Trên ngọn tình sầu (Tuỳ bút)

01 Tháng Bảy 202112:00 SA(Xem: 6082)
Trên ngọn tình sầu (Tuỳ bút)

Garden Grove, ngày 11 tháng 8 – 2011.

Lê Huyền TV, quê nhà, của chú,

Lời đầu tiên, chú thấy cần phải nói ngay với Lê Huyền TV là, lòng biết ơn vô cùng của chú, về tin cô HC! Mặc dù, đó là tin sét đánh và, đến với chú khá muộn màng. Bây giờ bên chú là 4:45PM. Đã hơn 24 tiếng, kể từ lúc cô HT cho chú hay tin dữ. Chú vẫn chưa ra khỏi được nỗi kinh hoàng của cơn địa chấn không chờ đợi. Và, cảm giác bung, đứt hàng loạt dây thần kinh, tê, liệt từng phần các giác quan, trong cơ thể mình. Đêm qua, chú đã định ngồi xuống viết cho con ít dòng, nhưng chú vẫn còn như người nửa mê, nửa tỉnh.

huyen_chau-content-content


Mới chiều qua, sau khi thông báo về cái chết của cô HC, với bạn, chú đã bật khóc. Chú không thể kiềm chế, nén xuống lâu hơn. Cùng với nước mắt tức tưởi như một đứa con nít, lúc đó, không gian, thời gian, vũ trụ, nhân quần, khổ đau, xa cách, tội lỗi, ân hận, luôn cả cô HC con và, chú…đều tan biến. Chú không có một ý niệm gì, khác hơn mầu trắng vô nghĩa của hư không! Ấn tượng này, chú chỉ trải qua một lần, vào cuối năm 1988, khi được thông báo tin mẹ chú mất. Ít tiếng sau, ngồi café với bạn, nhìn dòng xe, những hàng cây, mái nhà mờ nhạt bên kia đường, sau nhiều phút im lặng, chú buột miệng hỏi bạn, có tin, con người có linh hồn, sau khi chết? Bạn chú gật đầu đáp, có. Chú bảo, chú cũng tin như vậy. Kế tiếp, chú nói với bạn, chú hiểu, được làm người trong hoàn cảnh nào, cũng là một may mắn hãn hữu. Nhưng riêng chú, lúc này, chú lại thấy, rốt ráo, nó chỉ là một bất hạnh! Bất hạnh biển, lớn. “Thà làm cây cỏ, chim muông, chó, mèo… còn hơn làm con người như tôi…” Khi nói, chú nghĩ, chó, mèo chỉ có một lớp ký ức mỏng. Ký ức bản năng. Trong khi con người, ngược lại. Chúng ta bị nướng cháy trong tầng, tầng kỷ niệm lửa ngọn. Những ngọn lửa chói chan bất lực!

Có thể người bạn bị bất ngờ khi nhận từ chú, những bày tỏ không đầu, đuôi kia! Cũng như chú tin, ông không hề biết, sau khi được tin về cô HC của con, (dù sự việc xẩy ra đã trên nửa năm,) nhìn vào đâu, bắt gặp bất cứ hình ảnh thường nhật, nhỏ nhặt nào, chú cũng thấy như có linh hồn của cô HC, nơi đó.

Ngay những chậu cây của cô HT, chú vẫn thấy hàng ngày - -


Nhưng sau khi biết tin cô con mất, chú cảm tưởng không một cọng lá, một cành xanh nào, không có hình ảnh, linh hồn cô HC. Bước ra vườn sau, đứng trước chuồng chim, trong tiếng kêu lao xao, rối rắm của những con chim cockatail, hay tiếng hót thảng thốt của những con hoàng anh, zebras, chú cũng cảm được lẫn, ẩn trong những tiếng kêu thất lạc kia, có tiếng thở dài kín đáo của cô HC!

khituongtoihuyenchau21-content-content


Lê Huyền TV con,

Chú cũng nhận được điều gì đó, từ những đôi mắt tròn xoe, nín, lặng của bày cá koi. Chúng luôn xô đẩy nhau, ngoi khỏi mặt nước khi thấy chú. Chúng mở, khép liên tục, không thành tiếng, những cái miệng nhỏ xíu. Để chào đón chú, con lớn nhất trong bầy, thường tung mình vào không khí. Rồi thả rơi mình trở lại hồ nước. Nhưng lần này, sau khi để rơi mình xuống, nó biến khỏi đàn. Ra khỏi tầm nhìn của chú. Nó làm chú sợ. Chú nghe lạnh, rợn hai bên tai. Như sự hiển hiện của một linh hồn? Một lời chào? Cuối?

Chú biết, Lê Huyền TV, chú không thể mô tả rõ cái cảm giác run sợ của chú, khi những con gió lạnh bất ngờ xuyên suốt thân thể chú. Chúng để lại trong chú những thoáng ngắn ngủi (rất ngắn ngủi,) nhưng sắc. Buốt. Chú thấy như linh hồn cô HC, không chỉ chan hòa trên từng cọng cỏ mà, còn vọng lên sau từng bước chân (dù rất nhẹ) của chú. Hình ảnh cô HC, đôi mắt lớn, mở to niềm nín, lặng nửa thế kỷ, vẫn hiện ra. Sống động. Lung linh cả những lúc chú nhắm mắt. Niệm Phật. Cầm trên tay chiếc cọ, quệt bừa (không ý thức) một sắc mầu vô hồn lên khung vải, chú cũng thấy như lẫn trong độ ướt của sơn là, nước mắt. Lượng máu đang đặc lại trong óc cô HC, khi biến cố tai biến mạch máu não, xẩy đến. Xấn con dao lên khối mầu trên bố, chú cũng thấy như chú đang (và đã) rạch sâu thêm những đường rãnh chia, lìa mấy chục năm mưa, nắng lầm lũi khối tình, một đời, cô con dành cho chú…

