lê vương ngọc - thử áp dụng quan niệm về nghệ thuật và phê bình nghệ thuật của Oscar Wilde trong thơ Du Tử Lê

13 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 4189)
lê vương ngọc - thử áp dụng quan niệm về nghệ thuật và phê bình nghệ thuật của Oscar Wilde trong thơ Du Tử Lê

Trước hết, danh từ nghệ thuật đâ bao gồm các bộ môn có chất liệu hình, sắc, âm thanh và các bộ môn với chất liệu vô hình như tư tưởng, đam mê, tình cảm...

Oscar Wilde sinh năm 1854, mất năm 1890, gốc người Hòa Lan, tổ tiên sang phục vụ vương triều Anh, thế kỷ 17, và được cấp thưởng đất đai ở Ái Nhĩ Lan. Cha Oscar là một y sĩ nổi tiếng quốc tế với nhiều phát minh về chữa nhài quạt mắt, mẹ viết nhiều thơ văn tranh đấu cho sắc dân Ái Nhĩ Lan. Oscar thụ huấn tại đại học nổi tiếng Oxford, và chịu ảnh hưởng nhiều của hai học giả John Ruskin và Walter Pater, là những nhân vật chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Do đó, Osacar đưa ra: Mỹ thuật thuyết (Aestheticism,) chủ trương lý tưởng hóa cái đẹp đến độ Mỹ thuật vị mỹ thuật.

Oscar Wilde khởi sự viết rất nhiều thơ, làm báo, chuyển sang viết văn với cuốn The Picture of Dorian Gray, gây nên một cuộc tranh luận kịch liệt giữa hai phe tán thưởng và chống đối. Về kịch, Oscar có cuốn The Importance of Being Earnest, cũng thành công rực rỡ.

Thoạt đầu văn nghiệp của Oscar Wilde rất mịt mờ ở Anh, nhờ sau khi xuất bản tập thơ 1882, ông được mời qua Mỹ diễn thuyết tại nhiều nơi về văn nghệ. Khi hồi hương, sự nổi tiếng ở Mỹ đã giúp đẩy ông lên dài vinh quang tại quê nhà.

Ngoài thơ văn và kịch, ông còn gây được nhiều ảnh hưởng đương thời và sau này nhờ những bài tiểu luận về phê bình về quan niệm sáng tác và phê bìnhcác công trình nghệ thuật, ông được coi là một trong những đàm thoại gia sâu sắc, dí dỏm nhất nhân loại. Khi Thủ tướng Churchill được hỏi: “Sau khi về bên kia thế giới, Ngài muốn dược nói chuyện với ai?” Không đắn đo, Churchill đáp gọn: “Chắc chắn là Oscar Wilde.”

Quan niệm nghệ thuật và phê bình nghệ thuật sau đây của Oscar Wilde, dựa phần lớn ở tiểu luận The Critic As An Artist.

Theo ông, trong cách ngành văn nghệ thì văn chương là là phương tiện truyềøn thông tốt hơn các bộ môn có chất liệu hữu hình như điêu khắc, hội họa, bởi tự kỹ thuật những môn này khi hoàn tất coi như đã mang nội dung của chính mầu sắc, đường cong,... đầy đủ rồi (finite.) Trong khi một trong những yếu tính của nghệ thuật là bất tận (infinite.) Nên văn chương, với phương tiện diễn đạt là ngôn ngữ giúp cho người thưởng ngoạn nhìn thấy, nghe thấy và dĩ nhiên tưởng tượng thêm. Vẫn theo ông thì nhạc lại là bộ môn hoàn hảo nhất vì tính cách bất túc của nó (incomplete.) Ý nói nghe tiếng nhạc lâng lâng đi vào hồn ta, tiếp tục phiêu lãng trong cái chưa đủ, chưa thỏa mãn của trạng huống tinh thần.

Vì sống là thất bại (Life is a failure) do tính cách ngắn ngủi của cuộc đời, cùng với tính cách bất phản hồi của thời gian. Như Lý Bạch, nhà thơ Trung Hoa được Tây phương cực kỳ tán thưởng, đã viết: chiêu như thanh ty, mộ như tuyết. Nên theo Oscar, nghệ thuật phải ở trên đời sống. Và vì vạn vật trong vũ trụ sớm muộn đều bị tiêu diệt, duy nhất nghệ thuật còn sống và trường tồn qua thời gian.

