Chân Chưa Đi; Hồn Tợ Cửa Sông, Về

10 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 3635)
Chân Chưa Đi; Hồn Tợ Cửa Sông, Về


Mưa do dỏ, ướt chùm hoa do dỏ

Chân chưa đi; hồn tợ cửa sông về
Thơ dtl

Tôi không nghĩ Nhượng nhút nhát (thiếu nhạy cảm?) tới độ không hiểu tôi muốn nói gì, khi ra dấu cho biết, cần gặp riêng chàng. Trước mặt mọi người, chỉ thiếu điều tôi ghé tai, bảo: “Buông có chuyện. Anh ra sân với Buông.” Chẳng qua, tôi không muốn làm đứt đoạn câu chuyện của mạ tôi, đang hồi gay cấn.

Chuyện một người đàn bà có trên năm mươi năm tu tại gia, một sớm, một chiều, trở thành “trùm sò” buôn lậu trên tuyến đường Sài Gòn – Đà Nẵng. Bà buôn những loại hàng quốc cấm như bia/ rượu/ thuốc lá/… ngoại.

Thật là một thiếu sót lớn, nếu trong những kỷ lục của nhân loại, người ta không ghi tên bà.

Nhúng nửa thân trong bóng tối, lần đầu tiên, tôi chú mục, nghe ngóng sự sống cựa quanh mình. Đâu đó, những mầm búp quá khứ (tương lai) ngọ nguậy, nứt, hé. Đâu đó những tế bào, những vùng thịt da lì chai, hồi sinh, rạo rực. Không biết phải ánh mắt/ tiếng nói/ con người chàng (quá khứ tôi,) hiện diện, đã thổi hương sự sống vào căn.

Lối, nẻo, cũng chỉ dẫn đưa tôi, tới cuối đường mộ, huyệt. Phải bước qua bờ kia, sự sống, tôi chọn cái chết: Uống mỗi ngày một ly đời khốn quẫn.

Ai bảo hôn nhân (nhầm lẫn) là một hình thức tự tử êm ái, người đó vẫn còn dư thừa lòng độ lượng. Với tôi, nó là bản án tử hình, được chánh án (sớm mai) tuyên đọc hoài hoải, mỗi mở mắt.

Như ai đó, tôi cũng có thể sơn phết cho mối tình giữa tôi và Dậu, những màu sắc nguyên nhân rực rỡ… Nhưng để làm gì? Tại sao tôi không thể nói thật (ít ra với mình/ với Nhượng,) tôi hèn hạ, tôi yếu đuối? Tôi (thịt da tôi) cần một căn hầm ẩn nấp. Dậu (thịt da Dậu) cũng thế. Thú tính gọi thú tính. Nhục dục tìm nhục dục. Bản năng (hân hoan) biết ơn bản năng.

Lấy Dậu, với tôi, mang ý nghĩa mượn/ nhờ những cuộc ân ái, những trận làm tình nhận chìm hình ảnh: Bố cải tạo/ mạ, xuôi, ngược/ em (chín đứa) chênh vênh trên ngọn sống, chết.

Lấy Dậu, với tôi, mang ý nghĩa thúc thủ, trước cánh cửa (tối tăm) khởi đời, đã sập. Tình chưa ra ràng/ môi chưa nuôi hương/ ngực chưa vỡ tràm/ dậy thì chưa vẽ xong chân dung/ gót son chưa nếm trải bậc thềm hẹn hò mưa non, nằng cốm/… hồn đã chấm than/ Thân đã xuống dòng. Đời sống, hoàn cảnh đã xé nát, những chiếc áo dài, chẻ nhỏ những đôi guốc hoa, ném tôi (chuột chết,) vào cống rãnh/ dìm tôi (hoang mang/ thất lạc) sâu thủy lợi (hồ hỡi.) Tôi, con diều giấy muôn mầu, (mang ước mơ lên vòm xanh/ tiếng hát lên tuổi trẻ/ hớn hở lên ngày mai,) thình lình dây đứt, cắt.

Đang từ hoàng anh, hoàng yến, bước ra, tôi thành con chó ghẻ lở, ngơ ngác thấy mình dạt, trôi bờ khác. Tôi cào, quơ rác rến, bã, cặn trong tầm. Tôi xục xạo, đánh hơi, kiếm tìm (chung quanh) vùng xú uế. Những bãi đời, bịt mũi. Những vũng, người lánh xa.

Hôn nhân, đôi khi chỉ tố giác sự yếu đuối, nhu nhược của những người không dám tự mình thỏa mãn lấy mình mà, phải mượn nhờ thân xác kẻ khác phái.

Tôi nói với Nhượng, tôi ở trường hợp đó.

Dậu mang lại cho tôi những giây phút ân ái phù du, chớp nhoáng. Dậu mang lại cho tôi những (tưởng chừng) ngất, ngất khoái lạc. (Cá nhân, tôi chưa tìm được danh từ nào, tương đương, thay thế, để ra điều tế nhị, học thức.)