Lê Huyền TV, con,

Hôm nay là Thứ Năm, kể từ trưa Thứ Hai, khi cô HT báo cho chú biết tin dữ. Đã ba ngày, đêm trôi qua! Mỗi sớm mai, chú vẫn ra khỏi nhà, tìm đến những chỗ ngồi cố định. Chú vẫn hút những điếu thuốc quen thuộc của mình. Vẫn chăm chú lắng câu chuyện của một số bằng hữu giới hạn. Chú vẫn nói, cười phụ họa. Như thể phần đời riêng của chú, diễn ra dưới bầu trời kia, vẫn êm đềm. Phẳng lặng. Trừ người bạn chú đã kể với TV, không một ai, đúng vậy, không một ai biết rằng linh hồn của “Trên ngọn tình sầu,” tác nhân của “Người về như bụi” và rất nhiều thơ, văn khác của chú, đã không còn nữa! Chỉ chú biết, dù đã ba ngày, đêm trôi qua, chú vẫn chưa ra khỏi được nỗi kinh hoàng của cơn địa chấn. Cảm giác bung, đứt hàng loạt giây thần kinh, tê, liệt từng phần giác quan, vẫn còn nóng hổi thần, trí!

Hôm nay là Thứ sáu, Lê Huyền TV, con. Buổi trưa, bên chú. Chú nghĩ, đã tới lúc chú phải nói một điều gì đó với con. Như một bày tỏ lòng biết ơn, những gì con dành cho cô HC. Và, tin tức (dù tin dữ) con đã báo cho cô HT và, chú. Chưa kể, chú thấy, ít nhất một lần, con phải được biết những sự thật chung quanh mối tình tuyệt vọng mà cô (và cũng là mẹ) của con, đã nín lặng mang về thế giới bên kia. Vì, chỉ một lần thôi, nên Lê Huyền TV, con hãy tin, trong chừng mực nào đó của lòng tự trọng và, của trí nhớ (có thể đã có ít nhiều hao hụt,) chú sẽ thuật lại một cách thẳng thắn chuyện tình của cô/ mẹ con và, chú. Như một báo đền ơn tri ngộ mẹ HC đã gửi cho chú. Tận cuối đời cô. Lý do chú nói, chỉ một lần thôi. Vĩnh viễn không bao giờ nữa. Vì chú nghĩ, cách gì thì, linh hồn mẹ HC, cũng cần được an nghỉ. (Đó cũng là điều chú mong có được cho mình. Một ngày nào.)

Lê Huyền TV thương, như con đã tình cờ đọc, biết, chú và, mẹ HC, là hai nạn nhân tội nghiệp của tinh thần kỳ thị Nam/ Bắc xã hội miền Nam thời đó. Chú và, mẹ HC quen, rồi yêu nhau từ ngày 14 tháng 11 năm 1962. Ngày định mệnh này, chú có ghi lại nơi trang cuối cuốn thơ “Tình Khúc Tháng Mười Một,” in năm 1965. (Thời đó, thời còn non, trẻ, chú bắt chước đôi ba đàn anh đi trước. Ấy là, mỗi khi có một tác phẩm mới, họ thường ghi nơi trang cuối sách rằng: “Bản đặc biệt được đánh số từ 1 tới 20,” kèm theo tên tác giả viết tắt - - (Đôi khi cũng có thể là tên tác phẩm,) trên một loại giấy đặc biệt. Để tặng. Phần chú, thay vì viết tắt tên mình hoặc, tên tác phẩm, chú ghi ngày sinh của mẹ con. Ngày sinh của chú. Ngày hai người gặp gỡ. Nhờ thế, khi lục lại sách cũ, chú nhớ được ngày 14 tháng 11 năm 1962. Mười bốn tháng 11, hai mươi sáu năm sau, cũng là ngày mất của mẹ chú!)

Nhắc lại chuyện này, chú chỉ muốn kể với con rằng, cuộc tình khốn khổ của chú và, mẹ con, tính đến ngày mẹ con “đi xa,” tổng cộng bốn mươi chín năm! Nửa thời gian một đời người (tính tròn con số một trăm năm.) Đó cũng là thời gian mà, sự thanh khiết, bản chất cao cả của mẹ HC, có được tới ngày từ trần! Với quãng thời gian dài đẵng, chất chồng không biết bao nhiêu bất hạnh, oan nghiệt như thế, không có nghĩa, chú và, mẹ HC không có cơ hội, hoàn cảnh sống với nhau. Nhưng, tuyệt nhiên, không. Với chú, mẹ HC là biểu tượng tình yêu cao quý nhất đời mình. Tuy vậy, con cũng hiểu, dù những người yêu nhau đặt để tình yêu ở tầng, cấp thiêng liêng nào, nó cũng vẫn vô nghĩa trước định mệnh cay nghiệt! Chú muốn nói, ngay khi cuộc tình của mẹ HC và, chú vừa bắt đầu thì, bi kịch xẩy đến.

Lê Huyền TV thương,

Chú nhớ, đó là một một buổi trưa cuối tuần, chú hối hả chạy tới căn nhà con đang ở. Giữa khi chú và, mẹ con đang ngồi nói chuyện, cách một mặt bàn (là quầy hàng) khá lớn, thình lình ông nội con từ nhà trong bước ra. Cũng thình lình, ông dang tay tát mẹ con với tất cả giận dữ. Như thù hận. Kèm lời nhiếc mắng!… Bất bình trước hành vi thô bạo của ông nội con, chú phản ứng bằng cách đứng dậy. Không suy nghĩ, chú nói:

“Thưa bác, đây là lỗi của con. Không phải của H.C. Con hứa với bác sẽ không bao giờ con bước chân vào căn nhà này nữa!”