Oscar Wilde cũng chủ trương nghệ thuật ngoài Luân Lý bởi kết quả tức khắc của một nghệ phẩm là khơi dậy một trạng huống tinh thần (to create a mood,) mà trạng huống tinh thần tự nó không xấu, cũng không tốt.

Trong lãnh vực nghệ thuật, Oscar Wilde cũng như Carl Jung đi tới lập luận: nguồn cảm hứng của nghệ thuật có thể tiềm tàng từ di truyền trong vô thức, kéo dài hàng triệu triệu năm, và như vậy, trí tưởng tượng sáng tạo là kết tinh của kinh nghiệm giòng giống (Imagination is simply concentrated race-expirience.)

Sang phần phê bình nghệ thuật, ở bình diện cao nhất phê bình chính là sáng tạo. Sự sáng tạo phê bình này có tính chất tế nhận, mà không phải là diễn tả. Cùng lúc, nó có tính độc lập vì nhà phê bình không giống như sáng tác gia bị lệ thuộc vào sự lựa chọn các chất liệu, đề mục của sáng tác phẩm.

Nhà phê bình cũng có thể ở một bình diện thấp hơn và chỉ đóng vai trò người diễn đạt nội dung của tác phẩm. Ngay ở trình độ này, nhà phê bình vẫn cần có một kiến thức bao quát và vững chắc về các lãnh vực văn hóa, để không rơi vào tình trạng chỉ lập lại điều sáng tác gia muốn truyền thông, và như vậy đã rời bỏ lãnh vực phê bình như một sáng tác nghệ thuật mà rớt xuống những mục điểm sách, điểm thơ, xem tranh, nghe nhạc..., thường thấy trên báo chí với mục đích phổ biến tin tức, kể cả tin tức văn nghệ.

Vì phê bình là sáng tạo, một loại sáng tạo của sáng tạo, nên để đạt tới mức độ đó, nhà phê bình xứng đáng với ý nghĩa này, phải tiềm tàng trong đầu óc, trong đời sống những tư tưởng, cảm xúc, ước mơ từ hàng ngàn vạn thế hệ trước đây. Đối với họ, không một hình thức tư duy nào là xa lạ; không một biểu tượng nghệ thuật nào là tối tăm, khó hiểu.

Nghệ thuật cao hơn đời sống. Đời sống chỉ là sự chồng chất các biểu tượng. Nghệ thuật chính là biểu tượng của các biểu tượng.

Nghệ thuật cao hơn thiên nhiên bởi thiên nhiên quá rậm rạp và thô sơ. Những bài thơ tồi cũng xuất phát từ rung động chân thành trước thiên nhiên thô sơ và rõ rệt. Cái gì rõ rệt là cái phản nghệ thuật (to be obvious is inartistic.)

Để thực hiện được phê bình như một nhà nghệ sĩ, Oscar Wide theo quan niệm không làm gì, chỉ tĩnh tọa và quán thông, nhàn lãm (contemplation) đời sống, để được hiện sinh và đang lập thành (The aim of life is not doing, but being, not being merely, but becoming.) Quan niệm này rất gần với thuyết vô vi thanh tịnh của Lão Trang. Oscar Wilde đã không nề hà thú nhận xuất xứ khi nại tới Trang Tử...“Nhà hiền triết mắt hạnh nhân nâu Trang Tử của sông Hoàng Hà đã chứng minh con người dù có thiện ý nhưng quá bận rộn với cuộc sống đã làm thui chột đi cái đức sáng sẵn có trong mình...”

Một lập luận về phê bình thật thi vị và thăng hoa của Oscar Wilde là tác phẩm có nghệ thuật phải tạo cho người thưởng ngoạn niềm ngỡ ngàng, kinh ngạc (wonder) và cảm thấy còn những điều kỳ bí (mysteries,) như vậy có vẻ chưa hoàn tất. - Chính do sự chưa hoàn tất mà tác phẩm trở nên tuyệt vời. – Chính do ngỡ ngàng và kỳ bí mà nhà phê bình đào sâu thêm, mở rộng ra, tái tạo được cái màn sương huyền ảo rất thân thiết, gần gụi cả với thần linh. Và với những người sùng bái thần linh nữa. 

Tôi đã lược ghi quan niệm về nghệ thuật và phê bình nghệ thuật của Oscar Wilde. Nay tới lúc chúng ta lựa một ít thơ của Du Tử Lê để coi xem có sự tương đồng trong thơ chàng và quan niệm trên chăng? 

