Nguyên Sa - trên ngọn tình sầu

12 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 5089)
Nguyên Sa - trên ngọn tình sầu

 

tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngát tạnh
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
em ở đó bờ sông còn ấm cát
con sóng tình vỗ mãi một âm quên

 

Bài Trên Ngọn Tình Sầu mà tôi nghe là một bài thơ của Du Tử Lê, Từ Công Phụng phổ nhạc. Tiếng hát mang đến cho tôi con dế buồn, bầy sẻ cũ, bãi cát còn ấm chỗ, con sóng tình vỗ mãi một âm quên, là tiếng hát tuyệt vời của Xuân Sơn. Nhiều người cho rằng tiếng hát Xuân Sơn hay nhất là thời ở Việt Nam, trong cuốn Ngô Thụy Miên một, Văn Phụng hòa âm. Một số người khác nghĩ rằng Xuân Sơn của thời kỳ Giọt Nắng hồng, thời kỳ Nhìn Những Mùa Thu Đi, thời kỳ Việt Nam, là bông hoa hé nụ, là vầng trăng thượng tuần. Xuân Sơn thời kỳ hải ngoại với Thoi Tơ, với Cô Hàng Nước của tiếng hát Xuân Sơn, Trung Nghĩa hòa âm mới là vầng trăng ngày rầm, là bông hoa nở nhụy. Tôi thì tôi vẫn thích nhất Trên Ngọn Tình Sầu, Xuân Sơn hát tác phẩm của nhà thơ bạn tôi và của nhạc sĩ họ Từ. Trong bài thơ phổ nhạc này có tiếng cello đi theo giọng ca của Xuân Sơn. Tiếng cello dầy đặc thung lũng, vực sâu, bóng đêm, đáy biển tương phản với tiếng lục huyền cầm sắc, trong veo trời không mây, nắng thủy tinh của Trung Nghĩa. Chính ở giữa biển sâu tưởng chừng không đáy và trời cao đến ngoài trời đó, nghẹn ngào, nức nở giọng ca của Xuân Sơn. Nhiều người về sau cũng hát Trên Ngọn Tình Sầu, nhưng không có ai mang vào được giọng ca tâm sự của con dế mèn buồn đã phải chọn giờ khắc đêm sương lạnh để tự tử. Không ai diễn tả được sự im lặng của bầu trời buổi bình minh lúc bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ. Không ai dấu chứa được trong thanh quản nỗi ngậm ngùi của Du Tử Lê khi em ở đó, bờ sông còn ấm cát, con sóng tình vỗ mãi một âm quên...

 

Giọng hát của Xuân Sơn vẫn được những người trong nghề xếp vào loại giọng đồng. Giọng đồng ấm áp, giọng kim sắc và mỏng. Tôi không phải là một người của âm nhạc, cho nên tôi vẫn nghe thấy có nhiều kim loại khác lạ hơn chất đồng trong giọng hát Xuân Sơn. Có những âm thanh ấm áp và dầy. Nhưng sao nhiều lúc tiếng hát của Xuân Sơn như dao cắt cả thịt da, gan ruột, có lúc nhọn hoắt đâm thấu suốt vào tim. Tiếng đàn lục huyền cầm của Trung Nghĩa thích hợp lắm cho tiếng hát Xuân Sơn, cũng chính vì những nét sắc của giây tơ có tính chất của đàn lục huyền cầm, Trung Nghĩa sử dụng tới mức được đời tặng cho danh hiệu mười ngón tay vàng.

 