Nói xong, chú hấp tấp đi ngay. Không nhìn lại mẹ con. Ra tới đầu đường, chú mới bật khóc!

Năm đó, chú hai mươi. Cô con, mười chín. Nó là mối tình đầu thực sự, đúng nghĩa, của chú. Vài tháng sau sự kiện vừa kể, chú phải rời Saigon, ra Nha Trang thực tập chuyên môn theo đòi hỏi của quân đội. Ngày chú về lại Saigon, vết thương kia vẫn còn bỏng rát thần, trí. Chú đã lén ngang qua ngôi nhà của ông, bà nội con, nhiều lần. Hy vọng, tình cờ sẽ thấy được mẹ HC. Nhưng là con nuôi của mẹ HC, con biết, mẹ HC có bao giờ tựa cửa! Mẹ con cũng không bao giờ xuất hiện nhà trước, nếu không có việc. Chú phải thú thật với con, nếu tình cờ thấy mẹ HC, chú không biết chuyện gì sẽ diễn ra sau đấy? Có thể chú và, mẹ con sẽ có lại nhau, giữa sôi sục của bão táp hai phía.

Chú không biết! Chú chẳng thể quả quyết điều gì, khi thực tế: Tuyệt vọng! Chỉ một điều chú biết. Một biết được muộn màng. Nhiều năm sau. Đó là, việc mẹ HC đã tìm đến ngôi nhà đường Trần Hưng Đạo, thời đó, của gia đình chú. Gặp người anh lớn của chú (người đóng vai quyền huynh thế phụ. Ba chú mất khi chú mới được 3 tuổi,) mẹ HC đã thành thật (một cách dại dột?) kể mọi chuyện xẩy ra… Mẹ con cho rằng chú quá tự ái! Chú cắt đứt mọi liên lạc với mẹ con. Một lá thư cũng không… Trong khi, mẹ HC, không hề có lỗi. Mẹ con kết luận, vì không biết tình trạng chú ra sao, nên liều đến nhà, hỏi xin tin tức.

Anh chú cho mẹ con biết, chú không có mặt ở Saigòn. Chú đi công tác ở Ninh Hòa, Nha Trang. Khi mẹ con hỏi xin địa chỉ, anh chú nói, gia đình chưa có. Bao giờ có, ông sẽ cho cô con biết. Nhưng, con hiểu, có thể đó chỉ một cách từ chối kéo! (Dù đi đâu, ở đâu, làm sao chú có thể không liên lạc với gia đình, với mẹ chú?!?) Chú cho rằng, nguyên nhân chính của sự từ chối ấy, là hành vi thô bạo của ông nội con. Chưa kể, khi đó, tinh thần phân biệt, kỳ thị Nam/ Bắc còn khá nặng nề! Khi hay biết chuyện này, chú đã có gia đình và, một con nhỏ!

Dẫu vậy, Lê Huyền TV thương, sự biết muộn màng kia, vẫn thức dậy trong chú, khát khao gặp lại mẹ con một lần. Một lần thôi. Dù biết, chẳng để làm gì! Giai đoạn này, Lê Huyền TV thương, với chú, giống như sự hồi tâm của định mệnh tồi tệ. Nó bỗng dang tay, làm chiếc cầu cho mẹ HC, chú được gặp lại nhau. Người đóng vai bà tiên mang phép lạ đến cho mẹ con và, chú, là một người bạn văn nghệ của chú. Nhà thơ T.M. Khi ấy, bà ở đường Trần Hoàng Quân, Ngã Sáu. Saigòn. Bà tình nguyện đi tìm mẹ HC… Căn nhà, phòng khách của bà, trong nhiều ngày, tháng, là nơi chốn mẹ HC và, chú tìm lại được đời mình. Tại căn nhà đó, một chương trình cụ thể vẽ ra. Đó là quyết tâm đi tới của mẹ con. Việc làm đầu của của mẹ HC là, tạo tình thân với đứa con gái đầu của chú. Khi đó, em sống với chú. Không phải với mẹ. Nhưng sau nhiều cố gắng, kiên nhẫn, mẹ con bảo, mẹ con bất lực! Lần nào được mẹ HC bế, con gái chú cũng rẫy dụa. Gào. Khóc. Cuối cùng, mẹ con nói, “C. không vì tình yêu của mình mà nhẫn tâm chia cắt tình cha con của L!” Sau cố gắng lần chót, mẹ HC lặng lẽ chia tay chú. Mẹ con cũng không tìm đến bà T.M, thêm một lần nào khác!

