Chỗ Một Đời Em Vẫn Để, Dành

25 Tháng Sáu 201912:00 SA(Xem: 4668)
Chỗ Một Đời Em Vẫn Để, Dành

rừng mưa tháng chín, môi tôi: mặn
chỗ một đời em vẫn để, dành.
thơ dtl.

Đã lâu, rất lâu, chẳng những không viết thư cho Dự, tôi còn tập quen với ý nghĩ “Dự chết rồi,” hay coi như, đời mình, chưa hề biết một người tên Dự. Dù, liên tiếp mấy chục năm, Dự hiện diện bên cạnh cuộc tình tôi và Phối, như chiếc bóng cần, thiết. Đôi khi chiếc bóng mang ý nghĩa cần yếu và thân thiết hơn chính hình thật. (Hoán vị này, phải thành thật thú nhận, có lúc, chính tôi (luôn Phối và Dự) cũng không thể xác định chúng biến thái ra sao/ trường hợp nào? Tôi chỉ muốn nói, nhiều lúc, tôi quên bẵng Phối (tựa Phối không có mặt,) để chỉ thấy Dự như mối bận tâm, nỗi âu lo, ám ảnh thường trực. Khi ấy, dĩ nhiên, tôi chớ hề nhớ Kháng (bạn tôi,) người yêu của Dự. Có thể trộn lẫn đó làm Phối nghĩ ngợi, tủi thân mà, Phối không (hay có) biết? Cách gì, tôi cũng chưa một lần, đề cập. Tôi không muốn Phối lẩn trốn / xác nhận (hoặc tôi phải ra sức chứng minh, thuyết phục Phối, để cực lực bảo vệ nhận xét của mình.) Điều ấy, “thường thôi,” như Phối luôn nói vậy.

Không “thường thôi” sao được, khi Phối và Dự là một. Họ là một tới mức cả gia đình Dự, từ Đẻ, các anh Thụy, Ky, Xưởng, Sáu tới bà con xa gần… chẳng còn thấy một khác biệt nào, giữa hai người.

Không “thường thôi” sao được, khi mới gặp Dự, nơi chân cầu Tràng Tiền, qua đôi mắt thuyền/ khoang chất chở đầy trăng, đính trên dòng tóc nhung, gấm mưa đêm, tôi thấy, tuồng giữa tôi và Dự đã (sẽ) có với nhau rất nhiều kỷ niệm. Chưa kể, Dự hiểu biết về tôi, hơn cả chính tôi nữa.

Không “thường thôi” sao được, khi theo Phối về nhà, ngay lần đầu tiên, Đẻ đã nhìn tôi như một đứa con, thất lạc lâu ngày, gặp lại, chứ không phải “con vật lạ,” đến từ một chân trời huơ hoắc. Dù, sự xuất hiện của “Bắc kỳ” là tôi, khiến bầu khí ao tù, êm ả, ương ương của khu xóm Chợ Mai, chòng chành, vỡ, rạn không ít.

Thường thôi,” cách nói của Phối cho thấy, nếu có một trục trặc, một tai nạn tình cảm bất ngờ xẩy ra giữa tôi và Dự, chắc Phối sẽ câm, lặng chịu đựng. (Phối từng như vậy. Dường Phối chỉ kinh ngạc trước những may mắn, hạnh phúc có được?!)

Tôi tin (cũng thường thôi,) Dự sẽ không phủ nhận: Quan tâm của tôi, mang đến cho Dự những cảm nhận, rung động khác. Khởi tự những cảm nghĩ, rung động kia, tôi biết, đôi khi (nhiều lúc,) Dự nghĩ tôi cũng yêu Dự (như Kháng) vậy. Dự có quyền đó.

Một người nữ có duyên (biết mình có duyên,) thông minh (biết mình thông minh,) lãng mạn (biết mình lãng mạn,) lại có khả năng diễn đạt (một cách quyến rũ,) tâm trạng, ý tưởng, ham muốn của mình bằng cử chỉ/ lời nói/ chữ viết thì, hơn ai hết, họ có quyền (đinh ninh,) chẳng người đàn ông nào tiếp xúc với họ (ít/ nhiều lần,) mà không tê liệt thần kinh, ngẩn ngơ mơ tưởng. Mỗi người đàn ông sẽ chết cách (thích hợp với nhân cách, trình độ) của họ.


Có thể, tôi đã yêu Dự, nếu Dự đừng biểu lộ (cho thấy ít đi) lòng tự tin (quá mức) nơi mình. Tôi vốn không thích những người nữ lúc nào cũng căng, nứt niềm tin nơi nhan sắc, tài ba, thậm chí đức hạnh. (Đó là loại người nữ tự làm đầy, tràn, chính mình.) Họ không chừa khoảng trống (nhỏ thôi,) cho người đàn ông len chân, rót, góp phần riêng. Niềm tin kia, khiến tôi e ngại đụng chạm. Tôi sợ nó sẽ kêu lên bong bong, như những hồi chuông bất thường, ngoài khóa lễ.

Nói vậy, không có nghĩa tôi là người đàn ông có cá tính mạnh mẽ (trái lại.) Tôi vốn là kẻ nhẹ dạ, lạt lòng, mau nước mắt… Chẳng thế mà C. nhiều lần đã phải thốt lên rằng, “Ông Chỉnh là người đàn ông già đầu/ non dạ.” Hay “Người đàn ông lấy sự lạt lòng làm… vui, là ông Chỉnh.” Nhưng, cũng không thiếu người lại bảo, bản chất tôi, thâm độc, tàn nhẫn, bội bạc…

Chẳng biết ai đúng. Chỉ biết, cuối cùng, tôi đã thất bại. Hoàn toàn thất bại trong nỗ lực coi như “Dự chết rồi. Dự không hề có mặt.”