Đời sống giản lược tôi, (chúng tôi,) đồng hóa tôi, (chúng tôi,) thành những con vật sống bằng bản năng. Bản năng sinh lý: Đòi hỏi thỏa mãn (mọi cách,) đói khát, dục tính. Tôi biết, nếu tâm sự (với các bà, các cô,) tôi sẽ bị lên án ngay. Họ sẽ đỏ mặt, quay lưng, (ghê tởm!) Họ sẽ nhìn tôi tuồng quái vật, mới xuất hiện trên mặt đất (?!) Họ không nói, không nhận. Họ chỉ hành động. Họ mang thân xác/ lý tưởng/ trí thức/ tâm lý/ đảm đang/ trong trắng(?)/ ngây thơ(?)/ mồ hôi/ sức lao động/ tinh thần hy sinh/ mơ ước thờ chồng, nuôi con/… làm bả thơm (?) dụ những con mồi ngây thơ (thực sự ngây thơ?) sập bẫy.

Thây kệ. Đó là chuyện họ. Tôi không sống, để bận tâm những điều người khác nghĩ về mình. Họ có quyền đó. Càng có quyền đó, những người (trong quá khứ,) kém may mắn hơn tôi.

Mười lăm tuổi thôi, tôi đã hiểu thế nào là cuộc đổi đời.

Mười lăm tuổi thôi, tôi đã hiểu thế nào là sự xoay vần, luật nhân quả. Hãy cho đôi chân những người chưa biết cảm giác đi giầy, được có đôi giầy. Hãy cho thịt da, thân xác những người chưa biết cảm giác mặc chiếc quần lót, bộ đồ ngủ, chiếc áo vest, nệm xe dầy, mùi nước hoa…, được có quần lót/ áo vest/ nệm xe dầy, mùi nước hoa…Tôi (chúng tôi) may mắn hơn, được hưởng, từ thuở lọt lòng, trứng nước. Đủ rồi. Tôi an ủi lấy mình.

Tôi chỉ đòi hỏi, cương quyết đòi hỏi, duy nhất, cho tôi, một tình yêu, (dù sống dưới chế độ nào,) phải không? Một nhạc sĩ viết, đời một người con gái, tới khi lấy chồng, chỉ còn mối tình, mang theo. Người con gái của ông ta, còn có mối tình mang theo. Tôi không. Không hề. Chẳng lẽ, riêng tôi, không phải con người?

Mạ tôi hiểu. Bà hiểu, (dẫu sao,) tôi cũng là con người (như mọi người.) Bà chia xẻ, tiếp tay. Có thể những cảm thông, chia xớt của bà, khiến đôi người kinh ngạc. (Những người nỏ mồm rêu rao đạo đức, luân lý, dù đời sống họ, không luân lý, đạo đức.)

Một xã hội, càng có nhiều con người nói tôi nhân nghĩa, là xã hội hết rồi, nhân nghĩa.

“Sáng nay, trước khi đến đây, Buông nói với hai đứa nhỏ, mẹ phải đi. Mẹ phải gặp, dù trễ muộn rồi, điều đó.”

Tôi nói, tôi có mang theo một bài viết,

“Chữ anh đó. Ngày xưa đó. Buông ghi lại, ngày mới lớn. Anh đó. Phải anh không?”

Nhượng nhợt nhạt. Tôi quay qua Ngâu:

“Phải không chị Ngâu? Buông giữ…, bao lâu hả?

Không nhớ nữa. Làm sao có được ư? Thì Buông chép. Thấy. Mượn. Chép ra. Cất đi. Cất đi. Cất đi. Làm tin trong nhà? Không. Ơ mà, có thể. Buông không biết. Không biết nữa.”

Tôi nói/ khóc. Kể khóc/ nói. Lung tung. Hỗn độn. Điên rồ. Mất trí. Chẳng đầu đuôi. Như chậm chút xíu, vài tiếng nữa thôi, có thể, tôi không còn. Không ai, còn.

Dường tôi có ý trách móc sự xuất hiện muộn màng của chàng. (Như thể, Nhượng là nguyên nhân đưa tôi tới cảnh thân tàn ma dại này.) Dường tôi có ý đổ trút lên đầu chàng, mọi trách nhiệm, hậu quả về đời tôi. (Như thể, chàng gây nên mọi chuyện.)

Mọi người quanh tôi, hốt hoảng. Chỉ Ngâu, bình tĩnh. Ngâu vỗ về, an ủi. Ngâu quàng tay ôm, vuốt tóc tôi (trong lúc Nhượng lớ quớ, loay hoay, lúng túng như một anh chàng nhà quê, ra tỉnh, lần đầu tiên, đứng trước một đám rước, toàn đàn bà, con gái.

Ngâu dỗ tôi bằng câu nói nhiều ý:

“Chị hiểu. Chị hiểu. Chị hiểu. Đừng khóc nữa. Lau nước mắt đi. Từ từ. Coi nào. Ô. Cái gì đây?”

Kim lăng xăng lấy khăn. Trạc quýnh quánh như gà mắc đẻ.

“Anh Nhượng, coi này. Dễ thương không?”

Tuồng Ngâu đưa miếng giấy của tôi cho Nhượng.

“Ôi chao. Xinh chưa. Đưa cái mặt đây, chị coi.”

Ngâu nâng mặt tôi lên. Tôi nhắm mắt, nghe hân hoan/ hớn tủi, dềnh, dâng, lênh láng lòng mình. Tôi mong Nhượng không bỏ sót lời khen của Ngâu. Nỗi e ngại, hiềm khích, êm đềm tan, như những hạt lệ chảy thêm.