Lê Huyền TV thương, chú tin, con hiểu, quyết định chấm dứt vừa kể, là một quyết định khó khăn. Không phải ai cũng có thể làm được. Nó mang ý nghĩ một hy sinh. Cao cả. Chú đau khổ. Nhưng kính trọng chọn lựa của mẹ HC. Từ đấy, mẹ HC và, chú lại thất lạc nhau!!! Hiện tại, chú không thể nhớ bao lâu, trường hợp nào, chú và, mẹ con mới lại gặp nhau. Chú nghĩ, rất ít ỏi. Và, thời gian gặp lại, cũng không lâu!

huyenchau_01_w-content
Nhà thơ Du Tử Lê đang tìm phần tro cốt của Huyền Châu. (Hình: Hạnh Tuyền)


Chú nhớ, lần chót, chú tình cờ gặp mẹ HC, là trung tuần tháng 4 năm 1975. Khoảng hơn mười giờ sáng. Khi ấy, chú chở cô HT tới trường Trần Quý Cáp, ở công trường Duy Tân, cũ - - Nơi các giáo chức di tản từ Pleiku về Saigòn phải tới trình diện. Trong lúc chú chờ cô HT ngoài cổng trường thì, mẹ HC đạp chiếc mini ngang qua. Mẹ HC dừng lại. Nói, trên đường đến trường Văn Khoa… Mẹ con hẹn chú, tầng lầu ba. Mười hai giờ trưa. Gặp lại bất ngờ. Cuộc hẹn còn bất ngờ hơn nữa. Chú chỉ có hơn một tiếng để chở cô HT về. Trở lại sở. Giải quyết một vài việc khẩn cấp. Cuối cùng, giờ hẹn qua đi. Nhưng chú vẫn đến. Tất nhiên, mẹ con không còn đấy, để chờ. Đợi! Lê Huyền TV, con đừng quên, chiến tranh khi đó đã áp sát, vây khổn Saigòn. Mọi sinh hoạt không chỉ bị đảo lộn mà, còn được tính từng giờ. Không một ai có thể đoán trước điều gì! Đó cũng là thời gian tất cả quân nhân ở Saigon, bị cắm trại 100%. Chú muốn nói, việc đi lại rất ngặt nghèo. Người bình thường muốn liên lạc với nhau, chỉ có một phương tiện duy nhất là, gặp nhau tận mặt! Và, một trong những điều không ai ngờ nhất, là sự kiện quân đội miền Nam bị buộc phải buông súng. Sáng 30 tháng 4 - 1975. Đất nước mình lật qua trang sử khác. Chú ra khỏi Saigon, một ngày, trước đấy.

Năm 1991, chú quyết định về thăm mẹ con, khi biết chính xác, mẹ con, vẫn chưa lập gia đình. Và, thời gian đầu, khi các công chức, sĩ quan bị tập trung cải tạo ở một số trại tù miền Nam, mẹ con đã lặn lội đi tìm chú… Gặp lại sau mười sáu năm bặt tin, bước vào ngôi nhà tai ương, địa ngục thời mới lớn của mình, chú hồi hộp như những ngày đầu, mấy chục năm trước. Thấy nhau, cả mẹ HC lẫn chú, ngỡ ngàng. Không cười/ khóc nổi! Chú cũng gặp lại ông nội con. Khi đó, ông đã già nhiều. Chú gật đầu chào. Cảm giác ông không còn thù ghét chú như xưa. Riêng bà nội con, người chú gặp đầu tiên, ngoài cửa, không che dấu xúc động. (Ngay tự những ngày đầu, bà là người luôn ân cần với chú!) Thời gian này, con đang du học ở Nga. Nhưng mẹ HC vẫn đề cập tới con, với chú. Như đó là một đứa con chung. Của hai người. Ít ngày sau, khi những con sóng mừng, tủi dịu xuống, trước khi phải trở lại Mỹ, chú ngỏ ý, đưa mẹ HC qua Mỹ. Nếu mẹ con đồng ý.

Khi đó, Lê Huyền TV, con, chú là người đàn ông độc thân trên pháp lý, cũng như trên thực tế đời thường. Lợi tức hàng tháng của chú, đủ lo cho một gia đình nhỏ. Nhưng mẹ HC cho biết, không thể bỏ cha, mẹ già. Mẹ HC cũng không muốn rời bỏ thành phố - - Nơi lưu giữ tất cả những gì thuộc về mối tình đầu của mẹ con. Mẹ HC muốn chú bỏ Mỹ, trở về VN. Sống. Về vật chất, mẹ con nói, có thể lo cho chú. Cộng với phần tài sản mà mẹ con tin, sẽ được chia, khi lấy chồng…

Nhưng, Lê Huyền TV thương, trước nhất, vì xa VN quá lâu, chú không nghĩ mình có thể thích hợp với cuộc sống mới ở Saigon. Thứ đến, là đàn ông, tương đối còn trẻ, làm sao chú có thể sống bằng sự bảo bọc của mẹ HC! Trường hợp nào thì chú cũng có tự ái của một người đàn ông! Chú nói với mẹ HC, thư thả. Một thời gian nữa… Chú định làm việc thêm ít năm, rồi chú sẽ về hưu non. Với lương hưu trí dù ít, chú nghĩ, vẫn có thể sống được ở VN…

Giữa lúc mọi chuyện chưa ngã ngũ, thì một lần nữa, bàn tay oan nghiệt của định mệnh, lại khuấy đục cuộc đời chú và, mẹ H.C! Số là khi chú trở về Mỹ lại, đâu khoảng vài tháng thì, một biến cố lớn, xẩy tới cho chú. Một học trò cũ của cô HT, tên Tôn Nữ TT, sau nhiều năm kẹt ở trại tỵ nạn, vào được Mỹ. Tìm chú. Cô ấy nhắc lại, đã yêu chú từ năm cô mới học đệ ngũ ở Pleiku. Đó là năm 1972, khi chú thuyết trình trong tuần lễ “Tuần lễ Văn Hóa Pleiku.” Trên nguyên tắc, chỉ những học sinh đệ nhị cấp, tức từ lớp đệ tam trở lên, mới được cấp giấy tham dự những buổi thuyết trình về văn chương, trình diễn âm nhạc của tuần lễ này. Nhưng vì muốn gặp chú, cô đã mượn giấy phép tham dự của một chị lớp đệ nhị. Thuyết trình xong, vừa bước khỏi sân khấu, một nữ sinh chặn chú lại, là TT. Cô không hỏi chú điều gì. Chỉ đưa chú địa chỉ nhà. Lí nhí, nói, ông già cô muốn được gặp chú. Hôm sau, chú tới thăm gia đình cô. Chú không gặp ai, ngoài TT. Lúc này, chú cũng chẳng biết phải nói gì! Phần cô ấy, có dễ vì ngượng ngùng, nên trước sau, chỉ cúi đầu. Im lặng. Ngồi một lát, chú lấy cớ trả xe, trả tài xế, chú ra về. Trở lại Saigon, không lâu, chú nhận được thư tỏ tình của TT. Chú không trả lời. Nghĩ, cô còn quá nhỏ. Chú cho, đó chỉ là một thứ tình cảm bồng bột của một cô gái mới lớn. Lại nữa, thời gian ấy, chú đang có gia đình.