Trước hết tôi chọn hai bài Ở Phương Đông và Vẫn Mãi Ở Phương Đông trong tập thơ Đời mãi Ở Phương Đông. Bài đầu, thi sĩ đã có sự lựa chọn thiên nhiên làm bối cảnh cho vỗ về, hứa hẹn:

 ...nơi sương sa như sữa suốt buổi chiều 
 nơi đêm bước những bàn chân rất chậm
 riêng hàng cây vẫn đứng đó lầm lì
 khi anh bỗng hôn em (trời lu sao tỏ)... 

Rồi từ dòng thơ “Ta sẽ thở bằng trầm hương của gió” cho tới “Hoa vẫn nở ối vàng hồn tưởng tiếc...,” vẫn là thiên nhiên được đãi lọc, thi vị hóa và phà hơi sống, nhắm mục đích động lòng người tình, gây cảm khoái cho người đọc.

Trong bài sau, bài Vẫn Mãi Ở Phương Đông, bối cảnh thời gian đã khác nên thiên nhiên cũng đổi thay. Sự lựa chọn vẫn rất tinh tế và xót xa “...và những con nước kia – còn vỗ hoài hai bên bở tâm hồn ta xoi đá...”

Nhưng điều này đã có ở bài đầu, không còn lạ nữa. Điều lạ và đặc biệt ở đây, Du Tử Lê đã dùng chất liệu từ cõi thẳm sâu vô cùng của giòng giống con người trong tiến trình sinh hóa hàng triệu năm. Tại sao lại Phương Đông? Phải chăng vì đời sống chỉ có thể phát sinh với sự ấm áp của mặt trời mọc lên từ phương đông? Trong thơ Du Tử Lê đã xuất hiện “sự kết tinh của kinh nghiệm gòng giống.” Hãy đọc mấy câu thơ sau, ta dễ cảm thấy cái di truyền xa lắc của tiền sử: 

 “...Khổ ải đã như rừng / ta cố công mở lối
 “...Ôi những móng tư thù / ngập vó đời bầm dập
 “...cay đắng đã như sông / cách gì ta lấp được...” 

Nói về tính chất di truyền và kết tinh giòng giống, tôi xin trích dẫn bài thơ sau đây, có một câu gây nên nhiều thắc mắc, thậm chí bị coi là tối nghĩa. Ai ngờ đâu chính sự tối nghĩa đó là một điều kiện tối cần cho thần linh và cả những người sùng bái thần linh như Oscar Wilde đã khẳng định; để được coi là “tới,” là tối hảo! Đó là một câu trong bài Đêm, Nhớ Trăng Saigòn.

Bắt đầu từ câu thứ nhì tới câu thứ sáu, đoạn thơ đã hội tụ đủ các tính cách di truyền kết tinh, vượt lên thiên nhiên, đọa hồn của một cặp trai gái mới lớn trong một tình yêu đầu đời dang dở mà người nữ chọn một con đường cụt bi thảm nơi một tu viện Cao nguyên; người nam mang nhục nhằn của một thân phận con dân da màu, nhược tiểu, lang bạt theo lốc bụi tàn khốc của nhân gian... Ở quê hương chúng ta, chắc từ lâu lắm đã có sự kiện đèn nến hai hàng thắp lên trong các vụ ma chay, giỗ chạp. Người nữ tu có thể nghe phong thanh người yêu chết trong những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam; đã đau xót thắp lên những hương nến trong lòng; cùng lúc nhớ lại những hẹn hò, chậm tìm thấy nhau vì màn sương dầy đặc, chỗ đậm chỗ lạt, như những vuông khăn quàng trên cổ hàng cây cuối phố: 

 “...Tìm tôi đèn thắp hai hàng
 lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây...” 

Bây giờ thi nhân tưởng tượng trong mưa bay có hồn tu xứ, nơi chốn bạn bầu thân thiết, dìu dắt, nâng đỡ người yêu bé bỏng. Rồi chợt chiêng trống nổi lên... Chiêng trống cờ xí đón ai vậy? – Quan Nghè vinh quy chăng? – Không, chàng tưởng tượng ra người yêu đau khổ tự lừa mình bằng hoạt cảnh một đám cưới tưng bừng với nhịp trống chiêng, và có lẽ thêm cả hương nồng của pháo! Nhưng thi nhân còn tế ghi được sự kiện phũ phàng tàn nhẫn của định mệnh: 

 “...Ngỡ hồn tu xứ mưa bay
 tôi chiêng, trống gọi mỗi ngày mỗi xa...” 