Trở về từ San Jose, (qua Phối,) tôi được đọc lá thư mới nhất của Dự. Lá thư, như mặt khác/ phần (tối tăm) dấu kín/ phần (u uất) nuốt chửng/ phần (ẩn ức) nhận chìm/ phần…/ phần… / Phần chân thật nhất nhờ trút bỏ được mặc cảm, nữ trang (tinh thần,) lụa là (hãnh tiến,) để hiện ra như một con người thiên nhiên (trần truồng,) với tất cả nhỏ nhoi, bấp bênh, thiệt thòi, bơ vơ, yếu đuối, run rẩy của một người nữ, (cuối cùng) hiểu ra mọi điều đều đã dĩ lỡ.


Lá thư chấn động, ám ảnh, tê liệt tôi nhiều ngày. Như tình cờ, trước đây vài năm, tôi được biết, Dự mách Kháng: Tôi yêu Dự. Vì thế, tôi cũng là người mách vợ Kháng chuyện tình hai người. Khi trao đổi nhau những “tin tức” đại loại, Dự quên rằng, chính tôi đem Kháng về nhà, giới thiệu cho Dự. Dự quên, tôi (luôn Phối,) từng tiếp tay thêu dệt, che, đậy cho cuộc tình họ đẹp hơn nó là. Kháng biết sự thật không phải vậy. Tối thiểu cũng phần sau. Nhưng “không có thì giờ nói lại.”

Càng lúc, tôi càng thêm đinh ninh (chấp nhận) tôi được sinh ra để khứng chịu những hàm oan/ bất công/ ngộ nhận tồi tệ từ mọi phía. Mỗi người, tùy trình độ, vị trí, mặc cảm mà, vẽ vời (chi tiết,) tưởng tượng (quả quyết) về tôi.

Có người trưng, vẽ tôi trong hình ảnh của một tên đại ma đầu trong tình trường. Có người hình dung tôi, quái vật ba đầu, sáu tay, cùng lúc xuất hiện ở ba, bốn nơi khác nhau. Mỗi nơi cách nhau không dưới nghìn dặm… chuyên dụ dỗ con nít! Có người lại đem cả danh dự (?) để thuyết phục người khác tin, tôi là kẻ có hình thù dị hợm. Bệnh hoạn. Lụ khụ. Xơ xác. Thiếu ăn. Thất nghiệp. Sắp chết đến nơi. Đêm không chỗ ngủ. Ngày không chỗ đi. Không địa chỉ. Không điện thoại… Vậy mà lại chuyên môn cù rủ được (mới kỳ) đàn bà, con gái… Khiến bà thì, lạy van tôi, buông tha con gái bà. Ông thì bỏ công ăn vệc làm (bao nhiêu năm!) để truy lùng tôi, hầu cứu vãn những gia đình chưa bị tôi làm cho tan nát!!!!

Người có đầu óc phong phú, tiểu thuyết hơn, hôm trước mới hả hê mô tả tôi là người tốt! Hôm sau, lại gân cổ (thiếu điều đánh lộn,) quả quyết tôi, ác quỷ đội lốt người… Riết rồi chính tôi, cũng chẳng biết mình là ai!

Là ai, liệu có quan trọng đối với kẻ (được sinh ra để) khứng chịu mọi nguyền rủa về những việc y không (chưa) làm?

Tôi không hề giận Dự. Tôi vẫn dành cho Dự nhiều điều chưa dành cho ai (trong khả năng của mình.) Như thể đó là cách tôi đền đáp trân trọng tấm lòng của Đẻ/ ngôi nhà cổ, hiu hắt hóc sâu trong lối nhện khu xóm Chợ Mai. Nơi cưu mang gieo, trồng những hạt giống dậy thì khác, tươi tốt, khỏe mạnh hơn trong vườn luống thanh xuân Phối, vốn cỗi cằn, hư, xấu. Tôi chỉ giận mới đây thôi, khi Dự chuyển những phỉ báng, bỉ thử dành cho tôi, sang Phối. Tôi quen nhận chịu oan ức cho mình. Nhưng không thản nhiên được, khi điều đó xẩy tới cho người thân. Tôi hiểu, cách gì, Dự cũng đã cho thấy, thì ra nàng cũng tầm thường (như tôi, như Phối. Như. Như… Bất cứ.)

Tôi nghĩ, có thể tôi, chính tôi mới là người không đúng, khi chắc mẩm Phối phải nhận được từ Dự, những tử tế, tốt lành mà, Dự không cho được người khác. Dù sao, mối liên hệ giữa họ, (tôi tin,) vốn là một tựu thành trên mức eo óc, ì xèo nhân thế. Nếu nó không cao trên những nhỏ mọn, ghen tuông, bản năng thì, chí ít cũng phải khá (khác) hơn… thói đời.

Phối bảo, nên thông cảm Dự chứ đừng giận. “Nên tội nghiệp nó.”

Tôi không có được cái tâm bao la ấy! Cuộc đời, xã hội chưa một lần dành cho tôi sự công bình (đồng ý đi!) Nhưng tôi, có quyền chăng, khi luôn quyết liệt đòi hỏi sự công bình cho kẻ khác? Hay, đòi hỏi này nơi tôi, cũng chỉ là sự tiết lậu những oan ức mình hằng gánh chịu?

Tôi từng bảo Phối, tôi không muốn nghe nhắc tới Dự. Tôi không muốn nhớ, trên mặt đất, trong đời tôi, có một người tên Dự. Tôi bảo Phối, hãy giữ cho riêng mình, những thăm hỏi, tin tức, tình cảm, lời ngợi ca của Dự (dành cho tôi.) Tôi cực đoan, ngu xuẩn như con bò tót, điên tiết, nổi cơn, liều mình với manh vải… đỏ.