Những tưởng thời gian sẽ làm TT quên đi mối tình bồng bột, cuồng nhiệt kia! Ai ngờ, cô giữ mãi tới năm 1988. Năm cô vượt biên với mục đích đi tìm chú. Trên đường đi, chẳng may cô bị nạn hải tặc!!! Cô nói, đã bao lần định tự tử. Nhưng nghĩ lại, cô thấy cô phải sống. Phải gặp chú một lần. Cho chú biết, những gì đã xẩy đến cho cô, từ ngày chú ghé thăm gia đình cô năm 1972. Cô kể, giữa năm 1974, sau lần gặp chú đầu tiên ở Hội trường trường Tuyên Đức, Pleiku (nơi chú thuyết trình,) một lần bị gia đình rầy, la, nương vào chuyện này, cô trốn nhà vào Nha Trang. Từ đó, cô đi xe đò vào Saigon. Cô tìm chú tại nơi chú làm việc. Không hiểu lý do gì, mấy người lính gác cổng trả lời cô, chú đã đổi đi nơi khác! Nhiều năm sau biến cố 30 tháng 4- 1975, một ngày, tình cờ cô đọc được một bài thơ của chú, do một tờ báo ở Saigon đăng lại. Cô biết chú còn sống. Ở Mỹ. Cô rắp tâm vượt biên bằng mọi cách. Sau nhiều thất bại, bị bắt giam, lần chót, cô đi được. Nhưng, như chú đã kể với con, chẳng may, cô gặp hải tặc…!!! Tìm được chú, sau khi nói hết mọi chuyện, cô xin cho cô ấy được sống với chú ba tháng. Cô nói, sau đó, cô sẽ ra đi. Và, chú an tâm, sẽ không giờ còn có dịp nghe đến tên cô!!! Trước tình cảnh này, Lê Huyền TV con, chú không có chọn lựa!

huyenchau_02_w-content


Hết ba tháng, cô TT nói, hãy nghĩ tới vết thương đời cô mà, đừng xua đuổi cô. Cho cô được sống thêm, ít ngày… Một lần nữa, Lê Huyền TV con, chú bất lực! Đề nghị “thêm ít ngày” kia, kéo dài thành… hai năm! Cuối cùng, để chấm dứt, chú bỏ trốn… Cuộc trốn chạy của chú, có hai mục đích. Một, chú nghĩ, phải để cô ấy đi lấy chồng. Cách gì thì cô cũng còn quá trẻ. Thảm kịch biển đông cô phải khứng chịu, đã là một bất hạnh trời, biển rồi! Cô xứng đáng hơn bất cứ ai, có được một cuộc sống bình thường. Như bất cứ một người con gái nào khác. (Bây giờ cô đã có gia đình. Có hai con.) Chưa kể, chú vẫn nhớ lời hứa sẽ sớm trở về thăm mẹ HC. Cùng dự tính tương lai của chú. Để thực hiện được tính toán của mình, trong thời gian trốn chạy, chú không cho ai biết nơi ở mới của chú…

Đọc tới đây, có thể con sẽ đặt câu hỏi với chú, tại sao chú không viết thư cho mẹ HC? Câu hỏi hữu lý! Chú cũng tin, với bản chất cao thượng và, thói quen nín, lặng. Quên mình. Chấp nhận của mẹ HC, nếu được biết, mẹ con sẽ lại nín, lặng. Chịu đựng. Chờ đợi. Nhưng, ngặt nỗi con người chú vốn yếu đuối! Chú không đủ can đảm thú nhận sự thật. Chú cũng không đủ can đảm, đem thêm đau đớn đến cho mẹ con. Chú ngậm tăm! Với hy vọng hão huyền, mẹ con tin rằng, chú đã chết!

Kể lại, Lê Huyền TV con, chú không hề có ý muốn đổ lỗi cho định mệnh. Chú kể lại, chỉ như một thú tội muộn màng của chú với linh hồn mẹ HC. Và, mặt nào khác, chú cũng muốn nói với con, dường như oan nghiệt, là lời nguyền không bao giờ lơi, buông trên số phận của chú và mẹ con. Mặt nào khác, chú cũng muốn con thay mặt mẹ HC, nhận ở đây, lời thú nhận tội lỗi, ân hận (dù quá mức muộn màng,) của chú.