Nó mang cái êm ả, lười biếng, con sông cuối dòng, vươn những ngón tay hạnh phúc mệt mỏi, thêm một đỗi hoan lạc, vói.

Ngâu ngồi chờ xúc động trong tôi dịu bớt? Nàng đứng lên, kiếm cớ phụ bếp, để chàng lại cho tôi. Khi ấy, tâm trí đâu để phân tích hành vi của Ngâu, tôi chỉ hiểu, thời gian không thuộc mình. Nhượng sẽ biến mất khỏi khung cảnh này, thành phố này, đời sống này. Như đã.

Hạnh phúc, như tình vui, khi nào chịu ở mãi cùng ta?

Tôi được tin Nhượng tới, xế trưa hôm qua. Từ trường về, tôi đang cho heo ăn, Tí Em ào vô, như lốc. Nó thì thầm, (tựa ngoài hai đứa, mấy con heo, còn ai khác. Nó úp mở, bảo, người đàn ông tôi hằng chờ đợi/ khát khao/ mơ ước gặp, đã có mặt. Nó nói huyên thuyên, chộn rộn một hồi, tôi vẫn không thể nhớ, người đàn ông ám ảnh suốt thời trung học, dậy thì tôi, là ai?

Càng cố lục lọi, đầu óc càng mụ đi. Những con sóng/ cánh chim/ hàng cây/ ngày mưa/ ba mươi bảy năm tôi, chao liệng như những miểng kim khí lấp lánh, thấp thoáng, liếc bay giữa khối mù sóng sánh, nước

Con nhỏ chắc mẩm tôi hiểu. Nó liến thoắng tả cuộc gặp gỡ. Nhận xét riêng:

“Thất vọng,” nó nói. Rồi bất ngờ kết luận:

“Có thể em sẽ thay đổi quan điểm, nếu có thêm một lần gặp nữa.

Hất nốt đống rau bát nháo đã bằm vụn vào chuồng cho heo, tôi buông máng xuống:

“Mi nói chi mô, tau không hiểu? Con khỉ. Ai rứa?”

Tí Em sững, nhìn. Tôi lập lại, từng tiếng:

“Mi nói rõ tau nghe, ai rứa?”

Tí Em tiu nghỉu. Những con sóng khích động cấp năm, cấp sáu, thình lình rút nhanh:

“Thì ông Nhượng chớ ai.”

Tí Em đáp, miễn cưỡng. Nó quay lui, tuồng ân hận vì đã cho tin, nhầm người.

Tôi đứng lại, muốn xỉu. Ông Nhượng. Đúng. Tôi nghe rõ. Không lầm được. Lầm nỗi chi! Vài bữa trước, khi Kim kể, anh Nhượng, chị Ngâu sẽ ra thăm, tôi đặt cọc:

“Nhớ cho Buông biết ngay lúc họ đến, hỉ.”

Tôi chuẩn bị, loay hoay (tưởng tượng,) phút giây gặp Nhượng.

Đâu là câu đầu tiên, nên nói? Ta sẽ phải ăn mặc ra sao? Chiếc áo nào đẹp nhất, ta còn? Nhượng thích mầu gì? Xanh hay trắng? Chàng thích nghe giọng Huế ta, giọng Bắc cũ? Ta nên ôm (ngã vào) chàng? Mặc sức khóc? Hay đứng im? (Chàng chạy tới?) Nên cầm tay (đợi chàng nắm (ôm) ta trước? Lỡ chàng nhác quá, rồi sao? Phải có thái độ nào với Ngâu? Xưng hô sao, cho khỏi kẹt về sau? Nên bảo Ngâu, hãy để ta, một mình với chàng?...

Tin Nhượng tới, làm tôi tê liệt. Mọi dự trù, suy tính trước đảo lộn hết. Tôi thất thần lấy xe xông ra đường, phố. Tựa nếu tôi không có một hành động mạnh bạo, cấp thời, thịt da đang tấy mưng mừng/ tủi sẽ đục rách tôi, chui ra, tháo chạy. La lớn mỗi tủi/ mừng chính nó. Đầu óc tôi lùng nhùng những tham, hám mâu thuẫn. Nên (không nên) gặp chàng? Tôi như đứa nhỏ vừa muốn khoe ngay niềm vui, mặt khác, muốn nhẹm đi, để gậm, nhắm, nhâm nhi niềm vui mình. (Nói ra, chiếc bánh hoan lạc sẽ bị bà phù thủy độc ác gõ cây phất trần, biến thành nhỏ téo?)

Giống người mất trí, chạy nhầu một hồi, sực nhớ, ta không hề bỏ quên vật gì trên đường phố, tôi vào một quán cà phê; gọi cho mình một ly cà phê, mấy điếu thuốc lẻ. Đã lâu, chuyện một người con gái vào quán cà phê, hút thuốc không còn là hình ảnh lạ. Nhưng việc tôi vào quán, ngồi với những điếu thuốc của mình, thì, lạ, (chí ít, cũng với chính tôi.)

Tại sao tôi có hành động đó? Phải, tôi bị vô thức, điều khiển? Phải, mỗi nghĩ, nhớ Nhượng, lập tức tôi liên tưởng quán xá/ thuốc lá/ chỗ ngồi? Một tấm lòng hiu quạnh, một trái tim xa vắng (?) mà, chỉ tôi, (riêng tôi) mới đủ khả năng lấp đầy, ban phẳng?

