Trên những vòng gai / gió

07 Tháng Năm 201612:00 SA(Xem: 6829)
Trên những vòng gai / gió

1.

Dường những ngày chuẩn bị trở về (hay chính sự chuẩn bị) đã trả Ch. lại cho tôi; cùng lúc mang Layna đi tới một chân trời khác. Một phía nào, không có tôi. Một nơi chốn không có ngay trong tưởng tượng tôi.

toiditrongnghiepduyen-content-content

Mùa đông. Khi những thùng sách đã nộp hết cho nhà trường, căn phòng tôi ở bỗng rộng thênh, như nó đã tự sinh nở lớn hai, ba lần hơn diện tích cũ. Hai chiếc valise, một túi sách đã nằm yên trong closet. Tôi đã kín đáo ngỏ lời cảm ơn và, chia tay cô Mỹ đen dọn phòng cho tôi mỗi tuần một lần, vào sáng Thứ Hai. Tôi đã trao tận tay cô, bao thư có tờ giấy mười đồng, trích từ tiền học bổng tháng cuối cùng của tôi, lãnh ở phòng tài chính trong căn cứ.

Nhưng với Layna, thì, tuyệt nhiên, tôi cho Layna thấy tôi vẫn nấn nuối nơi chốn này. Tựa phút chót, mọi sự có thể đảo ngược. Tựa nơi những giờ khắc cuối, khi phải quyết định ở lại, để còn sống; trở về, để nhận lãnh cái chết vô lối, tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ chọn sự sống. Đương nhiên.

Tôi hiểu, bất cứ ai, kẻ nào cũng sẽ chọn đường sống, huống chi tôi. Tôi còn tha thiết, còn thèm khát đời sống mạnh mẽ, quyết liệt biết bao! Tất cả ý nghĩa đời sống tôi, nằm nơi dòng tóc, đôi mắt, trái tim trong thân thể ốm o và, quá đỗi yếu đuối, thất lạc của người con gái ở quê nhà.

Tôi vẫn cho Layna thấy, vào phút chót, rất có thể tôi sẽ xách valise về nhà nàng.

Tôi không có ý muốn lường gạt Layna. Tôi càng không hề nghĩ ra cái màn kịch khó đóng này. Chẳng qua, đó là ý kiến của mẹ Layna. Bà bảo, nếu tôi phải ra đi, hãy đi. Nếu tôi không thể có chung với gia đình, một cái Christmas Eve, thì, đó là điều bà rất tiếc. Như bà từng tiếc cho Christ, cho mọi người trong gia đình, phải trải qua ba cái Christmas Eve liên tiếp không có Christ...

“Nhưng với Layna, lại khác. Dù hai người chưa có gì với nhau..., như tôi tin, thì chúng ta cũng vẫn nghĩ tới nó. Hãy tội nghiệp nó”, bà nói.

“Đành rằng mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi nhẹ nhàng thôi. Không sao hết. Nhưng ít nhất, khi câu chuyện xẩy ra, tôi biết, sức chịu đựng của nó, sẽ ngắn, nhỏ hơn chiều cao và sức nặng của nó, nhiều lần đấy, Phong à,” bà nói tiếp.

Cuối năm. Khi rừng phong đã trút xong những mảnh áo cuối còn xót lại, khi thời tiết đã tự ướp nó trong mầu sắc và, âm thanh của mùa Giáng sinh; và Tết đã bước chân vào ngưỡng cửa các ngôi nhà, buổi tối, lúc vói tay tắt ngọn đèn trên chiếc end table, nhìn lại thân thể Layna ướt tươm hoan lạc, tôi thấy nước mắt tôi (nước mắt ai?) hoen, ứa. Có điều gì tựa ruột đứt, gan sôi. Có điều gì, tựa niềm quyến luyến / nỗi sợ hãi mất mát/ lãng quên/ phản bội làm tôi đau thắt ngang lưng.

