Cao Thế Dung - Du Tử Lê thi ca và thi nhân

15 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 4560)
Cao Thế Dung - Du Tử Lê thi ca và thi nhân

Sự nghiệp của một thi nhân có thể xác định ngay từ tác phẩm thứ nhất và văn tài cũng không tùy thuộc vào kinh nghiệm và thời gian. Du Tử Lê xuất hiện trên thi đàn hiện đại lần đầu tiên với tác phẩm thứ nhất “Thơ Du Tử Lê” - tác phẩm này đã quan định ngay cho Du Tử Lê một chỗ đứng trong văn học, tuy không lớn rộng nhưng ít nhất “Thơ Du Tử Lê” cũng đã trở thành một vang vọng đáng chú ý vì nó mang một thực chất Du Tử Lê - một thực chất của rạn vỡ và thức tỉnh trong chơi vơi của một tâm thức tù hãm trong mơ.

Cái đẹp của “Thơ Du Tử Lê” như một bông hoa hàm tiếu, không mạnh như bão táp cũng không khắc khoải đến độ tan hoang và cái Đẹp kia như một cô gái vừa dậy thì chưa được trọn một lần dang dở thì bỗng dưng bị cuộc đời tước đoạt tuổi thanh xuân - và chỉ còn lại một vùng sa lầy giữa những mơ ước hão huyền với một niềm tin vừa bừng bốc đã tan - một đam mê chưa trọn:

trên giòng đau thương tôi là bèo nổi

trên giòng quê hương tôi là củi khô

tôi là củi khô những ngày thơ ấu

khói ám linh hồn lửa bốc tâm tư

 

trên con đường xưa tôi là lá rụng

trên giòng sông này phù sa nuôi tôi

phù sa nuôi tôi đi vào chiến cuộc

đất Việt da vàng máu đỏ xương rơi

 

trong khối tình em tôi là bướm ngủ

trong nỗi u buồn thế hệ thanh niên

tôi muốn rủ em nhìn về quá khứ

quá khứ tủi hờn nghìn năm điêu linh

 

nửa giòng nước suôi nửa giòng nước ngược

chợt khóc chợt buồn chợt nhớ chợt thương

 

tôi là lá khô những ngày khói lửa

những ngày tương tàn tình em không hương

(Trích Linh Hồn Việt Nam)

 

Thơ Du Tử Lê hàm dưỡng những hệ lụy của tuổi trẻ hôm nay, không phải là một chuỗi than dài. Tự bản chất thơ Du Tử Lê vốn trữ tình - ông đã nói lên một cách đầy đủ và thật lãng mạn cái nhậy cảm của hồn thơ ông bằng những hình ảnh thật đơn sơ và một thứ ngôn từ chất chứa. “Thơ Du Tử Lê” thành thực như tiếng nói của tuổi trẻ - tuy có đôi chút “làm dáng” và “ước lệ” mà trước sau vẫn chỉ là tiếng nói thành thực - tiếng nói của tuổi trẻ Việt Nam hai mươi lăm năm trong tan hoang vỡ vụn và còn tiếp diễn những kinh hoàng. Chúng tôi nâng niu “Thơ Du Tử Lê” như nâng niu chính tuổi trẻ của mình từng bị tước đoạt và như tình yêu của mình đang dâng lên trong khoảng sương mờ.

Một ngàn chín trăm sáu mươi Du Tử Lê xuất bản thi phẩm thứ hai “Tình Khúc Tháng Mười Một” -qua hình thức trang trọng và trưởng giả của ấn phẩm ta có thể mơ hồ hình dung thấy một Du Tử Lê vừa trau chuốt, vừa nghiêm chỉnh để tạo một tư thế “lớn” cho lần ra mắt thứ hai. Và thật vậy, cái tư thế lớn kia đã thể hiện rõ rệt “lời vọng hịch truyền” bài mở tay cho thi phẩm của chính nhà thơ.

 

“xướng ngôn: ta là người mù giữa muôn trùng ánh sáng - ta ban phát thương yêu cho những ai đau khổ cho những ai một đời héo khô - ta là kẻ có quyền năng vô biên giữa một vùng riêng cõi lẻ - ta cất tiếng gọi muôn loài quy tụ dưới chân ta và chìa ra những bàn tay mười bốn đốt xương khô.

“lời vọng: hãy chìa ra những bàn tay mười bốn đốt xương khô.

“xướng ngôn: ta đã nổi lửa hôm nay để đốt cháy ngày qua tương lai và những gì bội phản tình người - ta sẽ đập tan định kiến, thành trì của những giáo điều ước lệ, những vòng giây trói hãm chúng ta vào ngục tù hữu hạn tương giao - ôi xã hội với những ngả đường hoa kẽm vấy máu giăng ngang - ta đã là ta từ phút này, mặt trời đứng đó và sao cùng đứng đó, những vì sao cùng đứng đó và thu vén nỗi buồn mình thành tượng đá trong tim”...