Tại sao nhiều người hát Trên Ngọn Tình Sầu mà chỉ có Xuân Sơn làm cho tôi rung động? Vì bản hòa âm với nhạc cụ chính yếu lục huyền cầm của Trung Nghĩa? Vì Xuân Sơn đã đến với Tình Sầu trong một giờ hứng khởi? Vì trong thớ cổ của Xuân Sơn cũng có bầy chim sẻ đã lặng lẽ bỏ đi, cũng có con dế mèn tự tử trong một đêm sương nào đó? Phải chăng nhạc của Từ Công Phụng vốn dĩ kén người hát, kén người hòa âm? Phổ thơ Du Tử Lê, nhạc Từ Công Phụng cũng kén cả người thưởng ngoạn? Xúc động vì một thương tóc để đuôi gà, hai thương em ăn nói mặn mà mà lại có duyên... là một xúc động đến ngay. Mười Thương là ca dao, nhạc Phạm Đình Chương, đi ngay vào tâm hồn người ta. Tâm hồn nào cũng mở lớn để tiếp đón tóc đuôi gà, má lúm đồng tiền. Thật ra, cánh cửa tâm hồn không cần phải mở ra. Mười Thương từ ngoài đi vào không cần cửa mở vì nó đã ở sẵn bên trong. Thoáng thấy tóc đuôi gà, người ta đã thấy tiếng nói mặn mà, tiếng nói vừa cất lên, mới nghe thấy, chưa kịp nhìn đã thấy má lúm đồng tiền, thấy em dịu hiền như sao hiền mùa thu. Nhưng con dế tự tử trong đêm sương, bầy sẻ cũ qua đời lặng lẽ, người thiếu nữ bỏ đi, vừa bỏ đi, bờ sống còn ấm cát, con sóng tội nghiệp vỗ về một âm thanh bị bỏ quên. Thi sĩ đã tới bờ sông nơi Nhỏ, (tiếng của Du Tử Lê,) đã bỏ đi, sờ tay lên mặt cát biết nàng vừa bỏ đi, cùng với sóng vỗ về âm thanh bị ruồng bỏ, âm thanh gì đó, lời hứa hẹn ngàn đời, tiếng yêu anh hay lời khởi đầu tình tự?

 

Bài thơ của Du Tử Lê, Từ Công Phụng phổ nhạc là một bài thơ tám chữ. Từ Công Phụng cũng phổ những bài thơ năm chữ của Du Tử Lê. Nhưng tôi thì tôi thích nhất bài thơ tám chữ này. Phạm Đình Chương phổ nhạc thơ bảy chữ và lục bát tuyệt vời. Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng, bảy chữ; Mười Thương, ca dao lục bát. Ngô Thụy Miên phổ nhạc thơ tám chữ và bảy chữ Aùo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Tháng Giêng và Anh, Tình Khúc Tháng Sáu, tám chữ; Paris Có Gì Lạ Không Em, bẩy chữ. Không thấy lục bát. Phạm Duy phổ thơ đủ thể loại, sao bắc đầu trên bầu trời thơ phổ nhạc của Phạm Duy là lục bát. Lục bát Huy Cận, lòng anh mở với quạt này, trăm con chim mộng về bay đầu giường; lục bát Phạm Thiên Thư, áo hồng đào rơi, mùa thu em mặc áo da trời... Và năm chữ, năm chữ Ngày Xưa Hoàng Thị; năm chữ Tiễn Em, lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế...

 

Tôi không biết Từ Công Phụng phổ bài tám chữ này của Du Tử Lê vào thời điểm nào. Nhưng tôi nghĩ là lâu rồi, ít nhất cũng thời kỳ Tan Theo Ngày Nắng Vội. Tôi cũng không biết Du Tử Lê làm Trên Ngọn Tình Sầu vào thời điểm nào. Tôi biết Du Tử Lê làm thơ thật hay lúc ở Việt Nam. Tôi thấy Du Tử Lê làm được thơ những năm đầu ở Mỹ, tôi thấy thơ Du Tử Lê hay hơn trước. Bây giờ tôi nghĩ rằng Du Tử Lê đã đi xa hơn những người làm thơ cùng thời với anh một khoảng cách trông như gang tấc, mà trong thơ xa vạn dậm. Du Tử Lê càng lúc càng sáng tác thi ca thật khỏe, anh in ra số lớn. Những quý kim loại trung như bạc, như vàng, hiện ra như những bày biện làm sáng chói những viên kim cương quý giá không thể không nhìn thấy bởi những người sành điệu. Thời kỳ ở Việt Nam, thơ Du Tử Lê nhiều năm chữ. Du Tử Lê làm thơ năm chữ thật tới; một phần lục bát, thời kỳ Huy Cận. Mười lăm năm ở xa quê hương này, Lê sáng lên với cả năm chữ, tám chữ, bảy chữ. Lục bát của Lê đã bước sang thời kỳ sau Huy Cận, tôi muốn gọi là vượt Huy Cận. Du Tử Lê làm thơ đủ thể loại, không mệt mỏi, nhắm tới những kỹ thuật kỳ khu để vượt lên, giữ theo tốc độ cao của những tay sáng tạo có cả đường trường lẫn nước rút. Trên ngọn tình sầu chắc không phải thời kỳ Lê Uyên, càng không thuộc về thời gian sau này. Xuân Sơn ca Trên Ngọn Tình Sầu vào năm 1984. Tám tư thì chưa có Lê Uyên. Đó còn là thời kỳ Thục Ngạn, thời kỳ Thụy Châu. Thời kỳ Thục Ngạn và thời kỳ Thụy Châu của thơ Du Tử Lê và của đời Du Tử Lê thật khó phân định. Một thời gian tôi nhìn thấy Thụy Châu. Một thời gian khác tôi nhìn thấy Thục Ngạn. Rồi Thục Ngạn đang đứng đó bỗng biến mất. Thụy Châu không thấy đâu bỗng nhiên lại hiện ra, tươi vui, đoàn tụ, Tay Trái, Tay Phải...