Bao lần mấp mé trên miệng vực xúc động trước giờ chia ly, tôi suýt buột miệng thú nhận với Layna, đây là lần gặp chót. Bao lần tôi muốn buông xả, muốn tự phóng thích tôi khỏi cố gắng nín giữ cho riêng mình niềm bí mật xóc óc. Tôi biết, xúc động sẽ không để tôi nói hết câu. Chỉ cần mở miệng thôi, lập tức, tôi sẽ òa khóc. Tôi biết, ngợp chìm dưới những cơn sóng xúc động, tôi là đứa trẻ mau nước mắt. Tôi hiểu, tôi mau nước mắt hơn đàn bà nữa. Thì đã sao? Phải rồi, đã sao chứ?

Không ai nghĩ rằng tôi thèm được khóc thỏa thê, luôn cả Layna! Nhưng hình ảnh Christ hiện ra. Im. Sững. Đôi lúc trong tôi, bồng bột ham muốn được có cùng lúc Layna và, Ch. Trong tôi, đôi lúc, bồng bột câu Hỏi: Hay ở lại? Ở lại? Ở lại. Ở lại. Tại sao không? Tại sao không?

Tiếng nói thầm thì ẩn nấp đâu đó trong tôi bỗng lớn cao, bỗng khổng lồ, như những thân cổ thụ. Những cây phong trầm trọng, uy nghiêm (khiến tôi phải hết sức cố, rán ngẩng đầu mới trông thấy ngọn,) vây quanh tôi. Chúng cúi xuống, ném tiếng gào thét lên tôi. Tôi thấy tôi nhỏ bé như chiếc lá đã mục, còn bị chân ai lãnh đạm dẫm lên, giữa lúc gió trên cao, toa rập với rừng, tạo thành những cơn động đất, dữ.

Ở lại. Ở lại. Tại sao không? Tại sao không? Tôi như mụn tuyết chao đảo, chóng mặt bởi tiếng gió đan qua lại, hú giữa những rặng cây, kết thành chiếc lưới âm vang, khít rịt.

Cảm giác chóng mặt này, ở với tôi, không chỉ lúc tiễn Layna về mà, tới khi leo lên chiếc xe của trường, đến đưa tôi ra bến xe Greyhound, lúc năm giờ sáng. Xe ra khỏi cổng trường, ngoái cổ nhìn lần cuối tên ngôi trường khắc sâu nơi tấm bảng đồng lớn, tôi nói "Adieu!"

Adieu, tôi không biết mình nói với ngôi trường, với Layna (lúc này đang ngủ say với chương trình đã sắp xếp xong cho buổi chiều mai gặp lại.) Hay, tôi nói với những người khổng lồ, những thân phong cổ thụ (mà, nhiều lần tôi phải hết sức cố, rán mới trông thấy ngọn).

 

2.

Cuối năm. Khi rừng phong đã cởi bỏ được khỏi thân thể chúng, những mảnh vải cuối cùng; khi gió mang những cây cọ ô dề, bôi, phết tuyết lên khắp cùng cảnh vật miền Đông và, Đông Bắc nước Mỹ, hình ảnh Vương Cung Thánh Đường, của Sai gòn, run rẩy những hàng nến đỏ. Run rẩy trong tôi, những bài hát Giáng sinh, một thời tuổi nhỏ. Run rẩy trong tôi (kẻ ngoại đạo,) tiếng hú âm u của hình dung hang lừa, máng cỏ. Chỗ ở đầu tiên của Chúa Hài Đồng. Run rẩy trong tôi, những chiếc lá me, như cốm non bị bàn tay bội bạc bỏ lại trên lề đường Nguyễn Du, Tự Do, Độc Lập... Run rẩy hình ảnh anh tôi, anh Khánh. Anh Khánh với mối tình thủy chung tới nhức nhối, dành cho chị Bích.

"Bài thánh ca đó còn nhớ không em - Noel năm nào chúng mình có nhau - long lanh sao trời đẹp thêm đôi mắt - áo trắng em bay như cánh thiên thần - giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân - cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao xa - xin cho đôi mình suốt đời có nhau - vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa - khẽ hát theo câu bài thánh ca buồn - ôi, giọng hát em nghe ngọt bùi - rồi mùa giá buốt cũng qua mau - lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu - rồi một chiều áo trắng phai mầu - em qua cầu xác pháo bay sau - lời nguyện cầu mình Chúa có nghe không - sao bây giờ mình hoài xa vắng - bao nhiêu đêm Chúa dưới dương gian - bấy nhiêu lần con nhớ người yêu..." (*)