Chỉ một câu thôi, một câu thơ như “ngỡ hồn tu xứ mưa bay” cũng đủ choán cả tâm hồn ta, đưa ta hòa nhập làm một với vũ trụ, với dĩ vãng...

Nói về “hồn tu xứ,” trong một tình cờ, tôi được một cựu nữ tu sống trong tu viện cả chục năm để được thụ chức Ma soeur , phụng vụ Chúa, cho biết: vì tu viện là nơi đã dung nạp một khoảng thời gian khá dài, bao cảm xúc từ nhẫn nại, âu lo, thắc mắc; từ những dằng xé của tuổi dậy thì với các phát triển tự nhiên của nữ tính của “không hiểu vì đâu chim gọi nhau,” [...] tất cả họp lại như có một hồn chung, chia sẻ những manh nha tình cảm âm thầm của bày chim non dành riêng cho một sứ mạng...

Lại nói về một câu thơ cũng đủ nói lên cái tài hoa, cái nghệ thuật đã tới của một nghệ sĩ, tôi xin đan cử:

Thời kỳ sau 1945, người Hà Nội di cư khỏi nội thành đi dần vào chiến khu, tôi nhớ hai câu thơ được gán cho Nhạc sĩ văn Cao (?) “Mái buồn nghe sấu rụng – người xa xa chưa về...” Tôi có cảm giác như các mái nhà ở những dẫy phố hai bên đường trồng sấu, đều có tâm hồn, một tâm hồn biết buồn thương, tiếc nhớ. Lại khi ở Saigòn, tình cờ đọc một bài thơ trong Sáng Tạo, của Nguyên Sa, tôi nhớ câu thơ, độc nhất câu này thôi: “Tóc em chở củi làm thuyền.” (Nếu không đúng nguyên văn, xin cáo lỗi với tác giả.) Câu thơ gợi cho tôi tóc vàng của nữ lang, còn chở củi làm thuyền, tôi mường tượng tới người yêu của nàng vào núi đốn cây làm thành thuyền bè cho người vợ trẻ đẹp chở từng chuyến về xuôi. Câu thơ vang vọng mãi trong tôi cho tới nay.

Lại gần đây, một người bạn từ Chicago sang chơi vào dịp lễ Tạ Ơn, cho biết, báo chí Việt bên đó, đang ồn ào về tập thơ của Mai Thảo, Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.

Tính chất kết tinh di truyền quá hiển nhiên, những người tiền sử sau buổi săn thú, thường về các hang động, xì sụp trước các totems. Sự kiện này đã tái diễn nơi tổ tiên ta trong các ngày lễ... Và Mai Thảo thấy trong các tiến kiếp xa xưa của mình sự hiện diện đều đặn nơi các miếu đền, có khi anh viễn cảm thấy hồn văn thơ của anh có thể “trở về ngôi” như Vũ Hoàng Chương đã viết...

Vì chính đời sống của Oscar Wilde thường đi bên ngoài nề nếp bảo thủ, khe khắt của Thanh Giáo dưới triều đại Victoria, bị coi là sa đọa, nên quan niệm nghệ thuật ngoài luân lý của ông, cũng gây ra nhiều phản đối, mặc dầu, đúng như ông đã lập luận: nghệ thuật chỉ nhắm tạo ra một trạng huống tinh thần (creation of a mood,) nên tự nó không thể là xấu hay tốt. Chỉ có hành động mới được xét là hợp hay không với luân lý. Cũng như tội lỗi, sa đọa mỗi thời, theo mỗi tôn giáo, luân lý đều có thay đổi và khác nhau

Thơ của Du Tử Lê cũng vượt ra ngoài khuôn khổ luân lý bình thường, nhất là khi nói về tình yêu. Hãy nghe Du Tử Lê kêu gọi ái ân và dựa vào một khẳng định tôn giáo để dẫn dụ, cổ súy cho yêu đương trong cuốn Thơ Du Tử Lê 1967-1972, xuất bản năm 1973, trang 133: 

 ...Hãy đắp lên người anh
 thịt da em ngào ngọt
 ôi hương vị ái ân
 ứ ngực anh hạnh phúc 

 ...Hãy cám ơn tổ tông
 mở đường cho ta thấy
 tội lỗi muôn ngàn năm
 không bao giờ xóa sạch... 