(trích Lời Vọng Hịch Truyền).

“Lời Vọng Hịch Truyền” là một tuyên ngôn cho một tâm thức mới, một lời giới thiệu cho sự “chín mùi” của bản chất Du Tử Lê. Cái bản chất vốn nhậy cảm và trữ tình từ một “Thơ Du Tử Lê” đến “Tình Khúc Tháng Mười Một” - nó bắt đầu tỏa rộng và sâu.

nghìn đêm lửa đỏ ghế ngồi

em trong trí tưởng tôi ngoài chuyến đi

yêu em buồn đã tìm về

một thân nhão nhẹt hồn trì đáy sâu

cho em trăm giọt lệ sầu

xác tôi giòng táp chân cầu nhân gian

hãy nghe lời hát của chàng

hãy cao tiếng gọi phượng hoàng thiên thâu

yêu em đêm đỏ lửa cầu

sáng ra nước mắt chuyến tầu xe tôi.

(Hạnh Phúc Cho Huyền Châu).

Du Tử Lê bắt đầu chìm đắm hơn, ngân dài và xa xăm. Một nhà thơ vốn có thực chất như Du Tử Lê thì lẽ tự nhiên thơ Du Tử Lê phải là một thực chất sáng tạo nghĩa là những tình tự đi lên để đến đích điểm của nghệ thuật. Du Tử Lê không có những ngôn từ mới và đặc biệt. Nhưng nguồn sáng tạo của ông luôn luôn đổi thay và sự nhậy cảm của thơ ông thật chậm chờn nên thi điệu nhờ thế mà nghe như tiếng hát - tiếng hát thực sự dâng lên từ tâm thức. Ta hãy lắng nghe nỗi buồn này - như giọt mưa trên mái lá - như tiếng ru của người cô phụ - như nỗi buồn Việt Nam - như nỗi buồn rất “trữ tình” của một Du Tử Lê bén nhậy và xa xăm:

Anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ

đạn nổ đều nhưng đạn nổ rất xa

dù cho mai kia đạn nổ gần

thì cũng thế mà thôi có gì đáng lạ

không lạ chứ! phải rồi từ khi chúng mình mở mắt

 

bom đã rơi mừng đạn đã reo vui

ngày đã đau thương đêm đã ngậm ngùi

máu vẫn chảy và thây người vẫn đổ

- anh đã bảo ngủ đi cô nàng bé nhỏ

quê hương này em đã trót đầu thai

mảnh đất này hoa sớm nở sớm phai

tình sớm đẹp để rồi tình sớm lỡ

hàng rào kẽm canh chừng bọn anh những thằng toan bỏ cuộc

tiếng kèn đồng thúc dục bọn anh điên

hỏa châu soi đường dẫn lối đêm đêm

từng con mắt kinh hoàng, từng bàn chân lận

 

từng ngón tay ôm cò súng lăm le

- anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ

có gì đâu đêm đã thế từ lâu

 có gì đâu đời đã thế từ lâu.

Điệu thơ Du Tử Lê có một cái lạ rất mơn man và quyến rũ. Tiếng thơ như lời ca. Nó bồng bềnh trôi nổi. Mà cách hợp vần, hợp điệu trong thơ ông như một bộc phát tình cờ. Nó mang theo cái cao điệu của một tâm hồn đầy nhớ, đầy thương.

Đọc thơ ông, người ta có thể thấy ngay ông làm thơ như người nói chuyện nghĩa là tự nhiên không gò bó. Nhưng tự mỗi ngôn từ, mỗi mạch thơ càng đọc, thì, người ta càng thấy có sự hiện diện của một nghệ thuật mới. Nói là mới vì ông tự biết sử dụng cách thế làm thơ cho mình có một giọng riêng - nó không thể lẩn lộn với bất cứ ai.