Dẫu vậy, mặt khác, mỗi khi hoàn cảnh cho phép, trong danh sách những người chúng tôi muốn giúp đỡ, bao giờ Dự cũng có mặt đầu tiên. Như ám ảnh thứ nhất, ký ức tôi.

Tôi có thể hình dung nơi chốn lá thư được viết. Tôi có thể hình dung Dự trong thời khắc ăn/ ở với lá thư, cùng hoạt cảnh đời sống, biến động tâm lý chung quanh/ bên trong nàng mà, không sợ sai lắm.

Mới bảnh mắt, thành phố đã nghẹt thở vì tếng động. Hơi nóng gia tăng cấp số nhân. Không ai có thể xác định bao nhiêu buồng phổi chia nhau một thước khối không khí. Và, cứ bao nhiêu con người được chia chung một giường, chiếu. Đám đông như bầy cá tróc vẩy, láo liên, lôm côm sắc mầu, lúc nhúc, tranh nhau há miệng thở. Không chỉ những người ở dưới thấp, người trên cao cũng ngẳng cổ hít lấy hít để lượng không khí nóng rẫy. Tựa nếu không làm thế, kẻ khác sẽ chiếm mất phần của họ.

Saigòn, từ ba triệu dân, vọt lên bảy, tám triệu. Dân số/ điều kiện vệ sinh tăng/ giảm nghịch chiều. Như lòng xót thương kẻ nghèo khó, hiếm thấy nơi người giầu. Đóng góp thêm cho Saigòn “phồn thịnh,” là bụi, phân, rác, mồ hôi, xú uế, hơi nóng, bản năng… phần chính; ngoài người từ miền Bắc vào, còn dân chạy loạn từ tỉnh lẻ. Trong số đó, có Dự và Phối.

“Đây là thế giới còn lại, duy nhất của riêng em, mỗi khi được rảnh rỗi.” Dự kể.

Tôi thò đầu ra khung cửa sổ duy nhất của tầng lầu thứ năm. Khung cửa có diện tích ba, bốn lần hơn cái mặt ốm o của mình, kiếm chút gió. Cảnh vật dưới thấp, trong đôi mắt cận thị không đeo kính của tôi, như một khối rác lỏng bầy hầy, chuyển dịch. Sóng sánh. Sự chuyển dịch của dòng người, xe cộ. Cái sóng sánh của mọi thứ mùi trộn lẫn, bốc hôi với tốc độ “phi mã.” Trên mười năm trôi trong khối rác lỏng, thở quen mùi nước tiểu, phân người/ súc vật, mồ hôi, hơi rượu…, ở bất cứ xó góc nào trong nhà/ ngoài đường, đôi lúc còn thấy tức thở, tôi không biết anh Chỉnh sẽ chịu đựng được bao lâu nữa?


Tôi cố gắng vận dụng khả năng bình tĩnh, nghị lực nén xuống nghẹn ngào (mặc cho nước mắt (ai đó,) dàn dụa trên mặt mình. Sẽ chẳng còn một cơ hội khác, để trối trăn, ngày mai, để soi bóng, ngày cũ. Tôi nghĩ.

“Mười tám năm nay, nơi khung cửa đó, lần nào em cũng chỉ có một câu hỏi: “Không biết giờ này ở Mỹ, anh đang làm gì? Với ai? Lặn ngụp trong hạnh phúc thừa mứa, trong rượu thịt ê hề, liệu có giây phút nào, anh nghĩ tới em?”

Tôi nói. Nói. Tựa quanh tôi, không có các con, anh Chỉnh. Tôi nói, lảm nhảm như mỗi sớm mai, ngồi canh nồi vịt luộc, với tiếng lép bép của những cục than ướt/ khói cay/ nước mắt/ tiếng động/ bước chân nặng (bám, níu trên mấy chục bậc thang hẹp, dốc.) Tiếng chửi thề/ tiếng rao hàng/ tiếng rít, rú (những chiếc Honda dream trâng tráo phô bày/ biểu diễn những tự mãn lợm giọng của bầy thú đổi đời/ những dẫy dụa tuyệt vọng của đám heo, chó bị thọc huyết/ tiếng ngáy/ trở mình/ nghiến răng/ nói mớ của Sơn bên kia tấm màn lửng, sau cuộc làm tình hùng hục, hấp tấp, hớn hở, choe choét trên thân thể lạnh tanh của tôi, cùng rớt rãi bò ngoằn ngoèo trên lớp da nhẫy mồ hôi, che ngoài túi thịt xệ, chảy những đần độn tàng ẩn và, mánh mung vặt vãnh, hể hả thoát qua khe hở trắng nhờ của đôi môi khôn khép hết.)

Tôi nói. Nói. Không cần biết có thể chính câu chuyện, giọng nói, hơi thở, mùi quần áo lâu ngày không giặt, mùi chăn màn cũ, mùi chén bát, mùi gạo, mắm, mồ hôi, ân ái, nghiến răng, nói mớ, lợm giọng, tự mãn, rớt rãi… đã tăng thêm độ nồng nặc của căn hộ vỏn vẹn tám thước vuông. Tám thước vuông cho năm mạng người, một chiếc giường, hai lò than, một bếp dầu, hai nồi cháo vịt lề đường bán cho khách và, hơi xăng, bụi xe, chân người…

Tôi nói. Nói. Với chiếc quạt rách trên tay. Quạt cho anh Chỉnh. Quạt cho những giọt mồ hôi mặn, chua và, nước mắt tôi, khét khói, hoan lạc!