Tối đến, trước khi về, tôi ghé lại mạ. Hai mẹ con ngồi nơi hàng hiên. Tôi tâm sự muốn (không muốn) gặp Nhượng. Tôi cũng chuẩn bị cho mình, những lý lẽ khả dĩ bác bỏ ý kiến chống báng của bà, nếu có. Rất may, bà bảo:

“Con nên đi thăm anh ấy.”

“Dạ. Con nghĩ rứa mới đúng, phải không mạ?”

Bà lắc đầu, (chua xót,) nhìn tôi: “Đã qua lâu rồi, thời của những điều sai/ đúng. Giờ, sắp tới, chỉ còn chuyện sống/ chết, thích thôi, con ạ.”

Mạ tôi đính điếu thuốc sâu kèn, vấn xong đã lâu, lên môi. Bà cúi xuống ngọn lửa nhỏ sáng lên từ cây diêm. Khuôn mặt bà tựa khối đá nhẵn, thín. Tôi nghĩ, lúc chiếc cổ bà không giữ nổi, nó sẽ rơi xuống. Khi ấy, bà sẽ (hay đã,) là kẻ khác?

“Chính mạ khuyến khích Buông đi gặp anh đó,” Tôi cho Nhượng biết.

Buổi trưa, nhà Kim, tôi không ngờ mọi thứ lại diễn ra dễ dàng, xuôi thuận hơn mọi dự trù ít xấu nhất. Không chỉ Ngâu, Trạc, chị của Kim cũng tỏ ra thân thiện, thông cảm và hiểu biết. Mạ Kim giữ tôi lại ăn cơm với gia đình. Suốt buổi, Ngâu nhắc Nhượng gắp thức ăn cho tôi. Với một chén cơm thôi, đã tựa nuốt vào lòng mình, trọn vẹn hình ảnh, nụ cười, tiếng nói, dáng điệu, cử chỉ, ánh mắt, ân cần, chăm sóc cùng, nỗi hân hoan, muộn, hiếm.

Ăn xong, Ngâu ngồi nán, ít phút. Tôi bảo Ngâu, tôi thích đôi môi chàng. Qua ánh mắt kinh ngạc, tôi đọc được điều Ngâu không tiện nói. Có thể Ngâu đã rủa thầm: Đồ con gái hư. Mới gặp trai lần đầu, đã nói điều táo tợn.

Ừ, thì tôi: Đồ con gái hư. Dù sao, tôi vẫn thấy mình hơn nhiều người. Bao kẻ có những ý tưởng táo tợn hơn tôi nữa kìa. Khác chăng, họ giữ lại, để ra điều ngây thơ, trong trắng (!)

Tôi nghe được thịt da tôi gợn gợn gai ốc. Hình dung lúc chàng cúi xuống thân thể Ngâu (từ tiềm thức,) tôi hỏi, tại sao không là tôi? Sai biệt nào, giữa tôi và nàng, đưa tới, quyết định có/ không đó? Đã chắc gì Ngâu hơn tôi (ngoài mối liên hệ quá khứ.) Nếu Nhượng là một người khác, ở hoàn cảnh khác, liệu Ngâu có dám đánh đổi tất cả, để theo chàng? Hay nàng sẽ quay lưng? Sẽ phủ nhận?

(Tuổi tác lấy đi mọi sốc nổi nơi người đàn bà. Ngược lại, nó mang tới họ, những tính toán khôn ngoan, dù ít người chịu nhận.)

Là tôi, thân thể tôi, tôi sẽ không mắc cỡ/ che đậy; rằng tôi hạnh phúc. Tôi sung sướng. Tôi chẳng ước ao/ khao khát gì hơn. Tôi sẽ bảo chàng: giữ, ôm Buông, sát nữa.

Ăn xong. Ngâu ngồi nán, ít phút. Tôi bảo Ngâu, tôi thích khuôn mặt chàng. Qua ánh mắt ngỡ ngàng của Ngâu, tôi đọc được điều không tiện nói. Có thể Ngâu đã rủa thầm: Đồ con gái hư. Mới gặp trai lần đầu đã nói ra những điều dị hợm.

Ừ, thì tôi: Đồ con gái hư. Dù sao, tôi vẫn thấy mình hơn nhiều người, bao kẻ có những ý tưởng dị hợm hơn tôi nữa kìa. Khác chăng, họ giữ lại. Họ lẩn tránh (tự đánh lừa,) bằng những bề ngoài e lệ, rụt rè, sợ hãi.

Tôi hình dung, lúc Ngâu vo vo khuôn mặt chàng, đem áp vào ngực Ngâu (từ tiềm thức,) tôi hỏi tại sao không là tôi, làm việc đó? Sai biệt nào giữa tôi và nàng, đưa tới quyết định có/ không đó?

Đã chắc gì Ngâu hơn tôi (ngoài mối liên hệ quá khứ.) Chắc gì Ngâu đã hơn tôi? Nếu Nhượng là người khác, ở hoàn cảnh khác?

(Tuổi tác lấy đi khỏi người đàn bà những cuộc tình mù lòa. Ngược lại nó mang tới cho họ, đôi mắt của cặp kính hiển vi. Chói, gắt thực tế.)

