn anh?”

“Dạ, vâng. Luôn anh nữa… Nhưng…”

“Gì Kim?”

“Anh còn yêu chị A.?”

“Thắc mắc hay tò mò?”

“Kim muốn biết vậy thôi.”

“…”

“Kim hỏi, anh giận Kim không?”

“Không đâu. Làm sao giận con gấu đỏ?”

“Vậy Kim hỏi nữa đấy.”

“Ừ.”

“Có phải anh nhớ đến cái đêm…, không, tối đúng hơn. Tối nào đó. Tối chị A. bảo anh nhắm mắt lại đấy.”

“Nhắm lại?”

“Nhớ. Anh nhớ tại sao. Nhớ vì lý do gì A. bảo nhắm mắt…”

“Bộ anh không thích hả? Mà, phải nói thật đấy. Rất thật”

“Bộ anh ưa nói dối lắm sao? Để coi. Xem nào. Phải rồi. Có thể anh bị bất ngờ. Có thể anh không chờ đợi, lúc A. bảo, “mở mắt ra, quay lại.” A. đã khỏa thân. (Có thể A. mặc cảm bởi vết thẹo nơi bụng dưới.) Đúng, thân hình A. đẹp. Đẹp hơn tưởng tượng của anh (mà anh có tưởng tượng không kìa? Dường như không.) Không. Đúng rồi. Chưa bao giờ anh có một tưởng tượng nào về thân thể của A. Sau đó ư? Sau đó thì có. Có chứ. Nhưng này, muốn nghe tiếp không? Có hả. O.K. vậy cấm không được hỏi nữa. Đừng cắt ngang chứ. Cắt ngang làm sao nhớ kể tới đâu. Phải rồi. Sao? Bắt đầu lại hả. Ờ hớ. Thì bắt đầu lại. Bắt đầu, từ buổi chiều, mùa thu đấy. Trời tối sớm. Mưa nữa. Hay mưa lắm. Anh cũng chẳng hiểu tại sao năm đó lại mưa nhiều thế. A. kêu đói. Đòi ăn mì. Mì. Đúng rồi. Mì ở quán đàng hoàng. Không phải mì gói hay mì ly đâu. Sau nầy, cấm cười, A. kể ra khỏi nhà chưa bao lâu, thình lình anh đặt tay qua vai A. rối ngực A. A. sợ quá. A. run rẩy. Anh cứ. Rồi sao hả? Lại ngắt lời nữa. Thì sau đó, lấy tay về. Thì sau đó, hai đứa cùng ngượng. Cùng giả lơ. Vào quán, đèn sáng, rõ từng hạt mụn cám. Ngồi đối diện, không thể không nhìn nhau, còn ngượng bạo. Anh xin lỗi không hả? Dường như không. Không nhớ. Nhiều phần không… A. nói gì hả? Không. Chẳng nói gì...”

“Thì cũng giống như trường hợp Kim. Anh nhớ, anh đặt tay sâu nơi ngực Kim. Kim sợ toát mồ hôi. Kim giữ tay anh mà, ngu ghê đi. Giữ đó thôi, cũng cả phút. (Lậy Chúa, lúc hoàn hồn mới nhớ lấy tay anh ra)… Và, anh cũng có xin lỗi gì đâu. Anh chỉ thở dài. Hườm. Làm như anh buồn bã, chán nản đấy.”


“Có vậy sao?”

“Chứ anh không nhớ tí tị gì hả?”

“Không. Anh chỉ nhớ buổi tối, lúc hai đứa tìm nhà cụ Chỉ, anh ôm Kim dưới chân cầu thang. Lần đầu tiên Kim hôn anh trước. Lần đầu tiên Kim cho anh chiếc lưỡi lí lắt, chiếc lưỡi nhọn hoắt của Kim.”

“Ơ… Kim không thích anh nói vậy đâu.”

Chẳng phải tôi đã kể Kim nghe, lòng tôi sạch trơn (?), khi trả lời câu hỏi của A., “thân hình đẹp lắm” Tôi ngắm nhìn A. rất lâu, lúc A. ra khỏi vệt bóng tối do bóng tôi và bóng ghế kẻ xuống. Tôi kể, tôi bảo A. “Mặc quần áo vào. Đau đấy.” A. nằm nghiêng trên chiếc giường nhỏ kê sát vách. Ngó ra. Khóc. Tôi kể, tôi không thể đoan chắc ý nghĩa nằm trong hoặc, sau giọt lệ kia. Nhớ A. bảo, A mừng rỡ, thấy tôi không chụp, vồ A., như những người đàn ông khác. Những người đàn ông vừa thấy A. thôi, đã muốn ăn tươi nuốt sống nàng.

“Rồi… rồi bao lâu, hai người mới thật sự?”

Kim hỏi, mắt long lanh. Giọng nói nhanh ríu, tuồng xúm xít niềm vui thật.

“Không. Có lẽ không lâu lắm.”

“Lúc nào đấy?”

Chẳng phải Kim vừa hỏi tôi:

“Anh thích không?” khi Kim khoe ngực nàng? Đôi nhũ hoa căng nở. từ núm vú son tươi, vùng màu hồng tỏa rộng. Hình tròn to, ăn lệch phia dưới. Tôi nâng niu. Tôi vuốt ve. Tôi hôn, xong, bỏ áo Kim xuống. (Tôi muốn Kim hiểu, đã chẳng có một khác biệt đối xử nào, giữa Kim và A., dù, tôi chỉ muốn khác, khác.) Kim hãnh diện và xấu hổ. Kim hân hoan và hồi hộp. Kim tự tin và lo lắng. Kim có và không. Tìm đến và chạy trốn. Kim, ra sao, thế nào, có thể chính Kim, chẳng biết. Phần tôi, sau đấy, rất rõ, tôi thấy rừng cháy. Con sói buồn bã, hú khan một vầng trăng lạnh.

Chẳng phải chúng tôi vừa ôm nhau đó sao? Chẳng phải Kim ấm, nồng? Chẳng phải Kim nhiệt tình, trân trọng? Chẳng phải Kim hỏi:

“Có người sao anh?”

Tôi nói:

“Không đâu. Đừng sợ.”

Tôi nói. Tôi nói. Tôi nói. Nói. Nói. Nói.

Gió rít qua những khe cửa sổ trên cao, gần sát mái.

Không một ý niệm không gian, thời gian, nhưng tôi lại biết, thật (tới sờ mó được) rằng, đã chẳng hề có bàn tay giận dữ nào gõ cửa. Đã chẳng có cơn ác mộng mịn (nhám) nào. Cũng chẳng có một sinh vật (hồn ma) nào, lẩn quất nơi đây. Rừng đã tro, than. Sói đã quay lưng, thôi tru đồi trăng, lạnh. Chỉ riêng mỗi biệt ly. Mà biệt ly ơi, sao biệt ly quá đỗi?


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 13256)
03 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5015)
07 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6956)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 3855)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4767)
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4302)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17082)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12292)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19021)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9197)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8363)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 627)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 999)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1189)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22487)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14031)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19194)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7913)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8828)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8510)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11077)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30730)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20823)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25524)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22919)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21746)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19805)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18065)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19263)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16928)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16120)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24521)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31966)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34940)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,