Những ngày tháng ở ngoài đất nước, ngoài tầm đạn bom, (nhất là những năm tháng gần đây,) tôi nghiệm ra, nếu chiến tranh lóc, thẻo hết phần nhân tính khỏi con người; để con người hiện nguyên hình thú đê tiện, nhầy nhụa hơn bất cứ một loại thú vật nào khác - - Thì, chiến tranh cũng bị buộc phải xây đền, dựng tượng cho những con người, những mối tình; mà chính chiến tranh là nền đất, phân bón tốt tươi, làm vạm vỡ những hạt mầm nhân sinh bất tử ấy. Nó cũng tựa những cánh hoa lan mọc từ thân gỗ mục. Cách khác, đó là sự chết làm sống lại những đời-sống-chết. Tôi muốn nói tới sự chết của mối tình anh Khánh và chị Bích. Chẳng phải, vì anh Khánh là anh tôi. Chẳng phải, vì chị Bích bây giờ, không biết dạt, trôi, sống, chết nơi nào!

Nhưng hãy hình dung, thử nhớ lại, chuyện tình của anh Khánh, lúc anh chưa ba mươi, lúc chị Bích vừa đúng mười tám. Chuyện tình như ngọn nến leo lét giữa Saigòn đêm tối / Saigòn chiến tranh. Chuyện tình khởi đi từ một họp mặt Giáng sinh, để mau chóng trở thành một chọn lựa sinh tử. Chí ít, cũng với chị Bích. Chí ít, cũng với anh Khánh, những đêm Noel quỳ trong Vương Cung Thánh Đường. Những ngày, những đêm, anh chị ra khỏi nhân gian, lánh thoát địa ngục trần thế, trong căn phòng trên building Cửu Long. Những ngày, những đêm, anh chị nằm với nhau trong tổ ấm bất trắc, treo lửng giữa đạn bom, giữa những đợt pháo kích và, trái đạn B40 không trái tim, không tròng mắt. Thèm khát chiếm đoạt hương trinh trắng từ từng tấc thịt da chị Bích, nơi anh Khánh. Thèm khát tự nguyện hiến dâng đời con gái, chỉ một lần của mình, cho người yêu, nơi chị Bích...

Đó là những phản ứng tâm lý, tất nhiên. Phản ứng sinh lý, thuận thiên. Một khi họ đã trân trọng, nâng niu, trút bỏ khỏi thân thể nhau, mảnh áo, lớp quần đạo đức, luân lý trá, ngụy. Một khi, mỗi tấc thịt da người này, đã chính là dưỡng khí / nguồn sống của người kia, mỗi lần cúi xuống. Một khi, thân xác, tự nó, nào phải là điều xấu xa. Một khi, thân xác, tự nó, chính là tặng phẩm của thượng đế. Một khi thân xác, tự nó, đã mặc khoác lấy cho nó, một đời sống, một buồn, vui thành tựu hay tan hoang độc lập.

Thân xác, phẩm vật thứ nhất, mà chúng ta, chính chúng ta phải tỏ lòng tri ân, cất lời xưng tụng. Đó cũng là điều tôi đã viết xuống, khi nghĩ về những người nữ tội nghiệp. Những người nữ bất hạnh, bước thất thểu dọc theo chiều dài lịch sử đất nước, những năm chinh chiến:

ai dám bảo thịt da không biết khóc 
nhìn tôi đi, em sẽ hiểu đêm về.

 

3.

Nhưng tôi biết, đã nhiều năm, dễ nhiều chục năm (ngay hiện tại,) nếu chị Bích còn sống nhập nhoạng đâu đó, trên mặt đất này, chị cũng không còn cơ hội nào để nhìn thấy anh Khánh tôi. Anh tôi, ngược lại, cũng không thể nghe được tiếng khóc từ thịt, da chị Bích... Tôi biết, anh Khánh đã tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc, thì giờ nhờ người tìm chị...

Mọi thứ đã chấm dứt với Noel sau cùng. Noel, chị Bích phải đi lấy chồng, miễn cưỡng đi lấy chồng, theo ý anh tôi. Anh Khánh bảo:

“Nếu yêu anh, em phải nghe anh. Em hãy lấy chồng. Em đi lấy chồng chính là em yêu anh vậy.”