Là tôi, (ngực tôi,) tôi sẽ không mắc cỡ, bảo chàng hãy hôn, hãy nhay, hãy cắn. Cắn đứt nó. Tôi sẽ bảo chàng, lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là rung động nuôi con (như chó, mèo)?

Ăn xong, ngồi nán ít phút, Ngâu đứng lên, vào phòng. Phải Ngâu ngầm phản đối những bày tỏ của tôi về Nhượng? Phải, đó là cung cách ứng phó của Ngâu, trước đắm đuối (không che đậy,) tôi bộc lộ với Nhượng? Cách gì, tôi cũng cám ơn Ngâu. (Cám ơn sự cảm thấy thừa thải của nàng.)

Trưa đứng bóng. Nắng lọc qua tàn khế, kẻ những cánh hoa đen, mềm, lên nền đất. Khu vườn óng, mượt tiếng cu gáy. Tiếng cu gù mái đều đều, không đủ sức bơm thêm máu cho buổi trưa tẻ, chậm. Tôi nhìn ra miếng sân cát. Những vết xe tẽ, tưa như những vết nhăn sớm trên thân thể người đàn bà không nhận, hưởng được ân ái (hay thứ ân ái, một chiều, chịu đựng.) Lối đất hiu hiu, nối vào con ngõ ngoằn nghoèo, dẫn ra lộ đá, chạy dọc con mương đào.

Con mương nông sờ, cạn queo như số phận của những cuộc sống dật dờ, đi bên nó. Cứng rắn mấy, nếu không có tình yêu, nhiều lúc (tôi nghĩ,) người ta cũng phải nổi gai ốc trước nỗi ù lì, bẹt, lặng.

Mạ Kim đều tay quạt trên chiếc giường gần kề bàn ăn. Bà lim dim tựa mới chợp mắt. Mong bà không thấy xa hơn mấy cây cọc treo mùng. Tôi cầm tay Nhượng. Bàn tay lạnh trong lò than rạo rực, lửa tôi.


Nhượng bảo:

“Buông hát đi, bài lúc nẫy.”

Tôi hát cho Nhượng nghe, không chỉ một, nhiều hơn hai. Những bài hát, (gián tiếp nói với Nhượng, tình tôi. Cách khác, tôi muốn Nhượng hiểu, mỗi nghĩ, nhớ chàng, thì, lời ca, tiếng hát (tôi) chính là phần thịt da buồn bã (nhưng thân thiết nhất,) của chàng đắp lên môi tôi.

Nhu cầu chứng tỏ quyền sở hữu, đôi khi, quan trọng, đáng kể hơn quyền sở hữu?

Đêm vá những tàn lá nhãn lên mặt lộ bằng những đường kim vụng.

Tôi không nghĩ Nhượng nhút nhát hay thiếu nhạy cảm tới mức không biết, tôi đang đứng đợi chàng ở đây. Mặt khác, tôi cũng không tìm được cho mình, lời giải thích! Rõ ràng chàng không ra. Rõ ràng, mọi người vẫn say mê (giả đò) lắng nghe mạ tôi kể chuyện. Rõ ràng, tiếng cười chàng, vẫn ném ra, như mỉa mai, như châm chọc? Ngâu ngăn cản, nhộn nhạo trong các mạch máu tôi.

Cảm nhận thù ghét/ oán hận/ khinh bỉ/ bập bùng, cháy, tôi bực bội trở vào. Nhượng quay ngang. Chàng mỉm cười. Nên ra dấu lần nữa? Nên ghé tai nói với chàng, ý muốn mình? Ánh mắt nghiêm nghị của ba tôi, như thùng nước lạnh dập tắt tức thì, ngọn lửa tham, hám vừa nhen, lớn. Tôi đi thẳng.

Ngồi xuống chiếc giường của út Trân, tôi bồn chồn, tuồng ai đó, đang gia sức thổi cao ngọn lửa cháy bằng thứ khí đốt mang tên uất hận, hờn ghen (mạch nguồn bản năng ẩn, ẩn) sâu tôi. Không thể cho phép mình, ngồi đây, nhìn niềm khát khao, (trong/ và thân thể mình,) cháy thành than, tro, tôi quyết định bước ra. Quyết định dừng lại. Quyết định sẽ nói:

“Buông muốn gặp anh. Một phút.”

Tôi chuẩn bị một phản ứng thích hợp, nếu Ngân can thiệp; nếu Kim lên tiếng… Tôi treo ngược trái tim mình, trên ngọn dáo nhọn hoắt nỗi bi thương và, niềm bất hạnh.

Tôi sẽ nói ngay, một lời gì (thật mạnh mẽ, dứt khoát,) với Nhượng. Tôi đoan chắc với mình như vậy, ngay khi hai đứa ra khỏi tầm mắt canh chừng sát rạt của mọi người.

Tôi nghĩ, chắc tôi chỉ có đủ thì giờ để ôm Nhượng, để khóc. Có khi mọi người (đổi ý) cho tôi thêm vài giây, ân huệ. Nếu vậy, tôi sẽ bảo Nhượng, cho tôi sống. Hãy cho tôi sống, một lần. Một buổi. Một ngày. Dù lập tức, chuyện gì. Dù thế nào, mai sau.