“Em biết chứ, anh Chỉnh. Em biết em sai sau ngày Kháng hẹn trở lại đem em đi. Em nhớ, đó là mồng ba Tết. Mồng năm Tết em vẫn nghỉ dạy, ở nhà chờ ảnh. Buổi tối, ảnh đi với cháu Huân, ghé Chợ Mai. Ảnh bảo, ngày mai, trễ lắm, mồng năm, ảnh trở lại. Ảnh dặn dò em không được đi đâu. Không được ra khỏi nhà. Bất cứ lúc nào giao được đơn vị cho người khác, ảnh sẽ đến ngay. Ảnh còn nhắc nhở em phải tắm rửa/ gội đầu/ chọn quần áo trước… Phải chải chuốt mái tóc mà, ảnh yêu nhất (yêu hơn bất cứ thứ gì khác, trên thân thể em…)

Anh Chỉnh ơi, làm sao không tin cho được! Ảnh bảo, ảnh sẽ đưa em về cúng đầu năm bên nhà ảnh. Hai đứa sẽ chúc Tết mạ ảnh. Sẽ lì xì cho cụ trước khi ảnh cho em lên chùa…”

Dường gió cũng nghẹn theo lời kể của người đang làm cuộc tự thuật với chính mình. Hàng cây sao bầm tím thương tích bên kia bức tường trắng ngả đen, lén lút ngó xuống những khẩu hiệu ca ngợi chế độ mầu đỏ trợn trừng trên nền vôi trắng quét vội, tương phản với hàng chữ đen (mang nội dung cấm đổ rách và phóng uế, khiêm nhượng chân tường,) trong nắng lóa, trông nhấp nhô như thân thể đám con nít thiếu ăn, quỳ dưới những khuôn mặt hồng hào, ngồn ngộn thịt của lớp nhà giầu, mới.

Tôi kể mồng bảy đi qua, mồng mười tới, tôi vẫn không nhận được một tin tức gì của Kháng. Ngay chú tài xế cũng không ghé qua. Tôi bỏ trường, bỏ lớp. Tôi bỏ dạy. Bất cần. Tới đâu thì tới. Sự bặt tin Kháng làm tôi hốt hoảng. Tôi chỉ mong được gặp chú tài xế. Tôi chỉ mong có ai đó, cho tôi theo tới nơi Kháng đóng quân.

“Anh biết mà, đó là tháng Giêng. Quảng Trị mất. Ban Mê Thuột mất. Anh biết mà, em không thể sống, không thể làm bất cứ một việc gì, ngoài việc ngồi trên lửa, trông tin ảnh. Những lần ảnh hẹn em có sai. Nhưng chưa bao giờ không tin tức. Không về được, luôn luôn ảnh cho lính về báo.

Đứng, ngồi giữa đống than cháy bằng chính ruột, gan mình, em đâu dám ra khỏi nhà! Tới nhà mạ ảnh, cũng không. Em sợ ảnh đến. Không thấy em, ảnh la. Em sợ mạ ảnh hỏi, ảnh đâu? Làm sao em trả lời? Em sợ thấy mạ ảnh, em sẽ không cầm được nước mắt. Em khóc giữa ba ngày Tết, coi sao được phải không anh? Tết nhất mà mình buồn, mình khóc, Đẻ bảo xui lắm. Đẻ bảo, Tết phải cười. Tết phải vui vẻ.

“ ‘Đầu năm vui vẻ, tươi thắm, suốt năm may mắn, cầu gì được nấy… Cứ chù bụ như tụi bây, cả năm xui mạc máu cho coi!’

Đẻ bảo như thế đó, anh Chỉnh. Em không tin mình sẽ được may mắn, hạnh phúc cả năm. Khi yêu anh Kháng, điều duy nhất em hiểu là, chẳng thể có một phép lạ nào xẩy đến cho em. Nhưng cần gì! Em chẳng cần gì hết. Ngoài việc lâu lâu, được thấy ảnh. Ngoài việc lâu lâu, được tin ảnh còn sống, mạnh khỏe. Anh không tin sao? Anh Chỉnh, anh phải tin. Phải tin em như tin lời thú tội của một người sắp chết. Chết ngày ảnh bỏ đi không một lời. Anh Chỉnh, anh phải tin, em gượng cười, nén khóc chỉ vì sợ, mình sẽ mang điều bất hạnh, xui xẻo đến cho ảnh. Là người sống từng phút, từng giây với mũi tên, hòn đạn, anh Chỉnh hiểu chứ, em thương ảnh, em nín nhịn, em không đủ can đảm làm ảnh buồn, dù chuyện xẩy ra cho em, có tày trời. Anh Chỉnh, Phối có kể anh nghe chuyện chị Hương vợ ảnh từ Saigòn, mang súng ra Chợ Mai kiếm em không? Có hả? Đó… Đó…

“Anh Chỉnh, khi gặp ảnh, em không một lời than trách. Ảnh nghi người này, người kia. Ảnh nghi cho cả anh nữa! Hết thẩy, em đều gạt đi. Em chỉ nhắc ảnh, còn được gặp, được nằm trong vòng tay nhau, đã là một phần thưởng quá lớn…

“Anh bảo sao? Anh nói gì, anh Chỉnh? A… rồi sao nữa hả? Rồi Tết đi qua. Đẻ hối em đi dạy lại. Sáu, Xưởng mạt sát, chửi em ngu! Chúng bảo em mê trai.

Chúng lên án anh Kháng. Chúng gọi ảnh “Thằng đểu.’ Là… mà thôi. Em không muốn nhắc. Không. Không. Đừng bắt em nhắc. Đừng bắt em nhớ. Em không muốn nhớ chuyện gì. Bất cứ chuyện gì, điều gì không tốt về ảnh. Để khỏi nghe, để chị, em khỏi cãi nhau, chửi nhau, em xếp quần áo vô rương. Cất son, phấn vô tủ. (Những son, những phấn, những áo, quần… một năm sau được mặc tới. Chúng được dùng đến. Nhưng trong một hoàn cảnh với, một người đàn ông khác. Không phải anh Kháng.)