Tôi nghĩ, nhiều năm, có dễ nhiều chục năm (ngay hiện tại,) nếu chị Bích còn sống nhập nhoạng đâu đó, trên mặt đất này, chị cũng không còn cơ hội để hiểu, khi anh Khánh nằng nặc, khăng khăng, buộc chị phải đi lấy chồng, anh đã đau đớn biết dường nào. Sự cao thượng của anh tôi, nếu có thể nói được như vậy, chỉ là sự tự lột da/ bạo hành thân xác / tâm hồn / trái tim/ bởi chính mình mà thôi.

Hồi đó, chị Bích còn quá nhỏ (tôi cũng còn quá nhỏ) để được phép gặp chị, để nói với chị rằng, lý do anh Khánh viện dẫn để ép chị chấm dứt đời con gái, tỷ như: Anh không biết ngày mai đời anh... Anh không biết đời lính tráng của anh sống, chết lúc nào... Anh không tương lai, sự nghiệp... Chỉ là những viện dẫn yếu ớt. Những nại cớ không vững, nếu không muốn nói là nhảm nhí, cường điệu. Thời gian đó, ở tuổi anh Khánh, nào chỉ một mình anh trong quân đội? Cả nước trong chiến tranh. Tất cả những thanh niên ở tuổi anh, đánh đu từng giờ với cái chết! Cả nước không tương lai. Cả nước không sự nghiệp. Nào riêng gì anh?

Lý do thật, lý do thầm kín nhất và, cũng oan nghiệt nhất cho anh Khánh, nằm nơi anh đã có... vợ. Anh không thể bỏ chị Liên. Bỏ người vợ đầy nghĩa tào khang của anh. Chẳng những chị không có lỗi, ngay luật Thiên Chúa cũng không cho phép anh làm việc đó, dù anh rất muốn.

Tôi biết, nhiều năm, có dễ nhiều chục năm (ngay hiện tại,) nếu chị Bích còn sống nhập nhoạng đâu đó, trên mặt đất này, chị cũng không còn cơ hội để hiểu, anh Khánh từng lặng lẽ đi theo chị và người bạn trai sau đó trở thành chồng chị, vào tiệm kem ở bên ngoài khu vườn Tao Đàn. Thấy chị nói, cười, thấy chị hớn hở, thấy chị hân hoan, rít rít, anh đã đau đớn, rồ dại biết chừng nào. Chị đâu biết, chỉ cần một giây bị sự yếu lòng quật ngã, chỉ cần một giây buông tay nghị lực, anh Khánh đã ra mặt, bước tới, giựt lại chị vì thèm khát, vì bản năng giống đực, vì lẽ sống đời anh!

Giữa lúc tưởng chừng sắp quỵ ngã, sức mạnh nào đã nâng, giữ anh Khánh lại trong một khoảng cách vừa đủ xa mặt đất? Anh Khánh đã chiến thắng được chính anh? Anh Khánh đã đứng được trên đôi chân cường tráng, tự hào, và, trái tim tan nát của mình.

Nhưng cường tráng kia, niềm tự hào nọ, không ở lâu với anh. Chúng đã phản bội anh, ngay khi chị Bích rời tiệm kem, đi khuất bên người đàn ông xa lạ ấy. Nhưng cường tráng kia, niềm tự hào nọ, không ở lâu với anh. Điều ở lại lâu lắc, vĩnh viễn, mỗi lúc mỗi thêm rỡ ràng, chói gắt hơn cùng tuổi già chất chồng, cùng với Noel, mỗi năm một lần, rụng, rơi thánh thót xuống trái tim, ký ức anh Khánh, lại là nỗi oan khiên, niềm cay, nghiệt tầng tầng, khối khối.

"Rồi mùa giá buốt cũng qua mau - lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu - rồi một chiều áo trắng phai mầu - em qua cầu xác pháo bay sau - lời nguyện mình Chúa có nghe không - sao bây giờ mình hoài xa vắng - bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian - bấy nhiêu lần con nhớ người yêu..."