Tôi vén bức màn gió. Toàn thân như khối thuốc nổ là những lời hờm sẵn trên môi. Mọi người đã đứng lên. Ai xướng xuất sự chia tay sớm sủa này? Khoan tìm hiểu đã. Ta không còn thì giờ. Tôi bước vội tới Nhượng. Tất cả, luôn Ngâu, dường thấy, không thể không dành cho tôi một chút khí trời. Tất cả, luôn ba tôi, dường thấy, không thể cản ngăn. Tuồng nơi tôi, tỏa, toát một bất cần đe dọa, một liều lĩnh rồ dại. Họ bước nhanh. Nhượng chùng chình. Tôi cảm ơn chàng chậm, chậm.

Suốt buổi tối, lúc này, tôi mới được đứng cạnh niềm hy vọng (chiếc bóng quá khứ) nửa đời, tôi?

Nhượng lúng túng dúi vào tay tôi chiếc bật lửa:

“Buông cầm lấy. Anh có cái khác, ở nhà.”

“Không anh. Buông đâu cần bật lửa.”

Tôi, trái banh xì hơi. Nhượng nhíu mày: “Buông sao vậy?”

Tôi nuốt xúc động:

“Lúc nãy, sao anh không ra?”

“Lúc nẫy?

”Dạ.”

“Anh tưởng…”

“Chứ không phải chị Ngâu cản?”

“Không. Anh tưởng…”

Tôi níu tay Nhượng. Tôi nghe mình muốn sốt khi nhận được mùi thịt da chàng chuyền qua.

“Mai anh đi mấy giờ?”

“Buổi trưa.”

“Ừ.”

“Anh đợi?”

“Ừ. Anh đợi.”

Ngoài đường, một số người quay lui, nhìn chúng tôi.

Ước gì, tôi có thể đâm, mù mắt họ lúc đó.

Ngâu bảo:

“Anh ra chơi với Thu Buông. Em qua thăm mấy đứa nhỏ, nhân tiện chào anh Trái.”

Tôi gật đầu, mở hết cánh cửa sổ căn buồng nhỏ. Nằng liu điu trên mấy luống khoai mì. Căn nhà yên ắng. Cái yên ắng chuẩn bị cho một ngày chia tay mà, không ai có thể đoán trước ngày gặp lại. Buổi sáng, tôi cố không nhìn Đẻ chân co chân thả trên chiếc giường, gửi hồn phiêu phưỡng nơi đâu. Tôi không thể đoán được đằng sau cặp mắt đã ngả mầu ruột khế, bà thấy gì? Hình ảnh/ những đứa con nào trở về của chúng tôi, chỉ khuấy, động lớp váng trên mặt nước ao tù quá khứ. Tôi hiểu sự trở về của chúng tôi, chỉ thêm dầy, rộn lớp bụi của thời gian, phủ che nỗi buồn sắc xuống, một đời góa bụa, rất sớm. Anh Thụy kể, bà góa bụa từ năm hăm tám. Hăm tám tuổi, ở vậy được, với một người thiếu phụ bình thường, tầm thường, đã khó. Càng khó hơn nữa, với một thiếu phụ, chẳng những nhan sắc mà, nhan sắc hơn người. Nhan sắc hơn người. Nhan sắc nổi tiếng. Bây giờ, dù đã bước vào tuổi tám mươi, nước da bà, vẫn là nước da mịn màng (thời xưa được đọ ngang với nước da của một quả trứng gà, bóc vỏ.) Bây giờ, ở tuổi tám mươi những nét thanh tú, nụ cười duyên dáng tự nhiên trên đôi môi tươi, mỏng, vẫn còn khả năng thực chứng, nếu nụ cười này, nếu đôi mắt nọ, một thời, có được mệnh danh là nụ cười mê hoặc, đôi mắt dìm chôn người đáy biển, thì, cũng không là lời nói quá. Gặp lại Đẻ, thấy bà, ở tuổi già, tôi hiểu, tại sao, khi ông cụ đưa bà về, cả làng tới xem mặt cô dâu…, Ngâu, kể.

Tôi hiểu, niềm vui tôi mang về cho bà chẳng bao nhiêu, so với nỗi buồn, chúng tôi để lại, lớn to, chĩu nặng như khối đá khổng lồ chất thêm lên chiếc lưng đã oằn cong quạnh hiu,/ nhớ thương/ mất mát. Tôi hiểu, ngày vui ngắn, ít. Nỗi buồn thênh, thênh. Tôi hiểu, chuyến đi này, không chỉ để lại cho bà dư âm tiếng cười khôn tan, thấp thoáng hình ảnh ghi khắc… mà, tôi còn gửi lại nơi trái tim dập bầm héo úa của bà, nỗi âu lo, niềm thắc mắc, về một người con gái. Thu Buông. Một lần, sau khi tiễn chân Buông, trở vào, tôi than:


“Chết con rồi Đẻ ơi!”

Đang thẫn thờ dõi theo những ngọn lửa (như nghe lời trò chuyện thầm thì, nhỏ to, chỉ riêng bà hiểu,) bà xoay ngang, nghiêng đầu, ngước mặt (tựa con ngỗng nghếch chiếc mỏ vàng au, hướng lên bầu trời,) nghe ngóng động tĩnh.