“Em trở lại trường, lớp. Trở lại ngôi mộ nổi chôn giữ tuổi thanh xuân em…

“Anh Chỉnh nói sao?

“Không. Anh không nói gì cả. Anh hiểu, sống, dù thế nào, vẫn triệu lần dễ hơn tìm cái chết.”

“Anh nghĩ thực vậy?”

“Rất thực. Bởi chính anh, nếu được hỏi, cũng sẽ không có cách nói nào khác!”

Tôi nghe được tiếng thở ra, rất dài, của anh Chỉnh. Tôi biết anh không thể thành thực hơn, với những thất vọng, ê chề nuốt xuống. Tôi nghe được tôi, cũng thành thực không kém. Tôi thành thực thú nhận, không còn, dù một lời xin lỗi. Tôi biết anh Chỉnh đến đây, không để nghe chuyện tôi. Anh tìm Phối. Anh muốn giáp mặt cái anh gọi là trắc ẩn. Điều anh gọi là tình nghĩa. Những thứ anh tưởng, không còn. Giống thú hiếm biến mất từ lâu trên địa cầu này.

Tôi đã thuê ông xích lô báo tin cho Phối. Tôi cũng cho anh biết, đừng hy vọng Phối tới. Tôi nói đỡ cho bạn, “Bất ngờ quá, có thể Phối bận. Có thể không tiện cho Phối. Dù sao… Dù sao…”

Anh Chỉnh trả lời tôi nhiều lần, “Anh hiểu. Anh hiểu.” Mỗi chữ “anh hiểu” của anh, đều đi kèm với cái gật đầu mạnh mẽ. Làm như anh sợ, nếu không có thêm cái gật đầu kia, tôi sẽ không… hiểu! Anh đâu biết, chính anh mới là người không… hiểu! Tôi thấy bất nhẫn làm sao, ngỡ mình có thể khóc ngay tự câu “anh hiểu” và, cái gật gật đầu thứ nhất của anh!

Nhưng tôi làm được gì cho anh Chỉnh? Như tôi biết, xót, thương tôi cách mấy, anh Chỉnh cũng không thể mang Kháng về cho tôi. Dù Kháng có trở về trong tư thế của một xác chết. Chẳng ai gánh vác được định mệnh người khác, trừ sự dối trá chính mình và, chung quanh. Như tôi tiếp tục nói. Nói.


Nói, phương tiện, khả năng duy nhất, đời sống mới chưa tước đoạt khỏi tôi. Nói. Nói chút còn lại, sau gần hai chục năm, cho thấy, bề gì, tôi cũng còn có chỗ khác hơn con vật. Hơn được nhiều người. Những người tự cắt đi chiếc lưỡi của mình - - Dù có thể dùng nó, để chỉ nói về một cuộc tình, đã chết. Tôi nói với anh Chỉnh, ý nghĩ này. Mặc dù điều đó, có thể làm anh nhói, buốt. Tôi bảo, tôi sai với Sơn. Tôi biết, trao thân cho Sơn xong (như trước khi chết, người ta thèm khát được nếm mùi đời/ mùi xác thịt  mùi ân ái/… Và, tự hào, mình đã trả được thù đời/ thù người…) Tôi nên quay lui. Tôi nên trở lại với chiếc bóng (đìu hiu, bất hạnh) của mình.

“Người ta có thể chạy thoát lương tâm, trét phấn cho phản bội, chiêng trống rùm beng cho bản năng. Nhưng không ai chạy thoát bóng họ. Chẳng là, thủy chung chiếc bóng đó, không hề biết lên tiếng!”

Tôi nhìn nhận, nếu ngay thẳng, liêm sỉ một chút, tôi nên vậy. Nhưng không. Có thể tôi hèn. Có thể tôi quá tha thiết được sống. Có thể nhục cảm, những rung động thân xác cho tôi niềm tin: Cửa thiên đàng mở lớn (cho riêng tôi.) Như một đền bù, một phần thưởng lớn lao (cũng cho riêng tôi,) sau tận cùng, mất mát.

“Nhưng em nhầm. Không lâu sau, em thấy em nhầm. Sự lầm lẫn bật, lóe chói gắt trong những cuộc làm tình miễn cưỡng, ê chề giữa em và Sơn. Sự nhầm lẫn lóe, bật những nhạo báng, khôi hài, giễu cợt biết bao, khi Sơn “xin phép” được làm tình với em. Khi em trân mình khứng chịu những run bắn, những lay động bần bật của Sơn, trên thân thể em, giữa lúc nước mắt em (hay ai khác?) lặng lẽ, chảy. Mỗi ân ái, mỗi sờ mó, vuốt ve, mơn trớn của Sơn, chỉ làm thức dậy trong em hình ảnh/ tiếng nói/ giọng cười/ con mắt cá ươn của Kháng. Anh nói sao?... Không phải? Dạ, đúng em không phải. Không phải với mình. Không phải với Kháng. Không phải với Sơn. Cho dù trước khi ăn nằm với Sơn, em đã kể. Kể hết. Chuyện em và Kháng. Những điều xẩy ra…

Em giao ước, sau này, ngày nào, gặp lại Kháng, dù cho bao nhiêu con, em cũng quay về với Kháng. Quay về với Kháng, là quay về với dòng sông, với chiếc bóng, từ đó, em đi ra.”

“Sơn đồng ý?”

“Đương nhiên Sơn đồng ý.