Nếu Chúa quấn vòng gai hy sinh, để cứu chuộc tội tổ tông cho con cái ngài; thì, anh Khánh tôi, quấn quanh trái tim anh, nhiều vòng gai nốt nhạc, lời hát trong bản nhạc Lời Thánh Ca Buồn…Như chứng nhân duy nhất, hiện diện giữa hai người, đêm Giáng Sinh đầu, cuộc tình họ. Anh Khánh quấn vòng gai âm nhạc đi cứu chuộc tình yêu anh.

Tôi không biết hình ảnh chị Bích đi với người đàn ông khác khiến anh Khánh không thể quên chị Bích; hay sự khước nhận tiết trinh mà chị Bích tình nguyện trao cho anh, trong cuộc tình kéo dài tới ba năm, là ngọn lửa, hồi chuông không dứt dọi soi, ngân nga tâm hồn anh? Có thể, cả hai. Tôi cảm tưởng, anh Khánh không chỉ quấn quanh trái tim anh một vòng gai âm nhạc. Quanh trái tim anh, còn thêm nhiều vòng gai khác. Vòng gai lửa ngọn. Vòng gai chuông ngân. Vòng gai tuổi trẻ tự hào với những chứng tỏ, vốn đã mọc sẵn trong nó, khá nhiều mầm hối hận, nhầm lẫn.

Phải chăng, quả táo đã ăn là quả táo thối? Như thiên đường sẽ biến thành địa ngục, nếu ta bước tới bằng đôi chân của con vật trí tuệ?

 

4.

Dù cho lý do/ quả táo / thiên đường nào, điều đáng nói, vẫn là sự kiện Anh Khánh đã tự quấn quanh trái tim anh, vòng gai Lời Thánh Ca Buồn, trên tất cả những đoạn đường đời anh đi.

Nhưng dù cho lý do quả táo/ thiên đường nào, điều đáng nói, vẫn là sự kiện anh Khánh tự quấn quanh trái tim anh vòng gai lửa ngọn / hồi chuông / tuổi trẻ / chứng tỏ...

Anh quấn vòng gai quanh mắt, trở lại vùng Khánh Hội tìm chị Bích. Anh quấn vòng gai quanh hồ, lái xe xuống Vũng Tầu tìm lại "lời hẹn đầu" của đời anh. Dù anh biết rằng, "lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu?" Không ai nhớ dài lâu lời hẹn đầu.

Đúng thế. Trừ anh Khánh tôi. Đúng thế. Trừ anh Khánh tôi, không ai lái xe từ Vũng Tầu, trở ngược về Saigòn ngay lập tức. Để rồi từ Saigòn, theo lời chỉ mơ hồ của Loan, em chị Bích, anh Khánh tôi tới từng trại lính, ghé đến từng khu gia binh, hỏi từng gốc cây, thăm từng mái nhà...

Anh nuôi hy vọng tìm thấy, nhìn lại, một lần, ngọn lửa, hồi chuông, tuổi trẻ, "bài thánh ca buồn": Chị Bích, hay vòng gai của chính đời anh.

Tôi khâm phục, tôi cảm động biết dường nào mối tình chung thủy kia. Tôi khâm phục, tôi ngưỡng mộ biết dường nào, tấm lòng và, trái tim nằm lệch một phía. Phía thương đau. Phía của những vòng gai kỷ niệm, đằm, đằm mang về huyệt mộ.

Những ngày tháng ở ngoài đất nước, ngoài tầm bom, đạn (nhất là những năm tháng gần đây), tôi càng nghiệm ra, nếu chiến tranh lóc, thẻo hết phần nhân tính khỏi con người, để con người hiện nguyên hình thú đê tiện, nhầy nhụa hơn bất cứ một con vật nào khác - - Thì, chiến tranh cũng bị buộc phải xây đền, dựng tượng cho những mối tình. Những mối tình thánh thiện, giữa tao loạn. Những mối tình nở những bông tươi tốt, vạm vỡ trên vũng lầy thú tính chiến tranh. Nó cũng tựa những cánh hoa lan mọc từ thân gỗ chết. Tôi muốn nói tới cái chết của mối tình anh Khánh và chị Bích. Chẳng phải vì anh Khánh là anh tôi; và, chị Bích bây giờ, không biết dạt, trôi, sống, chết phương nào.