“Gì đó Nhượng?”

Tôi bước lại, ôm đôi vai cò hương của bà:

“Lần sau con về, chắc Đẻ phải đi cưới vợ cho con mất thôi.”

Tôi không nghĩ bà nghe được trọn vẹn câu nói quá nhanh của mình. Có thể bà chỉ phỏng đoán. Bà đứng lên không chút chậm chạp, khó khăn thường thấy, cười, nụ cười ngát, ngát thương yêu, đằm, đằm bảo bọc.

“Kìa Đẻ, Đẻ nghe gì không? Anh Nhượng nói, Đẻ đi cưới Thu Buông cho anh ấy đấy.”

Ngâu nhảy xộc vào giữa. Vẫn nụ cười lấp lánh tinh anh, rí rỏm của năm, sáu chục năm trước, bà xua tay:

“Thôi đi. Có vợ rồi còn vợ chi nữa?”

Cả bọn cười, rũ. Gương mặt bà rạng ngời, tựa nơi mỗi tế bào, mỗi sợi tóc còn lại, trên đầu bà, đã cùng lúc nở những bông hoa cau trắng, ngợp. Bây giờ, lúc này, tôi biết Buông đang có mặt ở phòng khách, nhưng bà vẫn còn lẩn quẩn trong bếp, cùng những ngọn lửa, những chiếc nồi, những chén bát, rổ rá của bà. Có thể, những ngọn lửa, những chiếc nồi, vẫn tiếp tục trò chuyện với bà, (bằng cách của chúng.) Nhưng tôi không tin bà nghe được điều gì nơi chúng. Lúc này, bên cạnh cố gắng đương đầu với sự chia tay các con, trong bà, còn mối nghĩ, lo về Buông. Như tôi đã băn khoăn, khổ tâm về nàng.

Tôi bước ra đúng lúc Buông trờ tới cửa phòng. Nàng, (luôn gương mặt,) như chiếc lá nhợt nhạt, thiếu chất diệp lục tố. Có chút gì nhói buốc nơi nụ cười (của Buông)/ sự yên ắng (dường đột ngột của Đẻ/ Kim/ Tí Em.) Tôi phân vân không biết nên lui vào căn buồng hay đi tới. Trở lại căn buồng, có thể, là định tâm của Buông. Trong đó, ít nhiều chúng tôi cũng có ít phút tự do. Khó biết trước tôi sẽ nói (không nói)/ làm (không làm) điều gì. Vấn đề không nằm nơi những điều tôi muốn/ không muốn. Vấn đề nằm nơi Buông. Tôi chỉ có thể trả lời, trong căn buồng, tôi sẽ không từ chối bất cứ một yêu cầu nào, của Buông. Nếu Buông khóc, (tôi biết nhiều phần Buông sẽ khóc,) thì, không cần Buông phải yêu cầu. Chính tôi sẽ ôm ghì lấy Buông. Chính tôi sẽ dỗ dành/ lau nước mắt/ an ủi/ hứa hẹn/ vuốt ve/ đòi hỏi… nàng. Tôi không loại bỏ trường hợp, Buông viện cớ Ngâu sẽ trở về. Tôi không loại bỏ Buông nhắc nhở, đừng làm khổ Buông thêm nữa. Làm sao Buông chịu đựng nổi, một khi sau đó, tôi đi mất? Tôi cũng không loại bỏ trường hợp, chúng tôi đang nằm với nhau, Tí Em, Kim (ngay Ngâu) sẽ gõ cửa. Họ sẽ gọi, kêu gấp rút.

Trường hợp nào, (nếu Buông khóc,) tôi biết, sẽ chỉ mở ra cho tôi một lối đi rất hẹp. Lối đi về phía trước. Phía chọn lựa liều lĩnh, bất cần, bất chấp. Còn Đẻ? Phải, còn Đẻ? Với Đẻ thì không thể. Tôi không thể để lại cho bà nỗi khổ tâm, niềm khắc khoải, mới. Tôi nghĩ bà sẽ không chịu nổi, nếu có chuyện gì xảy ra, giữa tôi và Buông.

Hãy để mọi chuyện, diễn ra đằng sau chiếc lưng đã gần thế kỷ mưa, nắng. Tôi hiểu điều đó. Mặt khác, tôi cũng hiểu tấm lòng/ trái tim/ tình yêu/ rung động của Buông. Mặt khác, tôi cũng hiểu, mặc nhiên tôi nhận từ Buông, tấm huân chương, có đủ hai mặt. Mặt cảm kích tình sâu. Mặt ngút cao trách nhiệm. Tự gặp gỡ thứ nhất, tự nhận biết đầu tiên, tôi đã nguyện riêng với mình: Nếu còn một quan tâm nào, sau ân nghĩa ngày qua. Thì đó là Buông vậy.

“Ra đây với anh.”

Tôi buột miệng, khi chạm đụng nỗi tuyệt vọng long lanh, hút hút nơi đôi mắt mở lớn lạc thần, đôi tay hốt hoảng đưa ra; nửa chửng thả, thõng.

“Buông.”

Tôi (hay niềm trắc ẩn/ mặc cảm tội lỗi/ bất nhẫn,) cất tiếng gọi.