Du Tử Lê cũng thản nhiên đến lạnh lùng, khi đề cập tới những điều cấm kỵ; những điều không thể nói ra; những chỗ không thể nhắc đến, như trong tập Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi, trang 41: 

 ...và ký ức trả thơm về ngọn nhớ
 ta trả ta về chỗ kín em / nâu 

Hoặc:

 ngay tự thuở thiên đàng chưa tiếng khóc
 ai di truyền gene nhớ ấy cho ta... 

Khi viết tới “chỗ kín” và “nhớ ấy” Du Tử Lê đã không kể giũ gìn đứng đắn...Và cũng không biết tới lỗi hay tội ở trong bài Tình Như Một Đường Gươm, nằm trong tập Đời Mãi Ở Phương Đông: 

 ...sống như một vết thương...
 dẫu địa ngục thiên đàng
 ta là ta trước đã... 

 ôi đớn đau xé đời
 bật lên ân nghĩa mới
 dù uống cạn tình điên
 có chi là đắc tội... 

 ...bởi tôi cần cứu rỗi
 Chúa xuống tự làn môi
 em thổi tôi lớn dậy... 

Lại nữa, trong tập Thơ Tình Du Tử Lê, trang 178, không thể nói rõ hơn về yêu đương trai gái trong phòng riêng: 

 em về trên chiếu chăn tôi
 mùi hương Tháng Chín, nụ cười cuối năm
 xót nhau bật máu, chỗ nằm
 vết răng Tháng Chạp, dấu bầm Tháng Hai... 
 ......
 da người dấu cắn răng tôi
 đó em. Giây phút mở đời đã ghi... 

Theo Oscar Wilde, một tính cách khác của nghệ thuật thành công là sự tạo mới một hình thể (form,) để từ đó trỗi dậy bản năng mỹ thuật và bản năng này không hề sai lầm trong việc phát hiện cái đẹp của mỗi sáng tác phẩm. Trong chiều hướng này ta thấy sự đổi mới trong thể thơ Lục Bát của Du Tử Lê, với 4 bài mở đầu tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, xuất bản năm 1993.

Trước hết là sự xử dụng bình thanh và trầm bình thanh hoàn toàn trong câu 6 chữ, thứ đến là sự ngắt đoạn trong mỗi câu tùy theo ý thơ, âm hưởng và hơi thơ như trong bài Nhật Thực: 

 ...chiều co. Chiều co, tay gầy
 duỗi đôi chân mỏng lên ngày tháng, lu
 môi người. Môi người đang trưa
 đỏ trong nhật thực. Ầm. Lua tiếng còn. 

Hoặc cũng như trong bài Khúc Lầm Than Hạnh T., Thứ Nhất: 

 tìm người: chim không bay ngang
 máu đông kỷ niệm, xương than, củi chờ
 tìm người: đèn nhang hư, vô
 sáng xin gia hộ. Chiều cầu siêu sinh... 

Trong số các bài thơ của Du Tử Lê lựa ra để áp dụng theo tiêu chuẩn nghệ thuật và phê bình nghệ thuật của Oscar Wilde, có những bài thơ tôi sẽ kể sau đây, dĩ nhiên có hội tụ được nhiều điểm trên, nhưng đồng thời cũng gây cho tôi một cảm giác vời xa, bằn bặt, rồi như thiếp đi trong cơn mộng du, ra khỏi địa cầu nhỏ hẹp này. Càng đọc, càng suy cảm, trong óc tôi chợt lóe lên một tia sáng: Ồ! đây chính là sự sáng tạo trong phê bình nghệ thuật mà Oscar Wilde đã đề ra. Vào cuối thế kỷ 19 là quãng đời sinh hoạt nghệ thuật của Oscar Wilde, khoa học, nhất là khoa Vật-Lý-Thiên-Văn (Astro-Physics) chưa tìm ra rằngThái dương hệ của chúng ta là thế hệ thứ nhì, có nghĩa sinh sau, hợp thành lối 4 tỷ năm rưỡi sau thế hệ sao thiên hà thứ nhất. Chính nhờ sinh sau nên thái dương hệ, trong đó có trái đất, mới quy tụ được một số hợp chất nặng và nhờ hợp chất nặng này mới có sự sinh hóa thành các sinh vật hiện nay. Trong cơ thể con người có tới 99% các hợp chất đồng tính hiện có trong các vì sao. Vậy thì đi xa hơn kết tinh kinh nghiệm giòng giống hàng triệu năm, thơ Du Tử Lê đã vô thức đi ngược dòng thời gian biền biệt về tới chỗ hầu như là khởi đầu của cội nguồn: từ các vì sao nguyên sơ cách xa ta hàng ngàn, hàng tỷ năm ánh sáng!