 

Tôi muốn giữ lấy mãi mãi trong trí nhớ tên và khuôn mặt của những người trẻ tuổi đã một lần ngồi trước mặt tôi ở Chu Văn An, ở Đông Tây, Văn Lang, Văn Học, Hưng Đạo, Nguyễn Bá Tòng, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Bảo Tịnh... Tôi không đủ khả năng làm việc này. Rất may, có những người trẻ thuộc loại dễ nhớ, tức là khó quên. Tại sao? Tôi không biết. Điều tôi biết là Hoàng Thụy Châu đi tới và ở lại trong trí nhớ của tôi cho tới hôm nay. Hoàng Thụy Châu trong thơ Du Tử Lê, với độc giả báo chí Việt Nam nơi hải ngoại là Hoàng Dược Thảo. Hoàng Thụy Châu là dược sĩ, theo học dược tại Đại học Dược Khoa Saigòn thời ông Trương Văn Chôm làm Khoa trưởng, lấy bút hiệu Dược Thảo phải chăng vì kỷ niệm xa xưa? Tên của Thụy Châu và Dược Thảo mà tôi biết đầu tiên là tên khai sinh. Tên của Hoàng Thụy Châu là Huỳnh Lô Brigitte. Thời kỳ 63, 64 số học sinh theo học tú tài toàn phần tương đối còn thưa vắng so với những năm sau, vì hàng rào cản tú tài một vẫn còn tồn tại. Huỳnh Lô Brigitte theo học tại trường Văn Học đường Phan Thanh Giản. Số học sinh theo học tú tài không đông. Số nữ sinh còn ít hơn. Cái tên có cả âm Pháp, có cả âm Việt làm thành một tổng hợp độc đáo. Huỳnh Laure Brigitte không thể không làm tôi chú ý. Tôi có hỏi chuyện Huỳnh Laure Brigitte một hai lần ngoài giờ học. Cuối năm đó, Huỳnh Laure Brigitte thi đậu tú tài 2, tên được kẻ trên tấm bảng treo trước cửa trường. Những sự việc này đã làm cho cái tên Huỳnh Laure Brigitte trở thành khó quên với tôi. Tên Huỳnh Laure Brigitte trở thành không thể quên được khi tôi gặp lại Brigitte, khi Brigitte đã thành hôn với nhà thơ Du Tử Lê. Có lần tôi gặp Brigitte một mình, không nhớ về chuyện gì, có lần gặp Brigitte đi với Du Tử Lê. Hơn một lần Brigitte trách tôi: tại thầy làm con khổ. Tôi hỏi tại sao? Huỳnh Lô Brigitte than lấy chồng thi sĩ mệt quá thầy ơi. Tôi không bình luận. Lần khác, Huỳnh Lô Brigitte cho tôi biết rõ hơn, đại khái hình ảnh ông thầy chân phương kiêm thi sĩ thơ tình Aùo Lụa Hà Đông đã tạo ra trong trí tuệ thơ ngây của cô nữ sinh Huỳnh Laure Brigitte hình ảnh thi sĩ được lý tưởng hóa, được tô hồng. Và ảnh hưởng nơi học đường, thời thơ ấu đã là mồi thắp lên ngọn lửa tình cảm, có chứa đầy chất nổ, khi Huỳnh Laure Brigitte gặp Du Tử Lê.

 

Tôi không biết những lời trách móc lỗi tại thầy của Brigitte là thật hay đùa, nhưng khi gặp lại Du Tử Lê ở trại tỵ nạn Pendleton năm 1975, tôi biết nếu Huỳnh Laure Brigitte có trách tôi thật sự, tôi cũng không lấy làm phiền. Không có tòa án nào xử ta về những tội mà mình không làm. Nhưng tôi thực sự không biết liệu mình có hoàn toàn không trách nhiệm về những việc mà mình không làm không? Nguyễn Thừa Dzu, Thành Cao, Trần Tam Tiệp sáng tinh sương đã đứng chờ những chuyến xe bus của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ xuống những người mới tới, được di chuyển từ Guam, từ Phi Luật Tân đến Pendleton. Ngày nào tôi cũng ra đứng đấy với các anh em. Sáng tinh khôi đã đứng đó. Đêm khuya những ngọn đèn vàng đã mờ đi trong lớp sương mù của đồi núi Pendleton chúng tôi còn đứng ở đó.