Tôi (hay nỗi ngậm ngùi, niềm ly biệt) cầm lên những ngón tay Buông úa, héo, lúc hai đứa đứng trước hiên nhà, khuất sau bức tường và, cột gạch cũ.

Tôi (hay niềm thương xót dạt dào) ngửi được mùi nắng gió/ mùi tương tư gối chăn/ mùi bịn rịn tỏ tình/ mùi gửi trao đời nhau nửa kiếp/… nơi thịt da Buông, lúc nàng mân mê bàn tay cằn cỗi của tôi, kéo tôi ngã, đổ vào ngực nàng.

“Buông tiếc không thể tới sớm hơn,” nàng nói.

“Anh hiểu.”

“Phút chót, Buông mới có xe.”

“Anh hiểu.”

“Liệu chúng ta còn được lần khác?”

Những ngón tay tôi run rẩy, xoa, xoa lớp vải trên ngực Buông. Không thể xác định Buông hay tôi, đã mang những ngón tay cằn cỗi của tôi, đặt lên ngực Buông, cũng đang run rẩy. Tôi nghe được hơi thở gấp gáp/ nóng hổi từ đôi môi son đỏ. Tôi nghe được nhịp đập (cũng gấp gáp/ nóng hổi) trong ngực mình.

“Còn.”

“Chắc không?”

“Chắc.”

“Chị Ngâu sao?”

”Chị bảo, may mắn cho ai được làm con bà.”

“Buông hỏi chuyện khác. Chuyện mình.”

“A. Ngâu bảo. Anh nên gặp Buông.”

“Vậy thôi sao?”

“Vậy thôi.”

Buông nhìn xéo ra sân nắng. Những chùm hoa xác pháo kín đáo (thẹn thùng) nở bên bể nước, rêu. Nàng thở ra. Không thể đoán Buông nghĩ gì. (Có thể chính nàng cũng không biết nàng đang nghĩ gì.) Cuối cùng. Buông bảo:

“Anh nhớ, thư cho Buông.”

“Anh hứa.”

Buông lại thở ra:

“Suốt đêm qua Buông trằn trọc…”

“Anh hiểu.”

“… Chỉ ước gì, có anh bên cạnh.”

“Anh hiểu.” “Anh hiểu?”

“Những gì, Buông chờ đợi.”

“Thật vậy?”

“Thật.”

“Anh muốn hôn Buông không?”

“Nhượng ơi, Ngâu về rồi đó. Vào sửa soạn mà đi thôi, con.”

Đẻ gọi. Tiếng gọi không vang đi từ chiếc giường bà vẫn ngồi, dường như từ cửa hông. Chiếc cửa. Ngâu mới chạy vào, như một doi nắng, yếu.

“Em sung sướng?”

Người đàn ông nghiêng mình, ngó qua khung cửa nhỏ. Mưa chăm chỉ lau miết những chiếc lá khuynh diệp, rủ dưới tầm mắt. Lá dài, thuôn, như những mảnh gương cắt đều, treo ngược.

“Nhiều hơn đợi chờ, tưởng tượng của em.”

Người con gái nói. Gió quấn những chiếc khăn nước lên đầu hàng cây khoai mì, thấp.

“Như niềm ân hận?”

“Sau một sự việc, chỉ có hai trường hợp, đem lại cho người ta niềm ân hận.”

Người con gái nói. Nàng vắt cánh tay nõn (lấm chấm vài nốt đen) ngang ngực trần, khuôn mặt dấu sâu trong khoảng trống giữa vai và, cổ người đàn ông. Hơi thở, hương tóc, mồ hôi trên thân thể nàng thơm nẫu, những mỏi mệt hạnh phúc. Nàng tiếp:

“Thường nhất là sự lầm lẫn. Thứ đến, thất vọng. Chính sự thất vọng nẩy sinh trong họ, một toan tính khác. Và họ sợ gặp trở ngại trước toan tính đó.”

“Anh tưởng cần phải thêm, phần hiện tại?”

“Chỉ những người không biết mình là ai. Mới không biết mình muốn gì.

“Không. Chỉ những người cho họ một giá trị to lớn. Trong khi thực tế họ không có. Hoặc có, chỉ như hạt cát, vô nghĩa.”

“Ví thử họ có. Như em?”

Mưa nhỏ. Gió thấp dưới chân tường. Người con gái nằm xuống. Gương mặt nàng tan, xa theo tiếng thở dài của nàng:

“Nếu có một ân hận em mong ước cho đời mình, thì đó là niềm ân hận em vừa được hưởng.”

Người đàn ông quay lại. Anh nghiêng người xuống thân thể nàng:

“Dù ngày mai, chúng ta lại mất nhau?”

“Dạ, dù ngày mai…”

Người con gái bỏ lửng câu nói. Tuồng nàng cố tình nhắc lại hai chữ mất nhau.

“Bởi vì…”

“Em ân hận. Ân hận trước mọi ân hận. Ân hận không được gặp anh, sớm hơn.”

“Bây giờ quá muộn?”

“Không. Anh. Đúng hơn, bây giờ, em như một cửa sông, nước cạn.”

“Dù mùa mưa vẫn qua?”

“Vâng. Mùa mưa vẫn qua. Và, mỗi năm một lần lũ, lụt.”


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17072)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19004)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9187)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 996)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14022)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7907)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8825)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30725)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25520)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18062)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,