Con không biết đâu, Lê Huyền TV, chú càng ân hận, càng ám ảnh nhiều hơn nữa, khi được con cho biết (qua cô HT,) rằng, đám tang của mẹ HC diễn ra lạnh lẽo! Thưa thớt vài người thân, cộng luôn hàng xóm! Một sáng Nguyên Đán! Lúc đầu, chú những tưởng mẹ HC mới mất. Chú đã nói với cô HT rằng, chú sẽ mua vé may bay về gấp VN, để dự đám tang mẹ con. Khi ấy, cô HT mới cho biết thêm, “Cô HC mất đúng ngày mồng một Tết. Nửa năm rồi!” Bốn tiếng sau, TV con, chú lại gọi cho cô H.T. ở chỗ làm, hỏi về ngôi mộ của mẹ con? Lý do, chú định năm tới, chú sẽ về Saigon, lập mộ cho mẹ con. Khi ấy, cô HT lại buộc phải cho chú biết, “Cô HC được hỏa táng. Tro cốt gửi trong một ngôi chùa Gò Vấp!” (Lý do cô HT quyết định không cho chú biết một lần, mọi chi tiết về cái chết của mẹ con; vì, như cô HT đã nói với con, cô muốn tránh cho chú một cú “shock” quá mạnh, giữa khi sức khỏe của chú đang không được tốt lắm!)

TV con, buông máy xuống, chú hiểu, cuối cùng, cả hai dự tính nhỏ bé, sau chót của chú, cũng không thành!

Lê Huyền TV quê nhà, của chú,

Như phần đầu thư này, chú nói, “… đã tới lúc chú phải nói một điều gì đó với con. Như một bày tỏ lòng biết ơn, những gì con đã dành cho mẹ HC. Chưa kể, chú thấy, ít nhất một lần, con phải được biết những sự thật chung quanh mối tình tuyệt vọng mà, mẹ HC đã nín, lặng mang về thế giới bên kia. Lý do chú nói, chỉ một lần thôi. Vĩnh viễn không bao giờ nữa. Vì chú nghĩ, linh hồn mẹ HC, cách gì, cũng cần được an nghỉ. (Đó cũng là điều chú mong có được cho mình. Một ngày nào.)" Nhưng TV con, tới đây, chú thấy, dù có viết, có kể lể với con, dài, lâu bao nhiêu thì, chú cũng chẳng thể thay đổi hay, giảm sút được tội lỗi, ân hận của mình. Chưa kể, có khi nó chỉ gây thương tổn thêm, cho vong linh người đã khuất!?!

Vì thế, chú dừng bút đây Lê Huyền TV. Chú dừng bút với câu nói, chú vẫn cho là “cải lương,” khách sáo - - Nhưng, lần này, với chú, nó lại không thể thích hợp hơn:

“Thư bất tận ngôn!”

Chú tin, con hiểu?

 

Du Tử Lê,

(Aug. 19 – 2011.)





Bên lề tùy bút/ Thư của Lê Huyền TV.

Saigon, 11/08/2011


Kính thưa Chú

… Tình cờ sáng nay cháu lên mạng, đọc được bài viết trên mạng về chuyện của chú và cô của cháu, cháu thấy thương cho cô chú quá. Cháu có nghe kể chú có về VN năm 1991 khi cháu đi học xa. Khi đọc được bài viết  67 khúc thêm cho Huyền Châu”, cháu cứ lưỡng lự không biết có nên báo tin này cho chú không. Cuối cùng cháu quyết định nên cho chú biết... không biết có gì phiền cho chú không...

Cô Huyền Châu cháu đã mất hôm tết Tân Mão này rồi chú ơi. Đúng ngay ngày mùng 1 Tết. Cô ra đi, cũng cô đơn như khi cô còn sống. Thường ngày cháu ở nhà với cô và bà nội ở BCD, đến ngày nghỉ, ngày lễ mới về nhà chồng ở Gò Vấp. Tết này cháu về GV ngày 28 tết, đến chiều 30 Tết, không biết có một linh cảm gì đó, cháu quay về nhà Bến Chương Dương, cô vẫn bình thường, vui vẻ. Vậy mà... Sáng mồng 1 cháu được tin như sét đánh ngang tai, không tin đó là sự thật nữa. Hàng xóm cho hay cô bị đột quỵ và đã được đưa vào viện... Khi cháu vào viện, cô vừa tỉnh, dù vẫn còn rất mệt đã nhắc “Bà nội ở nhà vẫn chưa ăn cơm.” Cháu quay về nhà để lo cho bà, để thằng em ở lại bv, nhưng vừa về nhà thì điện thoại cho hay cô lại mệt. Cháu quay vào thì cô đã hôn mê rồi. Lúc đó là 7 giờ tối ngày mồng 1 tết (3/ 2/ 2011.) Vì là ngày Tết nên cháu chẳng báo ai. Đám tang chỉ có vài người hàng xóm, chị em cháu và vài học trò của cô. Đến giờ cháu vẫn chưa báo với ai kể cả cô Huỳnh Điểu là cô cháu đã mất. Đáng buồn hơn nữa đến mồng 10 Tết, bà cháu cũng qua đời mặc dù trước đó không có bệnh tật gì. Mặc dù nhà giấu tin cô mất nhưng có lẽ bà vẫn linh cảm được và mấy ngày trước khi bà mất, bà rất buồn.

Thật ra, bằng thời gian này năm ngoái cô đã bệnh khá nặng, theo chẩn đoán là bị xuất huyết lều tiểu não. Điều trị ở BV 2 tháng, cô hồi phục, mặc dù không bình thường như trước nhưng cô vẫn sinh hoạt bình thường, sáng đi bộ thể dục, ngày ngày lo cơm nước cho bà, dọn dẹp nhà cửa. Bà cháu già lẫn hay la mắng nên không nhờ ai giúp được, nên cô phải lo một mình.