 

Một hôm Du Tử Lê dắt tới một thiếu nữ giới thiệu là vợ của Du Tử Lê. Người vợ của Du Tử Lê tên là Thục Ngạn. Tôi không muốn hỏi ai, càng không muốn hỏi Lê sao tôi thấy người vợ của Lê hôm nay không có vẻ giống người tôi gặp cách đây mấy năm khi còn ở quê nhà. Ngày tôi dời trại Pendleton đi Pháp định cư, tôi mang theo hình ảnh Du Tử Lê dắt Thục Ngạn đi trên những con đường bụi đỏ của trại Thủy Quân Lục Chiến Pendleton. Thục Ngạn đã có bầu.

 

Tôi sang Pháp sinh sống hai năm, khi trở lại California, tôi ghé thăm Du Tử Lê. Lê vừa đi làm về, trên ngực áo còn mang thẻ của sở. Tôi vào nhà, Du Tử Lê vui tươi gọi: Có anh Nguyên Sa ghé thăm em ơi... Tiếng dạ và tiếng chân bước xuống thang. Tôi đinh ninh người đang đi xuống là Thục Ngạn. Không phải. Thụy Châu đã tiến đến trước mặt tôi. Từ đó cho tới nay tôi thường gặp lại Thụy Châu, chỉ thấy Thục Ngạn một lần với hai cháu nhỏ ở Văn phòng Cộng Đồng Việt Nam.

 

Mỗi lần nghe Trên Ngọn Tình Sầu tôi liên tưởng đến một Du Tử Lê khác biệt của Du Tử Lê đồng nhất và biến dạng. Lần gần đây, cách chừng hai tuần, tôi thấy Du Tử Lê ở quán Lup. Con chim sẻ nhẩy nhót vui tươi đứng gần cửa đón bạn bè thân hữu, con dế mèn trên sân khấu giới thiệu chương trình. Nhà thơ ngồi ở bàn Mai Thải rồi sang bàn Cò Dzu, dừng lại những người sáng tạo trẻ, những Trần Duy Đức, Trầm Phục Khắc, dục người hầu bàn mang la de cho Kiêm Thêm. Thứ Bảy nào cũng có họp mặt. Họp mặt đón Trần Văn Trạch từ Pháp qua. Họp mặt ngâm thơ Tô Thùy Yên, trên sân khấu có Cao Đông Khánh, đọc mà như ngâm vụng về đầy hào sảng, Lê Uyên ca Chiều Trên Phá Tam Giang, Trần Thiện Thanh phổ nhạc. Tôi rất thích Chiều Trên Phá Tam Giang, Kiều Nga song ca với Vũ Khanh, nhưng tôi thích nhất bài thơ phổ nhạc này của Tô Thùy Yên do Lê Uyên trình bày. Quỳnh Như nhiều lần đến Lup ngâm thơ. Có cả Hùng Cường, Vũ Khanh, Tuấn Vũ làm quen với ánh đèn sân khấu nơi đây. Một tối, Hải Lý, lúc đó đã là một ngôi sao, đến ca bài Tiễn Biệt, thơ Nguyên Sa, Trọng Nghĩa phổ nhạc. Suốt thời gian dài, có lẽ tới ba năm, chắc chắn trên hai năm, Lup đóng vai trò của một phong trà cộng với vai trò của một Club Litteraire, vai trò sân chơi của bày chim sẻ, bãi cỏ của những con dế mèn thích phiêu lưu. Lup mang đậm mầu sắc Du Tử Lê.

 

Mỗi khi tiếng hát của Xuân Sơn mang đến cho tôi những ngày tháng Lup, tôi đều có cảm xúc hân hoan, thời kỳ Lup trong kỷ niệm hiện ra rõ ràng là một thời hạnh phúc. Trước khi Du Tử Lê chọn sân chơi Lup, tôi không thấy có nơi chốn họp mặt văn nghệ nào văn nghệ như thế, ngoại trừ Doanh Doanh của Thái Tú Hạp trên Los Angeles. Sau khi Du Tử Lê bỏ Lup, tôi thấy bức màn hạ xuống một thời kỳ tuyệt với, thời kỳ hạnh phúc trôi đi, bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ. Lup có phải là thời hạnh phúc của Du Tử Lê không? Lup đã mang lại hạnh phúc, dù ngắn, dù lá vàng gió thổi bay, người phu quét đường vun lại thành từng đống, dù vậy trước sau, vẫn là những tờ lá mến yêu. Nhưng với Du Tử Lê, Lup có phải là một thời kỳ hạnh phúc không? Một lần, có thể vội vàng, chắc chắn thành thực, tôi nói đến Lup, đến Du Tử Lê và mối tình của Lê trong thời điểm đó, như một cuộc mạo hiểm, một chuyến đi băng qua sa mạc.