Tôi trả lời không suy nghĩ. Không quay mặt, tôi cũng biết anh Chỉnh đang chăm chú nhìn tôi. Có thể anh đang cười. Có thể anh đang thở ra. Hơi thở dài?

Cũng có thể, anh đang tự hỏi, không biết bao giờ, lúc nào, tấn tuồng cải lương thời đại kia, mới hạ màn? Và, lúc nào, tới phiên anh thủ diễn?

Trời đổ mưa. Trận mây mưa vụt qua, như tâm sự của tôi rơi hẫng xuống vực tăm tối, sâu, không đáy. Những hạt mưa rào không đủ sức giảm cường độ ngọn lửa nung nấu, mỗi lúc một gia tăng gấp gáp trong căn hộ. Trái lại, nó chỉ kịp cháy xèo trên mái tôn và, bốc thêm hơi ẩm, mùi hôi, nồng, ói thốc, khua động khứu giác.

Tôi thăm dò:

“Theo chỗ em hiểu, khi người đàn ông muốn chiếm đoạt thân xác người phụ nữ (cũng như ngược lại)… Từ từ, anh Chỉnh. Anh đừng ngại… Chúng ta lớn hết trơn, già cả rồi. Em xin anh cho em được nói trắng ra rằng, khi cơn ham muốn thôi thúc, khi cơn động tình dâng cao, có mấy người đàn ông/ đàn bà không gật đầu, không đồng ý những đòi hỏi của người mình muốn chiếm đoạt, dụ dỗ! Có khi họ còn gật đầu trước khi người kia kịp hỏi xin nữa. Người đàn ông nào không tỏ ra mã thượng, yêng hùng khi muốn ngủ với người đàn bà, ít lắm cũng đôi ba lần đầu?!”

Tôi níu lại, ghìm giữ cảm xúc của mình, khi hai đứa con tôi từ tầng dưới chạy lên. Chúng vẫn chưa ra khỏi cái quyến rũ của sự tò mò ngắm anh Chỉnh; lắng nghe câu chuyện giữa mẹ chúng và người đàn ông xa lạ. Giống trường hợp của Kháng, chúng chỉ nghe tên, xem ảnh bác Chỉnh mà, chưa bao giờ giáp mặt. Tôi nhắc chúng xuống nhà chơi cho mát. Anh Chỉnh lập lại lời khen, hai đứa khôi ngô, đĩnh ngộ. Tôi đáp:

“Chúng là lẽ sống của em đấy, anh Chỉnh.”

Tức thì, tôi nhớ, tuồng không dưới hai lần, tôi đã phát biểu như thế và, cũng không dưới hai lần, tôi kể “Em đã giao ước với Sơn rằng, nếu gặp lại anh Kháng, lúc đó dù có bao nhiêu con, em cũng sẽ bỏ, để đi theo anh ấy.”

Chẳng biết tôi có điên không? Tôi mất trí chăng? Khi, âm vang những lời nói nọ, còn ngân nga trong tôi, như những hồi chuông bất thường, ngoài khóa lễ.


Tôi muốn nghĩ, anh Chỉnh đang cười với hai đứa nhỏ. Nhưng, nhiều phần không phải vậy. Tôi không hiểu nụ cười qua lớp mồ hôi chảy, tuôn như tắm, lớp da bị luộc chín, đỏ nục của anh! Tôi nói:

“Anh Chỉnh cười em? Bộ em nói không đúng sao? Thiệt mà. Kìa, các con xuống nhà canh dì Phối cho mẹ, để cho mẹ nói chuyện với bác Chỉnh chút nữa. Chút xíu nữa thôi… Em nghĩ, đúng. Em nên chia tay với Sơn. Em nên trở lại, chỗ từ đó, em có bóng. Chỗ từ đó, em trưởng thành, bước ra. Chỗ của tình yêu em dành cho Kháng. Nhưng em không đủ thẳng thắn/ nghị lực nhìn lại chính mình. Ngay Sơn, có thể, Sơn cũng tìm tới em, như con thú (bị xua đuổi khỏi rừng,) con chim bị tên (tìm nơi tránh bão,) cậu hoàng tử sinh bất phùng thời, hóa thân thành gã hành khuất (không được hành nghề xin ăn độ nhật)…?

Ngay Sơn, có thể, cũng chỉ muốn tìm quên sự thật tương lai thình lình bị cướp mất, bằng những cuộc vui chốc lác, không tốn kém, nhờ vốn thân xác?”


Tôi lắng nghe bước chân, tiếng bàn cãi chung quanh dự đoán về Dì Phối của hai đứa nhỏ; như lắng nghe cuộc tranh chấp thầm kín trong tôi.


Có thực tôi nhìn các con tôi, như đó là lẽ sống? Hay chúng chỉ như cái móc áo (lung lay, đầy ân hận,) cho tôi móc sự khát khao (dù cho đời sống như thế nào!) của mình mình?


“Trong tuyệt vọng, lúc cùng đường, khi biết mình đã mất sạch mọi quyền sở hữu, ngay quyền sở hữu những mơ mộng/ tưởng tượng/ lãng mạn/…) người ta chỉ còn biết mượn cái thân xác rã rượi của mình (của người,) làm nơi ẩn núp. Không có sự cao, thấp khi con người hiện nguyên bản năng. Khác chăng, người ít học, không suy nghĩ. Kẻ có chút học thức, tồi tệ hơn, che đậy nó bằng những nhân danh/ mỹ từ/ lý tưởng/ như cảm thông/ chia xẻ/ cứu vớt/ tri kỷ/ tình yêu/ hôn nhân/ con cái… Phải không anh Chỉnh?”