Hiện giờ cháu vẫn ở nhà BCD để lo nhà cửa và hương khói. Mặc dù tro cốt cô gửi ở chùa Gò Vấp (gần nhà mẹ và các em cháu) nhưng cháu vẫn tin là cô vẫn ở đây bên cạnh cháu vì trước kia cô có lần nói với một người hàng xóm rằng “con Thụy đi đâu tôi đi theo đó “ (lúc đó cháu chuẩn bị mua đất ở GV để làm nhà có một mảnh sân nho nhỏ cho cô vì cô rất thích trồng cây, nhất là phong lan.) Thế nhưng, ý định chưa được thực hiện thì cô đã ra đi. Nhiều lúc cháu cảm thấy mình có lỗi đã không giúp gì được cho cô. 6 tháng rồi, cháu vẫn chưa quen được với cái sự thật là cô đã đi xa mãi mãi chú ạ. Nỗi đau cứ âm ỉ ngày đêm vì bao nhiêu năm nay cô đã như một người mẹ của cháu. Cái gì trong căn nhà này đối với cháu cũng chất chứa đầy kỷ niệm.

(…)

Kính ,

Cháu TV.

Saigon, 20/ 8/ 2011.

Chú kính mến,

Trước hết con xin lỗi vì đã trả lời thư chú muộn dù chú dặn khi nhận được thì trả lời ngay. Nhưng mấy ngày nay, nhiều chuyện lung tung quá, con chưa viết được cho chú. Mong rằng sức khỏe chú hôm nay đã hồi phục tốt hơn.

Con đã đọc đi đọc lại nhiều lần lá thư chú viết cho con và bài tùy bút. Chỉ có đến bây giờ con mới hiểu được sự thay đổi đột ngột trong biểu hiện của cô Châu trong những năm 90…

Chú biết không, năm 1991, trong những lá thư viết sang cho con, cô đã thể hiện sự cởi mở, niềm hạnh phúc vô biên… điều mà trước đó con chưa từng thấy ở cô. Cô đã hăm hở kể con nghe chuyện chú đã nhận lời dạy Anh văn cho con khi con về (lúc đó con mù tịt Anh vì con học Pháp ở trường.) Cô cũng rất mừng nói với con, cũng giống như nhận xét của chú, là ông nội đã chẳng còn ác cảm với chú như xưa… Vậy mà sau ngày con về nước, mọi chuyện như khác hẳn. Mặc dù cô vẫn rất vui đón con về, nhưng dường như niềm vui đó có cái gì đó không trọn vẹn và cô hoàn toàn kín đáo và tránh né chuyện đó.

Con có cảm tưởng cô muốn giấu đi nỗi buồn của mình. Từ ngày đó trở đi, cô sống tất cả cho con, cho ông bà nội.


Năm 94, ông nội con mất, những chuyện trong gia đình xảy ra giữa ba mẹ con với cô làm cô rất buồn, nhưng điều đó không làm suy suyễn tình thương cô dành cho con và ngược lại. Vì lúc ấy con đã đủ ý thức để nhận định, phân tích, con hiểu là cô Châu chịu thương khổ chỉ để lo cho ông bà và con mà thôi.

Cũng có thể vì vậy mà sau này mẹ con và các em con không thích con mấy. Đối với con, cô Châu là một người mẹ, người bạn mà con chẳng bao giờ tìm thấy lại trên cuộc đời này nữa. Con không hiểu sao khi sinh ra con đã sống trong gia đình này và tại sao mẹ con lại đối với con không như các em khác…

Nhiều khi con muốn đến gần mẹ con… nhưng một cái gì đó đã đẩy bật con ra thật xa.


Hơn nửa năm rồi kể từ ngày cô Châu rời con để đi xa, rồi bà nội con cũng ra đi vài ngày sau đó, con vẫn chưa tìm được một chốn bình an cho tâm hồn chú ạ. Nhiều chuyện xảy ra không lâu sau đó với những người gọi là ruột thịt làm con bất ngờ đến hụt hẫng… Từ đó, đã thấu hiểu nỗi đau mà cô Châu đã chịu từng ấy năm trời. Con đang viết cho chú trong căn nhà đầy ắp những kỷ niệm vui buồn của cô Châu với con từ thuở bé. Dáng gầy gò của cô lui cui bên bếp chuẩn bị bữa ăn tối mỗi ngày khi con đi làm về vẫn còn đâu đây. Bây giờ chiều con về, nhìn căn nhà sau vắng lạnh mà lòng đau nhói. Con chỉ biết ra ngồi ngưỡng cửa nhìn ra bancon, mảnh vườn đầy kỷ niệm của cô mà nước mắt đầm đìa… cảm thấy cô vẫn quanh quẩn đâu đây lúi húi tưới cây, mắt rướm lệ những khi con gặp những điều không hay trong cuộc sống… hoặc có những buổi chiều cô cháu ngồi hóng mát, con kể cho cô nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh ở công ty hay gặp trên đường rồi cùng cười khúc khích cả buổi. Thế mà con sắp phải xa nơi này rồi, khi cô và bà nội mới ra đi chưa tròn năm.