Còn một đặc điểm khác là trong thơ Du Tử Lê có ẩn dấu một bản chất thật Việt Nam. Ông có thế giới riêng của ngôn ngữ cũng chỉ như sự phát hiện một cách tự nhiên từ bản chất Việt Nam của ông. Cũng vì cái bản chất sơ khai từ lòng Mẹ kia cho nên chất “thi sĩ” Du Tử Lê chỉ phát hiện một cách rõ rệt và rất thơ qua những tình khúc êm đềm và dịu nhẹ. Mà đặc biệt trong cái êm đềm và dịu nhẹ kia, Du Tử Lê vẫn chất chứa một tình tự phản kháng với chính thân thế qua tình yêu và nỗi cô đơn cứ một ngày thêm lớn rộng. Thơ Du Tử Lê còn đang vươn lên chiều cao. Ông đã có kích thước vừa đủ của chiều rộng và chiều sâu để tự cắm cho mình một mức giá trị có thể tiêu biểu cho một khuynh hướng mới trong thi ca hôm nay: Một thứ phản kháng trên tình tự lãng mạn - Một lời thú tội trên cung bậc trữ tình, trên một hệ số Anh Nhìn Về Anh Qua Em.

tôi chả còn gì để nhớ, tôi chả còn gì để quên

đêm như những con rắn hoa trườn mãi

ngày như những con ngựa hoang chạy dài

tôi còn gì để nhớ, tôi còn gì để quên

em như điếu thuốc lụi tàn

sợi khói tan và không hề lưu dấu

nhìn vào khoảng trống đời anh

lềnh bềnh những vết dầu loang nhơ nhuốc

anh một mình cứ hôn tay anh - năm cành gai nhọn héo hon

làm gì để nhớ, làm gì được để quên

buổi chiều sừng xững mọc trong quán

ly cà phê tối tăm rồi đôi mắt xanh đen

cô cashier lai Tây

người bồi đồng phục trắng mềm mại như con bạch nga

tất cả âm thầm chảy vào ly cà phê anh uống

chiều ngủ rồi! Chiều ngủ rồi trong anh

chiều đi rồi! Chiều đi rồi trong anh

thế nào rồi cũng nhớ - thế nào rồi cũng quên.

(Vết Sầu Trên Nhánh Linh Hồn)

Thơ Du Tử Lê có một giọng đặc biệt, vừa tự nhiên, vừa sôi nổi và hồn hậu. Tuy ông bị ám ảnh bởi một thứ thi điệu nhịp nhàng và theo thứ thanh âm trầm bổng của nhạc nhưng nguồn rung cảm của Du Tử Lê vốn dĩ xúc tích và sống động nên chất thơ nhờ thế mà phát hiện một cách tự nhiên như sự một phản ứng tự nhiên của cân não và tâm hồn.

Thơ Du Tử Lê - nhìn một cách toàn bộ - đẹp như tuổi thơ, bi thảm như một chuyện tình Chức Nữ Ngưu Lang và hấp dẫn người đọc theo cái tươi mát của một trái nho vừa chín.

hãy nghe tôi đi

hỡi người tình nhỏ

hãy nghe tôi đi

lời chiêu ca này

dỗ hồn về đậu

trên hai nhánh vai

một người vô tội

đưa lòng về gội

mưa nắng sông tôi

một giòng đắm đuối

trên sông tình dài

 

phải thế không em

chiều đã tha chiều

đi tìm bóng khuất

đêm đã nhủ đêm

thầm chăn gối ấm

hãy nghe tôi đi

hồn đà chín đỏ

thà tình yêu đó

như giọt mưa ngang

thà đời sống đó

như nỗi muộn màng

trong ngày tháng lụn

 

hãy nghe tôi đi

dỗ hồn về đậu

trên hai nhánh vai

một giòng mắt khép

trên lưng tình dài

(Trích Trên Lưng Tình Dài).

Giòng thơ trôi theo một nhịp mang cái lênh đênh và phiêu bồng như tiếng gió và thông reo. Thi điệu của nó như van lơn trong nỗi rời rạc của tâm thể. Thơ Du Tử Lê có một thi điệu đặc biệt tuy không lạ nhưng tới. Nó chất chứa đủ một hơi thơ giàu và có dồn nén một cách thật ấp ủ trong điệu của thơ. Giữa những người làm thơ hôm nay thì Du Tử Lê là một chân dung hồn hậu. Thơ ông đã bày tỏ chất phiếm du của một người đã phong nhụy chất thơ trên đường đời, trong đó tình yêu như ánh sáng. Bài Bến Tâm Hồn là một điển dẫn:

* bài tặng anh chị quỳnh

lênh đênh hồn ngủ phương này

thương mưa Hà Nội nhớ mây Hoàng Hà

mười năm dài những xót xa

bờ hoang bến quạnh thiết tha ngọn nguồn

mênh mông hồn ngủ phương buồn

đêm sương Cầu Giấy Chợ Hôm canh gà

tóc thề nẻo gió áo hoa

trôi từ chinh chiến trôi qua điêu tàn

lênh đênh hồn cắm sào ngang

năm Ô tuổi nhỏ buồn hoang ngọn cờ

(Bến Tâm Hồn)

Như trên đã nói, tiết điệu trong thơ Du Tử Lê thật đặc biệt. Nói là đặc biệt vì tiết điệu ấy pháy hiện tình cờ mang theo cung độ của sự lên bổng xuống trầm ăn khớp với từng ý thơ - hay đúng hơn hòa theo từng cơn ba động của tâm hồn và cân não theo vận hành của nhịp tim.