Tôi muốn nói tới mặt lớn lao / dữ dội / của một tình yêu thật. (Tình yêu thật, vốn không có nhiều như chúng ta thường nghĩ! Nên cũng chẳng có lắm chia, tan bật máu, như chúng ta hằng tưởng.)

Trong số tình yêu thật, không nhiều kia, có tình yêu của anh Khánh. Tôi muốn kể cho chị Bích nghe, anh Khánh tôi, đã thế nào, ra sao, vào phút tìm ra chị. Vào phút anh tìm ra những vòng gai quấn quanh trái tim của mình. Cái vòng gai âm nhạc / tình yêu / thề bồi/kỷ niệm/ ... Cụ thể qua hình ảnh chị Bích xơ xác, thất lạc ngồi ôm con trước cửa ngôi nhà trong một chung cư ở ngoại ô thành phố Saigòn. Khu chung cư bình dân, dành cho những sĩ quan có đồng lương hạn hẹp. Chị Bích ngồi đó. Những vòng gai tâm tưởng của anh Khánh ngồi đó. Ngồi đó. Ngồi đó. Ngồi đó.

 

5.

Ngồi đó, một người khác. Không phải chị Bích. Không phải người con gái, mười bảy tuổi, giầy, vớ trắng, skirt đồng phục, trường Tây... Ngồi đó, một người khác. Không phải chị Bích. Không phải người con gái, mười tám, tóc ngậm trên môi, cúi xuống trần gian. Vầng trán thơ ngây. Đôi mắt thiên thần. Lượng máu đam mê, chạy nhầu trên những ngả đường nắng, gió lãng mạn.

Ngồi đó, không phải người con gái mười chín, tháp đôi cánh hiến, tặng trăm năm bay ngất, tít vùng tử, sinh hào hển định mệnh. Ngồi đó. Vẫn là chị Bích. Nhưng chị Bích trong lốt tượng đất quắt, khô. Chị Bích trong dáng cây non, sớm già. Cành tươi, sớm dập. Ngồi đó, người đàn bà chảy nhão năm, tháng, ung, thối tương lai. Ngồi đó. Chị Bích, trật khấc. Chị Bích với không một vòng gai quấn quanh. Ngồi đó: Tình yêu tinh khiết của anh Khánh. Ngồi đó, những hạt lệ tủi hờn, những tiếng nấc nghẹn, tắc.

Ngồi đó, người đàn bà (tên Bích), nhìn xuống đứa con. Cất tiếng cật vấn người đàn ông, tại sao, cớ gì, anh đã không thể cho chị một đứa con? Một giọt máu trước khi chị phải chia tay, chị phải chọn lấy cho mình một người đàn ông khác? Một người đàn ông nào đó, được gọi là chồng?

Ngồi đó, người đàn bà (tên Bích,) mở lớn đôi mắt đẫm lệ, trân trối như đang tranh chấp gay gắt với khoảng không trước mặt. Chị thấy những gì? (Tôi nghĩ, chỉ Thượng đế biết.) Chị cảm những gì? (Tôi nghĩ, chỉ Thượng đế hay.) Chỉ Thượng đế biết, tại sao anh Khánh tôi, đã lặng lẽ quay lui. Chỉ Thượng đế biết, tại sao anh Khánh đã im, lặng. Nín, câm tới ngày đặt chân trại tỵ nạn.

Tháng Bảy. Thung lũng Pendleton. Tháng Bảy của những cành sồi gẫy. Tháng Bảy của những đêm mưa. Bảy Lăm. Tháng Bảy, sương muối vội vã thắt cổ mùa hè, để ngày là đêm. Đêm giá buốt. Tháng Bảy, đường giây tìm người của Hồng Thập Tự, điện đi khắp nơi, dò dẵm, lục lạo tin tức liên quan tới một người đàn bà tên Bích.

Tháng Chín, Hồng Thập Tự mang lại cho anh Khánh tôi, một người đàn bà tên Bích, Camp Pendleton, Trại Một. Nhưng người đàn bà tên Bích ở Trại Một, không phải là người đàn bà tên Bích chảy nhão năm tháng, ung, thối tương lai trên bậc cửa ngôi nhà một chung cư, ngoại ô Saigòn, trước tháng 4-75. Người đàn bà tên Bích kia. Càng không phải là Bích, của anh Khánh tôi, của "Bài Thánh Ca Buồn." Giáng Sinh. Khách sạn Cửu Long. Vương Cung Thánh Đường, Saigòn 1962...