Trong tập Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, trang 152, bài Thiên Địa Kinh, Du Tử Lê viết: 

 trời đất mênh mông
 chẳng nơi nương tựa
 ......
 ta như trăng sao
 ở ngoài nhân thế... 

Chỉ nguyên 4 câu đã cho ta thấy linh cảm của Nhà thơ gần như được hướng dẫn bởi Thượng Đế vì tôi biết Du Tử Lê không đọc Thiên-văn-vũ-trụ. Chắc chắn Du Tử Lê không biết lý thuyết mới nhất cho rằng vũ trụ là một khoảng không vô tận, vô bờ vô bến, hệt như trái đất “không nơi nương dựa.” Rồi kiếp trước, trước mãi... của Du Tử Lê là một trong những hợp chất tiên khởi ở một tinh cầu vô danh xa vời nào đó...

Nơi bài Lục Bát Sao Kim, trang 82, tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra: 

 ...cây gùi chim đi theo đêm
 núi bưng mắt nhọn. Suối vòng cung. Riêng
 tôi lên rừng bồng sao Kim
 những chân gió thúc. Cuồng điên vực, người. 

Tôi không muốn tưởng tượng đi qua xá. Nhưng phải cảm được làm thế nào... “bồng được sao Kim” nếu thẳm xa trước đây thi sĩ không phải là một thành phần của một supernova nào đó, đã nổ tan và phân hóa ra một số các vì sao, hành tinh nhỏ khác; trong đó có sao Kim?

Nói về tính chất phản hồi về nguyên thủy vũ trụ trong thơ, tôi sẽ thiếu sót nhiều nếu không đề cập tới bài “Hạnh Phúc Cũ 27 Năm Sau Gửi Huyền Châu”, trang 41, tập Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Ngay 2 câu đầu: 

 đường trên cao. Dốc dưới đèo
 lá ôm vai tội. Cây treo giữa trời 

Đã tả y hệt khung cảnh trong đoạn đầu bài “Đêm, Nhớ Trăng Saigòn” và rõ ràng bài trước, đoạn đầu, dù tác giả ý thức được hay không, cũng đã dành cho Huyền Châu, người đã đi tìm hạnh phúc với nhà thơ 27 năm trước đây. Sau hai câu đó, là những kỷ niệm thật nên thơ, thật dễ thương của cập tình nhân có cả một thái dương hệ quay cuồng, nhẩy múa, mừng vui cho lứa đôi trong một địa đàng hiếm họa.

Điều đặc biệt sau cùng trong bài thơ này cũng liên quan tới khoa vật-lý-vũ-trụ học, là theo một giả thuyết, con người qua tốc độ của ánh sáng, có thể đi ngược về dĩ vãng, từ đó gây cảm hứng cho cuốn phim Back to the Future. Thử đọc hai câu: 

 ...năm hai ngàn. Năm hai ngàn
 tình yêu ta cũng võ vàng: thôi nôi... 

Ta cảm thấy có Back to the Future và Ahead into the Past. 

Để kết luận, tôi cảm thấy hài lòng trong việc tìm hiểu thơ Du Tử Lê dưới ánh sáng quan niệm nghệ thuật của Oscar Wilde. Tôi cũng hân hoan thấy mình đã theo được những yếu tính “sáng tạo trong sáng tạo” cần thiết của một nhà phê bình.

Cuối cùng, tôi chỉ còn ao ước sẽ có một số cá nhân hoặc một tổ chức văn hóa nghệ thuật đủ điều kiện gom vốn và sức để xuất bản một Thơ Du Tử Lê Toàn Tập như cuốn “Complete Works of Oscar Wilde” của nhà xuất bản Collins mà tôi đang đọc lại.

(Aliso Viejo 3-2-98)

(Trích "Du Tử Lê, Tác Giả và Tác Phẩm" - Tập thứ III. Tủ sách Văn Học Nhân Chứng xuất bản, California, 1998)

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8836)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17101)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12306)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19041)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9211)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 660)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1042)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1213)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22512)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14049)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19223)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7931)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8857)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8523)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11105)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30763)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20841)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25553)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22938)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21779)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19829)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18081)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19291)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16951)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16137)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24545)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31998)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34954)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,