Du Tử Lê sáng tác rất mạnh. Làm thơ đối với ông như thể một sinh thú nuôi dưỡng lòng đam mê. Thơ ông còn là nơi trú ẩn của tâm hồn ông vốn thường xuyên đơn lạnh. Thơ ông phần lớn là tiếng tình vọng của một người “yêu rất nhiều mà... không được bao nhiêu” trong suốt tháng ngày vẫn miệt mài đuổi theo cơn tình mộng, nuôi dưỡng nó cho tâm hồn nguôi ngoai những phiền muộn cùng nó.

Bài “Cho Ngày Mười Bốn - Mười Một” cũng đủ nói lên phần nào tâm trạng của Du Tử Lê trong một vùng băng rã của yêu, mà con tim tựa hồ như con chim non sợ ná bởi đã từng mang thương tích. Kẻ săn đuổi không ai khác hơn giai nhân mà mình hằng tôn thờ.

1.

bao giờ mưa cũng kéo qua tháng mười một

trời thì thấp, mây thì nặng, ngày thì dài và đêm thì xanh

(đã năm năm liền rồi, như thế)

em có còn đó hay khônh

khi ngày mưa trở lại

lúc cuộc tình đã qua

những ngày mưa bẻ gập đời anh thấp xuống

cho nỗi buồn mưng lên

chín trên từng ngọn cỏ

khi ánh sáng tình em

phút tình cờ bỗng tắt

đời nhạt nhẽo liếm môi mình cũng nhạt

tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây

em phải nhớ dùm anh

lệ không chảy

dù tim ứ tràn máu mặn

hồn không tan vì đeo đá đau thương

 

2.

bao giờ mưa cũng kéo qua tháng mười một

trời thì thấp, mây thì nặng, ngày thì dài và đêm thì xanh

(đã năm năm liền rồi như thế)

em có còn đó không

khi ngày mưa trở lại

lúc cuộc tình đã qua

sân khấu đời vẫn vậy

diễn lại một thói quen

mưa mỗi năm một lần

đêm hằng hằng bóng tối

chỉ riêng cảm tình ta

mỗi ngày một lạ lẫm

khi yêu em tôi cạn hồn đắm đuối

đời chẳng còn gì hơn

ngoài những tờ thư cũ

tôi sống nốt đời mình

trong dối lường tất cả

tôi chỉ đúng là tôi

khi nghĩ về một người (đã mất)

tình yêu là mảnh đất

sớm muộn gì cũng mọc lên loài cây hối tiếc

ta chỉ thấy được mình

trong khu vườn cây ấy

tôi ước ao một sáng trời hồng

người tình cờ ghé ngang vườn tôi

và xin nhớ đừng kinh ngạc

nếu đọc thấy tên mình

trên tấm biển đề trước cổng

(có thể nét khắc lúc đó đã hơi phai

nhưng tôi vẫn tin còn rõ lắm

bởi tấm biển đá kia

chính là tim tôi

với thời gian hóa thạch

và dao dùng để khắc

không có gì khác hơn những mảnh xương tôi vỡ vụn)

phải thế không huyền châu

trái sầu nào chả chín

lúc cuộc tình đã bay

có nỗi tuyệt vọng nào

không đeo cổ những người bất hạnh

vì thế mà lúc chết

ta không thể đứng yên

cũng rất khó ngồi cho vững

bởi thế nào rồi cũng ngã vật

nằm ườn như khúc cây

trên một giòng nín lặng

 

3.

bao giờ mưa cũng kéo dài qua tháng mười một

trời thì thấp, mây thì nặng, ngày thì dài và đêm thì xanh

(đã năm năm liền rồi, như thế)

em có còn đó không

khi ngày mưa trở lại

lúc cuộc tình đã qua

tôi vẫn còn mở mắt

trông bóng người không in

tôi vẫn còn khối óc

ghi đủ tên tuổi người

và những lời hứa hẹn

tôi còn nguyên khối lệ

mừng người khi hay tin

vĩnh biệt thời con gái

tôi còn đủ đôi chân

để đi bên cuộc tình

(của người và chồng con)

cho đến ngày nhắm mắt

phải thế không huyền châu

 

CAO THẾ DUNG

(Thi Ca và Thi Nhân, 1968)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17067)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12275)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18998)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9181)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8360)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 622)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1185)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22479)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14017)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19188)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7904)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8504)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11072)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30723)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20821)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25518)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22915)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21738)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19795)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18060)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16926)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16118)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24514)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,