 

Chuyến đi của Phạm Lãi và Tây Thi, quay lưng lại xã hội, quay lưng lại phong tục tập quán. Tôi vẫn có xu hướng đó. Xu hướng dễ bị lôi cuốn bởi những trạng huống của những bi kịch Hy Lạp, có Remeo và Juliet tình yêu vũ bão. Tình yêu bất chấp. Tình yêu vượt qua sa mạc. Tình yêu tận cùng bằng cái chết. Cuộc tình giữa Du Tử Lê và Lê Uyên đã trôi qua, không có kết luận bi kịch nào cả, chỉ có, ở đó cũng vậy, gió thổi, rừng đã thổi sương khuya..., rồi em bỏ tôi đi, rồi em bỏ tôi đi...; con dế mèn tự tử giữa đêm khuya, bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ, em ở đó bờ sông còn ấm cát, con sóng tình vỗ mãi một âm quên...

 

Du Tử Lê tôi gặp nhiều nhất trong những cơn mê sảng Trên Ngọn Tình Sầu là Du Tử Lê của những ngày tháng ở Việt Nam. Du Tử Lê, Lê Cự Phách, người thầy giáo việt văn hiền hòa đi chuyển trên chiếc xe vespa chân phương. Du Tử Lê nhà thơ mới bước vào chốn gió tanh mưa máu lãnh những quả nặng, không lý do. Du Tử Lê đã lập gia đình với Thụy Châu, chạy đôn dáo làm nghề xuất bản.

 

Bây giờ thì tôi biết chất men nào trong bài thơ phổ nhạc đưa tôi tới những cơn say kỳ lạ đó. Nhạc trỗi lên, đoạn intro vừa dứt, giọng hát của Xuân Sơn vừa khởi đi với Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi... là trí tưởng tượng cất cánh bay. Thật ra, đó không phải là trí tưởng tượng chính thống, tưởng tượng sáng tạo. Đó là loại tưởng tượng liên tưởng bay lượn trên vùng đất của ký ức. Cũng phải nói rõ tưởng tượng liên tưởng này là một tưởng tượng rời. Thưởng ngoạn âm nhạc đó cũng là một thưởng ngoạn rời. Như hai nhánh nhập vào nhau làm thành một dòng lớn. Tưởng tượng đưa tới đêm Võ Phiến ở Lup. Giọng ca mang lại bầy chim sẻ, nhưng cánh chim mang tôi đi thả vào vào nụ cười trong mắt của Thụy Châu. Bây giờ tôi biết thơ phổ nhạc khác hơn. Nó càng không phải là nhạc. Nó là một thực thể độc lập. Thơ có để dành chỗ cho trí tuệ, nhất là những người biết rõ nghề lựa chữ. Trí tuệ mang lại sự sửa soạn chính xác, biết lục bát này tới, biết tám chữ kia đã vượt qua thời kỳ tình thứ nhất. Nhưng thơ phổ nhạc không có chỗ nào cho trí tuệ ý thức. Nó làm cho người thưởng ngoạn bị bốc đi, mang trên đôi cánh liên tưởng bay qua những biển cả, những núi non, những bình nguyên mỗi lần mỗi khác. Cơn say mang lại bởi thơ phổ nhạc giống như say khi ngâm thơ. Gọi đọc thơ trong lặng im, thưởng ngoạn đầy trí tuệ là ý thức, thì ngâm thơ và nghe ngâm thơ đã là con đường đưa vào tiềm thức. Thơ phổ nhạc Trên Ngọn Tình Sầu trong đó, giống như thơ ngâm. Nghe thơ phổ nhạc giống như nghe ngâm thơ. Làm say, làm mơ hồ, làm trôi xuôi theo dòng liên tưởng, làm nhập đồng, làm mê sảng trong một cường độ mạnh, trên một kích thước to rộng hơn nhiều.

 

NGUYÊN SA

(Trích Âm Nhạc Và Tôi,)

 

 

Tạp chí Thế Kỷ 21, số 29, Tháng Chín, 1991.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17100)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12305)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19036)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9206)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8382)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 660)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1038)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1213)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22507)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14045)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19219)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7931)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8852)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8521)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11102)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30759)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20840)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25549)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22937)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21775)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19826)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18079)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19290)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16950)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16136)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24543)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31993)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34952)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,