Tôi muốn tin anh Chỉnh vẫn lắng nghe tôi, với tất cả thông cảm, chia xẻ? Dù không lấy gì làm chắc. Bởi thế, tôi đã buột miệng hỏi anh. Tôi hỏi, vì tôi từng tự hỏi mình, “Tại sao, lý do nào cho phép ta nói với anh ấy, một cách đồng thiếp, mê sảng, những điều ghê gớm vậy? Phải những điều đó, vốn tiềm phục, lâu rồi, trong ta?”

Tôi kể anh Chỉnh nghe, những chuyện loạn luân sau biến cố Tháng Tư, Bảy Lăm. Những vụ hãm hiếp chưa từng xẩy ra ngay nơi những dân tộc bán khai.

Những vụ cha hiếp con gái, ông hiếp cháu… Những vụ con đi ăn cướp trước giờ “xuất quân” phải cúng… tổ, xả xui… Con không có tiền, người mẹ cởi quần áo cho con trai và đồng bọn thỏa mãn sinh lý! Gọi là “lấy hên” trước giờ lên đường… Sự kiện xẩy ra nhiều đến mức độ người ta phải đưa lên mặt báo.


Thoạt tiên, dư luận chấn động. Thoạt tiên, những nhà đạo đức nhăn mặt, ghê tởm… Ào ào lên tiếng… Sau, mọi việc trở thành thường thôi! Nó phải “thường thôi” khi mỗi ngày, vẫn có thêm nhiều chuyện khủng khiếp, khó tin hơn thế!


Thường thì những đợt sóng sau cao hơn những đợt sóng trước. Bên cạnh đó ai cũng phải đối phó với nhu cầu sinh tồn cấp bách. Chẳng ai còn nghĩ được điều gì khi chiếc bao tử của họ, lúc nào cũng cần một cái gì: Một nhúm cỏ, thí dụ, để nghiền nát.”


Tôi nói.


“Như con vật hạ đẳng, biết mình còn sống, phục hồi chút sinh lực, nó lại tìm quên thân phận thực tại, bằng những cơn ấn ái mù lòa, nhếch, nhớp. Cứ thế, đời sống họ theo những vòng quay bản năng, hớn hở! Nên chi, những chuyện đảo lộn luân thường, nếu không xẩy ra, mới là sự lạ. Chưa kể, thâm tâm, trong sâu kín của mỗi con người, sau Bảy Lăm, ai dám quả quyết tự nhận mình hơn kẻ khác?”

Trở về từ San Jose (qua Phối,) tôi được đọc lá thư mới nhất của Dự. Lá thư, mặt khác của những phần nhầy nhụa (phủ kín,) phần nhân danh (giả hình,) phần phấn son mạo hóa lòe loẹt (nhớp nháp.) Phần chân thật nhất sau khi Dự trút bỏ được mọi mặc cảm, nữ trang (tinh thần,) lụa là (hãnh tiến,) xuất hiện như một con người thiên nhiên (trần truồng) với tất cả những nhỏ nhoi, yếu đuối, trơ trọi, run rẩy của một người nữ bình thường, cuối cùng hiểu ra, mọi điều, đều đã dĩ lỡ.

Thư của Dự chấn động, ám ảnh, tê liệt tôi nhiều ngày. Thư của Dự, tựa hồi chuông bất thường, ngoài khóa lễ, ngân nga, lai tỉnh tôi, một thời, quá khứ.


Quá khứ, những ngày mưa Chợ Mai. Quá khứ, những đôi mắt của Đẻ, anh Thụy, anh Ky, Xưởng, Sáu. Quá khứ, ngôi nhà cổ hóc, kẹt trong lưới nhện những con đường đất nện/ vườn, luống thanh xuân Phối/ hạt mầm thiếu nữ ung thối/ khỏe mạnh/ còi cớm/ tốt tươi?


Ngôi nhà, nơi chốn, con người… chỗ tôi muốn trở về. Muốn gặp lại những tháng ngày làm thành mối bùi nhùi rối tung, mù mờ, âm âm, lềnh bềnh, đeo đẳng suốt hành trình tôi, luân lạc!


Hồi chuông bất thường đó, tôi hiểu, chỉ có thể dứt, im ắng khi tôi không còn nữa. Khi tôi chết, lặng lẽ (như lặng lẽ khứng nhận mọi hàm oan lúc sống.)

Chẳng phải tôi bi quan. Chẳng phải tôi muốn tỏ ra mình có khả năng tiên tri hơn người gì hết! Chẳng qua, cùng với thư của Dự, tôi nhận được điện thoại của chị Quý. Nói đúng hơn, tôi gọi lại chị, sau khi nghe được lời nhắn trong chiếc máy (Việt mang từ San Jose về, cho tôi cách đây hơn tuần.)


Cuộc điện đàm với chị Quý, thẩy tôi (trái banh) từ ngạc nhiên, bất ngờ này, qua ngạc nhiên, bất ngờ khác. Thoạt chị bày tỏ sự ngạc nhiên (cũng ngạc nhiên,) không ngờ tôi gọi lại. Chị bảo:


“Tôi chỉ nhắn cầu âu vậy thôi, ngờ đâu chú lại gọi lại!”


(Lạy Chúa! Phước đức, may mắn gì đâu, cho tôi!) Nếu không có cái answering machine, nếu tôi ở lại San Jose với vợ chồng Nhã, thêm một ngày, chờ gặp TQN., chị Quý sẽ không nhắn được. Tape đầy, không còn sức chứa thêm message) thì, oan ơi ông địa, biết chừng nào! Đích thị tôi, tên ma đầu đại đạo/ ác quỷ đội lốt người/ không tiền bạc/ đang chờ chết/ đêm không chỗ ngủ/ ngày không chỗ đi/ không địa chỉ/ không điện thoại/ con thú ghẻ lở… trốn chạy mọi người (người?)