Tôi không nghĩ, như nhà văn nào đó, cho rằng định mệnh thường tinh nghịch đem những trớ trêu, cợt nhả lên số phận con người. Tôi cũng không nghĩ, định mệnh ác độc, định mệnh đành hanh không cho anh Khánh được gặp chị Bích, giữa khi anh quyết định bỏ vợ, nếu nó chịu trao Bích lại cho anh. Tôi nghĩ, định mệnh muốn trả thù. Định mệnh trả mối thù anh Khánh quay lưng. Định mệnh trả mối thù, giữa chiến tranh, giữa cầm thú, anh Khánh chọn tách lìa, chọn đi, về phía thánh thiện / trong sáng với những vòng gai... Dù cho cuối chót, anh đã chẳng cứu chuộc được ngay chính tâm hồn anh. Điều đáng kể, là thái độ, chọn lựa. Anh đã chọn lựa đặt trái tim anh, nghiêng lệch hẳn, một phía. Phía của bóng đêm. Phía của hầm mộ, cuối đời, khôn tắt. Tôi biết tôi không thể, được như anh. Tôi biết, điều duy nhất tôi có thể làm được (một cách khôi hài, lố bịch), là kể chuyện anh Khánh cho chị Bích nghe, một ngày nào. Một ngày nào, không có trong niên lịch, trong thập kỷ sắp tới đây.

Tôi biết, tường tận (rất tường tận), rằng, những ngày cuối năm đang đi qua. Bước chân Nguyên Đán sắp tới. Những bài ca Giáng sinh sẽ vẫn được cất lên. Như những cây phong sẽ lại tự mặc cho chúng những chiếc áo khác. Chỉ riêng gió, phải, rồi: Nó, những trận gió của Tâm, Hà, Tú, Hùng ở Illinoise; những trận gió của Mỹ, Nhơn, Long, Anh, Dzĩnh, Triều, Oan..., ở Minnesota, ở Michigan là, vẫn còn thổi mãi.

Chỉ riêng gió. Đúng thế. Nó (chứ còn ai vào đấy nữa) là, còn thổi mãi trên một Illinoise của Phương âm u, khép kín. Còn thổi mãi trên xa lộ 90 hay 94 East dẫn về Indiana của Layna, giờ đang góa phụ?

Còn thổi mãi, trên một Thông Tây Hội của Ch. thủy tinh xanh xao. Một Trương Minh Giảng của Tý Ngọ còm cõi đam mê. Một An Cựu, Chợ Mai của Hạnh và J., phơi khô tiếng cười, nẻ, nứt trên ngọn cây thiếu nữ...

Chỉ riêng gió. Đúng thế. Nó (chứ còn ai vào đấy nữa), là còn thổi mãi trên những thước đường rêu, khói, Houston/ trên những tầu ngựa, luống cúc, Austin, trên những vồng non tulip, Dallas/ trên thịt xương tượng hình trong Hón (những ngày thơm ngón tay, bột phấn bánh tiêu), New Orleans. Còn thổi mãi, xa lộ Năm, ngã ba đường King, trưa ngó xuống những giọt máu Santa Ana, đã bỏ, lạc (của Lãm).

Chỉ riêng gió. Đúng thế. Nó (chứ còn ai vào đấy nữa), là còn thổi mãi chiếc lá rơi im, sâu trong cặp kính cận thị nhiều độ của K.C., những ngày đầu tiên bỏ Paris về Silver Spring. Còn thổi mãi trên những / vai rừng / mùa đông / Virginia/cháy đỏ. Còn thổi mãi, trên những vực, dốc Springfield, thấp thoáng đâu đó cát bụi Hy Mã Lạp Sơn, trên da thịt đìu hiu Tân Đề Li (của C. nhỏ). Còn thổi mãi, ở Oregon (của An, Phố, Vinh, Phụng;) ở Tacoma (của Ngự, Thành), ở Seattle (của Hương, Long, Đông, Kim, Lai). Ở Long Beach (của Thông Híp). Ở Úc châu. Ở Âu châu. Ở Việt Nam. Ở những vòng gai quấn quanh trái tim anh Khánh... Và, ở. Ở. Ở....