Con chỉ biết tự an ủi mình rằng con đi đâu thì cô cũng theo con đến đó, như cô đã tâm sự một năm trước với một người hàng xóm…

Chiều nay trời mưa. Cơn mưa tháng bảy làm con chợt nhớ tới thời gian này năm ngoái, thời gian này cô đang nằm dưỡng bệnh ở BV điều dưỡng Quận 8 sau 2 tháng bệnh nặng ở Chợ rẫy. Chiều nào đi làm về con cũng ghé qua ngồi với cô, hạnh phúc khi thấy cô đã ăn được một chút và đi lại khỏe, nhanh nhẹn hơn. Lúc nào con vào thăm, cô cũng thật vui vẻ tươi tắn, con cảm thấy tràn ngập hạnh phúc khi thấy cô ngày càng khá ra... Hai cô cháu xuống lầu, đi dạo khắp vườn bệnh viện, cô rất yêu cây cỏ, muông thú. Có lẽ đó là tính con được thừa hưởng từ cô. Ai cũng nghĩ cô cháu con là mẹ con hết. Chị điều dưỡng kể rằng khi nói cô không có gia đình, con chỉ là cháu thì những người nằm phòng bên xì xào: chắc là con gái mà không nhận vì một lý do nào đó… chứ làm sao mà cô cháu lại gần gũi như vậy được. Nhưng con nghĩ là gì cũng được, miễn là cô cháu con ở bên nhau vậy hoài là được rồi. Nhiều hôm đang đi dạo trời mưa, cô cháu vừa rúc rich cười vừa kéo nhau chạy vào núp dưới cây nấm che giữa vườn. Từ đó có thể nhìn thấy một cây kiểng xanh um uốn hình con nai mà cô hay đùa rằng con nai bị béo phì do ở thành phố chật hẹp không có chỗ chạy chơi.

Một chiều thứ bảy buồn lại trôi qua… Con hối hận vì ngày xưa tối thứ bảy – ngày chủ nhật hàng tuần đã để cô với bà nội ở nhà để đem cháu bé về bên nội (tuần con về bên đó chỉ một lần.) Con tự trách mình nếu như hôm tết con không đi, thì có lẽ cô sẽ không bị như thế. Có ai ngờ đâu cô ra đi khi sức khỏe có vẻ khả quan hơn xưa. Mấy ngày trước tết, ngày nào chiều con cũng ráng chạy từ nhà chồng trên Hạnh Thông Tây về BCD chỉ để thăm cô và bà nội. Phải lấy lý do là để quên cái gì đó về lấy … vì cô muốn Tết là con phải ở trọn vẹn bên nhà ba thằng bé vì ngày thường đã ở suốt với bà và cô. Chiều 30, con lấy cớ là về để mang thêm quần áo. Ngồi chơi mà cô cứ giục con đi về… Lúc đó cô vẫn khỏe, bình thường.

Thế mà sáng mồng 1, mới 8g con đã nghe người tin dữ là cô đã vào bv cấp cứu. Con không tin vào tai mình, cứ mong đó chỉ là sự nhầm lẫn. Con chạy đến bệnh viện, cô vẫn nằm thiêm thiếp, xanh xao. Khi cô vừa tỉnh lại, câu hỏi đầu tiên là lo bữa ăn trưa cho bà nội…

Cô con sống cả đời chỉ vì cha mẹ vì cháu. Hình như không có cái gì riêng cho mình cả. Lúc xếp đồ cô vào, con đau đớn khi thấy quần áo cô chỉ có những quần áo con đã mặc rồi. Quần áo mới thì cô xếp vào góc tủ… (…..)

Th.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 6130)
Dù muốn hay không, Phở Xe Lửa từ nhiều chục năm qua, cũng đã là một nơi chốn tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực của người Việt ở quê người
26 Tháng Mười Hai 201512:00 SA(Xem: 3458)
Từ trên cao nhìn xuống, con sông Columbia River chẻ thành phố thành hai phần không đều. Bên cát bồi, nước lấp xấp, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trờ
01 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 5143)
Cũng dễ đã năm, sáu tháng, tôi không còn cầm bút để viết bất cứ một điều gì xẩy ra trong, hay chung quanh, đời sống tôi
19 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 3697)
Cuối cùng, chiếc phi cơ cất cánh từ phi trường Los Angeles vào lúc một giờ khuya phải đục trần mây, chúi mũi, lao xuống, sau khi đã nhiều lần. chao cánh
15 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 3846)
Tôi tin, ở cõi khác, Thầy Tuyến của tôi, sẽ đọc được những dòng chữ này.
09 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 6128)
Nếu không bị lưu lạc quê người, liệu tôi có cột buộc nỗi buồn mình vào chân ngựa, để chúng phải chia xớt với tôi, phần nào mối bất hạnh của kẻ bị ném văng khỏi tổ quốc
23 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 4753)
Tôi biết, tôi có phần nào đường đột khi gửi lá thư này, tới chị. Dù cho lá thư được viết, bằng vào sự nhân danh những người bạn của anh Yên
28 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 4627)
“Thưa chị, kẻ nào rồi cũng chết. Như chắc chắn mỗi chúng ta sẽ có được cho mình một chỗ nằm yên ổn. Khác nhau chăng, chúng ta đã sống thế nào, ra sao, trong đời sống?
02 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 4227)
Đã lâu, tôi không còn bữa cơm chiều. Hai tuần nay, khi sửa soạn để rời bỏ căn nhà, nơi tôi đã có gần mười năm sống với; các con tôi đã phải tự tìm lấy cho chúng một nơi chốn.
06 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 4968)
‘Em’ đi bình an. Bố mừng em sớm trả dứt nghiệp. Bố tin khi em trả xong những ác nghiệp khiến em bị đọa vào hàng súc sinh. Em sẽ trở lại kiếp người, nếu không được làm kiếp chim, (như bố hằng cầu nguyện, mơ ước cho chính mình)
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17048)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12262)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18992)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9174)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8346)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 983)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1172)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22466)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14004)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19182)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7900)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8817)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11065)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30718)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22912)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21734)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19791)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18057)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19257)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16924)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31959)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,