Chị Quý bảo, vì đạo lý/ nghiệp quả/ tương lai/ tình thân/ lý tưởng/ con nít/ người lớn/ xã hội/ giáo dục/ quốc gia/ nhân loại/… tôi nên thế này/ thế kia… Tôi hãy thế nọ, thế khác… Kẻo không…


“Tội nghiệt ấy, chú làm sao kham nổi ở kiếp sau!” Chị cảnh cáo!


Tôi hiểu, chị Quý nói với tôi bằng tấm lòng lo toan, đa sự chân thật của chị. Tôi hiểu, chị bị khích động thái quá bởi một cú điện thoại viễn liên của đấng nào đó (Bồ tát hóa thân?) Tôi không thấy cần thiết phải giải thích điều gì với chị. Tôi lắng nghe. Trân trọng ghi nhận. Biết ơn chị, qua trung gian anh Quý.

Qua con đường chúng tôi có một thời đi chung. Hướng đạo. Tay trái. Phía gần trái tim nhất!


Có dễ, vì quen nín lặng, khứng chịu hàm oan, (tựa tôi được sinh ra không để nhận lãnh điều gì khác hơn oan trái. Hoặc cá nhân tôi: Một sân khấu lộ thiên/ ngã tư đường cho những người muốn khoe khoang (một cách ồn ào) tấm lòng từ bi/ bác ái (không tốn kém gì) của họ? Tôi bỗng thấy mình thật không phải, thật bất công với Dự. Tôi cảm tưởng, nếu Dự có thể bước ra từ những dòng chữ không thể người hơn của nàng, (như sự tích người đẹp trong tranh,) tôi sẽ nói với Dự, thẳng thắn, đại khái: Kể từ hôm nay, Dự có thể mách Kháng, tôi đã yêu Dự. Dẫu ngày mai, Dự lại là người khác! Như tôi (vẫn) yêu, nơi chốn (ai? Ở đâu?) một đời, vẫn để dành!


“Phối à, nếu mày có tiền, cho tao đi Mỹ chơi. Tao không muốn gặp bất cứ ai, ngoài papa của tao. Mọi cảm xúc trinh nguyên, tao muốn dành cho papa thôi. Mày còn nhớ ngày xưa, mày cắt chữ “Papa – Julliet” trong tờ báo, dán lên nón lính của ảnh đó, nhớ không? Chắc mày quên rồi. Tao thì cái gì liên quan tới ảnh. Tao đều nhớ rõ, dù chỉ là những kỷ niệm vụn vặt. Phối à, tao cắt tóc ngắn rồi. Ngắn như ngày tao quyết định lấy Sơn. Ngày ấy, tao muốn quên ảnh. Ảnh rất yêu mái tóc của tao – nên dứt bỏ kỷ niệm. Nhưng rồi tao biết, tình yêu không phải là phụ tùng bên ngoài. Dù có làm việc 24/24, nhưng hễ lơi tay thì hình ảnh, ý nghĩ về người ấy vẫn hiện ra trong đầu mình – huống gì là cắt tóc, không mặc quần áo này kia – tất cả đều vô ích. Bây giờ tao cắt tóc ngắn vì tao sốt ruột quá. Chờ ngày gặp ảnh sao lâu quá. Ảnh thường dặn tao phải giữ mái tóc quen thuộc cho ảnh. Cứ mỗi khi chải tóc, nhìn mái tóc mình trong gương, tao lại nhớ đến ảnh… Buồn vì tóc chẳng những ngày một ít đi, bớt bóng bẩy, đen mượt như xưa, còn thêm chen lẫn vài sợi bạc, thế mà ảnh vẫn còn xa, quá xa. Tao cắt tóc để ngày tóc dài ngang lưng, là ảnh sắp về Việt Nam. Thời gian chờ đợi sẽ bớt dằng dặc. Nhiều lúc tao tưởng tao hết yêu ảnh rồi. Nhưng không phải. Cứ mỗi khi Sơn gần tao xong, lúc nào tao cũng buồn vì nghĩ tới ảnh. Tao chẳng biết tại sao! Buồn dai dẳng suốt ngày.

Cứ thấy như mình phụ bạc ảnh. Hôm kia, bất ngờ mở cuốn album cho người quen xem, lòng tao chùng xuống khi thấy mấy tấm hình của ảnh, do mày gởi về. Ảnh già, xấu xí quá, thế mà tao vẫn thấy quen thuộc với tao lắm lắm. Có cái, mắt ảnh đỏ au như mắt cá ươn, cái nụ cười ngờ nghệch, chẳng giống ai, thế mà sao tao lại thương cái nét phong trần tàn tạ đó. Cứ nhìn hình ảnh là tao lại thấy nao nao lòng thương xót. Cứ nghĩ giá như tao với ảnh được sống bên nhau, thì giờ ảnh đâu có xuống dốc đến như thế và, tao đâu có trầm lặng như thế này!


“Số phận nào đã làm cho biết bao sinh linh phải điêu đứng hở Phối? Hoa không có mặt trời thì hoa héo – thiếu ảnh, đời tao buồn suốt gần 20 năm nay đó Phối…”


Trở về từ San Jose, (qua Phối,) tôi được đọc lá thư mới nhất của Dự. Lá thư chấn động, ám ảnh, tê liệt tôi, nhiều ngày. Như hai mươi năm, bốn mươi, sáu mươi năm, có người vẫn còn bị ám về một “chỗ để dành…”


Câu trả lời sẽ tìm thấy bên trong phần mộ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 613)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 985)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7902)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8819)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11069)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30720)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21736)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19793)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19259)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24511)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,