 

6.

Tôi biết, tường tận (rất tường tận) rằng, những ngày cuối năm đã đi qua. Bước chân Nguyên Đán đã tới. Cánh tay thời tiết vẫn dịu dàng trút bỏ rồi tròng cho kỷ niệm của chúng ta, những lớp áo, và, mùi hương, mới.

Nhưng, tôi cũng biết (một cách tường tận, hẳn nhiên), chẳng có một kích thước, một mẫu mã vải vóc hay, mùi hương thầm kín nào ứng, hợp với thân thể ký ức, thịt da cuộc tình của anh Khánh tôi... Luôn cả chị Bích, nếu còn sống đâu đó, trên mặt địa cầu này, cũng chẳng thể có một mẫu, mã nào thích hợp với chị, sau cái mẫu mã thứ nhất, từ cuộc tình đầu.

Thượng đế chỉ có một khuôn mẫu duy nhất để tạo nên con. Nhưng phần bên trong lại là những khác, biệt đau, đớn.

Và, tôi nghĩ, chỉ có gió. Đúng thế. Nó (chứ còn ai vào đấy nữa), là hiểu được sự khác, biệt đau, đớn ấy.

1-97

-----------------

(*) "Bài Thánh Ca Buồn," nhạc và lời Ngyễn Vũ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 7206)
Hôm nay, cách nửa vòng trái đất, dù không hứa với ai, nhưng tôi biết, tôi sẽ nhớ (mãi nhớ) một phần đời chúng tôi, đã tháp nơi cây xà cừ “trấn môn” ngôi nhà 39 Lý Quốc Sư.
19 Tháng Năm 202312:00 SA(Xem: 4429)
Cùng với những vòng lăn cuối cùng xuống đáy vực 2010,
22 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 8275)
Vấn đề là khi sống, chúng ta có dám tách khỏi nguồn, thoát khỏi dòng, chọn lấy cho mình, đường bay độc lập?
18 Tháng Tư 202312:00 SA(Xem: 16767)
Nhưng điều gì đã xẩy ra giữa Nguyên Sa và Sáng Tạo, khiến nhà văn Mai Thảo không che dấu bùi ngùi trước sự kiện tác giả “Thơ Nguyên Sa” chấm dứt cộng tác với Sáng Tạo.
07 Tháng Mười Hai 202212:00 SA(Xem: 5962)
Khi tôi tỉnh dậy, nắng đã òa, vỡ. Tôi không thể biết đích xác bình minh nứt vỏ từ lúc nào; chỉ trực cảm, đã lâu, dường rất lâu, tôi mới lại có một buổi sáng dậy muộn
07 Tháng Chín 20229:13 SA(Xem: 2361)
Hôm mới về đây, tôi thù ghét Túy vô cùng. Tôi nhớ mãi ánh mắt ra điều kẻ cả, đàn anh của hắn, nhất là giọng nói kênh kiệu.
20 Tháng Bảy 202212:00 SA(Xem: 5753)
Thưa chị Kim Huệ, chị hãy hãnh diện, có một người chồng, như Nguyễn Hữu Khang.
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 7673)
Bạn tôi nói, bạn tôi muốn thay hai chữ “đời sau” bằng “làm thơ”. Bạn tôi giải thích với hai chữ này, bạn tôi tự nhủ, bạn tôi cũng đã vừa…“làm thơ” trong hoàn cảnh đang mê mê với công việc của mình!!!
22 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 8113)
Pleiku, với tôi, chính là thành phố tự thân, có được cho riêng nó, cái nhan sắc đằm thắm. Kín đáo ấy. Mặc dù dư luận hay thành kiến, từng ghi nhận đó là nơi lưu đầy của những người kém may mắn.
05 Tháng Chín 20211:09 CH(Xem: 2570)
Một lần nữa, Chí Phèo, cho tôi được chúc: “Em đi bình an. May mắn”!!!
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17071)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12277)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19002)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9187)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8361)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 623)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 995)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1186)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22481)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14021)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19191)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7907)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8823)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8505)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11073)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30725)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20822)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25519)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22916)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21741)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19800)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18061)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19261)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16927)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16119)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24516)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31963)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34938)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,